TỨ THẦN TÚC - Tứ như ý túc

 

TỨ THẦN TÚC
(Catvāra-ṛddhipādāḥ)
 
Thích Đức Thắng
---o0o---
Tứ thần túc là hành pháp thứ ba sau Tứ niệm trụ và, Tứ chánh cần thuộc bảy hành phẩm trong ba mươi bảy phẩm đạo. Hai hành phẩm đầu nghiêng hẳn về phần phát triển trí tuệ hơn là định, để cân bằng về hai mặt định tuệ nên cần phải phát triển định trong chiều hướng quân bình này, hành giả phải cần Tứ thần túc để nhiếp tâm. Thần ở đây chỉ cho cái đức linh diệu, còn túc tức là chỉ cho định là nền tảng chỉ nơi nương tựa để phát sinh quả đức linh diệu. Đây là bốn pháp thiền định, là bốn thứ phương tiện giúp hành giả thành tựu các tam-ma-địa (samadhi-chánh định). Theo luận Câu xá 25: "Vì sao định gọi là thần túc? Vì các công đức lỉnh diệu thù thắng đều nương nơi bốn pháp này mà định được thành tựu".
 Tứ thần túc còn gọi là Tứ như ý túc, ở đây có nghĩa là mọi thành tựu được theo như sở nguyện của hành giả khi tu tập bốn pháp này. Tứ thần túc phạn ngữ gọi là catvāra-ṛddhipādāḥ, pāli gọi là cattāro iddhi-pādā, là bốn pháp làm nền tảng, nơi nương tựa phát sinh ra các thứ công đức thiền định cho hành giả và, kết quả của chúng theo như ước muốn của người tu tập. Theo luận Trí Độ 19: “Hỏi: Trong Tứ niệm xứ, tứ chánh cần đã có định, tại sao không gọi là như ý túc? Đáp: chúng tuy có định, nhưng định lực rất yếu, còn trí tuệ tinh tấn lực thì nhiều, nên hành giả không được như ý nguyện. Bốn loại định đó là Dục làm chủ sẽ đắc định, Tinh tấn làm chủ sẽ đắc định, Tâm làm chủ sẽ đắc định, tư duy làm chủ sẽ đắc địnḥ”Nhờ sức mạnh của bốn pháp này dẫn phát các loại thần dụng mà sản sinh ra tam-ma-địa (chánh định).
Bốn định ấy là:
Dục thần túc
Tinh tấn thần túc
Tâm thần túc
Quán thần túc.
1. Dục thần túc, nói cho đầy đủ và chính xác hơn thì gọi là Dục tam-ma-địa đọan hành thành tựu thần túc (Srt: chanda-samādhi-prahāṇa-saṃskāra-samannāgata-ṛddhi-pāda, Pāli: chanda-samādhi-padhāna-saṃkhāra-samannāgata-iddhi-pāda) Thiền định phát khởi là nhờ sức mạnh của ý muốn tư tưởng mà đạt được thần thông. Dục ở đây chỉ cho ước muốn, mong cầu một cách thiết tha, mong muốn đạt được những gì đang ở ngòai tầm tay hành giả; hay mong cầu những ước muốn của chúng ta cho đến khi đạt được những sở nguyện đó mới thôi, theo nghĩa dục như ý túc. Ở đây chúng ta phải phân biệt được những mong muốn này chúng theo chiều hướng nào? Chúng câu hữu với giải thoát hay vô minh? Tại sao đức Đạo sư lại dạy cho chúng ta thực hành "dục", theo phương pháp này, trong khi ở nơi khác Ngài dạy dục là pháp đứng vào hàng thứ nhất của căn bổn sinh tử hành giả phải tránh? Rõ ràng ở đây, đức Đạo sư đã đứng trên chiều hướng giải thóat để đưa hành giả đến Thánh đạo thì, đây dục là con đường hướng thượng đưa chúng ta đi đến con đường giải thoát của các bậc Thánh, chứ không phải con đường đưa chúng ta đi vào sinh tử luân hồi. Vậy dục, mong muốn ở đây chúng câu hữu với giải thóat chứ không phải câu hữu với vô minh, hậu quả tất yếu của sinh tử luân hồi.
Qua những phân biệt trên, cho chúng ta nhận thức được một cách rõ ràng rằng tánh chất của dục ở đây, chúng mang mầm móng hướng thượng giải thoát; vì vậy cho nên chúng đi ngược lai với những thứ mong muốn dục vọng thấp hèn để thỏa mãn thú tánh, những tham vọng trói buộc thế gian, đó là thứ dục của tội lỗi, chúng ta nên diệt trừ tận gốc rễ. Vì vậy những mong muốn hướng thượng, giải thóat, an vui, như mong muốn sống một cuộc sống tốt đẹp, thanh cao, hay mong muốn đạt được giải thoát, ra ngoài biển khổ sanh tử thì, đó là những thứ mong muốn hợp tình hợp lý, đức Đạo sư luôn luôn khuyến khích chúng ta nên nổ lực thực hành những pháp như vậy, như dục thần túc này chẳng hạn. Hành giả mong muốn thành tựu pháp thiền định mà mình đang tu, thì trước hết phải thiết lập dục nguyện và nổ lực thực hành mong đạt đến cứu cánh mà mình đã chọn như chứng các đạt Thánh quả. Thứ mong muốn này rất cần thiết cho hành giả trong lúc thực hành; nếu không có chúng một cách thiết tha, mãnh liệt thì, chúng ta khó mà đạt được cứu cánh giải thoát. Thật ra, bản thân của dục tự nó không tốt, không xấu, không thiện, không ác, không đúng không sai, những chúng sẽ trở nên tốt xấu, thiện ác, đúng sai, khi con người áp đặt lên nó những cái đó rồi hợp thức hóa cho nó những cái mà chính nó không có, để rồi từ đó dục trở nên hoặc tốt, hoặc xấu, hoặc thiện, hoặc ác, hoặc đúng hoặc sai … Ở đây, đức Đạo sư không bao giờ chủ trương diệt dục, mà Ngài chủ trương hành giả muốn giải thóat thì trừ bỏ dục vọng câu hữu với vô minh, vì dục câu hữu với vô minh là dục xấu, dục, bất thiện, dục sai, chúng sẽ đưa hành giả đến bến bờ sinh tử luân hồi khổ đau, còn ngược lại nếu muốn giải thóat tất cả những khổ đau của sinh tử luân hồi thì, hành giả phải chuyển đổi trừ đi những thứ dục câu hữu với vô minh thành dục câu hữu với giải thóat. Vậy diệt dục ở đây tức là diệt dục vọng, diệt những mong muốn xấu xa thấp hèn, làm cho hành giả phải đọa vào các hàng súc sanh, địa ngục, ngạ quỷ, chứ đâu có diệt luôn cả những dục nguyện, những mong ước hiền thiện tốt đẹp của hành giả. Như vậy chí nguyện, dục nguyện của hành giả về ý muốn tư tưởng để phát khởi thiền định đạt được thần thông là mong muốn hướng thượng giải thóat hành giả cần phải nuôi dưỡng và nổ lực thực hành cho đến khi nào đạt được như những mong muốn của mình mới được. Đây là pháp tu thứ nhất của tứ thần túc.
2. Tinh tấn thần túc, nói cho đầy đủ và chính xác hơn thì gọi là Tinh tấn tam-ma-địa đọan hành thành tựu thần túc (Srt: virya-samādhi-prahāṇa-saṃskāra-samannāgata-ṛddhi-pāda, Pāli: virya-samādhi-padhāna-saṃkhāra-samannāgata-iddhi-pāda) Thiền định phát khởi là nhờ vào sức tinh tấn nổ lực tu tập của hành giả. Khi hành giả đã có mong cầu ước muốn rồi mà không có sự tinh tấn nổi lực để thực hành  tu tập thì ước muốn đó cũng thành vô dụng, chỉ có trên lý thuyết thôi, mà trong thực tế thì là con số không. Do đó tinh tấn nổ lực là điều kiện tất yếu để hòan thành bổn nguyện của hành giả. Siêng năng thực hành tu tập là nhân tố thứ hai sau mong cầu ước muốn để cho hành giả hòan thành kết quả tốt đẹp sau này. Sự mong muốn của chúng ta dù tốt đẹp đến đâu đi nữa mà cá nhân mỗi người không tự nổ lực siêng năng, bền lòng vững chí tin tưởng vào pháp tu của mình để thực tập cho mình thì, cho dù chúng ta có hàng trăm ước muốn mong cầu tốt đẹp đi nữa, mà không tinh cần tinh tấn nổ lực thực hành tu tập thì, những muốn đó muôn đời cũng chỉ là ước muốn suông, cũng chỉ là những ước muốn trên lý thuyết mà thôi.
Ở đây, tinh tấn siêng năng nổ lực không phải chỉ là sự hắng hái, bồng bột trong nhất thời, như ngọn lửa rơm cháy bùng lên rồi sau đó tắt liền, mà sự tinh tấn nổ lực ở đây phải miên mật, lúc nào cũng thực tập không bao giờ gián đoạn. Trong kinh Di Giáo đức Đạo sư có dạy: "...Như người dùi cây lấy lửa, cây chưa nóng đã thôi, tuy muốn được lửa, nhưng khó thể được".
Sự siêng tinh tấn tu tập của hành giả ở đây cũng vậy, không nên như người dùi cây tìm lửa kia. Muốn đạt được thiền định thì, lúc nào cũng phải siêng năng tinh tấn nổ lực liên tục và đầy đủ mới dạt được kết quả như chúng ta mong muốn.
3. Tâm thần túc, nói cho đầy đủ và chính xác hơn thì gọi là tâm tam-ma-địa đọan hành thành tựu thần túc (Srt: citta-samādhi-prahāṇa-saṃskāra-samannāgata-ṛddhi-pāda, Pāli: citta-samādhi-padhāna-saṃkhāra-samannāgata-iddhi-pāda) Thiền định phát sinh nhờ sức mạnh của tâm niệm. Một lòng chuyên nhất trụ nương vào sức mạnh của tâm, nên định dẫn phát mà khởi lên. Như mặt trời tia sáng chiếu khắp mọi nơi, ánh sáng của nó bị yếu dần đi và, trở nên hòa dịu không thiêu đốt vạn vật được. Nhưng nếu tia sáng mặt trời kia mà qua thấu kính hội tụ thì nó có thể thành lửa thiêu đốt bất cứ thứ vật chất nào trên thế gian này. Hay như giòng sông lớn, nếu bị chia làm nhiều giòng chảy nhỏ thì sức chảy của nó bị yếu đi. Trái lại, chỉ một giòng suối nhỏ, không chảy nhiều đường, cũng đủ sức xuyên thủng đá tảng. Hành giả tu tập cũng lại như vậy, khi tâm mình định nhất vào một đối tượng nào đó một cách chuyên nhất thì, vọng tâm sẽ không khởi lên được và không bị tán loạn, khi đó không việc gì không thành tựu. Phật có dạy trong kinh Di giáo: "Chú tâm nhất xứ vô sự bất biện: Chú tâm vào một chỗ, không việc gì không thành".
4. Quán thần túc, nói cho đầy đủ và chính xác hơn thì gọi là quán tam-ma-địa đọan hành thành tựu thần túc (Srt: vīmāṃsā-samādhi-prahāṇa-saṃskāra-samannāgata-ṛddhi-pāda, Pāli: vīmaṃsā-samādhi-padhāna-saṃkhāra-samannāgata-iddhi-pāda), Thiền định phát sinh nhờ sức mạnh tư duy quán sát Phật lý. Hành giả nương vào sức mạnh tư duy quán sát nên định dẫn phát mà sinh khởi.
Quán là dùng trí tuệ quán sát tư duy lý pháp mình đang tu và, nhờ đó mà định phát sinh và, khi định đã có thì định tuệ quân bình. Khi quán trí này do định phát sanh thì, trí này là tịnh trí, chính vì nhờ tịnh cho nên nó có thể thông đạt thật nghĩa của các pháp trong vũ trụ một cách như thật. Đó là bốn pháp thần túc thông dụng mà chúng ta thường gặp.
Ngoài ra theo Câu xá quang ký 25 thì: “Bốn pháp này theo vị gia hạnh mà thành lập tên thì:
1/ Dục thần túc, ở đây dục đối với vị của gia hạnh mà khởi lên định nầy, vì nương vào sức sức mạnh của dục, nên định dẫn phát mà khởi lên.
2/ Cần thần túc, ở đây đối với vị của gia hạnh mà siêng năng tu tập định này, nhờ nương vào sức mạnh của siêng năng tinh tấn nên định dẫn phát mà khởi lên.
3/ Tâm thần túc, ở đây đối với vị của gia hạnh nhất tâm chuyên trụ, nhờ nương vào sức mạnh của tâm, nên định dẫn phát khởi lên.
4/ Quán thần túc, ở đây đối với vị của gia hạnh, quán sát tư duy lý, nhờ nương vào sức mạnh của quán, nên định dẫn phát mà khởi lên.
Trong địa vị của gia hạnh tuy có nhiều pháp, nhưng bốn pháp này là lợi ích tối thắng. Cho nên từ bốn pháp này mà gọi tên”.
Theo Pháp giới thứ đệ sơ môn, phần cuối quyển trung của ngài Trí khải Đại sư thì, ở trong Tứ niệm xứ là thật tu trí tuệ, trong Tứ chánh cần là chính tu tinh tấn, như vậy ở đây tuệ nhiều, định ít, nên nay phải nhiếp tâm tu bốn loại thiền định để quân bình định tuệ, mọi sở nguyện đạt được, cho nên gọi là như ý túc.
Qua những kinh luận trên cho chúng ta nhận thức rằng đức Đạo sư đã sắp xếp mọi pháp có trước có sau theo thứ tự những đối tượng dục, tinh tấn, tâm và quán làm nền tảng cho hành giả tu tập thiền định trong việc cân bằng định tuệ và thành tựu theo như sở nguyện của chúng ta đều được gọi là như ý túc, vì chúng là những đối tượng để cho tất cả mọi thứ công đức tu hành, thần lực nương vào đó mà phát sanh, và thành tựu theo như ý muốn của hành giả. Bốn phép nầy tuy là bốn nấc thang thứ tự theo nhau, đưa hanh giả từ cái nhân hữu lậu mê mờ, đến cái nhân vô lậu giải thoát. Trước hết, do thường mong muốn (dục), cho nên siêng năng nổ lực tu tập dũng mãnh (tinh tấn); nhờ sự tinh tấn tu tập dũng mãnh, nên phiền não được tiêu trừ, nhờ vậy mà tâm được chuyên nhất (tâm), nhờ tâm chuyên nhất nên quán trí được thanh tịnh (quán), để trở thành năng lực phá tan gốc rễ vô minh. Nhưng trong thực tế khi hành giả tu tập, chúng phải đồng lúc hiện hữu theo luật tắc duyên khởi.


---o0o--- 

Tứ như ý túc


Tứ như ý là dịch âm từ chữ Iddhi (Pàli). Thế Tôn dạy: "Ở đây vị Tỷ-kheo thực hiện nhiều loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, đi trên không..., đi trên nước, độn thổ..., với tay sờ mặt trăng, mặt trời..., có thể tự thân bay đến cõi Phạm Thiên, này các Tỷ-kheo, đây gọi là Như ý". (Tương Ưng, V, Sđd. tr. 289)
- "Con đường nào, đạo lộ nào đưa đến chứng được Như ý, này các Tỷ-kheo, đây gọi là Như ý túc". (Sđd. tr. 289)
Tứ như ý túc là dục định, tinh tấn định, tâm định và tư duy định.
Nếu hành giả nương vào dục mà được định, được nhất tâm thì gọi là dục định. Nếu hành giả nương vào tinh tấn được định, được nhất tâm thì gọi là tinh tấn định. Nếu hành giả nương vào tư duy được định, được nhất tâm, đây gọi là tâm định, cũng gọi là tư duy định. (Sđd. tr. 209-210)

Tu tập Tứ như ý túc
"Tu tập Như ý túc cùng với dục định, tinh cần hành; tu tập Như ý túc cùng với tinh tấn định, tinh cần hành; tu tập Như ý túc cùng với tâm định, tinh cần hành; tu tập Như ý túc cùng với tư duy định, tinh cần hành; đấy gọi là tu tập Như ý túc". (Sđd. tr. 280)
"Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tu tập Như ý túc cùng với dục định, tinh cần hành, với ý nghĩ: như vậy, ý muốn ta sẽ không quá thụ động và không quá hăng say, không co rút phía trong, sẽ không phân tán phía ngoài, an trú với trước sau đồng đẳng, dưới thế nào thì trên như vậy, trên thế nào thì dưới như vậy, ban ngày thế nào thì ban đêm như vậy, ban đêm thế nào thì ban ngày như vậy". (Sđd. tr. 276)
Dục (lòng ham muốn) thụ động là dục đi đôi với biếng nhác; dục quá hăng say là dục tương ứng với trạo cử. Dục co rút vào phía trong là dục tương ứng với hôn trầm, thụy miên; dục phân tán ở phía ngoài là dục tương ưng với năm dục công đức ở ngoài (ngũ dục lạc).
Tưởng trước, sau đồng đẳng là tưởng trước sau khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thể nhập với trí tuệ.
Dưới, trên... quán từ lòng bàn chân đến tóc đều bất tịnh.
Ðêm, ngày... cùng hành một hành tướng, nhân tướng.
Tương tự đối với tinh tấn định, tâm định và tư duy định.
Về Tứ như ý túc, tu tập như trên sẽ dẫn đến một số kết quả đặc biệt:
- "... Vị Tỷ-kheo chứng được nhiều loại thần thông: một thân hiện ra nhiều thân...". (Sđd. tr. 277)
- "Có thể chứng thiên nhĩ thông, tha tâm thông, thiên nhãn thông, túc mệnh thông và lậu tận thông". (Sđd. tr. 277)
- "Do tu tập làm sung mãn Tứ như ý túc này, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, thiện xảo, thời nếu muốn, người ấy có thể sống đến một kiếp, hay phần kiếp còn lại". (Sđd. tr. 272)
- "Do tu tập sung mãn Tứ như ý túc này, Như Lai được gọ là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác". (Sđd. tr. 271)
- "Có Tứ như ý túc, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, trở thành những Thánh lãnh đạo, dẫn dắt những ai thực hiện đi đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau". (Sđd. tr. 269)

Một số nhận định về Tứ như ý túc
- Ðiểm đặc biệt thứ nhất của pháp môn Tứ như ý túc là các bậc Thánh tu tập nhuần nhuyễn pháp môn này thường trở thành các bậc Thánh lãnh đạo. Có lẽ sau khi đoạn tận lậu hoặc, nếu điêu luyện Tứ như ý túc thì sẽ thêm nhiều khả năng giáo hóa, như trường hợp Tôn giả Mục-kiền-liên là vị đệ nhứt chứng ngộ Tứ như ý túc, Tôn giả trở thành vị đại đệ tử thứ hai của Thế Tôn. Về mặt thần thông này thì chỉ có Tôn giả Mục-kiền-liên là bằng Thế Tôn (tương tự, về mặt tuệ giải thoát thì có Tôn giả Xá-lợi-phất bằng Thế Tôn). Chư Thế Tôn đều thiện xảo, điêu luyện Tứ như ý túc.
- Ðiểm đặc biệt thứ hai của Tứ như ý túc là vị Thánh đệ tử điêu luyện pháp môn này có thể kéo dài mạng sống đến một tiểu kiếp hay phần tiểu kiếp còn lại. Kinh Ðại Niết-bàn ghi Thế Tôn đã gợi ý ba lần về điểm này để Tôn giả A-nan thỉnh Phật trú thế nhưng Tôn giả không rõ ý Thế Tôn.
- Ðiểm đặc biệt thứ ba của Tứ như ý là trong khi giáo lý Phật giáo chủ trương đoạn trừ lòng dục (nơi nào có lòng dục thì nơi đó lòng dục cần được đoạn trừ) nhưng ở Tứ như ý túc thì dục định được tu tập.
Một lần (ở Tương ng V), Bà-la-môn Unnàtha đã thắc mắc vấn đề dục định, sợ rằng không phù hợp với mục tiêu của Phạm hạnh. Tôn giả A-nan đã giải thích cho Unnàtha rằng:
"Do trước có lòng dục thúc đẩy Ông đến đây...
Do trước có tinh tấn thúc đẩy Ông đến đây...
Do trước có tâm thúc đẩy Ông đến đây...
Do trước có tư duy thúc đẩy Ông đến đây...
Sau khi đến đây rồi, dục, tinh tấn, tâm tư duy của Ông được tịnh chỉ, cũng vậy, vị A-la-hán thì lòng dục, tinh tấn, tâm, tư duy được tịnh chỉ".
Kinh Tạng Nikàya ít đề cập đến Tứ như ý túc, thường chỉ đề cập đến thần túc thông. Phẩm Tứ Pháp của Tăng Chi Bộ Kinh không đề cập đến Tứ như ý túc. Chỉ có Tương Ưng Bộ Kinh V là đề cập rõ đủ Ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Qua phần đề cập này, Bát Thánh đạo là đạo lộ đưa đến tu tập Tứ như ý túc. Cho nên phần tu tập của pháp môn này vẫn bao gồm đủ Giới, Ðịnh và Tuệ uẩn. Bốn chi phần Như ý thực sự là dẫn đến định. Tại đấy, tuệ giác được vận dụng để đoạn trừ lậu hoặc. Khi chánh trí xuất hiện thì dục định, tinh tấn định, tâm định và tư duy định được ngưng chỉ, lặn mất. Tứ như ý túc cần được hiểu như là sức mạnh tu tập giải thoát, là tất cả nỗ lực để chứng ngộ Niết-bàn.
Ở mặt ngôn ngữ, danh từ, dục như ý túc nghe gần như bất ổn. Trong khi hành giả phải ly dục, ly ái mới vào Sơ Thiền, thì ở Tứ như ý túc lại do dục mà đưa đến Ðịnh. Ði vào nội dung cụ thể của ly dục và dục định, chúng ta sẽ thấy không có mâu thuẫn nào giữa hai cách diễn đạt ấy... Ly dục ở đây là rời khỏi lòng ham muốn ngũ trần (sắc, thanh, hương, vị và xúc), là những gì ngăn che Thiền định; dục định là lòng mong muốn, là nhiệt tình, là khát khao loại bỏ mọi thứ ngăn che Thiền định, mọi lòng dục về các trần để đi vào Thiền định. Dục đưa đến Ðịnh là khát khao giải thoát được soi sáng bởi chánh kiến và chánh tư duy. Cần phải đi vào tu tập mới nhận rõ điểm này. Thí như tiếng gõ bảng của thầy giáo, cô giáo, tuy cũng là một loại âm thanh gây động, nhưng nó có tác dụng làm im hẳn đi những ồn ào của học sinh và để lại sự yên tĩnh của lớp học. Tiếng gõ bảng khởi lên để dập tắt tiếng ồn của học sinh, khi tiếng ồn này im bặt, thì tiếng gõ bảng cũng lặn theo.
Tóm lại, Tứ như ý túc cũng là một ngõ vào Thiền định, nó thuộc Ðạo đế, nâng gót của hành giả đi vào giải thoát và tri kiến giải thoát./.

Thích Chơn Thiện

-oOo-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét