267 - Sự quan trọng của phút sắp chết.
268 - Bốn nguyên nhơn của sự chết.
269 - Thọ mạng chấm dứt.
270 - Nghiệp lực chấm dứt.
271 - Thọ mạng và Nghiệp lực cùng chấm dứt
272 - Chết bất đắc kỳ tử.
273 - Trường hợp vì sơ xuất mà phải chết uổng mạng.
274 - Tầm quan trọng của giớ phút chót trong đời.
275 - Các hình ảnh trong tâm thức báo hiệu sanh thú.
276 - Các nghiệp ảnh hiện trong tâm thức như thế nào?
277 - Các nghiệp khí triệu (kamma nimitta) hiện lên như thế nào?
278 - Các sanh thú triệu (gati nimitta) hiện lên như thế nào?
279 - Sắc diện lúc gần chết.
280 - Sự báo hiệu của các lời ấp úng.
281 - Vài hình ảnh khác về Sanh thú triệu (gati nimitta)
282 - Trợ giúp các hình ảnh cận tử thiện hiện lên.
283 - Ý thức về tái sanh thể hiện lên như thế nào?
284 - Hai tà kiến: thường kiến và đoạn kiến.
285 - Chánh kiến đứng đắn về sống, chết.
Trong các Chương vừa qua, chúng ta đã xét qua các loại tâm trạng và bản chất của các hành động thường làm, lành cũng như ác, cùng các hậu quả mà chúng mang đến. Con người thường hay bận tâm về các tư tưởng và hành vi thiện hay bất thiện. Trong khi còn đang quay cuồng trong cuộc sống thì thần chết lại đến vỗ vai mời, khiến chúng ta phải bỏ lại tài sản và từ giả thân nhơn mà ra đi vĩnh viễn. Vì thế, chúng ta cần phải xét đến tầm quan trọng đặc biệt của thời gian khi cái chết đang kề cận và biết ứng phó như thế nào cho đúng cách.
268.- Bốn nguyên nhơn của sự chết.
Sự chết đến với con người qua bốn nguyên nhơn: (1) mạng sống đã mãn; (2) sự chấm dứt của nghiệp lực (Kamma); (3) sự phối hợp của (1) và (2); (4) chết bất đắc kỳ tử, hay là, vì sự dứt ngang của nghiệp lực (upacchedaka kamma) khiến cho sự chết đến rất thình lình.
Để có một hình ảnh bóng bảy nói về bốn nguyên nhơn của sự chết, ta có thể lấy thí dụ về ngọn đèn dầu đang sắp tắt. Ngọn lửa tắt đi, có thể do một trong bốn nguyên nhơn sau đây: (1) vì hết dầu; (2) vì tim đèn cháy hết; (3) vì cả dầu lẫn tim đèn đều cùng cháy hết; (4) vì thình lình có cơn gió thật mạnh hay có người đến thổi tắt.
269.- (1) Thọ mạng chấm dứt.
Ở mỗi cõi hiện hữu, chúng sanh có mạng sống dài ngắn khác nhau. Trong cõi nhơn gian, mạng sống của loài người thay đổi tùy theo kiếp ba (kappa) của vũ trụ. Nếu vũ trụ đang trong thời kỳ gia tăng,(gọi là tăng kiếp), thì thọ mạng của con người kéo dài đến vô tận; nếu kiếp ba đang ở thời kỳ suy giảm,(gọi là giảm kiếp), thì thọ mạng của con người từ từ rút ngắn lại cho đến chỉ sống lâu được có mười tuổi. Khi Đức Phật Thích-ca giáng trần, đời sống trung bình của con người vào thời kỳ đó là một trăm tuổi. Đến ngày nay, thọ mạng ấy chỉ còn vào khoảng bảy mươi lăm năm. Mỗi người, với nghiệp lực (kamma) thường, chẳng thể sống lâu quá thọ mạng tối đa đó được; chỉ những bực sanh ra với nghiệp lực thiện và mạnh, mới có thể sống lâu trên số tuổi bảy mươi lăm. Thọ mạng sở dĩ được kéo dài lâu hơn nầy là do nghiệp lực thiện lành của các bực ấy trong quá khứ, và nhờ vào hiệu lực mạnh của thuốc"rasayana" (= một loại thuốc "trường sanh" nào đó.)
Vào thời kỳ Đức Phật Thích-ca, các Tôn giả Đại Ca-diếp (Mahakassapa), A-nan (Ananda), và bà Tỳ-xa-khư (Visakha, vị đã cúng dường tu viện) đã sống đến một trăm hai mươi tuổi; Tôn giả Bakula Mahathera thọ đến một trăm sáu mươi tuổi. Các vị nầy sống được lâu là do nghiệp lực (kamma) cao quí của họ trong đời quá khứ. Còn thường dân chẳng có được thiện nghiệp lực (kusala kamma) như thế, chẳng thể sống lâu quá thọ mạng bảy mươi lăm tuổi. Sự chết trong các trường hợp nầy được gọi là "sự chấm dứt của thọ mạng", cũng tựa như khi dầu trong đèn đã khô cạn thì ngọn lửa phải tắt vậy, mặc dầu tim đèn vẫn còn đó.
270.- (2) Nghiệp lực chấm dứt.
Sức mạnh của nghiệp lực (kamma) làm khởi sanh sự sống và cũng làm nơi nương tựa cho sự sống ấy, kể từ lúc còn trong bào thai cho đến ngày sức mạnh ấy chấm dứt. Còn có nhiều loại nghiệp lực khác cùng trợ giúp vào nghiệp lực của thọ mạng. Và khi các nghiệp lực nầy đã cạn, thì con người sẽ chết, mặc dầu thọ mạng của người ấy còn chưa chấm dứt. Nếu các nghiệp lực đó chấm dứt vào lúc năm mươi tuổi thì người nầy chỉ sống đến chừng ấy, mặc dầu thọ mạng đáng lẽ được kéo dài đến tuổi bảy mươi lăm. Điều nầy cũng giống như ngọn lửa phải tắt đi vì tim đèn đã cháy hết, mặc dầu trong đèn vẫn còn đủ dầu.
271.- (3) Thọ mạng và Nghiệp lực cùng chấm dứt.
Một số chúng sanh chết đi vì thọ mạng đã hết và các nghiệp lực cũng dứt, tựa như ngọn lửa lu dần rồi tắt đi, khi dầu vừa cạn mà tim đèn cũng vừa cháy hết. Do đó, họ có thể sống đến bảy mươi lăm tuổi, nếu các nghiệp lực tiếp tục phụ trợ vào, cho đến tuổi thọ ấy.
Cả ba loại nguyên nhơn của sự chết (1), (2) và (3) vừa kể trên đây được gọi những cái chết đúng thời khắc (kala marana). (kala = thời gian; marana = sự chết.)
272.- (4) Chết bất đắc kỳ tử.
Upacchedaka, tạm dịch là bất đắc kỳ (= chẳng được đúng thời khắc) có nghiã là xãy ra chẳng đúng vào thời khắc, một cách thình lình, đưa đến cái chết chẳng bình thường (thường được gọi là chết bất đắc kỳ tử; tử = chết). Nhiều người thọ mạng đáng lẽ được kéo dài, nhưng vì một ác nghiệp quá sâu dầy trong kiếp trước thình lình trỗ quả, nên phải bị chết một cách rất đột ngột. Cái chết đó cũng tựa như ngọn đèn đang cháy tỏ, bỗng có luồng gió thật mạnh tạt qua làm tắt đèn, mặc dầu cả dầu lẫn tim đèn vẫn còn đầy đủ. Hoặc ngọn đèn đã bị ai cố ý thổi phụt. Cái chết bất đắc kỳ tử đó (upacchedaka kamma) đã xảy ra do thọ mạng bị chấm dứt ngang vì một ác nghiệp quá mãnh liệt.
Tôn giả Mục kiền liên (Moggallana), trong một tiền kiếp, có giết mẹ ông, và quả báo của ác nghiệp đó vừa chín muồi vào kiếp nầy, nên ông phải chịu cảnh năm trăm tên đạo tặc giết chết, trước khi Tôn giả nhập diệt vào Đại Bát Niết-bàn (Parinibbana). Vua Tần-bà-sa-la (Bimbisara), vì trong một kiếp xưa đã mang giầy bước vào chánh điện một ngôi chùa, nên trong kiếp nầy phải chết vì các vết thương do chính con ông dùng gót giầy dẫm đạp lên ông. Bà Samavati và đoàn tuỳ tùng, trong một tiền kiếp, đã nổi lửa đốt cháy một bụi cây bên trong có một vị Bích chi Phật (Paccekabuddha) đang nhập thiền định (samapatti). Đến khi lửa tắt, nhìn thấy vị Bích chi Phật bên đống tro tàn, họ mới biết đã lầm thiêu sống một bực tu hành. Để che dấu tội lỗi, họ liền chất thêm củi vào lên người vị Bích chi Phật và nổi lửa. Họ nghĩ, "chuyến nầy hoả táng luôn cho ông ta!", nhưng sự thật thì vị Bích chi Phật chẳng hề chi, vì đang ở trong cơn thiền định thâm sâu; bảy ngày sau, vị ấy xuất định và đứng lên chẳng bị hề hấn gì cả. Vì tội ác nặng nề đó gặp đủ duyên để trỗ quả, cho nên tất cả các người đàn bà ấy đều bị chết cháy trong kiếp nầy. Đấy là những thí dụ nêu rõ ác nghiệp (akusala kamma) gây nên những cái chết bất đắc kỳ tử.
Nhiều ác nghiệp nghiêm trọng hơn nữa có thể trỗ quả ngay lập tức, chẳng chờ đến kiếp nào khác. Ma quân Dusi đã quăng đá vào vị đại đệ tử của Đức Phật Ca-diếp (Kassapa Buddha); qủi thần Nanda đã đập vào đầu mới cạo của Tôn giả Xá-lợi-phất (Sariputta); vua Kalabu ra lịnh giết chết vị Bồ-tát ẩn tu Khantivadi; tất cả ba người phạm tội đại ác vì hiềm thù đó, liền bị đất nứt ra, hút xuống và chết ngay trong hiện đời. Cùng thế ấy, những kẻ mắng chửi mẹ cha, hỗn láo với bậc trưởng thượng, đều gánh chịu hậu quả ác báo vì trọng tội của họ, và phải gặp cái chết bất đắc kỳ tử (akala marana), ngay trước khi thọ mạng chấm dứt.
273.- Trường hợp vì sơ xuát mà phải chết uổng mạng.
Thân tâm mọi chúng sanh là nơi tàng trữ các ác nghiệp lực đã qua. Các ác nghiệp đó, tự chúng chẳng đủ sức để gây ra những hậu quả nghiêm trọng để giết chết người. Nhưng nơi những kẻ dại khờ, chẳng có đủ kiến thức, chẳng biết tự lo cho mình, chẳng chú tâm đến sức khoẻ cá nhơn cùng các hoạt động thường ngày, thì các ác nghiệp lại được nhiều cơ hội thuận tiện để mang đến sự hiểm nghèo, đôi khi cả cái chết cho những người đó. Nếu, trong quá khứ, có người đã bỏ đói, hành hạ, đánh đập, nhận nước, đốt cháy hoặc tra khảo kẻ khác, người ấy rồi ra cũng phải chịu khổ nạn giống như các nạn nhân của anh ta. Những kẻ đã hành hạ người khác sẽ vướng phải các bịnh hoạn như bịnh suyển, bịnh cùi hay lú lẫn v.v., và kéo dài cuộc sống khổ sở mãi như vậy cho đến ngày thọ mạng kết thúc.
Các người sơ xuất trong các tập quán sanh sống hằng ngày thuờng "mời" các ác nghiệp sớm trỗ quả. Các bực hiền giả đời xưa có để lại nhiều câu châm ngôn, như: "Biết nhìn xa và có trí huệ là những bảo đảm cho cuộc sống an lành.Tai hoạ gây nên chỉ do một khoảnh khắc; tánh mạng lâm nguy chỉ do một miếng nhỏ của phần thực phẩm hư. Liều lĩnh điên rồ đi men vào rừng đầy cọp beo dữ ác là đùa giỡn với tử thần, chẳng sự may mắn nào giúp cho thoát chết được. Đừng nhảy vào lửa đang bùng cháy với hy vọng sẽ được thiện nghiệp của mình che chở cho khỏi bị thiêu đốt."
Các lời dạy đó của bực cổ đức có nghiã là: "Mọi người ai cũng có nhiều ác nghiệp tích trữ sẵn; nếu còn chưa đủ mạnh, ác nghiệp đó tự chúng chẳng thể chụp lấy cơ hội để trỗ quả được. Nhưng với người sơ xuất, lơ đãng và hững hờ trong cách sanh sống, thì ác nghiệp sẽ thừa cơ thúc đẩy ác báo khởi lên. Vì thế cho nên, nếu một người cẩu thả, chẳng biết giữ gìn sức khoẻ và chẳng chịu nhìn xa và đề phòng, thì một ác nghiệp nhỏ cũng được dịp gây nên hậu quả xấu và cái chết còn đang rình rập sẵn đâu đây (ngay cả khi thọ mạng còn dài đi nữa)." Lời sách tấn của các bực hiền giả đó, các thế hệ sau phải nên lắng nghe và tuân theo.
Tóm lại, trong bốn loại nguyên nhơn gây ra sự chết, loại thứ tư ngày nay lại thường xảy ra nhứt, vì lối sống ồ ạt, táo bạo càng ngày càng lan rộng. Sơ xuất trong sanh hoạt thường nhựt là nguyên nhơn chánh gây ra nhiều cái chết bất đắc kỳ tử. Những ai muốn hưởng trọn thọ mạng của mình, phải biết sống trong sự tỉnh giác và năng trau dồi kiến thức.
274.- Tầm quan trọng của giờ phút chót trong đời.
Khi một người sắp chết vì bất cứ một nguyên nhơn nào vừa kể, thật là quan trọng cho người ấy phải có được một tâm trạng với các tư tưởng lành và mạnh (javana cittas) [javana = động lực xô đẩy, xung lực; citta = tâm trạng, tâm thức], ít nhứt là nửa giờ trước khi tắt hơi. Nếu các tư tưởng thiện (kusala) ngự trị trong tâm thức cho đến hơi thở cuối cùng, thì người chết sẽ được tái sanh vào nhàn cảnh. Nhưng nếu người sắp lâm chung lại bị những tư tưởng bất thiện xâm chiếm (akusala javana cittas) vào thời hấp hối đó thì chắc chắn khi tái sanh sẽ rơi vào nẻo dữ. Như thế, cũng tựa như vòng cuối cùng lấy nước rút trong trận đua ngựa, chính lúc giao thời giữa sống và chết đó mang một tầm quan trọng vô cùng lớn lao cho việc tái sanh. Người sắp ra đi vĩnh viễn có được tâm trạng thiện lành hay dữ ác, còn tuỳ thuộc vào những hình ảnh nổi lên trong tâm thức lúc sắp lià đời.
275.- Các hình ảnh trong tâm thức báo hiệu sanh thú.
Đúng vào lúc sắp chết, mỗi chúng sanh đều thấy hiện lên nơi tâm thức mình một trong ba loại hình ảnh báo hiệu về sanh thú (sanh thú = sanh [= tái sanh] + thú [=con đường]) (nghiã là sẽ tái sanh về đâu, đường lành hay nẻo dữ.) như sau: nghiệp ảnh (kamma), nghiệp khí triệu (kamma nimitta) và sanh thú triệu (gati nimitta).
(Kamma = nghiệp; nimitta = tướng, điềm, triệu, báo cho biết trước; gati =tái sanh)
Ở đây, hai chữ nghiệp ảnh có nghiã là hình ảnh, cảnh tượng của những việc lành hay việc ác mà người sắp chết đã làm trong quá khứ. Danh từ nghiệp khí triệu ở đây, có nghiã là các khí cụ, vật dụng người ấy đã dùng để thực hiện các việc làm lành hay dữ. (Chữ Khí có nghiã là khí cụ; chữ Triệu có nghiã là điềm báo trước). Còn ba chữ sanh thú triệu có nghiã là báo trước hình ảnh của cõi tái sanh, hay là nơi sẽ đến sống vào đời sau.
276.- Các Nghiệp ảnh hiện lên trong tâm thức như thế nào?
Khi các hình ảnh của nghiệp lực do các hành động thiện hay bất thiện gây nên, cho dù được thực hiện vài phút trước đây, hay vài giờ, vài ngày, vài năm, vài đời trước đi nữa, nếu đủ cơ duyên để thúc đẩy sự tái sanh vào đời sau, thì các hình ảnh đó liền hiện lên trong tâm thức, ngay vào lúc hấp hối.
Đối với các thiện nghiệp như bố thí, trì giới chẳng hạn, người sắp chết hoặc nhớ rõ lại trong tâm trí các hình ảnh của việc mình đã bố thi, hay trì giới ở đâu, vào dịp nào v.v., hoặc tâm thần người ấy lại tưởng tượng thấy rõ rệt như mình đang bố thí hay trì giới ngay đây, giống như một kẻ đang thấy trong giấc mơ vậy.
Đối với các bất thiện nghiệp như sát hại sanh mạng chẳng hạn, các hình ảnh giết chóc lại nổi lên trong tâm thức, hoặc bằng cách nhớ lại rõ, hoặc bằng cách tưởng thấy như mình đang thực hiện ngay đây các động tác đâm chém vậy.
Đó là hai cách mà các nghiệp ảnh hiện lên trong tâm thức người đang hấp hối, có hiệu lực đưa đến cõi tái sanh sau nầy.
277.- Các Nghiệp khí triệu (Kamma nimitta) hiện lên như thế nào?
Những kẻ đã giết người sẽ thấy các võ khí mình đã dùng trong việc sát nhơn, như dao, gươm, côn, tên, hay lưới sắt, v.v., làm hình ảnh cận tử (=gần chết). Một người đồ tể sẽ thấy một đống xương thú vật làm hình ảnh báo điềm. Những kẻ có hành động vô luân như gian dâm, trộm cắp, v.v., sẽ thấy các hình ảnh bỉ ổi tương ứng với các bất thiện nghiệp của họ đã làm.
Những bực đã làm nhiều công đức lớn lao như xây cất chùa chiền, tu viện sẽ thấy rõ được, nơi tâm thức mình, hình ảnh của những nơi trang nghiêm đó, trước khi nhắm mắt lià đời. Hoặc họ còn có thể thấy cả những lễ vật cúng dường nhơn khi khánh thành các công đức xây dựng đó, như hương đăng hoa quả, như y phục thực phẩm dâng lên các vị tỳ-kheo, v.v. Với những người trì giới, hay tu tập quán tưởng, họ sẽ thấy những tràng hạt, toạ cụ, am cốc trong rừng, v.v. Đối với những người đã chí thành cứu giúp kẻ khốn khổ, cũng vậy, họ sẽ thấy được những hình ảnh tương ứng thích hợp, báo điềm cho việc tái sanh vào nhàn cảnh.
278.- Các Sanh thú triệu (Gati nimitta) hiện lên như thế nào?
Vào giờ phút sắp lâm chung, người hấp hối thấy được các hình ảnh báo điềm sẽ tái sanh vào cõi nào. Nếu sắp được sanh lên cõi Trời, người sắp chết sẽ thấy được hình ảnh của các thiên nữ, các cung điện trên cõi Trời, các vườn thượng uyển, v.v. Nếu phải tái sanh vào cõi nhơn gian, người ấy sẽ thấy màu đỏ hồng của bốn bức tường, báo hiệu cái bọc tử cung của người mẹ. Nếu điạ ngục là cảnh sẽ tái sanh thì thấy một bầy chó mực, lửa cháy bừng bừng, hay các tay qủi sứ đầu trâu mặt ngựa. Với những người sẽ rơi vào hàng quỉ đói (peta), họ sẽ thấy những ngọn núi cao chớm chở, những khu rừng già thâm u, hay mặt nước sông, biển mênh mông hoặc các bờ đại dương xa thẳm, vì đấy sẽ là những nơi trú quán mới của họ.
279.- Sắc diện lúc gần chết.
Sắc diện của người sắp chết thường báo điềm cho việc tái sanh vào cõi nào. Nếu gương mặt trong sáng và tươi tỉnh, người ấy sẽ tái sanh vào các cõi cao quí. Nhìn bộ mặt u sầu, hắc ám, chắc chắn ta sẽ tiên đoán được việc tái sanh vào các cõi thấp hèn.
[Nhưng cũng có kẻ nở nụ cười say đắm tưởng nhớ đến các thú vui nhục dục đã hưởng lúc còn sống khoẻ. Các nụ cười đó chẳng nên xem là những cát triệu (= điềm lành.)].
280.- Sự báo hiệu của các lời ấp úng.
Đôi khi, người hấp hối phều phào những lời nói ấp úng trong cửa miệng gần như mê sảng. Xưa kia, có một người già cả, lúc thiếu thời làm nghề săn bắn, đến khi trộng tuổi mới đi tu và thọ giới tỳ-kheo. Con trai ông là Ngài A-la-hán Sona. Khi ông sắp chết, ông nhìn thấy, qua các hình ảnh cận tử trong tâm, đang bị bầy chó mực rượt đuổi. Ông gọi con và bảo: "Con ơi, đuổi bầy chó đi chỗ khác!"
Ngài A-la-hán (Arahant) Sona biết ngay cha mình đang thấy các điềm báo hiệu sẽ rơi vào điạ ngục. Ngài liền chạy đi kiếm ngay nhiều hoa tươi và rải khắp hiên chùa, rồi khiêng giường cha đang nằm đến ngay sân chùa. Rồi Ngài nói to:"Nầy vị lão tăng, con đã nhơn danh cha, dâng hoa cúng dường đó." Người cha tỉnh lại và dâng hoa lên cúng Phật, rồi lại mê sảng tiếp. Bấy giờ, trong hình ảnh cận tử nơi tâm thức, ông thấy nhiều nàng thiên nữ đến bên cạnh, liền ấp úng mấy lời:"Con ơi! Mau nhắc ghế mời các nàng ngồi. Kế mẫu của con sắp đến đấy!" Vị A-la-hán còn đang trầm ngâm suy nghĩ: "Đấy là điềm cha ta sẽ được tái sanh lên cõi Trời, đang hiện rõ thành hình ảnh cận tử đó!" thì vị sư già liền từ giả cõi trần gian để tái sanh vào Thiên cảnh.
281.- Vài hình ảnh khác về Sanh thú triệu (Gati nimitta).
Vài người nằm trên giường chết, thấy được rõ ràng quang cảnh của nơi sắp tái sanh. Vào thời Đức Phật Thích-ca còn tại thế, có bà Revati, vợ của phú ông Nandiya, là một người đàn bà ngạo mạn và hay gắt gỏng. Bà chẳng tin tưởng chút nào vào Ngôi Tam Bảo, lại thường hỗn láo với các vị tỳ-kheo. Chồng ba, trái lại, là một người rất mộ đạo; khi chết được sanh lên cõi Trời. Khi bà Revati sắp chết, bà thấy có hai tên qủi sứ dẫn bà tới một cung điện trên Trời, chỉ cho thấy cảnh sung sướng Nandiya đang sống, rồi lôi bà đi xuống điạ ngục để chịu trừng phạt về thái độ xấu ác đã qua của bà.
Cũng vào thời Đức Phật Thích-ca, có một người ngoan đạo rất thuần thành, tên là Dhammika, hết lòng quy y vào ngôi Tam Bảo. Ông lãnh đạo một nhóm người mộ đạo và cùng họ sống một cuộc đời đức hạnh. Đến khi sắp lâm chung, ông nằm trên giường chết, nghe các tỳ-kheo (bhikkhu) tụng niệm kinh chú và thấy có sáu chiếc thiên xa (= xe ở cõi Trời) đang chờ ở đầu giường để đưa ông lên Thiên giới.(Deva Loka). Ông còn nghe thấy chư Thiên đang bàn luận với nhau chẳng biết ai được lãnh phần mời ông lên xe mình. Giây phút sau, ông chết đi và được đưa lên chiếc thiên xa chở thẳng tới cõi Trời Đâu suất (Tusita) và trở thành một vị Thiên.
Còn những kẻ bị đất nứt hút sâu xưống lòng đất vì tội ác quá nghiêm trọng thì lọt ngay vào Địa ngục A tỳ Vô gián (Avicii). Như thế, chúng ta đã thấy sanh thú triệu (gati nimitta) thể hiện lên dưới nhiều hìnht thức khác nhau. Thời buổi ngày nay, ta cũng thấy có nhiều người hấp hối nghe tiếng nhạc du dương và ngửi mùi hương thơm ngào ngạt; ngay cả những người đứng gần bên giường cũng đều có cảm giác giống như thế. Các sanh thú triệu (gati nimitta) cùng với các nghiệp ảnh và nghiệp khí triệu (kamma nimitta) thông thường hiện lên thành hình ảnh cận tử do nơi các thiện nghiệp đã qua, nhờ có đủ cơ duyên, mà trỗ sanh ra phước báo.
(Cận tử = cận [= gần] + tử [= chết])
282.- Trợ giúp các hình ảnh cận tử thiện hiện lên.
Khi có người đau ốm chẳng thấy thuyên giảm mà đang lần lần hướng về một cái chết tự nhiên, thì thân nhơn, bạn bè, thầy dạy, nên cố gắng giúp cho người ấy có được những hình ảnh cận tử thiện lành khởi lên trong tâm tư trước khi bước vào giờ phút hấp hối. Khi biết chắc người bịnh đã hết phương cứu chữa, thân nhơn nên giữ gìn căn phòng và khung cảnh xung quanh cho thật sạch sẽ, ngăn nắp, và nên trang hoàng hoa thơm tươi để cúng dường chư Phật. Về đêm, toàn thể căn phòng cần được thắp đèn sáng thật tỏ rạng. Nên nhắc nhở người bịnh thường nhìn vào đèn nến, hoa quả đã được vì mình mà dâng cúng lên các đấng thiêng liêng và nên tỏ lòng mến thích hành động thiện lành nầy. Lại cũng cần chọn những giờ phút mà tâm tư người bịnh khá tỉnh táo có thể theo dõi được, mà đọc lên kinh chú cầu nguyện (Paritta, Sutta). Người bịnh chẳng nên tỏ ra chán chường và những người săn sóc cũng chớ nên để lộ vẻ đau buồn, thương tiếc. Việc cúng dường hương hoa và đọc kinh chú cầu nguyện chẳng phải chỉ đợi vào giờ phút chót, mà phải nên làm nhiều ngày trước lúc lâm chung. Có được như thế, người bịnh mới được thấm nhuần vào trong tâm thức các tưởng niệm chơn thiện đến Phật và Pháp, đồng thời có đầy đủ cơ hội để ngửi lấy hương hoa thơm ngào ngạt cùng nghe rõ được các lời kinh câu kệ ít nhứt trong vài ngày.
Như thế, khi giờ phút hấp hối sắp gần kề, người bịnh đang nhìn hoa đăng sáng rực, ngửi hương thơm thoang thoảng, nghe được tiếng Pháp nhiệm mầu, thì ý thức về cái chết sẽ từ từ đến cùng một lúc với các hình ảnh cận tử thiện lành. Với tâm trạng hướng về thiện pháp vào giờ phút chót, người bịnh sẽ đi vào các cõi an nhàn của cảnh tái sanh. Do đấy ta thấy rằng trách nhiệm của các vị bổn sư, thân nhơn và bạn hữu là phải trợ giúp sự hiện khởi các hình ảnh cận tử thiện lành lên trong tâm thức người bịnh còn tỉnh táo, trước khi bị mê man và hấp hối. Xin ghi nhớ mãi đến kinh nghiệm của Ngài A-la-hán Sona đã giúp cha thoát khỏi các điềm bất tường và có được các cát triệu (= điềm lành) vào phút chót.
283.- Ý thức về tái sanh thể hiện lên như thế nào?
Tức khắc ngay sau khi vừa ý thức được sự chấm dứt về đới sống của mình, thì ý thức về cuộc tái sanh vào cuộc sống mới liền khởi tiếp theo. Cả hai ý thức nầy liên hệ hỗ tương nhau. Chẳng hề có một khoảng ngăn cách nào giữa hai ý thức đó.
Một đời mới, một cuộc tái sanh, tiếp liền theo ngay. Một kẻ vừa rời cõi nhơn gian lập tức tái sanh vào một bình diện hiện hữu khác ngay, dầu đó là cảnh địa ngục khổ cực hay cõi thiên đàng sung sướng. Vừa ngay sau khi chết, ý thức tái sanh khởi lên và đưa đến một cảnh giới mới, với một chúng sanh mới.
284.- Hai tà kiến: thường kiến và đoạn kiến.
Chúng ta phải nên hết sức thận trọng để khỏi rơi vào hai tà kiến, khi xét về cuộc tái sanh. Hai tà kiến đó là: (1) thường kiến (sassata ditthi) và (2) đoạn kiến (uccheda ditthi). Sự tin tưởng rằng có một linh hồn bất diệt nằm trong thân thể nầy và linh hồn ấy dời đi đến một thân thể khác khi tái sanh, đó là tà kiến về thường kiến (sassata ditthi). [Sassata = linh hồn bất diệt, trường tồn + ditthi = tà kiến]. Ngược lại, sự tin tưởng rằng tất cả danh (nama) và sắc (rupa) nơi thân tâm (gồm luôn cả cái điều mà họ gọi là "linh hồn" nữa), khi chết đi đều bị tiêu diệt hết, và rồi có một chúng sanh mới được Thượng đế, Tạo hoá tạo ra thêm; đó là tà kiến về đoạn kiến (uccheda ditthi.) [uccheda = sự tiêu diệt của danh và sắc sau khi chết, chẳng hề có sự tương tục + ditthi = tà kiến)
285.- Chánh kiến đứng đắn về sống, chết.
Liên hệ đến cuộc tái sanh của một chúng sanh vào một hiện hữu mới, có ba yếu tố cực kỳ quan trọng: Vô minh (Avijja), Áí dục (Tanha) và Nghiệp lực (Kamma). Khi sự chết xảy ra, vô minh [vô = chẳng có; minh = sáng; vô minh =sự ngu tối] che đậy tánh cách lỗi lầm, bất hoàn mỹ, của các uẩn [=sự tập hợp chung lại] danh (nama) và sắc (rupa) trong cuộc hiện hữu mới. Ái dục [= sự tham đắm, thèm khát] thúc đẩy sự tham muốn đắm đuối về hiện hữu đó. Mặc dầu các điềm xấu và đáng ghê sợ đã báo trước, chúng sanh cứ tưởng rằng trong cuộc sống mới sẽ thoát khỏi chúng. Do đó, vì chẳng thấy được tánh chất bất hoàn mỹ [= chẳng được đủ tốt đẹp] của các uẩn danh và sắc [tập hợp lại thành thân tâm của chúng sanh] đang bị vô minh che lấp, ái dục mới hướng về cuộc sống mới mà bám chặt lấy. Trong cuộc sống mới nầy, do sức mạnh của nghiệp lực (kamma) thúc đẩy, danh và sắc liền được thành lập và củng cố.
Bởi lý do trong khi cuộc tái sanh vào đời sống mới, danh sắc khởi lên như là hậu quả phối hợp của ba yếu tố vô minh, ái dục và nghiệp lực đã sẵn có từ đời sống trước đã qua, cho nên tà thuyết Đoạn diệt (uccheda ditthi) mới sai lầm khi bảo rằng: "Chúng sanh khởi lên (do Thượng đế tạo nên) hoàn toàn mới mẻ chẳng dính dấp gì với đời sống cũ"; và tà thuyết Thường kiến (sassata ditthi) cũng sai lầm nốt, khi bảo rằng: "Linh hồn đã di chuyển từ tấm thân cũ sang tấm thân mới". Chẳng cầm bàn chi việc tà thuyết nầy chủ trương danh và sắc từ đời trước di chuyển sang đời sau, ngay cả trong một đời ta cũng thấy rõ danh và sắc khởi lên tại chỗ nầy đâu có dời đi chỗ khác; cả hai vừa khởi xong đã biến diệt ngay. Vậy, cái điều mà tà thuyết ấy gọi là "linh hồn trường cửu" đó, nó chẳng hề hiện hữu trong thực tế, hoàn toàn vô căn cứ.
Vì thế cho nên, chúng ta phải nên cẩn trọng hết sức, đừng để cho hai tà thuyết ấy làm mê hoặc. Chúng ta cần phải hiểu cho thấu đáo rằng, trong cuộc sống mới, sự tượng thai, tức là sự kết thành của sắc và danh, chỉ là hậu quả của ba yếu tố vô minh (avijja), ái dục (tanha) và nghiệp lực (kamma) có sẵn từ đời trước. Đây mới thật là chánh kiến đúng đắn, chơn chánh về lẽ sống chết. Khi chúng ta hô thật to lên trong vùng lân cận của một ngọn núi, chúng ta liền nghe tiếg vang vọng lại. Tiếng vang đó chẳng phải chính là tiếng hô ban đầu, mà cũng chẳng phải hoàn toàn chẳng dính dấp gì với tiếng hô trước đó. Khi chúng ta mồi ngọn lửa từ một cây nến nầy sang một cây nến thứ hai, ngọn lửa ở cây nến thứ hai đâu phải là ngọn lửa của cây nến thứ nhứt, nhưng nó chẳng phải chẳng tùy nơi ngọn lửa trước mà có được. Cùng thế ấy, một đời mới chẳng phải là sự di chuyển của đời cũ, nhưng nó cũng chẳng độc lập hoàn toàn với đời trước được. Hãy nhớ cho rằng, nếu ở đời trước nghiệp lực thiện lành, thì trong đời nầy cả hai, hình hài và tâm linh, đều tốt đẹp; nếu nghiệp lực đời trước bất thiện thì đời sau cũng y như thế. Các kinh nghiệm, tốt cùng xấu, của hiện đời đều do nơi hai yếu tố: các hành động của đời trước và kiến thức cùng nỗ lực của con người trong đời nầy.
Bản thể của Tái sanh
(Patisandhi)
286 - Bốn loại tái sanh.
287 - Hoá sanh, có đủ thân tâm ngay lúc tái sanh.
288 - Thấp sanh, sanh ra từ nơi ẩm ướt.
289 - Noãn sanh, sanh ra từ trứng.
290 - Thai sanh, sanh từ trong tử cung mẹ.
291 - Ba điều kiện của việc tái sanh.
292 - Vài trường hợp khác thường.
293 - Chất tinh thủy Kalala
294 - Sự yểm trợ của tinh trùng và phôi châu.
295 - Bốn loại phàm phu (Puggala) và tám bực thánh hiền (Ariya).
296 - Phàm phu vô thiện căn ở cõi dữ (Dugati Ahetu Puggala)
297 - Phàm phu vô thiện căn ở cõi lành (Sugati Ahetu Puggala)
298 - Hạng thiện nhị căn (Dvihetuka Puggala)
299 - Hạng thiện tam căn (Tihetuka Puggala).
300 - Tám bực hiền thánh.
301 - Nghiệp lực mới thật là cha mẹ sanh ra chúng ta.
Sau khi sự chết xảy ra theo tiến trình được nêu ra nơi Chương 8 vừa qua, thì tâm thức (citta), các tâm sở (cetasikas) và sắc uẩn (rupas) khởi lên lần đầu tiên trong hiện hữu mới, theo đúng với nghiệp lực (kamma). Tâm thức, các tâm sở và sắc uẩn khởi lên lần đầu đó được gọi là Patisandhi, tạm dịch là Tái sanh. Patisandhi có nghiã là sự liên hệ khởi tiếp theo sau sự chấm dứt của hiện hữu cũ.
286.- Bốn loại Tái sanh (Patisandhi).
Vì tâm thức, các tâm sở và sắc uẩn (citta, cetasikas, rupa) khởi lên vào lúc tái sanh (patisandhi), đều là hậu quả của nghiệp lực (kamma), cho nên tùy theo các loại nghiệp tốt xấu mà phân biệt ra thành bốn loại tái sanh. Bốn loại tái sanh là:
- hoá sanh (Opapatika patisandhi);(Kinh sách Bắc tông thường gọi bốn loại tắi sanh đó là tứ sanh.).
- thấp sanh (Sansedaja patisandhi);
- noãn sanh (Andaja patisandhi);
- thai sanh (Jalabuja patisandhi).
287.- (1) Hoá sanh, có đủ thân tâm ngay lúc tái sanh. (Opapatika patisandhi).
Chư Thiên (Deva), chư Phạm thiên (Brahma), tội nhơn nơi điạ ngục, ngả quỉ (peta) và phi thiên hay a tu la (asurakaya), khi tái sanh, liền có đầy đủ thân tâm của kẻ trưởng thành, mà chẳng phải trải qua các giai đoạn trong bào thai và thời kỳ thiếu nhi. Họ chẳng sanh ra từ trong bụng mẹ. Khi tâm thức, các tâm sở và sắc uẩn khởi lên, họ liền hiện đến các trú sở của họ, như nơi các cung điện trên Trời, các rừng già, núi non, sông biển, với đầy đủ vóc dáng bình thường của họ. Tổ tiên sơ khởi của loài người cũng sanh ra dưới hình thức loại tái sanh nầy, khi vũ trụ bắt đầu ở kiếp ba (kappa) thành lập. Họ mang lấy hình thể con người một cách đột ngột, bất thình lình, chẳng phải nhập vào thai mẹ trong tử cung. Đây là loại tái sanh được gọi là hoá sanh (Opapatika patisandhi).
288.- (2) Thấp sanh, sanh ra từ nơi ẩm ướt (Sansedaja patisandhi).
Vài hạng chúng sanh tái sanh tại những nơi mà thai nhi có thể bám vào để phát triển được. Những chúng sanh loại nầy khởi đầu lớn lên từ những mô dạng bé tí ti. Dòi bọ nở ra và lớn lên giữa những chất hữu cơ hư thối. Hoàng hậu Padumavati tượng hình trong một đoá hoa sen. Hoàng hậu Veluvati sanh trong một đốt tre. Cincamanavika, người đàn bà đã vu khống Đức Phật Thích-ca, phải tái sanh trong một thân cây me. Hầu hết các loại côn trùng đều tái sanh theo loại thấp sanh (Sansedaja patisandhi) nầy, nhưng loài người cũng có nhiều kẻ cũng theo lối thấp sanh, như trường hợp các người vừa được kể trên.
289.- (3) Noãn sanh, sanh ra từ trứng (Andaja patisandhi).
Các loài chim chóc, sanh ra từ trứng tượng hình trong bụng mẹ, thuộc vào loài noãn sanh (Andaja patisandhi) [noãn = trứng]. Trong Quyển Jataka, (Tiền kiếp của Đức Phật) [là Quyển thứ 10 trong Tiểu Bộ Kinh, Khuddhaka Nikaya], ta thấy có vài người nam kết hôn với phụ nữ loài Rồng rắn (Naga) đẻ trứng nở ra con người.
290.- (4) Thai sanh, sanh từ trong tử cung mẹ (Jalabuja patisandhi).
Hạng thai sanh bao gồm loài người và thú vật loài có vú, đều sanh ra từ bào thai trong tử cung của mẹ. Các vị thổ thần (bhumma deva) [=thần đất] và các thọ thần (rukkha deva) [=thần cây cối] cũng từ thai sanh mà ra.
Hai loại noãn sanh và thai sanh được gọi chung bằng danh từ Gabbha seyyaka (Gabbha = ở trong tử cung của mẹ + seyyaka = kẻ nằm), tạm dịch là ngoạ sanh [ngoạ = nằm].
291.- Ba điều kiện của việc tái sanh (patisandhi).
Các chúng sanh thuộc loại thấp sanh (sansedaja patisandhi) và hoá sanh (opapatika patisandhi) chẳng có cha mẹ; họ sanh ra do sức mạnh của nghiệp lực (kamma) của riêng họ. Đối với những kẻ ngoạ sanh (gabbhaseyyaka) đã sanh ra từ trong tử cung của mẹ, vấn đề đặt ra là: ‘Việc thọ thai đã xảy ra như thế nào?’’
Có ba điều kiện cần thiết cho việc thọ thai. Đó là: (1) người mẹ phải vừa mới có kinh nguyệt; (2) phải có sự giao cấu; (3) đứa con phải đã chết trong đời qua rồi. Sự thọ thai xảy ra trong vòng từ bảy đến mười lăm ngày sau khi cha mẹ đã giao cấu.
292.- Vài trường hợp khác thường.
Trong một vài trường hợp khác thường, chẳng có sự giao cấu giữa cha mẹ mà vẫn có sự thọ thai. Bồ-tát Suvannasama nhập vào tử cung của mẹ khi cha của Ngài sờ vào rún của mẹ Ngài, ngay sau khi bà vừa có kinh nguyệt. Mẹ của Vua Candapajjota cảm thấy nhục dục bị kích thích vào lúc một con rít bò ngang qua bụng bà khi bà vừa có kinh nguyệt xong và sau đó bà liền mang thai. Loài cò, vạc nơi đầm lầy thích hứng gió nồm thổi đến và mang thai. Vào thời Đức Phật Thích-ca còn tại thế, một vị tỳ-kheo ni (bhikkhuni) mang thai vì đã uống phải tinh trùng dính trên áo của người chồng cũ. Một con hoẵng cái, uống nhằm nước tiểu có chứa tinh trùng của một người ẩn sĩ, thọ thai và sanh ra một người con trai tên là Isisinga. Đấy là những trường hợp mang thai khác thường.
293.- Chất tinh thủy Kalala.
Trong việc thai sanh, cùng một lúc với tâm thức và các tâm sở khởi lên lần đầu tiên, có sự xuất hiện của một chất lỏng, trong suốt, vốn là kết tinh của nghiệp lực, được gọi là kalala, tạm dịch là tinh thuỷ. Chất lỏng trong suốt nầy có hình dáng như một giọt dầu nhỏ li ti dính trên mái tóc một cô thiếu nữ ở Bắc Câu lư châu. Chất tinh thuỷ kalala là giai đoạn thành hình đầu tiên của thai nhi, do sức nghiệp lực của đời quá khứ tạo ra. Chất tinh thủy đó chẳng phải là tinh trùng của người cha, mà cũng chẳng phải phôi châu {= trứng trong tử cung] của người mẹ. Cả hai, tinh trùng và phôi châu, chỉ đóng vai trò trợ giúp cho chất tinh thủy kalala phát triển mà thôi.
294.- Sự yểm trợ của tinh trùng và phôi châu.
Giọt tinh thủy kalala vốn do các nghiệp lực của các hành động đã qua trong đời sống trước của đứa bé kết thành, và nhờ nương vào tinh trùng của cha và phôi châu của mẹ khiến cho sự thọ thai được xảy ra. Giọt tinh thủy kalala cũng tựa như hạt giống; tinh trùng của cha và phôi châu của mẹ cũng như đất ẩm ướt; và nghiệp lực cũ cũng như người nông phu. Bởi thế cho nên, một phôi châu trong sạch và một tinh trùng khoẻ mạnh rất cần thiết cho sự thọ thai. Bằng không, thai nhi chẳng thể phát triển thành một hài nhi cứng cáp được.
Loài bò sát, nhứt là loại kỳ đà, sống trong hang đất đỏ, mang thân hình màu đỏ; loài nào sống trong hang đất đen, có màu đen. Cùng thế ấy, một đứa bé thừa hưởng các đặc tánh di truyền của cha mẹ xuyên qua tinh trùng và phôi châu đã làm nơi nương tựa cho thai nhi phát triển đầy đủ; và do đó mà con cái mới giống cha mẹ. Ngay phần tâm linh và tánh tình, kể cả trí thông minh, cũng được truyền thọ sang cho con.
Sự kiện con cái sở dĩ giống theo cha mẹ là do sự chuyển đạt của các yếu tố di truyền xảy ra trong thời kỳ thai nhi còn trong bụng mẹ. Đến khi lớn lên trong môi trường gia đình, đứa trẻ bắt chước theo thái độ, tâm trạng và lề lối sanh sống của cha mẹ. Bởi thế cho nên, con cái các gia đình đàng hoàng và đức hạnh đều ngoan ngoãn; còn những người con vô hạnh, bỉ ổi thường thấy nơi các gia đình hèn mạt. Cả cha lẫn mẹ có là người dòng dõi đức hạnh thì mới sanh được đứa con xứng đáng. Giọt tinh thủy kalala nếu được gieo trồng nơi mảnh đất tinh trùng và phôi châu lành mạnh sẽ tạo nên đứa con kháu khỉnh.
295*.- Bốn loại phàm phu (puggala) và tám bực thánh hiền (ariya).
[Danh từ Pali Hetu có nghiã là căn nguyên, nguồn gốc làm phát sanh ra thiện nghiệp hay ác nghiệp. Có ba thiện căn: vô tham (alobha), vô sân (adosa) và vô si (amoha) đưa đến cõi lành khi tái sanh. Có ba ác căn: tham (lobha), sân (dosa) và si (moha) đưa đến cõi dữ khi tái sanh. Dựa theo số thiện căn hay ác căn khởi lên trong tâm thức lúc tái sanh, (patisandhi) ta có thể phân biệt bốn loại phàm phu (puggala) và tám bực thánh hiền (ariya) trong các hàng chúng sanh.Phàm phu có bốn hạng, vướng phải các ác căn; còn nơi các bực thánh hiền thì chia ra tám cấp tuỳ mức độ thiện căn được phát triển. Sau đây xin xét qua bốn hạng phàm phu trước.]
[Tiểu mục 295* nầy do Thiện Nhựt mạn phép viết thêm vào cho dễ hiểu các đoạn sau, xin quí vị độc giả lưu ý và dè dặt].
296.- (1) Phàm phu vô thiện căn ở cõi dữ (Duggati Ahetuka Puggala).
Hạng phàm phu Duggati Ahetuka Puggala, tạm dịch là hạng vô thiện căn ở cõi dữ là hạng chúng sanh bị đoạ vào cõi dữ như cõi điạ ngục (apaya), vì tâm thức khi tái sanh (patisandhi) khởi lên chẳng có những căn lành như vô tham (alobha), vô sân (adosa) và vô si (amoha). [Duggati = cõi dữ; Ahetuka = chẳng có thiện căn; Puggala = cá nhơn, phàm phu].
297.- (2) Phàm phu vô thiện căn ở cõi lành (Sugati Ahetuka Puggala).
Hạng chúng sanh vô thiện căn (Ahetuka) nầy được sanh nơi cõi người và cõi trời là những cõi lành, nhưng phải chịu nhiều cảnh khổ trong cuộc sống.
a- Nơi cõi nhơn gian, đó là những người tàn tật: mù, câm, điếc, ngốc. Một số lại chẳng có bộ phận sinh dục hoặc là bán nam, bán nữ.298.- (3) Hạng thiện nhị căn (Dvihetuka Puggala).
b- Trên cõi Trời, các kẻ vô thiện căn là những thiên chúng (devas) chẳng có đủ sức thần thông và phải sống gá dựa vào các cung điện lộng lẫy. Đó là những hạng thổ thần (bhumma deva) và thọ thần (rukkha deva) đã phải dùng đến các thực phẩm bị quẳng đi để nuôi mạng sống, hay hưởng các lễ vật của kẻ cầu khẩn họ đừng làm dữ. Các thiên chúng nầy, mặc dầu được tái sanh vào cõi Tứ thiên vương (Catummaharajika) trên Trời, nhưng phải chịu cảnh khổ. Dầu sao cũng có một số đã cố gắng tu luyện và chứng đắc được Đạo (Magga) và Quả (phala) vào thời Đức Phật Thích-ca còn tại thế.
Nơi mục nói về Bố thí (Dana) thuộc Chương 6, tại các tiểu mục 183 và kế tiếp, chúng ta có tìm hiểu thật chi tiết thế nào là các hành vi thiện nhị căn thấp (dvihetuka ukkattha kusala), các hành vi thiện tam căn cao (tihetuka omaka kusala) Nhiều chúng sanh được tái sanh vào cõi người và cõi Trời, nhờ ở những thiện pháp mà họ đã làm trong kiếp trước. Nhưng vì khi thực hiện các công đức đó, tâm thức họ chẳng khởi lên các tâm sở vô si (amoha), hoặc có khởi lên, nhưng chẳng được tâm sở ý hành (cetana cetasika) theo phụ trợ mạnh, (như khi bố thí xong họ lại hối tiếc), cho nên đến khi tái sanh, tâm thức họ chỉ có được hai thiện căn, vô tham và vô sân khởi lên mà thôi. Vì lẽ đó họ tái sanh vào cõi lành nhưng được gọi là hạng phàm phu thiện nhị căn (Dvihetuka).
Hai hạng vô thiện căn (Ahetuka Puggala) ở cõi lành và cõi dữ nêu ra ở trước và hạng thiện nhị căn nầy (Dvihetuka Puggala) vì tâm thức lúc tái sanh (patisandhi) quá yếu kém, nên trong kiếp nầy họ chẳng có đủ cơ duyên để chứng đắc được Thiền định (Jhana), Đạo (Magga) và Quả (Phala). Nhưng nếu ngay đây, họ biết nỗ lực quán tưởng (bhasvana) rồi nhờ công phu tu tập đó mà đời sau họ sẽ chứng đắc được Thiền định, Đạo và Quả.
299.- (4) Hạng thiện tam căn (Tihetuka Puggala).
Nhờ ở tâm thức thiện tam căn thấp (tihetuka ukkattha kusala citta) (đã được giải thích trong khi bàn về Bố thí), chúng sanh được tái sanh vào nhàn cảnh ở cõi người hay cõi Trời. Đó là hạng thiện tam căn [có đủ ba tâm thức vô tham, vô sân và vô si], có trí thông minh của người hiền đức và có thể tu tập để chứng đắc đuợc Thiền định, Đạo và Quả ngay trong đời nầy, nếu hướng theo các hạnh Ba-la-mật (Paramis). Thời buổi ngày nay, ta vẫn thấy có nhiều người thuộc bực thiện tam căn. Chỉ có sự lười biếng và thiếu kỷ luật mới ngăn trở họ trong việc trở thành các bực Thánh hiền (Ariyas) mà thôi.
Như thế, ta thấy, do vì tâm thức lúc tái sanh (patisandhi citta) khác nhau giữa các chúng sanh, mà có sự phân biệt bốn hạng Puggalas [=phàm phu, hay cá nhơn]: Duggati Ahetuka, Sugati Ahetuka, Dvihetuka và Tihetuka. { tức là hai hạng vô thiện căn (Ahetuka) ở hai cõi lành, dữ; và hai hạng thiện nhị căn và thiện tam căn (Dvihetuka và Tihetuka)].
300.- Tám bực hiền thánh (Ariyas).
Hạng người Tihetuka, thiện tam căn, [trong tâm thức thường khởi lên cac tâm sở vô tham, vô sân và vô si] nếu ra công tu tậpquán tưởng(bhavana), sẽ lần lượt chứng được đạo (magga) và quả (phala) của các ngôi vị hiền thánh như sau:
1) Tu-đà-huờn hướng (Sotapatti maggattha) [= theo đúng hướng đạo Tu-đà-huờn]Chứng được bực thứ tám là đắc được ngôi vị A-la-hán (Arahant). Các vị Bích chi Phật và các Đức Phật đều là những bực A-la-hán đã đạt đến trí huệ (nana) thù thắng.
2) Tu-đà-huờn quả (Sotapatti phala) [= khi chứng được quả vị Tu-đà-huờn];
3) Tư đà hàm hướng (Sakadagami magga);
4) Tư đà hàm quả (Sakadagami phala);
5) A na hàm hướng (Anagami magga;
6) A na hàm quả (Anagami phala);
7) A-la-hán hướng (Arahatta magga);
8) A-la-hán quả (Arahatta phala)
301.- Nghiệp lực mới thật là cha mẹ sanh ra chúng ta.
Chính hành vi riêng của một người mới ấn định tâm trạng lúc tái sanh (patisandhi citta) của người ấy và do đó mới quyết định đến thân phận của y. Nghiệp lực (kamma) xác định cuộc sống tương lai chẳng những khác biệt ở mỗi người nơi tâm trạng lúc tái sanh (patisandhi) vào buổi đầu của cuộc sống mới, mà còn ảnh hưởng sâu đậm về hình dong thân tướng, về dòng dõi thân tộc, về điạ vị giàu nghèo, v.v. Hãy so sánh trường hợp của hai người, một người làm thật nhiều hành vi công đức thiện lành, còn một người thì không, thảng hoặc có làm, cũng làm miễn cưỡng. Đến khi lià đời và tái sanh trở lại cõi nhơn gian, người trước được nhập vào tử cung người đàn bà biết dưỡng thai thận trọng; còn người sau lại sanh vào bụng một người mẹ chẳng hiểu rành phương cách săn sóc thai nhi. Như thế ngay cả trong thời kỳ còn hoài thai, đã có sự khác biệt lớn. Đến khi được sanh ra, người trước chào đời trong tiện nghi đầy đủ, còn người kia đã ra khỏi bụng mẹ với nhiều khó khăn và đau đớn. Sau khi hạ sanh, sự khác biệt giữa hai người lại càng thêm rõ rệt. Cùng với thời gian, một trẻ được nâng niu, dạy dỗ thành người có học thức, một trẻ bị hất hủi trong cảnh thiếu thốn, nghèo nàn và thất học. Tóm lại, người trước sống một cuộc đời thật êm ấm, sang trọng được ông bà săn sóc và thân bằng quyến thuộc thương yêu, còn người sau phải chật vật, khổ sở lắm mới được sống còn.
Tạm kết
Như đã trình bày qua, nghiệp lực (kamma), đã tạo nên trong quá khứ, có ảnh hưởng lớn lao đến vận mạng của con người, ngay từ lúc mới sanh. Nay đã biết các hậu quả khác nhau của nghiệp lực, ta chớ vội đi chê trách các người đã ưu đãi những kẻ giàu sang và có quyền thế. Hạnh phước vẫn thường tìm đến viếng nơi phú quí. Cho nên, ta chỉ nên tự trách lấy mình về sự si mê và thiếu sót trong các hành vi bất thiện, rồi cố gắng đem hết tâm lực phấn đấu để trở hành con người đức hạnh và thạnh đạt, theo đúng các thiện nghiệp đạo.
Ganh tị và đố kỵ tranh với kẻ thiện xảo mà chẳng tự mình biết phấn đấu, chỉ là một sự ngu khờ vô tích sự. Hai tâm sở bất thiện đó chỉ kéo ta xuống bùn lầy của tội lỗi và đẩy ta vào ác đạo trong các đời sau.
Nguyện cầu tất cả các độc giả quyển sách nầy, cùng các thân hữu và cộng tác viên của tôi, bắt đầu ngay từ giờ phút nầy, việc thi hành các thiện pháp để được tái sanh luôn luôn vào cảnh an lành, trên con đường dẫn tới Niết-bàn (Nibbana).
-ooOoo-
(Trích Vi Diệu Pháp Nhật Dụng-Thiện Nhựt dịch)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét