THIỀN ĐỊNH-Pháp niệm hơi thở
1. Đức Phật tán dương về thiền định:
"Nầy Chư Tỳ khưu! Thiền định theo pháp niệm hơi thở nầy nếu được phát triển, được huân tập nhiều, tâm sẽ được an tịnh, thanh cao và thù thắng(3) ."
Thiền định có khả năng làm cho thân được an lạc (kāyikasukha), tâm được an lạc (cetasikasukha), là phương pháp làm cho cuộc sống vô cùng an vui hạnh phúc.
Sự chứng đắc pháp thiền định (chứng đắc Sơ thiền, Nhị thiền... ) có khả năng làm cho tiêu tan, làm yên lặng hầu hết tất cả những những điều thấp hèn, những điều tai hại vô phước, những bất thiện pháp... Trong chốc lát vậy".
Đức Phật dạy, trong Kinh Milanda có đoạn trích như sau:
"Này Chư Tỳ khưu! Hãy rèn luyện thiền định, khi tâm đã được an tịnh rồi, chư Tỳ khưu sẽ biết được tất cả sự thật, chân lí của thế gian."
“Thiền định là nơi hướng về, nơi nương tựa, nâng đở để thành tựu hầu hết tất cả các phước lành quí báu trong thế gian. Thiền định được ví như:
Khi Đức vua xông trận cùng với voi binh, mã binh, thuỷ binh, bộ binh... Tất cả các binh voi, tướng mã đều dưới sự chỉ huy quả Đức vua hùng mạnh, đều hướng về trông cậy, nương tựa vào oai lực Đức vua như thế nào thì sự thành tựu các Phước báu trong thế gian hết thảy đều hướng về, nương tựa vào thiền định cũng dường như thế ấy."
“Thiền định còn có thể ví như một cây kèo lớn của một mái nhà, là chỗ nương tựa, hướng về của các cây rui, mè, lách v.v... cũng dường như thế ấy."
2. Các bước chuẩn bị vào thiền:
A. Điều hòa thân:
* Nguyên tắc chung:
- Giữ cho thân trong tư thế được thoải mái, không bị các cảm thọ nóng, lạnh, chật, hẹp, tê mỏi, đau nhức ... chi phối, để tâm hành giả dễ dàng an trú vào đề mục hơi thở ngay từ lúc ban đầu.
- Y phục: Y phục lỏng rộng, nới thắt lưng (nịt) cho thoải mái, để khí huyết dễ dàng lưu thông. Ngồi xếp bằng trên mặt phẳng (nếu ngồi trên nền đất, xi măng) thì cần tấm lót để tránh độ ẩm của đất: gỗ mỏng hoặc vải, rơm rạ, v.v...
- Tư thế ngồi: Ngồi xếp bằng tự nhiên, tuỳ theo phương tiện cơ thể của mỗi hành giả. Nhưng điều quan trọng là ngồi thoải mái tự nhiên, giữ phần trên thẳng (lưng thẳng, đầu cổ thẳng).
Kiểu ngồi của các thiền Sư Miến Điện là ngồi xếp bằng tự nhiên, hai chân xếp gấp lại theo kiểu một chân trong, một chân ngoài (hai chân không bắt chéo hoặc chồng lên nhau). Chân trái trong hay ngoài tuỳ thích. Hai mắt khép lại tự nhiên, hai tay đặt tự nhiên trên chân trong, tay trái dưới tay phải trên hoặc ngược lại tuỳ thích.
* Đặc biệt nên lưu ý về tư thế ngồi, kiểu ngồi:
“Hành giả ngồi sao cho chân tránh gây các cảm giác khó chịu ngay lúc đầu gây ra bởi: tê, nhức, đau, mỏi... Vì những cảm giác khó chịu ngay từ đầu sẽ làm cho hành giả rất khó định tâm trên đề mục của thiền”. Với tư thế thoải mái sẽ giúp cho hành giả dễ dàng định tâm an trú trên đề mục. Hành giả có thể ngồi một cách tự nhiên trên ghế dựa, hai chân thỏng xuống đất thoải mái và nhất là giữ lưng cho được thẳng.
Đối với những hành giả có chân to, bắp vế lớn, hoặc các hành giả chân bị đau tê không thể ngồi xếp bằng tự nhiên như trên được, thì có thể ngồi trên các toạ cụ (đòn kê) cao khoảng: 3 phân, 5 phân, một tấc hoặc hai tấc (tương đương một gang tay) v.v... để phù hợp với điều kiện của cơ thể.
* 1. Thiền trong tư thế đứng:
Hành giả có thể an trú tâm trên hơi thở và ghi nhận hơi thở vào, hơi thở ra trong tư thế đứng yên lặng lẽ, mắt nhắm lại, hai tay buông thõng tự nhiên theo thân hoặc lấy tay nọ cầm "vịn" nhẹ vào cổ tay kia (đặt về phía trước bụng hay sau lưng tuỳ ý.)
* 2. Thiền trong oai nghi đi (đi kinh hành):
Hành giả vừa đi vừa an trú tâm vào hơi thở, đi chậm rãi, thong thả. Đi kinh hành thường xen kẽ với những thời ngồi thiền. Các trung tâm thiền tại Myanmar theo lịch trình là cứ một giờ ba mươi phút ngồi thiền xen kẽ một giờ đi kinh hành để quân bình các oai nghi hỗ trợ sự phát triển đều đặn của thiền tâm.
Về sau, khi sự thực hành đã thuần thục rồi thì có thể ngồi trong thời gian dài hay ngắn tùy thích.
* 3. “Thiền trong oai nghi nằm “đặc biệt dành cho thư giãn nghỉ ngơi”:
Khi cơ thể mệt mỏi, hoặc sau những giờ làm việc mệt nhọc: Hành giả có thể nằm ngửa trên giường trong tư thế thoải mái, duỗi hai chân, hoặc hơi gập hai đầu gối chân lại một chút, hai tay đặt tự nhiên lên ngực thoải mái, đầu đặt tựa lên một gối mỏng, sao cho toàn thân hoàn toàn thư giản thoải mái, sau đó hướng tâm đến đề mục hơi thở vào và hơi thở ra một cách tự nhiên.
Hoặc hành giả có thể ngồi theo kiểu nửa nằm nửa ngồi trên một ghế dựa, hay ghế bành, toàn thân buông lỏng, hai tay đặt tự nhiên trên bụng hai ngón cái chạm nhẹ vào nhau, hoặc hai tay đặt trên hai bệ cạnh ghế...
B. Điều hòa tâm
Niệm hơi thở:
* Vấn đề lưu ý:
-Phuṭṭhaphuṭṭhokāse pana satiṃ ṭhapetvā bhāvenatasseva bhāvanā samapajjati. (4)
- Hành giả theo dõi, quán sát và chánh niệm trên hơi thở vào hơi thở ra ở tại nơi “xúc chạm” của gió ra, gió vào qua lổ mũi. Khi chánh niệm được duy trì tốt đẹp trên “điểm xúc chạm” nầy, thì sự phát triển thiền tâm đối với thiền định theo phương pháp hơi thở của hành giả có thể đi đến thành công tốt đẹp vậy.
* Nimitta là gì? - Là một trạng thái màu sắc xuất hiện trong quá trình hành thiền là kết quả của sự an tịnh tâm.
- Một cách khác, Nimitta là một dạng ấn chứng , xuất hiện trong quá trình hành thiền.
- Có rất nhiều dạng Nimitta (dạng ấn chứng) khác nhau nhưng chủ yếu định chia làm 3 loại chính dưới đây.
* Lưu ý
Ba dấu hiệu chính:
"Athānena taṃ nimittaṃ neva vaṇṇato manasi kātabbaṃ, na lakakhaṇato paccavekkhi-tabbaṃ. (5) "
Có ba loại dấu hiệu (nimitta) trong pháp niệm hơi thở đó là:
1. Loại tợ tướng (Parikammanimitta)
2. Loại học tướng (Uggahanimitta)
3. Loại quang tướng (Paṭi-bhāganimitta).
1. Tợ tướng (Parikammanimitta):
- Khi thực tập theo trình tự các bước niệm hơi thở vào, hơi thở ra. Rồi đến thở vào dài, thở ra dài; thở vào ngắn, thở ra ngắn... Sự định tâm dần dần trở nên sung mãn thì xuất hiện loại dấu hiệu giống như màu màn khói dơ dơ gọi là tợ tướng.
2. Học tướng (Uggahanimitta)
- Do năng lực định tâm của hành giả dần dần phát triển mạnh hơn và dấu hiệu màu trắng phau phau giống như bông gòn xuất hiện – (Đây là dấu hiệu thường xảy ra tuy nhiên cũng có một số trường hợp xuất hiện những màu sắc khác...) gọi là học tướng.
3. Quang tướng (Paṭibhāganimitta)
Do năng lực định tâm của hành giả dần dần phát triển mạnh, sung mãn hơn mà xuất hiện dấu hiệu màu sắc sáng chói, minh bạch, rực rỡ, lấp lánh như sao mai (thường gặp) gọi là quang tướng.
* Các vấn đề cần tránh:
a. Trong khi hành thiền nếu có xuất hiện màu khói, màu trắng, hay màu sáng chói chẳng hạn, thì không nên "đọc" các màu nầy trong tâm.
Ví dụ: Có màu khói lam xuất hiện, thì không nên "đọc" trong tâm là: màu lam, màu lam, màu lam... ! Vì như vậy vô tình hành giả đã chuyển thiền tâm từ pháp niệm hơi thở nầy đi lệch sang thiền về các biến xứ(6) ... (Nhưng cho dù có niệm như vậy cũng không thể trở thành thiền biến xứ được!) Và nếu như vậy sẽ làm cho hành giả bị phân tâm và do đó giảm sự tập trung của tâm vào đề mục chính là hơi thở.
b. Các trạng thái tự nhiên của bốn yếu tố trong cơ thể chúng ta bao gồm:
- Đất (địa đại – Pathavī): Là trạng thái cứng-mềm; nặng-nhẹ; nhám-láng... là những trạng thái tự nhiên thuộc về bản chất của đất.- Nước (thuỷ đại – Āpo): Là trạng thái kết dính, lỏng dẻo, thấm rịn... là những trạng thái tự nhiên thuộc về bản chất của nước.- Lửa (hoả đại – Tejo): Là trạng thái nóng-lạnh, ấm mát... là những dấu hiệu tự nhiên thuộc về bản chất của lửa.- Gió (phong đại – Vāyo): Các trạng thái chuyển động như co; đẩy... là những dấu hiệu tự nhiên thuộc về bản chất của gió.
Tương tự cũng như tất cả các dấu hiệu vật lý tự nhiên của Tứ đại nóng, lạnh... Nếu đọc thầm trong tâm tên gọi của một bản chất nào đó... (ví dụ như đọc: cứng cứng, hay mát mát, v.v...) thì thiền tâm đã chuyển sang hướng thiền về đề mục “biến xứ” rồi, không còn là đề mục của hơi thở nữa, do đó hành giả không nên đọc thầm trong tâm.
c. Tất cả các dấu hiệu như: Vô thường, khổ, vô ngã hay các dấu hiệu Khổ, con đường diệt khổ, và những dấu hiệu có những tên gọi thông thường, hành giả cũng không nên "đọc" niệm trong tâm, mà vẫn theo dõi hơi thở ra, hơi thở vào một cách đơn thuần tự nhiên như lúc đầu mà thôi.
Và cũng không nên hành xen kẽ những pháp vô thường, khổ, vô ngã ... Không nên quán niệm “Thở vào sinh diệt, vô thường”; “Thở ra sinh diệt, vô thường” v.v...
Chư bậc thiện trí nhờ sự định tâm trên hơi thở vào, hơi thở ra nầy mà có thể thấy được vạn pháp trong tự thân.
Khi mà thiền định được phát triển sung mãn hành giả sẽ thấy được tất cả những gì trong cơ thể của chính mình một cách tường tận rõ ràng.
* 1. Phương pháp niệm hơi thở - (Gaṇanā)
Tập trung, theo dõi quán sát hơi thở ra - hơi thở vào để thấy được điểm chạm (điểm tiếp xúc) của hơi thở ra, hơi thở vào với phần “quanh lỗ mũi” (một trong hai lổ) hoặc “vùng giữa” của râu hàm trên.
Nói một cách khác hành giả đặt tâm trú ngay vùng giữa của râu hàm trên đồng thời chú tâm theo dõi hơi thở ra, hơi thở vào liên tục không gián đoạn.
Không theo dõi hơi thở vào sâu phía bên trong lổ mũi, cũng không theo dõi hơi thở ra bên ngoài lổ mũi(7).
Chỉ đặt tâm ngay chỗ có sự “xúc chạm” của hơi thở đi ra, đi vào và theo dõi hơi thở vào, hơi thở ra một cách tự nhiên ở đó.
Gặp trường hợp thỉnh thoảng hành giả không còn thấy hơi thở nữa, vào lúc đó hành giả hãy đặt tâm theo dõi ngay nơi xúc chạm rõ nhất mà “chờ đợi” ở đấy, một chốc hành giả sẽ thấy biết sự hiện diện của hơi thở trở lại.
Tập trung chánh niệm (sự hay biết), một cách liên tục để biết sự xúc chạm giữa hơi thở ra- hơi thở vào với phần “quanh lỗ mũi” (một trong hai lổ) hoặc “vùng giữa” của râu hàm trên và luôn luôn gìn giữ sự hay biết hơi thở ra, vào tiếp xúc tại vùng này thường xuyên liên tục.
Và cứ như vậy chú tâm quán sát theo dõi chặt chẽ (hơi thở ra - hơi thở vào):
+ “Thở vào vị ấy biết tôi đang thở vào”
+ “Thở ra vị ấy biết tôi đang thở ra”... một cách liên tục trong khoảng nữa giờ, hoặc một giờ là tốt (lúc nầy tâm dần dần am tịnh).
Và cứ mỗi lần hành thiền như vậy khoảng nữa giờ hay một giờ đồng hồ, mà thiền tâm của hành giả luôn có sự chánh niệm liên tục (sự hay biết ghi nhớ liên tục) tại nơi xúc chạm của hơi thở ra- vào thì hành giả có thể chuyển sang giai đoạn tiếp theo là (Dài- ngắn) nghĩa là:
+ “Thở vào dài vị ấy biết tôi đang thở vào dài”
+ “Thở ra dài vị ấy biết tôi đang thở ra dài”... sau vài mươi phút hơi thở dần dần ngắn lại, hành giả tiếp tục chuyển qua giai đoạn hơi thở ngắn:
+ “Thở vào ngắn vị ấy biết tôi đang thở vào ngắn”
+ “Thở ra ngắn vị ấy biết tôi đang thở ra ngắn”
- Và như vậy trong thời gian ngắn khoảng 15phút, rồi sau đó chuyển qua giai đoạn kế tiếp…
* 2. Phương pháp số đếm
Thật sự nếu niệm theo cách trên ngay từ đầu mà tâm không thể an trú được nhiều trên hơi thở mà thỉnh thoảng tâm lại phóng đi nhiều trong đại chú giải của Tam Tạng Kinh đề nghị theo phương pháp đếm như sau:
1. Thở vào - thở ra - đếm một (8) 2. Thở vào - thở ra - đếm hai3. Thở vào - thở ra - đếm ba4. Thở vào - thở ra - đếm bốn5. Thở vào - thở ra - đếm năm6. Thở vào - thở ra - đếm sáu7. Thở vào - thở ra - đếm bảy8. Thở vào - thở ra - đếm tám...
Hành giả cứ luôn chánh niệm, duy trì sự hay biết trên từng hơi thở và đếm như vậy, cố gắng giữ cho tâm bám chặt vào số đếm, giữ cho tâm không lang thang suy nghĩ, hay để ý tới các đối tượng bên ngoài đề mục(9). Trong trường hợp nầy hành giả cần thiết có sự cố gắng nhiều hơn một chút.
- Có thể đếm từ 1 đến 5
- Hoặc từ 1 đến 10. (Đừng đếm dưới 5 và cũng không nên đếm quá 10.)
- Trong khoảng từ 5 đến 10 hành giả có thể chọn mốc tuỳ thích.
- Vận dụng phương pháp đếm nầy thật sự vô cùng hữu hiệu, dần dần hơi thở của hành giả sẽ trở nên an tịnh và yên lặng.
- Cứ mỗi lần hành thiền như vậy từ nửa giờ đến một giờ tâm thanh tịnh an trú dần vào hơi thở... Khi tâm đã được gắn nhiều vào hơi thở và an tịnh dần dần, đến một lúc nào đó ta “Thử” buông số đếm, không cần đếm nữa và tiếp tục trở lại như lúc ban đầu:
- “Thở vào ta biết ta thở vào”; “Thở ra ta biết ta thở ra”... đến giai đoạn nầy nếu thấy tốt rồi thì hành giả cần phát nguyện: “Nguyện cho Tâm tôi được thanh tịnh an trú vào hơi thở trong thời gian 5 phút.” Nếu thành công tiếp tục phát nguyện tâm an trú trong hơi thở trong vòng 10 phút. Nếu thành công rồi tiếp tục phát nguyện an trú tâm trong vòng 30 phút, rồi sau đó dần dần tăng lên nguyện tâm an tịnh trong một giờ v.v…
* 3. Dài và ngắn, (1) và (2)
Khi mà vận dụng phương pháp như trên với số đếm thành công rồi hành giả chuyển qua giai đoạn Dài-Ngắn.
Trong phương pháp thiền hơi thở có bốn trình tự nầy (Ānāpāna pathamacatukka) :
1. Dīgha: Dài
2. Rassa: Ngắn
3. Sabbakāya: Toàn bộ hơi thở vào và toàn bộ hơi thở ra
4. Passambhaya: Làm cho hơi thở yên lặng...
1. Dīghaṃ vā assasanto “Dīghaṃ assasāmi” Ti pajānāti. Dīghaṃ vā passasanto “Dīghaṃ passa-sāmi” Ti pajānāti.
2. Rassaṃ vā assasanto “Rassaṃ assasāmi” Ti pajānāti. Rassaṃ vā passasanto “Rassaṃ passa-sāmi” Ti pajānāti. (10)
1) Trường hợp hơi thở dài (Dīgha):
+ Thở vào dài “biết rõ” thở vào dài
Quán sát cặn kẽ, tỉ mỉ trọn vẹn quá trình hơi thở vào.
Tương tự như vậy:
+ Thở ra dài “biết rõ” thở ra dài
Quán sát cặn kẽ, tỉ mỉ trọn vẹn quá trình hơi thở ra.
2) Trường hợp hơi thở ngắn (Rassa):
+ Thở vào ngắn “biết rõ” thở vào ngắn
Quán sát cặn kẽ, tỉ mỉ trọn vẹn quá trình hơi thở vào.
Tương tự như vậy:
+ Thở ra ngắn “biết rõ” thở ra ngắn.
Quán sát cặn kẽ, tỉ mỉ trọn vẹn quá trình hơi thở ra.
+ Theo bộ chú giải Mahāṭīkā sự chú tâm quán niệm theo dõi hơi thở cần phải có sự tương đồng hợp nhất giữa thời gian và hơi thở.
+ Nghĩa là: Nếu thở vào dài - thở ra dài thì thời gian cũng phải dài tương ứng.
+ Nếu thở vào ngắn - thở ra ngắn, thì thời gian cũng phải ngắn tương ứng.
+ Đối với Dài-Ngắn: không nên cố gắng làm cho hơi thở ngắn lại và cũng không nên cố gắng làm cho hơi thở dài hơn ra theo ý mình!. Hãy để hơi thở đi ra đi vào như tự nhiên của nó. Khi chúng ta có tác ý cố gắng “sửa” hơi thở dài hơn ra hoặc làm cho hơi thở ngắn bớt lại sẽ khiến chúng ta dễ dàng mất sự định tâm.
Trước tiên chú tâm chánh niệm vào hơi thở:
“Hơi thở vào – hơi thở ra” Tập như vậy hoặc quán hơi thở vào – hơi thở ra theo số đếm (tuỳ ý) - Nếu cần không đếm cũng được hành giả cố gắng để cho sự "chánh niệm" (sự hay biết) được thường xuyên liên tục, bám chặt trên hơi thở vào – hơi thở ra.
Khi sự chánh niệm (hay biết) được duy trì liên tục như vậy là lúc tâm bắt đầu đi đến sự an tịnh yên lặng. Và đến lượt ta cần cố gắng để biết sự thở dài, ngắn của nó. Nếu nó dài chỉ cần “biết rõ” nó dài theo tự nhiên của nó. Nếu nó ngắn chỉ cần “biết rõ” nó ngắn theo tự nhiên của nó. Không nên niệm theo: “dài, ngắn”. Nếu thấy lúc đó cần thiết muốn niệm thì chỉ nên niệm “Thở vào- Thở ra”. Đến đây vấn đề “biết” dài; ngắn đã tạm đủ rồi.
Không nên kiểm tra rằng: lúc nầy là ngắn hay dài, hành giả sẽ dễ mất định tâm. Hãy cố gắng tập trung vào “dài- ngắn” của hơi thở ra- hơi thở vào để có được sự định tâm trong một giờ, hai giờ đồng hồ v.v...
+ Vào lúc đó, nếu xuyên suốt cả một thời hành thiền (suốt 1 giờ chẳng hạn) mà thấy hoàn toàn là chỉ có thở vào dài – và thở ra dài thì việc thực tập thiền của hành giả cũng không sai phạm gì! Thông thường không có trường hợp bao giờ cũng luôn luôn có sự giống nhau đều đặn giữa một lần thở nầy với một lần thở khác trong vô số lần thở, vì có thể nhanh hơn, hoặc chậm hơn giữa các lần thở.
+ Hành giả luôn gìn giữ tâm định tỉnh thường xuyên theo dõi hơi thở ra vào.
* Vấn đề đặc biệt lưu ý
+ Trong lúc hành thiền: Nếu thì thở vào dài mà thì thở ra lại ngắn, một thời gian sau toàn thân trên của hành giả sẽ bị đẩy ngữa về phía sau.
+ Ngược lại trong lúc hành thiền: Nếu thì thở vào ngắn mà thì hơi thở ra lại dài, trong một thời gian sau toàn thân trên của hành giả sẽ bị đổ về phía trước.
Do đó mà sự chánh niệm (sự hay biết) sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc điều hòa hơi thở giữa hai thì thở ra và thì thở vào của hành giả.
Nếu dài cũng để cho điều hòa; nếu ngắn cũng để cho điều hòa.
+ Khi mà sự tập trung vào đề mục hơi thở Dài- Ngắn trong 1 giờ, 2 giờ... với mọi thời hành thiền mà thiền tâm đã bám sát được hơi thở rồi. Hành giả cần tiếp tục cố gắng chú niệm kiểm soát vào: chặng đầu - chặng giữa - chặng cuối của tiến trình “Thở vào" và tương tự chú niệm kiểm soát vào: chặng đầu - chặng giữa - chặng cuối của tiến trình “Thở ra" sao cho hành giả nhận được chi li cặn kẽ trong toàn bộ tiến trình của hơi thở là tốt.
* 4. Tập trung chánh niệm trên toàn bộ quá trình "dài- ngắn" của hơi thở:
“Sabbakāya paṭisaṃvedī assasissāmī'ti sikkhati;
“Sabbakāya paṭisaṃvedī passasissāmī'ti sikkhati" (11)
“Sabbakāya paṭisaṃvedī passasissāmī'ti sikkhati" (11)
Hành giả cố gắng để nhận biết một cách hết sức rõ ràng, tỉ mỉ, xuyên suốt trong ba giai đoạn cho một quá trình của hơi thở vào và cho một quá trình của hơi thở ra:
* Khi thở vào hành giả “biết” rõ ràng tất cả chặng đầu, chặng giữa, chặng cuối của toàn bộ tiến trình hơi thở vào.
* Khi thở ra hành giả “biết” rõ ràng tất cả chặng đầu, chặng giữa, chặng cuối của toàn bộ tiến trình hơi thở ra (tập như vậy).
Có thể tóm tắt toàn bộ các phần trình bày trên như sau:
a/ Trước tiên:
- Tập trung chánh niệm trên hơi thở ra, hơi thở vào sao cho sự hay biết luôn luôn được liên tục trên hơi thở.
b/ Sau đó:
- Chuyển qua cố gắng gìn giữ chánh niệm cho được liên tục trên “dài-ngắn”. Khi mà sự chánh niệm đã được gắn chặt làm chủ được trên hơi thở “dài- ngắn” một cách tỉ mỉ vững chãi rồi tiếp tục chuyển qua:
c/ Ở giai đoạn quán niệm theo 3 chặng: Trong một tiến trình thời thở vào (ra) như sau:
- Thở vào ta nhận biết: Đây là chặng đầu, đây là chặng giữa và đây là chặng cuối của thời thở vào.
- Thở ra cũng tương tự nhận biết ba chặng như vậy: Đây là chặng đầu của thì thở ra, đây là chặng giữa, đây là chặng cuối của thì thở ra.
Chú ý: Trong lúc hành thiền hành giả không nên niệm trong tâm rằng:
“Đây là đoạn đầu; đây là đoạn giữa; đây là đoạn cuối” vì niệm như vậy sẽ làm cho sự định tâm của hành giả sẽ rối loạn lên mất! Nếu trường hợp xét thấy cần thiết muốn niệm thì nên niệm “Thở vào-thở ra” một cách đơn thuần mà thôi.
- Vì vấn đề chính ở điểm nầy là sự cần thiết để “nhận biết” được rõ ràng: đầu-giữa-cuối (12) là 3 chặng của hơi thở vào ra, biết được như vậy là đã đủ rồi.
(I) Trong lúc tập trung duy trì sự chánh niệm trên đối tượng là hơi thở vào-hơi thở ra trong giai đoạn nầy cần biết rõ ràng trọn vẹn cả ba giai đoạn: đ-g-c, liên tục không gián đoạn trong suốt 1 giờ, 2 giờ... thiền tâm dần dần trở nên an tịnh tâm sẽ gắn chặt chẽ với đề mục hơi thở và lúc đó sẽ phát sinh trí tuệ:
+ Nhận biết rõ ràng ba chặng: đ-g-c của hơi thở ra, và ba chặng đ-g-c của hơi thở vào.
+ Nhận biết rõ ràng sự định tâm, yên lặng của hơi thở ra vào.
(II) Đến đây nhờ sự an tịnh của thiền tâm mà ngăn cản và chặn đứng được tất cả các trạng thái tâm phiền não, lo âu, bất an của quá khứ, cũng như những viễn tưởng trong tương lai v.v... Tâm của hành giả lúc nầy thanh tịnh an vui và sáng trong... sinh lực của nội tâm bắt đầu trên con đường sung mãn. Phát sinh trí tuệ nhận biết:
+ Sự hỷ (pīti) một trạng thái thỏa mãn, an vui, mát mẽ tràn ngập khắp châu thân, là một trạng thái của thiền tâm. (13)
+ Sự an lạc (sukha) vi tế, thanh tịnh, cũng như những trạng thái vô thường; khổ; vô ngã của thiền tâm.
* 5. Phát triển thiền tâm cho yên lặng:
“Passambhayaṃ kāyasaṅkhāraṃ assasissā-mī'ti sikkhati; passambhayaṃ kāyasaṅkhāraṃ passasissāmī'ti sikkhati”.
- Trong mọi thời hành thiền, đầu tiên hành giả cố gắng thành công cho được sự chánh niệm liên tục trên hơi thở ra-hơi thở vào, khi sự chánh niệm được liên tục thường xuyên rồi, Tiếp đến chuyển sang I (dài), sang II (ngắn) tức là chánh niệm trên sự dài, ngắn (chậm-nhanh (14)) trên hơi thở ra vào. Khi sự chánh niệm tập trung được chặt chẽ gắn bó thanh tịnh rồi chuyển qua giai đoạn đ-g-c (III).
+ Nếu hơi thở vào là dài thì chánh niệm nhận biết giai đoạn (đ-g-c) của hơi thở vào là dài… Thở ra cũng vậy.
+ Nếu hơi thở vào là ngắn thì chánh niệm nhận biết ba giai đoạn (đ-g-c) của hơi thở vào là ngắn... Thở ra cũng vậy
Hành giả cố gắng sao cho nhận biết toàn bộ cả ba chặng (đ-g-c) rõ ràng không gián đoạn.
Cần cố gắng đặt tâm “đợi” ngay “điểm tiếp xúc” nổi bậc nhất của sự xúc chạm giữa hơi thở (đ-g-c) vào, ra với điểm giữa râu hàm trên hoặc vùng quanh lỗ mũi (một trong hai lổ). Không nên theo dõi sự tiếp xúc của hơi thở đi vào trong thân hay hơi thở đi ra phía bên ngoài của lổ mũi.
Vào lúc cố gắng để biết rõ ràng trọn vẹn ba chặng (đ-g-c) của hơi thở vào, tương tự đối với hơi thở ra khoảng 1 giờ, 2 giờ v.v... với mọi lần hành thiền như vậy hơi thở dần dần trở nên an tịnh, tâm của hành giả sẽ bắt dính chặt vào hơi thở, và tiếp tục theo dõi hơi thở vào - hơi thở ra, cho đến khi hơi thở nhỏ dần, vi tế dần... Lúc nầy đồng thời hành giả cần có sự quyết tâm rằng: “Tâm ta nhất định sẽ an trú” “Tâm ta sẽ định”!
Và lúc nầy cố gắng quan sát để biết rõ ràng toàn bộ ba giai đoạn (đ-g-c), không nên niệm riêng biệt “hơi thở vào, hơi thở ra” hoặc cố gắng làm cho hơi thở mau chóng được vi tế theo ý mình, vì nếu làm như vậy hành giả sẽ mất sự định tâm.
- Pháp niệm hơi thở nầy nếu cố ý niệm “Theo ý mình” để cho hơi thở được dễ dàng an tịnh vi tế nhanh chóng thì không những sẽ làm cho hành giả mất sự định tâm mà còn mệt mỏi nữa!
- Do đó phép niệm hơi thở nầy, để đạt được định tâm, và cho hơi thở càng lúc càng nhỏ dần, vi tế dần, hành giả cần tuân theo nguyên tắc là:
Theo dõi hơi thở một cách liên tục và theo sự hoàn toàn tự nhiên của nó. (không cố ý điều khiển để cho hơi thở dài ra hoặc ngắn lại hay hơi thở phải như thế này như thế kia, như vậy gọi là điều khiển hơi thở. Không nên điều khiển hơi thở mà chỉ nên theo dõi hơi thở!
- Khi sự định tâm của hành giả bắt đầu phát triển mạnh cũng chính là lúc hơi thở trở nên nhỏ dần, vi tế dần, vi tế dần...
(IV) Với sự dần dần vi tế của hơi thở, thiền tâm của hành giả sẽ càng lúc càng an tịnh, tâm càng lúc càng bám dính chặt vào hơi thở nhiều hơn. Lúc nầy đặc biệt rất cần thiết sự hướng tâm và việc chánh niệm cao độ hơn nữa để “biết” sự vi tế của hơi thở ra vào.
Vào những thời điểm ấy, hơi thở lúc ẩn, lúc hiện, khi rõ, khi không, lại có những khi không tìm thấy hơi thở nữa!
Trong trường hợp như vậy, hành giả cần quay về đặt tâm lại như lúc đầu, nghĩa là đặt tâm “chờ đợi” tại điểm tiếp xúc như trên đã đề cập. Hành giả sẽ cảm nhận trở lại hơi thở tại điểm tiếp xúc dễ dàng.
* 6. Tình hình xuất hiện “Dấu hiệu” của thiền định (được gọi là nimitta) (15)
Khi mà hơi thở đến lúc khi rõ khi không rõ, lúc ẩn lúc hiện, là do sự quá sức vi tế của hơi thở, gặp trường hợp nầy nên quay về đặt tâm lại như lúc ban đầu “quanh lổ mũi” hoặc “điểm giữa” của râu hàm trên. Tức là nơi tiếp xúc “ma sát” của gió ra vào mũi.
Giữ tâm hết sức định tỉnh yên lặng theo dõi hơi thở, ta sẽ thấy lại hơi thở vô cùng vi tế sau một lúc chú tâm chánh niệm “chờ đợi”!
Đến lúc hành giả thấy rõ được hơi thở càng lúc càng vô cùng tế nhị, vi tế tức là thiền tâm lúc nầy đã dính chặt vào hơi thở, vào lúc sự định tâm phát triển cao độ, thì dấu hiệu của định sẽ xuất hiện (đây là lẽ thường tình vậy).
Dấu hiệu của định có thể xuất hiện trong lúc theo dõi sự dài, hay theo dõi sự ngắn của hơi thở.
Đối với những người đã từng hành pháp niệm nầy trong quá khứ, hoặc đã từng tạo trữ một vài Pāramī (Ba-la-mật) từ quá khứ thì “dấu hiệu”của định có thể xuất hiện ở một trong bốn giai đoạn sau:
+ Giai đoạn 1: Dài (hơi thở ra vào dài)
+ Giai đoạn 2: Ngắn (hơi thở ra vào ngắn)
+ Giai đoạn 3: (đ-g-c) biết rõ ràng, toàn bộ sự xúc chạm của hơi thở trong ba chặng.
+ Giai đoạn 4: Sự chánh niệm quán sát tỉ mỉ cao độ, làm cho phép quán niệm hơi thở càng lúc càng tế nhị vi tế, dần dần đến an tịnh.
Một số hành giả một trong những dấu hiệu của nimitta (ấn chứng) sớm xuất hiện trước tiên hết. Khi ánh sáng xuất hiện rồi, nhưng chưa bền vững chắc chắn, do đó không nên đọc thầm trong tâm là (Sáng! Sáng! Sáng!)
Hành giả cần đặc biệt ghi nhớ rằng, mặc dù ánh sáng vừa mới xuất hiện nhưng hành giả không nên quan tâm đến ánh sáng ấy, “không nên hướng tâm nhìn đến”, mà vẫn liên tục chánh niệm trên hơi thở vào, hơi thở ra không gián đoạn và luôn an trú trong chánh niệm trên hơi thở ra hơi thở vào liên tục.
a. Nếu thật sự trong phần dài hoặc ngắn mà có xuất hiện dấu hiệu nimitta: thì ta không nên đọc niệm trong tâm mà cần chuyển qua biết thật rõ ràng tiến trình vào ra của hơi thở.
Sau đó tiếp tục chuyển qua giai đoạn kế tiếp nữa là chú niệm liên tục trên hơi thở vào và hơi thở ra (16) sao cho hơi thở càng lúc càng vi tế dần, càng vi tế dần thì khi ấy dấu hiệu nimitta cũng dần trở nên vững chắc bền bĩ.
b. Nếu dấu hiệu nimitta có xuất hiện ở giai đoạn (đ-g-c) của hơi thở vào và hơi thở ra, khi được quán sát rõ ràng tỉ mỉ trên toàn bộ cả ba chặng, thì hành giả cũng không nên “nhìn” ngay vào dấu hiệu nimitta (17) ấy, mà chỉ nên tiếp tục chú tâm chánh niệm đến "hơi thở vào và hơi thở ra" để hơi thở càng lúc càng an tịnh dần dần.
Khi hơi thở đến lúc vô cùng vi tế, tâm hành giả lúc nầy rất là an tịnh và có khả năng gắn chặt với hơi thở. Vào lúc nầy hơi thở và dấu hiệu của nimitta Quang tướng chỉ là một. “Hơi thở chính là quang tướng và quang tướng cũng chính là hơi thở” (hơi thở đã hợp nhất với quang tướng – hay hơi thở đã hợp nhất với ánh sáng).
Thiền định của hành giả bắt đầu bền vững và tiếp tục duy trì chánh niệm trên hơi thở ra, hơi thở vào ngay tại điểm tiếp xúc của gió liên tục để cho độ bền vững nầy càng lúc càng tăng trưởng(18).
Khi hơi thở và nimitta hợp nhất nghĩa là hơi thở chính là nimitta, đồng thời nimitta cũng chính là hơi thở, điều này đồng nghĩa là hành giả đã hành đúng kiểu rồi vậy. Lúc nầy:
+ Việc tập trung sự chánh niệm vào hơi thở ra-hơi thở vào cũng chính là tập trung chánh niệm vào nimitta vậy.
+ Việc tập trung chánh niệm đặt tâm nhìn vào nimitta (ánh sáng) cũng chính là tập trung chánh niệm trên hơi thở ra, hơi thở vào vậy. Đến bước nầy là hành giả đã thật sự thực hành đúng phương pháp rồi vậy.
Chú thích:
(3) Saṃ - 3-729 vi1-88
(4) Visuddhi-1-271.
(5) Visuddhi-1-278
(6) Biến xứ là các đại ví dụ như thiền về “biến xứ nước” thì lấy nước làm đề mục chính và luôn đọc trong tâm là “nước”; “nước”; “nước” v.v... Tương tự cho thiền về biến xứ đất’ lửa; gió; đây là các phương pháp luyện thần thông của thiền định-sẽ đề cập kỹ và cụ thể vào những tập sau.
(7) Ví nhưsự cưa gỗ, ta không chú ý đến sự vào ra của lưỡi cưa, mà chỉ chú ý đến phần tiếp xúc của lưỡi cưa cắt vào thớ gỗ. Cũng dường như vậy, hành giả chú ý vào điểm xúc chạm của gió vào ra phía dưới mũiphần giữa của râu hàm trên.
(8) “Đếm một” nghĩa là không phải đếm ra bằng âm thanh qua miệng, mà là một sự ghi nhận, hãy biết đơn thuần trong tâm mà thôi.
(9) Hay còn gọi là phóng tâm.
(10) Ma-1-70.
(11) Ma-1-70
(12) Từ đây trở về sau sẽ dùng (đ-g-c) để ký hiệu cho 3 chặng là chặng đầu-chặng giữa-chặng cuối của hơi thở.
(13) Một trạng thái phỉ lạc mát mẽ, an vui thỏa thích phát sinh tràn ngập khắp châu thân từ sự an tịnh của nội tâm một, cách “vô điều kiện” vượt ra ngoài các cảm quan, thông thường từ tai nghe, mắt thấy của chúng ta như: vui thích vì nhìn thấy cảnh sắc, tốt đẹp hài lòng, hay nghe một âm thanh hay, tốt vừa lòng v.v...
(14) Tức là thời gian chậm hay nhanh của một lần thở vào hay một lần thở ra.
(15) Một số sách dịch từ Paḷi này là “ấn chứng”.
(16) Hơi thở vào, ra lúc này là hơi thở vào ra vi tế của giai đoạn cuối: “Làm cho an tịnh hơi thở”, hoàn toàn khác hẳn với theo dõi hởi thở vào, ra còn thở vào mạnh như giai đoạn bắt đầu.
(17) Nếu dấu hiệu Nimitta (ấn chứng) xuất hiện trong giai đoạn thở nào thì lập tức chú tâm chánh niệm đến giai đoạn tiếp theo sau đó.
(18) Giống như đã trình bày ở trên – Có bốn giai đoạn: 1. Dài, 2. Ngắn, 3. Toàn bộ (g-đ-c) và 4. Chú tâm chánh niệm liên tục chặc chẽ trên đề mục để cho hơi thở càng lúc càng vi tế dần dần.
Nếu hành giả cứ theo trình tự từ bước 1 đến bước 4 như vậy thì dấu hiệu ánh sáng (nimitta) sẽ xuất hiện. Lúc mới bắt đầu xuất hiện thì chưa thể bền vững chắc chắn (lẽ tự nhiên là vậy).
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét