Lợi ích của Thiền Tứ Niệm Xứ dành cho nhân loại (Nhiều tác giả)



Thiền Vipassana tuyên chiến với ma túy. TN Hằng Liên
Thiền Vipassana trong nhà tù. TN Hằng Liên
Thiền Vipassana, một nghệ thuật sống. Thiền sư S.N. Soenka. TN Hằng Liên dịch
Thiền là Phương Pháp Bồi Dưỡng Nhân Cách Tốt Nhất. Thích Thông Tịnh

 

THIỀN VIPASSANA

TUYÊN CHIẾN VỚI MA TÚY


 TN Hằng Liên dịch
---o0o---
            Lần đầu tiên nghe nói về Thiền Vipassana, phản ứng của tôi cũng giống đa số thanh niên trẻ tuổi khác, “Thiền định! Điều đó chỉ dành cho người già cả.” Nhưng không hiểu sao nó lại ẩn chứa mãi trong đầu óc của tôi. Với tánh hiếu kỳ ham hiểu biết, tôi tìm cách thu thập nhiều thông tin hơn và quyết định thực hành thử xem. Một vài người khuyên cản tôi, nhưng hạt giống thiền lại được gieo vào tâm tôi.
            Tôi đến Trung Tâm Thiền “Dhamma Giri” tham dự một khóa thiền Vipassana và đã thực hành “trọn vẹn” mãn khóa. Tôi muốn nhấn mạnh từ “trọn vẹn” vì người bịnh nghiện sống một cuộc đời lãng phí như khối thịt vô dụng, không đem lại lợi ích cho người khác cũng như với chính mình. Chẳng hạn như, bây giờ tôi đã bắt đầu có nhiều suy tư hướng thiện nhưng do bịnh nghiện khiến tôi không hoàn thành ước nguyện nào cả. Sớm hay muộn tôi dễ bị chán nản, buông xuôi và bỏ cuộc những gì tôi muốn thực hiện, rồi gây ra biết bao điều căng thẳng cho mọi người xung quanh tôi. Vì thế, ý nghĩa “trọn vẹn” trong khóa thiền đầu tiên giống như một sự tái sanh mới, “niềm tự tin - chính mình” trong tâm tôi.
            Trong suốt khóa thiền, tôi đã nhiều lần phản tỉnh, quán chiếu về quá khứ; nhưng quan trọng nhất là phải tỉnh giác trong phương pháp thiền quán. Tự tánh sẽ hiện khởi dễ dàng nếu tôi thực sự tỉnh giác hành thiền. (Dĩ nhiên điều này không đơn giản) mà phải nỗ lực hành trì miên mật. Thiền đã khai sáng nôi tâm tôi hiểu về những sự thật như tham ái, sân giận và tự ngã đều mang lại đau khổ (dukkha). Tôi cảm thấy pháp thiền này đặc biệt giảng dạy dành cho tôi, trong lúc tôi đang đau khổ với những thói quen tật xấu mà tôi chẳng hề nhận biết.
            Vấn đề bị bịnh “xì ke ma túy” của tôi, nếu phân tích kỷ sẽ thấy kết quả từ nguyên nhân chính là tâm đam mê (khao khát), rồi sau đó dẫn đến thân xác ham muốn. Thật ra, tâm thèm muốn vẫn còn kéo dài sau khi đã trải qua thời gian cai nghiện Ma Túy. Hiện nay, thiền Vipassana đã đến tận nơi hướng dẫn người cai nghiện phương cách điều trị khi chứng bịnh lên cơn. Hơn nữa, các bài pháp thoại buổi tối thường trợ duyên làm sáng tỏ bất cứ nghi ngờ nào. Nói chung, sau khi mãn khóa thiền tôi thực sự cảm thấy giờ đây mình có “năng lực” gì đó, không những điều trị được cơn nghiện mà còn tạo nên cho mình nếp sống hằng ngày bao quanh trong bầu không khí thân mật hơn.  
Trở về nhà một thời gian mọi thứ đều thật sự an lành. Tôi nhận thấy tự mình sống thảnh thơi hơn và đó là trạng thái tâm vô ngã. Nhưng tôi vẫn chưa thể bỏ hẳn bịnh nghiện của tôi. Bây giờ tôi không dùng (á phiện) hằng ngày, nhưng thỉnh thoảng lại phải dùng nó. Tâm đam mê vẫn chưa trừ dứt và đôi khi tôi không thể chống nổi cơn nghiện. Vào thời điểm đó, tôi biết mình còn yếu đuối và không giải quyết được điều gì cả (tức là bước thứ hai của ‘Chương Trình Cai Nghiện Ma Túy Cho Người Ẩn Danh – Narcotics Anonymous Programme’).
Tôi trở lại tham dự khóa thiền khác and xin đăng ký cư trú một thời gian dài trong phạm vi Trung Tâm Thiền “Dhamma Giri.” Sống nơi đây, tôi được tăng trưởng trong Chánh Pháp, tham dự các khóa thiền và nhận chân được thực tại sự sống. Hãy tin tôi, chánh pháp thật tuyệt diệu (nhưng đây cũng là điều tham muốn). Vì tôi bắt đầu am hiểu về chánh pháp nhiều hơn và biết áp dụng thiền trong mọi sinh hoạt đời sống hằng ngày. Nhưng mục tiêu “hoàn toàn” cai nghiện Ma Túy vẫn còn xa vợi. Suốt thời gian dài ở Trung Tâm Tu Thiền, thỉnh thoảng tôi muốn trờ về nhà nghĩ ngơi nhưng khi về đến nhà thì “chứng nào lại tật nấy.”
Bản chất ‘thương – ghét’ hay ‘tham ái’ chính là cố tật tiềm ẩn sâu bên trong nội tâm tạo nên bịnh nghiện ngập. Ngay khi giải thoát khỏi điều này, con người sẽ được hạnh phúc hơn. Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi có thể nói rằng ranh giới giữa người nghiện và không nghiện khoảng cách chẳng bao xa giống như ‘đường tơ kẻ tóc,’ và giờ đây tôi hiểu rõ cốt tủy vấn đề ‘nghiện hay không’ hoàn toàn tùy thuộc chính nơi tôi. Hiện nay tôi sống an trú tại thành phố Bombay, tôi có nghề nghiệp và làm việc sáu ngày trong một tuần. Một cuộc sống mà trước đây tôi chưa hề nghĩ tới, nhưng tôi thật sự vui thích. Tôi sống trong ý niệm thoải mái, với một ý thức thành tựu và thoát khỏi ngõ cụt của cuộc đời nhờ trở về nội tâm và suy nghĩ chính chắn.
Tóm lại, tôi có thể nói rằng thiền Vipassana đã truyền dạy chúng ta một phương châm sống, “hãy tự chiến thắng chính mình.” Phương tiện hành trì duy nhất và thực hành điều gì là hai vũ khí thiền (Anapana) “Tỉnh giác hơi thở” và thiền (Vipassana) “tỉnh giác thân cảm thọ”. Phần còn lại tùy thuộc vào khả năng chiến đấu (nội tâm) của chính mình. Không được phép bào chữa (với bất cứ lý do nào), vì vũ khí luôn sẵn có bên trong tự thân mỗi người. Và nếu hành trì Chánh pháp với sự nhiệt tâm và tinh cần không ai có thể thất bại, vì thiền Vipassana thật sự chính là “Nghệ Thuật Sống.”
TN Hằng Liên dịch từ: Anonymous, Vipassana in the War against Drugs, (Narcotics Anonymous Programme), VRI.
---o0o---

HIỀN VIPASSANA TRONG NHÀ TÙ


TN. Hằng Liên

---o0o--- 

                                                  
Trên thế gian này,
Hận thù không bao giờ dập tắt hận thù,
Chỉ với lòng từ bi mới xóa tan hận thù,
Đó là định luật ‘ngàn xưa’! - (Kệ Pháp Cú - số 5)

Trung Tâm Nhà Tù – Jaipur, Rajasthan (miền Bắc Ấn) năm 1975

“… Ngài Goenka được quyền cư trú tạm thời trong căn phòng y tế của nhà tù. Thời bấy giờ, các phạm nhân tội nặng phải bị còng tay và khóa xích cổ chân. Bốn tù nhân can phạm như vậy được đưa đến thiền đường (Meditation Hall - xây tạm trong tù) với các chiếc còng sắt khóa xích tay và chân họ. Khi nhìn thấy cảnh này, Ngài Goenka bàng hoàng kinh ngạc. Tôi (Ram Singh) thưa với Ngài Goenka rằng, đây là các phạm nhân ngoan cố. Ngài Goenka phản đối: “Sao có thể đưa người bị còng xích như vậy đến gặp tôi? Điều này không thể xảy ra, hãy tháo khóa xích cho họ!”
Ngài Ram Singh, vừa là Thầy hướng dẫn thiền Vipassana và cũng là Bí Thư Bộ Nội Vụ của Tiểu Bang Rajasthan, đã tường thuật điều này như một bằng chứng sử liệu trong biên niên sử canh tân nhà tù. Sau nhiều kỷ nguyên, phương pháp thiền tuệ quán ‘thanh tịnh tâm’- đã tới lúc được truyền trao đến một trong những thành phần đau khổ nhất xã hội. Các tù nhân can phạm (tội nặng), bị kết án và tù treo tham gia khóa thiền Vipassana là những người đã nhận được chiếc chìa khóa để giải thoát các xiềng xích trói buộc (đau khổ) nhiều hơn so với các gông cùm đang cột trói chân tay họ; sợi dây xích do ‘tập khí vô minh’ trong tâm tạo nên các tánh xấu như giận dữ, hận thù và mê muội.
Thiền Sư Viện Chủ S.N. Goenka giải thích: “Nhà tù, theo ý nghĩa thực sự là đưa người ra khỏi khổ đau và sai lầm của họ.” “Tôi rất vui mừng khi thiền Vipassana đã và đang được thực hành trong các nhà tù. Điều này chắc chắn sẽ là tấm gương quý báu cho toàn thế giới – nhà tù nên duy trì như thế nào và các phạm nhân trong tù nên được cải tạo giáo dục ra sao để khi rời khỏi tù họ trở thành con người hữu ích chứ không phải là một tệ nạn cho xã hội. Và thiền quán được thực hành ở đây, bởi vì ‘thiền’ hành trì (sự quán chiếu) và thanh lọc nội tâm ngay từ cội nguồn các thói quen tật xấu của con người đã gây nên tội phạm và tệ nạn xã hội.”

Nhà Tù Tihar, Thủ Đô Delhi năm 1994

Hai thiền sinh (vipassana students) A. Menahemi và E. Ariel là hai nhà phim ảnh Do Thái chuyên nghiệp trở thành nhân viên viễn thông đầu tiên được phép dựng phim trong khu vực an ninh nghiêm cấm của một trong những nhà tù lớn nhất thế giới. Cuốn phim tài liệu của họ với tựa đề: “Thời Điểm - Thiền Tuệ Quán” (Doing Time, Doing Vipassana) là một bản tường thuật hùng biện về sự uyên thâm của thiền quán đã mang lại lợi ích cho mọi người, ngay cả đối với những kẻ phạm tội bị tố cáo triệt để như: bọn giết người, khủng bố, hiếp dâm và các băng đảng cướp tàn ác.
Hiện nay, nhà tù Tihar đã xây dựng ‘Trung Tâm Tu Thiền’ bên trong những bức tường vô cùng kiên cố của nó. Tri ơn những nổ lực đáng quý của Bà Kiran Bedi - Tổng Thanh Tra nhà tù, các đồng nghiệp và cấp dưới của Bà, nhà tù Tihar đã trở thành ‘Pháp Đường Tihar” (Dhamma Tihar). Giờ đây, mỗi tháng có hai khóa Thiền được tổ chức thường lệ cho các phạm nhân. Những vị hộ thiền hay hộ pháp (Dhamma Server) cho khóa thiền là các bạn tù đã tham dự khóa thiền trước và bây giờ phục vụ lại cho các phạm nhân (tân thiền sinh) để tất cả cùng có cơ hội tiếp nhận chánh pháp.
Chín năm sau kể từ khi khóa thiền lịch sử đầu tiên tại Jaipur, Thiền Vipassana nhanh chóng truyền bá xuyên khắp các nhà tù toàn quốc gia Ấn Độ, điển hình các Tiểu Bang lớn như: Maharastra, Andhra Pradesh, Karnataka (thuộc Nam Ấn) và Gujarat (thuộc Tây Ấn).
Các Tiểu Bang Bihar (Đông Ấn) và Haryana (Bắc Ấn) cũng áp dụng (tổ chức các khóa thiền trong tù) theo Tiểu Bang Rajasthan và Thủ Đô Delhi. Trong buổi hội nghị “Tổng Thanh Tra các Nhà Tù - Ấn Độ” tại Thủ Đô New Delhi, thiền Vipassana được giới thiệu như một “biện pháp canh tân nhà tù” áp dụng khắp các nhà tù toàn xứ Ấn. Quyết định này có ảnh hưởng lớn do nghe vô số bản tường thuật cá nhân có thái độ tinh thần chuyển đổi. Sau khi tham dự khóa thiền, không những chỉ có phạm nhân mà các viên chức nhà tù đều được chuyển hóa.
Có nhiều phạm nhân, chẳng hạn như A. Sanghavi là một phạm nhân ba mươi tuổi “khét tiếng,” sau khi tham dự một khóa thiền tuệ quán và ngày được thả ra, anh ta làm cho các công an nhà tù vô cùng ngạc nhiên vì đã đi thẳng đến Trung Tâm Tu Thiền “Dhamma Thali,” tình nguyên phục vụ cho các khóa thiền tại đó.
Một trường hợp gây nhiều cảm động hơn trong câu chuyện của anh chàng Babu Bhaya, một can phạm với án tù giết ba người trong vòng năm phút. Sau khi tham dự khóa thiền trong trại giam Baroda, với lòng tràn ngập niềm hối hận Bhaya đã khẩn cầu các gia đình nạn nhân tha thứ cho anh. Năm 1992, vào ngày lễ (Raksha Badhan)[1] (theo truyền thống Ấn Độ, đây là ngày lễ ‘vòng dây tương kết tình anh em’ giữa nam và nữ), vợ và em gái của người bị Bhaya giết đã đến nhà tù và vòng sợi dây ‘tương kết’ thánh thiện xung quanh cổ tay Bhaya. Họ đã chấp nhận Bhaya như người anh trong tình thân ái.
Anh B. Bhaya tâm sự: “Tôi chỉ biết thù hận con người và luôn luôn cảm thấy giận dữ, sân hận không nguôi. Nhưng sau khi thực hành thiền quán, tôi đã thay đổi. Bây giờ tôi cảm thấy thương yêu và thông cảm cho tất cả mọi người.”
Sự chuyển đổi thái độ tinh thần gây nhiều ấn tượng sâu sắc như vậy giữa các phạm nhân tạo nên niềm phấn khởi cho khóa tu thiền đặc biệt trên 1000 phạm nhân trong nhà tù Tihar. Khóa thiền này tổ chức vào năm 1994 do chính Thiền sư Goenka trực tiếp hướng dẫn và là khóa tu dành cho phạm nhân lớn nhất trong thời hiện đại.
Dưới sự bảo trợ của Viện Khoa Học Y Khoa Toàn Quốc Ấn Độ (AIIMS) tại thủ đô New Delhi, các phái viên chuyên khoa đã tổ chức một cuộc nghiên cứu kiểm tra các thiền sinh trong tù Tihar và tường thuật rằng: “Sự phân tích thống kê dựa trên thông số nghiên cứu tâm lý cho thấy các phạm nhân có tinh thần trách nhiệm tiến bộ rõ rệt. Theo bản báo cáo của các phạm nhân, sau khóa thiền họ có sự thuyên giảm đáng kể trong các chứng bịnh: rối loạn thần kinh, hành vi bạo động và tình trạng tinh thần bất lực; đồng thời niềm hy vọng và hạnh phúc được tăng trưởng.” 
Kết quả lợi ích thiết thực này rõ ràng không phải phát sinh từ năng lực thần thông hay do ảnh hưởng mầu nhiệm nào đó. Các phạm nhân nổ lực thực hành thiền tuệ quán đúng pháp và chuyên cần sẽ đạt được lợi ích không khác gì các thiền sinh bên ngoài bức tường nhà tù. Như anh Mustafa, một thiền sinh người Châu Phi trong khám tù Tihar phát biểu: “Sự chuyển hóa nội tâm không phải đễ dàng đạt được. Sự thay đổi cần có thời gian … Tôi không tuyên bố rằng, tôi đã tham dự một khóa thiền Vipassana và Đùng một cái! – Ngay tức khắc, sự giận dữ trong tôi hoàn toàn biến mất. Nó được chuyển hóa từng bước giảm dần, giảm dần, giảm dần ….”

Trung Tâm Nhà Tù – Nashik, Maharashtra (miền Nam Ấn) năm 1996

Mười một năm sau kể từ khi khóa thiền ‘trong tù’ đầu tiên, thiền Vipassana đã bám rễ chắc chắn trong các nhà tù Ấn Độ. Sau cuộc viếng thăm nhà tù Nashik, đại biểu Bộ Trưởng tiểu bang Maharashtra – ông G. Munde tuyên bố, mỗi nhà tù trong tiểu bang này đều nên tổ chức hướng dẫn thiền Vipassana.
Lập tức sau đó, trung tâm nhà tù Nashik được chính thức công bố là một trung tâm ‘Chánh Pháp’ giống như nhà tù Tihar. Mỗi tháng có hai khóa thiền 10 ngày được tổ chức trong tù.
Nhà tù Yerwada “khét tiếng” ở thành phố Pune (miền Nam Ấn) không bao lâu cũng áp dụng theo chính sách (hướng dẫn thiền tuệ quán). Một khóa thiền đặc biệt được tổ chức cho các phạm nhân ngoại quốc trong tù. Khóa thiền này gồm các vị thầy hướng dẫn và ban hộ thiền đều là người ngoại quốc phục vụ. Sau khóa thiền, anh Josef – tù nhân người Tiệp Khắc bị kết án do tội buôn bán Ma Túy phát biểu: “ tôi đã từng học nhiều pháp môn thiền định, nhưng chưa có phương pháp nào đưa tôi đi sâu vào nội tâm như thiền tuệ quán (Vipassana). Nhờ thiền Vipassana, không bao lâu các khám tù sẽ được gọi là “Trường Đại Học Giáo Dục Phạm Nhân” (University of Crime).
Suốt thời gian tổ chức các khóa thiền trong tù cần phải tận lực chu đáo để bảo vệ quy luật nhà tù và giới luật thiền quán một cách nghiêm túc. Bản “nội quy pháp chế” dành cho các khóa thiền Vipassana trong tù được ấn hành.  Chính quyền nhà tù phải phân chia ranh giới độc lập cho ‘thiền đường’ trong khu vực tù giam và suốt thời gian khóa thiền tổ chức, phạm vi này được tách biệt hoàn toàn với phần còn lại trong tù. Ban Trị Sự ‘Thiền Vipassana’ tại địa phương có trách nhiệm phân bổ các vị thầy hướng dẫn, tài liệu giảng dạy và ban hộ thiền phục vụ. Về phần chính quyền nhà tù phải cung cấp nhu cầu cần thiết cho phạm nhân, vì đối với các khóa thiền bên ngoài nhà tù tuyệt đối không thu lệ phí giảng dạy cho một khóa thiền.
Vào ngày thứ mười của khóa thiền, đó là ngày thực hành “Từ Bi quán” (Metta day) mọi người được xả khẩu nói chuyện bình thường (vì suốt khóa thiền phải hoàn toàn tỉnh lặng hay tịnh khẩu), một chương trình đặc biệt thỉnh thoảng được tổ chức vào buổi chiều trong khuôn viên nhà tù. Các phạm nhân khác (người không tham gia khóa thiền), viên chức nhà tù, cán bộ công an địa phương và đài truyền thanh hội họp lại để nghe về kinh nghiệm của các phạm nhân vừa mới hoàn thành khóa thiền tuệ quán – Vipassana. Đây thường là kinh nghiệm xúc cảm và vô cùng cảm động!
Bà tổng thanh tra - K. Bedi đã nói: “Thiền thật sự đã chuyển hóa con người! Thiền giúp cho phạm nhân biết khóc và khóc chân thành. Họ đã nhận thức sự thật cuộc sống là gì? Họ đã trở về với nội tâm chính mình và từ trong đáy lòng sâu thẳm họ nhìn thấy rõ các thái độ hận thù, sân giận, bất kính và sự tổn thương mà họ đã gây ra đối với cha mẹ và xã hội; họ đã khóc và mong muốn sửa đổi.”
Vào ngày xả khẩu, một trong những yêu cầu đầy nhiệt tâm và chân thành nhất của các phạm nhân mới hoàn thành khóa thiền là mong muốn chính quyền nhà tù giúp họ có nơi tiếp tục thực hành thiền Vipassana hằng ngày. Sự thực hành chuyên cần mỗi ngày và tách rời các tội phạm ngoan cố khác là yếu tố cần thiết giúp các (thiền sinh) phạm nhân “phục hồi nhân phẩm.”
Hạt giống thiền tuệ quán mang lại sự biến đổi sâu rộng trong các nhà tù thế giới đã được gieo trồng. Những ai chung sống bên trong các bức tường sẽ là người trước tiên nhận thức tầm quan trọng sâu xa của thiền quán trong tù. Như trường hợp anh David là phạm nhân người Canada trong khám tù Tihar và trở thành một thiền sinh. Lược trích vài lời phát biểu của anh ta trong bộ phim ‘Thời Điểm - Thiền Tuệ Quán’ như sau: “Đây là trang sử ‘tân tạo,’ các bạn biết không … đây là cơ hội vô giá, vì thiền Vipassana đã và đang được ứng dụng trong hệ thống nhà tù để giáo dục cải tạo con người … sự kiện này có thể canh tân toàn bộ hệ thống ‘ Khám - Tù’ trên toàn hành tinh …”
Hiện nay, có trên 50 khóa thiền Vipassana được tổ chức hằng năm bên trong các nhà tù Ấn Độ. Mới đây, một khóa thiền đặc biệt được tổ chức cho các phạm nhân ‘cai nghiện Ma Túy’ trong nhà tù Tihar. Chính quyền nhà tù toàn quốc Ấn Độ yêu cầu tổ chức các khóa thiền tuệ quán càng gia tăng và những quốc gia trên thế giới cũng bắt đầu phát triển việc tổ chức hướng dẫn thiền Vipassana trong tù.
Cầu nguyện cho tất cả chúng sanh cùng được giải thoát!
TN. Hằng Liên
 –  Dịch từ: Raja. M, Vipassana in Prisons, (VRI Series No. 126), pp. 1-4.
THIỀN VIPASSANA: MỘT NGHỆ THUẬT SỐNG


Thiền Sư: S.N. Goenka
TN. Hằng Liên dịch

---o0o---


Mọi người luôn tìm cầu cái toàn thiện an vui và hòa hợp, bởi vì cuộc sống chúng ta thiếu sự trọn vẹn như vậy. Thỉnh thoảng, ai cũng có những nỗi ưu phiền, bực tức, bất an và đau khổ; Khi đau khổ vì phiền muộn, chúng ta khó có thể kiềm chế chính mình và thường gây bất an cho người khác. Tần sóng buồn phiền này bao quanh môi trường người đang đau khổ, đến nổi bất cứ ai đến tiếp xúc với anh ta đều trở nên ưu tư và tức giận. Đây chắc chắn không phải là lối sống lành mạnh.
Ngược lại, một người sống an vui thường mang lại niềm an vui cho người khác. Đúng hơn, vì con người là một thành viên của xã hội, anh ta phải sống trong xã hội mình đang sống và giao tiếp với mọi người. Vậy, sống an vui bằng cách nào? Làm sao chính mình luôn sống hòa hợp và cách bảo tồn sự hòa hợp, an vui xung quanh để mọi người cùng sống an vui và hòa hợp?
Khi phiền muộn, muốn hết buồn phải biết rõ nguyên nhân chủ yếu của nó cũng chính là nguyên nhân đau khổ. Nếu quán xét vấn đề, tự mình sẽ hiểu rõ ràng rằng bất cứ lúc nào trong tâm sanh khởi niệm bất thiện hoặc không tốt thì chắc chắn sẽ có phiền muộn. Các tâm niệm xấu, không thanh tịnh hoặc ô nhiễm (bất thiện) không bao giờ có mặt chung với tâm an vui và hòa hợp.
Tâm tánh xấu phát sanh như thế nào? Chỉ có quán xét mới hiểu rõ được điều ấy. Tôi không vui, khi ai đó cư xử với tôi không như ý hoặc có việc đáng ghét xảy ra. Các vấn đề không mong muốn xảy ra khiến tôi cảm thấy căng thẳng; Mơ ước không thành tựu hoặc gặp chướng ngại trên đường đời cũng khiến tinh thần tôi căng thẳng. Cứ như thế, tôi bắt đầu cột gút (hay chất chứa ưu phiền) trong tâm chính mình! Xuyên suốt cuộc đời, điều không mong đợi cứ liên tục xảy ra, còn điều ao ước thì có thể hoặc không thể xảy ra, và chính quá trình phản ứng trái nghịch này, một tiến trình thắt nốt những gút mắc của cuộc đời (tức là trói buộc theo “ý muốn của tôi”[1]) khiến cho toàn bộ cơ cấu thân tâm tràn ngập ưu phiền và căng thẳng. Vì thế, cuộc sống trở nên đau khổ.
Bây giờ, tìm cách giải quyết vấn đề là suy tính sao cho cuộc đời của mình không gặp điều bất trắc và mọi việc phải luôn luôn diễn ra như ý muốn. Chúng ta phải tự mình phát triển một quyền lực hoặc người nào có khả năng này đến giúp chúng ta theo như yêu cầu, từ đó cuộc sốâng của mình sẽ không còn gặp điều nghịch ý và mọi vấn đề luôn diễn ra như mong đợi. Nhưng đây là điều không thể có được! Trên đời này, không có ai luôn luôn thành tựu ước nguyện cuộc sống sẽ trọn vẹn như ý và không bao giờ gặp nghịch cảnh. Cuộc sống vốn không như ý, vậy làm thế nào để không phản ứng mù quáng theo bản năng? Phương cách nào giúp tinh thần không bị căng thẳng? Và làm sao duy trì sự sống an vui và hòa hợp?
Từ thời xa xưa, các bậc thánh nhân ở Ấn Độ cũng như ở các quốc gia khác đã từng suy tầm về vấn đề này và cũng là vấn đề đau khổ của chúng sanh. Họ đã tìm ra giải pháp rằng, nếu có sự việc nào đó không vừa ý xảy ra, con người thường có phản ứng sân giận, sợ hãi, hoặc với tâm xung đột nào đó. Ngay tức khắc hãy chuyển tâm chú ý hướng về một đối tượng khác, chẳng hạn như đứng dậy, lấy một ly nước, bắt đầu uống; tâm giận dữ sẽ không tăng trưởng và chúng ta sẽ vượt qua cơn tức giận ấy. Hoặc bắt đầu niệm số đếm: một, hai, ba, bốn. Hoặc niệm một danh hiệu, một châm ngôn hay một câu thần chú nào đó. Sự thực hành này sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta niệm danh hiệu một vị thần linh hoặc một bậc thánh mà chúng ta tín ngưỡng, tâm sẽ được chuyển hướng và đến mức độï nào đó chúng ta sẽ thoát khỏi tâm bất thiện và giận dữ.
Giải pháp này có kết quả tốt, hữu ích và vẫn được hữu dụng. Thực hành phương pháp này, tâm chúng ta sẽ không còn phiền muộn. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp có hiệu quả trên bề mặt ý thức. Thật ra, với cách chuyển hướng tâm chú ý, chúng ta vô tình đè nén tâm xung đột đi sâu vào tầng vô thức và chính trong chiều sâu vô thức này, tâm niệm xấu tiếp tục tái tạo và tăng trưởng. Ngoài mặt ý thức, chúng ta đã tạo được sự an vui và hòa hợp, nhưng bên trong nội tâm vô thức ngọn núi lữa xung đột bị đè nén đang ngủ ngầm, nó liên tục hoạt động và thỉnh thoảng sẽ bùng nổ mãnh liệt hơn.
Có những khám phá về sự thật nội tâm uyên thâm hơn đối với giải pháp vừa nêu trên và bằng kinh nghiệm thực chứng bên trong thân tâm chính mình, họ đã nhận thức rằng chuyển hướng tâm chú ý chỉ là chạy trốn vấn đề. Tránh né không phải là giải pháp thiết thực mà chúng ta phải đối diện với sự thật vấn đề. Bất cứ khi nào phát sanh tâm niệm xấu, chúng ta chỉ việc quan sát và trực diện với nó. Ngay khi quan sát tâm bất thiện sanh khởi, nó bắt đầu mất đi khả năng phản ứng, dần dần bị chế phục và sẽ được đoạn trừ hoàn toàn.
Phương pháp lợi ích thiết thực là tránh xa cả hai cực đoan đè nén và buông thả. Kiềm chế tâm bất thiện bên trong vô thức sẽ không diệt trừ được nó mà còn cho phép nó biểu hiện qua các hành động thân thể hoặc ngôn ngữ sẽ tạo nên nhiều phiền phức hơn. Nếu bình thản quan sát, tâm ô nhiễm này tự nhiên biến mất và như thế chúng ta sẽ đoạn trừ và giải thoát khỏi các tánh xấu ấy.
Phương pháp này có vẻ hay thật, nhưng thực sự có thể hành trì được không? Khi giận dữ sanh khởi, nó chế ngự tâm mình quá nhanh đến nổi chúng ta không kịp nhận thức. Trong lúc mất tự chủ vì giận dữ, chúng ta chắc chắn hành động với lời nói hoặc chân tay làm tổn thương chính mình và người khác. Sau đó, khi cơn giận qua đi chúng ta chỉ biết than khóc và ân hận, đi xin lỗi người này, người kia hoặc than Trời, “Ôi! tôi đã lỡ phạm sai lầm, xin tha thứ cho tôi!” Nhưng rồi lần kế tiếp, trong một tình huống tương tự, chúng ta lại phản ứng sai lầm giống hệt như vậy. Tất cả điều đó, ăn năn sẽ không giúp ích gì được.
Điều khó khăn là chúng ta không tỉnh giác khi các tánh xấu sanh khởi. Nó trổi dậy từ bên trong sâu lắng của tâm vô thức và khi biểu hiện với ý thức, nó đã tăng trưởng quá mạnh hoàn toàn khống chế chính mình và chúng ta không thể quan sát nó.
Như vậy, chúng ta nên có một thư ký riêng để bất cứ lúc nào sân giận nổi lên thì anh ta liền nói: “Thưa Ngài, hãy xem kìa cơn giận đang bắt đầu!” Do chúng ta không biết giận dữ sẽ phát sanh lúc nào, nên phải có ít nhất ba thư ký riêng để thay đổi suốt ngày, hoặc tốt hơn là bốn người thay phiên nhau trong các ngày nghĩ phép.
Giả sử chúng ta theo cách có thư ký phục vụ và mỗi khi cơn thịnh nộ xảy ra, lập tức người thư ký sẽ báo cho chúng ta biết: “Ồ thưa Ngài, nhìn xem cơn giận đã bắt đầu!” Nhưng điều đầu tiên chúng ta hành động có thể là đánh anh ta một bạt tai và mắng rằng: “Đồ ngu! Anh nghĩ rằng tôi trả lương cho anh đến đây để dạy tôi à?” Đang lúc sôi gan vì tức giận thì không còn lời khuyên bổ ích nào có thể giúp chúng ta trong lúc ấy.
Giả sử khi đó, chúng ta vẫn còn minh mẫn và không bạt tai anh ta. Thay vì mắng anh, chúng ta sẽ nói: “Cám ơn anh rất nhiều, bây giờ tôi phải ngồi xuống và quan sát giận dữ.” Tuy nhiên, điều này có thể thực hành được không? Ngay khi nhắm mắt lại và cố gắng quan sát giận dữ, tức khắc trong tâm chúng ta hiện lên đối tượng của sự giận dữ có thể là một người hoặc biến cố nào đó khiến chúng ta nỗi cơn giận. Chúng ta không quan sát giận dữ mà đúng hơn là đang tìm hiểu những tác nhân xúc cảm bên ngoài. Điều này chỉ làm gia tăng cơn giận dữ và đây không thể là giải pháp ổn thỏa. Thật vô cùng khó khăn nếu phải quan sát tâm bất thiện vô hình, một xúc cảm trừu tượng được tách rời với đối tượng bên ngoài khuấy động nó. 
Tuy nhiên, bậc toàn giác, người chứng ngộ về sự thật tuyệt đối đã tìm ra một phương pháp thiết thực. Ngài khám phá rằng bất cứ lúc nào trong tâm sanh khởi niệm bất thiện, sẽ có hai sự kiện tâm lý đồng thời xảy ra. Trước nhất là hơi thở chúng ta sẽ mất đi nhịp thở bình thường. Chúng ta sẽ thở mạnh hơn khi trong tâm bắt đầu có xung đột. Đây là một sự thật mà mọi người đều có thể nhận biết, cho dù chúng ta có thể nghĩ rằng hơi thở là sự kiện sinh lý hiển nhiên và thô thiển. Cũng vậy, ở mức độ vi tế hơn, có một sự phản ứng sinh hóa ‘duyên khởi’ bên trong thân thể, đó là các cảm thọ. Mỗi tâm bất thiện sẽ tạo nên một loại cảm thọ sai khác bên trong, ở bộ phận này hoặc thân phần khác của thân thể.
Đây là một phương pháp thực tiễn. Một người bình thường không thể quan sát các tâm sở bất thiện vô hình; vì sợ hãi, sân giận và tham muốn đều là các tâm lý trừu tượng. Nhưng với sự thực hành và tập luyện đúng phương pháp, thì rất dễ dàng quan sát cả hơi thở lẫn cảm thọ có liên quan trực tiếp đối với các tâm lý bất thiện.
Hơi thở và cảm thọ sẽ giúp chúng ta trên hai phương diện; trước nhất, chúng là những thư ký đắc lực của chính mình. Ngay khi trong tâm sanh khởi niệm bất thiện, hơi thở không điều hòa bình thường và sẽ lên tiếng báo động rằng: “chú ý, có điều gì đó bất ổn!” chúng ta không thể đánh vào hơi thở mà phải chấp nhận lời cảnh báo. Tương tự, các cảm thọ sẽ cấp báo: “có vấân đề không ổn.” Chúng ta phải chấp nhận hiệu báo và tỉnh giác quan sát hơi thở cùng các cảm tho. Không bao lâu chúng ta sẽ nhận thấy rằng tâm bất thiện bị tiêu diệt.
Hiện tượng tâm sinh lý này giống như một đồng tiền có hai mặt. Một mặt là các tư tưởng hoặc cảm xúc sanh khởi trong tâm, còn mặt kia là hơi thở và cảm thọ trong thân. Bất cứ tư tưởng hoặc cảm xúc, ý thức hoặc vô thức, hay là tâm bất thiện nào đều  biểu hiện qua hơi thở và cảm thọ ngay lúc nó sanh khởi. Như vậy, với sự quan sát hơi thở và cảm thọ, chúng ta sẽ gián tiếp quan sát tâm bất thiện. Thay vì tránh né vấn đề, chúng ta hãy đối diện với bản chất thật ‘chính nó’, tâm bất thiện sẽ mất đi khả năng hiện khởi và không còn khống chế chúng ta như trước đây nữa. Nếu kiên trì thực hành, tâm bất thiện nhất định sẽ được đoạn trừ và chúng ta sẽ duy trì sự sống an vui và hạnh phúc.
Phương pháp tự mình quán chiếu sẽ giúp chúng ta nhận chân được bản chất thật trên hai phương diện bên trong và bên ngoài. Trước đây, chúng ta luôn luôn nhìn sự vật bằng nhãn quan thông thường bên ngoài nên không thể nhìn thấy được sự thật bên trong. Chúng ta chỉ tìm thấy các nguyên nhân đau khổ bên ngoài, đỗ lỗi tại chúng và cố gắng làm thay đổi cái nguyên nhân bên ngoài này. Do vô minh bao phủ bản chất thật bên trong, chúng ta không bao giờ nhận thức được nguyên nhân đau khổ bắt nguồn bên trong từ các phản ứng mù quáng của cá nhân.
Như đã biết, rất khó quan sát tâm bất thiện vô hình khi nó sanh khởi, nhưng bây giờ nhờ tập luyện, chúng ta có thể nhìn thấy mặt trái của đồng tiền. Chúng ta có thể tỉnh giác từng hơi thở và hiểu rõ mọi hoạt động đang diễn ra bên trong chính mình. Bất luận điều gì xảy ra, chúng ta chỉ việc chú tâm quan sát hơi thở hoặc các cảm thọ, không đánh mất trạng thái cân bằng của tâm. Chúng ta sẽ ngăn cản đau khổ phát sanh bằng cách, thay vì cho phép chúng hiện khởi, tâm bất thiện tự nó tiêu diệt.
Càng hành trì chúng ta càng nhanh chóng giải thoát thỏi các phiền não. Dần dần từng bước, tâm sẽ chuyển hóa thanh tịnh và giải thoát hoàn hoàn khỏi các lậu hoặc (tâm uế nhiễm). Đó là tâm thanh tịnh luôn dạt dào tình yêu thương muôn loài không phân biệt; tràn đầy lòng từ bi đối với kẻ đang đau khổ hay thất bại; chứa chan niềm hoan hỷ đối với người đang thành công và hạnh phúc; hoàn toàn buông xả khi phải đối diện với bất cứ hoàn cảnh nào.
Người thực hành đạt đến giai đoạn này thì toàn bộ lối sống của anh ta trở nên thay đổi hoàn thiện. Anh ta không thể còn các hành động chân tay hoặc ngôn ngữ làm tổn thương hạnh phúc và an vui của người khác. Thay vào đó, người có tâm quân bình không những tự mình sống an vui mà có thể giúp người khác cũng sống an vui. Môi trường xung quanh người ấy thấm nhuận niềm an vui, hòa hợp và ảnh hưởng đến mọi người cùng sống vui tươi như vậy.
Đây là những gì đức Phật đã dạy cho chúng ta: đó là ‘một nghệ thuật sống’! Ngài chưa bao giờ thiết lập hay giảng dạy bất kỳ tôn giáo hay giáo phái nào. Ngài cũng không hướng dẫn các đệ tử hành trì theo các nghi lễ hoặc nghi thức cúng tế mù quáng và trống rỗng. Thay vì như vậy, Ngài giảng dạy chỉ nên quan sát sự thật ‘duyên khởi’ trong tự tánh, tức là quán chiếu bản chất thật của nội tâm. Do vô minh (không tỉnh giác) chúng ta thường hành động phản ứng theo bản năng làm hại chính mình và người khác.
Khi trí tuệ sanh khởi – trí tuệ quán chiếu tự tánh như thị – chúng ta sẽ thoát khỏi thói quen phản ứng này. Một người không còn phản ứng mù quáng sẽ có khả năng hành động chính đáng, một hành động xuất phát từ tâm bình thản và buông xả, có hiểu biết và nhận chân được sự thật. Hành động như vậy, con người sẽ sống lành mạnh, sáng tạo, lợi ích cho bản thân và mọi người.
Điều cần thiết là phải tự mình hiểu biết, đó là lời khuyên của các bậc có trí. Người hiểu biết chính mình không phải dựa trên kiến thức tư tưởng và học thuyết. Điều này cũng không có nghĩa là sự hiểu biết mang tính cảm xúc hay tín ngưỡng, chỉ mù quáng chấp nhận theo những gì nghe nói hoặc đọc qua sách vở. Kiến thức hiểu biết như vậy quả thật chưa đủ.
Thật ra, muốn nhận biết bản chất sự thật phải có sự thực nghiệm. Chúng ta phải trực tiếp chứng nghiệm sự thật ấy qua hiện tượng tâm sinh lý của chính mình. Đây là điều duy nhất giúp chúng ta đoạn trừ các phiền não và giải thoát khỏi đau khổ.
Thực nghiệm tự tánh, một phương pháp quán chiếu chính mình được gọi là thiền ‘tuệ quán’ (vipassana). Vào thời đức phật, theo ngôn ngữ Ấn Độ ‘passana’ có nghĩa là nhìn thấy bằng nhãn quan thông thường, nhưng ‘vipassana’ là phương pháp quan sát vạn vật ‘duyên khởi’ như bản chất thật chính nó (tự tánh như thị), chứ không phải ‘được cho là’ (kiến tánh phân biệt). Một khi chúng ta chứng đạt sự thật tối thượng trên toàn bộ cơ cấu thân tâm, thì chân lý hiển nhiên sẽ được liễu ngộ. Chứng nghiệm được sự thật này, chúng ta sẽ không phản ứng mù quáng, ngừng tạo phiền não và tự nhiên các lậu hoặc trong quá khứ cũng dần dần được đoạn tận. Chúng ta sẽ giải thoát khỏi các đau khổ và chứng nghiệm hạnh phúc.
Trong khóa tu thiền luôn có ba giai đoạn huấn luyện. Đầu tiên, thiền sinh phải ngăn chặn các hành động thân và khẩu khuấy nhiễu sự an vui và hòa hợp của người khác. Thiền sinh không thể tự mình giải thoát khỏi các phiền não trong tâm, nếu vẫn còn tạo tác các hành động làm gia tăng phiền não. Vì thế, giới luật là bước thực hành đầu tiên căn bản. Thiền sinh phải nghiêm trì các giới cấm không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối và không dùng các chất có men say. Nhờ hành trì phạm hạnh, thiền sinh có khả năng chuyển tâm bước vào trạng thái tỉnh lặng.
Bước kế tiếp là phát triển khả năng chế ngự tâm hoang tưởng bằng cách tập luyện tâm chuyên nhất cố định vào đối tượng ‘hơi thở.’ Thiền sinh cố gắng duy trì sự chú tâm vào hơi thở bao lâu tùy theo khả năng. Đây không phải là sự tập luyện hơi thở. Thay vì điều hòa hơi thở, thiền sinh nên quan sát hơi thở tự nhiên như chính nó, ‘tự tánh hơi thở vào, tự tánh hơi thở ra’. Với phương pháp hành trì này, tâm thiền sinh không bao lâu sẽ trở nên an tỉnh cho đến khi thuần hóa các tâm xung đột bất thiện. Đồng thời, thiền sinh hướng tâm sâu hơn vào định tỉnh, nhạy bén và thuần hóa, có khả năng quán chiếu bản chất sự thật nội tâm.
Hai bước hành trì đầu tiên sống phạm hạnh và diều phục tâm vô cùng thiết yếu và lợi ích, nhưng chúng sẽ hướng tâm đi đến sự ức chế ‘tự ngã’, trừ phi thiền sinh thực hành bước thứ ba kế tiếp: thanh lọc tâm uế nhiễm bằng cách phát triển khả năng nhận thức bản chất ‘tự tánh’ chân thật của chính mình. Phương pháp nhận chân sự thật này là thiền tuệ quán “vipassana”, một tiến trình thể nghiệm bản chất thật tự tánh bằng cách quán chiếu có hệ thống và bình thản trước hiện tượng biến đổi không ngừng của thân tâm thể hiện qua các cảm thọ bên trong chính mình. Đây là điều tối thượng trong lời dạy của đức Phật, ‘chính mình thanh tịnh bằng cách tự quán chiếu’.
Mọi người ai cũng có thể thực hành phương pháp này. Bịnh ‘khổ’ không phân biệt giáo phái, vì thế phương thuốc trị liệu cũng không thể có giáo phái mà ắt hẳn là phương thuốc chung. Trên thế gian này, mọi người đều phải đối diện với vấn đề đau khổ. Khi người ta đau khổ vì sân hận, sẽ không có sự sân giận thuộc Phật giáo, sân giận thuộc Ấn giáo, sân giận thuộc Thiên Chúa giáo, sân hận là sân hận. Do sân hận, con người trở nên phiền muộn, không có sự phân biệt phiền muộn Thiên Chúa giáo, Ấn giáo hay Phật giáo. ‘Đau khổ là căn bịnh chung của chúng sanh thì phương pháp ‘thoát khổ’ sẽ được thực hành chung cho tất cả mọi người.
Như vậy, thiền tuệ quán ‘vipassana’ chính là phương pháp hành trì chung cho tất cả mọi người. Không có ai sẽ phản đối nguyên tắc sống tôn trọng sự an vui và hòa hợp của người khác. Cũng sẽ không có ai phản đối việc thực hành phát triển chế ngự tâm hay phát triển phương pháp thiền quán bên trong bản chất thật của tự tánh và nhờ đó tâm có thể giải thoát khỏi các điều xấu xa. Đây là lộ trình giải thoát chung không mang tính giáo điều và tín ngưỡng trong niềm tin mù quáng. 
            Quán chiếu bản chất thật ‘như thị’ là tiến trình tuệ quán sự thật bên trong nội tâm với tự thân nhận chân và chứng nghiệm như thật. Nhờ hành trì ‘thiền quán’ chúng ta sẽ thoát khỏi các phiền não và đau khổ. Từ sự thật hiển nhiên bên ngoài, cảm thọ thô; chúng ta sẽ ‘liễu ngộ’ thông suốt sự thật tối thượng bên trong thân tâm. Vượt xa hơn sự thật này, chúng ta sẽ chứng nghiệm sự thật siêu thoát vượt qua giới hạn của thân và tâm, thời gian và không gian, cũng như thế giới duyên sinh tương đối. Đây là chân lý giải thoát hoàn toàn khỏi tất cả các lậu hoặc, tâm uế nhiễm và đau khổ. Chứng đạt như vậy, bất luận điều gì chúng ta cho là sự thật tối thượng không còn liên quan nữa, đó là mục đích cuối cùng của tất cả mọi người.
Cầu nguyện cho tất cả chúng sanh chứng nghiệm được chân lý tối thượng!
Cầu nguyện cho tất cả mọi người đều giải thoát khỏi các phiền não và đau khổ!
Cầu nguyện cho nhân loại thực sự chung hưởng cảnh sống an vui, hòa hợp và hạnh phúc!

Dịch từ D.C. Ahir, (ed.) Vipassana: A Universal Buddhist Technique of Meditation,
(India: Sri Satguru Publications, 1999), pp. 21-28.
_____
[1] Theo danh từ Phật học gọi là “ngã sở hữu chấp”, có nghĩa luôn chấp thủ theo kiến giải phân biệt của tự ngã. Tùy theo chủng tử nghiệp, mỗi người có những ý thức phân biệt đúng sai, thương ghét, được mất, vui buồn theo cá nhân và khi tiếp xúc với đối tượng bên ngoài sẽ có các phản ứng tương phản do bản năng chấp thủ của tự ngã.
Thiền là Phương Pháp Bồi Dưỡng
 Nhân Cách Tốt Nhất

Thích Thông Tịnh

Nhân cách thông thường được hình thành ngang qua sự hun đúc của các nền giáo dục, đạo đức, nghệ thuật v.v... nhưng điều đó chưa hẳn là hình thành một nhân cách trọn vẹn.
Trong dòng chảy cuộc sống, có một số người vì bị mê hoặc bởi các dục vọng, như danh lợi, quyền thế v.v... mà họ đành phải núp mình trong các nền giáo dục, nghệ thuật..., khi đứng trước mọi người họ luôn tỏ ra là một người có nhân phẩm cao thượng, hoặëc hành vi trong sáng, nhưng thật chất trong tâm họ lại chứa đầy những dã tâm đáng sợ và những âm mưu quỉ quyệt. Chúng ta có thể gọi những người đó là những người có nhân cách hai mặt. Do đó chúng ta không thể hoàn toàn tin tưởng các nền giáo dục, đạo đức, nghệ thuật có thể vun thành một nhân cách hoàn mỹ.
Những luân lý giáo dục, hoặc các tiêu chuẩn đạo đức, hoặc những thẩm mỹ nghệ thuật dù có cao đẹp đến đâu, chúng cũng là những phẩm chất được truyền dẫn từ bên ngoài vào mà thôi, cho đến những áp lực uy quyền cũng chỉ là những dục cầu bên trong cá nhân, tất cả đều không khế hợp với một nhân cách hoàn mỹ.
Thiền là phương pháp tốt nhất để bồi dưỡng nhân cách, bởi thiền là sự tự giác cao độ phát xuất từ nội tâm mà đạt được sư thăng hoa nhân cách. Giáo dục, đạo đức, nghệ thuật đối với người hành thiền mà nói, chúng chẳng có tác dụng gì; vì chúng có thể thay đổi theo hoàn cảnh, thời đại, và đối tượng. Thiền là trực nhận ra cái trạng thái tĩnh lặng, tự do vô biên tuyệt đối nơi mình, nên thiền không vay mượn ngoại duyên, cũng chẳng cần lập văn tự. Vì thế thiền là pháp môn huấn luyện tâm linh muôn đời không thay đổi.   
Thực tập hành thiền là sự lột bỏ các lớp vọng niệm của cái tôi, giống như chúng ta lột bỏ thân cây chuối vậy, lột mãi lột mãi cho đến khi nào bóng dáng của cái tôi không còn nữa. Cho nên người hành thiền không cần phải trang sức, trau chuốt gì trước mặt người khác mà tự nó trong sáng; hoặc cũng không vì sửa đổi mà phải chấp nhận phục tùng những áp lực bên ngoài, điều đó chẳng khác nào gồng mình chịu mọi đau đớn để cắt bỏ đi khối u.
Hành thiền là tuân theo phương pháp tu tập, dần dần dứt bỏ các vọng niệm, cho đến khi đạt được  trình độ vô niệm, lúc bấy giờ bạn mới thực sự nhận ra rằng, những cái tồn tại trước đây chẳng qua chỉ là một chuỗi vọng niệm phiền não mà thôi, đó chẳng phải là con người thật của bạn.  Con người thật của bạn luôn hiện hữu với sự vật khách quan, cả hai không thể tách rời. Bởi sự vật khách quan tồn tại, tức là chủ thể bạn tồn tại, hay nói cách khác là sự vật tồn tại chính là con người bạn đang hiện hữu. Cho nên bạn không cần phải truy cầu cái gì, và cũng chẳng cần bỏ cái gì, trách nhiệm của bạn là xây dựng con người bạn hoàn mỹ hơn .
Hành thiền một khi đã đạt đến trình độ vô niệm, lúc bấy giờ bạn là người rất yêu nhân loại, yêu chúng sanh, mọi hành vi động tác của bạn đều được soi sáng, hướng dẫn đúng mức. Môït nhãn quan mới về nhân sinh, vũ trụ được mở ra, cõi lòng này sẽ  không còn là biển khổ, hay một bức tranh gớm ghiếc, mà là một bức họa, một bản hợp tấu tuyệt vời, bạn sẽ nhìn đời bằng cặp mắt bình đẳng và đầy tràn tình thương.
Ðức Phật đã dạy: ‘Trí tuệ và phước đức của chúng sanh không đâu không bằng Phật’. Nếu như bạn siêng năng thực hành thiền thì nguyện vọng của bạn nhất định sẽ thành hiện thực. Bất luận là già trẻ gái trai, không phân biệt kẻ trí người sơ, kẻ mạnh người gầy mòn, cũng chẳng màng đến chức danh địa vị tôn giáo, cánh cửa thiền luôn rộng mở chào đón bạn.                                         
Trước khi dứt lời, người viết muốn nói rằng, nếu một khi bạn đã quyết tâm thực hành thiền thì bạn nên đến tham vấn các thiền sư. Ðây chỉ là một bài văn thảo luận về thiền, và chỉ mong giúp bạn một chút tri thức về thiền . Chúc bạn một mùa xuân an lạc.

---o0o---

1 nhận xét: