Đi trên thủy tinh và than hồng để… giảm stress!

Đi trên thủy tinh và than hồng để… giảm stress!


Cao hứng, nhiều người còn thử cõng nhau nằm trên con đường đầy mảnh thủy tinh (Ảnh: PV/Vietnam+)
Gần 500 kg thủy tinh vỡ được cánh thanh niên trải thành hàng dài khoảng 5m. Đám đông xung quanh xuýt xoa, pha lẫn vẻ kinh hãi. Chưa nói gì tới việc chân trần băng qua đống thủy tinh sắc lẹm, nhiều người thậm chí còn chẳng dám bén mảng đến khu vực gần đấy vì sợ mảnh vỡ thủy tinh vỡ bắn ra có thể cứa đứt chân.
“Con đường thủy tinh”
Buổi giao lưu của lớp học Cảm xạ do thầy Dư Quang Châu (Đại học quốc tế Hồng Bảng) tổ chức tại Bắc Ninh cuối tuần qua đã thu hút rất đông học viên cũng như du khách hiếu kỳ. Độ “khốc liệt” của thử thách nằm ở chỗ học viên sẽ phải đi chân trần trên quãng đường lởm chởm mảnh chai. Để chuẩn bị cho màn biểu diễn ấy, thầy Châu và mấy chục học viên đã phải đập gần 1.500 vỏ chai để trải trên chiều dài 5m sân.
Trái với vẻ ngại ngần của nhiều người có mặt lần đầu, phần lớn học viên của lớp thầy Châu lại tỏ ra thích thú, thậm chí khâu chuẩn bị chưa xong thì một học viên nữ đã xăng xái bước lên đòi đi đầu tiên.
Tất cả mọi người nín thở khi gót chân “ngà ngọc” của cô gái trẻ bước lên “con đường thủy tinh,” nghe rõ tiếng thủy tinh lạo xạo dưới mỗi bước đi. Ai nấy đều dán mắt về phía bàn chân của cô gái “gan cùng mình” như cố tìm vết cắt của mảnh thủy tinh. Thế nhưng, cô gái nhỏ nhắn vừa chậm rãi bước vừa cười thật tươi, hai tay dang rộng. Những tiếng thở phào thoát ra khỏi lồng ngực của nhiều người khi cô gái hoàn thành trọn vẹn phần biểu diễn, trong tiếng hoan hô dậy đất của đám đông.
Theo thầy Châu, thật ra bài biểu diễn đi trên mảnh thủy tinh không có có gì là quá ghê gớm, ai cũng có thể thực hiện được. Đây cũng không phải là bài thi bắt buộc, hay là thách đố nhau làm điều kỳ quái mà người ta vẫn thấy trong các chương trình chuyện lạ đó đây. Bài biểu diễn này chỉ nhằm khuyến khích người tham gia chiến thắng nỗi sợ hãi của bản thân, vượt lên chính mình.
Hơn nữa, người tham gia cũng đều được hướng dẫn tỉ mỉ và cẩn thận bởi những người có kinh nghiệm, để tránh những sơ suất đáng tiếc. Và điều quan trọng là bài biểu diễn này được thực hiện trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, và khi thực hiện xong, ai nấy đều cảm thấy vui vẻ, tự tin hơn.
Đấy cũng chính là tinh thần của lớp học Cảm xạ (do Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng cảm xạ học, thuộc Hội liên hiệp Khoa học kỹ thuật Hà Nội), hiện đang thu hút rất nhiều người tham gia trên nhiều tỉnh thành. Mục đích của những người tham gia lớp học là hướng đến những hoạt động thể chất và tinh thần lành mạnh, nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật, giảm stress, phát triển trực giác…

Liền chị quan họ vừa đi trên thủy tinh vừa hát
“Trong thời buổi mà nhịp sống gấp gáp như hiện nay thì cảm xạ học là một trong những phương pháp giải tỏa stress hữu hiệu, cũng như khơi dậy khả năng tiềm ẩn trong mỗi con người”, thầy Dư Quang Châu giải thích.
Anh Vinh, một kiến trúc sư trẻ mới tham gia lớp học khoảng một tháng nay thì chia sẻ: “Ngày nào lên mạng đọc báo cũng thấy hết chuyện cướp giật, giết người lại đến khoe hàng. Công việc lại bận rộn nên tôi muốn tìm một hoạt động thể chất và tinh thần nào đó phù hợp. Vì thế, qua giới thiệu tôi đã tìm đến lớp cảm xạ của thầy Châu. Tôi nghĩ đó là một hoạt động lành mạnh và nhân bản.”
Trong buổi giao lưu vừa tổ chức tại Bắc Ninh, thần phần tham gia có đủ mọi lứa tuổi, thành phần. Đa phần trong số đó là các “cảm xạ viên,” song cũng có nhiều người là đến lần đầu.
Chứng kiến cô gái trẻ bước ra khỏi mảnh sân đầy mảnh sành, bác Lan (Hà Nội) thở phào vì chẳng có cảnh hãi hùng nào như bác tưởng tượng. Đi theo một người bạn đến đây, bác cũng muốn thử “vượt qua chính mình” như lời quảng cáo của bạn. Nhưng rồi, nhìn từng bao tải vỏ chai vỡ đổ ra sân, ý định của bác bỗng thụt lùi hẳn.
Thế nhưng khi đã có người đi tiên phong, bác Lan thấy tự tin hơn nhiều. Nhìn đám thanh niên hăng hái ra đăng ký đi thử bác cũng thấy “sôi sục”. Thế rồi, bác Lan xắn quần đòi đi thật. Cả đám đông cười ồ khi nhìn người phụ nữ đứng tuổi nhắm tịt mắt dò dẫm từng bước trên đổng mảnh sành. Nhưng chỉ một chốc, tiếng mảnh chai vỡ giòn tan dưới chân khiến bác Lan tự tin hẳn.
Phía sau bác Lan, nhiều người cũng sốt ruột chờ đến lượt xuất phát. Chỉ trong phút chốc, cả chục con người hăng hái thử cảm giác mới lạ này.
Đi trên than hồng
Cuộc biểu diễn cứ thế kéo dài đến tận xẩm tối. Lúc này, thầy Dư Quảng Châu giục đám học trò dọn hết thủy tinh vỡ ra khỏi con đường ban nãy. Một ngọn lửa lớn được thầy Châu nhóm lên ngay bên cạnh. Liền sau đó, 5 bao tải than củi cỡ lớn được mấy gã lực điền ào ào trút vào, bừng bừng cháy rực.
Rổn rảng giọng cười của người Nam Bộ, thầy Châu bảo: “Những chuyện đi qua đường rải đầy thủy tinh, nằm trên thủy tinh khi nãy chỉ là màn khởi động. Mục chính hôm nay vẫn phải là chân trần đi quanh bể than cháy rực.”
Theo lời hướng dẫn của thầy Châu, khoảng 4 tạ than sẽ lần lượt được đốt cháy, sau đó rải đều ra một đoạn đường dài chừng 6 mét. Than vẫn còn âm ỉ ánh lửa. Đứng gần, hơi nóng hầm hập phả thẳng lên mặt người, khiến chúng tôi có cảm giác đang bước vào lò luyện lửa nào quanh quất đó.
Chừng 6 giờ chiều, hơn 40 con người, nam, nữ, ấu, phụ tập trung đầy quanh con đường than nóng bỏng. Ánh chiều lẫn loãng, khiến không gian khoảng vườn nhỏ chỉ còn ánh lên lửa hồng đang âm ỉ phía con đường đầy thử thách.
Cả mấy chục con người nín thở. Hơi nóng vẫn hầm hập tỏa ra xung quanh. Một gã, người trùng trục, mồ hôi như tắm, tình nguyện là người đầu tiên bước qua thử thách. Tiếng loa vẫn giục giã, nhưng không gian thì lặng phắc.
Chỉ trong phút chốc, người đàn ông nọ giày, xắn cao quần, xăng xái bước vào con đường than vẫn rừng rực. Những bước xải dài khiến lửa than đôi lúc bắn tung lên không trung, tóe lên như đom đóm rồi vụt tắt. Mọi người bắt đầu hò reo dữ dội. 1 mét, 2 mét… Mét cuối cùng rồi! Gã lực điền nhăn nhó, dúng vội chân vào chậu nước phía đầu bên kia. Qua rồi!

Đi trên than hồng rực (Nguồn: Camxahoc.vn)
Nhưng, đôi chân gã, sần sùi lên vì đi không đúng cách. 6 mét đường than khiến lòng bàn chân phồng rôp. Lạ cái, trên mặt gã vẫn nở một nụ cười như chưa bao giờ tươi đến thế.
Thầy Châu cũng cười. Ông giảng giải lại tại sao kẻ đầu tiên lại bị bỏng. Đi qua than, nhất thiết không thể chạy. Phải đi bộ thật nhanh và không hoảng loạn. Nói đoạn, ông cử mấy học trò ruột của mình đi thử.
Lúc này, mấy người học trò xăng xái, đi như lướt trên mặt than hồng báo 600 độ C. Chân người nào người ấy như chỉ đạp nhẹ lên lửa, ra khỏi bể than mà chẳng ai hề hấn gì.
Như được kích thích tinh thần, đám người xung quanh cũng bắt đầu chuyến thử thách. Kẻ bỏng, người rát chân. Nhưng ai cũng vẫn nở một nụ cười vì vượt qua được chính bản thân mình.
Trời mỗi lúc một tối. Lượng khách ngại ngần đứng ngoài cuộc cứ giảm dần đi. Ánh lửa vẫn bập bùng cháy trên con đường than dài 6m…/.
“Trong thời buổi mà nhịp sống gấp gáp như hiện nay thì cảm xạ học là một trong những phương pháp giải tỏa stress hữu hiệu, cũng như khơi dậy khả năng tiềm ẩn trong mỗi con người”, thầy Dư Quang Châu giải thích.
Nhóm PV (Vietnam+)







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét