Luân hồi (HT. Thích Thanh Từ)

Luân hồi

image

Chúng tôi viết quyển sách này cho những người mới bắt đầu học Phật. Bước đầu tuy tầm thường song không kém phần quan trọng, nếu bước đầu đi sai, những bước sau khó mà đúng được. người học Phật khi mới vào đạo không hiểu đúng tinh thần Phật giáo, về sau sẽ hỏng cả một đời tu. Người có trách nhiệm hướng dẫn không thể xem thường kẻ mới học, cần phải xây dựng một cơ sở vững chắc, đi đúng đường hướng của Phật dạy. Hiểu Phật giáo một cách đúng đắn, mới mong thành một Phật tử chân chính.
Lời Đầu Sách
Chúng tôi viết quyển sách này cho những người mới bắt đầu học Phật. Bước đầu tuy tầm thường song không kém phần quan trọng, nếu bước đầu đi sai, những bước sau khó mà đúng được. người học Phật khi mới vào đạo không hiểu đúng tinh thần Phật giáo, về sau sẽ hỏng cả một đời tu. Người có trách nhiệm hướng dẫn không thể xem thường kẻ mới học, cần phải xây dựng một cơ sở vững chắc, đi đúng đường hướng của Phật dạy. Hiểu Phật giáo một cách đúng đắn, mới mong thành một Phật tử chân chính.
Vì muốn chỉ lẽ chính tà cho người mới vào đạo khỏi lầm lẫn, nên chúng tôi mạnh dạn chỉ thẳng những điều sai lầm hiện có trong Phật giáo. Làm như thế, không có nghĩa la chúng tôi muốn vạch lưng chỉ thẹo cho kẻ khác thấy, mà cốt yếu muốn gầy dựng lại nếp sống Phật giáo phù hợp với hiện tại và mai sau. Chúng ta sống trong thời khoa học, cấn phải truyền bá Phật giáo thích ứng với chân lý gần với sự thật, chúng ta đừng làm méo mó khiến kẻ bàng quan hiểu lầm Phật giáo. Với nhiệt tình chúng tôi một bề đả phá những mê tín đang ẩn náu trong Phật giáo, để cho bộ mặt Phật giáo trắng sạch hơn, không còn những thứ lọ nhơ làm cho lem luốc. Tinh thần tồi tà phụ chính, chúng tôi chịu trách nhiệm với những gì chúng tôi đã nói và hoàn toàn chịu trách nhiệm với những ai không hài lòng phiền trách chúng tôi.
Kính ghi

THÍCH THANH TỪ

LUÂN HỒI

I- MỞ ĐỀ
Có một số người bảo “nhà Phật nói luân hồi để ru ngủ con người trong giấc mơ mê tín “. Chúng ta khảo sát kỹ coi câu ấy có đúng thế không? Đó là nhiệm vụ của người truyền bá Phật giáo, cần phải làm sáng tỏ vấn đề này. Bởi thuyết luân hồi là một thuyết quan trọng trong nhà Phật. Nếu là mê tín thì trong đạo Phật mê tín hay sao? Hẳn không phải thế, đạo Phật là đạo giác ngộ, truyền bá những lẽ thật của mình giác ngộ cho chúng sinh biết là nhiệm vụ của đức Phật, cần phải nghiên cứu tường tận giải bày rõ ràng để mọi người được hiểu khỏi sinh nghi ngờ là một diều cần yếu không thể thiếu được. Lý luân hồi là một cơ cấu hệ trọng trong Phật pháp, bao gồm cả nhân quả, nghiệp báo là căn bản đạo đức của người tu Phật. Không thông lý luân hồi, người Phật tử khó bề tiến tu được. Do đó chúng ta cần phải hiểu cho thấu đáo.
II- ĐỊNH NGHĨA
Luân hồi là xoay vần, cứ mãi đảo lên lộn xuống xoay vần trong khuôn khổ cố định. Mọi sự đổi thay biến chuyển không đứng yên một vị trí nào. Hằng xê dịch biến thiên từ trạng thái này sang trạng thái khác, từ hình tướng này sang hình tướng khác. Tất cả sự biến thiên tùy duyên thăng trầm không nhất định là luân hồi.
III- LUÂN HỒI LÀ SỰ THẬT
Qua định nghĩa trên, chúng ta thấy luân hồi là một triết lý thực tiễn không còn gì phải nghi ngờ. Bởi vì con người và vũ trụ hiện tại đều nằm chung trong một định luật “biến thiên”.
a/ Quả đất luân hồi: Nhờ khoa học phát minh cho biết quả địa cầu chúng ta đang ở xoay tròn quanh một cái trục trong không gian. Do sự xoay tròn này, phía nào của mặt trời là sáng, phía bị khuất là tối. Từ đó, con người mới đặt ra thời gian. Sự xoay tròn này không phải luân hồi là gì ? Quả đất xoay khiến có ngày đêm  và hai mươi bốn tiếng đồng hồ nhịp nhàng theo chiều quay của trái đất, lại có chia Xuân, Hạ, Thu, Đông, do sự xê dịch gần và xa mật trời. Từ sự xoay tròn của quả đất, nảy sinh thời gian, thời gian và trái đất đều là luân hồi. Quả đất là chỗ tựa nương để sống còn của vạn vật và con nguời; bản thân nó đã luân hồi thì những vật tựa nương vào nó thì làm sao thoát khỏi luân hồi. Thế thì cả vũ trụ lẫn vạn vật cùng toàn thể chúng sinh đều là luân hồi. Đó là một sự thật căn cứ trên khoa học, chứ không phải là chuyện huyền thoại mơ hồ. Thể theo sự nhận xét tổng quát này, chúng ta cần đi chi tiết hơn cho dễ hiểu.
b/ Vạn vật luân hồi: Muôn vật trên quả địa cầu đều cùng chung luân hồi.
Về sinh vật từ cái cây cọng cỏ bởi do hạt nảy mầm tăng trưởng thành cây, sinh hạt, đảo đi lộn lại mãi không cùng. Các loài động vật thì từ trứng nở thành con, con lại sinh trứng; hoặc từ bào thai thành hình, khi trưởng thành lại có bào thai, lẩn quẩn loanh quanh không cùng. Đó là chúng ta nói sự luân hồi trong cuộc tiếp nối. Đến ngay bản thân sự vật cũng bị luân hồi, chúng sinh trưởng thành là do đất, nước, gió, lửa, khi tan hoại cũng trở về đất, nước, gió, lửa, tụ lại tán ra theo duyên biến chuyển chẳng cùng. Bản thân đất, nước, gió, lửa cũng bị luân hồi. Như sáng sớm chúng ta lấy thau múc một phần ba thau nước đem để ngoài trời nắng, đến chiều thau nước cạn khô. Thử hỏi nước đi đâu? Nước mất hết rồi sao? Nước không đi đâu, nước cũng chẳng mất, chẳng qua nước là thể lỏng do ánh nắng nóng bốc lên thành thể hơi, hơi theo gió bàng bạc trong hư không nào có định xứ. Thể hơi gặp khí lạnh đọng lại rơi xuống thành nước, nước lại bốc thành hơi, cứ thế mãi luân hồi không cùng. Gió, lửa, đất cũng thế, tùy duyên từ hình thái này đổi sang hình thái khác, đổi đổi thay thay không có ngày cùng. Tìm chỗ bắt đầu và chung cục của chúng không thể được. Hình tướng trạng thái luôn luôn đổi thay, sự thật vẫn không bao giờ mất. Từ một hình tướng thô đổi thành một trạng thái tế, với cái nhìn thô thiển người ta bảo là mất, thật sự nào có mất chỉ là biến thái.
c/ Con người luân hồi: Nói đến con người tạm chia thành hai phần, vật chất và tinh thần, như bóng đèn và điện. Ngọn đèn phát huy được ánh sáng phải có đủ hai điều kiện hỗ tương nhau. Có bóng đèn mà không có điện trở thành vô ích, có điện mà không có đèn cũng vô nghĩa. Sự hỗ tương giữa điện và bóng đèn không thể tách rời, không thể đặt giá trị thiên trọng, không thể xem như chủ khách. Cần phải thấy sự tương quan bất khả phân ly. Tinh thần và vật chất của con người cũng thế, mọi sự phân chia khinh trọng...đều sai ý nghĩa chân thật của nó. Vì muốn thấy sự luân hồi tường tận, chúng ta tạm nhìn con người ở hai mặt để dễ bề nhân xét:
-Vật chất luân hồi: phần vật chất nơi con người, nhà Phật chia tổng quát làm 4 phần: đất, nước, gió, lửa. Những loại cứng trong thân người như : da, thịt, gân, xương, tóc, lông, răng, móng...thuộc về đất. Các loại ửớt như : máu mủ, mồ hôi, đàm dãi, nước mắt, nước mũi...thuộc về nước. Hít không khí vào cho phổi hô hấp, quả tim đập, các mạch máu chảy.... mọi thứ động thuộc về gió. Nhiệt độ trong người làm cho thức ăn tiêu hóa, máu không đông đặc, ấm áp toàn thân.... thuộc về lửa. Bốn thứ này thiếu một là con người chết ngay. ở đây chúng ta phân tích sự luân hồi từng thứ:
+ Đất luân hồi: Thâu nhận tế bào mới, đào thải tế bào cũ. Thay mới đổi cũ không thể nào dừng, ấy là luân hồi. Cho đến thân này sống nhờ những thứ có chất bột (đất), khi chết nó tan hoại trở thành đất, khi sống mượn những chất đất bồi dưỡng, lúc chết trả lại cho đất. Hợp lại tan ra, tan ra hợp lại, không phải luân hồi là gì?
+ Nước luân hồi: Máu từ quả tim chạy khắp các mạch, , rồi trở về quả tim, chạy ra trở về, trở về chạy ra, sự tuần hoàn như vậy gọi là luân hồi. Cho đến khi sống mượn nước đem bồi bổ chất ướt trong thân, lúc chết chảy ra trở về lòng đất. Sự mượn trả mà không bao giờ mất ấy gọi là luân hồi.

+ Gió luân hồi: Hít không khí vô, thở không khí ra, hít vô thở ra cả đời như vậy là luân hồi. Nhờ cái động của thở hít không khí mà các cơ quan trong toàn thân hoạt động, các cơ quan hoạt động là thân sống. Đến khi thở không khí ra mà không hít lại, liền ngừng hoạt động, tức là thân chết. Thế thì là sự sống của thân này đích thực do luân hồi của gió, gió ngưng luân hồi thì thân phải hoại diệt.

+ Lửa luân hồi: Do nhũng thức ăn có chất nóng nuôi dưỡng phần lửa trong thân. Lửa dùng sưởi ấm toàn thân, thiêu đốt vật thực, lại do vật thực bồi bổ chất lửa. Cứ tiêu dùng bồi bổ, bồi bổ tiêu dùng, đảo đi lộn lại là luân hồi. Khi tiêu dùng mà không bồi bổ kịp, lửa từ từ tắt, con người chết. Lửa ấy trở về với thiên nhiên, tùy duyên chuyển biến trong không gian, mà chưa bao giờ mất là luân hồi.

Tóm lại, tứ đại tụ họp quân bình nhau là con người sống khoẻ mạnh, nếu thiếu quân bình là ốm đau, phân tán thì tử vong. Trong khi tứ đại tụ họp trong thân này luôn luôn biến chuyển tuần hoàn, không được ngăn trệ ứ động. Vừa bị ngăn trệ ứ động là thân này nguy ngập. Sự biến chuyển tuần hoàn của tứ đại trong thân con người gọi chung là vật chất luân hồi. Sở dĩ nói luân hồi vì biến chuyển mà không phải mất hẳn.

-Tinh thần luân hồi: ( tâm sở luân hồi) – Phần tinh thần của chúng ta luôn luôn thay đổi bất thường, không bao giờ đứng yên ở một vị trí. Những thứ buồn vui, yêu ghét, thương giận, lành dữ, phải quấy... thường thay mặt đổi mày như trên sân khấu. Có khi chúng ta hiền lành như ông Phật, có lúc giận dữ như con cọp đói. Nhiều lúc vui vẻ yêu thương, lắm khi bực bội thù địch. Những tâm trạng đổi thay không lùi được, chính tự thân chúng ta cũng không thể ước đoán nổi tâm trạng củ minh sẽ xảy ra những cái gì. Sự buồn vui thương ghét đổi thay thăng giáng nơi nội tâm chúng ta là luân hồi.
Nói chung con người chúng ta, hai phần vật chất lẫn tinh thần đều là tướng trạng của luân hồi. Sự luân hồi của chúng ta là sự hoạt động sống còn của ta. Biết rõ vật chất tinh thần chỉ đổi thay hình tướng trạng thái, chứ không một vật nào mất. Nếu thấy mất chẳng qua do cái nhìn cạn cợt nông nổi mà kết luận như thế. Thực thể của nó là “biến thiên mà bất diệt”. Thấy đến chỗ tận cùng ấy, mới khỏi nghi ngờ về lý luân hồi. Sự luân hồi ngay trong hiện tại này là hiện tại luân hồi. Đến sự tụ lại tan ra, tan ra tụ lại của thân con người là luân hồi đời này sang đời khác.

Mọi sự tụ tán đều tùy duyên khiến hình tướng, trạng thái đổi khác. Ví dụ nước do duyên nóng bốc thành hơi, gặp duyên lạnh cô đọng thành khối. Sự biến thái này đều do duyên quyết định. Duyên quyết định cho sự luân hồi của con người là gì ? Là nghiệp. Nghiệp là động cơ chính yếu trong cuộc luân hồi của con người.

IV - ĐỘNG CƠ LUÂN HỒI:

Nghiệp là hành động từ thân tâm con người tạo thành. Khi thành nghiệp rồi nó thúc đẩy dẫn dắt con người đến chỗ thành quả của nó. Chính nó là động cơ quan yếu đẩy mãi trong vòng luân hồi không dừng của tất cả chúng sinh. Cơ quan tạo nghiệp có ba thứ: thân, miệng và ý. Nói đến nghiệp là nói đến sự toàn quyền quyết định nơi mọi người chúng ta. Không ai tạo nghiệp thế cho chúng ta, cũng không ai có thể cho chúng ta, cũng không ai có thể thay thế nghiệp của chúng ta. Chính chúng ta là chủ nhân tạo nghiệp, cũng là chủ nhân thọ báo. Trọng trách của mọi sự khổ vui hiện tại và mai sau đều do chúng ta quyết định. Chủ trương nghiệp là chủ trương giành lại toàn quyền cho con người. Chúng ta là ông chủ nhân của chúng ta hiện tại và vị lai. Không phải một đấng thượng đế hay một tha nhân nào khác tạo thành một cuộc sống an vui hay đau khổ cho chúng ta. Mà chính do thân miệng ý của chúng ta trong quá khứ cũng như trong hiện tại gây nên. Chúng ta thừa nhận nghiệp do mình tạo ra, đã tước hết mọi quyền năng của các đấng thiêng liêng, của định mạng, của tướng số và của rủi may. Nghiệp là hành động, là thói quen nên có thể chuyển đổi, chỉ cần nỗ lực và bền chí. Nghiệp có nghiệp thiện và nghiệp ác.
a/ Nghiệp ác: Nghiệp ác là hành động làm cho người khổ và mình khổ, hoặc ở hiện tại hay ở vị lai. Hành động này do ba cơ quan tạo nên: thân, miệng, ý.
- Thân làm ác: Để cho thân buông lung thích hành động giết hại sinh mạng con người, hoặc thích trộm cửụựp tài sản người, hoặc đắm say dâm dật trái phép, là nghiệp ác của thân. Vì hành động này làm cho người khổ mình khổ, nếu hiện tại chưa đến thì vị lai cũng chịu.
- Miệng làm ác: Miệng ưa nói lời dối trá, lời ác độc, lời ly gián, lời thêu diệt, là nghiệp ác của miệng. Vì những lời nói này khiến người nghi ngờ bực tức đau khổ mang tai họa, nên hiện tại hoặc vị lai mình cũng phải nhận lấy hậu quả đau khổ ấy.
- Ýù làm ác: Si mê, tham lam, nóng giận là nghiệp ác của ý. Chính nó là động cơ thúc đẩy thân làm ác, miệng nói ác. Bản thân nó thì chưa làm hại được ai, song do nó khiến thân sát phạt người, miệng chửi bới nguyền rủa người. Thân, miệng mà không cộng với tham sân si thì tự nó không có lỗi lầm gì. Thế nên tuy nói ba cơ quan tạo nghiệp, mà ý là cơ quan hệ trọng hơn cả, nó là chủ động của hai cơ quan kia.
b/ Nghiệp thiện: Những hành động đem lại sự an ổn vui vẻ chẳng những có trong hiện tại mà còn đến vị lai. Cũng do ba cơ quan tạo thành nghiệp thiện: thân, miệng, ý.
- Thân làm lành: Thân không giết hại người, không trộm cướp tài sản người, không dâm dật phi pháp là nghiệp thiện của thân. Tại sao không làm ba việc ấy là thiện? Bởi vì con người quý nhất là sinh mạng, chúng ta không hại sinh mạng họ thì họ đến với chúng ta một cách an ổn không sợ sệt. Thứ yếu là tài sản, con người tự thấy tài sản là huyết mạch của họ, chúng ta nhất quyết không trộm cướp thì họ đến với chúng ta cũng như chúng ta đến với họ, đều được an vui không hồi hộp lo âu về mất của. Hạnh phúc của gia đình là vợ chồng hoà thuận tin yêu trinh bạch với nhau, nếu vợ chồng có tình ý riêng tư với ai là gia đình mất hạnh phúc. Chúng ta gìn giữ không theo sự dâm dật phi pháp, đến với gia đình ai thì họ đều an ổn vui vẻ không nghi ngờ sợ sệt chi cả. Giữ gìn ba điều này, chúng ta đã ban sự an ổn vui tươi cho bao nhiêu người rồi, cũng chính là đem lại sự an ổn vui tươi cho gia đình chúng ta.
- Miệng làm lành: Miệng kh6ng nói dối trá, không nói ác độc, không nói ly gián, không nói thêu dệt là miệng làm nghiệp lành. Vì sao? Bởi vì nói dối trá khiến người nghi ngờ mất niềm tin, đã không tin nhau làm gì có thương mến. Thế nên nói dối là căn bản khiến con người mất hết tình thương. Nói ác độc khiến người nghe sinh phẫn nộ bực dọc đau khổ. Nói ly gián làm cho thân thuộc họ phải chia lìa, tạo thành cái khổ ải biệt ly. Nói thêu dệt là không đúng chân lý, khiến người không tìm ra được lẽ thật. Chúng ta quyết định giữ gìn miệng không nói bốn điều trên là tạo dược tình thân giữa mình và người, đem lại cho mọi người sự an ổn, bảo vệ được tình thân của người, giúp cho người dễ nhận ra lẽ thật. Thế là chúng ta đã tạo điều kiện tốt đẹp cho xã hội biết mấy.
- Ýù làm lành: Ý không có tham, sân, si là ý làm nghiệp lành. Chúng ta thường thấy mọi sự bất bình đổ vỡ đều phát nguồn từ tham sân si. Nếu chúng ta không để tham, sân, si dẫn dắt hoành hành thì cả cuộc đời chúng ta được an ổn, cũng là nguồn an ổn cho mọi người. Ba thứ này gọi là tam độc, vì nó gây đau khổ cho mình và người không thể lường trước được. Người nào kềm cương giữ thắng được nó, bảo đảm được một đời sống an lành, cũng bảo vệ được an ninh trật tự cho mọi người. ngược lại, kẻ nào buông cương thả thắng, nó sẽ lôi đời họ vào hố sâu nguy hiểm, cũng gây hại họa cho khách bàng quan không ít. Thế nên, không cho tham sân si nổi dậy là gìn giữ an ổn vẹn toàn cho mình và mọi người.
c/ Khả năng của nghiệp: Nghiệp là cái không có hình tướng mà có khả năng đáng kể. Ví như gió, tuy không thấy hình tướng mà nó thổi đất nước đều lung lay. Nghiệp cũng thế, bình thường chúng ta không thấy nó, mà nó lôi chúng ta đi khắp nẻo luân hồi. Sỡ dĩ nó có khả năng mạnh mẽ như vậy là do tập quán lâu ngày. Như người tập hút thuốc, buổi đầu khói thuốc chỉ cảm thấy khó chịu, nhưng tập lâu ngày thành ghiền, khi ghiền rồi với giá nào cũng phải tìm cho có nó. Thử hỏi cái ghiền ấy hình tướng ra sao, mà điều khiển con người một cách mãnh liệt như thế? Quả thật không ai biết tướng mạo của nó, nhưng khi nó đòi hỏi, người ta phải chạy ngược chạy xuôi tìm ra thuốc hút. Bệnh ghiền rượu khả năng còn mạnh hơn, từ những hớp rượu cay xé mồm, tập mãi thành quen, bắt đầu ghiền rượu, khi ghiền không có rượu khiến người ta phải ụa phải mửa, oằn oại nhọc nhằn, ngáp trời ngó đất, quả thật chi phối hết khả năng con người. chúng ta tự đặt câu hỏi, ai đem bệnh ghiền đó đến cho chúng ta? Chính chúng ta tự tập, tập lâu thành ghiền , cái ghiền ấy do mình tạo rồi mình chịu. Cái ghiền ấy có ma lực gì mà đày đoạ hành hạ con người đến thế? Hắn không có ma lực gì, chẳng qua tập lâu thành thói quen,  thói quen càng lâu sức càng mạnh. Đã tự chúng ta tập thành bệnh, khi muốn hết bệnh cũng tự chúng ta gan dạ tự bỏ nó, không ai có thể bỏ thế cho chúng ta. Khả năng của bệnh ghiền giống như của bệnh nghiệp chi phối chúng ta trong lục đạo luân hồi vậy. Tự chúng ta tạo nghiệp lành hoặc nghiệp dữ, tạo càng lâu thì sức mạnh càng lắm. Đến cuối cùng chúng chi phối dẫn dắt chúng ta đi váo con dường lành hay dữ tùy chỗ gây tạo của mình. Không phải hoá công đày đoạ, không phải thượng đế bày ra, chính chúng ta tự tạo rồi tự thọ. Khi đã thành nghiệp, chúng ta khó cưỡng được nó. Thế nên, biết chọn nghiệp lành để tạo là đã tự gây một sức mạnh đưa mình đến cõi lành. Cắm đầu gây nghiệp ác là là tạo áp lực lôi mình vào cõi dữ,. Chính đây là quyền lực chọn của con người, quyền định đoạt số phận ở mai hậu. Nếu cứ sống say chết ngu,û đẩy đâu đi đấy, những kẻ này về sau than trời trách đất nào có ích gì. Chúng ta có đủ thẩm quyền để quyết định đời mình hiện tại và vị lai, tại sao chúng ta lại bỏ mất hết các giá trị cao cả ấy. Những kết quả tốt xấu dở hay ở hiện tại và mai kia đều nằm sẵn trong tay chúng ta, chúng ta có quyền phán quyết một bản án tốt xấu trong đời sống mai sau của mình. Đừng cầu khẩn van xin bất cứ một năng lực nào ngoài chúng ta. Nói đến khả năng nghiệp là khả năng của chúng ta, nghiệp và chúng ta không phải là hai. Nếu chúng ta khôn ngoan khéo léo lo tạo nghiệp lành, chúng ta dại khờ ngu muội gây tạo nghiệp ác. Khổ vui sẽ tùy nghiệp mà đến với chúng ta một cách chân thành.
V - TẤT YẾU CỦA LUÂN HỒI
Tạo nghiệp là nhân, thọ báo là quả. Tất yếu của sự luân hồi là nhân quả. Lăn lộn trong ba cõi sáu đường đều tùy thuộc nhân quả. Mình đã gây nhân nhất ủịnh mình phải chịu quả, quả khổ quả vui là do gây nhân khổ vui. Nhân quả là lẽ công bằng chân thật, bởi mỗi cá nhân gây tạo khác nhau, nên sự thọ nhận cũng sai biệt. Sự công bằng từ nhân đến quả, không phải sự công bằng do ai khác áp đặt cho mình. Nếu do kẻ khác áp đặt cho mình là đã bất công rồi,. Ngày nay chúng ta tạo nhân ngày mai chúng ta thọ quả, thực là rõ ràng rành mạch biết bao. Song nói nhân quả là căn cứ trên thời gian suốt cả quá khứ hiện tại vị lai, trong quá khứ có cái gần có cái xa, vị lai cũng thế. Khiến có những kết quả xảy đến mà đương sự không bao giờ nhớ. Lại có những sự kiện gây nhân mà không thấy kết quả. Do đó nhân quả trở thành rắc rối khó khăn, người ta khó tin, khó nhận. Nhưng sự thật lúc nào cũng thật, bởi khả năng nhớ hiểu của con người quá giới hạn, nên có những thắc mắc thế thôi. Nếu người nhận hiểu sâu về lý nhân quả thì cuộc sống này đã có tiêu chuẩn nhắm đến và an ổn vô cùng . Vì mọi kết quả hiện chịu trong đời đều do nhân gây ra từ thưở trước , nên khổ không oán hờn, vui không ngạo mạn. Mình làm mình chịu, chỉ quý ngay đây phải chọn lấy nhân tốt mà làm, để mai kia khỏi phải thọ quả đau khổ, cho nên trong kinh nói: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. Kẻ trí sợ nhân, người ngu thì sợ quả. Do cái nhìn thấu suốt và cái nhìn nông cạn, nên có chia Bồ Tát và chúng sinh. Nhân có thiện ác thì quả cũng có khổ vui.
Những kẻ gây tạo nghiệp ác, ắt phải thọ quả khổ trong ba đường dữ, địa ngục ma quỷ, súc sinh. Nghiệp ác là mình làm cho kẻ khác khổ, cân xứng với nhân mình gây,  thọ quả khổ một nơi trong ba đường dữ. Nhân khổ có khi không thành quả, do nữa chừng mình biết hối cải, hoặc chuyển đổi. Nhân khổ nhất định thọ quả khổ, do sự nuôi dưỡng một cách sung mãn. Ví như có người uống rượu mà không ghiền , vì họ biết giới hạn chừa bỏ. Có người uống rượu nhất định phải ghiền rượu, vì họ mãi tiếp tục và say mê. Có nhân khổ mà không thọ quả khổ, cũng như thế.
Người gây nghiệp thiện ắt thọ quả vui trong cõi người., cõi A Tu La và cõi trời. Cân xứng của nghiệp lành mình đã tạo, nhiều ít thấp cao, kết quả cũng có hơn kém thấp cao. Có khi người ta nghiệp lành mà không hưởng quả lành . ví như một số sinh viên vào học y khoa, có người không đủ khả năng học hoặc lười biếng học, nên tuy học y khoa mà không thể thành bác sĩ. Có người đủ khả năng lại cần cù học tập, nhất định một ngày kia sẽ thành bác sĩ. Từ nhân đến quả còn cần có những sự kiện trợ giúp đầy đủ mới được viên mãn. Không có thể có nhận định tất nhiên rằng có nhân là có quả. Bởi vì thời gian từ nhân đến quả là giai đoạn biến động, hoặc được tăng trưởng, hoặc bị tiêu mòn, tùy theo những sự kiện trợ giúp. Biết thế chúng ta có thể chuyển nhân xấu thành tốt, hoặc nhân tốt trở ra xấu.
Sự tất yếu của luân hồi tùy thuộc nhân quả, không có kẻ nào khác áp đặt khổ vui cho chúng ta, cũng không có bàn tay nào lôi kéo chúng ta phải đi đường này hay lối khác, mọi sự kết quả đều cân xứng với nhân mình gây tạo. Nắm vững yếu tố này, mới thấy chúng ta trọn quyền định đoạt số phận của chúng ta. Nếu cuộc đời của chúng ta hiện được tươi sáng hay đen tối, đều do sự khéo léo hay vụng về của ta ngày xưa. Can đảm nhận lấy trách nhiệm của mình, không oán trách kêu ca, không than thân tủi phận. Chúng ta gan dạ trong cuộc sống hiện tại, song phải khôn ngoan chọn lối đi ở ngày mai.
VI - THOÁT LY LUÂN HỒI
Đạo Phật giải thích rõ lý luân hồi, nhưng không phải để mãi chịu luân hồi. Biết luân hồi tường tận rồi, Phật chỉ ra con đường thoát ly luân hồi. Đúng như ý nghĩa biết khổ, chúng ta mới tìm cách thoát khổ. Luân hồi là vòng loanh quanh lẩn quẩn, nhào đi lộn lại không thể thoát ra. Chấp nhận trong vòng quanh quẩn đó, do người không tìm được manh mối thoát ra, hoặc không đủ khả năng thoát ra. Như các nhà khoa học phát minh ra sức hút của trái đất, mọi vật cam chịu trong vòng vọt lên rớt xuống, không sao thoát ra ngoài được. Nhưng cũng chính các nhà khoa học chế phi thuyền đủ khả năng vọt ra vòng hút của trái đất, đi thám hiểm các hành tinh khác. Biết rõ sức hút của trái đất rồi, mới chế được phi thuyền vọt ra ngoài sức hút. Cũng thế, Phật giải thích lý luân hồi rồi, mới dạy phương pháp thoát ly luân hồi. Mục đích của đạo Phật là thoát ly sinh tử luân hồi, không chấp nhận sự loanh quanh trong vòng sinh tử. Còn trong sinh tử dù dài ngắn khổ vui, đạo Phật đều kết luận là đau khổ., vì cùng một số phận vô thường. Chỉ thoát được luân hồi mới là an vui giải thoát.
VII - KẾT LUẬN
Đạo Phật nói lý luân hồi cũng là phát minh một sự thật của vạn vật và con người. vì đối tượng của đạo Phật là con người, nên chung quy đặt nặng về sự luân hồi của con người. Con người nhận hiểu thấu đáo về lý luân hồi, nếu họ không có khả năng thoát khỏi lý luân hồi, tự chọn lựa cuộc luân hồi an vui và thoải mái. Nếu họ có khả năng thoát ly luân hồi, do hiểu luân hồi tiến tu đạo giải thoát. Biết được lý luân hồi, chúng ta biết được lẽ công bằng của con người , cũng nhận thấy sự tự do căn bản ở chúng ta. Mọi mê tín ỷ lại đều tiêu tan, do biết ta là người quyết định thân phận của mình. Tất cả oán hờn tủi hận đều sạch hết, vì có ai áp đặt sự đau khổ cho mình mà than thở. Quả chúng ta là con người độc lập tự do của chính mình trong hiện tại và vị lai. Dù chưa giải thoát, biết lý luân hồi, chúng ta cũng sáng suốt và yên ổn trong đời sống này. Mọi tương lai đều nằm trong tay chúng ta, chúng ta trọn quyền chọn lấy một tương lai nào theo sở thích của mình.

TAM ĐỘC

I - MỞ ĐỀ
Rắn độc, thuốc độc là thứ người đời rất kinh sợ, nhưng không đáng sợ bằng Tam độc. Vì rắn độc, thuốc độc hại người chỉ một thân này, tam độc hại người đến bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp. Nếu đáng sợ chúng ta nên sợ Tam độc hơn tất cả thứ độc khác. Thế mà, người đời chẳng   những không sợ tam độc, lại còn nuôi dưỡng chứa chấp bảo vệ, khiến nó càng ngày càng tăng trưởng. Do đó người đời luôn sống trong mâu thuẫn, một mặt cầu được an ổn tươi vui, một mặt nuôi dưỡng Tam độc là động cơ bất an và đau khổ. Có khác gì người kia muốn gia đình được bình an, mà nuôi kẻ giặc trong nhà. Thế thì sự bình an chẳng những không có mà đau khổ tan hoại sẽ đến nay mai. Người học đạo chúng ta phải sáng suốt nhận diện đúng mặt thật kẻ phá hoại, tiêu diệt chúng thì sự an vui sẽ đến với chúng ta. Tam độc là nguồn đau khổ của chúng sinh, là cội rễ bất an của nhân loại, chúng ta phải hiểu nó và cố gắng trừ nó.
II - HÌNH  TƯỚNG TAM ĐỘC
Tam độc là ba thứ độc ác mang đau khổ đến cho con người, phá hoại mọi hạnh phúc an vui của con người. theo thứ tự thông thường của nó là Tham, Sân, Si; song đặt đúng trật tự từ gốc ra ngọn phải nói SI, Tham, Sân.
1. SI – Si là si mê. Không biết đúng lẽ thật giả, không nhận ra phải trái, không thấy được tà chính , ngu tối mờ mịt là tướng trạng của Si. Cái si mê căn bản nhất là là nhận lầm thân giả dối làm cái ta chân thật, tâm sinh diệt làm cái ta vĩnh cữu. Nơi ta đã nhận lầm thì đối tất cả đều lầm, phát sinh bao nhiêu thứ tội lỗi về sau đều gốc từ cái lầm này mà ra.
Thân là tướng duyên hợp hư giả mà lầm chấp thân mình là thiệt . Đã thấy thân thiệt rồi, sinh bao nhiêu thứ bảo vệ giữ gìn nuôi dưỡng tô điểm cho thân, giành giật đuổi bắt tìm cầu cho được những nhu cầu mà thân đòi hỏi. Nhưng không bao giờ có sự thoả mãn của bản thân, vì nó là một thứ ghẻ lỡ, càng được lại càng đòi hỏi. Chính nó là cái gốc của lòng tham vô tận sau này. Lầm chấp thân là thật thì mọi sự vật lệ thuộc về thân cũng thấy là thật. Do đó chẳng những lo tìm cách bảo vệ những sự vật lệ thuộc . chúng ta cố giữ gìn thân mình, cố tìm kiếm những nhu cầu để thoả mãn thân mình, cố bảo vệ những sự thật về mình, kẻ khác cũng thế. Ai cũng muốn thoả mãn, muốn bảo vệ, song mình được thì kẻ khác phải mất, đó là chỗ đụng nhau của con người. nhân loại tranh đấu nhau để được từng mảnh vụn vật chất, gốc từ chấp thân thiệt phát sinh. Bởi cho thân là thật, một khi nó sắp hoại thì mọi sợ sệt lo âu không sao kể hết.
Về tâm, cho những thứ suy tư nghĩ  tưởng cảm xúc phân biệt.... là tâm mình thật. Song những thứ ấy là tướng duyên theo bóng dáng trần cảnh, chợt có chợt không, bỗng sanh bỗng diệt, không có thật thể cũng không lâu dài. Bám vào cái giả dối tạm bợ ấy cho là tâm mình. Khi đã chấp là tâm mình rồi, mình nghĩ cái gì cũng cho là đúng, mình tưởng cái gì cũng cho là hay, mình phân biệt điều gì cũng cho là phải. Bảo vệ ý kiến mình chống đối ý kiến kẻ khác. Nếu sự chống đối của một cá nhân, là ý kiến bất đồng trong phạm vi cá nhân. Nếu sự chống đối của quần chúng này với quần chúng khác, là tranh đấu ý thức hệ. Bất đồng ý kiến là mầm đau khổ triền miên từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Nhưng mà, ý kiến làm sao đồng được , bởi mỗi người sống trong mỗi môi trường khác nhau, sự huân tập hấp thụ khác nhau, kể cả những chủng nghiệp của thời quá khứ cũng khác nhau, đương nhiên vọng tưởng tâm thức phải khác nhau. Bởi những thứ ấy do huân tập mà có nên những bất đồng ấy không thể tránh khỏi. Thế mà chúng ta lại bảo thủ ý kiến của mình là đúng, kẻ khác ắt cũng nhận ý kiến họ là đúng, hai cái đúng ấy là gốc đấu tranh. Nếu nói thẳng, ý kiến không có đúng, chỉ vì phù hợp với một số người nào với khoảng thời gian nào, đến những người khác và thời gian khác là sai. Vì thế, người cố chấp ý kiến mình đúng , quả là họ đã sai. Càng cố chấp bảo thủ ý kiến mình là nguyên nhân đau khổ trầm trọng của con người. chỉ khéo léo dung hoà buông xả để cùng vui vẻ với nhau, là người khôn ngoan nhất.
2.THAM - Do chấp thân là thật nên khởi tham lam mọi nhu cầu vật chất cho thân. Lòng tham là cái hang không cùng , cái túi không đáy, cho nên không biết đến đâu là đủ. Không có; tham lam muốn có; đã có, tham lam muốn thật nhiều, càng được lại càng tham. Tham mà không toại nguyện liền nổi sân. Quả thật tham là nhân đau khổ vô hạn, con người đến khi sắp tắt thở vẫn chưa thoả mãn lòng tham. Tham có nhiều loại:
Tham muốn thân này sống mãi không chết, người ta coi cái chết là một họa hại tối đại của con người. Thế nên, thăm hỏi nhau, chúc mừng nhau, người ta luôn mồm cầu khỏe mạnh , cầu sống lâu trăm tuổi. Bởi có ám ảnh mình sống lâu, nên kinh doanh sự nghiệp đuổi theo danh vọng, mê say sắc đẹp, thích uống ăn ngon lành... cho thoả mãn thân này. Vì sợ chết nên người ta luôn tránh né tiếng chết, dù cho đến khi bệnh ngặt sắp chết, đi mua hòm về vẫn nói nhắc cái “thọ”. Sự thể tham sống đầy ngập nơi con người, có người mang thân sống một cách khổ đau đen tối, mà nghe nói chết cũng sợ sệt. Song có sinh nhất định phải có tử, là một định án không thể di dịch, làm sao tránh được. Chỉ có sợ chết mà không biết đường tránh, đây là nỗi khổ tuyệt vọng của con người.
Vì tham sống lâu nên người ta muốn được nhiều tiền của để đảm bảo đời sống. Muốn được tiền của nhiều, người ta phải tranh đua giành giật với nhau. Đã là giành giật thì có kẻ được người mất, kẻ được vui cười thì người mất tức tối. Vì thế người được càng nhiều thì thù hận càng lắm. Có khi trong lúc giành giật, chỉ nghĩ phần được về mình, người ta đã càn lấn, dẫm đạp lên trên sinh mạng người khác. Cho nên cái được của ta cũng là mồ hôi nước mắt của người. người tham tiền của nhiều thì đau khổ cũng nhiều. Bởi vì đâu phải muốn là được, phải lao tâm nhọc trí, phải tốn hao bao nhiêu sức lực mới được. Đã được lại sợ người ta phá, tìm mọi cách giữ gìn bảo vệ, nhưng có khi nó cũng ra đi. Khổ công quá nhiều mới được, được rồi lại mất, thực là khổ đau vô kể.
Danh vọng là những hạt nước lóng lánh trước ánh nắng mặt trời, người thích những danh vọng cao sang, nhưng khi nắm vào tay nó liền tan biến. Song người thế gian nào có biết chán, cứ một bề ngó lên, được một bậc lại muốn lên một bậc. Chính vì tham lam mong muốn, người ta phải chạy chọt cầu cạnh bợ đỡ những người có khả năng đưa mình lên. Mong cầu mà được, người ta lại thêm mong cầu. Mong cầu mà không được, người ta phải khổ đau sầu thảm. Danh vọng là miếng mồi ngon, nên ta mong ước kẻ khác cũng mong ước. Nếu ta nắm được nó trong tay thì kẻ khác cùng tìm đủ cách để gỡ ra. Vì thế, người xưa đã nói “càng cao danh vọng càng đầy gian nan“. Ít có người ngồi trên chiếc ghế danh vọng được an ổn suốt đời. Song vì tính cách hào nhoáng của danh vọng hấp dẫn mọi người dán mắt vào đó không biết mỏi. Đuổi bắt danh vọng, như những đứa bé đuổi bắt bóng, cuối cùng chỉ chuốc lấy sự mệt nhừ. Còn ai khôn ngoan khéo biết dừng, người đó sẽ được an ổn.
Sắc đẹp cũng là một thứ men say khiến nhiều người đam mê đeo đuổi. Bao nhiêu danh từ hạnh phúc yêu đương êm tai, ngọt dịu, thúc đẩy khách si tình chìm trong biển ái. Rốt cuộc chỉ là những ảo tưởng đảo điên, do con người điên đảo bày bịa. Hạnh phúc là chiếc mặt nạ của khổ đau. Một khi lột chiếc mặt nạ ấy ra liền lộ nguyên hình đau khổ. Nhưng con người là bệnh nhân của sắc dục, mặc dù biết nó là nhân đau khổ, mà họ vẫn la cà bê bết, không chịu tránh xa. Người ta đuổi theo sắc dục không bao giờ biết chán, như người khác uống nước muối càng ngày càng khát. Nó mang họa hại cho bản thân chóng tàn cỗi, lại thêm nhiều sầu thảm khổ đau. Đam mê sắc dục là người tự phá hoại sinh mạng của chính mình.
Những thức ngon ăn uống chỉ có giá trị khi còn tại lưỡi, nuốt qua khỏi cổ nào có ra gì. Thế mà người đời vì miếng ăn giành giật nhau, giết hại nhau. Tốn bao nhiêu mồ hôi, bao nhiêu sức lực, chỉ vì một món ăn ngon. Hôn nay thích ăn món này, ngày mai đòi món ăn nọ, sự thèm khác đòi hỏi thôi thúc người ta phải khốn khổ nhọc nhằn suốt đời. Rốt cuộc muốn đời sống chỉ vì nô lệ cho cái lưỡi. Dù có người bảo rằng ăn uống bồi bổ sức khỏe con người cần thiết cho cuộc sống. Song chúng ta chỉ cần ăn những thứ có đủ sinh tố nuôi dưỡng cơ thể là tốt, đừng cầu kỳ món ngon vật lạ, đừng đòi hỏi chả phụng khô lân. Biết chọn thức ăn bồi dưỡng thân này khỏe mạnh là đúng, chớ để cả đời nô lệ cho cái lưỡi.
Lại có lắm người thích nhàn rỗi thảnh thơi, thong thả qua ngày, chẳng ưng làm lụng việc gì. Họ tự cho thân sung sướng là trên hết, không muốn làm động móng tay. Quan niệm này lâu ngày trở thành lười biếng hèn nhát. Họ là những khối thịt thường được vất lên chiếc giường, ném xuống chiếc võng. Cả ngày họ chỉ biết thụ hưởng, mà không ưng làm một công tác gì để có lợi cho mình và giúp ích cho xã hội. Nếu một đời sống mà tập như thế, kẻ đó tự chuốc bệnh hoạn vào thân và vô ích cho xã hội. Càng ở không càng thấy thân lừ nhừ nhọc mệt, vì thân này là một cái máy hoạt động, nếu không chịu hoạt động máu huyết không được lưu thông, gân cốt không dẻo dai, là cái cớ để bệnh hoạn. Người cố ở không cho sung sướng, đâu ngờ họ tự chuốc bệnh hoạn khổ đau.
3. SÂN: Sân là nóng giận. Do tham lam mà không toại nguyện, hoặc bị ngăn trở liền nổi sân. Một khi nổi sân thì mọi tội ác nào cũng dám làm, mọi khổ đau nào cũng dám tạo. Tất cả sự hung tợn dữ dằn ác độc đều do sân mà phát sinh. Sân có loại bộc phát, loại thầm kín.
Nghe một lời nói trái tai, thấy một hành động không vừa ý liền nổi nóng la ó ầm ầm là sân bộc phát. Loại sân này rất nguy hiểm, song đối phương dễ thấy dễ biết. Những điều gì mình muốn bị kẻ khác ngăn trở, liền nổi giận mặt đỏ, miệng thốt ra lời bất hảo, tay chân quơ múa, toàn thân cử động một cách mất điều hòa. Nếu khi này đối phương nhường nhịn đi thì khả dĩ dịu lại, bằng không thì cơn ấu đả khó tránh. Một phen nổi sân là một trận bão bùng họa hại hiểm nguy không thể lường trước được. Mọi hiểm nguy họa hại trong đời sống của chúng ta đều do sân mang lại. Người ôm ấp lòng sân là kẻ chứa chấp rắn độc trong nhà, tai họa đến một cách dễ dàng chỉ trong giây phút.
Có người được sức mạnh dằn ép lửa sân bộc phát, nhưng họ lại nuôi dưỡng nó một cách ngấm ngầm. Khi nghe nói trái tai, họ nổi giận, mà ghim ở trong lòng. lòng sân này thầm lặng mà ác độc vô kể, vì đối phương không biết được để ngừa đón. Những kẻ có lòng sân thầm kín là con người sâu độc nguy hiểm. Đây là đóng lửa than, khó thấy mà lâu tàn. Người ôm lòng sân này như ngôi nhà đẹp mà chứa đầy hơi độc. Những kẻ thiếu tinh tế, nhận xét hời hợt, không sao tránh khỏi bị hơi độc làm ngạt thở. Song hại được người chính mình cũng không an ổn gì. Thế nên sân là mối hiểm họa cho mình cho người, mọi khổ đau trong đời này đều do sân gây ra.
III-  TRỪ TAM ĐỘC
Như trên đã thấy, tam độc là họa hại vô cùng bất tận của con người. chúng ta phải nổ lực thủ tiêu chúng thì đời mình mới an ổn và đem lại an ổn cho mọi người. tam độc như một cây to, si là gốc cây, tham là thân cây, sân là cành lá. Trừ tam độc, chúng ta phải nhắm thẳng vào gốc của nó mà đoạn diệt. Gốc của nó tức là si, nên phương pháp trừ nó phải là trí tuệ. Ở đây chúng ta phải dùng hai phương pháp để trừ diệt chúng:
1/ Quán vô thường:
Bởi do si mê chấp thân này là thật và cuộc sống lâu dài, nên khởi lòng tham sống lâu, tham của cải, tham danh vọng... ở đây chúng ta dùng trí tuệ quán chiếu theo chiều thời gian, xem thân này quả thật sống lâu dài hay không? Như Phật đã nói: “ mạng người sống lâu trong hơi thở“ đây là một sự thật của kiếp người, chỉ một hơi thở ra không hít vào đã chết. Dù có đến trăm ngàn lối chết, song bất cứ lối chết nào cũng thở khì ra mà không hít lại là song một cuộc đời. Thời gian thở ra không hít lại khoảng bao lâu, quả thật ngắn ngủi vô cùng, chỉ trong vòng một tít tắc đồng hồ. Như thế, chúng ta kết luận mạng người sống bao lâu, mà tham lam đủ thứ. Càng xét nét chúng ta càng thấy thân này thật quá mỏng manh, một luồng gió độc suông vào cũng có thể chết, dẫm chân lên con rắn độc bị cắn cũng có thể chết, đi đường sẩy chân ngã bổ cũng có thể chết, ngồi trên xe đụng nhau cũng có thể chết, một gân máu bể cũng có thể chết v.v.v.v. sự còn mất của thân này quá nhanh, không có gì bảo đảm cho sự sống của nó hết. Phút giây nào còn sống là biết nó sống, phút giây khác không chắc nó lại còn. Một cơn bất thần liền ngã ra chết, nên nói thân này là vô thường. Đã thấy thân mỏng manh như vậy thì sự tham lam cho thân  còn có giá trị gì. Do trí tuệ thấy đúng như thật thân này vô thường, mọi sự tham lam theo đó được dừng, lòng sân hận cũng nguội lạnh.
Những suy tư nghĩ tưởng của tâm thức cũng đổi thay từng giây phút cũng thay hình đổi dạng luôn luôn nên cũng thuộc vô thường. Trong một ngày mà buồn giận thương ghét, đổi mày thay mặt không biết bao nhiêu lần . mọi sự đổi thay ấy là tướng trạng vô thường, còn gì tranh chấp là chân lý. Chấp suy tư nghĩ tường của mình là đúng chân lý quả là việc dại khờ, có khi nào lấy một cái búa trong bóng để đập nát một viên đá thật được. Cũng thế, vọng tưởng là cái vô thường tạm bợ làm sao dùng nó suy ra một chân lý muôn đời. Chấp chặt những nghĩ tưởng mình là đúng chân lý, quả là phi lý rồi.
2/ Quán duyên sinh:
Si mê chấp thân này là thật, chúng ta hãy dùng trí tuệ đứng về mặt không gian xem xét coi có đúng hay không? Từ tinh cha huyết mẹ cộng với thần thức hoà hợp thành bào thai, khi ra khỏi lòng mẹ phải nhờ tứ đại bên ngoài nuôi dưỡng bồi bổ thân này mới sinh trưởng. Thế là do hoà hợp mà có thân, cũng do hoà hợp được sinh trưởng. Đã là duyên hợp thì không phải một thể, chỉ là hợp tướng từ duyên sinh. Như cái nhà là hợp tướng của nhiều duyên, trên hợp tướng ấy không có cái nào là chủ của cái nhà, cái nhà là giả tướng của nhiều duyên hợp lại. Nếu chúng ta chỉ cây cột cũng không phải cái nhà, cây kèo cũng không phải là cái nhà, cho đến tất cả không có cái nào là cái nhà. Cái nhà ấy là một giả tướng do duyên hợp, thân này cũng thế. Mọi sự duyên hợp đều hư giả, chúng ta tìm đâu cho ra lẽ thật của thân này. Trên cái không thật mà lầm chấp cho là thật quả thực si mê. Thấy rõ thân này duyên hợp không thực, là trí tuệ. Thấy thân này không thật rồi, còn gì tham lam nhiễm trước nơi thân. Đối với thân không tham nhiễm thì mọi nhu cầu của nó còn có nghĩa lý gì. Thấy thân đúng lẽ thật thì si mê tan tành tham sanh cũng theo đó biến hoại.
Đến như suy tư nghĩ tưởng thương ghét... trong tâm đều do sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà phát sinh. Bản thân của những tâm lý ấy không tự có, do căn trần thức hóa hợp mà sinh. Đã do duyên hợp thì không thật thể, cái không thật mà cố chấp là thật thực quá si mê. Dùng trí tuệ soi thấu những tâm tư theo duyên thay đổi đều là hư giả, chúng ta đã đập tan được cái si mê chấp ngả nơi nội tâm con người. biết rõ bao nhiêu thứ suy nghĩ tưởng tượng đều là ảo ảnh, còn gì chấp chặt cái nghĩ mình là đúng, cái tưởng mình là thật nữa. Do đó, chúng ta buông xả mọi vọng tưởng giả dối, sống một đời an lành trong cái mình làm của tâm tư.

KẾT LUẬN:
Tam độc là cội nguồn đau khổ của chúng sinh. Trừ diệt được nó chúng sinh sẽ hưởng một đời an vui hạnh phúc. Khổ vui vốn do chứa chấp tam độc hay tống khứ chúng đi, đây là căn bản của sự tu hành. 3 thứ độc này, si là chủ chốt, diệt được si thì 2 thứ kia tự hoại. Nhằm thẳng vào gốc ma đốn thì thân và cành đồng thời ngả theo. Vì thế, trong mười hai nhân duyên cái đầu là vô minh, muốn cắt đứt vòng mắc xích luân hồi của nhân duyên, chỉ nhắm thẳng vô minh, vô minh diệt thì hành diệt v.v.v. si độc là động cơ chính yếu của tam độc, chận đúng được si thì toàn thể tam độc đều dừng. Đức Phật thấy dược cội gốc của đau khổ và đầu nguồn của thoát khổ, nên ngài dạy Phật tử cứ theo cái gốc ấy mà trừ, người ứng dụng đúng như thế sẽ ít tốn công mà kết quả viên mãn. Si là gốc đau khổ cũng như vô minh là gốc luân hồi vì diệt tận gốc ấy, đức Phật dạy dùng cây búa trí tuệ đập tan nó hoặc thấp sáng ngọn đuốc trí tuệ phá tan màn đêm vô minh, bởi lẽ ấy đạo Phật là đạo giác ngộ chỉ có giác ngộ mới diệt tận cội rễ si mê, chỉ có mặt trời giác ngộ xuất hiện thì đêm tối vô minh mới hoàn toàn hết sạch. Diệt được tam độc của mình là tự cứu bản thân, cũng đã đem sự an ổn lại cho mọi người chung quanh. Một việc làm tự lợi _ lợi tha đầy đủ, tất cả Phật tử chúng ta phải tận lực cố gắng thực hiện kỳ được mới thôi. Được vật mới xứng đáng là người Phật tử chân chính.
TỪ BI
I - MỞ ĐỀ
Tình thương là nguồn an ủi vô biên của chúng sanh đang đau khổ,  là bể nước cam lồ mát ngọt để cho những người đang bị lửa trần gian thiêu đốt mặc tình nhảy ùm tắm gội. Song phải là tình thương hoàn toàn vị tha, không nhuốm một tí xíu mùi vị kỷ. Nếu là tình thương vị kỷ, chẳng những không làm vơi được nổi khổ của chúng sinh, trái lại còn dìm họ chìm sâu trong biển khổ. Tình thương vị tha là vô biên không giới hạn, tràn ngập mọi loài, chan hoà trong nhân loại. Người mang tình thương này ra chan rải cho chúng sinh, quả là một từ mẫu đang săn sóc đàn con dại. Bao nhiêu khổ đau, mọi đều ấp nạn vừa gặp tình thương này chúng đều tan biến. Cao cả thay! Quí báu thay! Đẹp đẽ thay! Những ai đã cưu mang ôm ấp tình thương vô bến hạn này.
II - ĐỊNH NGHĨA
Từ là ban vui. Bi là cứu khổ. Cứu khổ ban vui cho người gọi là từ bi. sự vui khổ của người xem như vui khổ của chính mình, chia vui sớt khổ cho nhau đấy là lòng từ bi. Vì thế, ban vui cứu khổ cho người mà không thấy ta là kẻ ban ơn, kia là kẻ thọ ơn. Tận tâm tận lực vì người, không có một niệm một mảy may vì mình, là từ bi. Đây mới thật là tình thương chân thật. Nếu có một điểm nhỏ xíu vì mình là không phải tình thương chân thật. Có vì mình mà thương người, chính đó là thương mình không phải thương người. một tình thương vì mình thì không phải là thương, bởi trái sở cầu của mình liền giận. Hoàn toàn vì người hoàn toàn cho người mới là tình thương vô biên không giới hạn. Tình mẹ thương con chưa hẳn là từ bi, vì con không nghe lời mẹ liền giận. Tình thương từ bi là tình thương đồng hóa khổ vui của người như của mình. Mình khổ càng kíp lo giải quyết cho hết khổ, mình không cần biết ơn mình, mình không kể ơn với mình. Cảm thông sự khổ vui của mọi người như thế, khởi tình thương ban vui cứu khổ là lòng từ bi. Cứu giúp để mong đền đáp là sự đổi chác không phải lòng từ bi. thương yêu để thoả mãn nhu cầu riêng của mình, là lợi dụng tình thương, không phải từ bi. mọi sự xót thương cứu giúp người không xen lẫn một ý vì mình thật là lòng từ bi.
III - MỚI TẬP TỪ BI
Muốn phát âm từ bi, chúng ta phải tập cảm thông sự khổ vui với mọi người. Thấy người khổ cảm như chúng ta chịu khổ, nỗi khổ của người xem như nổi khổ của chúng ta. Dùng mọi khả năng sẵn có dẹp khổ cho người cũng như tiêu diệt khổ của chính bản thân mình. Người hết khổ là chúng ta hết khổ, không cần đòi hỏi nào, ngoài sự hết khổ của người. Đã xem cái khổ của người như của mình, nên nhiệt tình sốt sắng cứu giúp mà không điều kiện. Người khỏi khổ là mình an vui, không có một hậu ý gì với người mình cứu giúp. Nếu có hậu ý, chỉ mong đem lại cho họ sự an vui vĩnh cửu. Thấy người vui cũng như mình được vui. Những cái vui của mình đã sẵn sàng chia sớt với người, bằng cách giải bày, bằng cách chia sẻ, bằng cách mong mỏi, chia sớt với nhau cùng được vui chung thật là hạnh phúc trên trần gian. Chỉ để một mình vui, ai sao mặc kệ, là kẻ ích kỷ xấu xa, chính họ không bao giờ thấy sự an vui chân thật. Chúng ta phải thấy cái vui của mình là cái vui của mọi người, cái vui của người chính là cái vui của mình. Cùng khổ cùng vui mới là tình thương chan hòa tràn ngập. Chỉ biết cái khổ vui riêng tư của mình là tự đóng khung trong một nhà giam riêng biệt, kẻ ấy suốt đời không bao giờ biết vui. Chúng ta trải lòng mình ra hòa nhịp với mọi con tim, chứa chan tình thương không bến hạn. Bởi cảm thông nhau trên nỗi khổ vui, chúng ta mới có nhiệt tình tích cực cùng sớt khổ chia vui. Mọi bức tường ngăn cách mỗi bản ngã con người, chúng ta mạnh dạn đạp đổ cho sự cảm thông không bị giới hạn. Thông cảm được sự khổ vui của mọi người, chúng ta bắt đầu phát tâm từ bi. Vì thế, mới tập từ bi là tập cảm thông.
Tuy nhiên lòng từ bi là không giới hạn, song mới tập từ bi phải phát xuất từ gần lan dần ra xa. Chúng ta tập cảm thông từ những người sống chung, thân thuộc với chúng ta, dần dần đến những người xa lạ bên ngoài, đó là trá hình từ bi, chớ chưa phải thực chất từ bi. Chúng ta phải tập lòng từ bi cho có căn bản, sự kết quả chắc chắn sẽ đúng như nguyện.
IV - ĐÃ TẬP TỪ BI
Lòng từ bi đã phát hiện nơi chúng ta, mọi sân hận tham lam theo đó tiêu diệt. Người từ bi không thể nổi nóng chửi đánh kẻ khác. Đã thấy sự đau khổ của người chính là đau khổ của mình. Chỉ thấy kẻ khác với mình không liên hệ nhau mới đành lòng làm họ khổ. Quả thật cảm thông được nổi khổ đau của người, lòng sân vừa dấy khởi liền tắt ngúm. Bởi nước từ bi tràn ngập thì không có lý do lửa sân nổi dậy. Lửa sân cháy hừng hực, chính là lúc nước từ bi đã khô cạn. Tự người gặp cảnh khổ, người có lòng từ bi còn không nở lấy mắt ngó, cần phải tìm đủ mọi cách để giải khổ cho người. Nếu khả năng chúng ta không thể giải cứu được, lòng vẫn xót xa đau đớn. Huống là, đích thân mình làm khổ cho người, lòng từ bi không cho phép dùng ngôn ngữ hành động làm khổ kẻ khác. Bao giờ chúng ta thích làm khổ mình, chừng đó mới vui vẻ làm khổ người. Gặp khổ chúng ta biết rầu buồn than thở, nỡ nào làm khổ kẻ khác cho đành. Kết quả đầu của lòng từ bi là diệt sạch sân hận của chính mình.
Người từ bi đâu đành tranh giành hơn thua được mất với người. Bởi kẻ được thì vui người mất phải khổ , giành giật nhau là làm khổ cho nhau. Lòng từ bi là cứu khổ, vô lý lại đi làm khổ người. Tham lam là thu góp, giành giật. Từ bi là ban bố cứu giúp. Mang lòng từ bi là mọi hành động có tính cách tranh đua giành giật không còn. Chính của mình còn đem ra ban bố cho người, không thể có giành giật của người về cho mình. Lòng từ bi với tham lam là 2 con sông chảy ngược. Có cái này thì không thể có cái kia. Lòng từ bi đi đến đâu thì đau khổ tan đến đấy, như ánh nắng soi đến đâu thì băng tuyết đều tan. Từ bi không dung đau khổ, dĩ nhiên từ bi không chứa chấp tham lam. Từ bi tràn lấn tham lam phải rã rời.
Với mọi lớp người trong mọi cảnh huống, chỉ một bề mang tình thương chân thật đến với họ. Không một hành động ngôn ngữ khiến cho họ phải phiền hà, thuần túy ban vui cứu khổ. Hành động như thế là thuận hạnh từ bi. Lòng từ bi này một bề thể hiện tình thương, chiều theo sở nguyện của người. Làm trái ý người là khiến họ đau khổ, thuận hạnh từ bi là không trái ý nguyện của chúng sinh.
Song tâm ý chúng sinh điên đảo, có cái khổ trá hình an vui họ lại thèm thuồng ưa muốn, người sẵn lòng từ bi, có khi cần đổi cái khổ nhỏ cho họ cái vui lớn, vẫn phải làm. Hoặc những chúng sinh ngỗ nghịch mãi tạo tội không chán người từ bi cần phải ngăn chặn bằng cách trừng trị dữ dằn. Hiện tướng dữ để điều phục đưa người về chỗ an vui, là nghịch hạnh từ bi. Hạnh từ bi này vừa mới trông như kẻ ác, nhưng mãi kia mới thấy rõ lòng từ. Người thể hiện hạnh từ bi này phải sáng suốt, thật là làm một việc khó làm. Dù thuận hay nghịch thì hạnh cũng là một nguồn ban vui cứu khổ. Bản chất từ bi là nhẹ nhàng mát mẻ, nên mọi chúng sinh bị nhiệt não gặp từ bi là đều được an lành.
V - CỨU CÁNH TỪ BI
Lòng từ bi được viên mãn khi nào mọi vọng thức không còn. Vì vọng thức chạy theo nghiệp phân biệt có yêu có ghét, khó mang tình thương chân thật bình đẳng lại cho chúng sinh. Khi nghiệp thức đã sạch, chỉ một tâm thể thênh thang bình đẳng bao trùm tất cả chúng sinh, không phân biệt ngã nhân bỉ thử, làm gì có thương ghét nảy sinh. Sống với tâm thể này chỉ tràn trề lênh láng một tình thương. Tình thương không phân biệt, không còn chủ khách đối đãi, bao dung không giới hạn, mới là tình thương chân thật hay viên mãn lòng từ bi. Còn thấy đối đãi là còn phân biệt, còn dụng công, mọi sự đối đãi đã tiêu dung, biết lấy đâu làm giới hạn. Cho nên ví lòng từ bi thênh thang như trời cao, bát ngát như bể cả. Từ bi trong chỗ không phân biệt không dụng công nên gọi là vô duyên từ.
VI - KẾT LUẬN
Từ bi là tình thương hoàn toàn bất vụ lợi. Bọn ác quỷ sân hận tham lam tật đố gặp từ bi đều chắp tay quỳ gối quy hàng. Có mặt từ bi ở đâu thì mọi khổ đau tan biến ở đó. Từ bi ngọt ngào như dòng sữa mẹ, từ bi mát nhẹ như dòng gió chiều thu, từ bi trong sáng như ánh trăng rằm, từ bi phát sinh muôn ngàn công đức như lòng đất phì nhiêu nuôi dưỡng vạn vật. Chúng ta tôn trọng kính mến những ai đã mang sẵn lòng từ bi, tán thán ca ngợi ai phát tâm từ bi, ước mơ mong mỏi ai sẽ học tập từ bi. Mọi người chúng ta gắng công khơi dậy dòng suối từ bi, để một ngày kia chảy tràn ngập trần gian đang nhiệt não. Hạnh phúc ở nhân gian nếu có, khi nào nguồn nước từ bi tràn về. Tất cả chúng ta đừng mong đấng nào cứu khổ, chỉ chắp tay cầu nguyện mọi người hãy phát tâm từ bi. Ngọn lửa khổ đau dập tắt, khi được trận mưa từ gội nhuần. Chân thành mong ước mọi người đều phát lòng từ bi.
KẾT LUẬN
Những vấn đề đã trình bày qua, chúng tôi cố gắng trong một khuôn khổ rất nhỏ hẹp, giống như việc “lấy thúng úp voi”, khó tránh khỏi lỗi khó hiểu và thiếu sót. Chúng tôi chỉ mong độc giả nhận được then chốt của mỗi vấn đề, cần đi sâu vài chi tiết, sẽ nhờ những quyển kinh sách khác, hoặc nhờ sự dắt dẫn của Tăng NI hay Thiện Hữu. Tóm lại then chốt thiết yếu có thể nói:
Phật là người đã giác ngộ và giải thoát sinh tử, đó là vị trí căn bản của Ngài. Chúng ta đừng xê dịch, đừng tô điểm, đừng ép buộc Ngài phải rời chỗ căn bản ấy.
Phật pháp là những lời giảng dạy chỉ ra lẽ thật: Lẽ thật trên hình tướng sự vật là nhân quả, lẽ thật trong sự cấu tạo kết hợp là duyên sinh, lẽ thật thầm lặng trong bản thể là chân không hay Phật tánh.
Học Phật là tiến bước trên con đường giác ngộï, là nhận hiểu phán xét những lẽ thật của Phật dạy, đem chỗ nhận hiểu ứng dụng vào cuộc sống của con người. Thực hiện được những điều này, cần nhờ cặp mắt trí tuệ sáng suốt mới thành công.
Tu Phật là ứng dụng những lẽ thật đã nhận xét vào cuộc sống hằng ngày của mình. Gỡ sạch mọi phiền não kiến chấp đang trói buộc khắn chặt trong tâm tư của chúng ta, đem lại sự an lạc ngay trong hiện tại và miên viễn ở vị lai. Chẳng những thế, tu Phật còn có nghĩa vượt ra ngoài vòng đối đãi sinh diệt, thoát khỏi mọi khuôn khổ hạn buộc, làm người tự do tự tại.
Với những điểm chủ yếu trên, chúng ta nhận thức chắc chắn sâu xa, là trong tay đã có sẵn ngọn đuốc sáng, trên con đường về quê ắt không đến nỗi lạc lầm. Giá trị của Phật pháp là biết để hành, không phải biết để nói. Thật hành sâu chừng nào, càng thấy giá trị Phật pháp cao chừng ấy. Biết để nói, là người trình bày đủ mọi thức ăn, mà bụng vẫn đói; là nhân viên phát ngân trong ngân hàng cả ngày đếm tiền, khi ra về chỉ hai tay không. Chúng tôi ước mong độc giả của quyển sách này không đến nỗi như thế.

MƯỜI ĐIỀU TÂM NIỆM

1.      Nghĩ đến thân thể đừng cầu không bệnh khổ, vì không bệnh khổ thì dục vọng dễ sinh.
2.      Ở đời đừng cầu không hoạn nạn, vì không hoạn nạn thì kiêu xa nỗi dậy.
3.      Cứu xét tâm tính thì đừng cầu không khúc mắc, vì không khúc mắc thì sở học không thấu đáo.
4.      Xây dựng đạo hạnh thì đừng cầu không bị ma chướng, vì không bị ma chướng thì chí nguyện không kiên cường.
5.      Việc làm đừng mong dễ thành, vì việc dễ thành thì lòng khinh thường kiêu ngạo.
6.      Giao tiếp đừng cầu lợi mình, vì lợi mình thì mất đạo nghĩa.
7.      Với người thì đừng mong tất cả đều thuận theo ý mình, vì được thuận theo ý mình thì lòng tất kiêu hãnh.
8.      Thi ân đừng cầu đền đáp, vì cầu đền đáp là thi ân có ý mưu đồ.
9.      Thấy lợi đừng nhúng vào, vì nhúng vào thì si mê phải động.
10. Oan ức không cần biện bạch, vì biện bạch là nhân quả chưa xả.

BỞI VẬY ĐỨC PHẬT DẠY



Lấy bệnh khổ làm thuốc thần.




Lấy hoạn nạn làm giải thoát.




Lấy khúc mắc làm thú vị.




Lấy ma quân làm bạn đạo.




Lấy khó khăn làm thích thú.




Lấy kẻ tệ bạc làm người giúp đõ.




Lấy người chống đối làm nơi giao du.




Coi thi ân như đôi dép bỏ.




Lấy sự xả lợi làm vinh hoa.




Lấy oan ức làm cửa ngõ đạo hạnh.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét