Pháp thành tựu và Phi thành tựu
Trích từ sách “Nghiệp và Quả” của Ngài Thiền Sư Viện Chủ Pa-Auk,
Thiền Viện Pa-Auk, Myanmar.
Giảng bởi: Thiền sư Dhammapāla, Thiền viện Pa-Auk
Chuyển ngữ: Cô Viên Hương
——————————————————————————————
Để giải thích về vận hành của Nghiệp và Quả, chúng ta bắt đầu nói về bài kinh “Dây Trói buộc” Gaddula – Baddha như sau.
Ở đây, Đức Phật giải thích nguyên nhân vì sao chúng sanh không thể tìm được đường thoát ra khỏi khổ đau. Bởi, ngũ thủ uẩn chính là ngã, ngã này lại tiếp tục tạo ra ngũ thủ uẩn cho đời sống mới, và thủ uẩn của đời sống mới chính là sự tái sanh khởi lên ngay tại giây phút lâm chung của người ấy bằng Nghiệp đã chín mùi của kiếp sống vừa chấm dứt, cứ như thế trôi lăn từ kiếp này sang kiếp khác trong vòng sanh tử luân hồi không dứt.
Trong bài kinh thứ hai của Gaddula-Baddha Sutta, Đức Phật nói về tính chất đa dạng của Nghiệp và Quả đã tạo ra các loại tái sanh khác nhau trong các cõi. Chính sự đa dạng của Nghiệp còn tạo ra Quả tái sanh khác nhau trong các cõi. Với Trí Tuệ này mà bởi Đức Phật gọi là Tathāgata thứ hai, Như Lai lực, thứ hai. Vậy chúng ta hãy nghe Ngài giải thích như sau:
“ Lại nữa, này Xá Lợi Phất, Như Lai như thật Tuệ tri Quả báo tuỳ thuộc sở do, tuỳ theo sở nhân của các hành Nghiệp quá khứ, vị lai, hiện tại (tri tam thế Nghiệp báo lực)
“ Này, Xá Lợi Phất, Như Lai như thật Tuệ tri Quả báo tuỳ thuộc sở do, tuỳ theo sở nhân của các hành Nghiệp quá khứ, vị lai, hiện tại. Này, Xá Lợi Phất, Như Lai có đủ Như Lai lực. Chính nhờ thành tựu lực này Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu Vương, rống tiếng rống sư tử trong các hội chúng và Chuyển Pháp Luân.
Đức Phật thuyết giảng về Duyên sanh khởi (thanāso) và cái gốc (hetusa) của Quả (vipāka). Cái gốc của Quả chính là Nghiệp hoàn thành. Nhân đây, chúng tôi nói về sự đa dạng của Nghiệp và đa dạng của Quả (vipāka) theo 12 loại Nghiệp. Bây giờ chúng ta thảo luận về duyên sanh khởi của nghiệp : dựa vào duyên khởi mà Nghiệp sẽ trổ Quả. Vậy điều đó có nghĩa gì?
Như chúng tôi đã nói, căn bản sự vận hành của Nghiệp là, ví dụ như Nghiệp bất thiện (do vô minh, ái và thủ) đã tạo ra Quả khổ đau. Trong khi đó, Nghiệp thiện (cũng do vô minh, ái và thủ) nhưng lại tạo ra Quả an vui.
Nhưng, không phải bất thiện Nghiệp hay thiện Nghiệp nào cũng cho ra Quả trong mỗi trường hợp, nó tuỳ thuộc vào duyên sanh khởi. Duyên sanh khởi chính là sự trợ duyên cho Nghiệp trổ Quả. Do đó Nghiệp trổ là do đủ duyên sanh. Nghiệp không thể trổ, nếu duyên không đủ chín mùi.
Vì vậy Đức Phật đã nói rõ rằng, ta chính là chủ nhân Nghiệp của ta, dù cho tốt xấu tạo ra tự mình. Sự trưởng thành của Nghiệp tùy theo điều kiện nuôi dưỡng. Với một số điều kiện cần thiết Nghiệp tốt và xấu sẽ được hoàn tất để cho nó trổ Quả, đó là những điều kiện cần và đủ cho sự chín mùi của Nghiệp.
Để giải thích về Như Lai Lực Thứ hai, trong kinh Tạng gọi là bốn Pháp Thành tựu (Sampatti) và bốn Pháp Phi thành tựu (Vipatti). Pháp thành tựu vô hiệu lực Nghiệp đen (xấu) không cho nó sanh nhưng lại trợ duyên cho Nghiệp thiện (trắng) trổ sanh. Ngược lại, Pháp Phi thành tựu vô hiệu lực Nghiệp thiện thì nó lại làm duyên cho Nghiệp bất thiện trổ sanh.
Pháp thành tựu
Bốn thành tựu là (sampatti):
1/ Nơi tái sanh thành tựu (Gati sampatti) : tái sanh vào nơi chốn cõi người hoặc Chư Thiên.
2/ Diện mạo tái sanh thành tựu (Upadhi sampatti) : diện mạo đẹp đẽ, thân hình đẹp đẽ không có khuyết tật.
3/ Thời điểm tái sanh thành tựu (kāla sampatti) : tái sanh vào thời điểm tốt đất nước có nhà nước và người dân tốt.
4/ Phương tiện nỗ lực thành tựu (payoga sampatti): Đức Phật gọi là nỗ lực thành tựu về thiện Nghiệp (kammanta sampatti) đối với thân, khẩu, ý. Chúng ta đã đề cập ở trên, không sát sanh (có lòng từ bi), không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu và các chất say, không nói dối, không nói hai lời, không nói vô lễ, không nói lời vô ích, không nói lời dèm pha, không nói lời đâm thọc, luôn có Chánh kiến
Bốn Pháp thành tựu này có thể vô hiệu lực các nghiệp bất thiện, không cho nó trổ sanh đồng thời trợ duyên cho thiện nghiệp trổ sanh. Nói cách khác, nhờ duyên sanh khởi của các Pháp thành tựu, các thiện nghiệp trổ sanh, và ngăn cản không cho nghiệp xấu trổ sanh.
Pháp phi thành tựu
Bốn Pháp phi thành tựu (vipatti) đó là:1/ Nơi tái sanh phi thành tựu (Gati vipatti) : tái sanh cảnh khổ, địa ngục, bàng sanh, phi nhơn và
ngạ quỹ.
2/ Diện mạo tái sanh phi thành tựu (Upadhi vipatti) : làm người xấu xí khuyết tật.
3/ Thời điểm tái sanh không thích hợp (kāla vipatti): sanh ra trong thời khó khăn, chính phủ không thuận, con người không tốt.
4/ Phương tiện nổ lực tái sanh phi thành tựu (payoga vipatti): nghĩa là mọi sự đều mang tính bất thiện. Vì thế Đức Phật gọi là phi thành tựu hay còn gọi là sai lầm do hành Nghiệp (kammanta-san-dosa-byāpatti) tạo ra từ thân, khẩu, ý như là sát sanh, trộm cắp, tà dâm, uống rượu và các chất say, nói dối, nói lời hai lưỡi, nói lời khó nghe, nói lời vô ích, chấp thủ tà kiến.
Bốn Pháp phi thành tựu có thể vô hiệu lực Nghiệp thiện và ngăn không cho nó trổ Quả mà lại trợ duyên cho Nghiệp bất thiện trổ sanh. Nói cách khác, do duyên khởi của Pháp phi thành tựu Nghiệp bất thiện trổ sanh, nhưng Nghiệp thiện lại bị ngăn cản không thể trổ Quả được.
Vận hành của Pháp thành tựu và phi thành tựu
Pháp thành tựu vô hiệu lực Nghiệp bất thiện.
1/ Nơi tái sanh của Pháp thành tựu đã vô hiệu lực Nghiệp bất thiện.
- Một số Nghiệp bất thiện chưa chín mùi thì bị Pháp Nơi sanh thành tựu chặn đứng không cho nó tăng trưởng.
- Khi một Bất thiện nghiệp có thể trở thành Sanh nghiệp thì sẽ đưa người ấy tái sanh về cõi địa ngục, súc sanh hay ngạ quỹ. Đây là Pháp về Nơi tái sanh phi thành tựu (gati-vipatti), do đó các Bất thiện nghiệp khác của người đó cũng sẽ trổ sanh theo. Nhưng, do bởi một (sát na) Thiện nghiệp (lúc cận tử được bắt làm đối tượng), người ấy có thể được tái sanh vào nơi chốn tốt đẹp như cõi người và cõi trời: đó là Pháp Nơi tái sanh thành tựu (gati sampatti). Do duyên sanh khởi của Pháp thành tựu, các Bất thiện nghiệp sẽ bị ngăn cản không thể trổ quả được, mà thay vào đó Thiện nghiệp lại phát sanh.
Tambadāñhika, Đao phủ thủ
Như đã nói ở trên, một ví dụ điển hình về đao phủ thủ Tambadāñhika, trong suốt 55 năm làm công việc chém đầu các tội phạm, đó là ác Nghiệp. Khi chết, ông ta sẽ bị đoạ vào cõi thấp như địa ngục, vì là Pháp Nơi chốn tái sanh phi thành tựu nên nó sẽ trợ duyên cho các Bất thiện nghiệp của ông ta cùng trổ sanh. Nhưng, thay vào đó, lúc chết, nhờ một Nghiệp thiện chứng đắc Tuệ Hành Xả (Sankhārupekkhā-Ñāṇa) làm Sanh Nghiệp nên ông ta được tái sanh về cõi trời dục giới, đó là Pháp về Nơi tái sanh thành tựu. Do duyên sanh khởi của Pháp thành tựu này, Nghiệp thiện được trợ duyên để trổ sanh và ngăn chận không cho Nghiệp bất thiện của ông ta trổ quả tái sanh vào địa ngục.
2/ Thành tựu về Diện mạo tái sanh đã vô hiệu hoá Nghiệp bất thiện.
Một số Nghiệp bất thiện đang tiến triển thì bị Pháp thành tựu diện mạo tái sanh ngăn chận không cho nó chín muồi.
Chẳng hạn có một vài người bị khuyết tật tay chân và hình dạng xấu xí , đó là Pháp phi thành tựu về diện mạo tái sanh (upadhi-vipatti). Do duyên của Pháp phi thành tựu Quả xấu của người ấy đã trổ. Nhưng, do một Nghiệp thiện, vị ấy được tái sanh tốt đẹp, và trở nên xinh tươi, vẻ mặt sáng rỡ như Phạm Thiên. Đó là Pháp thành tựu về diện mạo tái sanh. Do duyên của Pháp thành tựu, Nghiệp bất thiện đã không trổ Quả và thay vào đó Nghiệp thiện đã trổ sanh.
Chú giải giải thích rằng nếu người đó sanh ra làm nô lệ, thì với diện mạo tốt đẹp anh ta sẽ không bị làm các công việc quá thấp kém như giữ voi, chăn bò, nô dịch. Bởi nhờ anh ta có sắc diện sáng nên người chủ nghĩ rằng, “Người như vậy thì không nên cho làm những công việc dơ bẩn. Hãy cho cậu ta ăn mặc đẹp để giữ kho hay làm công việc tương tự. Nếu là phụ nữ thì cho cô ta làm việc nhẹ nhàng, chứ không nên phân làm việc chuẩn bị thức ăn cho voi. Họ cho cô ấy ăn mặc đẹp và trang sức lịch sự, chu cấp giường đẹp và luôn cưng chiều cô ta”.
Chú giải có kể về trường hợp hoàng hậu Samā thời vua Bhātiya. Một lần nọ một số người bị bắt quả tang ăn cắp thịt bò và được giải đến cho nhà vua phân xử. Nhưng vì không có tiền nộp phạt, nên họ bị bắt làm việc lau chùi trong cung. Trong số đó có một cô gái vô cùng xinh đẹp và cuốn hút, nên nhà vua liền thâu nhận vào làm phi tần và rất sủng ái cô ta. Vì ảnh hưởng của Nghiệp thiện, cô gái và người thân của mình đã được hưởng một đời vinh hoa phú quí.
3) Thời điểm tái sanh Thành tựu có thể vô hiệu lực Nghiệp bất thiện.
Pháp Thời điểm tái sanh thành tựu (kāla-sampatti) ngăn chận không cho Nghiệp xấu trổ sanh
Ví dụ, con người có thể tái sanh vào thời kỳ khó khăn hay khủng hoảng của đất nước đó, và dân chúng không tốt. Do duyên khỡi của Pháp phi thành tựu một số Nghiệp bất thiện của người ấy sẽ cùng trổ sanh, nhưng, nhờ một sát na Nghiệp thiện, người ấy được tái sanh vào thời điểm thành tựu là nơi có chính phủ tốt đẹp, dân chúng tử tế. Như chúng ta nghe con người xuất hiện lúc bắt đầu đại kiếp trái đất. Khi đó có vị vua Chuyển Pháp luân hoặc Đức Phật ra đời. Đó là Pháp thời điểm tái sanh thành tựu. Nhờ duyên sanh khởi của Pháp thành tựu, Bất thiện nghiệp không thể trổ quả mà phải nhường chỗ cho Nghiệp thiện trổ sanh.
Chúng ta hãy bàn về vấn đề được sanh ra trong thời kỳ tốt hay xấu của đất nước, dân chúng có tử tế hay không, và tìm hiểu xem tại sao một người khác lại có thể ảnh hưởng lớn đối với việc rèn luyện giới đức của mình nhất là : người bạn, người đồng hành, và đặc biệt là người thầy và người dẫn đầu.
Thiện hoặc Bất thiện bằng hữu
Vào một thời Đại Đức A-Nan-Đa đã quán chiếu làm thế nào một người có thể thành tựu đời sống của một Thánh nhân (brahma-cariya). Ngài cho rằng việc thành tựu một đời sống Phạm Hạnh của Thánh nhân, phân nửa là nhờ vào thiện bằng hữu và phân nửa là nhờ vào sự nỗ lực cá nhân.
Đại Đức đã đến gặp Đức Phật, Đức Phật đã điều chỉnh lại như sau, “Không phải vậy đâu, này ânanda. Không phải vậy đâu, này ânanda. Trong đời sống Phạm Hạnh, này ânanda: người được gọi là thiện bằng hữu (kalyāna-mittatī), thiện đồng môn (kalyāna-sahāyata), và thiện đồng hành (kalyāna-sampavankatā).
Là một người bạn tốt, này ânanda, vị Tỷ kheo mong đợi ở thiện bạn hữu, bạn đồng hành, bạn đồng môn cùng thực hành Bát Chánh đạo và phát triển pháp hành Bát Chánh đạo tốt đẹp hơn.”
Đây là nguyên lý cơ bản về thiện bằng hữu. Là thiện bạn hữu, thiện đồng môn, thiện đồng hành thì biết giúp chúng ta thực hành Bát Chánh Đạo (Ariya Aṭṭhangika Magga), thực hành bố thí, Giới-Định-Tuệ, phát triển Minh và Hạnh tốt hơn v.v… Do duyên khởi của thiện bạn hữu sẽ giúp chúng ta luôn thực hành những phước nghiệp sự, thành tựu viên mãn các Nghiệp thiện.
Ngược lại, duyên khởi của ác bằng hữu sẽ làm cho chúng ta không thể thực hành những điều thiện. Với bạn xấu chúng ta sẽ không thực hiện được những điều thiện và thúc đẩy hoàn tất Nghiệp bất thiện. Nguyên lý này áp dụng cho những nhà cai trị quốc gia. Nếu người đó có đức hạnh của bậc Thánh thì sẽ điều hành đất nước thuận theo Pháp dựa trên Chánh kiến, sẽ là nhà cai trị tốt, chính phủ tốt. Được sanh ra trong thời điểm này được gọi là Thời điểm tái sanh thành tựu (kāla-sampatti).
Đức Vua Chuyển Pháp Luân
Một trường hợp đơn cử về pháp Thời điểm tái sanh thành tựu là người sẽ được tái sanh vào lúc có chính phủ tốt và nhờ vậy ác Nghiệp đã bị vô hiệu hoá không thể sanh khởi.
Có một thời, nhà cai trị của một nước chính là đức vua Chuyển luân trong Kinh Đại Thiện Kiến Vương (Mahā Sudassana Sutta). Đức Phật đã miêu tả lại lúc Ngài đã từng làm vua Chuyển luân gọi là Đại Thiện Kiến Vương. Tuổi thọ của vị ấy là 336.000 năm. Vào thời vị ấy, Thiên luân báu đã xuất hiện, thấy vậy Vua Đại Thiện Kiến suy nghĩ, “Ta nghe như vầy, khi một vị vua có Thiên luân báu hiện ra, thời vị ấy là Chuyển luân vương, như vậy ta có thể là vị Chuyển luân vương, thiết lập một nền tảng cai trị theo Pháp”. Vì sao lại có Thiên luân báu xuất hiện với một vị vua như thế. Đó là do Nghiệp quá khứ và hiện tại của vị ấy. Đức Phật đã giải thích rằng Thiên luân báu hiện ra với vị Đại Thiện Kiến Vương bởi vì,
- Nghiệp thiện trong quá khứ và hiện tại của vị vua ấy là Bố thí
- Nghiệp thiện trong quá khứ và hiện tại của vị vua ấy giữ gìn năm Giới
- Nghiệp thiện trong quá khứ và hiện tại của vị vua ấy giữ gìn tám Giới trong ngày rằm và cuối tháng.
Cũng như vị ấy luôn trị vì đất nước theo Pháp.
Với Nghiệp thiện trong quá khứ Ngài còn được thêm phước báu có oai nghi đẹp đẽ, sống lâu, sức khoẻ và sự tận tuỵ phục vụ của tất cả những người cấp dưới hoặc những người đi theo Ngài. Vào cuối ¼ đời mình, Ngài đã thực hành thiền Tứ vô lượng tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả). Vào khoảng cuối cuộc đời của 84.000 năm tuổi, do thực hành các Pháp ấy, Ngài đã được tái sanh vào cõi Phạm Thiên ngay khi thọ mạng chấm dứt trong cõi người.
Về gương điển hình của một nhà trị vì đất nước tốt. Đức Phật đã giảng cho đức vua Ba-Tư-Nặc về cách thức để trở thành một thiện bằng hữu, thiện đồng hành và thiện đạo hữu. Đức vua cần phải thực hành siêng năng và rốt ráo các Phước nghiệp sự (appamādo kusalesu dhammesu) như hành hạnh Bố Thí (Dāna), Trì Giới (Sīla) và Tham Thiền (Bhāvanā). Đức Phật giải thích rằng nếu một vị vua tốt biết hành theo các Pháp nói trên sẽ là tấm gương tốt cho mọi người trong hoàng tộc noi theo, những người từ dòng dõi vua chúa, quân lính cho đến thần dân trong thành thị cho đến nông thôn. Họ rất hăng hái cổ vũ nhau thực hành các Phước nghiệp sự nói trên, Bố Thí (Dāna), Trì Giới (Sīla) và Tham Thiền (Bhāvanā).
Đức Phật cũng nhấn mạnh thêm rằng nếu tất cả mọi người đều siêng năng thực hành các Pháp ấy thì từ nhà vua, các bà vợ của nhà vua cho đến những gì trên lãnh địa của mình đều được gìn giữ bảo vệ tốt đẹp.
Được sinh ra trong một thời kỳ có những nhà trị vì Đạo Đức như thế đều là do Nghiệp thiện của Pháp thời điểm tái sanh thành tựu (kāla sampatti) của người đó. Bởi vì vào thời đó, con người được giáo dục tốt về các hành vi cư xử Đạo Đức như không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, và đặc biệt là được dạy tiết chế ăn uống. Và vì vậy người dân luôn sống và làm theo gương Đạo Đức của nhà trị vì. Khi nhà trị vì làm gì thì họ đếu bắt chước làm theo từ sự bố thí, cúng dường, đến lối sống và hành xử Đạo Đức theo Giới luật của Pháp. Họ đều nhất nhất tuân theo một cách tự nguyện. Do duyên sanh của Pháp thời điểm tái sanh thành tựu, khiến cho cho phương tiện nổ lực thực hiện cũng thành tựu (payoga sampatti)) và do đó Nghiệp bất thiện hoàn toàn không thể trổ sanh được.
Sự suy giảm về đời sống con người
Trong kinh Tiếng Rống sư tử, Chuyển luân. Đức Phật mô tả tại sao Pháp thời điểm tái sanh thành tựu có thể thay đổi và trở thành Pháp thời điểm phi thành tựu, bởi vì nhà vua đã không còn trị vì đất nước theo đúng Chánh Pháp nữa. Đức Phật giải thích thêm rằng, Vì những người kế thừa ngôi vị của vua Chuyển luân đã đi theo đường lối của vị ấy trong suốt nhiều thế hệ và giữ cho đất nước được phồn thịnh và ấm no hạnh phúc. Tuy nhiên sau bảy thế hệ nó đã thay đổi. Vị vua thứ bảy đã không còn tham vấn ý kiến việc triều chính với các nhà thông thái mà làm theo ý kiến cá nhân của mình. Và không còn quan tâm giúp đỡ những người cần giúp đỡ trong xã hội thời bấy giờ. Cái nghèo đã dần xuất hiện trong vương quốc đó. Kết quả là càng ngày càng nhiều điều tệ hại phát sanh như trộm cắp, sử dụng vũ khí,tranh giành bon chen trong cuộc sống, nói dối, nói lời thô tục, lời vô ích, lời nói với dụng ý xấu, hay ham muốn tà kiến, loạn luân vô độ, gian dâm hỗn xược, bất kính với cha mẹ, tu theo khổ hạnh, bà-la-môn tà đạo … và phân chia tông phái, nhóm, tộc trưởng v.v…
Tất cả những điều xấu này phát sanh từ vị vua không biết siêng năng thực hành các Phước Nghiệp sự và ông ta không phải là người bạn tốt của dân nữa. Vì vậy trong chú giải của Vi Diệu Pháp có đề cập nó như một thời điểm được sanh ra trong một thời kỳ chính phủ xấu, con người cáu kỉnh và yếu đuối về mọi mặt. Đó là thời điểm Pháp phi thành tựu (kāla-vipatti).
Việc suy sụp đời sống này vẫn tiếp tục với những điều xấu xuất hiện và tồn tại đã làm cho tuổi thọ con người sẽ giảm đi ngắn hơn và ngắn hơn. Con người ngày càng trở nên kém đẹp đẽ xinh tươi và chất lượng thực phẩm tốt ngày càng thở nên khó tìm hơn. Sự suy giảm đã diễn ra trong nhiều ngàn năm. Đức Phật giải thích rằng sự suy giảm này sẽ tiếp tục kéo dài cho đến khi Đạo Đức con người trở về KHÔNG và tuổi thọ con người chỉ còn lại 10 tuổi. Vào thời điểm đó con người xem nhau như kẻ thù và chém giết lẫn nhau không biết chán. Nhưng chỉ còn một số ít muốn thoát khỏi sự man rợ của loài người lúc bấy giờ và ẩn sống nơi khác với rễ cây và trái cây. Dần dần nhận thấy rằng những điều xấu xa tệ hại dẫn đến do sự thiếu Đạo Đức, con người chợt quay về việc thực hành giữ gìn Giới đức trở lại. Vì thế dần dần tuổi thọ con người và vẻ đẹp trở lại tăng lên đến nhiều ngàn năm.
Theo cách này hành xứ tác động trên Đạo Đức, Giới Hạnh…, Pháp thời điểm phi thành tựu đã biến đổi nhường chỗ cho Pháp thời điểm thành tựu thay thế. Sau khi tuổi thọ con người suy giảm và tuổi thọ lại tăng lên đến 80.000 năm và rồi vị Chuyển luân vương đã xuất hiện và vị Phật cuối cùng của đại kiếp trái đất ra đời. Đó là Đức Phật Mettheya (Di Lặc) là vị Phật Thiện Bằng hữu thù thắng
Thiện Bằng hữu thù thắng
Đức Phật giải thích cho Ngài ânanda rằng, “ Cũng theo cách này có thể hiểu rằng, này ânanda một đời sống Thánh nhân được gọi là thiện bằng hữu, thiện đồng môn, thiện đồng hành. Này ânanda nó có nghĩa là Ta là một thiện bằng hữu, nó còn đồng nghĩa với sự giải thoát khỏi sanh, thoát khỏi lão, thoát khỏi tử, thoát khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não, thất vọng. Bằng cách này, này ânanda, đời sống Thánh nhân được hiểu như là thiện bằng hữu, thiện đồng môn, thiện đồng hành có thể tạo sự đồng lợi ích cho người khác giống như vậy nếu như họ cũng cùng tu theo con đường Thánh nhân đó”.
Khi có một vị Phật giác ngộ tối thượng ra đời sẽ có các đệ tử của vị ấy có thể thực hành Giáo Pháp của Ngài. Nếu họ có đủ Ba la Mật thì có thể chứng đắc Đạo & Quả trong thời kỳ vị Phật đó. Và họ cũng có thể thoát khỏi sanh lão, bệnh, tử ngay trong kiếp sống đó. Ngay trong thời Đức Phật của chúng ta đây đã có rất nhiều vị đã được lợi lạc tối thượng, và số lượng Chư Thiên và Phạm Thiên chứng đắc thì không sao kể xiết. Vì vậy Đức Phật đã giải thích rằng, sự ra đời của một vị Phật sẽ tạo ra bao nhiêu lợi ích lớn lao (bahujana hitāya) là đem đến hạnh phúc an lạc (bahujana sukhāya) cũng như lòng từ bi vô lượng cho các cõi (lokānukampāya), cho sự lợi lạc (atthāya), chúng sanh (hitāya), và an lạc (sukhāya) cõi trời và cõi người (deva-manussānam).
Không có vị Phật nào ra đời, không ai có thể giải thoát khỏi sanh, lão, bệnh, tử. Ngay cả những người có đủ Ba la mật đã hoàn thành các Nghiệp thiện để chứng đắc Tuệ đạo và Quả, nhưng họ cũng không thể tự mình làm được mà họ cần phải được giáo huấn bởi bậc tối thượng là một vị Phật hoặc là vị đệ tử của một vị Phật được học và đầy đủ điều kiện, để chứng đắc đạo Quả.
Một ví dụ điển hình về Tôn Giả Kiều Trần Như. Ngài vẫn còn trẻ khi Đức Phật Gotama vừa mới ra đời và Ngài là người đầu tiên chứng đắc Tuệ Đạo, Quả và nhập vào dòng Thánh trong thời kỳ Giáo Pháp (Buddha-Sāsana) của Đức Phật khi Đức Thế Tôn dạy cho Ngài bằng bài Kinh Chuyển Pháp Luân (Cakka Pavattana). Tôn giả Kiều Trần Như đã thực hành khổ hạnh trong nhiều năm trước đó nhưng vẫn không thể nào chứng đắc được Tuệ đạo và Quả. Điều đó chỉ có thể thực hiện được khi có sự giúp đỡ của một vị Phật.
Tôn giả Xá-Lợi-Phất và Tôn giả Mục-Kiền-Liên. Lại nữa, ví dụ như Ngài Xá-Lợi-Phất và Ngài Mục Kiền Liên đã thực hành rất nhiều năm, nhưng vẫn không đạt được một Quả vị nào. Cho đến khi Đại Đức Xá-Lợi-Phất lập tức chứng đắc và nhập vào dòng Thánh ngay khi Ngài Asaji (A-Xà-Chí) thuyết Pháp cho Ngài. Và Đại đức Mục-Kiền-Liên cũng liền chứng đắc ngay vào bậc Thánh khi được Ngài Xá-Lợi-Phất giảng lại bài Pháp đó cho Ngài Mục-Kiền Liên nghe. Nguyên lý này đã được áp dụng cho tất cả những đệ tử của Đức Phật, nghĩa là họ không thể học Pháp, hành Pháp và đạt được Tuệ đạo và Quả nếu không có sự giúp đỡ của một thiện bằng hữu (kalyāna-mitta).
Vua A-Xà-Thế (Ajātasattu)
Lại nữa, ở đây ta nói trường hợp của vua A-Xà-Thế như một ví dụ điển hình. Khi ông ta liên kết với Đại Đức Đề-Bà-Đạt-Đa (Devadatta). A-Xà-thế đã phát triển tâm tham của mình đến cực độ, rồi đi đến giết hại vua cha của mình là vua Tần-Bà-Sa để chiếm đoạt ngôi vua. Và rồi Đức vua Tần-Bà-Sa (Bimbisāra) cũng đã trao vương quyền lại cho A-Xà-Thế làm vua. Nhưng rồi với ảnh hưởng nặng nề của Đề-Bà-Đạt-Đa, vua A-Xà-Thế đã tống giam cha mình, tra tấn và giết hại cha mình. Cũng dưới sự ảnh hưởng của Đề-Bà-Đạt-Đa vua A-Xà-Thế đã sai lính giết và voi dữ đến giết Đức Phật. Với vua A-Xà-Thế, Đề-Bà-Đạt-Đa không phải là thiện bạn hữu.
Tuy nhiên về sau, vua A-Xà-Thế đã làm được rất nhiều việc thiện dưới sự ảnh hưởng của Đức Phật. Làm thế nào được như vậy? Đó là nhờ sự hổ trợ của Jivaka Komārabhacca, là một quan ngự y trong hoàng cung. Ông đã đến gặp Đức Phật và Chư Tăng. Sau đó ông đã chứng đắc Quả Tu-Đà-Hườn (Sotāpanna). Vào một đêm nọ, theo lệnh của vua A-Xà-Thế, ông dẫn nhà vua đến khu vườn xoài (Amba-Vana) của ông. Tại đó, Đức Phật đang ngự cùng với đông đảo Chư Tăng Tỷ Khưu. Và, tại đây Đức Phật đã thuyết giảng cho vua A-Xà-Thế bài kinh Sa Môn Quả (Sāmañña-Phala) Sutta. Sau bài thuyết pháp đó, vua A-Xà-Thế đã có niềm tin Chánh tín nơi Đức Phật và xin được quy y với Ngài, với Pháp bảo và Tăng bảo. Nhà vua đã thực sự sám hối với Đức Phật về tội giết cha của mình. Từ đó vua A-Xà-Thế trở thành một đệ tử sùng tín (upāsaka) của Tam Bảo. Rồi, cũng chính từ đó Đại hội Kết tập Tam Tạng Lần thứ nhất đã được triệu tập tại Thành Vương Xá (Rajagaha) –Vương quốc Ma Kiệt Đà dưới sự chỉ đạo của vua A-Xà-Thế. Từ đó về sau Jivata Komārabhacca đã trở thành người bạn tốt của vua A-Xà-Thế và cũng nhờ qua vị này, vua A-Xà-Thế mới có dịp gặp được bậc thiện bạn hữu thù thắng, đó chính là Đức Phật của chúng ta.
Câu chuyện Người thiện tín Gavesī
Gavesī là một thiện tín thời Đức Phật Ca Diếp, ông còn là lãnh đạo của một nhóm 500 người bạn. Vì ông không theo ngũ Giới, mà chỉ nương dựa Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo, nên 500 người bạn của ông cũng chỉ nương dựa Tam Bảo mà thôi.Một ngày nọ, Gavesī quyết định phải làm gì hơn hẳn những người bạn của mình nên ông tuyên bố sẽ thực hành ngũ Giới. Việc làm này của ông đã khiến cho 500 người bạn của ông cũng bắt chước làm theo. Nhưng rồi ông lại quyết định sống một đời trong sạch cao thượng (Brahma-cārī), các bạn của ông cũng làm theo, rồi ông lại quyết định thực hành Giới không ăn sái giờ (virataṃ-vikālabhojana). Họ cũng làm theo. Sau đó ông đã đến gặp Đức Phật Ca Diếp để xin được xuất gia Tỷ kheo (upasampadā). Những người bạn của ông cũng đều làm theo. Cuối cùng với nỗ lực tinh tấn, ông cùng các bạn của ông sau cùng đều chứng đắc Quả vị Alahán. Tất cả đều đã thoát khỏi sanh, lão, bệnh, tử.
Điều này cho chúng ta thấy rằng Gavesī là người bạn tốt (kalyāna-mitta) của 500 người bạn. Và sự thành tựu chứng đắc của các vị ấy chỉ có thể xảy ra khi có sự hiện diện của người thiện bạn hữu tối thắng là Đức Phật Ca Diếp: là nơi họ bắt đầu nương dựa Tam Bảo (tisarana).
Kết luận rằng, làm thế nào mà một người khác lại có thể tạo sự ảnh hưởng lớn đối với Đức Hạnh của chúng ta như thế: đó chính là người bạn hoặc người đồng hành của chúng ta, đặc biệt là vai trò của người thầy dạy và người trưởng nhóm / dẫn đầu của mình. Mọi lúc mọi nơi, Đức Phật giải thích rằng có những người bạn tốt như thế thì chúng ta mới có thể hoàn thành được các Nghiệp thiện của mình, và cũng chính nhờ các người bạn tốt này mà một số Nghiệp bất thiện đã bị vô hiệu hóa không cho nó sanh khởi.
Sau đây chúng tôi sẽ giải thích, làm thế nào Nghiệp bất thiện đã bị Pháp phương tiện nỗ lực thành tựu (payoga-sampatti) vô hiệu lực.
4) Pháp phương tiện nỗ lực thành tựu đã vô hiệu hóa Nghiệp bất thiện
Có một số Nghiệp bất thiện chưa kịp trưởng thành đã bị phương tiện nỗ lực thành tựu (payoga-sampatti) ngăn chặn không cho nó phát sanh.
Một người đức hạnh kém trong kiếp hiện tại, anh ta hoặc cô ta có thể phạm tội sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời dèm pha, chửi rủa mắng nhiếc, nói lời vô ích, nói lời tà mạng, nói lời chia rẽ, chấp thủ tà kiến. Đó là 10 loại bất thiện Pháp đã được đề cập vài lần trước đây, đã đóng vai trò lớn trong Pháp nỗ lực phi thành tựu (payoga vipatti). Với duyên sanh khởi của Pháp bất thiện trong nỗ lực phi thành tựu, nó làm cho một số Nghiệp bất thiện quá khứ trổ Quả. Nhưng, nhờ được làm bạn với những thiện bạn hữu như Đức Phật và các Đệ tử Ngài, người đó đã thay đổi tâm tính của mình có được Chánh tín vào Tam Bảo, tin tưởng vào Nghiệp và Quả, và ra sức tạo Nghiệp thiện. Bằng cách này, hạnh của người đó trở nên tốt hơn. Và nhờ đó Pháp nỗ lực phi thành tựu cũng chuyển sang Pháp nổ lực thành tựu (payoga sampatti).
Nhờ vào các Pháp thiện được làm bạn với các bậc thiện hữu, có niềm tin nơi Tam Bảo và thực hành Giới Hạnh tốt hơn, đã tác động rõ rệt tạo ra Pháp nỗ lực thành tựu, các Nghiệp bất thiện không có dịp trổ Quả và phải nhường chỗ cho Nghiệp thiện phát sanh.
Người ấy có thể ngăn ngừa Nghiệp sát sanh, để làm trong sạch Giới Đức. Và dựa vào sự thành tựu này mà vị hành giả ấy có thể tiến hành thành công thiền Định và thiền Minh Sát.
Ví dụ con của một gia đình tốt (kalaputta) đã tạo nhiều Nghiệp thiện trong đời trước. Và, bây giờ muốn hoàn thành các Nghiệp thiện của mình trong kiếp hiện tại này, bằng cách vị ấy giữ Giới trong sạch, và với Giới Hạnh trong sạch, vị ấy sẽ tịến hành thiền Định và thiền Minh Sát thành công với một vị thầy giỏi cho đến khi nhập được dòng Thánh vức chứng đắc Tuệ Quả Tu-Đà-Hoàn (Sotāpatti-Magga-Ñāna) và tiếp tục cho đến khi đắc Tuệ Quả Bất lai (Anāgami-Magga-Ñāna).
Việc thực hành này được gọi là Phương tiện nỗ lực thành tựu và nó có thể vô hiệu hóa các Nghiệp bất thiện mà đáng lý nó còn tạo ra Nơi tái Sanh Phi thành tựu (gati-vipatti). Nghĩa là việc thực hành này cũng đã vô hiệu quá Nghiệp tái sanh vào bốn đường ác đạo.
Cái Nghiệp duy nhất có thể làm cho con người tái sanh chính là Nghiệp thiện, là nỗ lực thành tựu. Nhờ có Phương tiện nỗ lực thành tựu (payoga sampatti) nó tạo ra hạnh phúc của người đó có được Nơi tái sanh tốt (gati-sampatti). Và khi chết lại được tái sanh vào cõi trời dục giới do Nghiệp thiện tạo ra trong cõi dục giới hoặc tái sanh cõi Phạm thiên do Nghiệp hành thiền Định chứng đắc vào các tầng thiền, giống như trường hợp của Pukkusāti.
Pukkusāti
Pukkusāti vô cùng thiện xảo trong thiền chứng. Đó là nhờ có yếu tố Phương tiện nỗ lực thành tựu (payoga sampatti), với Chánh tinh tấn (Sammā vāyāma), Chánh niệm (Sammā-sati), và Chánh định(Sammā-samādhi). Khi nghe Đức Phật thuyết dạy cho ông bài kinh Phân tích các Đại (Dhātu Vibhanga) của Bộ Kinh Trung bộ (Majjhima-Nikāya), ông đã chứng đắc Tuệ Đạo &Quả Bất Lai: Tuệ Đạo Bất Lai chính là Pháp nỗ lực thành tựu bậc thượng.
Sau đó ông đi tìm y bát để xin được xuất gia Tỷ kheo nơi Đức Phật. Nhưng ông lại bị con bò húc chết bởi do oan trái với một ngạ quỷ, nó chui dưới lốt con bò để giết hại ông. Ngay giây phút chết, nhờ Tuệ Đạo & Quả Bất Lai, lấy tứ thiền làm căn bản, Pukusāti đã được các Nghiệp thiện này giúp ông tái sanh vào cõi Phạm thiên Avihā, là tầng thấp nhất của Phạm Thiên – Phước Sanh Thiên (suddhāvāsa). Thực vậy, Tuệ Quả Bất lai ((Anāgami-Magga-Ñāna) của ông đã vô hiệu hóa vô số Nghiệp bất thiện mà đáng lý đẩy ông tái sanh vào cõi dục giới : nghĩa là chinh nhờ Tuệ Quả Bất Lai này mà ông sẽ không bị tái sanh vào bốn đường ác đạo, hoặc làm người hoặc làm trời mà giờ đây, mãi mãi không bao giờ ông bị rơi trở vào đó nữa. Đó là Quả của Pháp Phương tiện nỗ lực thành tựu đã trổ (payoga-sampatti).
Tambadāñhikā, đao phủ thủ
Câu chuyện kể về Tambadāñhikā, người đao phủ (chúng ta đã đề cập phần đầu) là một ví dụ điển hình. Ông ta có 55 năm tạo Thường Nghiệp là Nghiệp ác xử trảm tội phạm. Đó là Pháp phương tiện Nỗ lực phi thành tựu (payoga vipatti). Nếu Nghiệp này trổ lúc lâm chung thi chắc chắn ông ta sẽ bị đoạ vào địa ngục.Nhưng vì, Đại Đức Xá Lợi Phất đi ngang qua nhà ông. Ông đã cung thỉnh Đại Đức vào nhà ông để cúng dường cơm nấu sữa và kính cẩn nghe Ngài thuyết Pháp, sau khi nghe Pháp ông đã chứng đắc Tuệ Hành xã (Saṅkhārupekkhā-Ñāṇa). Những hành động này chính là Pháp phương tiện nỗ lực thành tựu (payoga sampatti). Và nhờ chứng đắc Tuệ Hành Xã, mà các Nghiệp bất thiện khác của ông đã bị vô hiệu hóa, và nó còn cho ra Quả nơi tái sanh vào cõi trời dục giới, đó là Quả Nơi tái sanh tốt (gati-sampatti).
Đại Đức Aṅgulimāla
Một ví dụ khác về Đại Đức Aṅgulimāla, như đã nói ở trên. Khi ngài chưa kịp hoàn tất các Nghiệp bất thiện của mình trong vô số kiếp quá khứ. Nhưng vào kiếp chót, là kẻ cướp ông đã giết bao nhiêu người. Nhưng rồi ông đã xuất gia dưới thời Đức Phật, (trong kinh Người Hướng dẫn Tối Thắng – Bậc Vô Thượng sĩ – Điều Ngự Trượng Phu (Anuttaro Purisa- Dhamma-Sārathi). Dưới sự hướng dẫn của Đức Phật, ông là người giữ gìn Giới đức trong sạch của vị Tỷ kheo: đó là Pháp phương tiện nỗ lực thành tựu (payoga sampatti). Dựa vào Giới đức trong sạch, ông đã tiến hành thiền Định và thiền Tuệ: đó cũng là Pháp Nỗ lực thành tựu. Và ông cũng đã hành trì nỗ lực và chứng đắc Tuệ Đạo & Quả Alahán (Arahatta-Magga-Ñāna), đó cũng là Pháp phương tiện Nỗ lực thành tựu tối thượng.
Phương tiện nỗ lực thành tựu tối thượng
Trong giai đoạn tận diệt của Vô Dư Niết Bàn (Parinibbāna) tất cả các Nghiệp dù dưới hình thức nào đi nữa cũng đều chìm trôi hết, tức là các Nghiệp đó dù thiện hay bất thiện đều không còn đủ khả năng để tạo tác ra sự tái sanh đời sống kế tiếp nữa. Một vị AlaHán sẽ không bao giờ và mãi mãi vô sanh và mãi mãi thoát khỏi mọi đau khổ. Đó chính là lí do tại sao Tuệ Đạo & Quả AlaHán là phương tiện Nỗ lực thành tựu tối thượng.
Nếu Tuệ Đạo và Quả của vị đó là một trong ba bậc thấp hơn, thì nguyên lý vẫn được áp dụng đúng như vậy theo bậc tương ứng của nó. Mặc dù đời sống của các vị Thánh nhân (Ariya Puggala), các Nghiệp thiện và Bất thiện nghiệp mà có chức năng như Trì Nghiệp, Chướng Nghiệp, Đoạ Nghiệp, thì các Nghiệp thiện và Bất thiện nghiệp đó cũng sẽ không còn chức năng tạo ra Sanh Nghiệp để có tái sanh ngũ thủ uẩn ngay sau tâm tử của vị ấy.
Các Quả vị Thánh đều vô hiệu hóa các Nghiệp bất thiện có thể tạo ra sự tái sanh nghĩa là nó đều bị chìm trôi hết. Với các vị Thánh nhân, không có sự tái sanh bất hạnh trong nơi xấu (gati-vipattti) như là không bao giờ bị tái sanh vào cõi ngạ quỷ, súc sanh, hoặc địa ngục. Riêng đối với các bậc Thánh chỉ còn một vài kiếp chót tái sanh theo Quả vị thì các vị ấy luôn tái sanh trong cảnh tốt (gati-sampatti) nghĩa là chỉ có Nghiệp thiện cho ra Quả tái sanh vào Nơi sanh thành tựu như cõi người, cõi Chư thiên, và cõi Phạm thiên mà thôi. Và chắc chắn là các bậc Thánh trong ba Quả vị Thánh này sẽ thành tựu Quả vị Alahán trong vòng vài kiếp chót của mình nữa mà thôi.
Đại Đức Mục Kiền Liên (Mahāmoggallāna)
Một ví dụ điển hình về vị đệ tử Đại Đức Mục Kiền Liên. Trong một kiếp quá khứ , vị ấy đã cố giết cha mẹ mình. Vào kiếp cuối cùng là Đại Đức Mục Kiền Liên Nghiệp của ngài đã trổ Quả, khiến cho bọn cướp được thuê mướn băm thân ngài ra hàng trăm mảnh. Sau đó ngài đã nhập vào Vô dư Niết bàn. Với Quả vị Vô dư Niết Bàn, Nghiệp giết cha mẹ của ngài và tất cả các Nghiệp bất thiện khác của ngài trong vô lượng quá khứ và kể cả Nghiệp thiện trong vô lượng quá khứ cũng chìm trôi hết: đó là nhờ Quả vị Alahán đã ngăn chặn tất cả.Phương tiện nỗ lực thành tựu chỉ cho Quả an lạc
Từ sự giải thích của chúng tôi, quí vị có thể hiểu là phương tiện nỗ lực thành tựu chỉ cho Quả an lạc. Điều này đã được giải thích trong bài kinh Như Lai Lực Thứ nhất:
1) Này Tỷ kheo, không thể nào, một hành động thiện của Thân lại tạo ra nghiệp bất an, bất toại nguyện, phiền não : không thể có như vậy được. Này Tỷ kheo, chỉ có thể biết chắc rằng, Thân hành thiện luôn cho Quả an lạc, toại nguyện, hoan hỷ: là điều có thể biết chắc như vậy.
2) Này Tỷ kheo, không thể nào, một hành động thiện của Khẩu lại tạo ra nghiệp bất an, bất toại nguyện, phiền não : không thể có như vậy được. Này Tỷ kheo, chỉ có thể biết chắc rằng, Khẩu hành thiện luôn cho Quả an lạc, toại nguyện, hoan hỷ: là điều có thể biết chắc như vậy.
3) Này Tỷ kheo, không thể nào, một hành động thiện của Tâm (ý) lại tạo ra nghiệp bất an, bất toại nguyện, phiền não : không thể có như vậy được. Này Tỷ kheo, chỉ có thể biết chắc rằng, Tâm (ý) hành thiện luôn cho Quả an lạc, toại nguyện, hoan hỷ: là điều có thể biết chắc như vậy.
Chúng tôi đã kết luận phần giải thích là làm thế nào mà Nghiệp bất thiện lại bị vô hiệu hóa bởi do bốn thành tựu: Nơi tái sanh, Diện mạo tái sanh, thời điểm, phương tiện nỗ lực thực hiện.
Phi thành thựu đã trợ duyên cho Nghiệp bất thiện trỗ sanh
Chúng ta hãy nói về các Nghiệp bất thiện đã trổ Quả do bốn nghịch duyên của Pháp thành tựu
1) Nơi tái sanh phi thành tựu đã trợ duyên cho Nghiệp xấu trổ sanh:
Các Nghiệp bất thiện chưa kịp sanh đã được Pháp nơi tái sanh phi thành tựu – sanh thú (gati vipatti) trợ duyên cho nó trổ sanh
Khi Thiện nghiệp có thể trở thành Sanh nghiệp thì người ấy sẽ tái sanh ở nơi tốt đẹp như : cõi người, cõi trời. Đó là Nơi tái sanh thành tựu (gati sampatti). Nhờ Nơi tái sanh thành tựu mà bất thiện Nghiệp bị ngăn chặn không kịp trổ Quả. Nhưng bất chợt chỉ một Bất thiện nghiệp khởi sanh, anh ta hay cô ta có thể bị tái sanh trong khổ cảnh như : địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ…..Đó là Nơi tái sanh phi thành tựu (gati vipatti). Do duyên sanh của phi thành tựu này, các Nghiệp bất thiện có dịp trổ sanh hết cái này tới cái khác.
Có thời sẽ tái sanh vào địa ngục, thời khác thì vào cõi súc sanh, lúc thì cõi ma, lúc thì cõi quỷ. Một thời gian dài, Nghiệp bất thiện đã không cho phép người đó ngẩng đầu ra khỏi nơi sanh thấp kém. Một ví dụ cho ta thấy Đại Đức Losaka Tissa. Bởi do tham lam quá độ, ông đã đổ bỏ thức ăn của vị AlaHán, tội này cộng với Nghiệp hối hận trong nhiều năm, đã khiến ông tái sanh rất lâu trong địa ngục, nhiều lần làm ma quỷ, và nhiều kiếp làm chó.
2) Diện mạo tái sanh phi thành tựu đã trợ duyên cho Nghiệp bất thiện trổ sanh:
Có nhiều Nghiệp bất thiện chưa kịp sanh đã được Diện mạo tái sanh phi thành tựu (upadhi vipatti) trợ duyên cho nó trưởng thành.
Người có thể sanh ra tay chân lành lặn và đẹp đẽ, duyên dáng, mặt mày sáng rỡ như Phạm Thiên: đó là nhờ Diện mạo tái sanh thành tựu (upadhi – sampatti). Nhờ Pháp thành tựu này mà Nghiệp bất thiện không thể trổ quả đuợc. Nhưng một sát na Bất thiện Chướng nghiệp nhảy vào, thì lập tức anh ta hay cô ta liền bị tái sanh tay chân xấu xí, và ngoại hình khó coi, xấu xí: đó là Diện mạo tái sanh phi thành tựu (upadhi-vipatti). Vì duyên sanh khởi của Diện mạo tái sanh phi thành tựu mà các Nghiệp thiện đã bị ngăn chặn không thể trổ sanh.
Chú giải có nói rằng nếu như người được tái sanh làm nô lệ, thì anh ta cũng bị làm những công việc dơ dáy như vệ sinh hốt rác. Bởi do xấu xí, người chủ nghĩ rằng: “loại người này mới thích hợp với mấy công việc dơ dáy như vậy”. Nếu là phụ nữ thì bị giao cho việc lo thức ăn cho đàn voi…Và ngay cả phụ nữ sanh ra trong gia đình có thân thế, thì người thâu thuế của nhà vua lại nghĩ lầm rằng đây là một gia nô, nên đến bắt cô ta đem đi. Chú giải có kể ví dụ về người Srilanka xưa, một ông chủ đất rất lớn và có tiếng tăm, nhưng ông lại có người vợ rất xấu xí.
3) Thời điểm tái sanh phi thành tựu trợ duyên cho Nghiệp bất thiện trổ sanh:
Khi Nghiệp bất thiện chưa kịp sanh thì thời điểm phi thành tựu (kāla vipatti) xuất hiện sẽ trợ duyên cho nó trổ sanh:
Một người nào đó có thể sanh ra trong thời điểm đất nước có chính phủ tốt, con người tốt, ví dụ như thời kỳ mà con người bắt đầu xuất hiện vào đầu đại kiếp trái đất, lúc bấy giờ có vị Chuyển Luân vương hoặc Đức Phật ra đời, nên thời ấy được gọi là Thời điểm thành tựu (kāla sampatti), và do đó các Nghiệp xấu của người đó không thể trổ Quả được. Nhưng, chỉ một Chướng nghiệp nhảy vào người đó liền bị tái sanh vào Thời điểm phi thành tựu là chinh phủ không tốt, dân tộc không tốt, xấu xa….. lại nữa, cô ta hay anh ta còn có thể bị tái sanh vào thời điểm tuổi thọ con người chỉ còn 10 tuổi, và lúc mà sản phẩm sữa không còn tồn tại trên thế gian này nữa và các loại hạt giống kudrūsaka là loại thực phẩm tốt nhất vào thời bấy giờ. Cho dù được sanh ra làm người trong cõi người, nhưng lúc bấy giờ con người chẳng khác chi loài cầm thú. Thời kỳ đó được gọi là Thời điểm phi thành tựu (kālavipatti). Do duyên sanh khởi của Pháp thời điểm phi thành tựu này mà các Nghiệp bất thiện đều được trổ sanh.
4) Phương tiện nỗ lực phi thành tựu đã thúc đẩy Nghiệp xấu trổ sanh:
Khi Nghiệp xấu chưa kịp sanh thì được phương tiện nỗ lực phi thành tựu trợ duyên cho nó trổ sanh:
Khi phẩm chất con người có thể tốt đẹp. Anh ta hay cô ta biết giữ gìn giới đức trong sạch, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm….thì 10 điều của Nghiệp thiện mà chúng tôi đã đề cập ở trên là Phương tiện nỗ lực thành tựu (payoga sampatti). Nhờ Phương tiện nỗ lực thành tựu mà các Bất thiện nghiệp không có cơ hội trổ sanh. Nhưng, nếu anh ta hay cô ta thực hiện những hành vi như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, ….theo l0 điều của Bất thiện nghiệp thì Phương tiện nỗ lực phi thành tựu (payoga vipatti) này sẽ trợ duyên cho Bất thiện nghiệp trổ Quả. Chú giải có nói rằng đó là loại người bị bắt tội giải lên cho nhà vua trừng trị, bị đánh đập, hành hạ và sau cùng là xử trảm.
Trường hợp của Đại Đức Đề-Bà-Đạt-Đa là một điển hình mà chúng tôi đã đề cập trước.
Người được vua sủng ái
Kết luận của chú giải cho ta thấy có bốn loại thànhh tựu: Nơi tái sanh, diện mạo tái sanh, thời điểm và phương tiện nỗ lực. Nếu là Pháp thành tựu thì sẽ ngăn chặn không cho các Nghiệp bất thiện trổ sanh, nhưng ngược lại các Pháp phi thành tựu sẽ trợ duyên cho các Pháp bất thiện trổ sanh.
Để giải thích điều này chú giải có kể câu chuyện về một người đàn ông. Là người biết cách làm đẹp lòng vua, ông ta được vua ban thưởng chức tước với một vùng đất để cai quản. Với chức tước trong tay, ông ta dần dần làm những điều tệ hại nhũng nhiễu người dân trong vùng. Dựa vào thế lực của mình ông ta tiến hành chiếm đoạt tài sản, xe cộ, thú nuôi, gia nô, đất đai và đồng ruộng của người dân trong vùng. Nhưng vì được nhà vua yêu mến, nên không ai dám làm gì ông ta cả.
Rồi, một ngày nọ, ông đã phạm tội với một vị đại thần của triều đình. Vị này lại là người được nhà vua vô cùng quý mến. Ông ta ra lệnh bắt trói vị quan nọ và đánh đập. Và rồi vị đại thần này tâu lên với nhà vua việc cạy quyền ức hiếp dân lành của ông ta. Lập tức ông quan này bị xiềng lại và bị giam vào nhà lao. Đồng thời nhà vua ra lệnh đánh trống toàn thành và hỏi rằng: “Có ai bị cướp đoạt tài sản gì không?” Thế là hàng ngàn tiếng kêu khóc vang lên rằng: Tài sản đó của tôi đã bị cướp đi! Tài sản đó của tôi đã bị cướp đi! Nhà vua vô cùng phẫn nộ và ra lệnh hành hạ ông ta vô cùng dã man rồi sai chém đầu, quăng thây ngoài bãi tha ma và chỉ mang cái xiềng xích về báo cáo mà thôi.
Ở đây, đầu tiên rõ ràng là người đàn ông đã dùng mọi cách để lấy lòng nhà vua, và để đổi lại ông ta được ban thưởng chức tước và quyền lợi một vùng đất để cai quản: điều này cũng giống như một người có Nghiệp thiện và được tái sanh lên thiên đàng, không ai dám than phiền gì về Đức Hạnh kém cõi của ông ta cả vì ông ấy là người đang được nhà vua yêu mến: điều này cũng giống như Nghiệp bất thiện không thể trổ sanh bởi vỉ kẻ phàm nhân đó đang ở trên thiên đàng. Và nếu người đó lại phạm tội với một người mà được vua yêu thích nhiều hơn, rồi bị thất sủng, bị xiềng xích hành hạ, tù tội, rồi dân chúng lại đồng kêu rêu: “Tôi bị cướp đoạt tài sản! Tôi bị cướp đoạt tài sản!” Tất cả những duyên đó hợp lại giống như một người bị rơi từ thiên đàng xuống địa ngục và cùng một lúc các bất thiện Nghiệp khác của ông ta cũng đua nhau trổ. Sau khi bị xử tử, thây của ông ta bị quăng vào bãi tha ma và họ chỉ mang sợi dây xiềng xích của ông ta về mà thôi. Điều đó có nghĩa là người ấy phải chịu đau khổ qua một đại kiếp trái đất trong địa ngục và không bao giờ ngẩng đầu ra khỏi địa ngục, và mỗi khi một Nghiệp bất thiện này suy yếu thì lập tức có Nghiệp bất thiện khác tới thay thế.
Chú giải có nói rằng không chỉ là một mà hai hoặc hàng trăm, hàng ngàn con người đã hoàn thành Nghiệp bất thiện và có thể đang tiếp tục trả Nghiệp trọn một đại kiếp trái đất trong địa ngục. Và chắc chắn số lượng người đang ở địa ngục đông không sao kể xiết. Vậy nếu ai duyên với bốn Pháp phi thành tựu thì sẽ gặp biết bao hiểm nguy đang chờ đón phía trước khi Quả bất thiện trổ sanh.
PHÁP PHI THÀNH TỰU ĐÃ LÀM VÔ HIỆU LỰC NGHIỆP THIỆN
Chúng ta hãy nói về bốn loại Pháp phi thành tựu đã làm vô hiệu lực Nghiệp thiện.1) Nơi chốn tái sanh phi thành tựu vô hiệu hóa Nghiệp thiện
Nghiệp thiện chưa sanh thì bị Pháp Nơi tái sanh phi thành tựu (gati vipatti) ngăn chặn không cho nó sanh khởi.
Khi Nghiệp thiện của một người nào đó có thể tạo ra Quả tái sanh vào nơi chốn thích hợp: cõi người, hoặc cõi trời. Đó là nơi chốn tái sanh thành tựu (gati sampatti). Do duyên khởi của thành tựu này đã trợ duyên cho Nghiệp thiện của người đó trổ Quả tốt. Nhưng nếu chỉ cần một bất thiện Nghiệp xuất hiện thì anh ta hay chị ta lập tức bị tái sanh vào cõi xấu xa như địa ngục, súc sanh và ngạ quỷ. Là nơi chốn của Nơi tái sanh phi thành tựu (gativipatti). Vì duyên này của Pháp phi thành tựu mà các Nghiệp thiện bị ngăn trở không thể trổ Quả.
Vua A Xà Thế (Ajātasattu)
Một ví dụ của vua A Xà Thế về minh và hạnh (vijjā-carana). Ông là con trai của vua Tần Bà Sa, là người đã nhập vào dòng Thánh và là một đại thí chủ của Phật Bảo và Tăng Bảo vào thời đó. Để soán đoạt ngôi, vua A Xà Thế đã nhẫn tâm giết hại cha mình. Rồi một đêm nọ, vua A Xà Thế đã đuợc diện kiến Đức Thế Tôn và được Đức Phật thuyết giảng bài kinh Sāma¤¤a Phala (Sa môn Quả). Sau khi nghe Đức Phật thuyết Pháp, đáng lý với Ba-la-mật (paramī) tròn đủ có thể nhập vào dòng Thánh giống như cha mình. Nhưng đáng tiếc vì ác Nghiệp giết cha quá nặng, là Pháp phương tiện nỗ lực phi thành tựu (payoga vipatti) mạnh mẽ nên dù vua A Xà Thế đã tạo Nghiệp thiện khi nghe Đức Phật giảng Pháp nhưng Quả thiện không thể trổ được nên ông ta đã không thể chứng đắc Đạo và Quả mà vẫn còn nguyên là một kẻ phàm nhân (puthujjana) . Vào lúc lâm chung, vì ác Nghiệp giết cha, ông ta đã bị đoạ địa ngục và liên tục các Nghiệp thiện đã bị ác Nghiệp này tiêu hoại và còn tiếp tục vô hiệu hóa nhiều lần nữa.2) Diện mạo tái sanh phi thành tựu đã vô hiệu hóa các Nghiệp thiện
Có Nghiệp thiện chưa kịp trổ sanh thì đã bị diện mạo tái sanh phi thành tựu (upadhi vipatti) ngăn chặn.
Từ ảnh hưởng của Diện mạo tái sanh thành tựu anh ta hay cô ta có vẻ đẹp thu hút, tay chân lành lặn,
vẻ mặt sáng rực như Phạm Thiên vậy. Đó là Diện mạo tái sanh thành tựu (upadhi sampatti). Do duyên của diện mạo tái sanh thành tựu, một số thiện Nghiệp đã trổ sanh theo. Nhưng chỉ một Chướng Nghiệp (upapīlaka kamma) nhảy vào, anh ta hay cô ta có thể tái sanh thành nghiệp xấu với tay chân bệnh tật, gương mặt khó coi, xấu xí…đó chính là Diện mạo tái sanh phi thành tựu (upadhi vipatti).
Duyên với diện mạo tái sanh phi thành tựu (upadhi vipatti), các Nghiệp thiện đều bị vô hiệu hóa không thể trổ sanh được.
Ví dụ, nếu như, được sanh ra trong một gia đình hoàng tộc, anh ta không được phong làm vua bởi ai cũng sẽ nghĩ rằng “Đất nước này sẽ đi về đâu nếu gặp một ông vua kém may mắn như vậy…” Và nếu, anh ta sinh ra trong một gia đình một vị tướng, anh ta sẽ không được kế thừa vị trí của cha mình, và cứ như thế.
Một vị vua trên đảo nhỏ
Trong chú giải có kể một câu chuyện về người Srilanka cổ xưa. Có một vị vua nọ, hoàng hậu vừa hạ sanh cho ông ta một hoàng nam, nhà vua mừng vui ban cho hoàng hậu một ân huệ. Hoàng hậu liền cất giữ ân huệ riêng này cho mình về sau. Và rồi khi hoàng tử lên 7, 8 tuổi thì cậu bé này đã tổ chức đá gà, đó là phương tiện nỗ lực phi thành tựu (payoga vipatti). Một con gà trống đã nhảy lên mổ mù một mắt của hoàng tử. Đến khi hoàng tử được 15, 16 tuổi, hoàng hậu muốn nắm quyền bính thông qua đứa con của mình. Bà bèn xin ân huệ nhà vua giao vương quyền lại cho hoàng tử. Nhưng nhà vua đã từ chối lời cầu xin này chỉ vì cậu bé bị chột mắt. Hoàng hậu bèn luôn miệng phiền trách nhà vua. Để làm vừa lòng hoàng hậu, nhà vua bèn cấp cho hoàng tử một hòn đảo nhỏ tên là Nāgadīpa để trị vì. Như vậy, trong trường hợp này, nếu hoàng tử có đầy đủ hai mắt, không bị tàn tật, thì chàng ta đã trở thành vua của nước Srilanka rồi.
3) Thời điểm tái sanh phi thành tựu vô hiệu hóa Nghiệp thiện
Có vài Nghiệp thiện chưa xảy ra đã bị ngăn chặn bởi thời điểm phi thành tựu (kālavipatti) không cho nó trổ.
Có người có thể sanh ra trong thời điểm chính phủ tốt, con người tốt, ví dụ con người bắt đầu xuất hiện trong thời kỳ đầu của đại kiếp trái đất. Lúc đó có vị Chuyển luân vương, hoặc Đức Phật: đó là thời điểm thành tựu (kāla sampatti). Do duyên khởi của Pháp thành tựu mà Nghiệp bất thiện của anh ta đã không trổ sanh. Nhưng chỉ một Chướng Nghiệp (upapīlaka kamma) bất chợt tác động lên anh ta hay cô ta mà đáng lý được tái sanh tốt thì lại bị tái sanh trong một đất nước có chính phủ không tốt, con người xấu xa, bẩn thỉu và yếu đuối. Cô ta hay anh ta có thể bị tái sanh trong thời gian tuổi thọ con người chỉ còn lại là 10 tuổi, khi mà các sản phẩm sữa đã không còn tồn tại trên thế gian này nữa và con người chỉ có ăn hạt kudrūsaka. Còn nếu được tái sanh làm người thì con người thưở đó chẳng khác chi loài cầm thú. Được sanh ra trong thời kỳ này gọi là thời diểm phi thành tựu (kāla vipatti). Do duyên sanh của Pháp thời điểm phi thành tựu này mà các Nghiệp thiện đều bị vô hiệu hóa.
4) Phương tiện nỗ lực tái sanh phi thành tựu vô hiệu hóa Thiện nghiệp
Nghiệp thiện chưa sanh đã bị phương tiện nổ lực phi thành tựu (payoga vipatti) ngăn chặn không cho nó trổ sanh.
Khi phẩm chất con người có thể tốt đẹp. Anh ta hay cô ta biết giữ gìn giới đức trong sạch, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm….thì 10 điều của Nghiệp thiện mà chúng tôi đã đề cập ở trên là Phương tiện nỗ lực thành tựu (payoga sampatti). Nhờ Phương tiện nỗ lực thành tựu mà các Bất thiện nghiệp không có cơ hội trổ sanh. Nhưng, nếu anh ta hay cô ta thực hiện những hành vi như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, ….theo l0 điều của Bất thiện nghiệp thì Phương tiện nỗ lực phi thành tựu (payoga vipatti) này sẽ vô hiệu hoá Thiện nghiệp.
Trong Chú giải có nói rằng thời đó người ta không cho phép những người như vậy được kết hôn với người cùng tầng lớp quý tộc với mình. Vì họ nghĩ rằng loại người này thường lỗ mãng với phụ nữ, ham mê rượu chè, cờ bạc….và họ luôn tránh xa loại người như thế.
Con trai Trưởng giả Mahādhana
Con trai Trưởng giả Mahādhana. Chúng ta nói về Minh và Hạnh (vijjācarana) của anh ta. Anh ta được sinh ra trong một gia đình giàu sang tột bực của thành Ba La Nại, kết hôn với con gái của một gia đình cũng hết sức giàu có khác. Nhưng vì quá giàu, anh ta chỉ biết tiêu khiển thời gian vào việc chè chén say sưa, tiệc tùng, xức nước hoa, đàn hát và nhảy múa… hằng ngày trên chính gia sản của mình, đó là phương tiện nỗ lực phi thành tựu (payoga vipatti). Vì tác động của phương tiện nỗ lực phi thành tựu (payoga vipatti) nên các Nghiệp bất thiện của anh ta đã trổ Quả, và kết thúc cuộc đời bằng cái nghèo xơ xác và cuối cùng trở thành người ăn xin đói rách. Đức Phật Thích Ca nói với Đại Đức ânanda rằng nếu như Mahādhana biết siêng năng chăm chỉ thời còn tuổi trẻ, ông ta đã có thể trở thành một người trưởng giả tầm cỡ tột bực của Thành Ba La Nại. Hoặc nếu như ông ta trở thành một người xuất gia trong thời trai trẻ đó, ông ta sẽ đắc quả Alahán, và vợ sẽ đắc quả Bất Lai. Trong cả hai trường hợp, đó là phương tiện nỗ lực thành tựu (payoga sampatti), nó sẽ trợ duyên cho Nghiệp thiện trổ sanh. Đồng nghĩa như vậy, nếu thời trung niên, Mahādhana biết siêng năng chăm chỉ thì ông ta sẽ trở thành một người Trưởng giả tầm cỡ hạng nhì của Thành Ba La Nại. Hoặc nếu như ông ta trở thành một người xuất gia trong thời trung niên, ông ta sẽ chứng quả Bất Lai, và vợ sẽ chứng quả Nhất Lai. Trong cả hai trường hợp, một lần nữa phương tiện nỗ lực thành tựu (payoga sampatti), nó sẽ trợ duyên cho Nghiệp thiện trổ sanh.Hoặc giả nếu như Mahādhana biết siêng năng chăm chỉ thời lão niên, ông ta sẽ trở thành một người Trưởng giả tầm cỡ hạng ba của Thành Ba La Nại. Hoặc nếu như ông ta trở thành một người xuất gia trong thời lão niên, ông ta sẽ chứng quả Bất Lai, và vợ ông ta sẽ chứng quả Tu Đà Hoàn. Trong cả hai trường hợp, lại một lần nữa, phương tiện nỗ lực thành tựu (payoga sampatti) sẽ trợ duyên cho Nghiệp thiện trổ sanh.
Nhưng vì phương tiện nỗ lực phi thành tựu (payoga vipatti) tác động nên các thiện Nghiệp đã bị ngăn trở không cho nó trổ Quả, và bấy giờ ông ta chẳng còn gì cả: nghĩa là ông chẳng có được Quả báu của một người giàu sang tột bậc của một đời sống cư sĩ mà cũng chẳng đạt được Quả báu cao thượng của một bậc xuất gia tu sĩ. Và do đó khi lâm chung, ông đã bị tái sanh vào địa ngục là Pháp Nơi chốn tái sanh phi thành tựu (gati-vipatti) phát sanh và vô hiệu hóa các thiện Nghiệp khác không cho nó khởi sanh, đồng thời nó trợ duyên cho các Nghiệp bất thiện khác trổ Quả hết bất thiện nghiệp này tới bất thiện nghiệp khác. Cả hai vợ chồng đều đã viên mãn tròn đầy các Nghiệp thiện của mình trong các kiếp đáng lý để có thể trở thành một người giàu sang tột bực hoặc cũng đáng lý để trở thành một bậc Thánh nhân. Nhưng rất tiếc, Nghiệp thiện ở đây chỉ có thể trổ Quả khi các phương tiện nỗ lực thành tựu có đầy đủ duyên lành và đủ lực mạnh ngang bằng với Nghiệp thiện, trong khi đó điều kiện nỗ lực phi thành tựu lại nhiều hơn và mạnh hơn phương tiện nỗ lực thành tựu thì Nghiệp thiện cũng không thể trổ Quả được.
Làm thế nào để tránh các Pháp phi thành tựu
Bây giờ chúng ta hãy giải thích làm thế nào mà bốn Pháp phi thành tựu lại có thể vô hiệu hóa các Nghiệp thiện không cho nó trổ sanh. Hãy ghi nhớ điều này trong tâm, quý vị có thể hiểu sự nguy hiểm của bốn Pháp phi thành tựu này như thế nào rồi. Vậy làm sao để phòng tránh được chúng? Chỉ có cách là phòng tránh các Nghiệp bất thiện.Nghiệp bất thiện sẽ giúp cho quý vị sớm gặp bốn Pháp phi thành tựu này trong các kiếp sống vị lai: vì các Pháp phi thành tựu này luôn sẵn sàng chào đón quý vị vô cùng nồng hậu và cung cấp cho quý vị một mãnh đất hết sức màu mỡ cho các Nghiệp Quả bất thiện của quý vị trổ sanh: đó là Quả về bất mãn, về khó chịu, về phiền não. Như thế thì, làm thế nào để có thể phòng tránh Nghiệp bất thiện? Bằng cách tạo Nghiệp thiện. Nghiệp thiện sẽ giúp cho quý vị sớm gặp bốn Pháp thành tựu trong các kiếp sống vị lai. Các Pháp thành tựu này cũng sẽ cung cấp mãnh đất màu mỡ cho các thiện Nghiệp của quý vị trổ Quả. Đó là các Quả về toại nguyện, vui vẻ, an lạc.
Trong bất kỳ kiếp sống nào, tất nhiên có ba loại Pháp thành tựu và Pháp phi thành tựu nằm ngoài sự kiểm soát của chúng ta.
1) Nơi chốn tái sanh thành tựu hoặc phi thành tựu
2) Diện mạo tái sanh thành tựu hoặc phi thành tựu
3) Thời điểm tái sanh thành tựu hoặc phi thành tựu
Trong bất kỳ kiếp sống nào, phương tiện nỗ lực thành tựu đều nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta.
Tuy nhiên, trong trường hợp của quý vị thì ba trong số đó nằm ngoài tầm kiểm soát của con người là các Pháp thành tựu. Ngay trong đời này quý vị đã đạt Quả báu tái sanh làm người: đó là Pháp Nơi tái sanh thành tựu, Pháp thứ nhứt.
Quý vị khi được làm người, mặc dù không có sắc diện đẹp đẽ và vẻ sáng rỡ như vị Phạm thiên, nhưng có tay chân lành lặn, các căn tròn đủ: mắt có thể thấy, tai có thể nghe…, đó là Pháp thứ hai, diện mạo tái sanh thành tựu.
Sau cùng, ở đây và ngay bây giờ quý vị đã được sanh ra ở cõi người trong thời kỳ có Giáo Pháp của Đức Phật, đó là Pháp thứ ba, thời điểm thành tựu.
Quý vị đã đạt được ba Pháp thành tựu này do nhờ Pháp phương tiện nỗ lực thành tựu từ kiếp quá khứ cho đến hiện tại. Đồng thời với ba Pháp thành tựu này, quý vị đã có đủ cơ hội để tiếp tục phát triển cùng với yếu tố phương tiện nỗ lực thành tựu.
Có thể nói là quý vị sẽ tiếp tục phát triển Nghiệp thiện với bốn Pháp thành tựu nói trên. Nghĩa là các Pháp thành tựu này sẽ đón tiếp quý vị một cách hiếu khách tất cả các Nghiệp thiện mà quý vị đã làm trong vô lượng kiếp quá khứ cũng như trong kiếp hiện tại này.
Quả của những Nghiệp thiện này chỉ sẽ là toại nguyện, vui thích, dễ chịu. Vì vậy hãy cố tránh phương tiện nỗ lực phi thành tựu. Làm thế nào để làm được như thế?
Hãy nhớ những gì Đức Phật đã dạy trong bài kinh Gaddula Baddha:
Vì thế, này Tỷ kheo, mồi người hãy luôn quán chiếu nhiều lần tâm của mình: “Đã từ rất lâu tâm của ta đã bị ô nhiễm bởi tham, sân, si..
Bởi tâm ô nhiễm, này Tỷ kheo, con người bị ô nhiễm; bởi tâm trong sạch thì con người cũng sẽ trong sạch.
Tham, sân, và si đã làm tâm ô nhiễm, nơi nào không có tham, sân và si thì tâm được trong sạch.Với tâm vô tham, vô sân, vô si thì tư của mỗi hành động sẽ cho ra hành động thiện. Vì thế quý vị cần trong sạch tâm bằng thực hành 10 thiện Pháp của Nghiệp (dasa-kusala-kamapatha). Chúng ta đã thảo luận phần này ở trên.
1) Ba thiện Pháp thuộc về Thân Nghiệp (kāya kamma): Không sát sanh, mà dùng lòng từ, bi. Không trộm cắp, không tà dâm.
2) Bốn thiện Pháp của Khẩu Nghiệp (vacī kamma): Không nói dối, không nói lời đâm thọc, lời chửi rủa mắng nhiếc mà lời lẽ lịch sự, không nói lời vô ích.
3) Ba thiện Pháp của Ý Nghiệp (mano kamma): không ý dèm pha, ý chia rẽ, chấp thủ tà kiến, nhưng có Chánh kiến. Đó điều quan trọng nhất là phải có tín tâm đối với Nghiệp và Quả.
Mười thiện Pháp này là Nghiệp thiện hiệp thế. Chúng ta có 7 cách giải thích về cách thực hành. Ví dụ như cái mà Đức Phật gọi là những ba phước-nghiệp-sự (puñña-kiriya-vatthu):
1) Bố thí (Dāna)
2) Trì Giới: (Sīla) Đối với tăng thì giữ Giới theo Giới luật, đối với tu nữ thì giữ 8 hoặc 10 Giới. Đối với cư sĩ thì giữ 5, 8, và 10 Giới
3) Tham thiền (Bhāvanā): thiền Định thì thực hành đến cận định hoặc các tầng thiền, về thiền Tuệ, để biết và thấy được Tam tướng Vô thường, Khổ, Vô ngã…của các danh chơn đế (nāma paramatha) và sắc chơn đế (rūpa paramatha), của quá khứ, vị lai, hiện tại, thô và tế, hạ liệt, cao thượng, xa và gần.
Đức Phật giải thích về ba phước-nghiệp-sự trên cũng thuộc về Minh và Hạnh (vijjācarana). Chúng tôi cũng đã đề cập ở trên:
1) Hạnh (caraõa) là 15 điều: Giới, thu thúc lục căn, tiết chế ăn uống, tỉnh giác, Chánh tín (bao gồm việc thực hành bố thí hằng ngày), Chánh niệm, tàm, quý, đa văn, tinh tấn, Trí Tuệ, và 4 tầng thiền.
2) Minh (vijjā) là các Tuệ Minh Sát cho tới Tuệ Hành Xã (Sankhār-Upekkha-Ñāṇa)
Minh và Hạnh (vijjācarana). cũng là nền tảng của Tam vô lậu hoặc : Giới (sīla), Định (samadhi) và Tuệ (paññā). Để rèn luyện Giới đức thì có 3 điểm chính là: Chánh Ngữ (Sammā Vācā), Chánh Nghiệp (Sammā Kamanta), Chánh Mạng (Sammā Ājīva). Khi rèn luyện Giới đức, giới ta sẽ được thanh tịnh (sīla visuddhi gioi )
Và dựa vào Giới đức trong sạch, quý vị có thể tu tập định (samādhi). Đó là thiền Chỉ, trong thiền Chỉ phải thực hành 3 điều: Chánh Tinh Tấn (Sammā vāyāma), Chánh Niệm (sammā sati), Chánh Định (Sammā Samādhi). Khi rèn luyện Định, nếu quý vị đạt được cận Định và 8 bậc thiền chứng thì quý vị sẽ đạt được tâm thanh tịnh (citta visuddhi).
Rồi dựa vào Giới đức trong sạch và tâm thanh tịnh, có thể thực hành về Tuệ. Đó là thiền Minh Sát, để rèn luyện hai điều: Chánh Kiến (sammā ditthi), Chánh Tư Duy (sammā sankappa). Khi thực hành thiền Tuệ (tùy theo ba la mật của bạn) bạn có thể đạt được Kiến Thanh Tịnh (Ditthi Visuddhi): đó là sự chứng đắc về Chánh Kiến (Sammā Ditthi).
Chánh Kiến là gì? Đức Phật đã giải thích điều đó trong kinh Đại Niệm Xứ (Mahā-Sati-Paṭṭhāna) như sau:
Này Tỷ Khưu, cái gì gọi là Chánh Kiến? Đó là, này Tỷ Khưu
- Tuệ tri về Khổ, (Dukkhe ñāṇam)
- Tuệ tri về nguồn gốc của Khổ (Dukkha Samudaye ñāṇam)
- Tuệ tri về sự diệt Khổ (Dukkha Nirodhe ñāṇam)
- Tuệ tri về con đường dẫn đến đoạn diệt Khổ đau (Dukkha-Nirodha-gāminiyā-patipadāya ñāṇam). Này, Tỷ Khưu đó gọi là Chánh Kiến.
Tuy nhiên, quý vị có thể không đạt được tâm thanh tịnh trong đời này. Nhưng dù sao đi nữa, nếu quý vị nỗ lực thực hành Tam vô lậu học Giới, Định, Tuệ miên mật và kiên trì càng nhiều bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, chúng ta có thể nói rằng quý vị đang thực hiện bốn Pháp thành tựu. Và vì thế, khi đó Nghiệp thiện của quý vị sẽ trổ Quả thật lợi lạc.
Các Pháp thành tựu trợ duyên cho Nghiệp thiện
Và bây giờ chúng ta sẽ thảo luận làm thế nào để 4 Pháp thành tựu trợ duyên cho Nghiệp Thiện trổ Quả.1) Nơi chốn tái sanh thành tựu trợ duyên cho Nghiệp Thiện
Nghiệp Thiện chưa kịp sanh thì Nơi chốn tái sanh thành tựu tạo duyên cho nó trổ sanh.
Nghiệp bất thiện của người đó có thể tái sanh trong cõi xấu như Địa Ngục, Súc sanh, Ngạ quỷ. Đó là nơi chốn tái sanh phi thành tựu (gati vipatti). Do duyên khởi của Pháp phi thành tựu, Nghiệp Thiện của anh ta hay cô ta đã bị ngăn trở không thể trổ sanh. Nhưng, do một Nghiệp thiện, anh ta hay cô ta lại được tái sanh ra ở nơi chốn tốt đẹp là cõi Người hoặc cõi Trời. Đó là nơi chốn tái sanh thành tựu. Bởi duyên khởi của Pháp thành tựu, các Nghiệp thiện có cơ hội trổ Quả, hết Nghiệp này đến Nghiệp khác. Trong cùng một lúc tất cả Nghiệp thiện này sẽ tạo ra sự tái sanh trong cõi Người, hoặc vào lúc khác thì nó tạo ra sự tái sanh ở cõi Trời. Trong một thời gian thật dài, các Nghiệp thiện giữ cho người đó không bị rơi vào cõi tái sanh thấp hơn.
Đại Đức Pa¤ca-Sīla Samādāniya
2) Diện mạo tái sanh thành tựu (upadhi sampatti) trợ duyên cho Nghiệp thiện
Có những Nghiệp thiện chưa kịp trưởng thành thì được trổ sanh trong thời điểm diện mạo tái sanh thành tựu (upadhi sampatti).
Có người tay chân dị tật, ngoại hình xấu xí: đó là diện mạo tái sanh phi thành tựu (upadhi vipatti). Do duyên khởi của Pháp phi thành tựu một số Nghiệp thiện đã bị ngặn chận không thể trổ sanh. Nhưng, một Nghiệp thiện, cô ta hay anh ta lại được tái sanh với sắc diện đẹp đẽ, sáng rực như Phạm Thiên, đó là diện mạo tái sanh thành tựu. Do duyên khởi của Pháp thành tựu này mà các Nghiệp thiện lại có dịp trổ Quả.
Theo chú giải, nếu một người được tái sanh trong một gia đình hoàng tộc, ngay cả những người anh cả cũng sẽ nói về người em như sau “Cậu ấy chính là Quả phúc và sự may mắn; nếu như chiếc dù của cậu ấy mà giương lên nơi nào, thì nơi đó chắc chắn sẽ có hạnh phúc”. Và cậu ta là người ai cũng mong đợi. Lại nữa, nếu sinh ra trong một gia đình phó vương hay là một vị tướng thì anh ta sẽ kế Nghiệp cha mình.
Một ví dụ khác về một người có diện mạo tái sanh thành tựu, đó là vị Chuyển Luân vương như là Đại Thiện Kiến Vương (Mahāsudassana)
3) Thời điểm tái sanh thành tựu trợ duyên Nghiệp thiện
Những Nghiệp thiện chưa kịp trưởng thành đã được trổ sanh tại thời điểm thành tựu (kāla sampatti)
Có người sinh ra trong thời điểm chính phủ không tốt, con người xấu xa, ghê tởm và yếu đuối, đó là thời điểm phi thành tựu (kāla vipatti). Do duyên sanh của Pháp phi thành tựu Nghiệp thiện của anh ta hay cô ta không thể trổ Quả.
Nhưng chỉ một Nghiệp thiện thình lình xuất hiện, anh ta hay cô ta lại có thể được tái sanh vào thời điểm chính phủ tốt, con người tốt, ví dụ như chúng sanh được sanh ra trong thời kỳ đầu của đại kiếp Trái Đất. Lúc đó có vị chuyển luân vương hoặc Đức Phật ra đời : đó là thời điểm thành tựu (kāla sampatti). Do duyên của Pháp thành tựu, các Nghiệp thiện có cơ hội trổ sanh.
Đại Đức MahāSona
Chú giải đã kể về một trường hợp của Pháp thời điểm tái sanh phi thành tựu sẽ vô hiệu lực Nghiệp thiện, không cho nó trổ sanh và rồi khi Pháp phi thành tựu chuyển sang thành tựu, những Nghiệp thiện được trợ duyên cho nó trổ sanh. Đó là trường hợp Đại Đức MahāSona xảy ra vào thời kỳ Sri Lanka cổ xưa, khi mà sự quấy nhiễu của kẻ cướp có tên gọi là Brahman Tissa. Lúc đó có nạn đói xâm chiếm và nhà vua đã chạy lánh nạn. Hầu hết các vị Tỷ kheo đều chạy sang Ấn Độ lánh nạn, chỉ có một số vị Tỷ kheo cao hạ đã ở lại: hai trong số họ là Đại Đức Isidatta và Đại Đức Mahāsona.
Trên đường du cư, họ đã sống bằng vỏ trái cây và ngó sen được cúng dường. Tại một ngôi làng, con gái của một gia đình thiện tín đã mời họ đến đặt bát. Vì không có thực phẩm cô gái đã nghiền vỏ cây và lá cây và vò thành ba nắm. Một nắm cô đặt vào bát của ngài Isidatta, còn nắm kia cô đặt vào bát của ngài Mahāsona. Sau đó, khi cô vươn tay ra để đặt vào bát của ngài Isidatta thì cô lại chuyển hướng để vào bát của ngài Mahāsona. Khi đó Đại Đức Isidatta nói “Nghiệp của người mà nó trổ Quả thiện với nắm lá và vỏ cây cúng dường hôm nay là kết Quả thấy được trong thời kỳ cực kỳ khó khăn của kẻ cướp Brahma Tissa, chứng tỏ là một Quả thiện thực sự to lớn biết dường nào mà nó không trổ vào thời điểm và nơi chốn thành tựu nữa”. Sau đó gia đình người tín nữ này đã đưa hai vị Tỷ kheo này đến một nơi ở và chăm sóc họ, trong suốt thời kỳ khó khăn kéo dài bằng thời điểm phi thành tựu (desa-kāla-sampadāya).
Khi kẻ cướp Brahma Tissa chết, nhà vua quay trở về, Chư tăng cũng trở về từ nước ngoài và 500 vị Tỷ kheo đã mang Đại Đức Mahāsona về tu viện Maõdalārāma.
Đêm đó chư thiên đã báo cho 700 gia đình trong ngôi làng biết là ngày mai phải đặt bát cho Chư tăng: mỗi người phải mang phần ăn và miếng vải dài 9 sải tay. Và ngày hôm sau khi các vị Tỷ kheo đi bát và được mời ngồi và nhận cháo gạo. Vị Tỷ kheo lớn nhất của tu viện Maõdalārāma.
có tên gọi là Tissabhuti. Một người thiện tín đứng đầu trong làng đến đảnh lể ngài và hỏi “Thưa ngài, ai là Đại Đức Mahāsona?” Vào lúc đó, Đại Đức Mahāsona còn là một Tỷ kheo thấp hạ được đặt ngồi ở cuối dãy. Vị Tỷ kheo lớn hạ chỉ ông ấy và nói “Này thiện nam, đấy là Mahāsona”
Người thiện nam đảnh lễ Đại Đức Mahāsona và mong muốn rước bát. Nhưng Đại Đức suy nghĩ: “Làm thế nào mà họ biết đến ta? Có lẽ do ai chỉ”. Và vị ấy không đưa bát, là một Tỷ kheo thấp hạ vị ấy không muốn cho người ta xem trọng mình hơn người khác.
Tỷ kheo cao hạ là Đại Đức Tissabhuti nói với vị ấy: “Này bạn hữu Mahāsona vừa rồi ông không biết lý do tại sao, chính tôi cũng không biết tại sao. Chư thiên tạo duyên lành cho Nghiệp thiện chin muồi được trổ Quả và đến với ai có Nghiệp thiện đó. Vậy ông hãy trao bát cho người ấy và giúp người bạn của mình có cuộc sống Thánh nhân tốt đẹp.” Vì thế Đại Đức Mahāsona đã giao bát của mình. Người thiện nam đã mang bát đi và đặt đầy thức ăn vào và buột miếng vải vào chân bát, anh ta mang đến và đặt vào tay của Đại Đức. Và một người thiện nam khác cũng làm như vậy và tiếp tục như thế … Cho đến khi Đại Đức Mahāsona một mình nhận 700 phần thực phẩm. Ngài đã chia cho các vị Tỷ kheo khác.
Sau đó khi đai đức trở về thủ đô Anurudhapura, Đại Đức đi bát cùng với chư tăng Tỷ khưu và cũng nhận được nhiều bát và sự tôn kính của thí chủ.
Rồi khi thời điểm phi thành tựu ngay cả vỏ trái cây madhuka và cọng sen trắng rất khó hái. Nhưng khi chuyển sang thời điểm thành tựu thì là sự gặt hái lớn
Đại Đức Vattabbaka Nigrodha
Trong chú giải có kể về trường hợp khác của thời kỳ khó khăn của kẻ cướp Brahmam Tissa trong thời Srilanka cổ xưa. Đó là Đại Đức Vattabbaka Nigrodha, lúc đó còn là Sadi, cũng giống như Đại Đức Mahāsona, ông ấy và vị thầy của mình đã không rời đất nước của mình. Trong khi du cư, họ sống bằng trái cây mà họ có được và cuối cùng họ đã tìm thấy được một tu viện bỏ trống trong xứ của những người chuyên ăn lá cây. Họ ở lại đó và được những thiện tín cúng dường với rễ, lá, thân, củ, trái cây. Khi thời kỳ khó khăn qua đi, vị sadi được thọ cụ túc Giới và trở thành Đại Đức Vattabbaka. Vị ấy nhận được nhiều tứ vật dụng và sự kính trọng. Rồi thì đến Thời điểm phi thành tựu (kāla vipatti) rễ, lá, thân, củ, trái cây trở nên khó tìm: tức nhiều Nghiệp thiện đã bị ngăn chặn không thể trổ Quả. Nhưng khi Thời điểm Phi thành tựu chuyển đổi sang Thời điểm Thành tựu (kāla sampatti), Đại Đức Vattabbaka nhận được nhiều tứ vật dụng và nhiều Nghiệp thiện đã được trổ Quả theo.4) Phương tiện nỗ lực tái sanh thành tựu trợ duyên cho Nghiệp thiện
Có vài Nghiệp thiện chưa sanh được trưởng thành tại thời điểm phương tiện nỗ lực thành tựu (payoga sampatti).
Đức Hạnh của con người có thể xấu. Anh ta hay cô ta có thể sát sanh, trộm cắp, tà dâm. Mười bất thiện Pháp của Nghiệp bất thiện đó là phương tiện nỗ lực phi thành tựu (payoga vipatti). Do duyên sanh của Pháp phi thành tựu, Nghiệp thiện bị vô hiệu hóa không thể trổ sanh. Nhưng rồi cô ta hay anh ta có thể thực hiện một giới hạnh tốt. Cô ta hay anh ta thực hành 5 Giới, 8 Giới, 10 Giới. Cô ta và anh ta không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm…: đó là mười thiện Pháp. Là phương tiện nỗ lực thành tựu (payoga sampatti). Do duyên sanh khởi của Pháp thành tựu Nghiệp thiện có thể trổ sanh Quả.
Anh ta có thể tái sanh vào thời điểm chính phủ tốt và nhà vua có Đức Hạnh, đó là thời điểm thành tựu (kāla sampatti). Rồi nhờ Đức Hạnh đó, vị vua sẽ hài lòng và suy nghĩ về anh ta “có lẽ con gái ta xứng với hắn”. Nhà vua sai người đem tới chỗ anh ta các đồ trang sức và suy nghĩ “những đồ trang sức này có lẽ hợp với anh ta”, nhà vua còn sai mang nhiều loại quà đặc biệt như vương xa, thú, vàng bạc châu báu..để tặng anh ta. Và nếu anh ta trở thành một tu sĩ, anh ta sẽ nổi tiếng và dũng lược.
Đại Đức Cūlasudhamma
Lại nữa, chú giải kể về trường hợp ông vua tên Kutakanna trong thời SriLanka cổ xưa.. Ông hết lòng tận tụy với Đại Đức Cūlasudhamma. Một lần nọ, ông đến gặp vị Tỷ kheo đang sống trong tu viện gần đó. Nhà vua bèn hỏi mẹ vị ấy xem vị ấy thích món gì. Bà cho biết ngài chỉ thích ăn thân cây rau. Nhà vua liền đích thân mang thức ăn đến và đi thẳng vào tu viện, nhưng khi cúng dường vị Tỷ kheo, nhà vua không thể nhìn được mặt vị ấy (vì vị ấy luôn ngó xuống trong oai nghi đi đứng Chánh niệm). Khi ra ngoài, nhà vua liền hỏi hoàng hậu: “Trông Ngài Đại Đức ra sao?” Hoàng hậu bèn đáp “Thưa, Bệ hạ là đấng nam nhi mà còn không nhìn được vị ấy ra sao nữa thì làm sao thần thiếp biết được? Thần thiếp còn không biết mặt mũi vị ấy thế nào.” Nhà vua bèn bảo rằng “Trong vương quốc của ta, (không ai ngó nhìn lên, theo lời dạy của Đức Phật), ngay cả ta mà còn không dám nhìn lên mặt con trai của người nộp thuế (bali-kāra-gahapati-putta). Thật kỳ diệu thay, chỉ có Giáo Pháp Đức Phật mới có được như vậy”. Nhà vua vô cùng hoan hỷ và vỗ tay tán thán.
Vị đại thần vô tội
Điều này đã kết luận phần giải thích của chúng tôi là làm thế nào bốn Pháp phi thành tựu (nơi chốn, sắc diện, thời điểm và nỗ lực phi thành tựu) đã vô hiệu hóa các Nghiệp thiện không thể trổ sanh, nhưng ngược lại bốn Pháp thành tựu thì trợ duyên cho nó trổ sanh.Để giải thích, chú giải có cho một thí dụ sau. Giả dụ, một ông vua vì tức giận một vị đại thần nọ về việc gì đó, nhà vua liền cách chức và tống giam ông ta vào đại lao. Người thân của vị đại thần này biết ông ta bị hàm oan, nhưng không ai hé răng lời nào, vì biết nhà vua đang nỗi cơn lôi đình. Khi cơn giận của nhà vua đã nguôi ngoai, họ bèn tâu cho nhà vua hay rằng vị quan ấy hoàn toàn vô tội. Nhà vua liền ra lệnh thả và phục hồi chức vụ cũ cho ông ta. Tiếp theo, vị quan này được mọi người từ các phương xa mang quà cáp đến để biếu tặng và chúc mừng. Số lượng quà biếu cho ông ta nhiều đến nỗi không sao đếm xiết.
Ở đây, đầu tiên là nhà vua vô cùng phẫn nộ với vị quan. Vua bèn ra lệnh cách chức và tống giam ông ta: đó như là một Nghiệp bất thiện khiến cho một người bình thường đoạ vào địa ngục. Người thân của vị quan này không can thiệp hay tuyên bố sự vô tội của ông quan vì nhà vua đang tức giận: điều đó có nghĩa là Nghiệp thiện không thể trổ Quả vì kẻ phàm nhân đang thọ quả tại địa ngục. Khi cơn giận nhà vua nguôi đi và người thân vị quan mới cho nhà vua hay rằng ông quan vô tội. Và vị đại thần nọ được thả và phục hồi chức vụ ngay sau đó: đó là kẻ phàm nhân đã thoát khỏi địa ngục và tái sanh vào cõi Trời. Rồi thì tất cả Nghiệp thiện tập hợp lại và đồng trổ Quả. Chị ta hay anh ta rất sung sướng được tái sanh từ kiếp này sang kiếp khác, lên xuống giữa cõi Trời và cõi Người, mỗi lần đạt được bốn loại Pháp thành tựu. Và quả của thiện nghiệp này còn có thể kéo dài nhiều hơn thậm chí cả 100.000 đại kiếp chẳng hạn. Hơn nữa, Nghiệp thiện sẽ trợ duyên lớn cho anh ta / chị ta trổ sanh Nghiệp siêu thế và cuối cùng đạt đến Nỗ lực Thành tựu tối thượng, là chứng đắc Quả vị Alahán.
Sau cùng là phần kết luận các giải thích của chúng tôi về duyên sanh khởi của nghiệp, có nhiều loại duyên sanh khởi khác nhau đã làm cho nghiệp trổ sanh. Bốn yếu tố Pháp thành tựu của Nơi chốn tái sanh (Sanh thú), thời điểm, diện mạo tái sanh, và phương tiện nỗ lực thành tựu sẽ vô hiệu lực Nghiệp xấu và trợ duyên cho Nghiệp thiện trổ sanh. Nhưng đồng thời ta cũng hiểu rằng, chính điều đó, Pháp phi thành tựu sẽ vô hiệu lực Nghiệp thiện và trợ duyên cho Nghiệp xấu cùng trổ Quả xấu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét