Pháp đàm với Khun Sujin (một chuyên gia Vi Diệu Pháp người Thái Lan)

TVCS xin giới thiệu với các độc giả loạt bài dịch về các buổi pháp đàm với Khun Sujin, một chuyên gia Vi Diệu Pháp người Thái Lan. Các buổi pháp đàm này được tổ chức hàng tuần dưới dạng thảo luận về Giáo Pháp với sự vận dụng kiến thức từ VDP. Đặc biệt sắc sảo và thiện xảo trong cách trả lời, bà Khun Sujin giúp cho người tham gia có cái hiểu đúng đắn về chân đế và về bản chất của con đường Bát Chánh Đạo...
 


Ngày 13/01/2007 – sinh nhật lần thứ 80 của Khun Sujin
HV = Học viên
KS = Khun Sujin

Học viên 1: Một số người bạn nhờ tôi đặt một vài câu hỏi.

Câu hỏi thứ nhất là : Khi đọc Kinh, một số thấy rằng họ không thể dung hòa nội dung của một số bài kinh khác nhau, vì vậy người bạn này chọn cách đọc từng bài kinh một cách riêng rẽ, không cố gắng dung hòa chúng. Anh ấy lấy ví dụ bài kinh Anattalakhana (kinh Vô ngã tướng), trong đó nói rất rõ không có ngã, không có gì để làm, không có gì có gì có thể được dẫn dắt, điều khiển. Khi đọc bài kinh này, anh ấy đọc theo tinh thần ấy. Nhưng khi đọc một bài kinh khác, chẳng hạn như kinh Anapanasati (kinh Quán niệm hơi thở), trong đó có nói đến việc chủ động đưa chánh niệm trên hơi thở, dẫn dắt hơi thở theo một cách nào đó. Khi đọc bài kinh ấy, anh ta đọc theo tinh thần dẫn dắt một số pháp nhất định, và không tìm cách dung hòa với bài kinh kia.

KS: Bạn nghĩ rằng Đức Phật có thể dẫn dắt, điều khiển trí tuệ hay hành vi của chúng ta hay Người chỉ có thể chỉ ra những nhân duyên tạo tác cho sự sinh khởi của pháp này hay pháp kia? Chẳng hạn như giờ đây đang có hơi thở, không ai có thể làm gì nữa bởi vì hơi thở đã sinh khởi rồi, đúng không? Vì thế, tùy thuộc vào việc bạn muốn có sự an tịnh đơn thuần nhờ sự hay biết; nhờ sự hiểu biết về hơi thở mà vì vậy trí tuệ có thể phát triển đến mức độ an tịnh, hay việc bạn muốn thấu hiểu bản chất vô ngã của hơi thở. Bởi lẽ, điều mà Đức Phật dậy chúng ta chủ yếu là về các thực tại mang tính vô ngã…Tức là tùy theo mức độ mà bạn muốn có tại từng thời điểm: chỉ cần sự an tịnh hay chỉ cần phát triển hiểu biết về bản chất thật của thực tại, rằng tất cả các pháp đều do nhân duyên tạo thành, trong chính thời điểm hiện tại. Để hiểu hay không hiểu thực tại? Vì khi có sự an tịnh mà không có sự thấu hiểu về bản chất thật của thực tại, thì hơi thở là gì về mặt bản chất? Nếu không có sự thấu hiểu về hơi thở, ta vướng mắc vào nó. Đôi khi ta muốn chú tâm hay muốn an tịnh qua sự chú tâm, nhưng tại thời điểm đó có thể không có thiện tâm một chút nào, vì vắng mặt trí tuệ. Vậy thế nào là trí tuệ tại thời điểm lấy hơi thở làm đối tượng cùng với sự dính mắc? Rất đơn giản, bất cứ khi nào có một đối tượng xúc chạm xuất hiện mà không có trí tuệ, sự dính mắc sẽ kèm theo. Cũng như vậy, dù chúng ta gọi hơi thở là hơi thở hay không, đó chỉ là một đối tượng xúc chạm, vậy đâu là sự khác biệt giữa hơi thở và bất cứ đối tượng xúc chạm nào khác xuất hiện ở một vị trí khác, thời điểm khác? Vì vậy tôi nghĩ điều tốt nhất là phải hiểu bản chất vô ngã của thực tại, vì toàn bộ Tam Tạng và Chú giải đều bàn về vô ngã. Càng nghe, chúng ta càng xem xét cái gì là ngã. Sắc tướng? Không . Âm thanh? Không. Cái thấy? Cái nghe? Suy nghĩ? Tất cả đều là vô ngã. Nhưng chỉ nhắc đi nhắc lại bằng miệng rằng đó là vô ngã thì không đủ, bởi vì đó chỉ là quan kiến riêng của ta về khái niệm đó, không phải là khoảnh khắc trực nhận bản chất vô ngã của thực tại đang sinh khởi đó. Vì lẽ đó, Đức Phật không chỉ dậy chúng ta kiến thức lý thuyết mà còn chỉ ra cách phát triển những hiểu biết sâu sắc hơn, kinh nghiệm trực tiếp về thực tại hiện tiền. Phải là ngay lúc này. Tuệ giác tăng trưởng từ giây phút hiện tại, nếu không có hiểu biết về giây phút hiện tại, làm sao trí tuệ có thể phát triển? Đừng mong đợi gì từ các thời điểm khác. Có thể ta không thích sự dính mắc, có thể ta không thích sân, nhưng nếu ta không muốn những cái đó sinh khởi, cố gắng thật nhiều để chúng không sinh khởi, vậy làm sao có thể thấu hiểu bản chất của chúng nếu không thấy được rằng tất cả những gì xảy ra đều là do tiến trình nhân quả. Chính vì vậy, nếu không có trí tuệ, ta không thể hiểu bản chất thật, bản chất vô ngã của thực tại. Tại mỗi giác quan, thực tại có những đặc tính riêng của nó. Chẳng hạn như, đối tượng thị giác (cái thấy được bắng mắt) hiện giờ. Chúng ta thường nhầm tưởng đối tượng thị giác là ai đó hay cái gì đó, và điều ấy ngầm chứa ý niệm về “ta”, hay “ngã”, bởi lẽ “ngã” là sự đối nghịch của vô ngã, “ngã” là một cái gì đó hiện hữu, có thể là thứ gì đó, có thể là con người…nó có thể là bất cứ thứ gì như âm thanh chẳng hạn, [Ta cho rằng] nó là “một cái gì đó” vì nó là âm thanh, nó được nhận thức là một cái gì đó-âm thanh, một cái gì đó-mùi, một cái gì đó- vật xúc chạm được, luôn luôn là “một cái gì đó”. Sở dĩ như vậy là vì không có tuệ giác biết được tức thì mỗi sự sinh khởi do tiến trình nhân quả- cái diễn ra cực kỳ nhanh. Vì thế, nếu không phát triển dần dần tuệ giác thấy thực tại như nó đang là, sẽ không thể có trí tuệ để thấy nó một cách rõ hơn, vì ngay giờ đây, sự sinh diệt đang diễn ra nhưng quá nhanh, và nếu tuệ giác chưa có mặt, làm sao nó có thể nhận ra hay hiểu mỗi pháp chỉ là pháp, từng pháp một. Khi có đối tượng thị giác, chúng ta có thể có chánh kiến hay tà kiến về nó. Nếu chúng ta vẫn cho rằng có ai đó hoặc cái gì đó đang thấy thì có nghĩa là đang không có sự hiểu biết trực tiếp về đối tượng với đúng bản chất chỉ là đối tượng của nó, do có tác động đến nhãn quan là mắt, và nếu nhãn thức không sinh khởi, thì đối tượng đó không thể xuất hiện được. Cũng như vậy đối với đối tượng của các giác quan khác như âm thanh chẳng hạn. Có vẻ như là tất cả chúng ta đều có thể nghe âm thanh, nhưng thực ra nếu không có nhĩ căn (tai) và nhĩ thức, thì bản thân âm thanh không thể xuất hiện, và nếu xuất hiện, nó chỉ có thể xuất hiện trong một khoảnh khắc rồi hoàn toàn biến mất, và cuộc sống là như vậy, không có gì cả rồi có gì đó, rồi lại không gì cả, rồi lại cái gì đó một cách liên tục…Tôi rất thích điều đó (cười)

HV2: Một bài kinh khác có thể nhắc đến trong cùng chủ đề đang thảo luận là bài kinh về Tứ Chánh Cần. Mọi người cũng thấy khó dung hòa bài kinh đó, vì trong đó có nói: Tỳ-kheo đối với pháp ác bất thiện đã sanh, vì để đoạn trừ chúng nên khởi ước muốn, nỗ lực hành, tinh cần, dốc hết tâm, đoạn trừ
Xin bà khuyên vài câu về cách hiểu những bài kinh như thế này !

KS: Nỗ lực đó là ai?

HV2: Trong bài kinh đó nói: vị tỳ kheo (cười)

KS: Nỗ lực là nỗ lực, dù nó sinh khởi như thế nào, vào lúc nào đi nữa thì nó cũng thực hiện chức năng của nó. Khi chúng ta đọc kinh điển Tam Tạng, chúng ta có thể hoặc là đọc với cách hiểu riêng, ý niệm riêng hay thiên hướng riêng của mình, hoặc là với sự hiểu biết thực tại đã được giảng giải bởi người hiểu rõ và trọn vẹn bản chất của các pháp. Chẳng hạn, khi ta đọc về tinh tấn, chúng ta quên mất bản chất vô ngã của tinh tấn mà lại nghĩ rằng có một ai đó đang gắng sức, bạn thấy không? Nhưng nếu chưa nắm bắt được đặc tính của tinh tấn trong giây phút hiện tại thì làm sao có thể nắm bắt được các chức năng khác, làm sao nắm bắt được bốn chức năng của tinh tấn mà không biết rõ đặc tính của tinh tấn.

HV2: Nhưng để bắt đầu, chúng ta có biết tinh tấn đang có mặt trong giây phút hiện tại? Trong kinh có bảo chúng ta rằng hiện tại tinh tấn đang có mặt không?

KS: Dù chúng ta không đặt tên hay gọi đó là tinh tấn đi nữa, thì có bao giờ bạn cố gắng (trả lời –có) và bạn có muốn gọi đó là cái gì đó đang cố gắng?

HV2: Đúng vậy, chúng ta có thể gọi đó là tinh tấn, nếu có sự cố gắng, nhưng thường là không có sự cố gắng.

KS: Chính vậy đó. Nếu chúng ta không học, chúng ta không thể biết được rằng Đức Phật đã giải thích bản chất của từng loại tâm (citta). Có bao nhiêu tâm sở (cetasika) sinh khởi với từng loại tâm? Chúng ta không thể tự biết rằng chỉ có bảy tâm sở sinh khởi cùng với nghe và thấy. Nhưng sau đó, lại có nhiều tâm sở với các chức năng khác. Bây giờ, có vẻ như là chỉ có cái thấy đang duy trì, không có sự sinh diệt nào cả, trong khi đó thực chất có rất nhiều citta đã sinh khởi trong thời gian đó mà chúng ta không hề biết, và luôn luôn như vậy. Do vậy, nếu chưa hiểu về citta, thì không thể thấy được tinh tấn chỉ là tinh tấn (mà không có ai ở đó)

HV3: Tôi có một vấn đề vì tôi bắt gặp mình có tác ý giữ chánh niệm, tôi nghe bà nói rằng điều đó chứng tỏ chưa có hiểu biết sâu sắc. Vậy bà có thể nói thêm về điều đó được không ?

KS: Cái gì vô ngã hiện giờ?

HV3: Cái gì vô ngã hiện giờ à? Tất cả các pháp đều vô ngã, nhưng tôi chỉ biết điều đó bằng lý thuyết thôi.

KS: Đúng, nhưng nếu bạn chỉ biết một thì chưa đủ, tuệ giác (panna) cần phải thấy ngày càng rõ hơn cho đến khi cả cuộc đời, suốt cả ngày chỉ là các pháp vận hành…

HV1: Người bạn chúng tôi có một câu hỏi thứ hai về sự mâu thuẫn giữa thế giới của thực tại chế định (tục đế) và thế giới của thực tại tối hậu (chân đế), chẳng hạn, đối với kẻ phàm phu như chúng ta, chúng ta biết rằng chúng ta không thế mang nhà cửa đi theo sau khi chểt, rằng trên thực tế chỉ có các pháp tối hậu mà thôi. Tuy nhiên, chúng ta vẫn không thể để người khác vào sống trong nhà ta. Dường như có một sự mâu thuẫn ở đây.

KS: Mâu thuẫn hay là chưa có hiểu biết , chưa có chánh kiến ?

HV4: Ví dụ, tôi sở hữu một căn nhà. Đứng trên phương diện chân đế, vì không có “tôi”…

KS: Xin lỗi ngắt lời, kể cả khi ông đang ngủ ư?

HV4: Tôi không hiểu bà muốn nói gì?

KS: Ông nói ông có sở hữu một căn nhà? Ông sở hữu nó cả khi đang ngủ ư?

HV4: Tôi sắp đề cập đến điều đó. Xét trên khía cạnh chân đế, quả là tôi không sở hữu cái gì cả, bởi vì không có “tôi”. Tuy nhiên, xét trên khía cạnh tục đế, ngôi nhà đó vẫn là của tôi.

KS: Chỉ khi ông thức giấc.

HV4: Vâng, chỉ khi tôi thức giấc. Khi tôi ngủ, tôi không sở hữu cái gì cả. Vậy là trên khía cạnh tục đế, nhà tôi vẫn là nhà tôi. Với tôi, rất khó để đưa thế giới tục đế và chân đế lại gần nhau. Đó là điều khó khăn.

KS: Hãy cho tôi hỏi, nhà của ông hiện giờ ở đâu?

HV4: Nhà của tôi đang ở vị trí của nó.

KS: Chỉ khi ông có suy nghĩ về cái nhà mà thôi, chỉ trong thời điểm đó.

HV4: Đúng vậy, về phương diện chân đế, điều đó đúng. Tôi không có lý lẽ nào phản bác điều ấy cả, giống như một tác giả đã viết: “ nếu bạn có một tài khoản ngân hàng, bạn chỉ sở hữu nó khi bạn nghĩ về nó. Nhưng mỗi khi bạn nghĩ đến một cái gì khác, số tiền đó lập tức biến mất.

KS: Điều đó chứng tỏ rằng, dù bạn đã có tuệ giác thấu hiểu bản chất vô ngã của các pháp, điều đó không có nghĩa là bạn không còn khái niệm nào về căn nhà của bạn nữa, vì xét cho cùng, đó chỉ là một khoảnh khắc suy nghĩ mà thôi.

HV4: Đúng như vậy, nhưng trên phương diện tục đế, điều đó khó lắm. Trên phương diện chân đế, bà đúng 100%, tôi không phản bác gì cả, trên phương diện chân đế…

KS: Chỉ cần hiểu một cách đúng đắn là đủ. Ông có thể nghĩ về nhà của ông, về mọi thứ, nhưng cần có chánh kiến rằng đó chỉ là suy nghĩ mà thôi. Không có một cái “tôi” thường hằng trong đó, mà chỉ là một khoảnh khắc của suy nghĩ trong tiến trình nhân quả, của ý niệm, và tất cả đều sinh và diệt.

HV4: Nhưng ngay cả khi tôi không suy nghĩ, thì ngôi nhà của tôi vẫn là của tôi.

KS: Chỉ khi ông có suy nghĩ mà thôi.
Một học viên khác: Ngôi nhà của ông có thực không?

HV4: Có chứ

HVK: Ông có chắc không?

HV4 Nhà tôi đang ở đó mà, nó có thực.

HVK: Chắc chắn không?
HV4: Chắc chắn.

HVK: Nếu ông tin và hiểu thực tại tối hậu (chân đế), làm sao ông có thể nói rằng nhà ông là thực?

HV4: Đó chính là điều tôi muốn nói. Hai bình diện chân đế và tục đế khó gặp nhau, khó đối với một người phàm phu như tôi. Đối với một thánh nhân thì như thế nào, tôi không biết…

Nhiều học viên khác: Với tôi cũng vậy. Áp dụng chân đế thật là khó.

HVK: Chúng ta không phải rời bỏ thế giới chế định của chúng ta. Khi tôi về nhà mình, vẫn thấy đây là cái xe của tôi, con chó của tôi…tất cả những thứ đó. Nhưng nếu hiểu biết thêm một chút, dù chỉ là một phần nhỏ xíu, thực tại tối hậu, thì chúng ta sẽ biết rằng, tất cả những thứ ấy, và cả con người nữa đều không có thực.

HVK: Khi ông nói đó là một vấn đề, thực ra nó không phải là một vấn đề nếu ông không nghĩ về nó.

HV4: Khi nói mâu thuẫn, là tôi nói đến mâu thuẫn giữa khía cạnh tục đế và chân đế.

HVK: Mâu thuẫn nảy sinh khi ông nghĩ về nó.

HV4: Đúng vậy, nhưng chúng ta luôn luôn suy nghĩ, hầu như là luôn luôn.

KS: Đó không phải là một vấn đề, vì bản thân suy nghĩ cũng là một tiến trình nhân quả, chúng ta suy nghĩ khác nhau. Tiến trình nhân quả trong tôi khác trong bạn, nhưng tiến trình ấy không thường hằng, nó cũng diệt đi.

HV4: Tôi không nói rằng suy nghĩ là tốt, là thiện, tôi không nói vậy. Tôi chỉ nói rằng, xuất phát từ quan điểm của một phàm phu như tôi, điều ấy thật khó nhận thức.

KS: Làm thế nào để một phàm phu trở thành thánh nhân?

HV4: Tôi vẫn là một phàm phu, chưa phải thánh nhân.

KS: Nếu hiểu biết ngày càng tăng trưởng và sâu sắc hơn, tuệ giác phát triển ấy có thể hiểu thực tại sinh khởi theo đúng bản chất của nó.

HV4: Điều đó thì tôi hiểu.

KS: Chỉ cần phát triển nó thôi, nó có thể tăng trưởng, dần dần, nó có thể lớn mạnh.

HV4: Đúng vậy, nó có thể lớn mạnh, tôi không có vấn đề gì với điều ấy, nhưng tại thời điểm hiện giờ, điểm khởi đầu , có một sự mâu thuẫn. Có thể về sau sẽ khác…

KS: Điểm khởi đầu chính là sự hiểu biết sáng rõ hơn về thực tại hiện tiền. Chẳng hạn, đối tượng thị giác. Nó có xuất hiện [với bạn] như một thực tại trong đó không có ai cả không? Không có ai cả trong đối tượng thị giác, đó là sự thật. Vậy chúng ta có thể thấy rằng vô minh không thể hiểu điều này, không thể thấy được thực tại với đúng bản chất của nó. Nhưng tuệ giác thì có thể bắt đầu xem xét xem có ai đó trong đối tượng thị giác đang sinh khởi, hay đó chỉ là một yếu tố có thể được thấy, và nó sinh, diệt ngay tức thì.

HV4: Tôi không có gì phản đối nhận thức ở trình độ cao này…nhưng ví dụ, các bạn có khóa xe ô tô không?

HVK: Có tôi có khóa xe.

HV4: Như vậy rõ ràng là bà có nghĩ đó là cái xe của bà.

HVK: Tôi nghĩ điểm mấu chốt là nhận thức suy nghĩ chỉ là suy nghĩ, khái niệm chỉ là khái niệm. Nhưng ông đang nói rằng, tất cả những người phàm phu không thể nghĩ như thế, cho đến khi họ đạt giác ngộ, trở thành thánh nhân

HV4: Có thể không phải là mức độ thánh nhân, mà là ở trình độ cao

HVK: Mức độ hiểu biết của chúng ta chỉ là hiểu nó bằng tư duy, như thế là tạm đủ.

HV1: Tôi muốn nêu ra một mâu thuẫn khác mà chúng tôi thảo luận vào bữa trưa về chánh niệm và môi trường yên tĩnh, đặc biệt. Đó là sự mâu thuẫn giữa mong muốn được thanh tịnh hay không thanh tịnh, và nhiều người cảm thấy rằng khi họ ở trong một môi trường yên tĩnh, thì họ có thể có nhiều chánh niệm và định tâm hơn…và khi họ đàm đạo, thì chánh niệm đi xuống, và rằng, đối với những người mới bắt đầu, chúng ta rất dễ mất định tâm.

KS: Vấn đề là có sự thấu hiểu hay không. Khi không có sự thấu hiểu…, ngay bây giờ đây, với sự thấu hiểu…Sự an tịnh luôn có mặt bất cứ khi nào có sự thấu hiểu dù là ở đâu, bởi lẽ lúc đó có sự thấu hiểu từng pháp một, không [bị nhiễu loạn bởi] các pháp khác.

HV5: Tôi muốn đặt một câu hỏi liên quan đến phần thảo luận trước. Về hình tượng cái bè (trong kinh) và các giai đoạn minh sát tuệ. Tôi muốn hỏi xem có phải ta sử dụng khái niệm tại các giai đoạn đầu, và vào các giai đoạn sau, thì việc sử dụng các khái niệm sẽ giảm đi, và nó không còn cần thiết nữa khi ta thấy chân đế (paramatha dhammas), và tam tướng sẽ trở nên rõ ràng hơn, với sự phát triển của các tuệ minh sát, do tuệ giác mạnh mẽ dần. Tức là, ở các giai đoạn đầu của minh sát tuệ, sẽ có sự sử dụng khái niệm về danh và sắc ở mức độ thô, hoặc là không ở mức độ chân đế, hiểu tam tướng ở mức độ tư duy-khái niệm, và dần dần, khi tuệ giác (panna) lớn mạnh và các tuệ minh sát tiến triển, chúng ta có thể trực tiếp kinh nghiệm chân đế. Phải chăng hình tượng cái bè có nghĩa là sử dụng khái niệm khi còn chưa giác ngộ và từ bỏ khái niệm khi chúng ta tới bờ bên kia [của giác ngộ] ?

HVK: Một cách tóm tắt, có phải ông nói rằng, lúc khởi đầu, ta sử dụng khái niệm, và khi đến các giai đoạn cao hơn thì ta không sử dụng khái niệm nữa? Đức Phật có sử dụng đến khái niệm không khi Ngài giảng Pháp, khi Ngài sinh hoạt trong cuộc sống hành ngày, khi ăn, khi ngủ?

HV5: Có

HVK: Như vậy khái niệm không phải là vấn đề.
HV5: Đúng thế, khái niệm không phải là vấn đề.

HV5: Quay trở lại với vấn đề mâu thuẫn. Tôi nghĩ mâu thuẫn là do có sự mong cầu, như là muốn kinh nghiệm chân đế một cách trực tiếp, mong muốn tiến bộ trong Pháp hành, như là thấy pháp chẳng hạn…Ở đây có rất nhiều pháp để ta thấy nhưng ta vẫn chưa thỏa mãn…Như vậy, nhiều mâu thuẫn tạo ra là do khoảng cách giữa sự mong cầu và thực tế là mình chưa đạt được mục tiêu của sự mong cầu ấy.

HV6: Hãy đi thẳng đến câu hỏi, rằng tại giai đoạn nào của sự phát triển minh sát tuệ thì ta từ bỏ, hay đúng hơn là khái niệm được từ bỏ, và chân đế được kinh nghiệm một cách trực tiếp bởi mỗi chúng ta?

KS: Hãy cho tôi biết thế nào là sử dụng khái niệm?

S6: Là không thấy có tay, hay chân…đó là những khái niệm, không phải là thực tại.

KS: Nếu không có suy nghĩ, liệu có khái niệm hay không?

S6: Không có suy nghĩ thì không.

KS: Chúng ta luôn luôn suy nghĩ, chúng ta có thể nghĩ rằng từ đầu đến chân là thân của chúng ta không? Khái niệm đã có sẵn ở đó rồi, cái mà chúng ta chưa có là chánh kiến về thực tại, cái nằm ngoài khái niệm. Và nếu ta nói về lúc khởi đầu, thì đó không phải là giây phút hiện tại. Ta không cần sử dụng [thêm]các khái niệm khác, mà chỉ cần hiểu cái gì là thực tại, cái gì là khái niệm

HVK: Và ta không thể học Giáo Lý nếu không sử dụng đến khái niệm. Vì thế, ở bất cứ giai đoạn nào của việc học Giáo Lý, dù bạn là một vị thánh Bất lai hay vị Tu đà hoàn, ở bất kỳ mức độ tu chứng nào, thì Giáo Lý cũng đều phải được học thông qua các khái niệm trước đã.

HV6: Câu hỏi là, tại giai đoạn nào thì khái niệm (tục đế) trở thành thực tại (chân đế)?

HV5: Theo như tôi hiểu là từ tuệ diệt (banga nana), nhưng…

HVK1: Không phải, ngay từ tuệ minh sát đầu tiên đã là kinh nghiệm chân đế. Các giai đoạn sau chỉ sâu sắc hơn mà thôi.
HVK1: Không, đó là tuệ giác về thực tại hiện tiền, rằng danh khác với sắc, và nó xảy ra trong khoảnh khắc hiện tại. Không có sự đặt tên. Sẽ rất kỳ khi đặt tên, rất kỳ thậm chí là nghĩ về nó, bởi vì nó xuất hiện với tứ niệm xứ (satipathana), với chánh niệm (sati) và trí tuệ (panna), vì vậy nó không phải là khái niệm.
HVK2: Ngay cả trong những khoảnh khắc của tứ niệm xứ, với bốn tuệ minh sát đầu tiên, cần có tuệ giác về thực tại, không phải khái niệm.

HVK1: Chắc chắn đó là thực tại, không phải khái niệm

KS: Khi khởi đầu, [nếu ta đặt sự chú ý] vào âm thanh, thì âm thanh sẽ tăng trưởng, chứ [hiểu biết về] vô ngã không tăng trưởng. “Tôi” biết, “tôi” quan sát, “tôi” đạt được, luôn luôn là “tôi”! …”Tôi” chuẩn bị cho tuệ giác (panna), bạn thấy không? Nhưng nếu ta khởi đầu với chánh kiến, dù chỉ là một chút thôi, về vô ngã – anatta, và xem xét các pháp theo đúng bản chất của nó. Chẳng hạn như cái thấy trong giây phút hiện tại. Vì chúng ta không chỉ nói về khái niệm mà không có thực tại kèm theo. Nhưng chúng ta vẫn phải sử dụng ngôn từ để có thể hiểu thực tại, chẳng hạn như đối tượng thị giác. Bằng cách sử dụng từ như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng đó chỉ là một đối tượng được thấy bởi thị giác mà thôi, không có gì hơn thế. Đó chỉ là mộng ảo, một giấc mộng về con người và sự vật xuất phát từ cái thấy. Nó chỉ như một giấc mơ. Trong mơ, chúng ta dường như thấy nhiều thứ: con người, xe cộ, bạn bè…nhưng kỳ thực đó chỉ là suy nghĩ mà thôi. Vậy chúng ta có thể thấy được chức năng của tưởng tâm sở (sanna cetasika) là ghi nhận và nhớ. Ghi nhớ một cách rõ ràng và mưu mô đến mức nó có thể mơ về chúng. Giấc mơ cũng giống như bây giờ vậy, cũng giống hệt như bây giờ. Nhưng không phải là bây giờ với sự khác biệt là không có đối tượng của thị giác trước khi suy nghĩ về chúng sinh khởi…Chúng ta có thể biết rằng, nếu tuệ giác được phát triển đúng đắn, nó có thể hiểu được rằng không có ai cả, mà chỉ có suy nghĩ và mơ về con người và sự vật, về mình, suốt cả ngày…Và Đức Phật không dậy chúng ta dính mắc vào các pháp vì vô minh, mà dậy ta hiểu từng thực tại với đúng bản chất của nó. Cần phải có thời gian mới có thể thấu hiểu bản chất vô ngã của đối tượng thị giác, không có ai và cái gì trong đó cả. Và hiểu cái gì là thật, là đúng hay là sai. Đó là sự khởi đầu của việc hiểu được cái gì đúng cái gì sai. Dù ta chưa đạt được mức độ hiểu biết thực tại theo đúng bản chất của chúng một cách đầy đủ và trọn vẹn, nhưng đây là sự khởi đầu, và đến một lúc nào đó tuệ giác có thể phát triển đến mức độ đó. Nếu không, chúng ta sẽ tiếp tục nói: đối tượng thị giác, đối tượng thị giác khi nó sinh khởi [mà không hiểu gì về bản chất của nó]

HV7: Tôi có thể nói rằng, ngay cả khi không nghe Pháp, đọc Pháp hay thảo luận về Pháp, tôi không bao giờ quên hẳn giá trị của giây phút hiện tại, và đặc biệt là đặc tính vô ngã của các pháp. ..Tuy nhiên, khi đến đây tôi lại được nghe nhắc lại về các con số: mười bảy cái này, sáu cái kia…Tôi biết đó là Vi Diệu Pháp. Tuy nhiên, vì tôi vẫn còn chỉ đang thực hành trên cái nghe và cái thấy, nên tôi thấy việc nghe về các con số đó, và ngay cả các cõi khác nhau trong tam giới vẫn còn khó tiếp nhận. Tôi cảm thấy điều đó buồn tẻ. Tôi không bao giờ chán nản với giây phút hiện tại và luôn thấy giá trị của việc học về nó, nhưng tôi cho rằng nghĩ về 17 sát na tâm còn quá xa vời.

KS: Trên thực tế, sắc sinh và diệt cực kỳ nhanh và tâm thì lại còn nhanh hơn nữa, vì vậy chúng ta thực ra là sống trong thế giới của suy tưởng về tợ tướng, bóng ảnh của thực tại, hình ảnh của những thực tại đã sinh và diệt rồi, nhưng bóng ảnh của nó còn tiếp tục…

HVK: Đó chỉ là sự so sánh mà thôi, không có gì phức tạp cả. Toàn bộ tiến trình tâm xuất hiện và….

KS: Tuổi thọ của sắc dài hơn tuổi thọ của tâm. Chúng ta luôn sống trong thế giới của tưởng, không thấy được thực tại luôn sinh diệt, cho đến khi trí tuệ phát triển, bắt đầu thấy, bắt đầu hiểu.

HV7: Đôi khi tôi không muốn bận tâm đến việc tìm hiểu sâu thêm vì tôi vẫn còn xa mới thấy được giây phút hiện tại. Vì thế, tôi không muốn quan tâm đến những thứ khác vội.

KS: Thật vậy ư? Chỉ cần hiểu nó nhanh đến thế nào. Tại sao chúng ta lại nghiên cứu chủ đề này hay chủ đề kia? Vì chúng ta muốn hiểu. Cũng như bây giờ có những pháp mà chúng ta chưa hiểu đầy đủ. Có vẻ như chúng ta hiểu, nhưng thực ra, chúng ta có thực sự hiểu không? Bởi vì thực tại rất sâu sắc, rất vi tế. Ví dụ như, nghĩ về cái yếu tố không có hình dạng gì cả, nhưng sinh khởi và kinh nghiệm hay nhận biết một đối tượng, bất kỳ cái gì xảy ra bây giờ đều được nó nhận biết và kinh nghiệm, sinh và diệt ngay tức thì, liên tục sinh và diệt. Chỉ hiểu thôi. Bản thân bạn không thể làm gì để ngăn nó lại, hay làm nó xuất hiện. Vì thế chỉ có thể hiểu, chỉ hiểu thôi…không ham muốn gì cả, chỉ hiểu thôi là đủ. Nhưng bạn bận tâm vì BẠN muốn là trí tuệ, muốn đảm nhiệm vai trò của trí tuệ, nhưng đó chỉ là bạn, không phải trí tuệ. Có thể có nhiều hiểu biết về thực tại hơn khi thực sự trí tuệ có mặt và không có sự dính mắc. Nhưng mọi người thường thích danh từ “trí tuệ” mà không biết trí tuệ là gì, họ chỉ muốn có trí tuệ mà thôi. Có vẻ như có trí tuệ rất hấp dẫn mọi người (cười). Nhưng trí tuệ hiểu biết những gì? Có bao nhiêu giai đoạn, bao nhiêu mức độ?

HVK: Nhưng con số mười bảy, chẳng hạn, rồi các nhóm các loại tâm v.v… tại sao lại nhiều con số thế….

KS: Chúng ta sử dụng con số mười bảy, vì giữa thấy và nghe, có rất nhiều tâm sinh và diệt, và con số nhiều hơn là mười bảy. Vì thế, suy ngẫm về sự sinh diệt của sắc, về những gì chưa được nhận biết mà đã biến mất, liên tục như vậy, có lý do của nó. Vì cái xuất hiện có thể được nhận biết và trí tuệ chỉ có thể hiểu được cái xuất hiện…ngay cả khi sự xuất hiện ấy chỉ là một chuỗi liên tục của sự sinh diệt, chỉ là hình ảnh của một loại sắc nào đó tại một thời điểm. Đây là thế giới mà ta biết đến trong vô minh, thế giới của vô minh. Tại thời điểm cái thấy sinh khởi, nó sẽ là thế giới của vô minh hay là của tuệ giác tùy thuộc vào trí tuệ của chúng ta.

HV8: Một trong những chia rẽ chính hiện nay của nhóm nghiên cứu Giáo Pháp của chúng ta là sự thực hành trong đời sống hàng ngày. Một số cho rằng, điều đầu tiên và thiết yếu nhất là phải lắng nghe Pháp, nghiên cứu, xem xét, suy ngẫm về Pháp, và dần dần phát triển trí tuệ cùng các yếu tố khác. Còn việc tiến bộ và tuệ giác sinh khởi thế nào thì ít nhiều để pháp tự vận hành. Nhưng một số khác lại nói: “Các bạn lười quá, các bạn phải chủ động hơn, phải áp dụng một vài kỹ thuật hành thiền.” Và họ trích dẫn các bài kinh trong đó Đức Phật thúc giục, hô hào các tỳ kheo và nói “ tỳ kheo phải luyện tập như thế này, như thế kia…” Những người đó nghĩ rằng ta phải chủ động hơn, nỗ lực nhiều hơn để đạt tuệ giác và thực hành con đường Đạo. Vậy lời khuyên của bà là gì? Cách thực hành nào là tốt nhất?
KS: Không, đó không phải là thực hành mà là nỗ lực để vô minh hơn. Vì nếu không có chánh kiến tại giây phút hiện tại, thì cái gì nỗ lực? Bản ngã à?

HV8: Vậy, những người muốn chủ động hơn…

KS: Không phải là những người, mà trí tuệ, bất cứ ai phát triển trí tuệ. Chỉ có trí tuệ phát triển con đường Đạo, không có người nào phát triển cả. Tự trí tuệ phát triển, tự chánh niệm phát triển…
HV8: Vậy phải hiểu như thế nào về sự thúc giục của Đức Phật với các vị tỳ kheo: “Tỳ kheo phải tập luyện thế này, thế kia…”

KS: Tùy thuộc khả năng thấu hiểu của tỳ kheo đó…Nếu ai đó nghe mà vẫn không hiểu, Đức Phật phải nói thế nào? Hãy nỗ lực tinh tấn, hãy tích cực v.v…đúng không? Nếu không một chút hiểu biết nào, không thấy được cái đang xuất hiện, thì cái gì cố gắng, và như thế nào? Không có hiểu biết về thực tại hiện tiền với đúng bản chất của nó là sinh khởi bởi nhân duyên. Nó cũng sinh và diệt, chứ không chỉ là như thế này, như chúng ta nghĩ về nó.
HV8: Chúng ta biết là có những người học Giáo Pháp một cách rất say mê và tích cực, và đông thời cũng có thiên hướng tự nhiên với một số loại thiền, có căn cơ với thiền chỉ chẳng hạn. Lời khuyên của bà với những người bạn đạo đó là gì? Họ nên làm gì để bước trên con đường đạo một cách tốt nhất, để có thể tiến tới mục tiêu của họ một cách tốt nhất?

KS: Trước tiên tùy thuộc khả năng thấu hiểu của họ…Tôi không giục giã người nào làm gì cả chừng nào họ chưa hiểu. Chẳng phải chúng ta đang nỗ lực đó sao? Chúng ta có kém phần nghiêm túc không? Chúng ta có lười không, tại thời điểm mà ta đang lắng nghe, suy nghĩ và xem xét để có cái hiểu đúng đắn về cái ta nghe và nghiên cứu? Đó chẳng phải là điều Đức Phật dậy hay sao? Tất cả tùy thuộc vào mức độ trí tuệ của mỗi người. Nếu ai đó bảo tôi phải làm cái gì đó một cách khẩn cấp, tôi sẽ không làm khi không biết cái gì là cái gì. “:Cứ ngồi đi!” Ngồi và thế nào nữa? Ngồi và nhìn hay là thế nào? Ngồi và nghĩ hay là thế nào? Tôi không biết. Cần phải có sự hiểu biết hơn nữa…Đó là “tôi” đang ngồi thiền hay chỉ là các pháp đảm nhiệm chức năng của mình?

HV9:Gần đây, có người hỏi, khi bà luôn luôn nói “trí tuệ, trí tuệ; hiểu biết, hiểu biết; hay chánh kiến, chánh kiến”, thì đó không còn là con đường Bát Chánh Đạo nữa, mà trở thành con đường Nhất Chánh Đạo

KS: Được rồi, liệu chỉ có một tâm sở (cetasika) sinh khởi với một citta hay là nhiều hơn thế? Có bao nhiêu tâm sở sinh khởi với một citta? Liệu trí tuệ có thể sinh khởi mà không kèm theo các tâm sở thiện khác không? Không có tinh tấn, không có chánh niệm, chỉ có trí tuệ thôi sao?
HVK1: Câu hỏi đặt ra là, khi một citta sinh khởi, có bao nhiêu tâm sở sinh khởi cùng với nó? Chỉ có một hay nhiều?
HV9: Citta thì có một, còn tâm sở có thể có nhiều.

HVK2: Nhưng câu hỏi của ông ấy là, khi nhấn mạnh nhiều đến yếu tố trí tuệ/chánh kiến đến vậy, thì dường như ta chỉ nói đến con đường Nhất Chánh Đạo để đạt tới Giải thoát, thay cho là con đường Bát Chánh Đạo. Bởi vì, mặc dù các tâm sở khác sinh khởi cùng trí tuệ, tại sao lại không nhấn mạnh đến chúng?

KS: Tám hoặc năm tâm sở sinh khởi cùng lúc, không chỉ một

HVK2: Nhưng người này nghĩ rằng chúng ta nhấn mạnh quá nhiều đến…

KS: Không phải là tôi…, chúng ta không thể làm gì hết cả, nhưng hoặc là Ngũ hoặc là Bát Chánh Đạo, chứ không bao giờ có Nhất Chánh Đạo.
HV9: Có thể nói thế này, khi bà luôn luôn chỉ nhấn mạnh đến trí tuệ/hiểu biết/chánh kiến (KS: cùng các tâm sở khác), học viên đó hỏi như vậy có phải là Nhất Chánh Đạo không.

KS: Không, còn có các tâm sở khác nữa.

HVK3: Tại sao chúng ta không nói về định, mà cứ nói mãi về tuệ…

KS: Không thể có các tâm sở kia nếu không có panna (trí tuệ)

HV9: Được rồi, giả thiết như có panna. Đâu là sự khác biệt giữa Ngũ và Bát ?

KS: Trong Ngũ không có ba tâm sở là virati cetasika (chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng), vì thế chỉ có năm tâm sở thay cho là tám.

HVK3: Kể cả khi có, thì chỉ có một trong ba tâm sở này sinh khởi cùng lúc trong Đạo lộ hiệp thế. Chỉ trong Đạo lộ siêu thế thì cả tám tâm sở mới cùng sinh khởi một lúc.
HVK2: Tôi nghĩ tôi thấy điều đó thú vị…tuy nhiên điểm mấu chốt là: tại sao ta lại cứ nói “hiểu biết, hiểu biết, chánh kiến chánh kiến”, mà lại không nói đổi đi, ví dụ “chánh định, chánh định”

KS: Bởi vì không thể có chánh định mà không có chánh kiến. Nhưng bất cứ khi nào chánh kiến có mặt, thì các chi khác cũng trở nên “chánh”: chánh tư duy, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Chúng phụ thuộc vào chánh kiến, vào sự hiểu biết đúng đắn. Khi không có chánh kiến, các tâm sở khác sẽ thành tà, chính vì thế mới có khái niệm các con đường sai và con đường đúng (chánh đạo).

HV9: Đối với kẻ phàm phu, cả tám chi của đạo lộ có thể sinh khởi cùng lúc không?

KS: Chỉ có tâm siêu thế mới có thể sinh khởi với cả tám tâm sở. Nhưng trước đó, có nhiều khoảnh khắc với các virati cetasikas, nhưng cả ba không cùng lúc.

HVK2: Như vậy, tôi nghĩ chúng ta có thể nói rằng, panna phải là cái dẫn đầu, và khi không có panna dẫn đầu, thì các yếu tố khác sẽ không có mặt….

HV10: Trong phần thảo luận trước, khi bà hỏi bây giờ có sự nỗ lực không, tôi nhận thấy có rất nhiều suy nghĩ đang diễn ra, vì cố gắng hấp thụ những gì đang được thảo luận và suy tư về nó, cố gắng hiểu mọi thứ…Đó có thể là năng lượng, là tinh tấn…các đặc tính của chúng…đó cũng có thể là suy nghĩ…Làm thế nào để ta có thể phân biệt được giữa rất nhiều suy nghĩ và chánh tinh tấn…

KS: Có phải ta đang nói về tâm sở tinh tấn không? Tâm sở tinh tấn sinh khởi với hầu hết các citta. Chỉ có 16 loại citta là không có tinh tấn sinh khởi cùng chúng. Ngay như hiện giờ, chúng ta đang ngồi đây, có thể có tâm sân hoặc sự dính mắc, nhưng rất có thể là tinh tấn đang có mặt…Không ai cần phải làm gì hết cả.

HV10: Nhưng làm thế nào để biết được đặc tính của nó?

KS: Loại citta và cetasika nào ông muốn biết? Cái này, hay cái kia, hay cái khác nữa, hay bất cứ cái nào

HV10: Vâng câu hỏi của tôi quả là…

KS: Chọn lọc?

HV10: Không hẳn vậy, không phải vậy trong cách tôi suy nghĩ. Nhưng được rồi, có rất nhiều suy nghĩ đang xẩy ra…làm sao ta biết được đó là đặc tính của suy nghĩ hay của tinh tấn?

KS: Đó là ông hay là suy nghĩ?

HV10: Có thể là một sự hòa trộn, có thể là “tôi nghĩ.”

KS: Bạn thấy không, cần phải có sự hiểu biết đúng đắn về suy nghĩ là một thực tại vô ngã [trước đã]. Cái gì xuất hiện, bạn không thể chọn lựa, nó tùy thuộc vào chánh niệm. Nếu chánh niệm không có mặt, sẽ không thể hiểu bất cứ thực tại nào hết. Dù rằng các tâm sở tinh tấn, chánh niệm, tín có mặt, nó tùy thuộc vào đối tượng mà chánh niệm đang hay biết. Vấn đề ở đây không phải là “Làm thế nào để tôi có thể?” mà tùy thuộc vào chánh niệm có sinh khởi và hay biết không. Nếu không ta sẽ không thể hiểu nổi ý nghĩa của vô ngã một chút nào. Chỉ là “tôi”, là “ngã” mà không có vô ngã.
HV10: Vậy là chẳng có gì cả. Điều đó có nghĩa là không có chánh niệm.sinh khởi…

KS: Chánh niệm chỉ sinh khởi với sotapana citta (tâm thức của vị Tu Đà Hoàn) mà thôi. Bản ngã muốn nhiều quá, không bớt gì đi cả, không bớt dính mắc, không bớt bám chất, không bớt vô minh.



HV9: Tôi xin hỏi một câu nữa. Bà có nói rằng, đối với một người phàm phu, tám chi của Bát Chánh Đạo không thể sinh khởi cùng một lúc, mà điều đó chỉ xảy ra với một Thánh nhân. Vì sao vậy?

KS: Ba tâm sở chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng (virati cetasikas) sinh khởi cùng một lúc để hoàn thành chức năng tận diệt các kiết sử tương ứng với mức độ giác ngộ đó. Khi [một người phàm phu] có một khoảnh khắc giữ giới không sát sinh, điều đó không có nghĩa là anh ta sẽ không bao giờ sát sinh nữa, có phải không? Chỉ ở một thời điểm đó thôi. Nhưng khi tâm siêu thế sinh khởi, cả ba tâm sở đó cùng sinh khởi để hoàn thành chức năng tận diệt những hành động như thế, theo mức độ của tâm siêu thế.

HV9: Theo tôi hiểu thì, sự khác biệt giữa hai trường hợp này nằm ở sự khác biệt của đối tượng. Đối tượng trong trường hợp cả ba virati cetasika cùng sinh khởi khác với đối tượng trong trường hợp chỉ có năm chi của BCD sinh khởi. Trong trường hợp năm chi, đối tượng là vô thường, khổ, vô ngã. Trong khi ấy, đối với các virati cetasikas, đối tượng là…Ở trạng thái giác ngộ, cả tám chi cùng có mặt, và đối tượng là Niết Bàn. Vậy là có sự chuyển đổi đối tượng từ các pháp hữu vi sang pháp vô vi. Chính vì thế, đối với bậc Thánh nhân, cả tám chi cùng có thể sinh khởi, đó là vì [sự khác biệt] về đối tượng.

KS: Vậy kết quả [của tiến trình ấy] sau khi thiện tâm siêu thế đã diệt đi là gì?

HV9: Kết quả là trạng thái giác ngộ của bậc thánh nhân.

KS: Không còn sát sanh nữa, một cách tuyệt đối, đó là kết quả.
HV9: Đúng vậy, nhưng cái tôi muốn nói là sự thay đổi đối tượng quan sát đối với trường hợp cả ba tâm sở đó khác biệt với giai đoạn chưa giác ngộ.

KS: Vì chừng nào chưa phải là khoảnh khắc kinh nghiệm Niết Bàn, chừng đó việc giữ ngũ giới chưa thể trọn vẹn, tuyệt đối.

HV9: Nhưng với tâm siêu thế, đối tượng chuyển thành Niết Bàn, cả ba tâm sở. Sự thay đổi về đối tượng.
KS: Vậy ông đã kinh nghiệm Niết Bàn?

HV9: Không, không phải tôi
KS: Tâm siêu thế kinh nghiệm Niết Bàn, chính vì vậy cả ba tâm sở đó thực hiện chức năng diệt trừ bất thiện một cách tuyệt đối theo mức độ tương ứng.
HVK: Đối tượng rất xa [với Niết Bàn] là danh và sắc, ở các giai đoạn khác nhau của sự phát triển tuệ minh sát, không phải luôn luôn là tam tướng , và nó cần phát triển [dần], vì thế đối tượng sẽ luôn là danh và sắc cho đến khi…mọi thứ sáng rõ dần.

HV1:…Trong tuần qua, và một lần nữa hôm nay, ta đã nói qua về “cái gì đó, không gì cả” . Câu hỏi của tôi là…có thể tôi cần nghe bà giảng thêm về điều đó lần nữa.

KS: Nếu không có sáu giác quan, liệu có thể có kinh nghiệm nào [về thực tại] không? (HV1: Không). Vì vậy, không có gì cả, và rồi tại khoảnh khắc thấy, lại có cáu gì đó, rồi lại không có gì cả. Rồi âm thanh sinh khởi, có cái gì đó, rồi lại không gì cả, rồi suy nghĩ sinh và diệt, rồi lại không có gì cả.

HV1: Và cái không gì cả đó không phải là tâm hữu phần hay sao?

KS: Chính là nó! Khi không có kinh nghiệm nào xảy ra trên các giác quan, thì không gì có thể xuất hiện. Bây giờ dường như là đang có gì vì có cái thấy, không có tâm hữu phần. Vì thế, phải có một trong sáu giác quan hoạt động để có thể kinh nghiệm được đối tượng.

HV1: Vâng, và rồi lại không có gì cả, và đó là tâm hữu phần sinh rồi diệt. Chúng ta nghĩ rằng lúc nào cũng có cái gì đó, (KS: trừ khi ta đang ngủ say), vâng, vì không có chánh niệm đủ sắc bén để có thể hay biết được đối tượng thị giác.

KS: Tất cả mọi đối tượng chỉ có thể xuất hiện qua các giác quan. Không có mắt, tai, mũi lưỡi, thân, ý, không có gì có thể xuất hiện.
HVK: Tâm hữu phần có thể được nhận biết không?

KS: Trí tuệ phát triển, vì vậy trí tuệ có thể thấy được không có gì cả và có gì đó.

HVK: Như vậy, khi trí tuệ chưa phát triển, thì thế giới mà ta nhận biết luôn có cái gì đó, mặc dù giữa chúng có những sát na không có gì cả. Thật là một cuộc sống mộng ảo.

HV1: Liệu bất kỳ đối tượng nào cũng có thể là đối tượng của trí tuệ cho đến tiến trình tâm Đạo, câu hỏi được đặt ra là liệu tâm bất thiện có thể là đối tượng của tiến trình thanh lọc tri kiến cho đến thời điểm ngay trước sự sinh khởi của kiến Đạo?

KS: [Tâm bất thiện] thuộc về pháp hữu vi…Chỉ có Niết bàn là thoát khỏi pháp hữu vi mà thôi.
HV1: [Như vậy là], bất cứ pháp hữu vi nào, kể cả tham, sân, đều có thể…

HVK: Kể cả tâm sân cũng có thể là đối tượng ngay trước khi tâm Đạo sinh khởi.

KS: Nếu không thế thì trí tuệ sẽ không đủ sắc bén để hiểu tất cả các pháp với đúng bản chất của chúng, và sự khác biệt của chúng với Niết bàn.

HVK1: Điều đó làm ta được khích lệ.

HVK2: Liệu có lý do nào để điều ấy không đương nhiên như vậy hay không?

HV9: Có chứ, bởi vì, nếu tự mình suy nghĩ thì tôi đã cho rằng, người nào sắp đắc Đạo quả sẽ không thể có tâm sân được.

HVK1: Tôi rất vui vì người ấy có thể có tâm sân, vì điều đó làm cho việc đắc đạo quả gần với cuộc sống của chúng ta hơn nhiều.

HV1: Vậy là một sát na sân, rồi lại một sát na tâm thiện sinh khởi và…

KS:Trí tuệ không sợ gì hết cả, nó rất dũng cảm.

HVK: Rất dũng cảm , đại thiện tâm.

KS:…

HVK2: Câu hỏi của ông nói đến đắc Alahans thánh quả hay mọi tầng đạo quả?

HV9: Bất cứ tầng đạo quả nào, trong tiến trình tâm đạo, ngay trước khi tâm đạo sinh khởi.
KS: Vậy là có thể có tâm sân…

HVK1: Đương nhiên là trừ khi người đó đã tận diệt sân. Điều này không áp dụng cho một bậc Thánh bất lai.

HV1: Một câu hỏi nữa được nêu ra về attava upadana (chấp thủ vào tự ngã) và sakaya ditthi (tà kiến chấp ngũ uẩn là ta). Mọi người đều thấy khó hiểu và chấp nhận rằng attava upadana có nghĩa rộng hơn và không hoàn toàn đồng nghĩa với sakaya ditthi.

KS: Sakaya ditthi nằm ở đâu?
HV9: Có 20 loại sakaya ditthi, chúng nằm ở ngũ uẩn.

KS: Ở chỗ nào?

HV9: Có bốn loại chấp thủ…

KS: Sakaya ditthi nằm ở đâu?

HV1: Để giúp mọi người hiểu, sakaya ditthi là tà kiến về tự ngã.
KS: Đó có phải là sakaya ditthi, là “tôi” không? Không, đó là attanu ditthi. Từ “atta” –ngã là đối nghịch với anatta- vô ngã. Chừng nào không có trí tuệ thấy được sự sinh diệt của một thực tại, thì chừng ấy, có một ý niệm về một cái gì đó ở đó, và đó chính là attanu ditthi. Nó có mặt khi không có trí tuệ thấy được sự sinh, diệt của hiện tượng. Nhưng ở đây không chỉ là attanu ditthi. Ở đây có dính dáng đến “tôi”, chứ không phải thứ khác. Atta là cái gì đó tồn tại một cách thường hằng, đối nghịch với vô thường. Cái gì thường thì là ngã, vì thế gọi là chấp vào tự ngã khi thấy nó tồn tại kéo dài, khi không có trí tuệ hiểu được sự sinh diệt. Tuy nhiên, sakaya ditthi cũng là attanu ditthi. Có 20 loại attanu ditthi thì cũng có 20 loại sakaya ditthi. Trong trường hợp có mặt attanu ditthi thì cũng có sakaya ditthi. Vì vậy, ta không thể nói sakaya ditthi không phải là attanu ditthi, chừng nào nhận thức vẫn thấy cái gì đó tồn tại kéo dài, chưa có trí tuệ về sự sinh diệt. Khi đó phải có ngã, phải có cái gì đó, nhưng khi cái gì đó đó có liên quan đến “ta” và “của ta” thì nó trở thành sakaya ditthi.

HVK: Nhưng chúng ta đang nói về attava upadana kia mà.

KS: attanu ditthi và attava upadana là một.

HV9: Vậy nó có giống như Sakaya ditthi không?

KS: Không, sakaya ditthi là ở đây. (chắc chỉ vào mình)
HV9: Sakaya ditthi là ở đây à?

KS: Sakaya ditthi là về ta và của ta, còn attanu ditthi là về mọi thứ. Ngay cả ở đây…
HV1: Sự đối nghịch của anatta là atta. Một đối tượng, ví dụ như cái bánh bích qui chỉ là một khái niệm. Nhưng ta cho đó là một thực thể tồn tại, cho đó là một cái gì đó. Nhưng ta không cho nó là ta – vì vậy đó là một loại kiến ngã., nhưng không phải là sakaya ditthi.

HV9: Nhưng có bốn loại ngã kiến.

HV1: Ý ông là có bốn loại chấp thủ?

HV9: Đúng, như vậy đây không phải là các loại ditthi upadana (kiến chấp)?

HV1: Tôi nghĩ rằng ditthi upadana là các loại tà kiến khác, như là không có nhân, quả, không có kiếp sống khác, hay các loại khác, tuy nhiên không phải là loại tà kiến chấp thủ vào ngã, cho là có cái gì đó tồn tại kéo dài, tại thời điểm đó.

HV11: Thưa bà, đối với một số chúng tôi, những người đã trải qua một thời gian quá dài (dưới con mắt của chúng tôi), quá khó khăn. Chúng tôi cảm thấy chán nản bởi ghánh nặng của ngũ uẩn, chúng tôi cảm thấy bị đè nén bởi các triền cái gần như không thể vượt qua…Chúng tôi cảm thấy ghánh nặng của các nghiệp bất thiện quá khứ. Bà có thể nói gì để động viên chúng tôi, để động viên những người cho rằng con đường quá dài, quá khó khăn…
KS: Khi nó dài, ta có thể làm nó ngắn hơn được không?

HV11: Không

KS: Chúng ta phải phát triển tuệ giác từ giây phút này sang giây phút khác . Đó là con đường duy nhất. Nếu không, ta sẽ bị tâm tham ngự trị. Nhưng bất cứ khi nào trí tuệ sinh khởi, tâm tham sẽ không có mặt, còn khi không có trí tuệ, tâm tham sẽ ở đó.

HV11: Vậy câu trả lời là gì?

KS: Hãy phát triển tuệ giác và để cho pháp vận hành, để trí tuệ hoạt động…

HV11: Để cho pháp vận hành?

KS: Đúng vậy, chúng ta có thể làm gì nào? Chỉ có thể hiểu mà thôi.

HV11:…chúng ta tiến bộ chậm quá…

KS: Lại bản ngã rồi.

HV1: Hôm trước ta có nhắc đến các phiền não ngủ ngầm. Chúng ta biết rằng chúng là nguồn gốc khiến các phiền não có thể sinh khởi bất kỳ lúc nào. Liệu chúng ta có thể nói rằng khi trí tuệ phát triển, nó sẽ làm các phiền não ngủ ngầm giảm dần, dù rằng ta không nhìn thấy được điều đó ?

KS: Bất cứ khi nào trí tuệ không có mặt, sẽ có nhiều khoảnh khắc của sự bất thiện hơn, cái này tiếp nối cái khác. Nhưng khi có sự thấu hiểu, trí tuệ cũng phát triển một cách dần dần. Như thế tốt hơn là chẳng có chút thấu hiểu nào cả. Dù mỗi lần chỉ hiểu thêm một chút xíu thôi, đã là tốt lắm rồi.
HVK: Trước khi các phiền não ngủ ngầm được tận diệt, chúng ta có thể thấy được chúng không?

KS: Không. Nhưng nếu chúng ta càng phát triển sự hiểu biết, liệu chúng ta có thể hiểu ít hơn cái ta đã hiểu không? Một khi ta đã hiểu điều gì ở một mức độ nào đó rồi thì nó có mất đi được không?

HV1: Như vậy ta có thể nói đến sự yếu đi của các phiền não ngủ ngầm
KS: Vì lẽ đó mà Đức Phật có thể nói ra sự khác nhau giữa các đệ tử ở thời đó,…

HV12: Tôi xin có một câu hỏi, làm sao có thể hiểu mà không có “ta”?

KS: Không có “ta” ư? Làm gì có “ta” nào. Mọi thứ: thấy là vô ngã, hiểu là vô ngã.

HV12: Vậy là sự mâu thuẫn nằm trong chính câu hỏi của tôi. Tôi không thể làm gì được sao?

KS: Bởi vì có sự bám chất vào thực tại là “ta” trong khi không có gì là “ta” cả, mà chỉ có các pháp khác nhau.

S12: Theo bà nói thì chúng ta chỉ có thể đợi cho pháp vận hành, có phải không?

KS: Liệu ông có thể giác ngộ bây giờ không?

S12: Không, vì tôi chưa có đủ tuệ giác.

KS: Vậy hãy phát triển nó, để biết rằng không có cái “ta” nào cả. “Ta “ có mặt khi không có chánh kiến. Vì vậy có thể thấy rằng, trong một ngày…”ta” nằm ở trong tầng ngủ ngầm, nó luôn có mặt khi không có trí tuệ, Như vậy hôm nay có bao nhiêu khoảnh khắc có tuệ giác và bao nhiêu khoảnh khắc không có tuệ giác?
HV12: Vậy khi có tuệ giác thì “ta” ở đâu?
KS: Ngay tại thời điểm đó thì không có [ý niệm ấy].

HV12: Vậy trí tuệ là gì ? Đó không phải là ta sao?
KS: Không.
HV12: Vậy trí tuệ là gì?

KS: Là pháp, là một thực tại. Vì vậy, chúng ta phải hiểu rằng thực tại về mặt bản chất chỉ là các yếu tố.

HV12: Sự mâu thuẫn, dưới con mắt của tôi, một chúng sinh còn dính mắc, là bất cứ điều gì ta làm đều đẩy ta ra xa.
KS: Tất cả chỉ là pháp, các thực tại khác nhau.

HV12: Vậy phải chăng ngay cả khi tôi đang nghe, “tôi” đang có thực ?

KS: Cái nghe sinh khởi, không có ai ở đó cả, nhưng ý niệm về “tôi đang nghe” thì hiện hữu.

HV12: Không, tôi không nghĩ vậy. Bởi vì ở mọi khía cạnh đều có cái “ta” tham gia.

KS: Hãy nói cho tôi biết, cái “ta” đó là gì và cái “ta” đó đang ở đâu, hiện giờ, tại thời điểm này?
HV12: Vì có sự suy nghĩ.

KS: Suy nghĩ chỉ là suy nghĩ, không phải là “ta”. Suy nghĩ khác với cái thấy, khác với cái nghe. Tất cả những thực tại đó đều vô ngã. Chúng sinh khởi bởi nhân duyên.

HV12: Chúng tôi có thể chấp nhận khái niệm ấy, chưng chúng chưa…

KS: Ngay cả sự chấp nhận cũng vô ngã, chỉ là một sát na tâm.

HV12: Ngay cả chấp nhận cũng vô ngã, không phải là tôi. À, vậy chấp nhận trí tuệ là vô ngã, có phải không?

KS: Mọi pháp, mọi thực tại đều vô ngã, trí tuệ cũng vậy.

HV12: Vậy…là chấp nhận…
KS: Ý ông muốn nói gì?

HV12: Ý tôi là tôi không thể làm gì khác ngoài việc chấp nhận.

KS: Không có “tôi”, vì không có “tôi”…

HV12: Nhưng chẳng phải bà đã nói: “nếu tôi nghe”, chẳng phải đó là có “tôi” sao?

KS: Không, dù chúng ta có dùng từ “tôi”, thì chỉ để hiểu là đang nói đến thực tại này, chứ không phải các thực tại khác. Nhưng thực tại sinh khởi là do nhân duyên, nghe, nghĩ, rồi diệt đi…Vậy cái cũ đã đi đâu rồi?

HV12: Tôi nghe rồi. Nhưng tôi nghĩ lần nào mọi người cũng đều đặt cùng một câu hỏi:
“Làm thế nào để chuyển từ ngã thành vô ngã?”
KS: Với tôi thì tôi không thấy một cái ngã nào cả. Thấy chỉ là thấy, nghĩ chỉ là nghĩ. Với tôi, cái thấy vô ngã, nghe và suy nghĩ cũng vô ngã.

HV12: Tôi cho rằng suy nghĩ là ngã, là “ta”.

KS: Suy nghĩ sinh khởi cũng do nhân duyên, chúng ta có thể suy nghĩ giống nhau không? Chúng ta có thể biết suy nghĩ tiếp theo của chúng ta sẽ là gì không?

HV12: Tôi không biết suy nghĩ tiếp theo của tôi sẽ là gì, tôi chỉ có thể ở trong suy nghĩ hiện tại…Tại thời điểm hiện tại, suy nghĩ của tôi là “tôi không thể nghĩ vô ngã”.

KS: Nhưng hiện giờ không có vô ngã.
HV12: Tôi nghĩ tôi vẫn…mọi người không thể thoát khỏi câu hỏi “làm thế nào để biết vô ngã mà không sử dụng ngã.
HVK1: Ngã chỉ là một suy nghĩ, một khái niệm. Trong chân đế (thực tại tối hậu), nó không tồn tại. Ông nghĩ là khái niệm đó tồn tại, nhưng đó cũng chỉ là một suy nghĩ mà thôi.
HV12: Bà đang sử dụng nó để thoát khỏi nó, điều đó thật mâu thuẫn.

HVK2: Tôi nghĩ rằng đó là một nhận thức, một nhận thức sai lầm khi cho rằng phải dùng nó để thoát khỏi nó. Bởi vì trí tuệ có mặt hiểu bản chất tối hậu của các pháp, không có gì dẫn dắt, điều khiển, dẫu rằng, trong trạng thái vô minh, thiếu trí tuệ, ta cho rằng ta đang làm gì đó, nhưng thực chất đó chỉ là suy nghĩ.

HV12: Có ai trong các bạn đang thực hiện được điều đó không? Có mặt trong giây phút hiện tại mà không có cái “ta”?
HV1: Dù ta có ý niệm đúng hay sai về ngã, thì thực chất vẫn không có cái ngã nào cả, ngay cả khi có tà kiến về ngã, thì vẫn chỉ có các pháp, chứ không có một ai ở đó cả. Khi ông hỏi có ai đang thực hiện điều đó không, [thì câu trả lời là], dù bất kể ý niệm của chúng ta thế nào, chúng ta đã hiểu Giáo Pháp hay chưa, thì thực chất vẫn chỉ có hiện tượng thân và tâm đang vận hành.

HV12: Vậy một lần nữa câu hỏi là: Làm thế nào để tôi khỏi dính mắc ?

KS: Không thể, vì có ý niệm “tôi”, do đó hẳn là dính mắc đã ở đằng sau.

HV12: Vậy tôi không thể làm gì khác ngoài việc chờ đợi?

KS: “Ông” không thể làm gì cả.

HVK: Không phải “ông”.

HV12: Như vậy là không phải “tôi” hiểu?

HVK: Không, không phải là “ông” làm gì hay trở thành gì cả.

HVK: Chúng ta đồng ý là không có ngã, nhưng ý niệm về ngã là một sự méo mó của nhận thức.

HV12: Tôi chỉ nghĩ rằng thật là mâu thuẫn khi ta sử dụng sự méo mó đó để phá vỡ sự méo mó và đạt giác ngộ.

HVK: Tôi sẽ nói rằng đó không phải là sử dụng sự méo mó. Sự méo mó có mặt khi nó có mặt. Nếu nó vắng mặt thì nó vắng mặt. Không phải lúc nào cũng có ý niệm về ngã. Không phải lúc nào nhận thức cũng bị méo mó.
HV2: Achan, vậy tôi muốn hỏi một câu, có phải lúc nào suy nghĩ về “tôi” cũng luôn có mặt, ý niệm về ngã tồn tại trong tất cả những gì ta làm hay chỉ tùy lúc thôi.

KS: Có thể có ngã mà không có suy nghĩ không? Vậy cái gì là thực ? Suy nghĩ hay ngã?

HV2: Có phải bà đang nói đến một khoảnh khắc, chẳng hạn như nghe hay thấy.

KS: Thực tại sinh khởi và làm tròn phận sự suy nghĩ không phải là một với cái thấy, và nếu không có suy nghĩ thì không có ý niệm về ngã. Tuy nhiên có những suy nghĩ là chánh tư duy, có những suy nghĩ là tà tư duy nên có nhiều ý niệm khác nhau. Tuy vậy, suy nghĩ chỉ là suy nghĩ, nó không thể thấy, không thể ngửi, không thể nghe, chỉ có thể nghĩ mà thôi.

HVK: tôi nghĩ chính vì thế mà nó có vẻ rắc rối

(nguon: Thien va Cuoc Song)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét