Suy diễn từ nguyên lý đột sinh

Từ nguyên lý đột sinh có thể đi đến ý tưởng sau đây: để nhận thức và thấu hiểu các hiện tượng bí ẩn của thế giới tâm linh (vô hình), các nhà khoa học đương đại cần phải dứt khoát từ bỏ ý tưởng già cỗi là mong muốn dựa trên các hiểu biết vật lý để giải thích mọi hiện tượng phi vật lý!





NGUYÊN LÝ ĐỘT SINH VÀ THẾ GIỚI TÂM LINH


Như chúng ta đã biết, nguyên lý đột sinh có quan hệ với cấu trúc vật lý, theo đó có thể xuất hiện những định luật mà nói đến cùng không thể được suy diễn từ những nguyên lý vật lý cơ bản hơn (đã biết hoặc chưa phát hiện ra). Nói cách khác, trong vật lý tồn tại những lớp định luật độc lập nhau. Điều đáng chú ý là có thể áp dụng nguyên lý “đột sinh” để xem xét một số luận điểm về thế giới tâm linh.


Trước hết cần nhấn mạnh rằng, nguyên lý “đột sinh” chỉ là một khía cạnh biểu hiện của nguyên lý “độc lập”: tồn tại cái gì đó mà không thể được suy diễn từ những cái khác “cơ bản” hơn.


Bây giờ chúng ta xét đến thế giới tâm linh hay thế giới phi vật lý (vô hình đối với người thường). Một trong những biểu hiện nổi bật nhất có liên quan đến thế giới tâm linh là hiện hữu sự sống sau cái chết của con người (vong linh). Từ hàng ngàn năm qua, những người nhân danh “khoa học” không thể phủ nhận được sự thật 100% đó. Lý do mà họ không thừa nhận các hiện tượng tâm linh thật là rõ ràng: từ vốn hiểu biết về thế giới vật lý không thể suy diễn được thế giới tâm linh. Xuất phát từ nhận thức như vậy, họ bác bỏ thế giới tâm linh bằng đủ mọi thứ lý lẽ ngang trái và thậm chí phản khoa học, trong khi các hiện tượng bí ẩn vẫn phô diễn trong cuộc sống thường ngày.


Câu hỏi đầu tiên có thể được đặt ra xuất phát từ nguyên lý “đột sinh” là: Có tồn tại thế giới vật chất khác mà không thể được suy diễn từ thế giới vật lý của chúng ta? Những người có giác quan đặc biệt từ thời xa xưa đến nay luôn đưa ra câu trả lời khẳng định. Đến đây, lại một vấn đề khác nảy sinh: Sự tồn tại giác quan đặc biệt có thể được suy diễn từ sự tồn tại giác quan vật lý? Câu trả lời rõ ràng là “không” vì bản chất của hai dạng giác quan đó khác nhau căn bản.


Một vấn đề nữa có liên quan đến cả thế giới vật lý và thế giới tâm linh được đặt ra: Ý thức từ đâu tới? Nếu ý thức trong thế giới vật lý phát sinh từ mạng nơron thần kinh trong bộ não thì ý thức trong thế giới tâm linh do đâu? Nếu giả định về ý thức trong thế giới hữu hình là đúng đắn thì cơ chế sinh ra ý thức trong thế giới vô hình không thể tương tự như vậy. Quả là bế tắc nếu tiếp tục đặt niềm tin “cơ sở” lên thế giới vật lý.


Khía cạnh tiếp theo cần được bàn luận là phương pháp thực nghiệm và cách đánh giá các hiện tượng của thế giới phi vật lý. Từ trước đến nay các nhà “khoa học” thậm chí không để ý đến điều sau đây: thế giới vật lý và thế giới phi vật lý hoàn toàn khác biệt nhau về cấu trúc vật chất và thuộc tính, cho nên phương pháp thực nghiệm và cách đánh giá kết quả đối với thế giới vô hình ít khả năng giống với những gì diễn ra trong thế giới hữu hình.


Ví dụ, một người được nói cho biết là vong người thân (bố, mẹ, anh hoặc em) đang nói chuyện với mình, nhưng nội dung thu được lại có nhiều điều không đúng với thực tế. Nếu người đó vội đánh giá việc gọi vong nói chung là bịp bợm thì có thể gặp sai lầm bởi các nguyên nhân sau:


- vẫn xảy ra trường hợp vong bên ngoài mạo nhận;


- khả năng của vong có hạn, không thể điều gì cũng biết và nhớ chính xác;


- vong người thân cố ý nói sai lệch hoặc im lặng vì không có thiện chí;


- tâm trí người nhập vong không tương thích v.v...


Hoàn toàn có khả năng là quá trình nghiên cứu thế giới phi vật lý phức tạp hơn nhiều so với thế giới vật lý. Vậy mà từ trước đến nay, việc đầu tư nhân lực và tài chính cho lĩnh vực này quá ít ỏi, phiến diện, không liên tục, nửa công khai nửa bí mật và luôn bị quấy nhiễu bởi những người có đầu óc cực đoan.


Và một khía cạnh cuối cùng không thể không đề cập tới, đó là thái độ bảo thủ, tự kiêu tự đại của những người ngộ nhận có hiểu biết “khoa học” toàn diện, bất kỳ điều gì cũng phải được quy đổi về vốn tri thức sẵn mà có thể đã quá lỗi thời.


Chính Viện sĩ Erono Mundasep cũng đã từng có nhận xét về lớp người đó (trong cuốn sách “Chúng ta thoát thai từ đâu”) thành mấy loại: phản bác cái mới nhằm mục đích bảo vệ thành quả hoặc kiến thức thu nhặt được đã ăn sâu vào máu thịt của mình; đa nghi kiểu Tào Tháo, nghĩa là chỉ thừa nhận những gì có vật chứng; phản bác mang tính thương mại (lo sợ ảnh hưởng đến quyền lợi vật chất và danh tiếng của mình).


Lê Huy Toàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét