Mười Tưởng bất tịnh & Mười Niệm (Quyển 6 và 7) -A-la-hán Ưu-ba-đế-sa (Upatissa)




GIẢI THOÁT ĐẠO LUẬN
VIMUTTI MAGGA
A-la-hán Ưu-ba-đế-sa (Upatissa) sáng tác
Lương Ph
ù Nam, Tam Tạng Pháp Sư
Tăng-già-ba-la (Sanghapàla) Hán dịch
Thiện Nhựt chuyển dịch sang tiếng Việt
Montréal, Canada,
tháng 9-2003

xem thêm: 


 ==

Quyển Sáu

Phẩm 8, Chi 3: Các Nhứt thiết nhập (tiếp)
Mười Tưởng bất tịnh & Mười Niệm
 
Quyển thứ Bảy

Phẩm 8, Chi 4: Mười Niệm (tiếp)
===

Quyển Sáu

Phẩm 8, Chi 3: Các Nhứt thiết nhập (tiếp)
Mười Tưởng bất tịnh & Mười Niệm
Hỏi: Thế nào là Nhứt thiết nhập Hư-không? Thế nào là tu, tướng, vị, xứ và công đức? Giữ tướng ấy thế nào?
Đáp: Nhứt thiết nhập Hư-không có hai loại: (1) Hư-không lià khỏi sắc; (2) Hư-không chẳng lìa sắc. Tướng của Nhứt thiết nhập Hư-không là Hư-không lìa khỏi sắc. Nắm giữ tướng Hư-không nơi trống vắng là Hư-không còn chưa lià sắc. Tu hành giữ tướng đó khi tâm an trú chẳng loạn động, đó gọi là tu. Từ nơi tưởng về Hư-không mà phóng ý ra, đó gọi là tướng. Chẳng hề lìa tư tưởng về Hư-không là vị (tức là chức năng của Nhứt thiết nhập Hư-không). Sự tác ý (= khởi lên suy nghĩ) chẳng hề sai khác với tư tưởng đó, đó là xứ (tức là phạm vi hoạt động của Nhứt thiết nhập Hư-khôWng). Về công đức (= sự ích lợi) của Nhứt thiết nhập Hư-không, có hai công đức chẳng đồng với các Nhứt thiết nhập khác: (1) vượt xuyên qua chẳng bị ngăn ngại khi gặp tường vách, núi non; (2) thân đi qua lại chẳng ngại, tự tại và chẳng lo sợ.
Giữ tướng Hư-không bằng cách nào? Nơi Nhứt thiết nhập Hư-không, nắm giữ tướng Hư-không. Nếu ở nơi thiên nhiên, người quen toạ thiền có thể giữ được tướng Hư-không khi thấy lỗ hổng nơi song cửa, hoặc giữa cây cối, theo đó mà thường nhìn, dầu vui hay chẳng vui cũng sẽ thấy được tướng bỉ phần của Hư-không khởi lên, chẳng giống như người mới tập thiền. Người nầy chỉ thấy được tướng đó ở những nơi có tạo tác, chuẩn bị sẵn, chớ ở nơi thiên nhiên thì chẳng thấy được. Hoặc tại trong nhà, hoặc ở ngoài, nơi chẳng có ngăn ngại, người ấy khoét một lỗ trống nơi tường vách, và khởi lên tưởng về Hư-không.
Có ba cách để nắm giữ tướng ấy: (1) nên quán (= nhìn xem kỹ) cho đều đặn, bình đẳng; (2) biết khéo nhìn; (3) tránh nơi loạn động. Nhứt thiết nhập Hư-không đưa đến Tứ thiền, Ngũ thiền. Phần còn lại đã được nói rộng qua trước đây.

Nhứt thiết nhập Hư-không chấm dứt.
Hỏi: Thế nào là Nhứt thiết nhập Thức?

Đáp: Đó là Thức Hư-không, sự nhập định về Thức vô biên xứ. Phần còn lại đã được nói rộng qua trước đây.
Mười Nhứt thiết nhập chấm dứt.
Hỏi: Thế nào là Tán cú về Nhứt thiết nhập? (tức là các vấn
đề linh tinh về Nhứt thiết nhập)
Đáp: Nếu một tướng được tự tại (thuần thục), các tướng khác của các Nhứt thiết nhập còn lại cũng được tự tại, tác ý được tùy theo ý muốn. Nếu từ nơi một Nhứt thiết nhập mà vào được Sơ thiền và an trú ở đó, thì các Nhứt thiết nhập còn lại có thể khởi lên Nhị thiền. Như thế, được tự tại ở Nhị thiền, thì có thể khởi lên Tam thiền; từ Tam thiền có thể sang Tứ thiền.
Hỏi: Trong các Nhứt thiết nhập, cái nào là tối thắng (= cao đẹp hơn hết)?
Đáp: Bốn Nhứt thiết nhập về Màu Sắc là tối thắng, vì thành được sự giải thoát. Nhứt thiết nhập Bạch (= trắng) là tối thắng vì chiếu sáng lên khiến tâm được tự tại.
Nhập vào định nơi các nhứt thiết nhập thì đắc được mười sáu việc an tường: (1) khởi lên tướng tùy nơi mình muốn; (2) tùy ý mình thích mà vào định; (3) tùy ý; (4) chẳng trở ngại; (5) đi lên theo thứ tự; (6) đi xuống theo thứ tự; (7) lên và xuống theo thứ tự; (8) khiến tăng trưởng mỗi thứ; (9) khiến tăng trưởng chung; (10) hoặc bỏ đoạn giữa; (11) hoặc bỏ một phần; (12) hoặc bỏ đối tượng; (13) hoặc bỏ một phần và đối tượng; (14) hoặc đầy đủ các phần; (15) hoặc đầy đủ đối tượng; (16) hoặc đầy đủ vừa phần vừa đối tượng.


(1) Tùy nơi mình thích là hoặc tại thôn xóm, hoặc nơi yên vắng, nếu đó là chỗ mình thích thì liền nhập vào Tam-muội (= chánh định).
(2)
Tùy ý mình thích là khi vui hành thiền liền nhập vào thiền định.
(3 4)
Tùy lúc mình thích là theo ý mình muốn mà nhập vào Tam-muội hoặc nhiều lần nhập vào chánh thọ.
(5) Đi lên theo thứ tự là từ nhập vào Sơ thiền, theo thứ lớp vượt lần sang
đến Phi phi tưởng xứ.
(6) Đi xuống theo thứ tự
là từ cõi định Phi phi tưởng xứ lần lượt xuống đến Sơ thiền.
(7)
Lên, xuống theo thứ tự là khéo đi và trở lại, từ Sơ thiền vào Tam thiền, từ Tam thiền vào Nhị thiền, từ Nhị thiền vào Tứ thiền, cứ như thế cho đến Định Phi phi tưởng.
(8)
Khiến tăng trưởng mỗi thứ là theo thứ lớp nhập vào Tứ thiền, hoặc đi lên, hoặc đi xuống.
(9)
Khiến tăng trưởng chung là nhập vào Tứ thiền rồi từ đó vào Hư-không, rồi vào Tam thiền. Như thế, nhập vào định do hai ngã đó.
(10)
Bỏ đoạn giữa đã nhập vào Sơ thiền, từ đó liền nhập vào Phi phi tưởng xứ, từ nơi đây lại nhập vào Nhị thiền, để đi thẳng đến Vô sở hữu xứ. Như thế, hiện nhập chánh thọ và hiểu được Hư-Không-xứ.
(11)
Bỏ một phần là nhập thiền nơi tám nhứt thiết nhập rồi nhập vào định;
(12)
Bỏ đối tượng là nơi hai nhứt thiết nhập liền nhập vào định;
(13)
Bỏ phần và đối tượng là hai định và nhứt thiết nhập;
(14)
Đầy đủ phần là nơi hai nhứt thiết nhập nhập vào hai Nhị thiền;
(15)
Đầy đủ đối tượng là nơi hai hai nhứt thiết nhập nhập hai Nhị thiền;
(16)
Đầy đủ cả phần lẫn đối tượng là nói gồm lại cả hai câu (14) và (15) trên đây.
Phần tán cú (= linh tinh) chấm dứt.
Hỏi: Thế nào là Tướng sình chướng? Thế nào là tu, tướng, vị, xứ, công
đức của tướng sình chướng? Giữ tướng đó cách nào? Đáp: Tướng sình chướng là tình trạng sưng phù trướng lên của một xác chết bốc mùi hôi thúi khắp chốn. Nơi tướng sình chướng đó, dùng chánh trí mà biết đến, đó gọi là tưởng sình chướng. Tu theo tưởng đó, tâm an trú chẳng loạn, đó gọi là tu. Quan sát kỹ lưỡng theo đúng nơi tưởng sình chướng ấy gây nên sự chán ghét tướng sình chướng, đó là vị, hay chức năng của tướng sình chướng. Khởi lên ý tưởng (= tác ý) về sự ô uế, bất tịnh (= chẳng sạch), đó là xứ, hay là phạm vi hoạt động của tướng sình chướng. Tướng sình chướng có chín công đức (= ích lợi) giúp cho hành giả: (1) thấy rõ được niệm về nội thân, (2) có được tư tưởng về vô thường, (3) có tư tưởng về sự chết (= tử niệm), (4) được sự nhàm chán về lỗi lầm, (5) khắc phục được các sự ham muốn về giác quan, (6) cắt đứt sự kiêu mạn về sắc đẹp, (7) bỏ được sự kiêu mạn về chẳng bịnh hoạn, (8) hướng về các đường lành, (9) hướng về Niết-bàn.
Giữ tướng sình chướng cách nào? Người mới tập thiền hiện giữ tướng sình chướng bất tịnh, một mình đi đến nơi có nhiều tử thi ô uế. Người ấy giữ tâm niệm chẳng động, chẳng ngu si, các căn hướng vào trong, tâm chẳng lang thang bên ngoài. Đến chốn ấy, tránh ngược gió, cách tướng bất tịnh chẳng gần cũng chẳng xa, hoặc ngồi, hoặc đứng dựa. Gần nơi bất tịnh, hoặc có phiến đá, hoặc gò đất, hoặc bụi cây, hay giây leo, người ấy lấy vật nầy làm tướng, vật kia làm đối tượng, rồi khởi lên suy nghĩ: "Phiến đá nầy bất tịnh, đó là tướng bất tịnh; gò đất kia bất tịnh, đó là đối tượng bất tịnh..." Sau khi tướng và đối tượng đã lập xong, người ấy bắt đầu thực tập quán tướng bất tịnh sình chướng, theo mười cách nầy: (1) theo sắc, (2) theo hình nam hay nữ, (3) theo phương hướng, (4) theo xứ sở, (5) theo phân biệt, (6) theo đốt xương, (7) theo lỗ hổng (= khổng huyệt), (8) theo hang hố, (9) theo bằng phẳng, và (10) theo mọi khiá cạnh.

(1) Theo sắc là, nếu đen quán thấy đen, nếu chẳng đen chẳng trắng quán thấy chẳng đen chẳng trắng, nếu trắng quán thấy trắng, nếu da hôi thúi quán thấy da hôi thúi.
(2)
Theo hình là, nếu hình người nữ, người nam theo đó mà quán trẻ, đứng tuổi hay đã già; nếu cao lớn quán thấy cao lớn, nếu thấp lùn quán thấy thấp lùn, nếu mập mạp quán thấy mập mạp, nếu gầy ốm quán thấy gầy ốm, tùy theo hình dạng mà quán.
(3) Theo phương hướng là,
đầu ở hướng nầy, tay ở hướng kia, chơn ở hướng nọ, lưng ở hướng nầy, bụng ở hướng kia, còn ta đang ngồi theo phương nầy và tướng bất tịnh ở phương kia.
(4) Theo xứ sở là, chỗ nầy ánh sáng chiếu vào là tay, chỗ kia ánh sáng chiếu vào là chơn, chỗ nọ ánh sáng chiếu vào là
đầu, còn ta đang ngồi nơi dưới ánh sáng nầy và tướng bất tịnh đang ở phiá dưới ánh sáng kia.
(5)
Theo phân biệt là, từ đầu chí đến chơn, từ dưới lên trên đầu, tóc, còn da ở ngoài bìa, tất cả đều trông như một đống phân.
(6)
Theo đốt xương là, nơi hai tay có sáu đốt xương, nơi hai chơn có sáu đốt, và đốt xương cổ, đốt xương mông, cả thảy là mười bốn đốt xương lớn.
(7)
Theo khổng huyệt (= lỗ hổng) là, quán miệng hoặc há ra hay ngậm lại, quán mắt mở hay nhắm, quán nơi lòng bàn tay, gang bàn chơn.
(8) & (9) Theo hang hố, theo bằng phẳng là, quán tùy theo tướng bất tịnh ở vào chỗ trủng thấp hay ở trên
đất, hoặc tướng bất tịnh đang ở trên mặt đất, còn ta đang ở nơi trủng thấp, hay ngược lại.
(10)
Theo mọi khía cạnh là, ta chẳng ngồi gần quá hay xa quá, cách tướng bất tịnh chừng hai hay ba tầm (một tầm dài độ hơn ba thước), nhìn vào mọi khía cạnh.
Người toạ thiền ấy tùy theo tất cả sự vật mà chánh quán, thấy được tướng sình chướng đó: Lành thay! Lành thay! Như thế mà thọ trì, khéo được tự an. Người toạ thiền ấy đã khéo giữ tướng, đã khéo thọ trì, đã khéo tự an, đi một mình chẳng có bạn, tâm niệm chẳng động, chẳng ngu si, các căn hướng vào trong, tâm chẳng ra ngoài, bước tới bước lui trên đường. Khi đi hoặc khi ngồi, đều quán tướng bất tịnh ấy, tâm thường thọ trì. Chẳng có bạn đồng hành, nghiã là gì? Khiến cho thân được yên tịch. Khiến cho nìệm chẳng động có nghiã là, chẳng ngu si, hướng các căn quay vào trong, tâm chẳng ra ngoài. Đi tới đi lui trên đường, nghiã là gì? Khiến cho thân được yên tịch. Lià nơi ngược gió, nghiã là gì? Vì muốn tránh mùi hôi thúi. Ngồi chẳng gần chẳng xa, nghiã là gì? Nếu ngồi xa, chẳng nắm giữ được tướng. Nếu ngồi gần, chẳng sanh ra chán ghét tướng ấy, chẳng thấy được bản tánh của tướng ấy. Khi chẳng thấy được bản tánh thì tướng ấy chẳng khởi lên, bởi thế cho nên chẳng ngồi gần mà cũng chẳng ngồi xa. Quán tướng khắp mọi khía cạnh, nghiã là gì? Khiến trừ được sự ngu si. Chẳng ngu si là, khi người toạ thiền đến nơi yên vắng, thấy trước mặt tướng bất tịnh, tâm phát lên lo sợ, nếu tử thi có đứng dậy, thì anh cũng chẳng đứng lên, mà tâm lại suy nghĩ: dùng chánh niệm, chánh trí mà quán tướng ấy khắp mọi khiá cạnh; cứ như thế mà tác ý, đó là chẳng ngu si.
Hỏi: Nắm giữ tướng bất tịnh theo mười cách, nghiã gì?
Đáp: để cột tâm lại nơi tướng mà quán.
Đi tới đi lui trên đường, nghiã gì? Để có thứ tự trong việc thực tập theo pháp. Thực tập thứ tự theo pháp nghiã là, dầu người toạ thiền đã đến nơi yên vắng, nhưng tâm có lúc xao động, nếu chẳng thường quán, thì tướng bất tịnh chẳng khởi lên, bởi thế cho nên người ấy phải luôn luôn nhiếp tâm, phải quán khi đi tới đi lui trên đường, phải quán khi ngồi, phải quán khắp mọi khía cạnh, phải quán theo mười cách nói trên để nắm giữ tướng. Người toạ thiền ấy quán như thế nhiều lần, cho đến khi tướng khởi lên như thấy được trước mắt, đó là có tiến bộ trong việc thực tập thứ tự theo pháp.
Người mới tập thiền quán tướng tử thi xem như trân bảo, tâm sanh hoan hỉ, thường thọ trì tu hành, diệt được các triền cái, khởi lên các thiền chi. Người ấy lià được các ham muốn, và các pháp chẳng lành, có giác, có quán, an tịch khiến sanh mừng (hỉ), vui (lạc), nhập vào định của Sơ thiền, qua tướng sình chướng.
Hỏi: Tại sao Tướng bất tịnh khởi lên Sơ thiền mà chẳng khởi các Thiền khác?
Đáp: Cách nầy vì khởi lên sự quán làm thành một nơi cột buộc tâm, thường tùy vào đó mà giác quán; khi có giác quán thì tướng mới hiện được, chẳng giác quán thì tướng chẳng hiện lên; bởi thế chỉ khởi lên có Sơ thiền, còn các thiền khác chẳng khởi. Lại có thuyết cho rằng, nơi tướng bất tịnh nầy, sắc, hình, và các thứ khác, chẳng do cùng một cách tư duy mà khiến khởi lên; khi tư duy, các thứ sắc, hình, là đối tượng của giác và quán, nếu lìa giác quán thì tư duy về chúng chẳng thành được, do đó chỉ có Sơ thiền khởi lên, các thiền khác chẳng khởi. Lại còn có thuyết cho rằng, tướng bất tịnh là một đối tượng chẳng kham chịu đựng, tâm khó cất lên nổi. Tại một nơi bất tịnh, mừng vui chỉ có thể khởi lên khi nào khéo léo dẹp bỏ được giác và quán về đối tượng khó kham chịu là hôi thúi, do đó chỉ có Sơ thiền khởi lên thôi, các thiền khác thì không.
Hỏi: Trước một đối tượng khó kham chịu đựng, vì sao khởi lên được hỉ (= mừng) và lạc (= vui)?
Đáp: Đối tượng khó kham chịu được chẳng phải là nguyên nhân làm khởi lên mừng vui. Vả lại, do khéo léo dẹp bỏ được sức nóng bức của triền cái, tâm được tự tại, mừng vui mới khởi lên. Các điều còn lại đã được nói rộng qua trước đây.
Tướng sình chướng chấm dứt.
Hỏi: Thế nào là tướng bầm xanh? Thế nào là tu, tướng, vị xứ, công
đức? Giữ tướng ấy cách nào?
Đáp: Tướng bầm xanh là, hoặc chết một đêm, hay hai ba đêm, thân thành tướng bầm xanh, như bị nhiễm màu tái xanh, đó gọi là tướng bầm xanh. Lấy chánh trí mà biểu biết về tướng đó, là tưởng bầm xanh. Tâm an trú chẳng loạn nơi tướng đó, gọi là tu. Sự thọ trì tướng bầm xanh tướng. Chán ghét là vị, tức là chức năng của tướng bầm xanh. Ý tưởng về sự chẳng kham chịu nổi là xứ, tức là phạm vi hoạt động của tướng bầm xanh. Công đức (= sự ich lợi) cũng giống như Tướng sình chướng. Nắm giữ tướng ấy cách nào, giống như đã nói rộng qua trước đây.
Tướng bầm xanh chấm dứt.
Hỏi: Thế nào là tướng rỉ mủ? Thế nào là tu, tướng, vị, công
đức? Giữ tướng ấy cách nào?
Đáp: Rỉ mủ là, hoặc chết hai, ba đêm, mủ máu rỉ chảy ra như chất bơ trâu rưới khắp châu thân, đó gọi là rỉ mủ. Nơi tướng rỉ mủ, lấy chánh trí mà hiểu biết, đó gọi là tưởng rỉ mủ. Tâm am trú chẳng loạn nơi tưởng đó, gọi là tu. Thọ trì tướng rỉ mủ là tướng. Ghê chán là vị, hay chức năng của tướng rỉ mủ. Khởi lên ý chẳng kham chiụ nổi là xứ, tức là phạm vi hoạt động của tướng rỉ mủ. Công đức (ích lợi) của tướng rỉ mủ cũng giống như tướng sình chướng. Về cách nắm giữ tướng rỉ mủ, có thể biết được, như đã nói rộng qua ở trước.
Tướng rỉ mủ chấm dứt.
Hỏi: Thế nào là tướng đâm chém nát? Thế nào là tu, tướng, vị, xứ, công
đức của tướng đâm chém nát? Giữ tướng đó cách nào?
Đáp: Đâm chém nát là, hoặc dùng dao, kiếm đâm chém thân thể nát ra. Lại nữa, khi vứt bỏ tử thi, đó cũng gọi là đâm chém nát. Nơi bị đâm chém nát mà dùng chánh trí để hiểu biết, đó gọi là tưởng đâm chém nát. Tâm trú chẳng loạn vào tưởng đó, gọi là tu. Suy gẫm đến tướng đâm chém nát là tướng; khởi sanh sự chán ghét tướng đó là vị, hay chức năng của tướng đâm chém nát. Có ý tưởng về sự bất tịnh (= chẳng sạch) là xứ, hay phạm vi hoạt động của tướng đâm chém nát. Công đức, hay sự ích lợi, giống như tướng sình chướng.
Hỏi: Nắm giữ tướng đó cách nào?
Đáp: Nắm giữ tướng đâm chém nát tại nơi hai vành tai hay hai ngón tay tách khỏi thân thể, cách một hai khoảng trống. Phần còn lại nói về tướng nầy cũng giống như đã được nói rộng qua trước đây.
Tướng đâm chém nát chấm dứt.
Hỏi: Thế nào là tướng bị gặm nhấm? Thế nào là tu, tướng, vị, xứ, công
đức? Giữ tướng đó cách nào?
Đáp: Bị gặm nhấm là, hoặc quạ, chim thước, chim ưng, chim điêu, chím thứu, chó, cọp, sói, beo cắn xé, đó gọi là bị gặm nhấm. Nơi tướng ấy, dùng chánh trí mà hiểu biết, gọi là tưởng bi gặm nhấm. Tam trú vào tướng đó chẳng loạn, gọi là tu. Tư tưởng về sự bị gặm nhấm là tướng. Khởi lên sự chán ghét là vị, hay chức năng của tướng bị gặm nhấm. Có ý tưởng về sư bất tịnh (= chẳng sạch) là xứ, hay phạm vi hoạt động của tướng bị gặm nhấm. Sự ích lợi (công đức) của tướng nầy giống như tướng sình chướng. Chỗ còn lại cũng như đẵ được nói rộng qua trước đây.
Tướng bi gặm nhấm chấm dứt.
Hỏi: Thế nào là tướng vứt bỏ rã rời? Thế nào là tu, tướng, vị, xứ, công
đức? Giữ tướng đó cách nào?
Đáp: Vứt bỏ là, đầu mình và tay chơn bị phân tán rã rời, vứt bỏ đó đây khắp nơi. Nơi tướng bị vứt bỏ đó, dùng chánh trí mà hiểu biết, gọi là tưởng vứt bỏ rã rời. Tâm trú chẳng loạn vào tướng nầy là tu. Thọ trì tưởng vứt bỏ rã rời là tướng. Sự chán ghét là vị, hay chức năng của tướng vứt bỏ rã rời. Có ý tưởng về sự bất tịnh (= chẳng sạch) là xứ, hay phạm vi hoạt động của tướng ấy. Công đức (ích lợi) của tướng nầy giống như tướng sình chướng.
Nắm giữ tướng vứt bỏ rã rời cách nào? Gom hết các phần thân thể lại tại một nơi, sắp xếp các phần cách nhau chừng đôi phân, rồi khởi lên tướng vứt bỏ rã rời để nắm giữ.
Phần còn lại như đã được nói rộng qua trước đây.
Tướng vứt bỏ rã rời chấm dứt.
Hỏi: Thế nào tướng giết chết vứt bỏ? Thế nào là tu, tướng, vị, xứ, công
đức? Giữ tướng ấy cách nào?
Đáp: Bị giết chết vứt bỏ là, hoặc do đao, gậy, hoặc do cung tên, đâm chém khắp nơi trên thân người chết và vứt bỏ đi. Nơi tướng đâm chém giết hại đó, dùng chánh trí mà hiểu biết đến, gọi là tưởng giết chết vứt bỏ. Tâm trú chẳng loạn vào tướng ấy, là tu. Thọ trì tưởng giết chết vứt bỏ là tướng. Khởi lên sự chán ghét là vị, hay chức năng của tướng đó. Có ý tưởng về sự bất tịnh (= chẳng sạch) là xứ, hay phạm vi hoạt động của tướng giết chết vứt bỏ. Công đức (ích lợi) của tướng nầy cũng giống như tướng sình chướng. Nắm giữ tướng ấy cách nào, như đã được nói rộng qua trước đây.
Tướng giết chết vứt bỏ chấm dứt.
Hỏi: Thế nào là Tướng dính máu huyết? Thế nào là tu, tướng, vị, công
đức? Giữ tướng đó cách nào?
Đáp: Dính máu huyết là, hoặc chém đứt đầu mình tay chơn lià ra, máu đổ dính đầy thân thể. Nơi tướng dính máu đó, dùng chánh trí mà hiểu biết, đó gọi là tưởng dính máu huyết. Tâm trú chẳng loạn nơi tướng ấy là tu. Thọ trì tư tưởng dính máu huyết là tướng. Khởi lên sự chán ghét là vị, hay chức năng của tướng đó. Có ý tưởng về sự bất tịnh (= chẳng sạch) là xứ, hay phạm vi hoạt động của tướng dính máu huyết. Công đức (ích lợi) của tướng nầy cũng giống với tướng sình chướng.
Nắm giữ tướng nầy cách nào đã được nói rộng qua trước đây.
Tướng dính máu huyết chấm dứt.
Hỏi: Thế nào là tướng trùng hôi? Thế nào là tu, tướng, vị, xứ, công
đức? Giữ tướng đó cách nào?
Đáp: Trùng hôi là, các loại trùng sanh sản khắp thi thể, tụ lại giống như trái châu trắng. Nơi tướng trùng hôi đó, dùng chánh trí mà hiểu biết đến, gọi là tưởng trùng hôi. Tâm trú chẳng loạn vào tướng ấy là tu. Thọ trì tư tưởng trùng hôi là tướng. Khởi lên sự chán ghét là vị, hay chức năng của tướng trùng hôi. Có ý tưởng về sự bất tịnh (= chẳng sạch) là xứ, hay phạm vi hoạt động của tướng ấy. Công đức (ích lợi) cũng giống với tướng sình chướng.
Nắm giữ tướng trùng hôi cách nào, cũng giống như đã nói rộng qua trước đây.
Tướng trùng hôi chấm dứt.
Hỏi: Thế nào là tướng xương? Thế nào là tu, tướng, vị, xứ, công
đức? Giữ tướng ấy cách nào?
Đáp: Xương là, các khúc xương còn dính liền nhau như móc câu nhờ máu, thịt và gân nối lại, hoặc chẳng còn máu thịt chỉ còn gân. Nơi tướng xương đó, dùng chánh trí mà hiểu biết đến, đó gọi là tưởng xương. Tâm trú chẳng loạn vào tướng ấy, là tu. Thọ trì tưởng xương là tướng. Khởi lên sự chán ghét là vị, hay chức năng của tướng xương. Có ý tưởng về sự bất tịnh (chẳng sạch), là xứ, hay phạm vi hoạt động của tướng xương. Công đức (ích lợi) cũng giống như trường hợp tướng sình chướng. Giữ tướng xương cách nào, đã được nói rộng qua ở trước.
Tướng xương chấm dứt.
Hỏi: Về bất tịnh xứ (= các nơi dơ), có các vấn đề linh tinh (= tán ) nào?

Đáp: Người mới tập thiền có nhiều phiền não nặng nề, chẳng nên nắm giữ tướng chẳng cùng một loại phiền não. "Chẳng cùng một loại phiền não" có nghiã như thân người nam với thân người nữ. Nếu nghiệp chẳng thanh tịnh, chẳng nên nhơn tướng bất tịnh mà tác ý. Tại sao vậy? Vì thường quán về đối tượng ấy, nên sự nhàm chán chẳng khởi sanh lên. Nơi thân súc sanh, chẳng khởi được tưởng tịnh. Nơi một khúc xương, nếu tướng xương khởi lên, nên nắm giữ lấy cho thuần thục. Đối với một đống xương, cũng lại như thế. Nếu tướng bất tịnh do từ sắc mà khởi lên, nên quán nhứt thiết nhập. Nếu tướng ấy khởi lên từ hư không, nên quán tướng nam. Nếu tướng bất tịnh khởi, nên quán về bất tịnh.
Hỏi: Tại sao chỉ có mười tưởng bất tịnh, chẳng nhiều hay chẳng ít hơn?
Đáp: Vì sự lỗi lầm của thân có mười loại. Lại nữa có mười loại tánh người, thành ra có mười loại tưởng về bất tịnh. Người nhiều tham dục nên quán tướng sình chướng. Người tham ái sắc dục nhiều, nên quán tướng bầm xanh; người muốn tịnh lòng dục nên quán tướng rỉ mủ; các hạng người còn lại có thể suy ra để tự biết được.
Lại nữa, tưởng bất tịnh rất khó đắc được, bởi vì tất cả các tưởng bất tịnh là để đối trị lòng dục. Vì thế, nếu người nhiều lòng dục thấy được tướng bất tịnh, nên liền nắm giữ lấy. Bởi lẽ ấy mới nói tất cả các tuớng bất tịnh thuộc vào mười loại tưởng bất tịnh.
Hỏi: Tại sao chẳng khiến các tướng bất tịnh tăng trưởng lên?
Đáp: Nếu có người muốn chán ghét lòng ham muốn, người ấy nên khiến khởi lên tự tánh về thân tướng của mình. Tại sao? Nếu có được tưởng về tự tánh của thân mình, nhờ đó mau khởi lên sự chán ghét mà đắc được tướng bỉ phần. Nếu khiến cho tướng bất tịnh tăng trưởng thêm, thì thân tưởng lại bị mất, khiến cho sự chán ghét chẳng mau khởi lên được. Vì lẽ đó, chẳng nên khiến tướng bất tịnh tăng trưởng thêm.
Lại có thuyết cho rằng, người đã dứt được ham muốn, muốn tu thành đại tâm, nên tăng trưởng tướng bất tịnh, như trong A-tỳ-đàm (Abhidhamma, Luận tạng) có nói: "Người đã ly dục nhập vào Sơ thiền, trú trong chánh thọ về tướng sình chướng, khởi lên được đối tượng vô biên."
Như Đại đức Singalapita có nói kệ:


"Tỳ-kheo hưởng gia tài Phật,
Nơi cảnh rừng đáng lo sợ,
Đ
ã tu hành về tưởng xương,
Khiến cho tràn khắp đất nầy,
Ta biết vị Tỳ-kheo ấy
Sớm đoạn được l
òng ham muốn."
Hỏi: Thế nào là Niệm Phật? Thế nào là tu, tướng, vị, xứ, công đức? Tu hành niệm Phật cách nào? Đáp: Phật là, được đời tôn trọng, tự nhiên chẳng có thầy mà hiểu đứng đắn Chơn lý nhiệm mầu chưa từng nghe nói đến, biết tất cả, đầy đủ quyền lực và tự tại, đó gọi là Phật. Niệm Phật là niệm Đức Phật, Thế tôn, chánh biến tri, công đức đạo Bồ-đề. Niệm phải theo sát niệm, chẳng mất niệm căn và niệm lực, luôn luôn giữ niệm trong chánh niệm, đó gọi là niệm Phật. Tâm an trú chẳng loạn là tu. Khiến khởi lên công đức của Phật là tướng. Sanh lòng cung kính là vị, hay chức năng của việc niệm Phật. Làm cho lòng tin được tăng thêm lên là xứ, hay phạm vi hoạt động của việc niệm Phật. Nếu tu hành niệm Phật thành thì đắc được mười tám công đức: có sự tăng trưởng về (1) niềm tin; (2) niệm; (3) trí huệ; (4) cung kính; (5) công đức; (6) được nhiều hoan hỉ; (7) kham chịu được khổ hạnh; (8) lià xa sự lo sợ; (9) đối vớc các pháp chẳng lành, biết tự thẹn (tàm) và biết xấu hổ với người (qúi); (10) thường được gần thầy; (11) tâm vui nơi đất Phật; (12) đi hướng về nẻo lành; (13) sau rốt chứng được Niết-bàn...
Như có nói trong Kinh Niết Để (Netri Sutra), "Người muốn niệm Phật, phải nên kính ngưỡng nơi có tượng Phật."
Thế nào là tu hành? Người mới tập thiền đi đến nơi yên vắng, nhiếp tâm chẳng loạn, lấy tâm chẳng loạn ấy mà niệm: Như Lai Thế tôn, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế tôn. Do tất cả các công đức đó, Ngài đã đến bờ bên kia.
Thế tôn là, được thế gian khen ngợi, nên gọi là Thế tôn; lại được diệu pháp, nên gọi là Thế tôn; được sự cúng dường, nên gọi là Thế tôn; đầy đủ phước đức, nên gọi là Thế tôn; làm bực giáo chủ, nên gọi là Thế tôn; do các nhân duyên đó nên gọi là Thế tôn. Cũng do các nhân duyên đó và được sự cúng dường, nên gọi là A-la-hán. Đã giết xong các giặc phiền não, nên gọi là A-la-hán. Bẻ gãy vòng sanh tử, nên gọi là A-la-hán.
Chánh biến tri là, biết rõ thật đứng đắn tất cả mọi hành động, mọi pháp, nên gọi là chánh biến giác (chánh = chơn chánh, đứng đắn; biến = khắp cả; giác = biết); lại diệt được vô minh (= sự ngu tối), nên gọi là chánh biến giác; do tự lực chính mình mà được đạo Bồ-đề vô thượng, nên gọi là chánh biến giác.
Minh hạnh túc là, minh là ba minh: (1) túc mạng minh, (2) chúng sanh sanh tử minh, (3) lậu tận minh. Thế tôn dùng trí túc mạng minh (= biết đời trước) cắt đứt sự vô minh trong quá khứ, dùng trí sanh tử minh (= biết lẽ sống chết) cắt đứt sự vô minh trong tương lai, và trí lậu tận minh (= tận diệt các phiền não) cắt đứt sự vô minh trong hiện tại. Đã cắt đứt xong sự vô minh trong quá khứ, Thế tôn khi niệm đến quá khứ liền thấy tất cả hành động về đời trước hiện lên. Đã cắt đứt sự vô minh trong tương lai, Thế tôn khi niệm đến tương lai liền thấy tất cả hành động vào đời sau hiện lên. Đã cắt đứt sự vô minh trong hiện tại, Thế tôn khi niệm đến hiện tại liền thấy tất cả hành động trong hiện tại hiện lên. Hạnh là, giới định đều đầy đủ. Giới là, có đầy đủ tất cả các pháp lành, nên gọi là minh hạnh túc (túc = đầy đủ); lại có đầy đủ các thần thông, nên gọi là minh hạnh túc. Đầy đủ là, Thế tôn đắc tất cả định.
Như thế, do nhứt thiết trí (= trí hiểu biết tất cả mọi sự vật), do ba minh và do chánh hạnh, Thế tôn đắc đại từ bi, làm lợi ích cho cả thế gian, nên được sự tự tại. Do biết khắp cả mọi cõi, Ngài luận Đạo chẳng ai thắng nổi. Đã diệt xong các phiền não, do chánh hạnh thanh tịnh, do đầy đủ ba minh, Ngài là con mắt của thế gian hiện đem lợi ích đến nơi nào còn thiếu lợi ích. Do đầy đủ các hạnh, Ngài thành nơi nương tựa của thế gian, cứu vớt mọi sự lo sợ. Do minh trí giải thoát theo ý nghiã bực nhứt, do đắc sự thông đạt, do chánh hạnh, Ngài thành bực tế độ cho cả thế gian. Nơi tất cả mọi sự việc, chẳng cần học với thầy nào, bằng vào hành động thật bình đẳng, Ngài đắc được sự an tịch vô thượng. (...)
Thiện thệ là, tới được nơi đường lành, nên gọi là thiện thệ. Chẳng hề lùi trở lại, đã đến cõi Niết-bàn vô vi, nên gọi là thiện thệ. Lại nữa, nói pháp chẳng điên đảo, nên gọi là thiện thệ. Pháp của Ngài chẳng chút tì vết, nên gọi là thiện thệ. Pháp của Ngài chẳng chút lỗi lầm, nên gọi là thiện thệ. Pháp của Ngài chẳng nhiều cũng chẳng ít, nên gọi là thiện thệ.
Thế gian giải , thế gian có hai thứ: (1) chúng sanh thế gian và (2) hành thế gian. Thế tôn, qua tất cả hành động, biết rõ mọi chúng sanh trên thế gian, Ngài biết mọi ham muốn của họ, mọi căn cơ sai biệt, mọi đời sống kiếp trước. Ngài dùng thiên nhãn theo dõi sự chết đi sanh lại, sự hoà hiệp, sự thành tựu, loài nào dễ cảm hóa, loài nào chẳng kham giáo hoá, mọi nẻo tái sanh, mọi đưởng lành dữ, mọi nghiệp báo, mọi loại phiền não, mọi pháp thiện ác, mọi sự trói buộc cởi mở. (...) Lại nữa, Thế tôn biết tất cả mọi hành (= mọi hành vi tạo nghiệp), qua các nhân và các quả của nghiệp, qua định tướng, qua tự tướng, qua nhân duyên lành, chẳng lành, và vô ký, qua mọi ấm, giới, và nhập, qua sự biết rõ về vô thường, khổ, vô ngã, qua sự sanh, sự bất sanh, tất cả mọi hành như thế. (...)
Vô thượng là, ở thế gian, chẳng gì cao hơn nữa, chẳng có ai bằng được, tối thắng chẳng ai so sánh được, chẳng ai vượt qua nổi, nên gọi là vô thượng.
Điều ngự trượng phu là, có ba hạng người: (1) nghe pháp liền ngộ, (2) nghe thuyết về nhân duyên; (3) nghe thuyết về đời kiếp trước, nhưng Thế tôn lại còn điêu luyện thuần thục con đường giải thoát tám ngành nữa, nên thâu phục và thuần hoá được chúng sanh, mới gọi là vị điều ngự trượng phu.
Thiên nhơn sư là, Thế tôn hay độ thoát cho Trời, người, qua khỏi cảnh sanh, già, chết, trong rừng đời đầy lo sợ, nên gọi là Thầy của Trời và người. Lại nữa, Ngài dạy cho thấy con đường Đạo, nên gọi là thầy của Trời và người.
Do môn nầy, do việc tu hành nầy, người toạ thiền nên như thế mà niệm Như Lai.
Lại nữa, theo lời dạy của thầy bổn sư, có bốn cách để niệm công đức của Phật Thế tôn: (1) do nhân duyên tích xưa, (2) do khởi tự thân, (3) do đắc được pháp tối thắng, (4) do làm lợi ích cho chúng sanh.
Từ sở nguyện ban sơ cho chí đến đời sống cuối cùng, trong khoảng giữa thời gian dài lâu hai mươi a tăng kỳ kiếp, Ngài đã quán thấy hàng trăm ngàn ức chúng sanh với căn cơ của họ, nên sanh lòng thương xót chúng sanh ở thế gian: "Ta đã được giải thoát, phải nên khiến họ được giải thoát; Ta đã nhập Niết-bàn, phải nên khiến họ được nhập Niết-bàn." Bố thí, trì giới, xuất ly, nhẫn nhục, diệu đế, thọ trì, từ, xả, tinh tấn, trí huệ, tất cả các công đức đều đầy đủ, nên Ngài mới đắc đạo Bồ-đề.
Thế tôn có nói về sự tích bổn sanh của Ngài, lúc còn ở quả vị Bồ-tát, như Ngài từng sanh làm con thỏ thường theo hạnh bố thí. Về sự tích sanh làm Khả hộ (Samkhapàla), nên niệm trì giới; về sự tích sanh làm Ma-ha Cồ-tần-đà (Maha Govinda), thì niệm hạnh xuất ly; về sự tích sanh làm Phổ minh (Khanti) thì niệm hạnh nhẫn nhục; về sự tích sanh làm Ổ-kiến (Maha Sutasoma) thì niệm hạnh thực ngữ (= nói lời chơn thật); về sự tích sanh làm Đế-Thích (Sakkha), niệm hạnh từ bi; về sự tích sanh làm Mao thụ (Lomahamsa) thì niệm hạnh xả; về sự tích sanh làm thương chủ, thì niệm hạnh chánh trực; về sự tích sanh làm con chương (= nai con), thì niệm hạnh trí huệ; về sự tích sanh làm Trường thọ (Dighiti Kosala), thì niệm lời của người cha; về sự tích sanh làm con voi trắng sáu ngà, thì niệm sự cung kính đối với chư Thiên; về sự tích sanh làm con ngựa trắng thì niệm việc sang nước La sát để cứu độ chúng sanh; về sự tích sanh làm con nai, thì niệm việc bỏ mạng mình để cứu mạng kẻ khác; về sự tích sanh làm con khỉ, thì niệm việc giải thoát cho một người đang bị đau khổ nặng nề; và cũng niệm việc con khỉ cứu người sa xuống hố sâu, đem hoa trái cho ăn, nhưng người lại đòi ăn thịt, nên bị người đập lỗ đầu, mà rồi lại cũng chỉ đường lành cho người. Như thế, qua các sự tích bổn sanh, nên niệm công đức của Thế tôn.
Thế nào là niệm công đức Thế tôn hy sanh thân mình? Thế tôn đã có đầy đủ công đức về các đời sống trước. Ngay trong đời nầy, từ thuở thiếu thời, đã lià các nơi cư trú, lià cha mẹ, vợ con, bạn bè, một mình đi đến nơi hoang vắng, để cầu Niết-bàn vô vi, tịch diệt. Tại nước Ma-già-đà (Magadha, Ma-kiệt-đà), lội qua sông Ni-liên-thiền (Neranjarà), ngồi dưới cội cây Bồ-đề, hàng phục Ma vương và các qủi binh. Vào khoảng canh đầu, nhớ lại các đời kiếp trước. Vào khoảng canh giữa, đắc được thiên nhãn. Đến canh cuối, chứng được Khổ, Đoạn, Tập, cùng Bát Chánh đạo, đắc được lậu tận, thành tựu Bồ-đề giác. Ngài đã khởi thân ra khỏi cảnh thế gian, an trú vào cõi thanh tịnh bực nhứt, dứt tận mọi phiền não. Như thế, nên theo các hành môn đó mà niệm công đức của Thế tôn đã khởi thân ra khỏi cảnh thế gian.
Thế nào là niệm công đức Thế tôn đắc pháp tối thắng? Nên niệm Thế tôn được tâm giải thoát, có đủ mười lực, mười bốn thứ Trí huệ Phật, mười tám pháp của Phật, và nhiều thiền pháp khác, thành tựu được sự tự tại và đến bờ bên kia.
Thế nào là Thế tôn thành tựu được mười lực? Như Lai biết rõ chỗ sai, chỗ đúng, biết đúng như thật. Như Lai biết rõ nhân duyên, nghiệp lành, quả báo trong ba đời quá khứ, vị lai, hiện tại, biết đúng như thật. Như Lai biết thấu tất cả mọi cảnh giới đầy đủ, biết đúng như thật. Như Lai biết rõ sự sai biệt giữa mọi giới hạnh chúng sanh trên thế gian, biết đúng như thực. Như Lai biết rõ mọi tham muốn của mọi loài chúng sanh, biết đúng như thật. Như Lai biết rõ mọi căn cơ của mọi loài chúng sanh, biết đúng như thật. Như Lai biết rõ thiền, giải thoát, định, chánh thọ, còn phiền não, chẳng còn phiền não, biết đúng như thật. Như Lai biết rõ đời sống quá khứ, biết đúng như thật. Như Lai biết sự sống chết của chúng sanh, biết đúng như thật. Như Lai biết rõ sự tận diệt các lậu hoặc, biết đúng như thật. Đó là mười sức mạnh (thập lực) Thế tôn đã thành tựu.
Thế nào là Thế tôn thành tựu mười bốn loại trí huệ Phật? Các loại Trí huệ Phật là: Khổ trí, Tập trí, Diệt trí, Đạo trí, Trí phân biện nghiã, Trí phân biện pháp, Trí phân biện chữ, Trí phân biện vui nói, Trí hiểu biết các căn, Trí hiểu biết các ham muốn của chúng sanh, Trí hiểu biết các phiền não và kết sử, Trí song biến, Trí đại từ bi, Nhứt thiết trí, Trí vô ngại. Mười bốn loại trí đó, Thế tôn đều thành tựu.
Thế nào là Thế tôn thành tựu mười tám pháp? Phật trí vô ngại về quá khứ, Phật trí vô ngại về vị lai, Phật trí vô ngại về hiện tại; tùy nơi Phật trí mà khởi lên khắp thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Do sáu pháp vừa kể, Thế tôn thành tựu được ý chí chẳng thoái chuyển, tinh tấn chẳng thoái chuyển, niệm chẳng thoái chuyển, định chẳng thoái chuyển, huệ chẳng thoái chuyển, giải thoát chẳng thoái chuyển. Do mười hai pháp vừa kể, Thế tôn thành tựu sự vắng bóng việc khả nghi, sự vắng bóng việc vu dối, sự vắng bóng điều chẳng phân minh, sự vắng bóng việc vội vã, sự vắng bóng nơi ẩn dấu, sứ vắng bóng xả chẳng quán. Vắng bóng việc khả nghi có nghiã là, uy nghi của Ngài chẳng có điều gì khiến ta có thể nghi là lừa dối. Vắng bóng việc vu dối, có nghiã là uy nghi chẳng hề lừa đảo. Vắng bóng điều chẳng phân minh có nghiã là, chẳng có điều gì mà Trí của Ngài chẳng tiếp xúc đến được. Vắng bóng việc vội vã có nghiã là, uy nghi chẳng hề vội vàng. Vắng bóng nơi ẩn dấu có nghiã là, chẳng có tâm hành nào mà chẳng nhớ biết đến. Vắng bóng xả chẳng quán có nghiã là, bất cứ hành động xả nào cũng đều quán biết hết cả. Như thế, Thế tôn thành tựu mười tám Phật pháp.
Lại nữa, Thế tôn lấy bốn điều chẳng sợ, bốn lãnh vực quán niệm, bốn chánh cần, bốn thần túc như ý, năm căn, năm lực, sáu thần thông, bảy phần Bồ-đề, tám phần bát chánh đạo, tám sự điều ngự, tám điều giải thoát, chín cấp định theo thứ lớp, mười nơi Thánh trú, mười sức tận diệt lậu hoặc, và các loại thiện pháp khác nữa, nên Thế tôn đã đến bờ bên kia viên mãn.
Như thế, theo các hành môn đó mà niệm công đức Thế tôn đắc được các thắng pháp.
Thế nào là niệm công đức Thế tôn làm lợi ích cho thế gian? Thế tôn đã thành tựu tất cả các công đức, đến bờ bên kia, vì lòng từ bi thương xót chúng sanh nên chuyển Pháp luân, cả thế gian chẳng ai chuyển nổi. Chẳng dùng đường lối bí mật cả trong Pháp lẫn ngoài Pháp, Ngài đã mở rộng cửa Đạo cho Trời và người. Biết bao nhiêu chúng sanh đã hưởng được một phần, khiến được hưởng đầy đủ trọn phần công đức. Do ba loại biến hoá: thân biến, thuyết biến và giáo biến, khiến thế gian tin tưởng, chế phục tà kiến, tà sư, ác đạo, khai mở đường lành, sanh lên cõi Trời, được quả giải thoát. Dùng PhápThanh văn, chế định giới luật, giảng giới bổn (Pàtimokkha, Ba-la-đề-mộc-xoa), khiến hàng Thanh văn được an trú, đắc lợi dưỡng tốt, được Phật pháp tối thắng, và được tự tại. Khắp cả thế gian, mọi loài chúng sanh, đều cung kính, tôn trọng, cho đến hàng Trời, người cũng đều nghe biết. An trú bất động nơi tâm từ bi, Thế tôn làm lợi ích cho thế gian như thế.
Người toạ thiền nên theo cách hành trì đó mà niệm công đức của Như Lai, dùng công đức đó mà niệm cho tâm thêm tin tưởng; nhờ tin tưởng đưa đến sự tự tại, và khi niệm được tự tại rồi thì tâm chẳng còn thường loạn nữa. Nếu đã chẳng loạn, tâm ấy diệt được các triền cái, khởi các thiền chi thành tựu thiền nội hành mà an trú.
Hỏi: Tại sao niệm Phật làm khởi lên nội hành mà chẳng được an?
Đáp: Niệm công đức Phật là một đề tài thâm sâu, ý nghiã rất cao và vi tế, vì thế nên tâm chẳng được an. Lại nưã, vì phải niệm rất nhiều công đức khác nhau mà người toạ thiền phải nhớ nghĩ đến, tâm duyên theo đó tác ý cùng khởi lên, thành ra chẳng được an; đấy là hành tướng của tất cả thiền ngoại hành.
Hỏi: Nếu niệm nhiều công đức, tâm đã chẳng gom lại làm một, thì thiền ngoại hành chẳng thành được. Nếu chuyên nhứt tâm, thiền ngoại hành có thể thành chăng?
Đáp: Nếu niệm công đức của Như Lai và niệm Phật mà thành nhứt tâm, thì chẳng có gì trở ngại. Lại nữa, có thuyết cho rằng, niệm Phật có thể khởi lên Tứ thiền.
Niệm Phật chấm dứt.
Hỏi: Thế nào là Niệm Pháp? Thế nào là tu, tướng, vị, xứ? Tu niệm Pháp như thế nào?

Đáp: Pháp là, sự tịch diệt, hay Niết-bàn, và sự tu hành dẫn đến Niết-bàn.
Thế nào là Niết-bàn? Diệt tất cả mọi hành động, lià tất cả phiền não, trừ bỏ sự tham ái, trở nên chẳng nhiễm dơ và yên tịch, đó là Nê-hoàn, hay là Niết-bàn.
Thế nào là tu hành dẫn đến Niết-bàn? Tu bốn lãnh vực quán niệm, bốn chánh cần, bốn thần túc như ý, năm căn, năm lực, bảy yếu tố giác ngộ, con đường chánh đạo tám ngành, đó là tu hành dẫn đến Niết-bàn. Niệm Pháp có được công đức xuất ly (= xa lià), và công đức thấy được con đường Đạo. Khi niệm, niệm theo sát niệm và giữ chánh niệm, đó gọi là niệm Pháp. Tâm chẳng loạn an trú vào Pháp, đó gọi là tu. Khi niệm khởi lên công đức của Pháp, đó là tướng niệm Pháp. Lựa chọn Pháp, phân tách Pháp, đó là vị, hay chức năng của việc niệm Pháp. Giải rõ nghiã, đó là xứ, hay phạm vi hoạt động của việc niệm Pháp. Niệm Pháp có công đức bằng với niệm Phật.
Tu niệm Pháp như thế nào? Người mới tập thiền đi đến nơi yên tịch, ngồi xuống nhiếp tâm chẳng loạn, và khởi Niệm Pháp như sau: Pháp do Thế tôn khéo giảng, được hiện chứng chẳng đợi thời, đến với Pháp sẽ thấy đường Đạo tương ứng với trí huệ, người hiện chứng có thể biết được. Pháp do Thế tôn khéo giảng có nghiã là, pháp nầy lià cả hai bên cực đoan, chẳng mâu thuẫn, chẳng sai lầm, đủ khéo từ đầu, ở giữa và chỗ cuối đều khéo, tràn đầy thanh tịnh, khiến thấy được Niết-bàn và con đường tu hành dẫn đến Niết-bàn, cho nên mới gọi là khéo giảng. Hiện chứng có nghiã là, tuần tự được sự tịch diệt cùng đạo quả Niết-bàn, nên gọi là hiện chứng. Chẳng đợi thời có nghiã là, chẳng đợi đến lúc khác mới đắc quả. Đến với Pháp sẽ thấy đường Đạo có nghiã như là, anh hãy đến với tôi, rồi sẽ thấy pháp lành nầy có đặc tánh kham dạy được kẻ khác, đó gọi là hễ đến sẽ thấy được đường Đạo. Tương ưng với Trí huệ có nghiã là, nếu người có trí huệ thọ trì Pháp nầy sẽ hướng về quả Sa-môn, gia nhập vào giới bất tử, cho nên gọi đường Đạo nầy tương ưng với trí huệ. Người hiện chứng có thể biết được có nghiã là, người thọ trì Pháp nầy, nếu chẳng còn theo lời dạy của kẻ khác, thì khởi sanh lên được Diệt trí, vô sanh trí và giải thoát trí, đó gọi là hiện chứng được trí huệ.
Lại nữa, người toạ thiền còn nên niệm: Pháp như là mắt, là trí, là an lạc, là cửa dẫn tới cõi bất tử, là xuất ly, là phương tiện đưa đến cõi tịch diệt, vô sanh, vô vi (...), là diệu trí đưa tới bờ bên kia, là nơi nương tựa.
Người toạ thiền theo đường lối đó niệm công đức của Pháp, hiện niệm đến khi tâm khởi lòng tin; nhờ niềm tin mà tâm trú chẳng loạn; dùng tâm chẳng loạn mà diệt các triền cái, khởi lên các thiền chi, đắc được thiền ngoại hành và an trú.
Phần còn lại như được nói rộng trước đây.
Niệm Pháp chấm dứt.
Hỏi: Thế nào là Niệm Tăng? Thế nào là tướng, vị xứ, công
đức. Thế nào là tu niệm Tăng?
Đáp: Tăng là, Thánh tăng hoà hiệp, đó gọi là Tăng. Hiện niệm Tăng là công đức tu hành. Niệm đó theo sát niệm, giữ chánh niệm, đó gọi là niệm Tăng. Trú vào niệm đó chẳng loạn là tu. Niệm khởi lên công đức của Tăng là tướng. Tâm cung kính là vị, hay là chức năng của việc niệm Tăng. Công đức vui vẻ và hoà hiệp là xứ, hay là phạm vi hoạt động của việc niệm Tăng. Công đức của việc niệm Tăng bằng với công đức niệm Phật.
Tu hành niệm Tăng như thế nào? Người mới tập thiền đi đến nơi yên tịch, nhiếp tâm chẳng loạn, tâm khởi niệm tưởng khéo tu hành như vầy: "Cộng đồng các Sa-môn của Thế tôn tu theo đúng sự nhuyển thiện (nhuyển = nhuyến = mềm mỏng; thiện = lành); Cộng đồng các Sa-môn của Thế tôn tu theo đúng Như pháp; Cộng đồng các Thánh chúng của Thế tôn tu theo đúng sự hoà hiệp".
Cộng đồng các Thánh chúng của Thế tôn, có nghiã là bốn đôi tám cặp (tứ song bát bối, tức là bốn đạo và bốn quả vị Thánh). Cộng đồng ấy xứng đáng được cung kính cúng dường, đáng được kẻ khác chấp tay vái lạy, là phước điền vô thượng của thế gian. Như thế, Cộng đồng các Sa-môn của Thế tôn khéo tu hành theo đúng là khéo thuyết pháp; khéo làm lợi ích cho người và cho mình, chí đến chỗ thật là đầy đủ. Cộng đồng ấy chẳng có kẻ thù oán; lià hai bên cực đoan, noi theo Trung đạo. Nhuyển thiện có nghiã là, lìa bỏ sự dối nịnh, lià bỏ sự tà khúc nơi thân và miệng ( = xiêng xéo; khúc = cong vạy).Tu theo đúng Như Pháp là, theo con đường Thánh đạo tám ngành, nên gọi là tu theo Như. Lại nữa, Như có nghiã là, nói đến Niết-bàn, tu theo để đắc được Niết-bàn. Thế tôn giảng bốn Chơn lý Nhiệm mầu (Tứ thánh đế), tu theo đó, nên gọi là tu theo Như. Tu đúng theo sự hoà hiệp là, sống hoà hiệp với Cộng đồng các Sa-môn, một cách đầy đủ. Nếu theo đúng như thế mà hành động cho hoà hiệp, thì thành được quả lớn, đắc công đức to.
Bốn đôi tám cặp là, theo đúng đạo Tu-đà-huờn được quả ấy, là một đôi; trú trong đạo Tư-đà-hàm đắc quả ấy, là đôi thứ hai; theo đúng đạo A-na-hàm được quả ấy, là đôi thứ ba; trú trong đạo A-la-hán đắc quả ấy, là đôi thứ tư. Đó gọi là bốn đôi. Tám cặp là, bốn hướng (= đạo) và bốn quả (= quả vị), thành ra tám cặp. Sa-môn là, theo pháp đã được nghe giảng mà tu thành tựu, đó gọi là Sa-môn. Tăng là, bực Thánh tăng hoà hiệp, xứng đáng được thỉnh, cúng dường, hiến thí, cung kính, làm phước điền vô thượng cho thế gian. Xứng đáng được thỉnh là kham thọ lời mời của kẻ khác. Xứng đáng được cúng dường và hiến thí là, khi nhận cúng dường, hiến thí, khiến kẻ dâng cúng được quả báo lớn.(...) Làm phước điền vô thượng cho thế gian là, vô thượng có nghiã công đức đến mức tối đa; phước điền là nơi mà mọi người tạo phước đức.
Người toạ thiền còn niệm Tăng bằng cách niệm công đức Cộng đồng các Sa-môn như là một cộng đồng tối thắng, hết sức chơn thật, đầy đủ giới đức, đầy đủ định lực, đầy đủ trí huệ, đầy đủ giải thoát và đầy đủ giải thoát tri kiến.
Người toạ thiền do theo đường lối tu hành nầy, hiện niệm công đức chư tăng, cho đến khi tâm tăng niềm tin; nhờ niềm tin ấy, tâm trở nên chẳng loạn, rồi dùng tâm chẳng loạn ấy mà diệt các triền cái, khởi lên ngoại thiền và an trú vào đó.
Phần còn lại như đã nói rộng qua trước đây.
Niệm Tăng chấm dứt.
Hỏi: Thế nào là Niệm Giới? Thế nào là tu, tướng, vị, công
đức. Tu hành Niệm Giới cách nào?
Đáp: Đó là niệm về công đức của sự trì giới thanh tịnh. Niệm ấy theo sát niệm, giữ đúng chánh niệm, đó là niệm giới. Niệm giới nầy an trú chẳng loạn, đó gọi là tu. Khiến khởi lên được công đức của giới, đó là tưởng của việc niệm giới. Thấy được các lỗi lầm và sanh lo sợ phạm lỗi, đó là vị, hay là chức năng của việc niệm giới. Được sự hoan hỉ vì đã chẳng có lỗi lầm nào, đó là xứ, hay phạm vi hoạt động của việc niệm giới.
Người tu niệm giới thành tựu thì được mười ba công đức: biết tôn trọng thầy, trọng pháp, trọng tăng, trong sự học giới, trọng sự cúng dường, trọng sự chẳng buông lung; thấy được và biết sợ các lỗi nhỏ nhiệm, giữ mình và bảo vệ kẻ khác, giải thoát khỏi nỗi lo sợ về thế giới nầy cùng các thế giới khác, được nhiều hoan hỉ, được thọ hưởng tất cả công đức về giới. Đấy là các công đức của việc niệm giới.
Thế nào là tu hành niệm giới? Người mới tập thiền đi đến nơi yên tịch, ngồi nhiếp tâm chẳng loạn, niệm giới của tự thân mình, thấy chẳng nghiêng ngã, chẳng bị phá thủng, chẳng dính đốm, chẳng nhiễm dơ, chẳng tạp nhạp, được tự tại, được bực có trí huệ khen ngợi, chẳng chỗ xúc chạm, khiến định khởi lên được. Nếu chẳng nghiêng ngã, thì chẳng bị phá thủng; nếu chẳng bị phá thủng, thì chẳng nhiễm dơ; các điểm khác có thể biết được theo cách đó. Lại nữa, nếu giới được thanh tịnh tràn đầy thì đó là trú xứ của pháp lành, vì thế mà chẳng nghiêng, chẳng thủng. Vì giới khiến cho danh dự của bộ tộc được ngợi khen, cho nên chẳng dính đốm, chẳng nhiễm dơ. Do sự cắt bỏ tham ái, nên gọi là được tự tại. Được niềm vui của bực Thánh, nên chẳng có lỗi lầm. Dược bực trí huệ khen ngợi, lìa sự trộm giới, nên gọi là chẳng chỗ xúc chạm. Thành tựu đến nơi chẳng thoái chuyển, nên khiến định khởi lên.
Người toạ thiền còn niệm giới theo cách khác, gọi giới là niềm vui chẳng có lỗi lâm, được bộ tộc trân qúi, xem như tài vật, được tự tại, như trước có nói qua. Công đức của giới được nói rộng ra như thế, có thể biết được. Người toạ thiền theo cửa nầy tu hành, lấy các công đức đó mà niệm giới, hiện niệm cho đến khi lòng tin tăng thêm; do niềm tin ấy tâm trở nên chẳng loạn, rồi dùng tâm chẳng loạn mà diệt bỏ các triền cái, khởi lên các thiền chi của thiền ngoại hành mà an trú.
Các chỗ còn lại đã được nói rộng qua trước đây.
Niệm Giới chấm dứt.
Hỏi: Thế nào là Niệm Thí? Thế nào là tu, tướng, vị, công
đức? Thế nào là tu hành Niệm Thí?
Đáp: Thí là, vì lợi ích cho kẻ khác nên vui mà giúp ích cho kẻ khác, vì kẻ khác mà xả bỏ được tài vật của mình, đó gọi là thí. Lấy công đức của niệm thí mà hiện niệm về xả bỏ. Niệm nầy theo sát niệm, giữ đúng chánh niệm, đó gọi là niệm thí. Niệm thí nầy an trú chẳng loạn, đó gọi là tu. Khiến khởi lên công đức của sự thí, đó là tướng. Chẳng tích trữ là vị, hay là chức năng của việc niệm thí. Chẳng bỏn xẻn là xứ, hay là phạm vi hoạt động của việc niệm thí. Nếu người tu hành niệm thí thành tựu thì được mười công đức: được niềm vui, chẳng bỏn xẻn, chẳng tham, ý vì nhiều người, khéo nghĩ đến ý kẻ khác, chẳng lo sợ nơi đông người, nhiều hoan hỉ, có lòng từ bi, hướng theo nẻo lành và Niết-bàn.
Tu hành thí như thế nào? Người mới tập thiền đi đến nơi yên tịch, ngồi nhiếp tâm chẳng loạn, tâm tự niệm thí, như vầy: Ta xả bỏ vật của ta để làm lợi cho kẻ khác, nên ta được nhiều phước. Nhơ bẩn từ bỏn xẻn mà xuất ra, tâm ta trú nơi chẳng bỏn xẻn, nên chẳng nhơ bẩn. Thường thí luôn, thường vui bố thí, thường cung cấp và thường phân phát rộng rãi.
Người toạ thiền tu hành theo đường lối nầy, lấy công đức của việc thí mà niệm, khiến tâm tăng thêm niềm tin, nhờ niềm tin ấy mà tâm thường chẳng loạn, rồi dùng tâm chẳng loạn mà diệt mất các triền cái, khởi lên các thiền chi của thiền ngoại hành mà an trú vào đấy.
Phần còn lại giống như chỗ đã nói rộng qua trước đây.
Niệm Thí chấm dứt.
Hỏi: Thế nào là Niệm Thiên? Thế nào là tu, tướng, vị, xứ, công
đức? Thế nào là tu hành niệm Thiên?
Đáp: Y theo công đức được sanh lên cõi Trời mà niệm công đức của mình, niệm đó theo sát niệm, giữ chánh niệm, đó gọi là niệm Thiên. Niệm Thiên đó chẳng loạn, gọi là tu. Khiến khởi lên công đức của tự thân bằng với công đức sanh cõi Trời, đó là tướng. Nơi công đức đó có lòng ái kính, đó là vị, hay là chức năng của việc niệm Thiên. Tin tưởng vào quả báo của công đức sanh cõi Trời, gọi là xứ, hay là phạm vi hoạt động của việc niệm Thiên. Người tu hành niệm Thiên được thành tựu thì đắc được tám công đức: năm pháp được tăng cường, tín, giới, văn (= nghe pháp), thí, huệ; được Trời người nhớ nghĩ đến và thương kính; được hoan hỉ lớn khi nghĩ đến quả báo công đức niệm Thiên, thân mình tự trọng và được người khác qúi mến; việc niệm giới, niệm thí được thêm dễ dàng; hướng theo nẻo lành và Niết-bàn.
Tu hành niệm Thiên như thế nào? Người mới tập thiền đi đến nơi yên tịch, ngồi nhiếp tâm chẳng loạn, dùng tâm chẳng loạn mà niệm Thiên, có Bốn Thiên vương, có cõi Trờì Ba mươi ba, có cõi Trời Viêm ma, có cõi Trời Đâu suất, có cõi Trời Hoá lạc, có cõi Trời Tha hoá tự tại, có cõi Trời Phạm. Các vị Thiên tin tưởng được sanh cõi Trời, chết cõi nầy sanh qua cõi kia. Còn Ta cũng lại như thế, có lòng tin như thế, giữ giới như thế, nghe pháp như thế, bố thí như thế, trí huệ như thế, chư Thiên đó sanh đến cõi đó, thì ta cũng được như vậy (...)
Người toạ thiền đó do theo đường lối tu hành như thế, niệm công đức của bực Thiên, cho đến khi lòng tin được tăng trưởng, do lòng tin đó mà tâm trở nên chẳng loạn, rồi dùng tâm chẳng loạn mà đoạn diệt hết các triền cái, khởi lên các thiền chi của thiền ngoại hành mà an trú vào đấy.
Hỏi: Tại sao niệm công đức Thiên mà chẳng niệm công đức của Người?
Đáp: Công đức của chư Thiên tối diệu, sanh ra nơi tối diệu, thành ra xứ tối diệu, nên tâm ở nơi xứ tối diệu tu hành dễ trở thành diệu. Vì thế nên niệm công đức chư Thiên, mà chẳng niệm công đức của người.
Phần còn lại giống chỗ đã được nói rộng qua trước đây.
Niệm Thiên chấm dứt.

(Giải Thoát Đạo Luận: Quyển thứ Sáu chấm dứt).

-ooOoo-
 
Quyển thứ Bảy

Phẩm 8, Chi 4: Mười Niệm (tiếp)
Hỏi: Thế nào là Niệm Hơi thở? (Pàli: Ànàpànasati, phiên âm là An ban = hơi thở). Thế nào là tu, tướng, vị, xứ, công đức của Niệm Hơi thở? Thế nào là tu hành?
Đáp: Niệm An ban, tức Niệm Hơi thở; an là tướng hơi thở ra; ban là tướng hơi thở vào. Niệm đó theo sát niệm, giữ đúng chánh niệm, đó gọi là niệm an ban, hay là niệm hơi thở. Tâm trú chẳng loạn, đó là tu. Niệm khởi lên tư tưởng về hơi thở, đó là tướng. Suy nghĩ về sự va chạm của hơi thở vào mũi, đó là vị, hay là chức năng của niệm hơi thở. Chấm dứt giác (hay tầm, tức là tâm hay biết), đó là xứ, hay là phạm vi hoạt động của niệm hơi thở.
Về công đức của niệm hơi thở, người tu hành niệm hơi thở trở nên an vắng, thắng diệu, trang nghiêm, khả ái và vui vẻ. Nếu tâm khởi lên nhiều pháp chẳng lành thì niệm trừ dứt, thân thành chẳng lười nhác, mắt cũng chẳng lười nhác, thân chẳng loạn động, tâm chẳng giao động, khiến cho bốn lãnh vực quán niệm được đầy đủ, bảy giác chi cũng đầy đủ và sự giải thoát được trọn vẹn. Đấy là nơi Thế tôn khen ngợi; các bực Thánh, các Trời Phạm, các đức Như Lai thường an trú.
Tu niệm hơi thở như thế nào? Người mới tập thiền đi đến nơi yên vắng, hoặc nơi chùa chiền, hoặc dưới gốc cây, tại nơi an tịch đó, ngồi kiết già (xếp bằng hai chơn tréo nhau), thân, lưng thẳng. Người đó niệm hơi thở vào, niệm hơi thở ra, nếu hơi thở ra dài, biết tôi đang thở ra dài, như thế mà biết. Nếu hơi thở vào dài, tôi đang thở vào dài, cứ như thế mà biết. Nếu hơi thở ra ngắn, tôi đang thở ra ngắn, cứ như thế mà biết. Tôi thở vào, biết như thế. Tôi thở ra, biết như thế. Biết mừng, biết vui, biết các tâm hành và khiến chấm dứt các tâm hành, khiến khen ngợi tâm mừng, khiến giáo hoá tâm, khiến tâm được giải thoát. Thấy vô thường, thấy sự chẳng ham muốn, thấy sự diệt khổ, thấy sự xuất ly (= lià bỏ), cứ như thế mà biết. Thấy sự xuất ly, tôi thở ra như thế. Thấy và biết sự xuất ly, tôi thở ra như thế.
Như thế, người ấy học tập về hơi thở vào, có nghiã là, cột niệm vào nơi chót mũi, hoặc trên môi (ở miệng), hai nơì nầy là chỗ hơi thở khi vào, ra, chạm đến. Người ấy quán sát sự va chạm của hơi thở vào, hơi thở ra, nơi chót mũi, hay trên môi, hoặc hiện niệm khi hơi vào, hoặc hiện niệm khi hơi ra.
Hiện niệm khi hơi vào mà chẳng khởi lên ý tưởng gì. Hiện niệm khi hơi ra, cũng chẳng tác ý. Chính nơi hơi thở vào ra va chạm vào chót mũi hay trên môi, là nơi phải quán sát để biết. Hiện niệm hơi thở vào, hiện niệm hơi thở ra, cũng như người cưa gỗ ngó theo sức cây cưa mà chẳng khởi lên ý tưởng về lưỡi cưa đang chạy tới lui. Cũng vậy, người ấy khi thở ra, thở vào, cũng chẳng khởi lên ý tưởng về hơi thở vào, ra va chạm vào chót mũi, hay trên môi, mà dùng niệm để biết hiện niệm hơi vào, hiện niệm hơi ra. Nếu người ấy theo sự vào ra của hơi thở mà khởi lên ý vào trong, khởi lên ý ra ngoài, thì tâm trở nên loạn động. Nếu loạn động, thân trở nên giải đãi, tâm trở nên giao động, đó là một lỗi lầm.
Khi thở hơi thật dài, hoặc hơi thật ngắn, cũng chẳng nên tác ý. Nếu cố ý thở thật dài, hoặc thở thật ngắn, thân cũng trở nên giải đãi và tâm thành giao động, đó cũng là một lỗi lầm. Do đó, đối với mỗi loại tướng của hơi thở, chẳng nên để cho ý dính mắc vào. Nếu để dính mắc, tâm sẽ chạy theo các duyên khác mà trở nên loạn động. Nếu tâm loạn, thân cũng trở nên giải đãi, xao động, đó lại là một lỗi lầm. Vô biên hơi thở ra vào khởi lên, lấy vô biên xúc chạm mà tác ý tưởng, như thế tâm chẳng loạn.
Nếu tâm chậm lụt, hay nhanh bén, chẳng nên khởi tinh tấn, vì khi chậm lụt mà khởi tinh tấn thì thân giải đãi, buồn ngủ, còn khi nhanh bén mà khởi tinh tấn, tâm thành xao động.
Nếu người toạ thiền để cho sự giải đãi, buồn ngủ cùng khởi lên với sự giao động, thì thân và tâm sẽ lười nhác và chẳng yên, đó cũng lại là một lỗi lầm.
Người toạ thiền rửa sạch chín phiền não nhỏ, khiến tâm thanh tịnh, hiện niệm hơi thở vào, tướng ấy khởi lên, đó gọi là tướng niệm hơi thở. Như rút lấy bông gòn ra cọ xát đầy đủ vào thân tựa như làn gió mát thoảng trên da, gây nên cảm giác khoan khoái; hơi thở ra vào chạm vào chót mũi, trên môi, lại cũng như vậy; niệm khởi ý tưởng về gió, chẳng do hình sắc, đó gọi là tướng của niệm hơi thở.
Nếu người toạ thiền tu niệm nhiều khiến cho tướng ấy tăng trưởng lên, lan rộng khoảng giữa hai chơn mày, khắp trán, khiến cho cả đầu đều đầy cả gió. Tự đó, khiến cho tăng trưởng thêm lên nữa, đến cả toàn thân đều tràn đầy niềm an lạc, đó gọi là đầy đủ.
Lại nữa, nếu ngay buổi đầu, thấy những tướng kỳ lạ như khói, như sương mù, như bụi bặm, như kim chích, như kiến cắn, như các loại màu sắc khác, nếu người toạ thiền chẳng có đủ sáng suốt để hiểu rõ các dị tướng đó, thì tư tưởng kỳ dị nổi lên khiến tâm thành điên đảo, chẳng khởi lên được tưởng hơi thở ra vào. Nếu đủ sáng suốt hiểu rõ, người toạ thiền chẳng khởi lên ý tưởng kỳ dị, hiện niệm hơi thở vào, hiện niệm hơi thở ra, mà chẳng nổi lên các tư tưởng khác. Nếu tác ý như thế thì các tướng kỳ dị tự biến mất.
Người toạ thiền đắc được tướng vi diệu, tâm chẳng buông lung, hiện niệm hơi thở vào, ra. Khi tướng đó đã được tự tại, nhuần nhã rồi, liền khởi lên ý muốn tu hành. Do ý muốn tu được tư tại rồi, niệm hơi thở nầy vào, hơi thở nầy ra, rồi nỗi mừng (= hỉ) sanh ra. Khi nỗi mừng được tự tại, và ý muốn cũng tự tại, hiện niệm hơi thở vào, hiện niệm hơi thở ra, và khởi lên niệm xả. Khi niệm xả đã tự tại, ý muốn cùng nỗi mừng vẫn còn tự tại, thì vẫn niệm hơi thở vào, niệm hơi thở ra mà tâm chẳng loạn. Khi tâm đã hết loạn động rồi, các triền cái đều diệt hết và các thiền chi liền khởi lên. Người tọa thiền ấy đã đắc được cõi tịch diệt thắng diệu của bốn cấp thiền.
Phần còn lại như đã được nói rộng qua trước đây.
Lại nữa, các vị tiên sư có dạy bốn cách tu về Niệm An ban gọi là: toán, tùy trục, an trí, tùy quán.
Hỏi: Thế nào gọi là toán, (hay là đếm)?
Đáp: Người mới tập thiền đếm từ một đến mười, kể từ hơi thở ra đầu tiên cho chí đến hơi thở vào thứ mười, chẳng đếm quá mười. Lại nữa có thuyết dạy, chỉ đếm tới năm, chẳng đếm quá năm. Chẳng được đếm lộn; nếu lộn, ngưng đếm tiếp và trở lại hơi thở đầu. Theo sự vào ra của hơi thở mà niệm, cho đến khi được an trú, đó gọi là toán hay là đếm.
Gọi là tùy trục hay là theo đuổi sát, có nghiã là đếm chăm chỉ đuổi theo sát hơi thở vào, hơi thở ra, chẳng hề gián đoạn; đó gọi là tùy trục.
Gọi là an trí hay là trụ yên vào, có nghiã là, hoặc tại chót mũi, hoặc trên môi là nơi hơi thở vào, ra va chạm phải, tại nơi đó liền khởi lên ý tưởng gió khiến cho niệm trụ yên ở đấy, đó gọi là an trí.
Gọi là tùy quán hay là quán sát theo, có nghiã là, khi nhận thấy sự va chạm đã được dễ dàng, thì nên tại chỗ đó quán sát tướng ấy và sự mừng, vui, cùng các pháp khác cũng khởi lên ở đấy, rồi cứ tùy theo đó mà quán, đó gọi là tùy quán.
Phương pháp toán, hay là đếm, khiến cho giác (hay tầm, hoặc sự hay biết của tâm) diệt đi, giúp vượt qua được thiền chi giác nầy.
Phương pháp tuỳ trục, hay là cách theo đuổi sát, giúp dẹp bỏ được niệm giác thô nơi hơi thở ra vào, khiến niệm niệm chẳng gián đoạn.
Phương pháp an trí hay là yên trụ vào, giúp dẹp bỏ sự xao lãng, khiến tư tưởng được bất động.
Phương pháp tùy quán, hay là quán sát theo, giúp thiền giả thọ trì được tư tưởng về niệm hơi thở, phân biệt rõ được các thắng pháp.
(Mười sáu hơi thở ra vào)
(1)."Thở vào dài, thở ra ngắn, thở vào ngắn, nên theo đó mà học tập", tức là, khéo nhận thấy
được chỗ hơi trải qua nơi tánh dài, ngắn của chúng; đấy là hiện biết đối tượng (= sự) và chẳng lẫn lộn.
Hỏi: Thế nào là chẳng lẫn lộn và đối tượng (= sự)?
Đáp: Người mới toạ thiền, thân tâm đã được yên ổn, an trú niệm nơi hơi thở vào ra, khiến hơi thở trở thành tế nhị. Vì tế nhị, nên khó nắm giữ lấy. Khi đó, người ấy nếu thở hơi dài, thì quán biết rõ hơi dài, mãi cho đến khi tướng khởi lên. Nếu tướng đã khởi trú, thì nên tác ý biết rõ tánh của nó; đó gọi là chẳng lẫn lộn.
Lại nữa, tâm theo sát hơi thở để biết có khi thở dài, có lúc thở ngắn, cứ như thế mà tu tập. Lại nữa, người toạ thiền, qua đối tượng hơi thở, khởi tướng được phân minh; đối tượng (= sự) đó nên tu tập.
(2). "Biết tất cả thân, tôi thở vào, nên như thế mà học tập". Có hai cách để "biết tất cả thân": (1) chẳng lẫn lộn, (2) biết rõ sự (= đối tượng).
Hỏi: Thế nào là "biết tất cả thân" chẳng lẫn lộn?
Đáp: Người toạ thiền niệm hơi thở đắc định qua sự xúc chạm, thân tâm tràn đầy mừng, vui. Do thể nghiệm được mừng, vui, xúc chạm đầy đủ, nên thành ra biết tất cả thân chẳng lẫn lộn.
Hỏi: Thế nào là lấy sự"biết tất cả thân"?
Đáp: Các hơi thở ra, vào, là nơi trú xứ của sắc thân, gồm có hơi thở, tâm và các tâm sở; các yếu tố của thân và thân, đó gọi là tất cả thân.
Người toạ thiền như thế lấy các yếu tố của thân mà biết tất cả thân, biết rằng: tuy có thân đó nhưng chẳng hề có chúng sanh nào, chẳng hề có thọ mạng nào.
(3). "Như thế mà học tập", đó là ba môn học: (1) tăng thượng giới học; (2) tăng thượng tâm học; (3) tăng thượng huệ học.
Giới như thực, đó là tăng thượng giới học. Định như thực, đó là tăng thượng tâm học. Huệ như thực, đó là tăng thượng huệ học. (Tăng thượng: tăng = thêm; thượng = cao) (như thực = đúng theo sự thật, theo đúng với Chơn lý).
Người toạ thiền theo ba môn học đó, suy nghiệm về đối tượng của mỗi môn và tu tập. Tu tập nhiều lần cho nhuần nhã, đó gọi là học tập.
(4). "Khiến cho thân hành được an tịnh, tôi thở vào; như thế mà học tập."
Thế nào là thân hành? Khi thở ra, vào, thì thân khom cúi xuống, duỗi thẳng lên, nghiêng mình tới, ngã lùi lại, lay động, nhảy nhót, rung lên. Như thế, nơi thân hành (= hành động của thân), hiện nên làm cho được an tịnh.
Lại nữa, nơi các thân hành thô, khiến cho an tịnh thành tế, dùng thân hành tế để tu Sơ thiền. Từ thân hành tế đến thân hành tế hơn nữa, tu Nhị thiền. Từ thân hành càng tế hơn nữa, tu Tam thiền. Diệt hết các thân hành khác còn lại là tu Tứ thiền.
Hỏi: Nếu người toạ thiền chấm dứt mọi thân hành còn lại của hơi thở vào ra, làm sao ngưòi ấy tu niệm hơi thở được?
Đáp: Vì khéo giữ tướng ban đầu nên khi diệt hơi thở ra vào, tướng ấy vẫn khởi lên, dầu có sự ngưng thở. Tại sao vậy? Vì đã biết các thiền tướng.
(5). "Thể nghiệm nỗi mừng (Hỉ), tôi thở vào, như thế mà học tập." Người toạ thiền hiện đang niệm hơi thở vào, hiện niệm hơi thở ra, khởi lên hỉ tại hai nơi thiền (Sơ thiền và Nhị thiền). Biết được nỗi mừng (hỉ) đó bằng hai cách: (1) do chẳng lẫn lộn, (2) do sự (đối tượng). Như thế, khi nhập định, người ấy biết mình đang thể nghiệm được nỗi mừng, qua sự chẳng lẫn lộn, qua sự quán chiếu, qua sự đối trị, qua đối tượng hơi thở.
(6). "Thể nghiệm niềm vui (Lạc), tôi thở vào, như thế mà học tập." Người toạ thiền hiện đang niệm hơi thở vào, hiện niệm hơi thở ra, nơi Tam thiền khởi lên niềm vui (= lạc). Biết được niềm vui đó bằng hai cách: (1) do chẳng lẫn lộn, (2) do sự (= đối tượng hơi thở).
Phần còn lại, như đã nói qua ở Sơ thiền.
(7). " Thể nghiệm tâm hành, tôi thở vào, như thế mà học tập." Nói tâm hành là nói đến thọ, tưởng, được khởi lên nơi Tứ thiền. Biết được các tâm hành đó bằng hai cách: (1) do chẳng lẫn lộn, (2) do sự (= đối tượng hơi thở).
Phần còn lại như đã được nói qua trước đây.
(8). " Khiến cho tâm hành được an tịnh, tôi thở vào, như thế mà học tập" Nói tâm hành là nói đến thọ, tưởng nơi tâm còn thô, nay học tập khiến tâm hành thô đó trở nên an tịnh.
Phần còn lại như đã được nói qua trước đây.
(9). " Thể nghiệm Tâm, tôi thở vào, như thế mà học tập." Người toạ thiền hiện đang niệm hơi thở vào, hiện niệm hơi thở ra, tâm đó theo dõi đối tượng hơi thở. Biết được tâm ấy bằng hai cách: (1) do chẳng lẫn lộn, (2) do sự, tức là do đối tượng hơi thở.
Phần còn lại cũng như đã được nói qua trước đây
(10). "Khiến Tâm trở nên hoan hỉ, tôi thở vào, như thế mà học tập." Làm cho tâm hoan hỉ là tán thán (= khen ngợi) sự hoan hỉ. Nơi Nhị thiền, do mừng (= Hỉ) mà tâm nhảy nhót, xao động, nên học biết như thế. Phần còn lại như đã nói qua.
(11). "Khiến giáo hoá Tâm, tôi thở vào, như thế mà học tập." Người toạ thiền hiện đang niệm hơi thở vào, hiện niệm hơi thở ra, dùng niệm và khởi ý lên khiến tâm an trú vào đối tượng hơi thở (= sự), và khiến cho tâm được chuyên nhứt (= gom tâm lại), đó là giáo hoá tâm an trú, phải nên học tập như thế.
(12). "Khiến giải thoát Tâm, tôi thở vào, như thế mà học tập." Người toạ thiền hiện đang niệm hơi thở vào, hiện niệm hơi thở ra, nếu tâm trở nên trì huởn (= chậm lụt) thành ra giải đãi (= lười nhác), thì khiến tâm được giải thoát. Nếu tâm bén nhạy (= lợi tật) mà trở nên vọng động, nên khiến tâm được giải thoát, như thế mà học tập. Nếu tâm lên cao mà thành ô nhiễm, cũng giải thoát cho tâm, như thế mà học tập. Nếu tâm xuống thấp thành giận hờn, cũng giải thoát cho tâm, như thế mà học tập. Nếu tâm ngã theo các phiền não nhỏ mà bị ô uế, lại cũng giải thoát cho tâm, như thế mà học tập.
Lại nữa, nơi đối tượng (= hơi thở) nếu tâm chẳng được vui vẻ, liền khiến cho tâm được vui lên, như thế mà học tập.
(13). "Thường thấy Vô thường, tôi thở vào, như thế mà học tập." Người toạ thiền hiện đang niệm hơi thở vào, hiện niệm hơi thở ra. (Nhận thấy rằng,) hơi thở vào, hơi thở ra ấy, với đối tượng hơi thở, cùng với tâm và các tâm sở, tất cả đều vô thường: khởi sanh lên, rồi lại diệt đi mất; nên như thế mà học tập.
(14). "Thường thấy Vô dục, tôi thở vào, như thế mà học tập." Người toạ thiền hiện đang niệm hơi thở vào, hiện niệm hơi thở ra, nhận thấy các pháp vô thường kia chẳng đáng ham muốn (= vô dục); còn các pháp vô dục (= chẳng ham muốn) chính là Nê-hoàn (= Niết-bàn). Khi niệm hơi thở vào, nên như thế mà học tập.
(15). "Thường thấy đoạn diệt, tôi thở vào, như thế mà học tập." Khi thấy được đúng như thật, các pháp vô thường ấy có nhiều lỗi lầm, nên tôi liền diệt bỏ đi, đó là (đến gần với) Nê-hoàn (= cõi Niết-bàn tịch diệt), và thấy được sự tịch diệt; nên như thế mà học tập.
(16). "Thường thấy xuất ly (= ra khỏi, từ bỏ), tôi thở vào, như thế mà học tập." Các pháp vô thường, khi được thấy đúng như thật, có nhiều lỗi lầm, liền xả bỏ chúng đi, và an trú trong sự tịch diệt của Niết-bàn, khiến tâm trở nên hoan lạc; nên như thế mà học tập.
Như thế là tịch diệt, là vi diệu, đó gọi là tất cả các hành đều tịch diệt, tất cả phiền não đều được xuất ly ra khỏi, diệt được sự tham ái, chẳng còn ham muốn, đắc sự an tịch của Nê-hoàn (= Niết-bàn).
Do đó, nơi mười sáu xứ (= lãnh vực học tập về mười sáu hơi thở ra, vào) mười hai xứ đầu thành Xa-ma-tha (= Định) và Tỳ-bà-xá-na (= Huệ), thấy được vô thường; còn bốn xứ sau thành Tỳ-bà-xá-na (= Huệ). Như vậy, Định và Huệ phải được hiểu biết đúng như thế.
Lại nữa, mười sáu xứ đó gom lại thành bốn loại, gọi là (1) tu để biết, (2) để khiến khởi lên toàn thân, (3) để khởi lên sự quán chiếu đầy đủ và (4) để có thời thấy:

(1) Hiện niệm hơi thở vào, hiện niệm hơi thở ra, đó gọi là tu để biết dài, ngắn.
(2) Khiến cho thân hành
được an tịch, tâm hành được định tĩnh, tâm khen ngợi nỗi mừng, giáo hoá tâm, giải thoát tâm, đó gọi là tu khiến khởi biết tất cả toàn thân.
(3) Biết niềm vui, biết các tâm sở vận hành, biết chính tâm, gọi là tu quán đầy đủ.
(4) Thường thấy vô thường, gọi là có thời thấy.
Lại nữa, tu là lấy niệm hơi thở mà thọ trì nền móng; nắm giữ lấy niệm hơi thở đó là thọ trì, học tập. Nền móng đó có giác (hay là tầm, tức là sự biết đến) và có quán (hay là tứ, tức là sự suy nghĩ thêm); nền móng đó có quán (hay tứ). Biết nỗi mừng (= hỉ), đó là nền móng của Nhị thiền. Biết niềm vui (= lạc), đó là nền móng của Tam thiền. Biết được tâm, đó là nền móng của Tứ thiền.Lại nữa, tất cả các điều đó gom lại thành hai thứ: tu thành mãn. Theo đó tu hành đến thành mãn thì nền móng của niệm mười sáu hơi thở chẳng suy giảm. Tu là nguyên nhân, cũng như là hột giống; thành mãn là kết quả, cũng như hoa trái, do từ sự tu hành mà khởi xuất ra. Như thế, tu hành niệm hơi thở được đầy đủ thì thành mãn được tứ niệm xứ (= bốn lãnh vực quán niệm). Tu tứ niệm xứ được đầy đủ, thành mãn được thất Bồ-đề phần (= Thất giác chi = bảy ngành của sự giác ngộ). Tu thất Bồ-đề phần được đầy đủ, thành mãn được trí huệ giải thoát.
Hỏi: Làm sao mà đắc được như thế?
Đáp: Về tứ niệm xứ, chỗ bắt đầu biết hơi thở dài vào ra, chính là thân niệm xứ. Chỗ bắt đầu biết được hỉ, lạc đó là thọ niệm xứ. Chỗ bắt đầu biết được tâm, đó là tâm niệm xứ. Chỗ bắt đầu thấy được vô thường, đó là pháp niệm xứ. Như thế, tu niệm hơi thở thì thành mãn được tứ niệm xứ.
Hỏi: Thế nào là tu tứ niệm xứ làm thành mãn được thất giác phần (= bảy ngành của sự giác ngộ)?
Đáp: Tu niệm xứ thời nơi niệm được an trú thành ra biết chẳng lẫn lộn, đó là niệm giác phần. Người toạ thiền khi niệm an trú biết phân biệt rõ khổ, vô thường, cùng các hiện tượng, đó là trạch pháp giác phần. Khi sự trạch pháp được thực hành chẳng trì huỡn, đó là tinh tấn giác phần. Do sự thực hành tinh tấn, chẳng có phiền não, đó gọi là hỉ giác phần. Do tâm hoan hỉ, nên thân tâm được an ổn, đó là khinh an giác phần. Do thân an ổn, lại có niềm vui khiến cho tâm nhập vào định, đó gọi là định giác phần. Khi tâm định thành xả, đó gọi là xả giác phần. Như thế, do tu tứ niệm xứ mà thành mãn thất giác phần (còn gọi là thất giác chi, hoặc thất Bồ-đề phần).
Hỏi: Thế nào là tu thất giác phần thành mãn thì được trí huệ giải thoát?
Đáp: Do tu nhiều về thất giác phần, nên trong sát-na (= 0,0013 giây), đắc được đạo, khiến trí huệ thành mãn. Và cũng trong sát-na, đắc được quả, khiến cho sự giải thoát được thành mãn. Như thế, tu bảy ngành của sự giác ngộ đưa tới sự đắc được đạo quả, mà thành mãn được trí huệ cùng giải thoát.
Hỏi: Tất cả các hành tùy theo điạ hạt, đều có giác, chẳng có quán, tại sao niệm hơi thở chỉ trừ bỏ giác mà chẳng nói đến các thứ khác?
Đáp: Chẳng phải nói theo nghiã đó. Ở đây, giác (hay là tầm, tức là sự hay biết của tâm) vì chẳng an trú nên gây thành chướng ngại cho Thiền, bởi thế nên phải trừ bỏ giác.
Tại sao gió lại là một cảm xúc thích thú? Vì gió làm tâm vui, cũng như nghe tiếng nhạc của Càn-thát-bà (= nhạc trời) thì vui thích. Vì lẽ đó nên giác được trừ bỏ. Lại nữa, cũng như đi dọc theo bờ sông nhờ có tâm chuyên niệm mà thành an ổn, được tâm bất động. Bởi thế nên niệm hơi thở để trừ bỏ giác.
Niệm Hơi thở chấm dứt.
Hỏi: Thế nào là Niệm Tử? Thế nào là tu, tướng, vị, xứ, công
đức của Niệm Tử? Tu cách nào?
Đáp: Thọ mạng dứt, đó gọi là Tử, hay là chết. Niệm ấy trú chẳng loạn, đó là tu. Thọ mạng mình dứt là tướng. Sự chán ghét là vị, hay chức năng của niệm Tử. Chẳng có khó khăn là xứ, hay là phạm vi hoạt động của niệm Tử. Về công đức, nếu tu hành niệm Tử, thì chẳng phóng dật, chẳng lơ là đối với các pháp lành cao, biết chán ghét các pháp chẳng lành, chẳng lo tích trữ về sự chưng diện, chẳng bỏn xẻn, luôn nghĩ tưởng đến sự vô thường, khổ, vô ngã, đều khiến thành mãn hướng về các nẻo lành, hướng về đề hồ (= Niết-bàn) và khi sắp mất, tâm chẳng mê mờ lầm lẫn.
Tu hành cách nào? Người mới tâp thiền đến nơi yên vắng, thâu nhiếp tất cả, tâm chẳng loạn động, khởi lên niệm: "Chúng sanh đều chết, tôi cũng sẽ chết."
Như trong Kinh Niết-để-phúc-ba-đà (Nettipàdà Sutta) có nói, nếu muốn quán niệm tử, phải quán người sắp bị giết và thấy nhân duyên gây nên sự chết.
Niệm tử có bốn loại: (1) tương ứng với sự lo âu, (2) tương ứng với sự kinh hãi, (3) tương ứng với sự lãnh đạm, (4) tương ứng với trí huệ. Như tâm niệm khi mất đứa con yêu thương, tương ứng với sư lo âu. Như tâm niệm khi đứa con nhỏ của mình chết thình lình, tương ứng với sự kinh hãi. Như tâm niệm người xà duy thiêu xác chết, tương ứng với sự lãnh đạm. Như tâm niệm chán ngán thế gian, tương ứng với trí huệ. Người toạ thiền chẳng nên tu hành niệm tử có liên quan với sự lo âu, sự kinh hãi và sự lãnh đạm. Tại sao vậy? Vì các niệm ấy chẳng diệt trừ được các khổ nạn, chỉ có niệm tử tương ứng với trí huệ mới có khả năng trừ được các khổ nạn.
Sự chết có ba thứ: (1) đẳng tử, (2) đoạn tử, (3) niệm niệm tử. Đẳng tử là cái chết thông thường của mọi chúng sanh. Đoạn tử là nói đến các bực A-la-hán đã đoạn diệt hết tất cả phiền não. Niệm niệm tử là nói đến tất cả các hành (hành uẩn) tạm thời chấm dứt.
Lại nữa, có hai thứ chết: chết chẳng đúng thời, và chết đúng thời. Như tự sát, hoặc bị giết, bị bịnh, hay chẳng có nhân duyên gì rõ trước khi chết, đó gọi là chết chẳng đúng thời. Khi thọ mạng đã hết, cho đến cảnh già lão, đó là chết đúng thời. Phải nên niệm tử về hai loại chết nầy.
Lại nữa, các bực tiên sư có dạy tám cách để tu niệm tử: (1) như bị kẻ hung ác rượt đuổi; (2) do chẳng có nhân duyên; (3) do bản thủ; (4) do thân bị lệ thuộc nhiều; (5) do thọ mạng bất lực; (6) do phân biệt xa xưa; (7) do vô tướng; (8), do sát-na (= khoảng thời gian rất ngắn bằng 0,0013 của giây).
Hỏi: Thế nào là nghĩ đến việc bị kẻ hung ác đuổi, mà tu niệm tử?
Đáp: Như bị kẻ hung ác theo sau vung đao dẫn đến chỗ hành hình, người sắp bị giết nghĩ rằng, tôi sẽ chết lúc nào đây; tôi bước tới, đến bước nào sẽ chết; tôi chạy đi cũng chết; tôi dừng lại cũng chết; tôi ngồi xuống cũng chết; tôi ngủ cũng phải chết; như thế người toạ thiền nghĩ đến việc bị kẻ hung ác rượt đuổi, mà nên tu niệm tử.
Hỏi: Thế nào là nghĩ đến việc do chẳng có nhân duyên gì, mà tu niệm tử?
Đáp: Nói chẳng có nhân duyên gì là muốn nói chẳng có phương tiện nào đủ khả năng khiến cho đời sống trở thành bất tử (= chẳng chết). Như mặt trời, mặt trăng khi đã mọc lên rồi, thì chẳng có nhân duyên nào làm cho chúng quay ngược lặn xuống được. Như thế, do chẳng nhân duyên, mà tu niệm tử.
Hỏi: Thế nào là do bản thủ (= ý muốn nói, so sánh phận mình) mà tu niệm tử?
Đáp: Các bực đại vương có lắm tài vật quí báu với nhiều xe vua lộng lẫy, quyền lực to tát, như Đại Thiện Kiến vương (Maha Sudassana), Đỉnh sanh vương (Mandhàtu), rồi cũng chết. Lại nữa, các vị tiên nhơn đại thần thông, đại thần lực như Tỳ-sa-mật-đa (Vessamitta), Đô-ma-lê (Yamataggi), thân xuất ra nước, lửa, rồi cũng chết. Lại nữa, hàng Thanh văn, đại trí huệ Xá-lợi-phất (Sariputta), đại thần thông Mục-kiền-liên (Moggallàna) và các vị khác, rồi cũng chết. Lại nữa, các bực Duyên giác (Pacceka Buddha) chẳng có thầy mà giác ngộ và mọi công đức thành tựu, rồi cũng chết. Lại nữa, các bực Như Lai, Ứng cúng, Chánh giác vô thượng, Minh hạnh túc, công đức đã đến bờ giác bên kia, rồi cũng lại nhập vào tử pháp. Hà huống là ta, với thọ mạng ngắn ngủi, lại chẳng đi vào cõi chết sao? Như thế, do so sánh thân phận mình, mà tu niệm tử.
Hỏi: Thế nào là do thân thể bị lệ thuộc nhiều, mà tu niệm tử?
Đáp: Do gió và đàm nhớt hoà hiệp nhau gây thành sự chết. Hoặc do các loài trùng, hoặc do ăn uống chẳng điều hoà, hoặc do rắn độc, rết, chuột cắn gặm mà gây nên sự chết, hoặc do bị người hay loài phi nhơn giết (phi nhơn = hạng chúng sanh chẳng phải người) mà bị chết. Thân nầy như thế, bị lệ thuộc rất nhiều; nên theo đó mà tu niệm tử.
Hỏi: Thế nào là do thọ mạng bất lực, mà tu niệm tử?
Đáp: Thọ mạng bất lực vì hai lẽ: (1) vì ở vào chổ bất lực; (2) vì nương dựa vào nơi cũng bất lực. Thế nào là thân nầy ở vào chỗ bất lực? Vì thân nầy chẳng có tự tánh, cũng như thân cây chuối, như bọt nước, chẳng có chi là chơn thật, lià xa điều chơn thật, thành ra thọ mạng trở nên bất lực. Thế nào là thân nầy nương vào nơi cũng bất lực? Vì bị ràng buộc vào hơi thở, vào bốn đại (= đất, nước, gió, lửa), vào ăn uống, vào bốn oai nghi, vào nhiệt độ. Như thế, thọ mạng thành ra bất lực. Và do theo thọ mạng bất lực đó mà tu niệm tử.
Hỏi: Thế nào là do phân biệt xa xưa, mà tu niệm tử?
Đáp: Từ xa xưa cho đến hiện tại, ai ai cũng chẳng quá trăm năm đều vào cõi chết; đó gọi là phân biệt xa xưa mà tu niệm tử. Lại nữa, nên tu niệm như vầy, trong một ngày một đêm, chẳng biết tôi còn sống chăng; nghĩ đến giáo pháp của Thế tôn, chẳng biết tôi còn sống được một ngày để hưởng đại ân đó chăng, hay nửa ngày, hay trong một thời gian ngắn, hay trọn bữa ăn, hay nửa bữa ăn, hay trong khi ăn được bốn năm miếng ăn, hoặc trong một hơi thở ra vào, chăng nữa? Đó là nghĩ tưởng đến sự phân biệt về thời gian mà tu niệm tử.
Hỏi: Thế nào là do vô tướng mà tu niệm tử?
Đáp: Chẳng có tướng nào báo hiệu thời gian chắc chắn khi sự chết đến với mình cả. Đó là lấy việc chẳng có tướng mà tu niệm tử.
Hỏi: Thế nào là do sát-na mà tu niệm tử?
Đáp: Nếu chẳng kể đến quá khứ và vị lai, chỉ kể đến hiện tại, thì thọ mạng của chúng sanh chỉ trú lại trong thời gian một niệm mà thôi. Chẳng có gì hiện trú trong hai niệm cả. Tất cả chúng sanh tâm đều lặn chìm trong một niệm sát-na (sát-na = khoảng thời gian thật ngắn, độ một phần ngàn của một giây). Như trong A-tỳ-đàm (Abhidhamma, Luận tạng) nói: "Nơi tâm quá khứ, chẳng có đã sanh, chẳng có sẽ sanh, chẳng có đang sanh; nơi tâm vị lai, chẳng có đã sanh, chẳng có sẽ sanh, chẳng có đang sanh; nơi tâm hiện tại, chẳng có đã sanh, chẳng có sẽ sanh, mà chỉ có đang sanh thôi."
Lại nữa, như có Kệ rằng:

Thọ mạng và bản tánh của thân,
Khổ, vui, cùng với các sở hữu,
Tãt cả cùng tương ứng với tâm,
Sanh khởi rất nhanh trong sát-na.
Nơi chưa sanh, chẳng sanh;
Nơi hiện tại, có sanh.
Tâm dứt, thế gian chết.
Đó là nói cảnh tận thế vậy.
Như thế, do sát-na mà tu niệm tử.Người toạ thiền theo đường lối của hành môn nầy mà tu như thế về niệm tử, khởi lên sự chán ngán. Khi đã quen sự chán ngán, niệm được thuần thục rồi, thì tâm trở nên chẳng loạn động. Nhờ tâm bất loạn đó mà diệt được các triền cái, khởi lên các thiền chi, thành được thiền ngoạ hành để an trú.
Hỏi: Tưởng vô thường với Niệm tử, khác nhau ra sao?
Đáp: Sự sanh diệt của các ấm (= uẩn) gọi là tư tưởng vô thường. Niệm các căn diệt gọi là niệm tử. Tu vô thường tướng, tu vô ngã tướng, trừ được sự kiêu mạn. Tu niệm tử thì an trú nơi vô thường tướng và khổ tướng; xuyên qua niệm tưởng về thọ mạng dứt, tâm diệt đi.
Đấy là chỗ sai biệt giữa vô thường tưởng và niệm tử.
Niệm Tử chấm dứt.
Hỏi: Thế nào là Niệm Thân? Thế nào là tu, tướng, vị, công
đức của Niệm Thân? Tu cách nào?
Đáp: Tu Niệm Thân là niệm về thân tánh, tức là bản tánh của thân. Niệm đó theo sát niệm, giữ đúng chánh niệm, đó gọi là niệm thân. Tâm trú chẳng loạn, đó gọi là tu. Khiến khởi lên thân tánh, đó là tướng của niệm thân. Thấy thân nầy chẳng thật, đó là khởi, hay là sự khởi phát của niệm thân.
Tu niệm thân được các công đức nầy: nhờ tu niệm thân mà nhẫn nại, kham chịu sự kinh hãi, lo sợ, chịu đựng được sự nóng, lạnh và các thay đổi khác, có được tưởng vô thường, tưởng vô ngã, tưởng bất tịnh, tưởng sợ lỗi lầm. Khi các tưởng nầy được thành mãn thì tùy ý mà đắc bốn cấp thiền, phân biệt rõ ràng các pháp, việc tu học được đầy đủ, hướng về các đường lành, hướng về Niết-bàn.
Tu cách nào? Người mới tập thiền đi đến nơi yên vắng, thâu nhiếp tất cả, tâm chẳng loạn động, và suy nghĩ về bản tánh của thân thể.
Thế nào là tu niệm về bản tánh của thân? Đó là tóc, lông, móng tay, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, não, họng, gan, tim, phổi, mật, dạ dày, thận, phương (= mỡ miếng), cao (= mỡ nước), hoành cách mạc, ruột già, ruột non, phẩn, nước tiểu, mủ, huyết, đàm, mồ hôi, nước rãi, nước mắt, nước mũi, nước bọt, đều chẳng được sạch. Người mới tập thiền theo ba mươi hai phần đó trong thân thể, đọc thuộc từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, thường niệm thường quán. Lành thay!
Do miệng thường đọc tất cả các phần thân thể, người toạ thiền quán niệm theo bốn cách: (1) theo màu sắc, (2) theo hình dạng, (3) theo các hành, (4) theo các xứ. Do phân biệt hoặc một, hoặc hai, hoặc nhiều tướng thô khởi lên, người ấy khéo nắm giữ các tướng tương ứng ấy. Nhờ đó, người ấy khởi lên được ba loại tướng: (1) tướng về sắc, (2) tướng về sự chán ghét, (3) tướng về Hư-không.
Nếu khởi lên được tướng về sắc, người toạ thiền theo Nhứt thiết nhập Sắc mà quán niệm thì tác ý sẽ được dễ dàng.
Nếu khởi lên được tướng về sự chán ghét, người toạ thiền nên tác ý theo tưởng bất tịnh. Nếu khởi lên được tướng về Hư-không, người toạ thiền nên quán niệm về mười tám giới. Nếu người ấy y theo nhứt thiết nhập, thì đạt đến được Tứ thiền; nếu theo tướng bất tịnh mà quán, thì đạt được Sơ thiền; nếu theo giới mà quán, thì đắc được Thiền ngoại hành.
Như thế, người nhiều giận hờn nên dùng sắc mà khởi lên tướng; người nhiều ham muốn nên lấy sự chán ghét mà khởi lên tướng; người có nhiều trí huệ thì theo các giới mà khởi lên tướng. Lại nữa, người nhiều giận hờn nên dùng sắc mà tác ý; người nhiều ham muốn nên lấy sự chán ghét mà tác ý; người trí huệ thì theo các giới mà tác ý.
Lại nữa, niệm bản tánh của thân thể bằng mười ba cách: (1) theo hột giống, (2) theo xứ, (3) theo nhân duyên, (4) theo rỉ chảy, (5) theo thứ lớp hình thành, (6) theo các loại trùng, (7) theo an xứ, (8) theo sự tụ lại, (9) theo sự chán ghét, (10) theo sự bất tịnh, (11) theo sự tùy thuộc, (12) theo sự chẳng biết ơn, (13) theo chỗ có giới hạn.
Hỏi: Thế nào là theo hột giống mà niệm thân tánh?
Đáp: Như hột giống độc sanh ra cây thù-du, cây câu-sa-đa-kỷ, thân thể nầy sanh ra từ hột giống bất tịnh của cha mẹ, nên thân thể ấy cũng bất tịnh (= chẳng sạch).
Như thế, nên theo hột giống mà niệm thân tánh.
Hỏi: Thế nào là theo xứ (= nơi) mà niệm thân tánh?
Đáp: Thân nầy chẳng phải do hoa uất-đa-la, hoa câu-mâu-đà, phân-đà-lợi sanh ra, mà do từ bụng mẹ, nơi mà sự bất tịnh, sự hôi thối dồn ép nhau. Thân ấy lớn lên nơi tử cung, trong bọc ở bụng mẹ, nằm ngang giữa hai bên sườn, quấn dựa vào xương sống. Nơi đó chẳng sạch, thành ra thân cũng chẳng sạch. Như thế, nên theo nơi chốn (xứ) mà niệm thân tánh.
Hỏi: Thế nào là theo nhân duyên mà niệm thân tánh?
Đáp: Thân bất tịnh ấy chẳng phải do vàng bạc, châu báu nuôi dưỡng mà lớn lên, chẳng phải do các thứ chiên-đàn, đa-già-la, trầm hương nuôi dưỡng. Lăn lóc trong bụng mẹ giữa chất nhờn, nước rãi, nước bọt, đàm, được nuôi dưỡng với các chất do mẹ ăn, cơm, đậu, trộn lẫn với các chất lỏng đó hoà tạp lại. Thân ấy lớn lên giữa nơi bất tịnh, hôi hám.
Như thế, do theo điều kiện (= duyên) nơi sanh sống mà niệm thân tánh.
Hỏi: Thế nào là theo rỉ chảy mà niệm thân tánh?
Đáp: Thân nầy như một cái bịt da có nhiều lỗ hổng, chứa đầy phẩn, nước tiểu, rỉ chảy ra. Nơi thân nầy, thức ăn vật uống hoà tạp với nước mắt, nước mũi, nước bọt, phẩn, nước tiểu hôi hám đủ loại thành ra bất tịnh, do nơi chín lỗ (= cửu khổng) mà rỉ chảy ra ngoài.
Như thế, theo sự rỉ chảy mà niệm thân tánh.
Hỏi: Thế nào là theo thứ lớp hình thành mà niệm thân tánh?
Đáp: Thân nầy, tùy nghiệp đời trước, mà hình thành theo thứ tự như sau:

- tuần lễ thứ nhứt: thành già-la-la,
-
tuần lễ thứ hai: thành a-phú-đà,
- tuần lễ thứ ba: thành phinh-thi,
-
tuần lễ thứ tư: thành a-nã,
-
tuần lễ thứ n
ăm: thành năm khớp xương,
- tuần lễ thứ sáu: th
ành bốn khớp xương,
- tuần lễ thứ bảy: lại sanh bốn khớp xương,
- tuần lễ thứ tám: lại sanh hai mươi tám khớp xương.
- tuần lễ thứ chín và thứ mười: thành xương sống,
- tuần lễ thứ mười một: sanh ba tr
ăm xương,
- tuần lễ thứ mười hai: lại sanh tám trăm khớp xương,
- tuần lễ thứ mười ba: lại sanh chín trăm khớp xương,
- tuần lễ thứ mười bốn: sanh trăm thớ thịt,
- tuần lễ thứ mười lăm: sanh ra huyết,
- tuần lễ thứ mười sáu: sanh ra mô (= m
àng da),
- tuần lễ thứ mười bảy: sanh ra da,
- tuần lễ thứ mười tám: sanh ra màu sắc của da,
- tuần lễ thứ mười chín: do nghiệp sanh ra gió khắp châu thân,
- tuần lễ thứ hai mươi bốn: thành chín lỗ (= cửu khiếu)
- tuần lễ thứ hai mươi l
ăm: sanh ra mười bảy ngàn thấu (= thớ da),
- tuần lễ thứ hai mươi sáu: thành thân rắn chắc,
- tuần lễ thứ hai mươi bảy: thành thân có sức lực,
- tuần lễ thứ hai mươi tám: sanh chín mươi chín ngàn lỗ chơn lông,
- tuần lễ thứ hai mươi chín: tất cả thân
đều đầy đủ.
Lại nữa, có thuyết cho rằng vào tuần lễ thứ bảy thai nhi đã có hình thể, dựa vào xương sống của mẹ, hạ đầu ngồi xổm xuống; vào tuần lễ thứ bốn mươi hai, do nghiệp sanh ra gió chuyển hai chân ngược lên, đầu trút xuống, hướng về phía sản môn và sanh ra đời vào lúc đó, được tạm gọi đó là người.Như thế, do theo thứ lớp hình thành mà niệm thân tánh.
Hỏi: Thế nào do theo loại trùng mà niệm thân tánh?
Đáp: Thân thể bị tám mươi ngàn loại trùng gặm nhắm.

- Ở tóc có trùng phát thiết (phát = tóc; thiết = sắt)
- Ở sọ có trùng nhĩ chủng (nhĩ = lỗ tai; chủng = loại)
- Ở óc có trùng điên cuồng. Có bốn loại: (1) âu-câu-lâm-bà, (2) thấp-bà-la, (3) đà-la-ha, (4) đà-ha-thi-la.
-
Ở mắt có trùng thỉ nhãn (thỉ = liếm; nhãn = mắt).
- Ở lỗ tai có trùng thỉ nhĩ (thỉ = liếm; nhĩ = lỗ tai).
- Ở mũi có trùng thỉ tỵ, chia ra ba loại: (1) lâu-khấu-vô-ha; (2) a-lâu-khấu; (3) ma-nả-lâu-vô-khả.
-
Ở lưỡi có trùng vật-già.
-
Ở dưới chơn lưỡi có trùng vô-đán-đa.
-
Ở r
ăng có trùng cẩu-bà.
-
Ở dưới chơn r
ăng, có trùng ưu-bà-cẩu-bà.
-
Ở họng, có trùng a-bà-ly-ha.
-
Ở cổ, có hai loại trùng: (1) lỗ-ha-la; (2) tỳ-lỗ-ha-la.
-
Ở lông có trùng thỉ mao (thỉ = liếm; mao = lông).
- Ở móng tay chơn, có trùng thỉ trảo (trảo = móng)
- Ở da, có hai loại trùng: (1)
đâu-ná, (2) đâu-nan-đa.
-
Ở mô, có hai loại trùng: (1) vĩ-lam-bà, (2) ma-ha vĩ-lam-bà.
-
Ở thịt, có hai loại trùng: (1) a-la-bà, (2) la-bà-bà.
-
Ở máu, có hai loại trùng: (1) bà-la, (2) bà-đa-la.
-
Ở gân, có bốn loại trùng: (1)...đa-lỗ (rotara), (2) hi-đa-bà, (3) bà-la-bà-đa-bà, (4) la-ná-bà-la-ná.
-
Ở mạch, có trùng khả-phiếu-hiệp-ná.
-
Ở mạch c
ăn, có hai loại trùng: (1) thì-bà-la, (2) ưu-bà thi-bà-la.
-
Ở xương, có bốn loại trùng: (1) quá-sỉ-tỳ-đà, (2) an-ná-tỳ-đà, (3) đãi-phục-đả-tỳ-đả, (4) quá-sỉ-...khả-la (kachigokara)
- Ở tủy, có hai loại trùng: (1) mỹ-đổ, (2) mỹ-đổ thi-la.
-
Ở lá lách, có hai loại trùng: (1) ni-la, (2) tỉ-đa.
-
Ở tim có hai loại trùng: (1) tỳ-đa, (2) ưu-bát-đả-tử-ti-đa.
-
Ở gốc tim, có hai loại trùng: (1) mãn-khả, (2) thi-la.
-
Ở phương (= mỡ miếng), có hai loại trùng: (1) cả-la, (2) cả-la thi-la.
-
Ở bàng quang, co hai loại trùng: (1) mỹ-cả-la, (2) ma-ha cả-la.
-
Ở bàng quang c
ăn(gốc bọng đái), có hai loại trùng: (1) cả-la, (2) cả-la thi-la.
-
Ở bọc thai, có hai loại trùng: (1) sa-bà-la, (2) ma-ha sa-bà-la
-
Ở gốc bọc thai, có hai loại trùng: (1)...đa (sorata), (2) ma-ha -...đa (maharata).
-
Ở ruột non, có hai loại trùng: (1) trừu-... đa (siba), (2) ma-ha-... đa (mahasiba).
- Ở gốc ruột, có hai loại trùng: (1) ba, (2) ma-ha-tử-ba
-
Ở ruột già, có hai loại trùng: (1) an-ná-bà-ba, (2) bác-quá-bà-ha.
-
Ở dạ dày, có bốn loại trùng: (1) ưu-thọ-cả, (2) ưu-đỗ-bà, (3) tri-đỗ-bà, (4) tiên-thị-bà.

- Ở tử cung, có bốn loại trùng: (1) bà-ha-ná, (2) ma-ha bà-ha-ná, (3) đà-ná-bàn, (4) phẩn-ná-mẫu-khả.
-
Ở mật, có trùng tất-đa-ly-ha.
-
Ở nước miếng, có trùng tiêm-ha.
-
Ở mồ hôi, có trùng tủy-đà-ly-ha
-
Ở chất mỡ, có trùng mỹ-đà-ly-ha.
-
cuờng (= sanh lực), có hai loại trùng: (1) tẩu-bà-ha-mẫu; (2)
đỗ-ma-khiết-đa.
-
cường-căn (= gốc của sanh lực), có ba loại trùng: (1) xứ-ha-mẫu-kha; (2) a-lỗ-ha-mẫu-kha; (3) bà-ná-mẫu-kha.
Có năm loại trùng ở phiá trước thân, ở phiá sau thân, ở bên trái thân, ở bên mặt thân, và chúng gặm nhắm các phần thân thể ở đó. Đó là những loại như: mai-đà-tử-la, thần-ha-tử-la, bất-thâu-la, và các loại khác. Ở hai lỗ dưới, có ba loại trùng: (1) câu-lâu-câu-la-duy-dụ, (2) già-la-dụ, (3) hàn-đầu-ba-đà.
Như thế, do theo các loại trùng, mà niệm về Thân tánh. Hỏi: Thế nào là theo an xứ (= ý muốn nói nơi các xương nối liền nhau) mà niệm Thân tánh?
Đáp: Nơi xương chơn, xương ống quyển nối liền; xương ống quyển nối liền với xương đùi; xương đùi nối liền với xương mông; xương mông nối liền với xương sống; xương sống nối liền với xương chả vai; xương chả vai nối liền với xương tay; xương tay nối liền với xương cổ; xương cổ nối liền với xương đầu, xương đầu nối liền với xương má, xương má nối liền với xương răng. Như thế, do sự an trú (= nối liền) giữa các xương và có da bao bọc phía ngoài, mà thân thể được thành hình. Thân ô uế đó tùy theo nghiệp mà sanh ra, chẳng phải do ai tạo nên được.
Như thế, theo sự an trú (= ý nói, xương cốt nối liền) mà niệm Thân tánh.
Hỏi: Thế nào là theo sự tụ họp mà niệm Thân tánh?
Đáp: Chín mảnh xương đầu, hai khúc xương má, ba mươi hai xương răng, bảy xương cổ, mười bốn xương sườn, mười tám đốt xương sống, hai xương mông, sáu mươi bốn xương tay, sáu mươi bốn xương chơn, sáu mươi bốn xương mềm nơi thịt: ba trăm khúc xương đó, cùng với tám hay chín trăm dây gân quấn chằng chịt nhau. Lại có chín trăm bắp thịt, bảy mươi ngàn thớ da, tám triệu sợi tóc, chín mươi chín ngàn sợi lông, sáu mươi lỗ, tám chục ngàn loại trùng. Mật, nước miếng và não, mỗi thứ nặng một ba-lại-tha theo tiếng nước Lương, nặng bằng bốn lượng , còn huyết thì nặng một a-tha theo tiếng nước Lương, nặng bằng ba đẩu. Tất cả những thứ đó, chẳng thể tính toán, cân đo được, hình thức tuy khác nhau, tụ họp nhau lại thành một đống phẩn, nước tiểu, được mạng danh là Thân.
Như thế, theo sự tu họp mà niệm về tự tánh của thân.
Hỏi: Thế nào là theo sự chán ghét mà niệm thân tánh?
Đáp: Con người qúi trọng sự thanh tịnh vào bực nhứt. Lại thích sự phục sức, dùng hương, hoa ướp vào thân, mặc y phục trang hoàng, nằm ngồi trên giường, nệm, chiếu, mền, gối, màn, trướng, thọ dụng thức ăn, vật uống, cùng nơi cư trú. Buổi đầu, tâm sanh luyến ái, sau đó lại trở nên chán ghét.
Như thế, do theo sự chán ghét mà niệm tự tánh của thân.
Hỏi: Thế nào là theo sự chẳng sạch mà niệm thân tánh?
Đáp: Khi quần áo, vật trang sức các loại bị nhiễm dơ, có thể làm cho chúng trở lại thanh khiết. Tại sao vậy? Vì bản tánh chúng vốn thanh tịnh. Nhưng với thân thể bất tịnh nầy, chẳng thể làm cho tịnh khiết được. Lại nữa, thân nầy dầu có xông ướp hương thơm, tắm rửa bằng nước thơm, cũng chẳng khiến cho tịnh khiết được. Tại sao vậy? Vì tự tánh của thân là bất tịnh.
Như thế, do theo sự chẳng sạch mà niệm thân tánh.
Hỏi: Thế nào là theo xứ mà niệm về tự tánh của Thân?
Đáp: Như hoa mọc trong hồ ao, tuỳ theo hồ ao mà sanh trưởng; quả trỗ trong vườn tược, tùy theo vườn tược mà kết trái. Cũng vậy, tùy nơi thân nầy mà các loại phiền não, bịnh hoạn sanh ra. Như thế, đau mắt, tai, mũi, lưỡi, nhức mình, đau đầu, miệng lỡ, răng nhức, hơi thở dồn dập, nóng, lạnh, đau bụng, đau tim, động kinh, điên cuồng, phong cùi, bướu cổ, ói máu, ghẻ lở, ung nhọt, hoa liễu, táo bón, lạnh, và các bịnh khác mà thân nầy mắc phải. Như thế, thân thể có biết bao nhiêu bịnh hoạn.
Như thế, do theo xứ (xứ = ý muốn nói, nơi phát sanh ra bịnh tật) mà niệm về tự tánh của Thân.
Hỏi: Thế nào là theo sự chẳng biết ơn niệm về thân tánh?
Đáp: Con người hết lòng lo phục vụ cho thân, lựa món ăn thật ngon, tắm rửa thoa dầu thơm, nằm ngồi trên giường cao nệm ấm, nhưng trái lại thân nầy phản phúc, chẳng biết ơn, luôn hướng về già lão, về bịnh tật, về cõi chết. Như thế là thân nầy chẳng biết ơn.
Như thế, theo sự chẳng biết ơn mà niệm thân tánh.
Hỏi: Thế nào là theo chỗ có giới hạn để niệm thân tánh?
Đáp: Thân nầy hoặc có thể bị hoả thiêu, hoặc bị ăn thịt, hoặc bị phá hoại, hoặc bị hủy diệt. Thân nầy là vật có giới hạn.
Như thế, theo chỗ có giới hạn mà niệm tự tánh của thân. Người toạ thiền do theo đường lối của hành môn nầy mà niệm tự tánh của tấm thân. Khi niệm được thuần thục, trí huệ được tự tại, tâm trở nên chẳng loạn động. Do tâm chẳng loạn mà các triền cái bị diệt, các thiền chi khởi lên, tùy theo chỗ vui thích mà đạt thành phần tối thắng.
Niệm Thân chấm dứt.
Hỏi: Thế nào là Niệm An tịch? Thế nào là tu, tướng, vị, xứ, công
đức của Niệm An tịch? Tu cách nào?
Đáp: Tịch tịch, hay an tịch, là diệt sự loạn động của thân tâm, đoạn dứt hết, nên gọi là an tịch. Hiện niệm an tịch, niệm ấy theo sát niệm, giữ đúng chánh niệm, đó gọi là niêm an tịch. Trú theo niệm ấy chẳng loạn, đó gọi là vị, hay là chức năng của niệm an tịch. Làm khởi lên công đức của niệm an tịch, đó gọi là tướng của niệm an tịch. Đắc được sự giải thoát vi diệu, đó là xứ, hay là phạm vi hoạt động của niệm an tịch.
Về công đức của niệm an tịch, nếu tu hành niệm an tịch được thành mãn, thì ngủ được yên giấc, suy nghĩ an ổn, tâm trở nên vắng vẻ, các căn được thanh tịnh, các tâm nguyện được đầy đủ, người trở nên khả ái, được sự kính trọng, hướng về các nẻo lành, hướng về Niết-bàn.
Tu cách nào? Người mới tập thiền đi đến nơi yên vắng, thâu nhiếp tất cả và tâm chẳng khởi loạn mà trở nên như như. Người Tỳ-kheo đó, các căn và tâm được thanh tịnh, vui nơi yên vắng, liền theo đó mà an trú. Người ấy nơi thân, miệng và ý, đều lấy sự an tịch mà niệm về công đức của sự an tịch.
Như Thế tôn có dạy: "Vị Tỳ-kheo đó giới đầy đủ, định đầy đủ, huệ đầy đủ, giải thoát đầy đủ, giải thoát tri kiến đầy đủ. Nếu Tỳ-kheo nào trông thấy vị Tỳ-kheo đó, thì Ta tuyên bố người ấy sẽ được hưởng ơn đức lớn. Nếu Tỳ-kheo nào nghe đến vị Tỳ-kheo đó, thì Ta tuyên bố, người ấy sẽ được hưởng ơn đức lớn. Nếu Tỳ-kheo nào đến viếng vị Tỳ-kheo đó, thì Ta tuyên bố, người ấy sẽ được hưởng ơn đức lớn. Nếu Tỳ-kheo nào cúng dường vị Tỳ-kheo đó, niệm tưởng đến vị Tỳ-kheo đó, xuất gia tu theo vị Tỳ-kheo đó, thì Ta tuyên bố người ấy sẽ được hưởng ơn đức lớn. Tại sao vậy? Vì các Tỳ-kheo ấy đã được nghe vị Tỳ-kheo đó nói pháp đầy đủ nên đắc được hai mặt của sự lià xa hội náo (hội = rối rắm; náo = náo động;): thân lià xa sự rối động, tâm lià xa sự rối động."
Vị Tỳ-kheo nhập vào Sơ thiền, lấy niệm an tịch mà diệt bỏ các triền cái. Nếu nhập vào Nhị thiền, niệm an tịch sẽ dứt được giác (hay là tầm) và quán (hay là tứ). Nếu nhập vào Tam thiền, niệm an tịch sẽ dứt được hỉ (= nỗi mừng). Nếu nhập vào Tứ thiền, niệm an tịch sẽ diệt được lạc (= niềm vui). Nếu nhập vào Hư-không định niệm an tịch sẽ diệt sắc tưởng, giận hờn, và các loại tưởng khác. Nếu nhập vào Thức định, niệm an tịch sẽ diệt được Hư-không tưởng. Nếu nhập vào Vô sở hữu định, niệm an tịch sẽ diệt được Thức nhập tưởng. Nếu nhập vào Phi tưởng phi phi tưởng định, niệm an tịch sẽ diệt được Vô sở hữu tưởng. Nếu nhập vào Tưởng thọ diệt định, niệm an tịch sẽ diệt được thọ và tưởng.
Nếu đắc quả Tu-đà-huờn, niệm an tịch khiến tất cả phiền não và tà kiến diệt. Nếu đắc quả Tư-đà-hàm, niệm an tịch khiến diệt được tham dục thô, sân hận thô và phiền não thô. Nếu đắc quả A-na-hàm, niệm an tịch khiến các tham dục tế, sân hận tế, phiền não tế diệt. Nếu đắc quả A-la-hán, niệm an tịch khiến diệt được tất cả các phiền não. Nếu đắc nhập vào Nê-hoàn (= Niết-bàn), niệm an tịch khiến cho tất cả đều tịch diệt.
Người tọa thiền đó tu hành theo đường lối của hành môn nầy, do công đức niệm an tịch, lòng tin tăng thêm, và do lòng tin vững chắc, niệm tự tại khiến cho tâm chẳng loạn động. Nhờ tâm bất loạn, các triền cái đều diệt, các thiền chi khởi lên, an trú vào thiền ngoại hành.
Niệm Tịch tịch chấm dứt.
Mười Niệm chấm dứt.
Nơi lãnh vực tu tập Mười Niệm, có các vấn
đề linh tinh (Tán cú) sau đây:
Nếu niệm công đức các đức Phật quá khứ và vị lai, đó là Niệm Phật. Cũng vậy, đối với công đức của các bực Duyên giác
Nếu niệm tưởng về một pháp được nghe giảng, đó gọi là Niệm Pháp.
Nếu niệm tưởng công đức của các bực Thanh văn, đó là niệm Tăng.
Niệm về sự giữ giới của mình, đó gọi là tu niệm Giới.
Niệm về sự bố thí của mình, đó gọi là tu niệm Thí. Nếu muốn được vui về sự bố thí của mình mà người nhận là bực có nhiều công đức, nên giữ tướng thọ nhận. Nếu vật người đem hiến tặng chẳng được minh bạch đúng pháp, thì ngay một miếng cơm cũng chẳng được nhận.
Niệm Thiên thành tựu thì tăng được lòng tin tưởng. Có năm pháp nên tu niệm Thiên.
Phần Tán cú (Linh tinh) chấm dứt.

(Xong Giải Thoát Đạo Luận, Quyển Bảy).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét