Sóng sinh khí và sóng tử khí

(DQC) Ngày nay từ ngữ “Địa sinh học” được nhiều giới chuyên môn đặc biệt quan tâm nhằm nghiên cứu sự liên quan giữa “trái đất” và đời sống con người, về ảnh hưởng và tác động của bức xạ, của từ trường trái đất đến tất cả mọi nơi có sự sống. Đồng thời cũng khảo cứu cả những ảnh hưởng của các loại vật liệu xây dựng, các trang thiết bị, cấu trúc ngôi nhà, màu sắc mà các kiến trúc sư đã thiết kế có liên quan và tác động đến các sinh vật sống.

 1.   NGUỒN GỐC CỦA ĐỊA SINH HỌC
Toàn bộ các hiểu biết này hình thành một môn khoa học mới – hay nói đúng hơn là hồi sinh trở lại – đó là môn kiến trúc sinh học. Môn này đưa ra một danh mục về các yếu tố nguy hại cũng như các lời chỉ dẫn và các qui tắc cơ bản cần phải tuân theo. Nội dung của môn này rất rộng lớn và không có giới hạn nên chúng ta nhất thiết phải nắm vững các nguyên lý cơ bản và những hậu quả. Một số nguyên lý dựa trên các khảo cứu khoa học, một số khác dựa vào môn Cảm xạ.
Danh từ Cảm xạ học “Radiesthésie” có nguồn gốc từ chữ “radius” của tiếng La tinh nghĩa là tia, bức xạ và “aisthesis” của Hy Lạp là nhạy cảm. Theo Cảm xạ học, mọi vật thể đều phát ra bức xạ, bức xạ này xuyên qua mặt đất, xuyên qua các vật thể và tác động đến nhà Cảm xạ. Đây là nguồn thông tin mà nhà Cảm xạ phải cảm nhận để nhận biết điều cần tìm. Lúc đó phản ứng từ não bộ của nhà cảm xạ được truyền sang quả lắc, hoặc chiếc đũa, làm cho phản ứng đó được khuếch đại và rõ nét bằng sự chuyển động của dụng cụ cảm xạ. Nên biết mỗi người chúng ta là một “radar sống”. Não bộ của chúng ta thu nhận được tất cả những gì xung quanh nó, tương tự tấm phim chụp ảnh, cảm nhận tức khắc những gì nằm trong trường thu của ống kính. Trong quá khứ, Cảm xạ học chỉ duy nhất được dùng để dò tìm các mạch nước nằm sâu dưới lòng đất với 2 que đũa hay con lắc. Ngày nay nó đã được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau: kiến trúc, y học, truy tìm vật dụng hay người mất tích… Một nhà Địa sinh học hay theo cách gọi dân gian là nhà Phong thuỷ bắt buộc phải là một nhà Cảm xạ học.
 2. CÁC NGUYÊN LÝ
Con người nhận ra rằng muốn sống thoải mái và khoẻ mạnh thì phải sống trong một môi trường không những có tính chất hoá học phù hợp mà còn phải phù hợp với cả tính chất vật lý nữa.
Con người thích ứng với một số điều kiện được xem là lành mạnh trong cuộc sống:
-   Không khí ở nông thôn, vùng rừng núi hay bờ biển với thành phần hoá học và trường điện tự nhiên.
-   Một thời tiết nhất định: nhiệt độ, gió, độ ẩm quân bình.
-   Chất liệu của đất (đá hoa cương, đá vôi…) tạo ra các bức xạ phóng lên từ lòng đất thích hợp cho con người.
-   Bức xạ phóng ra từ trong không gian (gồm bức xạ mặt trời và bức xạ vũ trụ) ở một giới hạn cho phép
-   Một mức độ bức xạ trong công nghiệp thích hợp.
-   Và một số các yếu tố đặc biệt khác cũng phải hòa hợp như: môi trường xã hội, thói quen, khả năng đáp ứng với các căng thẳng hay cảm xúc…
Trở về nơi chôn nhau cắt rốn thường là giải pháp của sự thoải mái, một sự tăng cường năng lượng, một nguồn động viên. Một người sống ở thành thị về nghỉ ở một vùng quê sẽ tìm được cảm giác thư thái. Sự nhàn nhã, không khí trong lành và nắng ấm đủ xoá tan các nhọc mệt của đời sống gò bó ở các thành phố lớn. Nhưng cần phải cảnh giác là sức khoẻ về lâu, về dài sẽ bị ảnh hưởng bởi nơi ở và nơi làm việc. Do vậy, muốn cuộc sống được thoải mái, dù ở thành thị hay thôn quê, nhà ở cần phải hội đủ các nguyên tắc căn bản của khoa địa sinh học. Đó là chỗ ở phải thoáng mát: tránh các ảnh hưởng nguy hại của địa vũ trụ, các luồng sóng nguy hiểm, sự ô nhiễm của chất thải hoá học, điện năng hay điện từ trường, sự phóng xạ, chúng luôn hiện diện khắp nơi trong thế giới văn minh. Ảnh hưởng của chúng sẽ tác hại đến sức khoẻ của con người về thể chất cũng như về tinh thần.
Để tồn tại, cơ thể con người phải luôn luôn được quân bình về Âm Dương cũng như cần phải có sự kết hợp giữa hai mặt thể chất và tinh thần.
Con người là một tổng thể, sống trong một môi trường phức tạp nên khi xảy ra sự mất quân bình, thường kéo theo tật bệnh, trước hết là do nơi ở không phù hợp. Đôi lúc, các nguyên nhân này mang vẻ bí ẩn. Thật thế, ngày nay mấy ai nghĩ đến những hệ thống dây điện chằng chịt có thể làm xáo trộn cuộc sống thường ngày do các tác động cộng hưởng của việc sử dụng điện không đúng cách, hoặc dùng những nguyên vật liệu được chế tạo bằng hoá chất đều có thể gây nguy hại.
Mọi sinh vật kể cả con người đều chịu tác động thường xuyên của địa điểm nơi họ sống, lớn lên, làm việc và giải trí. Mặt khác, chính chỗ mà họ nghỉ ngơi (ngôi nhà), là nơi dễ làm cơ thể bị tổn thương nhất do bị tác động bởi cấu trúc đất đai, nhà cửa ở đó. Nếu khu đất nào bị xáo trộn về Địa sinh học thì dân cư ở đó bị tiêu hao năng lượng là điều không sao tránh khỏi. Giải pháp tốt nhất cho trường hợp này là nhất thiết phải điều chỉnh các nguyên nhân sinh bệnh của nơi ở đó.
Quyển sách này giúp các bạn nhận thức được khi nào có sự mất quân bình trong mối liên hệ Nơi ởNgười ở và đó là nguyên nhân của sự tiêu hao năng lượng nơi con người. Mỗi người là một ăng-ten để đón nhận các bức xạ chung quanh cơ thể có một khả năng tự điều chỉnh để thích ứng với môi trường. Mỗi thay đổi của môi trường chung quanh buộc con người phải tạo một thế quân bình mới để tồn tại (giống như con tắc kè thay đổi màu da tuỳ theo thân cây mà nó đang đeo bám, để tránh được mắt kẻ thù gây hại cho chúng). Những ai bị một số bất ổn trong cơ thể thường thấy rằng họ phải mất thêm nhiều sức lực (năng lượng) để tái lập sự cân bằng trong các điều kiện mới.
Nơi ở của chúng ta chịu ảnh hưởng của đất và trời mà ta gọi chung là địa vũ trụ. Các hiện tượng này tác động lên các bộ phận của chúng ta, ngoài ý muốn của chúng ta, và đôi khi nó cũng cần thiết để duy trì sự sống. Nhưng nếu các bức xạ tác động không đúng chỗ hoặc quá mạnh hoặc bị nhiễu loạn sẽ tạo ra các xáo trộn vật chất và tinh thần từ mức độ nhẹ như mất ngủ, đau đầu, đến sinh bệnh nặng như căng thẳng và suy nhược, hen suyễn, ung thư . . . chưa kể đến các xáo trộn trong cuộc sống lứa đôi dẫn đến ly hôn.
Môi trường sống được ví như một vùng cộng hưởng các rung động. Phản ứng tốt hay xấu với môi trường rung động này tuỳ vào khả năng thích ứng của chúng ta trong việc thu và phát các luồng sóng rung động ấy.
 3. LỊCH SỬ
Các ảnh hưởng Địa vũ trụ là một khái niệm mà tổ tiên chúng ta đã biết rất rõ và lúc nào cũng quan tâm đến dù để xây dựng một thành phố, một lâu đài, hay giản dị chỉ để mua một miếng đất.
Ở nhiều vùng quê, người ta biết cả việc không nên xây dựng trên bất cứ vùng đất nào mà có tin đồn không tốt như: “Đỉnh gió hú”, “Lỗ địa ngục”. Người tìm mạch nước ngầm luôn có mặt vào lúc chọn vị trí đất cũng như lúc khởi công xây dựng nhà. Tìm nước dưới lòng đất không chỉ là tìm chỗ đào giếng mà còn để xem mạch nước đó có thích hợp hoặc gây ảnh hưởng xấu cho gia chủ không.
Tổ tiên chúng ta đã biết cách chế ngự các bức xạ. Họ biết rõ hơn chúng ta về sự liên hệ gắn bó giữa các bộ phận trong cơ thể của chúng ta với vũ trụ. Họ cũng biết cách chế ngự các mâu thuẫn phát sinh trong sự vận dụng giữa hai mặt đối lập: Âm và Dương, Ngày và Đêm, Hữu hình và Vô hình, Thể xác và Tâm hồn. Nhờ trực giác hướng dẫn mà tổ tiên chúng ta đã nhận ra rằng khoa học chính thống đã huỷ diệt các sự ngẫu nhiên này.
Những thầy phong thuỷ phương Đông cổ xưa đã biết các bức xạ của vũ trụ và địa cầu cũng như ảnh hưởng của chúng trên con người. Họ làm việc giống như một nhà châm cứu cho đất là điều chỉnh các bức xạ bằng việc xếp đặt đúng vị trí các vật dụng. Các qui định trong nghệ thuật điều chỉnh bức xạ này có từ 6.000 năm nay: đó là khoa Phong Thủy nghĩa là Gió và Nước. Hai dòng bức xạ được gọi là Dương đối với mặt tốt, mặt tích cực, và Âm đối với mặt xấu, mặt tiêu cực. Đối với người phương Đông, một dinh thự, một kiến trúc xây dựng lý tưởng hay không phần lớn  là tuỳ thuộc vào các yếu tố phong thuỷ này.
        Ở tại nước Anh, hai địa danh Carnac và Stonehenge vào thời kỳ xa xưa là những thánh địa của các đạo sĩ. Tại nơi này có những tảng đá khổng lồ xếp thành hình chữ U ngược hay những tảng đá dựng đứng đưa đầu nhọn chọc thẳng lên bầu trời. Các nhà khoa học ngày nay đều thống nhất nhận định rằng những tảng đá kỳ dị đó chính là những cột ăng-ten thu năng lượng vũ trụ và năng lượng địa cầu. Một số nhà khoa học còn so sánh các tảng đá đó vơí các kim châm cứu ghim vào điểm có năng lượng mạnh.
Ở Babylone, vào thế kỷ 17 trước Công Nguyên, trước khi xây dựng một lâu đài hay một giáo đường, người ta phải để cho súc vật đến ăn cỏ ở nơi đó trong một thời gian dài. Sau đó các con vật bị giết làm lễ tế thần, đặc biệt bộ gan của chúng được dùng trong việc bói toán. So sánh kiểu dáng của lá gan với đá, người ta xác định là địa điểm đó có thích hợp cho việc xây dựng hay không. Nếu lá gan không tốt, địa điểm dự trù được bỏ hoang và việc thử nghiệm được lặp lại đến khi các lá gan thực sự tốt có nghĩa là khu đất đó tốt. Trong dân gian Việt Nam có câu: “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang“, từ câu nói trên xác lập những vùng chó hay đến đi “ị” thường là đất tốt, còn nơi nào mà mèo đến “ị” thì đất đó không được tốt. Do vậy những nhà nuôi chó trong vòng 3 năm trở lại mà bị bệnh, hoặc tiêu ra máu và chết thì thông thường đất đó có tử khí hoặc âm khí. Bạn cần nhờ các nhà Cảm xạ đến để điều chỉnh, thì những hiện tượng trên sẽ biến mất và bệnh tật cũng lui dần.
Từ nghìn xưa, sự tin tưởng và tín ngưỡng dân gian đều nhận ra rằng có một số địa điểm tốt hơn các nơi khác, nếu có được miếng đất đó sẽ ăn nên làm ra. Do đó, con người luôn tìm cách xây dựng các công trình: nơi thờ cúng, tham thiền ở các địa điểm thích hợp với các yếu tố thuận lợi về phong thuỷ. Không chỉ nơi xây cất được lựa chọn kỹ càng tức nằm trên các trục từ trường có tính ưu việt về kiểu dáng, kích thước mà ngay cả vật liệu cũng được chọn lựa tỉ mỉ để có được sự hài hoà.
Trên thế giới các nhà thờ nổi tiếng (Chartres, Notre Dame de Paris, Lourdes) là những thí dụ điển hình về địa điểm có sinh khí tốt: vào các nơi này tự nhiên người ta thấy một cảm giác thoải mái, dễ chịu. Các pháo đài, các kim tự tháp được xây dựng bởi nhiều nền văn minh khác nhau, vào những thời điểm khác nhau là những chứng tích hùng hồn nhất.
Trong mọi thời đại, các trực giác phi phàm của các nhà toán học đã đặt nền móng cho khoa học. Vì có những cái không thể học được chỉ bằng các công thức toán học, mà chỉ có thể tìm thấy chúng trong sự quan sát và sự suy luận một cách logic. 500 năm trước Công Nguyên, Démocrite đã khám phá ra lý thuyết về nguyên tử. Galilée tuyên bố từ vài thế kỷ trước về sự vận hành của trái đất. Dân Aztèque ở Nam Mỹ đã biết có Diêm Vương tinh và ghi trong niên lịch của họ trong khi đó ta chỉ mới khám phá ra vào 1931. Trong các đền đài thiêng liêng của họ có cầu thang gồm 365 bậc và 1/4. Đó chính là thời gian chính xác của một năm thiên văn. Do vậy, điều mà trước kia người ta gọi là “vùng đất đáng nguyền rủa” ngày nay được gọi là điểm địa sinh bệnh.
 4. KHOA ĐỊA SINH HỌC, MỘT NGÀNH KHOA HỌC CẤP THIẾT
“Con người sẽ gục ngã, sẽ chết vì sự thái quá
của cái mà ta gọi là nền văn minh”

J.H. FAVRE
Nếu xưa kia, vài vị linh mục hoặc vài thầy phù thuỷ có thể xua đuổi các luồng sóng độc hại thì ngày nay tại các vùng xa xôi hẻo lánh, ở Đông Sibérie, các nhà Cảm xạ bình thường cũng làm được như thế một cách dễ dàng.
Xã hội Tây phương thực sự đang phải đối diện với một tình huống cấp bách: họ không chỉ quan tâm đến địa điểm cần phải xây dựng, mà còn phải lưu ý đến các luồng sóng có hại đang gia tăng nhanh chóng theo đà phát triển của nếp sống hiện đại. Chúng không chỉ bắt nguồn từ các nhiễu loạn địa sinh học hay nhiễu loạn trong không gian mà có thể bắt nguồn từ những dụng cụ bằng điện rất đơn giản thoạt trông không có vẻ gì là nguy hiểm. Một căn hộ bị tràn ngập bởi các luồng sóng độc hại là chuyện phổ biến. Điện cao thế, thiết bị thông tin, hoạt động vô tuyến, sóng âm thanh, các chất liệu tổng hợp… các ảnh hưởng của chúng đều có hại, chỉ có điều là mối nguy hại đó đến một cách từ từ tới độ chúng ta không cảm nhận ra sự nguy hại của chúng đang hiện diện thường xuyên trong chúng ta – Hiện nay với máy đo nhiễm xạ của điện từ trường, chúng ta có thể biết kết quả trong vài phút.
Đa số các vật liệu mà ta sử dụng trong xây dựng như bê-tông, kính cách âm nếu sử dụng không hợ lý đã biến các nơi ở của chúng ta thành những ngôi nhà ung thư, làm ảnh hưởng nhiều hay ít tới sức khỏe vào sức đề kháng của người cư ngụ. Bê-tông cốt thép ngăn cản việc tiếp nhận sóng vũ trụ cần yếu để con người được thoải mái vui vẻ. Lúc đó chỉ còn duy nhất các sóng từ lòng đất lại bị xáo trộn bởi các dòng nước ngầm, các vết đất trượt, các bất thường của thế đất. Các dòng chảy tạo ra những xáo trộn trong đất giống như một sự tắc mạch làm máu không thể lưu thông, và sự xáo trộn đó tác động xấu đến sức khỏe con người. Một cách khác ta có thể nói là nếu nơi ta đang ở mang sóng độc hại thì chính chúng ta cũng mang bệnh theo. Sự mất quân bình về rung động trong cơ thể sẽ gia tăng khi ta đến gần một vùng đất bệnh, gọi là điểm “Địa sinh bệnh”. Lúc đó con người sẽ nhận được một mức độ độc hại cao mà chỉ có một số loài vật mới chịu đựng nổi như loài mèo, kiến, ruồi. Các con mèo bị bệnh thường đến nơi đó để phục hồi sức khoẻ: nó chữa trị bằng phép điều hoà sóng của nó với vùng đất có âm khí (đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu). Loài ong khi đến đấy thì có những hoạt động cuồng nhiệt nhưng sẽ nhanh chóng kiệt sức, mà chết. Riêng chó thì do chủ nhà luôn nhốt trong nhà nên nó nhanh chóng đi đến tử vong hơn những còn chó khác cũng ở nơi đó nhưng thả chạy rong. Với sự tự sinh tồn giúp chó chạy đi nơi khác “lánh nạn”, nó chỉ trở về nhà khi đến bữa ăn. Còn con người chúng ta với bản năng sinh tồn, nếu cư ngụ ở những chỗ đó thường bỏ đi cả ngày chỉ trở về nhà khi cần thiết để nghỉ ngơi. Con cái của chúng ta cũng thế, nó thường không thích ở nhà, luôn đến chơi nhà hàng xóm, nhà bạn bè, thậm chí có khi ngủ tại đó luôn, cho dù điều kiện nhà chúng tiện nghi hơn… Đó là câu hỏi đặt cho các phụ huynh, hãy khoan hỏi tại sao con mình như thế mà nên nhờ đến các nhà Cảm xạ xem lại nơi ở của mình.
Ở đây chúng ta mới thấy sự cân bằng độc đáo của thiên nhiên, mỗi loài có mỗi chỗ, mỗi địa phận. Các khu vực nhung nhúc ruồi và muỗi là những thí dụ điển hình về các khu đất sinh khí kém. Các luật lệ về công nghiệp với mức cung và cầu đã đẩy con người vi phạm các qui luật bất thành văn được ghi dấu ấn trong thiên nhiên. Họ không ngần ngại xây cất trên các vùng trước đây là đầm lầy mà theo họ là không có hại gì về mặt sức khoẻ.
Ngày nay, nhờ vào khoa học, người ta đã tái phát hiện được sự thật hiển nhiên về các hiện tượng ấy:
  • Các nhà Địa vật lý nghiên cứu cấu tạo của địa cầu. Họ biết rằng mọi sự bất thường trong cấu tạo địa chất đều thể hiện bằng một sự xáo trộn xảy ra ở vùng bề mặt, tác động đến con người.
  • Các nhà Thiên văn vật lý đã chứng minh rằng thiên hà của chúng ta giống như một sao chổi từ tính, khi di chuyển trong không trung, nó tạo ra các hiện tượng điện từ cảm ứng trong lòng đất, đại dương và trong không gian.
  • Các nhà Địa sinh học tiếp nối các truyền thống khoa học và lao vào các thực nghiệm mới. Một số bác sĩ (trong đó có bác sĩ Y học năng lượng) tìm thấy trong khoa Địa sinh học một lời giải đáp cho các tác nhân sinh bệnh mà nền y học hiện đại vẫn chưa thể giải thích những hiện tượng này.
Điều cuối cùng trong cuốn sách này là giúp cho mỗi con người chúng ta biết phải làm thế nào để phát triển sự hiểu biết của mình và hiểu rõ hơn môi trường sống của riêng ta để có một sức khoẻ tốt . Ngày nay, y học chỉ nghiên cứu về nơi ở không vẫn chưa đủ, cần phải đặt cạnh nó một nền y học nghiên cứu về người ở. Do vậy, nhà Địa sinh học không phải đơn thuần chỉ là một nhà Cảm xạ học mà còn phải trở thành một nhà khoa học thực thụ.
5. NỀN TẢNG CỦA KHOA ĐỊA SINH HỌC NĂNG LƯỢNG

Chúng ta không thể chối cãi các hiện tượng: giấc ngủ xáo trộn, trẻ con nóng nảy – khóc thét về đêm, súc vật (chó) trong nhà chạy trốn khỏi căn hộ ngay khi ta vừa mở cửa.
Các dấu hiệu về sự thiếu thích nghi được thể hiện bằng những xáo trộn khác nhau như: mỏi mệt, mất quân bình trong hệ thần kinh, bệnh tim mạch, hen suyễn, ung thư, co cơ (chuột rút), xơ cứng động mạch. Các chứng bệnh này được qui trách nhiệm cho một lối sống không hòa hợp với thiên nhiên, đặc biệt với tiếng động, tốc độ, bê-tông, các hiện tượng địa vũ trụ và các ô nhiễm về địa từ trường.
Điều đáng quan ngại là có một số người tìm đến những nơi mà họ cho là thích hợp trong khi ở đó lại có sóng tử khí. Các hiện tượng này thật ra không quá phức tạp và có thể được giải thích bằng địa sinh học hay năng lượng cảm xạ học thay vì cho là do “nghiệp”.
Khoa Địa sinh học cũng giống như mọi khoa học khác, đang rất thịnh hành không những chỉ ở phương Đông chúng ta mà còn tồn tại cả phương Tây nữa. Với những dụng cụ từ thô sơ đến hiện đại người ta có thể đo đạc, đồng thời nêu ra được những giải pháp có liên quan đến các mối liên hệ giữa người và nơi ở. Để chứng minh sự chính xác của khoa Địa sinh học nếu chỉ bằng các giải pháp khoa học thì vẫn chưa đủ vì khái niệm năng lượng chưa nói lên hết tầm cỡ của nó mặc dù vấn đề năng lượng các vật thể sống càng ngày càng có một vị trí quan trọng trong cách nhìn của con người. Trên bình diện sinh-vật lý học, có một mối liên hệ giữa việc sinh bệnh với việc mất năng lượng do sự biến đổi điện từ trường tạo ra.
Tế bào sống được ví như một nguồn điện, một mạch dao động và một ăng-ten giống như ta đang ở trong một trường điện từ địa vũ trụ. Mọi xáo trộn của tham số này đều có thể là yếu tố tạo nên sự mất cân đối năng lượng nơi con người. Do đó, khi  môi trường bị một tác động vượt quá một ngưỡng nào đó, nó sẽ có nguy cơ tạo ra tật bệnh. Sự can thiệp của khoa Địa sinh học cho phép giải quyết các nguy hại mang tính vật lý này. Tuy nhiên mối quan hệ mật thiết nối liền giữa con người và môi trường lại có thể tạo ra một vấn đề khác. Đó là đôi khi có sự mất cân đối năng lượng trong chính bản thân do màu sắc, âm thanh. Những nhà Năng lượng Địa sinh học có thể giúp ta nhận thức và chế ngự được các loại năng lượng có thể điều khiển được này để đạt đến mức tối đa tiềm năng của nó. Tóm lại một sự hoà hợp giữa con người với chính bản thân anh ta cũng là điều cần thiết cho sự quân bình Nơi ởNgười ở.
Bác sĩ Dư Quang Châu (Cảm xạ Địa sinh học)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét