THẤT GIÁC CHI (Satta Bojjhanga) - Piyadassi

THẤT GIÁC CHI (Satta Bojjhanga)

Tam Tạng Kinh (Tipitaka), kinh điển Phật Giáo bằng tiếng Pali, thường nhắc đến những yếu tố của sự giác ngộ mà Ðức Phật nhiều lần giảng giải, trong nhiều trường hợp khác nhau. Trong bộ Samyutta Nikàya (Tạp A Hàm), phẩm Mahà Vaggà có một phần riêng biệt đề tựa là Bojjhanga Samyutta trong đó Ðức Phật giảng giải những yếu tố của sự giác ngộ (bojjhanga, giác chi) bằng nhiều lối khác nhau.
Phần này có ba bài kinh mà từ thời Ðức Phật, người Phật tử thường đọc tụng như một loại kinh để bảo vệ (paritta hay pirit) chống lại đau nhức, bịnh hoạn và những bất hạnh trong đời v.v...
Danh từ "bojjhanga" gồm hai phần: bodhi + anga. "Bodhi" hàm ý chứng ngộ, hay nói một cách chính xác, tuệ minh sát hiểu biết sâu sắc liên quan đến Tứ Diệu Ðế, tức: Diệu Ðế về sự Khổ; Diệu Ðế về Nguồn Gốc của sự Khổ; Diệu Ðế về sự Diệt khổ và Diệu Ðế về Con Ðường dẫn đến Diệt khổ. "Anga" có nghĩa là yếu tố hay tay chân. Do đó Bodhi + anga (bojjhanga) là những yếu tố của sự giác ngộ, hay những yếu tố của tuệ minh sát, trí tuệ. Ta thường gọi là thất giác chi, hay bảy bồ đề phần. "Bojjhanga! Bojjhanga! là thành ngữ, Bạch Ðức Thế Tôn, xin Ngài từ bi chỉ dạy, thành ngữ này có thể được áp dụng đến mức nào?" Một vị tỳ khưu bạch hỏi Ðức Phật như vậy. "Bodhàya samvattantìti kho bhikhhu tasmà Bhojjhangà ti vuccati." "Nó dẫn đến giác ngộ, này tỳ khưu, vì lẽ ấy được gọi như thế," là lời giải đáp vắn tắt của Ðức Bổn Sư.
[1]
Ở một đoạn khác Ðức Phật dạy, "Này chư tỳ khưu, cùng trong một ngôi nhà nóc nhọn, tất cả cây kèo đều đâm vào gốc nhọn, đều nghiêng về gốc nhọn, đều châu đầu vào gốc nhọn, và trong toàn thể sườn nhà cái gốc nhọn được xem là điểm chánh. Cùng thế ấy, này chư tỳ khưu, vị tỳ khưu trau giồi và chuyên cần phát triển bảy yếu tố của trí tuệ cũng thiên về Niết Bàn, nghiêng về Niết Bàn, hướng về Niết Bàn như vậy." [2]
Bảy yếu tố ấy là:
1. Niệm (sati)
2. Trạch pháp (dhammavicaya) [3]
3. Tấn (viriya)
4. Phỉ (pìti)
5. An (passaddhi)
6. Ðịnh (samàdhi) và
7. Xả (upekkhà).

Một trong những bài kinh về bojjhanga, thất giác chi, có thể được nhắc lại ở đây: "Ta có nghe như vầy. Vào một thủa nọ Ðức Thế Tôn ngự trong thành Ràjagaha (Vương Xá), tại Veluvana (Trúc Lâm), chỗ nuôi sóc. Ðại Ðức Mahà Kassapa (Ma Ha Ca Diếp), sống trong động Pipphali, lúc ấy lâm bịnh. Ngài mắc phải một chứng bịnh trầm trọng.Vào buổi chiều Ðức Phật xuất ra khỏi trạng thái vắng lặng, đến thăm Ðại Ðức Mahà Kassapa, ngồi lại, và ngỏ lời với vị đại đức: "Này Kassapa, hôm nay con đau thế nào? Con có nghe đau đớn quá lắm không; con có chịu nổi không? Cơn đau có thuyên giảm không, hay vẫn còn tăng trưởng? Có dấu hiệu nào cho thấy cơn đau giảm bớt không hay vẫn tăng thêm?"
"Bạch hóa Ðức Thế Tôn, con rất đau đớn. Con không thể chịu nổi. Thật là đau đớn vô cùng. Không có dấu hiệu nào thuyên giảm mà càng lúc càng tăng."
"Này Kassapa, bảy yếu tố của sự giác ngộ ấy mà Như Lai đã giảng giải tận tường, Như Lai đã trau giồi và phát triển đầy đủ, bảy giác chi này đưa đến chứng ngộ trọn vẹn, trí tuệ tuyệt hảo, đến Niết Bàn. Bảy giác chi ấy là gì?
"Niệm giác chi, này Kassapa, pháp này Như Lai đã giảng giải tận tường, đã trau giồi và phát triển đầy đủ, và khi mà được trau giồi và phát triển đầy đủ, giác chi này đưa đến chứng ngộ trọn vẹn, trí tuệ tuyệt hảo, đến Niết Bàn. Trạch pháp giác chi ... Tinh tấn giác chi ... Phỉ giác chi ... An giác chi ... Ðịnh giác chi ... Xả giác chi." "Thất giác chi này, quả thật vậy, này Kassapa, Như Lai đã giảng giải tận tường, Như Lai đã trau giồi và phát triển đầy đủ, và khi mà được trau giồi và phát triển đầy đủ thất giác chi này đưa đến chứng ngộ trọn vẹn, trí tuệ tuyệt hảo, đến Niết Bàn."
"Quả thật vậy, bạch hoá Ðức Thế Tôn, đó là bảy yếu tố đưa đến giác ngộ! Ðúng thật vậy, bạch hóa Ðức Thế Tôn, đó là thất giác chi!" Ðại Ðức Kassapa nói. Ðó là những lời của Ðức Phật, và tiếp theo là lời của Ðại Ðức Kassapa, đón mừng tiếp nhận những lời vàng ngọc của Ðức Thế Tôn. Liền sau đó Ðại Ðức Kassapa hết bịnh. Lúc bấy giờ bịnh tình của Ðại Ðức Kassapa liền tan biến. [4]
Bài kinh khác, Mahà Cunda Bojjhanga Sutta, một trong ba bài kinh được nhắc đến ở phần trên, ghi rằng lần nọ chính Ðức Thế Tôn lâm bịnh, Ðại Ðức Mahà Cunda đọc tụng bojjhangas, thất giác chi, và sau đó bịnh tình trầm trọng của Ðức Phật liền tan biến. [5]
Tâm của con người ảnh hưởng đến thân một cách rất sâu xa và vô cùng kỳ diệu. Nếu ta để tâm buông lung, tự do trôi chảy và duyên theo những tư tưởng ô nhiễm và tồi tệ, thì nó có thể gây tai hại không thể lường được, đến độ có thể giết chết một chúng sanh. Tuy nhiên, tâm cũng có thể chữa khỏi một chứng bịnh của thân. Nếu ta gom tâm mạnh mẽ vào những tư tưởng chân chánh, với sự hiểu biết chân chánh, thì thành quả mà tâm có thể đạt đến thật vô cùng rộng lớn và sâu xa.
"Tâm không những gây bịnh mà còn có thể chữa bịnh. Một bịnh nhân lạc quan có nhiều hy vọng được chữa trị dễ dàng hơn người luôn luôn lo âu và sầu muộn. Trong những trường hợp đã được ghi nhận, có nơi cho thấy đức tin cũng chữa được hầu như tức khắc những chứng bịnh thuộc cơ hữu." [6]
Phật Giáo (Buddhadhamma) là giáo huấn dẫn đến giác ngộ. Những ai có nguyện vọng thành đạt giác ngộ, trước tiên nên thông hiểu rõ ràng những trở ngại chặn ngang trên con đường đưa đến giác ngộ.
Theo sự hiểu biết chân chánh của một vị Phật, đời sống là khổ và tình trạng khổ này nằm trên nền tảng vô minh hay avijjà. Vô minh là không nhận thức bản chất giả hợp của năm uẩn (khandànam ràsattham); không nhận thức lục căn và lục trần đúng theo bản chất khách quan của nó (àyatanànam àyatanattham); không nhận thức tánh cách rỗng không hay tương đối của các nguyên tố, những thành phần của vật chất (dhàtùnam sunnattham); không nhận thức bản chất cốt yếu của ngũ căn (indriyànam adhipatittham); không thể nhận thức tánh cách thực tiễn -- tánh cách không thể sai lầm của Tứ Diệu Ðế (saccànam tathattham). Và năm pháp triền cái (panca nìvaranàni, năm chướng ngại tinh thần) là chất dinh dưỡng bồi bổ cho (hay tạo duyên cho) vô minh ấy. Ðược gọi là triền cái vì năm pháp này hoàn toàn đóng chặt, cắt lìa và chặn ngang, gây trở ngại cho sự hiểu biết con đường giải thoát ra khỏi đau khổ. Năm chướng ngại tinh thần này là: tham dục (kàmacchanda); oán ghét (vyàpada); dã dượi và hôn trầm (thìna-middha); phóng dật và lo âu (uddhacca-kukkuca) và hoài nghi (vicikicchà).
Và cái gì nuôi dưỡng năm triền cái này? Ba lối hành động bất thiện (tìni duccaritàni): thân, khẩu và ý bất thiện nghiệp. Ba bất thiện nghiệp này đến lượt nó được nuôi dưỡng bằng lục căn không thu thúc (indriya asamvaro). Bản chú giải giải thích rằng không thu thúc lục căn là thâu nhận tham ái và sân hận vào tâm xuyên qua sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý (cakkàdìnam channam indriyànam ràgapatighap- pavesanam).
Dinh dưỡng không thu thúc lục căn được chú giải là vì thiếu niệm và hay biết rõ ràng (asati asampajanna), thiếu giác tỉnh. Trong đoạn kinh đề cập đến dinh dưỡng, để trần cảnh lôi cuốn đi mất, để sự hiểu biết về ba đặc tướng của kiếp sinh tồn, vô thường, khổ và vô ngã (anicca, dukkha và anattà) thoát ra khỏi tâm, lãng quên thực chất của vạn pháp là những lý do làm cho ta không thu thúc lục căn. Chính trong những lúc không nhận thức bản chất vô thường, khổ, vô ngã của mọi sự vật ta tự buông lơi cho đủ loại tự do, thả lỏng cho thân và khẩu mặc tình tạo bất thiện nghiệp và trí tưởng tượng mặc tình trôi chảy theo dòng tư tưởng bất thiện. Thiếu hay biết rõ ràng là thiếu bốn điều: thiếu hay biết rõ ràng về mục tiêu (sàttha sampajanna); về tánh cách thích nghi (sappàya sampajanna); về phương sách (gocara sampajanna); về tánh cách không si mê (asammoha sampajanna). Khi ta làm việc gì mà không có mục tiêu chánh đáng, khi ta nhìn sự vật hoặc làm việc gì mà không giúp tăng trưởng thiện pháp, khi ta làm điều gì không đúng theo chiều hướng thuận lợi để cải thiện, khi ta lãng quên Giáo Pháp, vốn là phương sách thật sự mà ta gia công, khi ta si mê bám níu vào sự vật, lầm tưởng là nó đáng được ưa thích, đẹp đẽ, trường tồn và có thực chất, khi có thái độ như vậy là nuôi dưỡng trạng thái không thu thúc lục căn.
Và nằm phía dưới lớp tâm mà thiếu chú niệm và hay biết rõ ràng có sự suy tư không chân chánh (ayoniso manasikàra). Suy tư không chân chánh hay chú tâm không đúng, là đi lệch ra ngoài con đường chân chánh, có nghĩa là xem vô thường là thường còn, khổ là hạnh phúc,vô ngã là linh hồn trường cữu, bất thiện xem là thiện hoặc cái đáng nhờm chán là đẹp đẽ tốt xinh. Cuộc lăn trôi lặn hụp mãi mãi triền miên trong vòng luân hồi (samsàra) bắt nguồn từ suy tư không chân chánh. Khi suy tư không chân chánh tăng trưởng, nó đưa đến hai điều: trạng thái không hiểu biết, và lòng tham bám chặt vào kiếp sinh tồn. Vô minh đã hiện hữu, nguồn gốc của toàn khối đau khổ do đó cũng hiện hữu. Vậy, người suy tư nông cạn cũng tựa hồ như chiếc thuyền trôi giạt theo chiều gió, như đàn cừu bị lôi cuốn trong dòng nước lũ, như bò mang ách, mãi mãi xuôi ngược trong vòng luân hồi (samsàra).
Kinh sách cũng dạy rằng một niềm tin không trọn vẹn (assaddiyam) nơi Phật, Pháp, Tăng là điều kiện làm phát triển lối suy tư không chân chánh, và không có niềm tin trọn vẹn nơi Tam Bảo là vì không nghe Giáo Pháp, Dhamma (asaddhammasavanam). Cuối cùng, không nghe Giáo Pháp vì không đến gần bậc thiện trí, không thân cận với hạng người tốt (asappurisasamsevo). Như vậy, thiếu bạn lành (kalyàna mittatà) là lý do làm khởi sanh những tệ hại trên thế gian. Ngược lại, nền tảng và chất dinh dưỡng bồi bổ thiện pháp là tình bằng hữu trong sạch, thân cận với người bạn lành, người cho ta thức ăn làm bằng chất liệu của Giáo Pháp cao thượng, những gì tạo cho ta niềm tin trọn vẹn nơi Tam Bảo -- Phật, Pháp, Tăng. Khi có niềm tin vững chắc nơi Tam Bảo ta sẽ có suy tư thâm sâu và chân chánh, có chú niệm và hay biết rõ ràng, có thu thúc lục căn, có thiện nghiệp ở thân, khẩu, ý, có tứ niệm xứ, có thất giác chi, và có trí tuệ đưa đến giải thoát, tuần tự, điều này kế tiếp điều kia. [7]
I- Niệm
Giờ đây ta hãy đề cập đến từng yếu tố một của thất giác chi. Yếu tố đầu tiên là niệm (sati). Ðây là phương tiện hữu hiệu nhất để tự làm chủ lấy mình, và bất luận ai hành pháp này là đã tìm ra con đường đưa đến giải thoát. Niệm có bốn là: niệm thân (kàyànupassanà); niệm thọ (vedanà- nupassanà); niệm tâm (cittànupassanà); và niệm pháp (dhammànupassanà). [8]
Người mà thiếu công trình vô cùng quan trọng này không thể thành tựu việc gì đáng kể. Lời di chúc tối hậu của Ðức Phật ngay vào lúc Nhập Niết Bàn là: "Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường. Hãy kiên trì chú niệm để thành đạt giải thoát" (vayadhammà sankhàrà appamàdena sampà-detha). [9] "Hãy kiên trì chú niệm. Ðây là lời khuyên dạy của ta" (sampàdetha appamàdena esà me anusàsanà) là những lời cuối cùng của Ðức A La Hán Sàriputta (Xá Lợi Phất), vị đại đệ tử đứng hàng đầu của Ðức Phật. Ngài nhập diệt trước Ðức Bổn Sư. Trong cả hai trường hợp, Ðức Phật và Ðức Sàriputta đều dùng một danh từ đầy ý nghĩa và tối quan trọng là "appamàda", có nghĩa là chuyên cần chú niệm, giác tỉnh hay biết, cẩn thận chú tâm. Con người không thể chuyên cần chú niệm nếu không hoàn toàn hay biết những hành động bằng thân, khẩu, hay ý của mình trong lúc thức. Chỉ khi nào giác tỉnh chú niệm và hay biết đầy đủ những hành động của mình con người mới có thể phân biệt điều nào tốt điều nào xấu, đâu là chánh và đâu là tà. Chính trong ánh sáng của chú niệm con người sẽ nhìn thấy hành động của mình là đẹp hay xấu, đúng hay sai.
Trong suốt Tam Tạng kinh điển danh từ "appamàda" luôn luôn được dùng để hàm xúc ý nghĩa "sati", chú niệm. "Pamàda" được định nghĩa là tâm buông lung, không chú niệm (sati vossagga). Trong bộ Anguttara Nikàya, Tăng Nhứt A Hàm, Ðức Phật dạy:
"Này chư tỳ khưu, Như Lai không thấy có một pháp nào có nhiền năng lực như sự chuyên cần chú niệm, để làm phát sanh những tư tưởng thiện chưa phát sanh, và làm tan biến những tư tưởng bất thiện đã phát sanh. Với người hằng có chánh niệm, những tư tưởng thiện, nếu chưa phát sanh sẽ phát sanh, và những tư tưởng bất thiện, nếu đã phát sanh sẽ tan biến."
Trạng thái tâm thường xuyên giác tỉnh và kiên trì tinh tấn là điều kiện thiết yếu để tránh những hành động bất thiện và để thực hiện những thiện nghiệp. Con người luôn luôn chú niệm, luôn luôn thận trọng tự bao trùm quanh mình với tâm giác tỉnh (satimà), con người dũng cảm và quyết tâm trì chí, con người ấy sẽ chạy vượt lên trước như một tuấn mã chạy vượt lên, bỏ lại phía sau đàn ngựa tầm thường, già yếu ốm đau. Tầm quan trọng của chú niệm (sati) trong tất cả mọi hành động của ta được diễn tả một cách rõ ràng và mạnh mẽ trong những lời dạy sau đây của Ðức Thế Tôn: "Niệm, này chư tỳ khưu, Như Lai tuyên bố, niệm là yếu tố tối cần thiết trong mọi việc, bất luận nơi nào. Nó giống như muối trong cà ry" "Satim ca kho aham bhikkhave sabbatthikam vadàmi. Sabba byanjanepi lonadù- panam viya icchitabbà." [10]
Ðời sống của Ðức Phật là hình ảnh cụ thể của chú niệm. Ngài là Sadà sato, luôn luôn giác tỉnh, luôn luôn giữ chánh niệm. Không bao giờ có một trường hợp nào cho thấy Ðức Phật tỏ ra dấu hiệu dã dượi tinh thần, uể oải tâm trí hay tâm bất tại. Ta hãy bước theo dấu chân của Ngài và hãy giác tỉnh chú niệm. Chúng ta hãy loại trừ tâm và những tâm sở chai đá dửng dưng và nhận thấy rằng dã dượi và hôn trầm không cầm giữ, cản ngăn ta thực hiện những sinh hoạt thiện; bởi vì đây là con đường vững chắc đưa đến trạng thái bất diệt, hạnh phúc và giải thoát.Nói theo một lối, chánh niệm quý hơn kiến thức, bởi vì trong khi tâm không chú niệm, ắt không thể xử dụng hữu hiệu kiến thức của mình. Dầu có hiểu biết mà không chú tâm vào việc làm thì kiến thức cũng không giúp được gì. Một tâm trí thông minh sáng suốt mà không chú niệm thường dẫn dắt con người đi sai đường lạc nẻo và quyến rũ con người bước ra khỏi con đường chân chánh. Chí đến những người đầy đủ kiến thức và trí não minh mẫn cũng không thấy được sự vật một cách chân chánh trong giây phút dể duôi để tâm buông lung, trong khoảnh khắc không nắm vững công hạnh vô cùng quan trọng của chú niệm. Có nhiều người quyền quý cao sang phải bị chỉ trích nghiêm khắc mà không thể chối cãi được chỉ vì hành động vô ý thức, hay có những lời nói bất cẩn trong lúc không chú tâm đến hậu quả của nó. Chú niệm là đặc tánh chánh yếu của tất cả những hành động thiện có chiều hướng đem lại lợi ích to lớn cho ta và cho kẻ khác. "Appamàdo mahato atthàya samvattati" "Chú niệm dẫn đến lợi ích to lớn" [11], tức là phát triển tâm đến mức cao nhất, và đó là con đường mà ta phải trải qua để thoát ra khỏi mọi đau khổ của vòng luân hồi." "Người thích thú trong hạnh chuyên cần giữ chánh niệm và nhìn phóng dật với tâm sợ hải không còn phải rơi trở xuống. Vị ấy đã đối diện với Niết Bàn." [12]
II- Trạch pháp
Yếu tố thứ nhì của thất giác chi là dhammavicaya, trạch pháp, hay nhiệt thành khảo sát Giáo Pháp.
Trạch pháp là kiến thức sâu sắc và có tánh cách phân tách đến chi tiết để thấu đạt trọn vẹn thực chất của tất cả các pháp hữu vi, vô tri vô giác hay hữu giác hữu tri, người hay chư thiên. Ðó là thấy đúng thực tướng của sự vật, thấy sự vật đúng trong bối cảnh của nó. Trạch pháp là phân tách tất cả các pháp hữu vi một cách rốt ráo, đến những nguyên tố căn bản, phân tách chí đến cùng tột. Do nhờ nhiệt thành khảo sát như vậy mà ta có thể nhận thức rằng tất cả các pháp hữu vi đều phải trải qua những giai đoạn sanh, trụ, diệt (uppàda, thiti và bhanga) một cách vô cùng nhanh chóng, đến độ khó thể quan niệm được. Ðây là những giai đoạn khởi sanh, phát triển đến tột độ, rồi chấm dứt, cũng như nước trong một dòng sông, lên cao đến tột độ rồi ròng trở xuống. Toàn thể vũ trụ đều liên tục biến đổi, không thể tồn tại giống hệt trong hai khoảnh khắc kế tiếp.
Trong thực tế, mọi sự vật đều phải có duyên, nhân và quả (paccaya, hetu và phala). Khi chánh niệm, suy tư chánh đáng (yoniso manasikàra) tự nhiên đến và thúc đẩy hành giả phân biện, lý luận và khảo sát. Suy tư nông cạn, tư tưởng không chánh đáng (ayoniso-manasikàra) làm cho tâm trí nhơ đụt và do đó, không thể khảo sát bản chất của sự vật. Người như vậy không thể thấy nhân và quả, hột và trái, trạng thái phát sanh và hoại diệt của các pháp hữu vi. Ðức Phật dạy: Pannavantassàyam dhammo nàyam dhammo dup-pannassa. "Giáo Pháp này để cho bậc cao minh chớ không phải để cho người thiển trí." [13]
Trong Phật Giáo không có sự áp bức hay cưỡng chế. Phật Giáo không đòi hỏi tín đồ một đức tin mù quáng. Ngay từ lúc đầu, người có tâm hoài nghi lấy làm thỏa thích mà nghe lời kêu gọi nên khảo sát, suy xét tận tường trước khi chấp nhận. Toàn thể giáo lý của Ðức Phật, từ đầu đến cuối, được trình bày cho tất cả những ai có mắt muốn thấy và có tâm trí muốn thấu hiểu. Ðức Phật dẫn dắt chư môn đệ theo phương pháp phân biện và sáng suốt khảo sát. Ðối với người Kàlàmas muốn tìm hiểu, Ðức Phật dạy: "Hoài nghi là đúng, nêu lên những câu hỏi về những gì còn hoài nghi và những gì ta chưa hiểu rõ là hữu lý. Về một vấn đề, khi còn hoài nghi ắt có sự phân vân phát sanh" (xem Chương 5, Tự do khảo sát)
Người tìm chân lý không thỏa mãn với một kiến thức nông cạn chỉ thấy trên bề mặt. Người ấy lặn sâu và nhìn những gì ở phía dưới. Ðó là loại tìm hiểu mà Phật Giáo khuyến khích. Loại hiểu biết đưa đến chánh kiến.
Người trau giồi trạch pháp, dhammavicaya, tập trung chú niệm vào ngũ uẩn thủ (pancakkhandha) và gia công nhận thức trạng thái sanh diệt (udayabbaya) của sự cấu hợp những năng lực này (suddha sankhàra punja) -- luồng trôi chảy của danh và sắc này (nàma-rùpa). Chí đến khi nhận thức đầy đủ bản chất vô thường của danh và sắc của chính mình người ấy mới chứng nghiệm được hạnh phúc, phỉ lạc. Do đó có câu:

Yato yato sammasati - khandhànam udayabbayam
Labhati pìti pàmojjam - amatam tam vijànatam.

"Mỗi khi suy niệm về sự sanh-diệt của các uẩn, người kia có phỉ lạc.
Ðối với người thấu hiểu, (suy niệm ấy) là bất tử, Niết Bàn."
[14]
Những gì vô thường, bất ổn định, người ấy thấy là khổ. Những gì vô thường và khổ, người ấy nhận thức là vô ngã, không có một linh hồn trường tồn bất biến, không có một tự ngã, một thực thể vĩnh cửu gọi là "ta". Chính sự nắm vững, sự thấu đạt trọn vẹn, sự chứng ngộ ba đặc tướng: Vô thường, khổ, vô ngã (anicca, dukkha và anattà) ấy được gọi là tuệ minh sát (vipassanà nàna). Và sự chứng đạt này dường như lưỡi dao cạo, cạo sạch tất cả những khuynh hướng tâm tánh ngủ ngầm (anusaya) và cùng lúc, cạo sạch những mầm mống tạo khổ. Người ấy đã lên đến tuyệt đỉnh cao của sự chứng ngộ, người ấy là một vị A La Hán, đấng Trọn Lành, người đã có cái nhìn rõ ràng, có trí tuệ sâu sắc, có sự hiểu biết thấm sâu vào các thâm cung bí hiểm của đời sống, và nhận thức trọn vẹn bản chất thật sự của vạn pháp, vốn bị vùi lấp dưới lớp mặt bề ngoài. Người ấy đúng thật là triết gia, là khoa học gia thật sự, đã nắm vững ý nghĩa của đời sống một cách đầy đủ. Người ấy đã đứng vững trên hai chân mình và không còn bị lạc thú phù du làm mê hoặc. Người ấy không còn bị những lớp mặt bề ngoài làm bận lòng. Người ấy không còn có thể ôm ấp một quan điểm mù mờ về các hiện tượng; bởi vì đã vượt lên khỏi mọi lầm lạc do nhờ tuệ minh sát sâu sắc, và chỉ tuệ minh sát (vipassanà-nàna) sâu sắc mới có thể đem lại quan kiến toàn hảo, không thể lầm lạc. III- Tinh tấn
Yếu tố thứ ba của sự giác ngộ là tinh tấn (viriya). Tinh tấn là một tâm sở (cetasika) mà cũng là chi thứ sáu của Bát Chánh Ðạo, được gọi là chánh tinh tấn (sammà-vàyàma).
Phật Giáo để cho người thành thật nhiệt tâm, người dũng mãnh, quyết tâm thành đạt mục tiêu chớ không phải để cho người dã dượi lười biếng (àraddhaviriyassàyam dhammo nàyam dhammo kusìtassa) [15]. Ðức Phật không tự xưng là một đấng cứu thế có khả năng và sẵn sàng lãnh chịu tội lỗi của nhân loại. Trái lại, Ngài dạy rằng mỗi người phải mang lấy gánh nặng những hành động bất thiện của mình. Theo đúng lời của chính Ðức Phật, mỗi cá nhân phải tự mình cố gắng, tự mình chuyên cần tinh tấn đầy đủ mức độ cần thiết, và tự mình thăng tiến trên đường giải thoát. Ðức Phật chỉ là người "Vạch Ra Con Ðường". Một cách gián tiếp người khác có thể hướng đến ta một cánh tay hỗ trợ, nhưng muốn thoát ra khỏi mọi khổ đau của đời sống mỗi người phải tự đặt mình lên hòn đe rồi tự đập, vỗ, uốn nắn mình bằng hành động của chính mình. "Hãy tự lấy con làm hải đảo cho con, hãy lấy con làm nương tựa cho con." [16] Như thế ấy, Ðức Bổn Sư kêu gọi hàng tín đồ không nên ỷ lại nơi ai khác ngoài mình. Bất luận ở vào trường hợp nào, người bước theo dấu chân của Ðức Thế Tôn không nên mất niềm hy vọng và ngừng cố gắng; Ðức Phật không bao giờ thối chí, Ngài luôn luôn dũng mãnh và tinh tấn, chẳng những trong kiếp sống cuối cùng mà trong nhiều kiếp, từ thời còn là Bồ Tát. Vào lúc còn là người có nguyện vọng trở thành Phật, phương châm của ngài là: mà nivattha, abhikkhama, "không chùng bước, luôn luôn thẳng tiến". Người có chánh niệm và có trau giồi trạch pháp nên tiến thêm một bước, tinh tấn chuyên cần, nỗ lực đúng mức cần thiết để vượt lên, chiến đấu mở lối thoát. Nhiệm vụ của tinh tấn có bốn là:
1.Tinh tấn tận diệt những bất thiện pháp đã phát sanh trong tâm;
2.Tinh tấn đè nén, ngăn ngừa không để cho bất thiện pháp phát sanh;
3.Tinh tấn trau giồi những thiện pháp đã phát sanh;
4.Tinh tấn duy trì và làm cho các thiện pháp đã phát sanh càng thêm dồi dào phát triển. (samvara, pahàna, bhàvana, anurakkhana.) [17].

Kinh Vitakka Santhàna Sutta của bộ Majjhima Nikàya, Trung A Hàm có ghi: "Cũng như người thợ mộc chuyên nghiệp hay người tập sự dùng một cái chốt nhỏ để lói ra một cái chốt lớn hơn, cùng thế ấy, khi có một ý nghĩ phát sanh đến thầy tỳ khưu mà có tánh cách bất thiện, xấu, nghĩa là liên hợp với tham, sân, si, thầy phải tạo trong tâm một ý nghĩ liên hợp với thiện pháp. Do đó những bất thiện pháp sẽ biến tan và cùng với sự tan biến của bất thiện pháp, tâm của thầy tỳ khưu trở nên ổn cố, trong sạch, an trụ và định." [18]
Như vậy người lười biếng ắt không thể đi trên con đường trong sạch (Thanh Tịnh Ðạo). Người có nguyện vọng thành đạt giác ngộ (bodhi) phải tự un đúc cho mình một ý chí dũng mãnh cùng với hạnh tinh tấn không thối chuyển. Giác ngộ và giải thoát nằm trọn vẹn và tuyệt đối trong tay của chính ta. "Chính con người phải tự mình quyết định kiên trì nỗ lực, vươn lên và mở đường đến tận cánh cổng đưa vào tự do. Và bất luận lúc nào, con người luôn luôn có đủ khả năng để làm việc ấy. Cánh cổng không bao giờ khóa chắc lại, chìa khóa cũng không nằm trong tay ai khác mà ta phải van vái nguyện cầu để được ban bố. Cánh cửa không bao giờ gài, đóng, hay khóa, trừ phi chính con người đã gài, đóng và khóa nó lại."Bằng những lời vàng ngọc và bằng gương lành trong sáng, Ðức Phật đã biểu hiện một đời sống chuyên cần tinh tấn tột độ. Hãy lắng nghe lời dạy của Ngài:
"Người sống tiêu cực, uể oải dã dượi, không tinh tấn chuyên cần, dầu còn trẻ tuổi và khoẻ mạnh vẫn lười biếng và suy nhược, thiếu quyết tâm, con người lười biếng ấy không tìm ra được con đường dẫn đến trí tuệ, đường đến giác ngộ." [19]
Bước theo dấu chân của Ðức Phật, người Phật tử tự nghĩ: "Dầu chỉ còn da, gân và xương, máu và thịt đã khô dần và tàn héo, ta sẽ không bỏ dỡ cuộc chiến và bước lệch ra ngoài con đường trực tiến, thẳng đến giác ngộ." (xem Chương 4, Chánh Tinh Tấn) IV- Phỉ
Yếu tố giác ngộ thứ tư là phỉ (pìti). Ðây cũng vậy, là một tâm sở (cetasika), và cũng là một đức tánh có ảnh hưởng sâu rộng bao gồm cả tâm lẫn thân. Người thiếu đức tánh này không thể đi dài theo con đường dẫn đến giác ngộ. Một nỗi buồn mang máng, một trạng thái lãnh đạm lạnh lùng trước thiện pháp, một tình trạng bất mãn đối với thiền tập, một sự biểu lộ bất toại nguyện, sẽ phát sanh đến người thiếu tâm phỉ (pìti). Như vậy, tâm phỉ quả thật là thiết yếu cho người có nguyện vọng và cố gắng thành đạt giác ngộ và giải thoát cuối cùng ra khỏi những ràng buộc của cuộc đi bất định trong vòng luân hồi (samsàra). Người ấy cần phải cố gắng trau giồi giác chi "phỉ" vô cùng quan trọng này. Không ai có thể ban tặng hạnh phúc cho người khác. Mỗi người phải tự xây dựng hạnh phúc cho riêng mình, bằng nỗ lực của chính mình, bằng chú niệm và bằng những sinh hoạt tích cực để làm cho tâm an trụ. Phỉ là một tâm sở, nghĩa là một phần của tâm. Vì lẽ ấy không nên tìm hạnh phúc ở bên ngoài, mặc dầu ở mức độ nhỏ bé nào, cảnh vật bên ngoài cũng ảnh hưởng đến tâm.
Tri túc là đặc điểm của hạnh phúc cá nhân. Người thường trong dân gian hình như có ý nghĩ rằng rất khó trau giồi và phát triển hạnh tri túc. Tuy nhiên, nếu ta kiên trì dũng mãnh, quyết tâm trì chí chú niệm và suy tư chân chánh về những gì mà chúng ta thường gặp hằng ngày, nếu ta kiểm soát những khuynh hướng bất thiện và kềm hảm năng lực lôi cuốn của nhục dục ngũ trần, nếu đè nén những quyến rũ vật chất bất thiện mà thế thường ta riu ríu phục tùng -- vâng lịnh một cách hồn nhiên không suy nghĩ -- ắt có thể giữ tâm khỏi bị ô nhiễm, và chừng ấy chúng ta có thể cảm giác hạnh phúc của hạnh tri túc. Trong tâm của con người thường xảy diễn những xung đột đủ loại và nếu các cuộc xung đột này phải được kiểm soát, trong khi ta chưa đủ khả năng để loại trừ, con người chớ nên buông lơi để cho những khuynh hướng xấu xa và dục vọng lôi cuốn, nói cách khác phải trau giồi hạnh tri túc. Quả thật là khó mà từ bỏ những gì lừa phỉnh và bắt giữ ta làm nô lệ, và quả thật khó xua đuổi loại tà ma đang chế ngự tâm hồn ta dưới hình thức những tư tưởng xấu xa, bất thiện. Những loại ma quỉ đó là sự biểu hiện của lòng tham, sân, si -- lobha, dosa, moha. Cho đến khi thành đạt trạng thái trong sạch và an tĩnh tuyệt đỉnh bằng cách trường kỳ rèn luyện tâm trí, chúng ta không thể hoàn toàn và trọn vẹn chiến thắng những vị khách xấu xa và khó tánh ấy, những người khách đang chế ngự tâm ta. Từ bỏ suông những gì ở bên ngoài như nhịn đói, tắm trong các dòng sông và các suối nước nóng v.v... không thể thanh lọc con người, không thể đem hạnh phúc đến con người, không thể làm cho con người trở thành bậc thánh nhân. Do đó, nhu cầu phát triển và trau giồi con đường trong sạch của Ðức Phật: giới, định, tuệ -- sìla, samàdhi, pannà.
Trong tinh thần sambojjhanga, thất giác chi, khi đề cập đến hạnh phúc, ta nên ghi nhận sự khác biệt lớn lao giữa thỏa thích và hạnh phúc. Thỏa thích -- cảm giác thích thú -- là cái gì tạm bợ nhất thời, chỉ thoáng qua rồi mất. Có sai lầm chăng, khi ta nói rằng cảm giác thích thú chỉ là dấu hiệu báo trước rằng đau khổ sắp đến? Những gì mà trong khoảnh khắc này người ta ôm ấp và tâng tiu như một bảo vật có thể là nguồn đau khổ trong khoảnh khắc kế tiếp. "Vật mà ta mong muốn không còn đó nữa khi ta vói tay nắm lấy nó, hoặc lúc ta vừa nắm được thì nó tan biến như một nắm tuyết." Theo lời của Robert Burns:
"Lạc thú trên đời không khác nào những cái bông toét nở,
Anh vừa nắm lấy nó thì những tai hoa tả tơi rơi rụng;
Hay cũng như tuyết đổ trên dòng sông,
Vừa thấy trắng sáng bỗng chốc đã mãi mãi tan trong nước."
-- (Tam O'Shanter)

Khi thấy một hình sắc, nghe một âm thanh, hưởi một mùi, nếm một vị, nhận thức một ý nghĩ, thì người ta bị các đối tượng ấy của giác quan và tâm (trần cảnh) kích thích, và cảm nghe ít nhiều thỏa thích. Nhưng tất cả đều là những hiện tượng phù du tạm bợ, vừa phát sanh đã hoại diệt. Loài thú chỉ nhắm vào mục tiêu duy nhất là tìm thỏa thích ở bất luận đâu, với bất cứ giá nào. Con người trái lại, phải cố gắng thành đạt tâm phỉ (pìti), hay hạnh phúc của tâm thanh bình an lạc. Hạnh phúc thật sự không thể đến bằng cách bám níu hay nắm chắc lấy những vật vô tri vô giác hay hữu giác hữu tri, mà chỉ có thể đạt đến bằng hạnh buông bỏ (nekkhamma). Chính thái độ từ khước những gì thuộc về thế gian mới đem lại hạnh phúc thật sự. Kinh Niệm Xứ, Satipatthàna Sutta, có đề cập đến hai trạng thái, thỏa thích của thế gian (sàmisa sukha) và thỏa thích siêu thế gian (niràmisa sukha). Niràmisa cao quý hơn sàmisa sukha nhiều.Một lần nọ Ðức Phật vào thôn xóm trì bình mà không có chút gì để độ ngọ và một người tọc mạch để ý rằng Ðức Bổn Sư có vẽ bị đói. Nhân đó Ðức Thế Tôn giải thích thái độ tinh thần của người đã thoát ra khỏi mọi chướng ngại như sau:
"Hạnh phúc thay Như Lai sống
Không bị chướng ngại,
Dưỡng nuôi phỉ lạc, Như Lai lúc nào
Cũng như các vị Trời ở cảnh Quang Âm Thiên."
[20]
Hạnh phúc sẽ đến với người suy tư như sau: "Có kẻ gây tổn thương cho người khác, ta sẽ không làm tổn hại bất cứ ai. Kẻ khác có thể giết hại sanh linh nhưng ta không sát hại chúng sanh nào. Kẻ khác có thể hành động tà dâm, nhưng ta sẽ luôn luôn trong trắng. Kẻ khác có thể gian dối, nhưng ta luôn luôn chân thật. Kẻ khác có thể nói lời đâm thọc, thô lỗ, hay nhảm nhí, nhưng ta chỉ nói những lời đem lại hòa hợp, những lời thanh lịch, êm tai, đầy tình thương, những lời làm cho tâm trí mát mẻ an lành, những lời đáng nói, đúng lúc, đúng nơi, thích nghi với hoàn cảnh. Kẻ khác có thể tham lam, nhưng ta sẽ không tham. Ta sẽ tinh tấn, khiêm tốn, luôn luôn chân thật và liêm chánh, an tĩnh, tri túc, rộng lượng và thành thật trong mọi trường hợp." Như thế ấy, giác chi phỉ, yếu tố thứ tư của thất giác chi, sẽ dẫn đến giác ngộ trọn vẹn, trí tuệ toàn hảo, Niết Bàn. V- An tĩnh
Passaddhi, an, hay vắng lặng, an tĩnh, là giác chi thứ năm. Passaddhi có hai:

1. Kàya passaddhi là Thân an. Kàya ở đây có nghĩa là toàn thể các tâm sở chớ không phải là cơ thể vật chất. Nói cách khác, là trạng thái an tĩnh, vắng lặng của thọ uẩn (vedanàkkhandha), tưởng uẩn (sannàkkhandha), và hành uẩn (sankhàrakkhandha).
2. Citta-passadhi, Tâm an, là trạng thái an tĩnh của thức uẩn (vinnànakkhandha).
Passaddhi, an, có thể ví như cảm giác an tĩnh vắng lặng của người đi đường mệt mỏi, lúc ngồi lại dưới tàng bóng mát mẻ của một cội cây, hay có thể ví như trạng thái thoải mái dễ chịu của người đang ở chỗ nóng nực được một cơn mưa mát mẻ tưới xuống. Lắng tâm là việc khó thực hiện. Tâm luôn luôn chao động và có khuynh hướng không bao giờ ở yên một chỗ. Rất khó cột tâm và rất khó kéo tâm trở lại. Tâm ở trong trạng thái giống như con cá mới bị bắt ra khỏi nước và bị vứt lên trên đất khô. Nó phóng nhảy đầu này đầu kia bất định [21]. Ðó là bản chất của cái tâm vô cùng tế nhị. Chính sự chú tâm suy tư chân chánh (yoniso manasikàra) giúp cho người có nguyện vọng thành đạt giác ngộ kềm lại, làm cho cái tâm chao động trở nên yên tĩnh. Chỉ khi nào có trau giồi tâm "an" vắng lặng mới có thể thành công định tâm. Một cái tâm an tĩnh giữ cho tâm không có những tư tưởng nông cạn và vô ích.Nhiều người ngày nay nghĩ rằng tự do là sống buông lung không bị hạn chế, còn tự rèn luyện, tự khép mình vào khuôn khổ kỷ cương, tự uốn nắn lấy mình là cản trở sự phát triển cá nhân. Giáo lý của Ðức Phật dạy khác hẳn. Cái tự ngã phải được khắc phục và thuần hóa theo đúng chiều hướng để trở nên thật sự tốt đẹp. Ðức Phật, bậc Ðã Ðược Thuần Hóa, truyền dạy Giáo Pháp với chủ đích thuần hóa tâm của con người (danto so Bhagavà dama-tàya dhammam deseti) [22].
Chỉ khi nào được an tĩnh vắng lặng và được hướng dẫn trong vòng trật tự, theo chiều hướng tiến bộ chân chánh, tâm mới có thể trở nên hữu dụng, cho mình và cho xã hội. Tâm vô trật tự là một hiểm họa cho tự cá nhân mình và cho kẻ khác. Tất cả những hiểm họa tàn phá trên thế gian đã được gây nên do những người không biết làm thế nào để tâm được an tĩnh, quân bình, ổn định. Bình tĩnh và trầm lặng không phải là yếu hèn. Thái độ trầm tĩnh lúc nào cũng biểu lộ một con người có văn hóa. Trong khi tất cả mọi sự vật quanh ta đều được an bài một cách thuận lợi thì giữ mình trầm tĩnh không phải là điều khó làm. Nhưng giữ tâm bình thản giữa những nghịch cảnh thì quả thật là khó, và chính cái đức độ khó có được ấy mới là điều đáng cho ta tận lực cố gắng thành tựu, bởi vì nhờ kiểm soát tâm như vậy ta xây dựng cho chính mình một bẩm tánh dũng mãnh và cương nghị. Ðiều đáng thất vọng nhất trên thế gian là tưởng tượng rằng chỉ có những người ồn ào mới thật là dũng mãnh, hay chỉ có những người lăng xăng rối rít cả ngày mới thật sự có quyền năng.
Người đã trau giồi tâm vắng lặng không còn phiền lụy, bối rối hay cảm kích khi phải đương đầu với tám pháp thăng trầm của thế gian (atthaloka dhamma). Người ấy cố gắng nhận thấy trạng thái phát sanh và hoại diệt của những sự vật được cấu tạo, vạn pháp sanh rồi diệt như thế nào. Không còn phiền muộn lo âu, người ấy sẽ thấy rõ tánh cách mỏng manh và nhất thời trong những sự vật phù du tạm bợ, chỉ tồn tại nhất thời. Kinh điển có ghi lại câu chuyện một bà mẹ, được hỏi sao không than khóc cái chết của người con yêu quý, bà trả lời:
"Không ai mời mọc, nó đến.
Cũng không ai mời mọc, nó đi.
Ðến như thế nào, nó ra đi cùng thế ấy.
Vậy than khóc có ích gì? Rên rỉ ích gì?" [23]

Ðó là lợi ích của tâm an tĩnh vắng lặng. Không chao động trong những hoàn cảnh lợi lộc và lỗ lã, danh thơm và tiếng xấu, được tán dương và bị khiển trách, hạnh phúc và đau khổ, và không bàng hoàng hay phiền muộn trước những nghịch cảnh của kiếp sinh tồn. Muốn có được tâm bình thản như thế ấy phải nhìn thế gian vô thường này đúng trong bối cảnh của nó. Vậy, trạng thái an tĩnh (passaddhi) dẫn con người đến giác ngộ và giải thoát con người ra khỏi mọi khổ đau của đời sống. VI- Ðịnh
Yếu tố thứ sáu của sự giác ngộ là định (samàdhi). Chỉ có tâm an tĩnh mới dễ dàng gom trụ vào đề mục hành thiền. Tâm an và trụ thấy sự vật đúng theo chân tướng của nó (samàhito yathà bhùtam pajànàti). Tâm an trụ vào một điểm có khả năng chế ngự năm chướng ngại tinh thần (panca nìvaranàni, năm pháp triền cái).
Ðịnh là trạng thái tâm ổn định vững chắc, có thể ví như ngọn đèn vững vàng đứng ngọn, không chao động, ở một nơi không gió. Chính trạng thái định giữ vững tâm ngay thẳng và làm cho tâm không lay chuyển, không vọng động. Khi thực hành đúng, định giữ tâm và các tâm sở trong trạng thái quân bình, cũng như cán cân được giữ vững giữa hai bàn cân. Chánh định tiêu trừ những khát vọng vốn làm cho tâm vọng động và cùng lúc thanh lọc ô nhiễm, làm cho tâm trở nên tinh khiết. Tâm định không bị nhục dục ngũ trần làm chao động. Khi tâm định được phát triển đến cao độ thì dầu ở hoàn cảnh trái nghịch nào cũng không bị khuấy động.
Ngưòi quyết tâm trau giồi định phải nghiêm trì giới luật, sìla, bởi vì giới đức nuôi dưỡng đời sống tâm linh và làm cho tâm an trụ và vắng lặng, quân bình và dồi dào phong phú. Tâm buông lung tự làm cho mình rời rạc bằng những sinh hoạt vô ích.
Người hành thiền, người có nguyện vọng thành tựu giác ngộ, phải đương đầu với rất nhiều chướng ngại. Nhưng đặc biệt có năm pháp gây trở ngại mạnh mẽ cho tâm định, samàdhi, và chận ngang con đường giải thoát. Trong giáo huấn của Ðức Phật năm pháp ấy được gọi là panca nìvarana, năm pháp triền cái. Danh từ Phạn ngữ nìvarana có nghĩa là cái gì gây trở ngại, hay cản ngăn công trình phát triển tinh thần (bhàvana). Ðược gọi là nìvarana, triền cái, bởi vì nó khóa chắc lại, cắt đứt lìa và chận ngang. Nó đóng chắc lại cánh cửa giải thoát.
Năm pháp triền cái là:
1. Tham dục (kàmacchanda),
2. Oán ghét (vyàpàda),
3. Tâm dã dượi và hôn trầm (thina-middha),
4. Phóng dật và lo âu (uddhacca-kukkucca), và
5. Hoài nghi (vicikicchà).

Kàmacchandha hay tham dục, hay thèm khát mạnh mẻ các sở hữu, hoặc muốn thỏa mãn những dục vọng thấp hèn, là chướng ngại đầu tiên cột trói chúng sanh trong cuộc đi bất định trong vòng luân hồi (samsàra), và đóng chắc cánh cửa giải thoát. Dục vọng là gì? Ái dục (tanhà) ấy xuất xứ và khởi sanh từ đâu? Theo kinh Niệm Xứ (Satipatthàna), "Nơi nào có hoan hỷ và thỏa thích thì ái dục bắt nguồn và khởi sanh." Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp là những nơi có tánh cách hoan hỷ và thỏa thích, nơi ấy ái dục bắt nguồn và phát sanh. Khi ái dục bị ngăn cản thì trở thành bất mãn và phẩn nộ. Như Kinh Pháp Cú, câu 216, dạy:
Tanhàya jàyati soko -- tanhàya jàyati bhayam
Tanhàya vippamuttassa -- natthi soko kuto bhayam.

"Ái dục sanh sầu muộn, ái dục sanh lo sợ,
Người đã trọn vẹn dập tắt ái dục không còn sầu muộn,
Càng ít lo sợ".

Pháp triền cái kế đó là vyàpàda, oán ghét, ác ý, sân hận, hay bực mình khó chịu. Một cách tự nhiên, con người nổi dậy chống đối những gì không vừa lòng thích ý hay không làm cho mình thỏa mãn và cũng chán nản vì những điều này. Xa cách người thân kẻ yêu là đau khổ, và kết hợp với người mình không ưa thích cũng đau khổ dường ấy. Chí đến một món ăn không vừa miệng, một thức uống không hợp ý thích, một tư cách khó thương, và trăm ngàn nghịch cảnh khác mà ta có thể gặp trên đường đời làm cho ta bất toại nguyện. Chính vì suy tư lầm lạc, chú ý không chân chánh (ayonisso manasikàra) mà ta tức giận. Ðàng khác, sân hận dưỡng nuôi sân hận và làm lu mờ trí óc, bóp méo toàn thể cái tâm và những tâm sở và do đó, gây trở ngại cho trạng thái giác tỉnh, ngăn chận ánh sáng chân lý và khóa chắc con đường đưa đến giải thoát. Tham và sân đặt nền tảng trên si mê và nằm trong lớp mây mờ vô minh, đỉnh cao điên rồ của chúng ta (avijjà paramam malam). Tham, sân, si, quả thật là căn nguyên của tất cả mọi xung đột, mọi tranh chấp và mọi chia rẽ giữa người và người, quốc gia và quốc gia.Chướng ngại tinh thần thứ ba bao gồm cặp tệ hại thìna và middha, dã dượi và hôn trầm. Thìna là sự mệt mỏi, hay trạng thái dã dượi của tâm vương và middha, hôn trầm, là trạng thái dã dượi của tâm sở. Thìna và middha, dã dượi và hôn trầm, không phải là tình trạng nhuể nhoại biếng nhác thuộc về cơ thể, như vài người có chiều hướng nghĩ như vậy, bởi vì chí đến chư vị A La Hán, bậc Toàn Hảo, đã tận diệt cặp triền cái này, vẫn còn thọ cảm tình trạng mệt mỏi của cơ thể. Dã dượi hôn trầm làm chậm trể mọi công trình phát triển tâm linh. Do ảnh hưởng của cặp dã dượi và hôn trầm tâm không thể hoạt động hữu hiệu vì như cục bơ đặc quá, cứng, không thể trét lên bánh, hay như mạch nha dính trên muỗng.
Trạng thái hôn trầm là kẻ thù nguy hại của công trình phát triển tâm linh. Trạng thái hôn trầm dẫn đến hôn trầm hơn và cuối cùng, đến tâm trạng dửng dưng chai đá. Bẩm tánh mềm yếu như vậy là một chướng ngại nguy hại trên con đường đưa đến chân chánh và tự do. Nhờ tinh tấn, viriya, hay nỗ lực tinh thần, có thể khắc phục tệ hại trên.
Pháp triền cái thứ tư bao gồm cặp uddhacca và kukkucca, phóng dật và lo âu. Thông thường tâm của người có lỗi không yên mà bồn chồn lo lắng. Kẻ có tội và người thiếu kiên nhẫn thường bị chướng ngại này. Tâm phóng dật và không ổn định giống như bầy ong vỡ ổ. Tình trạng chao động tinh thần như vậy gây trở ngại cho công phu hành thiền và khóa kín con đường hướng thượng. Lo âu cũng tai hại dường thế ấy. Người ta thường ăn năn những tội lỗi mà mình đã phạm. Ðức Phật không tán dương thái độ hối tiếc ấy, bởi vì khi sữa đã rơi đổ xuống đất thì có than khóc mấy cũng không lợi ích gì. Thay vì khóc than rên rỉ những thiếu sót như vậy, ta nên quyết tâm cố gắng không còn lặp lại hành động bất thiện tương tợ trong tương lai. Có người băn khoăn lo lắng vì đã chểnh mãng bỏ lỡ một cơ hội tạo thiện nghiệp, hay đã lãng quên một phận sự. Ðiều này cũng vậy, vô ích. Làm như thế không khác nào đứng trên một bờ sông rồi bảo cái bờ bên kia xích lại gần để mình bước qua. Thay vì luống công vô ích, như lo âu về các hành động thiện mà ta bỏ lỡ không làm, hãy cố gắng tích cực tạo thiện nghiệp. Trạng thái bất ổn định tinh thần (kukkucca, lo âu) cũng là một chướng ngại cho tiến bộ.
Triền cái thứ năm và cuối cùng là vicikicchà, hoài nghi. Danh từ vi + cikiccà, đúng theo nghĩa từng chữ, là không thuốc chữa. Người mang tật hoài nghi quả thật đã mắc phải một chứng bịnh nan y, và cho đến chừng nào xa lìa hoài nghi ta vẫn còn phải chịu khổ đau vì bịnh này. Ngày nào mà còn hoài nghi thì con người còn tiếp tục có một quan kiến bất định về sự vật, và đó là một thiệt hại vô cùng trọng đại cho công trình phát triển tâm linh. Các nhà chú giải giải thích rằng hoài nghi này là không thể quyết định điều gì một cách chắc chắn. Hoài nghi ở đây cũng là không tin rằng người ta có thể đắc thiền (jhàna). Về điểm này ta có thể thêm rằng dầu là người không phải Phật tử hay không biết gì đến Tam Bảo cũng có thể khắc phục triền cái hoài nghi (vicikicchà) và đắc thiền (jhàna).
Hành giả đã đắc thiền tạm thời chế ngự năm chướng ngại bằng năm chi thiền (jhànanga). Chi thiền ekaggatà (trụ) chế ngự triền cái kàmacchandha (tham dục); pìti (phỉ) chế ngự vyàpàda (oán ghét); vitakka (tầm) chế ngự thìna-middha (dã dượi và hôn trầm); sukha (lạc) chế ngự uddhacca-kukkucca (phóng dật và lo âu); và vicàra (sát) chế ngự vicikicca (hoài nghi). Tuy nhiên, đắc thiền (jhàna) không phải là mục tiêu cứu cánh mà hành giả nhắm đến. Thiền phải dẫn đến minh sát (vipassanà). Do nhờ minh sát mới tận diệt những ô nhiễm tiềm tàng ngủ ngầm (anussaya kilesa) và thành tựu trạng thái hoàn toàn trong sạch.
Ngày nào các ô nhiễm (kilesa) còn tiềm tàng tồn tại trong tâm con người, ngày ấy ác pháp (pàpa) còn có thể tiếp tục phát sanh. Người đã đắc thiền (jhàna) vẫn còn phải nhắm đến mục tiêu cao hơn, là minh sát. Người đắc thiền không tạo nghiệp bất thiện vì đã chế ngự năm pháp triền cái, tuy nhiên, ô nhiễm vẫn còn tiềm tàng sâu kín bên trong và như vậy, chưa đạt đến trạng thái tuyệt đối châu toàn.
Nhưng vị A La Hán, bậc Toàn Hảo, đã gội rửa tất cả mọi ô nhiễm đến tận cùng gốc rễ và đã chấm dứt mọi cuộc đi thênh thang bất định trong vòng luân hồi. Ngài là bậc đã chắc chắn chấm dứt mọi cuộc sống, bởi vì đã làm cho kiếp sống cao quý của Ngài trở nên toàn hảo, hoàn toàn trong sạch và đã hoàn tất viên mãn những gì cần phải làm. Ðối với Ngài không còn kiếp sống nào khác [24].
Một sinh viên chuyên cần, chăm chú thâm sâu vào bài học, cắt đứt liên lạc với mọi yếu tố khuấy động bên ngoài, rút vào một nơi yên tĩnh và tự bao trùm quanh mình bầu không khí thuận lợi cho việc học, và chỉ lo học. Sinh viên này sẽ thành công, đến kỳ thi sẽ đậu. Cùng thế ấy, vị hành giả rút vào tịnh thất hay một nơi yên tĩnh khác, "tách rời xa những cuộc tranh chấp thấp hèn của đám đông cuồng loạn", chú tâm vào đề mục hành thiền (kammatthàna) và chiến đấu, không ngừng tinh tấn chế ngự năm triền cái, thanh lọc mọi ô nhiễm trong luồng tâm, và dần dần đạt đến sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, rồi từ đó, nhờ năng lực của tâm định (samàdhi) hướng tâm quán chiếu sự vật để thấu đạt thực tại, trong ý nghĩa cao siêu nhất. Ðến giai đoạn này hành giả trau giồi thiền minh sát, vipassanà. Nhờ minh sát ta mới thấu đạt trọn vẹn bản chất thật sự của tất cả các pháp hữu vi và các vật được cấu tạo. Thiền minh sát giúp ta thấy sự vật đúng thực chất của sự vật, thấy như thật sự, sự vật là như vậy, thấy chân lý diện đối diện và nhận thức rằng tất cả những giọng điệu chỉ là những âm thanh khác nhau phát xuất từ một cây đờn và ngân nga từ kiếp này sang kiếp khác. Sợi dây đờn được làm ra bằng chất liệu vô thường, khổ, vô ngã (anicca, dukkha, anattà).
Hành giả hướng tuệ minh sát (vipassana nàna) vào bản chất thật sự của thế gian mà đã từ lâu mình vẫn chặt chẽ bám níu vào. Bây giờ hành giả khảy mỏ, phá vỡ cái vỏ trứng của vô minh để tưng bừng mở tung ra cánh cửa siêu thế. Với sự thanh lọc trọn vẹn cuối cùng này hành giả đã thành đạt mức độ tiếp nhận ánh sáng của Niết Bàn, trạng thái vắng lặng mà không ngôn ngữ tại thế nào có thể diễn đạt, sự giải thoát tâm không thối chuyển (akuppà ceto-vimutti) [25].
Kinh Pháp Cú dạy:
"Ðối với vị tỳ khưu đã rút vào nơi ẩn dật, đã giữ tâm vắng lặng, và đã ngộ rõ Giáo Pháp, vị ấy chứng đạt phỉ lạc siêu trần." -- (Câu 373)
VII- Xả
Giác chi thứ bảy mà cũng là yếu tố giác ngộ cuối cùng là upekkhà, xả. Theo Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), upekkhà, cũng được gọi bằng một danh từ khác là tatra-majjhattatà, có nghĩa trung lập, không thiên bên nào. Ðó là trạng thái tâm quân bình chớ không phải tâm lãnh đạm thờ ơ hay thản nhiên dửng dưng. Trạng thái tâm quân bình hay xả, là kết quả của tâm định an tĩnh vắng lặng. Quả thật là khó tránh khỏi bị chao động khi phải va chạm thường xuyên với những thăng trầm của cuộc sống, nhưng người có trau giồi đức tánh "xả" khó có được này không còn cảm nghe phiền lụy bực mình. Giữa những cơn bão táp của tám pháp thế gian (attha loka dhamma), lợi lộc và lỗ lã, danh thơm và tiếng xấu, tán dương và khiển trách, hạnh phúc và đau khổ, người có tâm xả không bao giờ lay động. Người ấy vững chắc như tảng đá to. Dĩ nhiên đó là thái độ của một vị A La Hán, bậc Toàn Hảo. Ðể mô tả tâm trạng bình thản của Ngài có câu: "Người tốt buông xả tất cả. Bậc thánh nhân không nghĩ đến ái dục. Dầu hạnh phúc hay đau khổ bậc thiện trí không bồng bột cũng không để tinh thần suy sụp." [26]
Kiêng cữ các chất say vốn có thể làm lu mờ tâm trí và một cách kiên trì, kiên cố vững chắc trong hạnh nhẫn nhục và trong sạch, bậc thiện trí rèn luyện tâm và nhờ đó thành tựu trạng thái vắng lặng, tự tại.
Kinh điển có ghi bốn con đường sai lạc (cattàro agatti). Con đường tham ái (chanda), con đường sân hận (dosa), con đường yếu hèn (bhaya), và con đường si mê (moha). Người ta tạo nghiệp bất thiện vì đi dài theo một hay nhiều con đường sai lạc ấy, nhưng người hoàn toàn bình thản nhờ đã trau giồi tâm xả thì luôn luôn xa lánh. Trạng thái vô tư và hoàn toàn tinh khiết của người có tâm xả làm cho người ấy nhìn sự vật và chúng sanh một cách bình đẳng, không thiên vị, với tâm thản nhiên.
Người thật sự muốn trau giồi tâm xả cần phải hiểu biết về sự báo ứng của nghiệp, nhân đã gieo sẽ trổ quả như thế nào. Trong ánh sáng của định luật nghiệp báo ta sẽ có thể chấp nhận một thái độ buông xả đối với tất cả chúng sanh, hơn nữa, đối với những vật vô tri vô giác. Nguyên nhân kế cận đưa đến tâm xả là sự nhận thức rằng tất cả mọi chúng sanh đều là kết quả của nghiệp mình.
Trong Bodhicaryàvatàra, Shàntideva viết như sau:
"Có người không ưa ta. Như vậy
Tại sao ta thỏa thích khi được ca tụng?
Có người khen tặng ta. Như vậy
Tại sao ta than van trước những lời khiển trách?

"Người tự chủ luôn luôn có nụ cười trên môi;
Người ấy đã lìa bỏ gương mặt cau có,
Sẵn sàng tiếp đón người khác, và chia sớt
Tất cả gì mình có. Người bạn của toàn thể thế gian,
Chân Lý sẽ tôn vương."

Ðây là những nét đại cương của thất giác chi mà Ðức Thế Tôn đã giảng giải hơn 2,500 năm về trước, nhằm đưa đến chứng ngộ trọn vẹn, trí tuệ toàn hảo, Niết Bàn, Vô Sanh Bất Diệt. Trau giồi phát triển hay quên lãng bỏ lơ các yếu tố này là phần việc của ta, của từng người trong chúng ta. Nhờ sự hỗ trợ của Giáo Pháp mỗi người chúng ta có đủ khả năng để khám phá và tiêu trừ nguồn gốc của đau khổ. Từng cá nhân một, mỗi người có thể vận dụng nỗ lực cần thiết để thành đạt giải thoát cho chính mình. Ðức Phật dạy ta làm thế nào để am tường thực tướng của đời sống và chỉ dẫn hướng đi cho mỗi người chúng ta. Vậy, chúng ta chỉ nương nhờ nơi chính ta để tự mình tìm ra chân lý của đời sống và hưởng dụng kiến thức ấy một cách có lợi ích. Ta không thể nói để chạy tội rằng chúng ta không biết phải làm thế nào. Trong giáo lý của Ðức Phật không có gì là mờ ám. Tất cả chỉ dẫn cần thiết đã được trình bày rõ ràng. Giáo Pháp từ đầu đến cuối đã được mở rộng cho tất cả những ai có mắt muốn thấy và có tâm trí để hiểu biết. Về phần chúng ta, điều cần thiết duy nhất phải làm để chứng ngộ trọn vẹn chân lý là quyết tâm trì chí, gia công học và đem điều đã học ra thực hành trong đời sống hằng ngày, mỗi người cho chính mình, mỗi người cố gắng hết sức của mình. Giáo Pháp hãy còn vẩy tay chào đón khách hành hương mệt mỏi để đưa vào một cảnh trời cao đẹp nào hay hơn nữa, đưa đến trạng thái châu toàn và thanh bình an lạc của Niết Bàn. Chúng ta hãy tinh tấn lên, hãy trau giồi thất giác chi với tâm đạo nhiệt thành, với ý chí dũng mãnh, và thẳng tiến. "Hồi tưởng đến các bậc Thánh Nhân thời xa xưa,
Và nhớ lại các Ngài đã sống như thế nào,
Chí đến ngày nay, mặc dầu chỉ là đàn hậu tấn --
Ta vẫn còn có thể thành tựu
Con Ðường Cao Thượng của Thanh Bình."
[27]

Chú thích:
[1] Samyutta Nikàya, Tạp A Hàm, v, 72.[2] Tạp A Hàm, v, trang 63.
[3] "Dhamma" là một danh từ có nhiều ý nghĩa. Nơi đây, nó có nghĩa là danh và sắc (nàma-rùpa); Dhammavicaya là phân biện hay phân tách luồng trôi chảy của tâm và thân, và của tất cả các pháp hữu vi.
[4] Samyutta Nikàya, v, 81.
[5] Cùng bài kinh trên.
[6] Aldous Huxley, Ends and Means (London, 1946), trang 259.
[7] Sammoha Vinodani.
[8] Satipatthàna Sutta, Majjhima Nikàya, Trung A Hàm, 10, hoặc Dìgha Nikàya, Trường A Hàm. 22. Xem The Foundations of Mindfulness, do Nyanasatta dịch (Kandy: BPS) Wheel 19.
[9] Dìgha Nikàya, Trường A Hàm, 16/II. 156.
[10] Chú Giải kinh Satipatthàna Sutta, Tứ niệm xứ.
[11] Phẩm Sagàthaka Vagga, Samyutta Nikàya, Tạp A Hàm.
[12] Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 32.
[13] Anguttara Nikàya, Tăng Nhứt A Hàm, iv, 232
[14] Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 374.
[15] Anguttara Nikàya, Tăng nhứt A Hàm, iv, 232.
[16] Dìgha Nikàya, Trường A Hàm, 16/II. 100.
[17] Anguttara Nikàya, Tăng Nhứt A Hàm, ii, 14-15.
[18] Ðể có thêm chi tiết xin đọc The Removal of Distracting Thoughts, do Soma Thera dịch (Kandy: BPS). Cũng xin xem Phụ bản VI, Chương 10
[19] Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 280.
[20] Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 200.
[21] Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 33-36.
[22] Dìgha Nikàya, Trường A Hàm, 25/III. 541.
[23] Túc Sanh Truyện Uraga Jàtaka, 354.
[24] Majjhima Nikàya, Trung A Hàm, 27.
[25] Majjhima Nikàya, Trung A Hàm 30/I. 205.
[26] Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 83.
[27] Psalms of the Brethen (Theragàthà, Trưởng Lão Tăng Kệ) v, 947.

-ooOoo-
Phật Giáo, Nhìn Toàn Diện
"The Spectrum of Buddhism"

Hòa thượng Piyadassi
Phạm Kim Khánh dịch
Trung tâm Narada, Seattle, Hoa Kỳ, xuất bản, 1995.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét