MƯỜI BỐN ĐIỀU RĂN CỦA PHẬT LÀ GIẢ MẠO (Thư viện hoa sen)

MƯỜI BỐN ĐIỀU RĂN CỦA PHẬT LÀ GIẢ MẠO
(07/06/2011 02:48 PM) (Xem: 955)
Tác giả : Web Admin


Tôi đọc được thư của một người mẹ gửi cho con trên một trang blog nói về 14 điều dạy của Đức Phật.  Sau khi xem tôi thấy làm lạ, những điều này không thấy được nhắc tới trong kinh sách.  Xin quý ban biên tập cho biết ý kiến.  Dưới đây là nguyên văn 14 điều dạy của Đức Phật:
MƯỜI BỐN ĐIỀU RĂN CỦA PHẬT
1.- Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình.
2.- Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá.

3.- Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại.

4.- Bi ai lớn nhất của đời người là ganh tỵ.

5.- Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình.

6.- Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu.

7.- Đáng thương lớn nhất của đời người là tự ty.

8.- Đáng khâm phục lớn nhất của đời người là vươn lên sau khi ngã.

9.- Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng.

10.- Tài sản lớn nhất của đời người la sức khỏe, Trí Tuệ.

11.- Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm.

12.- Lễ vật lớn nhất của đời người là khoan dung.

13.- Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là kém hiểu biết.

14.- An ủi lớn nhất của đời người là bố thí.

Trích lời kinh Phật



(GHI CHÚ CỦA BAN BIÊN TẬP TVHS
(trong quyển sách:
TÔN GIÁO VÀ DÂN TỘC Tuệ Minh Đạo Nguyễn Đức Can)
"14 điều răn của Phật" trên là tên của một bản văn được truyền tụng không có nguồn gốc rõ ràng. Theo Đại đức Thích Nhật Từ, 14 điều này vốn được lưu truyền tại chùa Thiếu Lâm, Trung Quốc. Không có bài kinh nào trong các bộ Kinh tạng Pa-li, A-hàm kinh và kinh Đại Thừa chứa đủ 14 điều này. Tác giả có thể là các nhà sư chùa Thiếu Lâm và họ đã biên tập, trích dẫn ý tưởng từ các bản kinh, và tập hợp lại theo trật tự mình đặt ra. Việc truy tìm lại nguyên gốc các câu riêng lẻ từ kinh Phật là điều rất khó. Các bản dịch tiếng Việt đã có một số điểm lệch so với nguyên tác. Ví dụ, "điều răn" là cách dịch không chính xác từ giới (nguyên ngữ Śīla trong tiếng Phạn với nghĩa "giới" của Phật giáo, hay "điều khoản đạo đức"). (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
Nghiên cứu nội dung cái gọi là "14 điều răn của Phật" này, tác gỉa Đoàn Đức Thành trong một email phổ biến trên mạng cho biết nó tương tự như bản văn "Nhân Sinh Thập Tứ Tối" (14 Cái Hay Nhất của Đời Người) của Trung Quốc, chỉ khác 2 điều: (1) Điều 6 Trung Quốc viết là: “Tội lỗi lớn nhất của đời người là lừa dối chính  mình”, (2) Điều 10, Trung Quốc viết là “tài sản lớn nhất của đời người là sức khoẻ".  Tác giả cũng đề nghị nên thay tiêu đề "14 ĐIỀU RĂN CỦA PHẬT" bằng "14 CÁI HAY NHẤT CỦA ĐỜI NGƯỜI" và bỏ dòng "TRÍCH LỜI KINH PHẬT". 
Dưới đây là phóng ảnh bản của Trung quốc: (ĐOÀN HỌC GIẢ HỌC VIỆN QUAN HỆ QUỐC TẾ VIỆT NAM Sưu tầm tại Chùa Thiếu Lâm Trung Quốc)


ĐĐ. Thích Nhật Từ giảng tại chùa Thanh Nhàn (Hà Nội) ngày 29-06-2008
Dưới đây là ý kiến của cư sĩ HIỂN CHÁNH: 
So sánh với lời Phật dạy trong kinh điển thì nhiều điều trong số 14 điều này ý nghĩa khác hẳn ý Phật, thí dụ:
Câu 1 : Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình
Trong kinh Pháp Cú, phẩm Phật Đà, đức Phật dạy:
182. "Khó thay, được làm người,
Khó thay, được sống còn,
Khó thay, nghe diệu pháp,
Khó thay, Phật ra đời!"

Ngài cũng dạy:
 "Thật khó được vậy, này các Tỳ kheo, là được làm người. Thật khó được vậy, này các Tỳ kheo, là được Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A la hán, Chánh đẳng giác, thật khó được vậy, này các Tỳ kheo, là Pháp và Luật này do Thế Tôn thuyết giảng, chiếu sáng trên đời." (Tương Ưng V, 450 - 460).
Vậy “được làm người” là một điều tốt, vì nhờ đó mà người ta tu hành được, không thể coi là “kẻ thù”.
Câu thứ 2 : Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá.
Dối trá là một điều xấu mà trong Ngũ Giới, nó đứng hàng thứ 4, Giới Vọng Ngữ gồm:

a. không nói dối,
b. không nói đâm thọc,
c. không nói thô lỗ cộc cằn và
d. không nói nhảm nhí.

Nhiều điều khác như giết người, trộm cắp, tà dâm, còn do "ngu dốt" hơn nhiều.

Câu thứ 3 : Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại.

"Tự đại" chỉ là Ngã Mạn, một trong 6 phiền não căn bản gồm Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Ác Kiến, không phải là "thất bại lớn nhất".

Phải là những điều đáng tiếc rất lớn như đã được là một tu sĩ mà lại phá giới hoặc lạc vào đường tà, để "lỡ một kiếp người" thì mới là thất bại lớn nhất.

Câu thứ 4 : Bi ai lớn nhất của đời người là ganh tỵ.

Ganh tị là một trong những tật xấu, nằm trong 6 phiền não căn bản. Ai cũng thấy trong cuộc đời thường ngày, có biết bao nhiêu chuyện xảy ra, "bi ai" hơn nhiều.

Câu thứ 5 : Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình.

 Thế nào là “Đánh mất mình?”. Nếu “mình” đây là “Ngã” thì sự làm mất được khái niệm về “Ngã Chấp” là một thành công trong tu hành đạo Giác Ngộ Giải Thoát chứ, sao lại cho là “sai lầm”. Vô Ngã là một trong Tam Pháp Ấn.
6.- Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu.
7.- Đáng thương lớn nhất của đời người là tự ty.
8.- Đáng khâm phục lớn nhất của đời người là vươn lên sau khi ngã.

9.- Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng.

10.- Tài sản lớn nhất của đời người la sức khỏe, Trí Tuệ .

Năm câu này thuộc loại “túi khôn muôn đời”, không cần đến trí tuệ của bậc Đại Giác để phát biểu
11.- Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm. Nhà Phật nói “tình sanh, trí cách”. Tình cảm làm cho con người mất khách quan, sáng suốt, níu giữ con người trong chốn trần ai Tham Sân Si, không phải là điều nhà Phật khuyến khích.
Phật dạy “Vô duyên Từ, Đồng thể Bi”, là lòng trắc ẩn, bi mẫn, thường xót toàn thể chúng sinh bình đẳng, không phân biệt có, hay không có tình cảm. Tu hành là để xóa bỏ tình cảm riêng tư để thay vào đó là lòng bi mẫn, trắc ẩn, thương xót tất cả chúng sinh.
12.- Lễ vật lớn nhất của đời người là khoan dung.
Khoan dung nằm trong đức Nhẫn Nhục, là một trong Lục Độ, không là “lớn nhất”.
13.- Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là kém hiểu biết.
Biển “hiểu biết” mênh mông, không thể phân biệt hơn hoặc kém. Đệ tử Phật là Châu Lợi Bàn Đà Dà vì quá chậm lụt, ít hiểu biết, Phật dạy chỉ chú tâm vào hai chữ “chổi quét” mà đắc A La Hán. Lục Tổ Huệ Năng cũng chỉ là một tiều phu, mà nhờ công năng tu hành, trở thành Tổ thứ sáu của Thiền Tông.
Phật dạy:
Chư ác mạc tác,
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý...
Đặc điểm quan trọng, cốt tủy của đạo Phật là “Tự tịnh kỳ ý”, tự thanh tịnh tâm mình, không phải là chất đầy kiến thức.
14.- An ủi lớn nhất của đời người là bố thí.
Bố thí trong nhà Phật là một trong Tứ Vô Lượng Tâm, hạnh Xả, vì thương xót chúng sinh, thực hành hạnh xả bỏ để bài trừ thói xấu bần tiện, nắm giữ, là nguyên nhân gây nghiệp, trả quả báo triền miên trong luân hồi. Bố thí vì từ tâm, không phải để tự an ủi mình là hành động vị kỷ, không phải quan điểm của nhà Phật.
Lời Phật đều phải nằm trong Kinh Phật. Nếu ai cũng tùy tiện, tự sáng tác rồi gán là "Lời Phật", thì đạo Phật sẽ bị biến dạng theo với tư tưởng của những người chưa giác ngộ.

Theo "Bách khoa toàn thư mở Wikipedia":

"14 điều răn của Phật là những điều được nhiều người Việt truyền tụng, xem như trích trong kinh Phật. Tại chùa Trấn Quốc hiện có ghi lại các điều này.  [1]. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng những điều răn này có thể tìm thấy ở chùa Thiếu Lâm[2]...." (Nguồn: Bách Khoa Toàn Thư Mở)

Câu "...những điều răn này có thể tìm thấy ở chùa Thiếu Lâm" không có giá trị về mặt chứng minh đây là lời Phật. Từ khi Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày 1 tháng 10 năm 1949, Trung Quốc đã theo chủ nghĩa cộng sản vô thần. Không những thế, sau khi đã xảy ra vụ cái gọi là “cách mạng văn hóa” do bọn Tứ Nhân Bang gồm: Giang Thanh (vợ thứ tư của Mao Trạch Đông), Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn cầm đầu, giết và bỏ tù giới trí thức, tàn phá đền đài, chùa chiền, đốt xé kinh sách, làm tan hoang cả nước Tầu, gây kinh hoàng cho dân Trung Quốc trong suốt 10 năm trời, từ năm 1966 đến năm1976, tác động rộng lớn và sâu sắc lên mọi mặt của cuộc sống chính trị, văn hóa, xã hội, với mục đích đánh bật nền văn hóa Trung Hoa tận gốc rễ, thì câu mơ hồ “ những điều răn này có thể tìm thấy ở chùa Thiếu Lâm", có gì đáng tin cậy ?
HC


Hình bên trên: Một bản có tên "14 điều dạy của Phật", dạng treo tường (Ảnh: http://vi.wikipedia.org)



Ý kiến độc giả (5)
Được gửi bởi tuệ tâm (Guest) vào 07/08/2011 06:57 PM
Tôi thường nghe nói: "Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan, Ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết." Tôi cũng nghĩ đây không phải lời của Phật.
Được gửi bởi Chính Ân (Guest) vào 07/08/2011 10:59 AM
14 điều này có tính cách luân lý, con người theo đó để hành xử thì có phần thuận lòng người .Nhưng nếu gán cho Đức Thế Tôn là tác gỉa để nâng cao gía trị của nó thì lại là SỰ MẠO NHẬN,PHẢN TÁC DỤNG .
Được gửi bởi anthanh (Member) vào 07/08/2011 08:43 AM
Chào ông nguyen thanh quy,

Có đấy ạ, thí dụ nếu ông có đi học, đi thi, đỗ đạt, có bằng cấp, thì đó là bằng THẬT, không phải là GIẢ. Ông mua bằng ở chỗ in lậu thì đó là bằng GIẢ.

Hai cụ sanh ra ông thì đó là cha mẹ THẬT, nếu có người bắt cóc ông khi ông mới lọt lòng, đem về nuôi cũng xưng là cha mẹ, thì đó là cha mẹ GIẢ, hai nhóm không hề như nhau.

Lời nói của ông để dùng trong trường hợp đã vượt qua bờ kia, tạm gọi là "Chân Lý Tuyệt Đối", đã "Bất Nhị".

Còn sống trong thế gian, còn phải dùng Chân Lý Quy Ước, cũng gọi là "tương đối", có đúng, sai, phải, trái... Vi phạm Chân Lý Quy Ước thì sẽ bị trừng phạt theo luật pháp của xã hội.

Nếu ông tự in tiền giống tiền của chính phủ in, đem ra tiêu, cảnh sát sẽ còng tay vì tội xài tiền giả. Nếu ông hỏi họ "cái ji ở đời này ko phải là giả???? " thì họ sẽ hỏi "Thẻ căn cước của ông là giả hay thật", khi đó ông sẽ hiểu trong đời sống quy ước, vẫn phải dùng đồ thật, không thể dùng khái niệm bất nhị được, ông ạ.

Trong cuốn Trung Quán Luận, nơi phẩm Quán Tứ Ðế, Bồ Tát Long Thọ viết:

Các đức Phật căn cứ nhị đế
Vì tất cả chúng sinh nói pháp
Thứ nhất là nói Thế tục đế (Chân Lý quy ước, tương đối)
Thứ hai nói Ðệ nhất nghĩa đế (Chân Lý Tuyệt Đối, bất nhị)

Nếu người nào không thể nhận thức
Phân biệt rõ hai Đế Lý này
Thì đối với Phật pháp thậm thâm
Không hiểu được nghĩa Chân-Thật-Đế

AT

Được gửi bởi nguyen thanh quy (Guest) vào 07/07/2011 11:40 PM
Vậy cho hỏi cái ji ở đời này ko phải là giả????
Được gửi bởi momladyhan (Guest) vào 07/07/2011 06:26 AM
tôi thấy chùa cẫm phong ỡ trãng bàng tây ninh cũng ghi 14 điều dạy này trên tấm bãng rất to . cũng đáng suy ngẫm . nhưng tôi cũng nghĩ là không phãi lời PHẬT DẠY .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét