Tử vi và Tâm Lý Học Phật Giáo


Tử vi và Tâm Lý Học Phật Giáo
Tâm Nhẫn

Trong Lịch sử văn minh nhân loại , loài người là một sinh vật duy nhất luôn luôn đặt ra cho mình câu
hỏi đầy ray rứt :

• Ta từ đâu đến ?
• Tại sao ta đến chốn này ?
• Ta sống để làm gì ?
• Và Ta sẽ ra sao ?

Các câu hỏi này đã theo chân loài người từ buổi bình minh của nhân loại đến muôn đời sau nữa . Trong kho tàng văn minh cổ của loài người , có nhiều thuyết để trả lời một phần các câu hỏi trên ,trong đó, văn minh Trung Quốc đã cho người Trung quốc một luận thuyết Tử Vi nổi tiếng , để trả lời một cách gián tiếp cho các câu hỏi trên thông qua sự giải đoán vận mệnh con người .Các nhà luận giải Tử Vi còn có tham vọng giải đoán đến cả quá khứ xa xưa của tổ tiên nữa , và có thể cả cho ngày sau , đến cả hậu duệ sau này nữa !

Nguyên lý Tử Vi .-

Chúng ta điểm qua một số lý luận chính của Tử Vi , trên cơ sở phân tích Tâm lý-Xã hội học và Tâm Lý học Phật giáo , để tìm nguyên ủy bản chất của việc giải đoán Vận mệnh con người .

1. Nền tảng của Tử vi xuất pháp từ triết học Kinh Dịch với nguyên lý Nhất Nguyên Lưỡng Cực và sự chuyển dịch, đổi thay của vạn vật tượng trưng qua 64 quẻ Dịch . Sự luận đoán dựa vào sự tương hợp, tương phản của thuyết Âm Dương ; sự tương sinh, tương khắc của Ngũ hành ; và lý luận “dịch” này của Kinh Dịch .

2. Tính cách chính của người có lá số Tử vi là tính cách kết hợp của các Bộ Sao .
Trong đó , bộ sao chính ( sao chủ Mệnh hoặc/và Sao chủ Thân ) , là tính cách cơ bản , và các sao phụ ( sao tham chiếu ) là tính cách bổ sung .

3. Sự luận đóan được cho là Nguyên thuỷ , là từ Tiên sinh Trần Đoàn , qua quyển Tử Vi Đẩu số Toàn thư . Càng về sau, các nhà luận giải càng đi sâu vào các khía cạnh khác nhau của các thuyết Âm Dương Ngũ Hành trong bối cảnh của Lá số Tử vi . Do vậy, các luận giải thường mang theo cả những cảm nghĩ và kinh nghiệm chủ quan của người luận giải . nên phát sinh ra khá nhiều trường phái Tử Vi giải đóan . Cho nên không lấy gì lạ nếu , trong cùng 1 lá số, có nhiều luận giải tương phản nhau . Cái nào đúng ? Cái nào sai ? và đâu là nguyên nhân ?

4. Lá số Tử vi bao gồm nhiều thành phần :

a.) Phần Trung Cung , có khi gọi là Phần Tiên Thiên : gồm các yếu tố :

(i.) Giờ sinh : ngày đêm được chia thành 12 giờ ( so với giờ hiện đại , mỗi giờ Trungquốc bằng 2 giờ Tây phương ) , được qui chiếu vào Can Chi . Và ngày xưa không cóphạm trù múi giờ, nên các nhà luận giải ngày nay đưa thêm vào đó, hệ qui chiếu giờcho các múi giờ kinh tuyến khác nhau ( bằng kinh tuyến Greenwich ) .

(ii.) Ngày sinh : được căn cứ vào tuần trăng Âm lịch, có sự hiệu chỉnh của Dương lịch cho các mốc Thiên văn : Xuân & Thu phân , Đông & Hạ chí . Và được qui chiếu thành Can & Chi .

(iii.) Tháng sinh : thường thì vẫn dùng 12 tháng cho 12 con giáp với sự qui chiếu với 10 can . Tuy nhiên, vì Âm lịch có hiệu chỉnh, nên việc nhuần thêm tháng sẽ làm một số năm có ngày tháng trùng hợp .

(iv). Năm sinh : do 12 chi và 10 can, nên tổ hợp này lập thành một quyển lịch 60 năm , được sử dụng từ thời thượng cổ đến ngày nay .

Do Giờ, Ngày, tháng, năm được qui chiếu thành 10 Can và 12 Chi . Mỗi Can , Chi đều có tính Âm Dương và Ngũ Hành . Việc gán cho Can , Chi của Giờ, Ngày, Tháng, Năm cũng không được giải thích vì sao phải như thế ? và khi nào là ngày bắt đầu ? Mọi việc phải được mặc nhiên chấp nhận , như là một giả thiết của khoa học ngày nay .

Căn cứ vào nguyên tắc này , mỗi ngày , có 12 lá số , một năm bình quân có 365 ngày , sẽ có 4.380 lá ; một vòng chu thiên 60 năm , sẽ có 60 X 4380 lá số + 180 lá ( do có thêm 12 ngày nhuận ) . Tổng cộng toàn thể nhân loại được qui đinh trong khoảng 262.980 lá số .

Chúng ta lưu ý : Tử Vi chỉ dựa vào giờ ( tức là Kinh Độ địa lý ) , mà không đề cập đến Vĩ Độ địa lý . Trong khi sự phân bổ Sinh Quyển, các hệ thống sinh thái thay đổi mãnh liệt theo Vĩ Độ địa lý và Cao độ địa hình . Có lẽ, tiên sinh Trần Đòan chỉ luận Tử vi chỉ cho ngườI Trung Quốc ở tại vùng đồng bằng Trung Nguyên mà thôi .

b. Phần Ngoại cung , cũng được gọi là Hậu Thiên , gồm có 12 cung , bao gồm :

(i.) Những bộ Tam Hợp : có 4 bộ X 3 cung
(ii.) Có 6 bộ Xung chiếu = 6 x 2 cung
(iii.) Có 12 bộ Nhị hợp ( còn gọi là Tiền Hậu )

Tất cả các cung đều phải có tính Âm Dương và Ngũ Hành , và phương hướng địa lý theo Hậu Thiên Bát Quái ( Kinh Dịch – và vì sao không sử dụng phương hướng trong Tiên Thiên ? ) nên cũng được gán cho các Hành tương đương . Ví dụ : phương Tây của Trung quốc ( Đoài cung ) thuộc hành Hoả là vậy .

Phần ngoại cung này, biểu hiện rõ nét đặc thù của một xã hội phong kiến nông nghiệp Trung Quốc ngày xưa , qua các thành phần cấu tạo nên xã hội này như :

• Gia đình : các cung Mệnh\ ( Thân ) , Phụ Mẫu , Phúc Đức , Tật Ách ( về Bệnh) , Tử , Phối ngẫu , Huynh Đệ .
• Xã hội : các cung Quan lộc ( giai cấp Sĩ , Binh ) , Nô bộc, Thiên Di , Tật Ách ( về Hình )
• Kinh tế : các cung Điền trạch ( giai cấp Nông ) , Tài Bạch ( Giai cấp Công và Thương ) .
Do vậy, trong bối cảnh kinh tế xã hội ngày nay, sự phân chia các Cung như trên có lẽ không còn hợp thời nữa .

c. Phần an sao trong các cung : Các bộ sao chính :

(i.) Tử Phủ Vũ Tướng
(ii). Âm Dương
(iii). Cơ Nguyệt Đồng Lương
(iv.) Sát Phá Tham Liêm

Bốn bộ sao này còn tạo thành các cục dưới bộ sao , do thiếu hoặc thêm một hoặc vài sao trong cùng một bộ hoặc khác bộ sao . Sự giải đoán Tử vi dựa chính yếu vào các Cục Cách an sao này. Còn các chi tiết diễn giải rộng ra , thì tham chiếu thêm các phần Trung Cung, Ngoại Cung , và tiến xa hơn nữa, phối hợp với các Sao & Cung khác trong các lá số của Tứ Thân Phụ Mẫu ( Hợp Cách) .

Các bộ sao này đại diện cho các tính cách cá nhân qua các nghề nghiệp chính trong xã hội thời xa xưa như : Sĩ , Nông , Công , Thương , Binh đồng thời cũng phản ánh những giai cấp chính trong cơ cấu xã hội đó ( Vua , Quan văn võ ) ; giai cấp chủ (điền chủ, Công chủ và Thương chủ ) và cuối cùng là dân dã , nông nô , nô lệ .

d. Cuối cùng , còn các sao tham chiếu khác , dùng để bổ sung các tính cách phụ cho các bộ sao chính . Nguyên thủy tất cả có 108 sao , càng về sau, các nhà luận giải thêm vào một số sao khác để minh hoạ trường phái luận giải của mình, cho đến ngày nay tất cả gồm hơn 120- 128 sao . Và dĩ nhiên , tất cả các sao đều phải có tính Âm Dương và Ngũ Hành . Có lẽ các nhà luận giải thấy bế tắc trong một số tình huống kinh tế xã hội phát sinh về sau , nên thêm vào để có thêm các yêu tố mới để cập nhật phần luận giải

e. Do đó, tổng hợp từ Trung cung đến Ngoại cung và các sao , chúng ta thấy 1 rừng tương sinh, tương khắc, tương hợp, tương phản , làm cho sự luận giải trở nên vô cùng “mờ mịt “

Sự luận giải của Tử Vi :

1. Luận giải Tử vi bằng các sự tương sinh, tương khắc , tương hợp , tương phản , mang một bản chất Nhân Duyên rất rõ nét : Cái này có, thì cái kia có; cái này không có, thì cái kia không có; cái này sinh, thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt . Hoặc là Trùng trùng Duyên Khởi. hoặc là Nhân sinh ra trên một Nhân trước đã diệt .

2. Bản chất Âm Dương luận , trong tư tưởng Nhất Nguyên Lưỡng Cực , nhất là Dịch học , cũng gần giống như Phi Nhât, Phi Nhị ; Phi Một , Phi Nhiều ; Phi Hữu, Phi Vô ; Trong Một chứa Toàn Thể và Toàn Thể chứa trong Một như Kinh Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm , Pháp Hoa , v….v .

3. Bản chất Ngũ Hành , tương tự như Tứ Đại (Đất = Thổ - Kim ; Nước = Thủy ; Lửa = Hỏa ; chỉ còn lại 2 thành tố chưa tương tự là Gió ( Phong Đại ) và Mộc .
Thế giới quan Âm Dương & Ngũ hành của Kinh Dịch cho rằng Vũ trụ kể cả con người được tạo ra do sự tương sinh, tương khắc của Âm Dương & Ngũ Hành , xem con người và ngoại cảnh có cùng một tính chất hình thành , hợp nhất bản thể giữa con người và Vũ trụ . Sự luận giải mang một tính chất dự đóan sự tương tác nhau giữa con người và ngoại cảnh , khi dán nhãn cho con người 1 tính cách và dự đóan xem sự tương tác đó với ngoại cảnh như thế nào ? ( Như là cho một Giả Thiết tiền đề và xét xem các biến đổi tương tác nhau , như trò chơi vi tính ) Và các kết luận mang theo các
thuộc tính cơ hữu của con người trong một xã hội nông nghiệp, phong kiến kiểu Trung Hoa thời xa xưa . Xét theo nhà Phật , thuộc tính cơ hữu chính của loài người là Tham, Sân, Si và thuộc tính của xã hội xa xưa đó , như là một Cộng Nghiệp lớn, còn các tác động dự đoán chỉ là Biệt Nghiệp trong mọi vòng Cộng Nghiệp lớn nhỏ của Gia đình, thôn ấp, làng xã và đất nước .

4. Trung cung : phần Tiên Thiên - Tại Trung Cung , con người được phân hạng như sau

a. Theo Giới tính :
Âm Dương Nam Nữ
Âm Âm Nam Âm Nữ
Dương Dương Nam Dương Nữ


Các nhà luận giải sẽ căn cứ vào sự thuận nghịch Âm/Dương và Nam/Nữ , mà phán đoán tính cách cơ bản của đương số như : Cứng rắn , Nam tính và Mềm yếu/Tình cảm , v…v ….
Xét về mặt Tâm Lý Cá Nhân , mỗi cá nhân Nam cũng như Nữ , đều có và chỉ có 2 loại :
sống theo Lý Trí ( thuộc tính Cứng rắn , Dương ) và Cảm Tính ( thuộc tính Mềm , Âm ) mà thôi . Việc phân chia này chỉ là một bài toán xác xuất .

b. Theo Ngũ Hành :

(i.) Cục : Có 5 Cục được mặc nhiên an bài theo sau

Các Hành Kim Mộc Thủy Hoả Thổ
Các Cục Tứ Cục Tam Cục Nhị Cục Lục Cục Ngũ Cục
Số Cục 4 3 2 6 5
Tuổi Bắt Đầu 14 13 12 16 15
Đại Hạn 14-23 13-22 12-21 16-25 15-24
24-23 23-32 22-31 26-35 25-34
34-43- 33-42 32-41 36-45 35-44
44-53 43-52 42-51 46-55 45-54
54-63 53-62 52-62 56-65 55-64

(i.) Cục : Có 5 Cục được mặc nhiên an bài theo sau :


Sự bắt đầu từ số 2 đến số 6 , mà không từ con số khác , cũng không được giải thích . Tuỳ theo số khởi đầu, các vòng Đại hạn được ấn định cho 10 năm . Ngoài ra , các con số này còn dùng để tính cân lượng của Mệnh vào phần kế tiếp .

Xét về mặt khoa học , sự sắp xếp các dãy số ở phần Cục , được phân tích trở lại, ta thấy gần giống như các giai đoạn phát triển Tâm Sinh Lý của con người theo các độ tuổi :

a. Trước 12 = sự phát triển Tâm sinh lý của những năm đầu đời
b. 12-25 = lứa tuổi bắt đầu dậy thì đến trưởng thành
c. 22-35 hoặc hẹp hơn = 26-35 , lứa tuổi bắt đầu bước vào đời lập thân
d. 32-45 , -nt- = 36-45 , lứa tuổi tạo lập sự nghiệp
e. 42-55 , -nt- = 46-55 , lứa tuổi chín mùi trong sự nghiệp , tiến đến tuổi hồi xuân ..
f. 52-65, -nt- = 56-65 , lứa tuổi hồi xuân và chuẩn bị về già

Các lứa tuổi trên , về mặt tâm sinh lý , đều nằm trong những giai đoạn chuyển biến của sự tăng trưởng sinh học với sự tham gia tư nhiên của các hormone sinh học , và làm chuyển biến tâm lý theo 5 Giác quan cơ bản và Ý thức của đương số . Những giai đoạn này cũng hình thành tính cách cá nhân đã được tích lũy từ nhỏ đến lớn, qua sự tập nhiễm với gia đình, các cá nhân gần gũi và mọi cộng đồng lớn nhỏ .

Mặc khác , các chu kỳ thời gian trên cũng là các giai đoạn sống và hoạt động của đương số trong bối cảnh tương tác với xã hội , từ trong gia đình & học đường ; bước đầu ra đời ; tạo dựng sự nghiệp và về già . Đặc biệt , lứa tuổi 36-55 ( khoảng 2 đại hạn ) , là khoảng thời gian xảy ra rất nhiều sự thành bại, đắc thất , vinh nhục, thị phi của đương số , các sự kiện này xảy ra với một mức độ quyết liệt hơn, sâu sắc hơn , do sự tiếp xúc và tương tác đa phương đã trở nên toàn diện và ở cường độ cao . Do đó, các nhà luận giải cũng dựa thêm vào 2 ý tưởng là Thời và Vị của Kinh Dịch để luận cho các vòng đại hạn này . “ Thời hành tắc hành; thời chỉ tắc chỉ “

Xã hội xa xưa đó, nơi mà con người có tuổi thọ bình quân là 50 ( Nhân sinh Thất Thập cổ lai hy ) , và con người phát triển cao độ vào tuổi trước 40 ( Tam thập nhi lập , Tứ thập bất hoặc hoặc 30 tuổi chưa lập gia đình thì không nên lập gia đình nữa ; 40 tuổi chưa ra làm quan, thì không nên làm quan nữa ) . So sánh với cách sắp xếp để lấy chu kỳ đại hạn của Tử vi , ta thấy ngay , chỉ có 3 vòng đại hạn quan trọng nhất .

Cũng chính vì lý do này , sự an các bộ sao chính phụ cũng được tính toán để cho một giải đoán có tính xác xuất cao trong 3 vòng đại hạn này . Dĩ nhiên cũng có xác xuất đại hạn không lọt hoàn toàn vào an sao chủ lực .

1. Anh hài, từ khi sanh đến 6 tuổi.
2. Đồng tử: từ 7 đến 15 tuổi.
3 .Thiếu niên: từ 16 đến 30 tuổi.
4. Thành niên: từ 31 đến 40 tuổi.
5. Lão niên: từ 41 đến chết.

Tóm lại, các giai đoạn ( đại hạn ) này chẳng qua là sự tái lập chu kỳ Vô Thường Thành, Trụ, Hoại , Không ở các cường độ mạnh yếu khác nhau . Nếu chúng ta làm chủ được Thân Tâm , theo triết lý Phật giáo , thì chúng ta sẽ làm chủ được các mức độ này , nghĩa là, làm chủ được vận mệnh . Do đó, sự giải đóan theo giả thiết xác xuất xảy ra với các điều kiện Tâm lý Cá nhân- Tâm lý Quần chúng – Tâm lý Xã hội như trên , dễ làm cho người nghe tin rằng Tử vi là có thể đúng . Ngoài ra, trong vòng đại hạn 10 năm , tất cả những điều may rủi , nhân quả sinh ra , không ai nhớ hết . Cho đến khi luận giải gợi đến , các Thức thứ 7 được nhắc nhở , sẽ nhớ lại từ 50% đến 60% là đã có xảy ra thật ! Cho nên có người không tin bói toán nhưng không thể biện minh được trường hợp này , đành cho rằng , Tử vi là đúng khoảng 50% - 60% , nhưng là ………….hậu nghiệm ! Tự cổ chí kim, chưa bao giờ Tử Vi có thể tiền nghiệm được ! Hơn nữa, đại hạn 10 năm còn có thể có xác xuất cao , nhưng đến tiểu hạn hàng năm , thì xác xuất trùng hợp lại yếu hơn nhiều , xác suất này chỉ còn khoảng 5% đến 10% mà thôi , nói chi tham vọng luận đoán từng ngày , từng giờ ! (như Độn quẻ )

(ii.) Mệnh : Cũng phân chia theo các Hành , toàn cảnh Tử Vi chỉ có các Mệnh dưới đây :

Các Hành Kim Mộc Thuỷ Hỏa Thổ
Các Mệnh 4 4 4 4 4

Một Hành có 4 Mệnh , sắp đặt từ lớn đến nhỏ , ví dụ như Tích lịch hoả, Sơn đầu hỏa ,v…v
Có 5 hành X 4 Mệnh , tất cả có 20 Mệnh . Mỗi Mệnh được tính toán từ số của các Cục mà ra số cân lượng nặng nhẹ ( mấy chỉ , mấy lượng )
Sự tổ hợp 4 tích cách (Âm/Dương) với 5 Cục và với 20 Mệnh sẽ cho ra mọi cách cục đầu tiên của Trung Cung ( phần Tiên Thiên )
Sự tương sinh, tương khắc giữa Cục và Mệnh trên nền tảng Âm Dương cũng được xét đến .
Sự tương sinh tương khắc về mặt ngũ hành giữa Cục , Mệnh với các lá số hợp cách được khai thác tối đa , để luận đóan Mệnh lớn hay nhỏ, Mệnh khắc tuyệt đối hay tương đối , v….v
Đôi khi , các nhà luận giải còn mang vào phần này lý thuyết của Bát Tự ( Tử Bình ) qua phân tích và chiết tự 8 chữ đại biểu cho Can-Chi của Giờ, Ngày, Tháng, Năm sinh .

Sự xác nhận bản Mệnh ngay trong vòng Trung Cung ( Tiên thiên ) này , xem như là một yếu tố cho sẵn từ vô thỉ , gần giống như Thức đầu tiên của con người khi tái sanh , được tập nhiễm them cho đến tuổi đầu tiên được luận giải nằm trong vòng Đại hạn 10 năm đầu tiên ( tuối 12 là thấp nhất – cao nhất là 16 ) .

Theo Sinh học , mỗi một cá nhân , nhận được một vốn gen do cha mẹ trao cho . Vốn gen này đồng thời tích lũy tất cả các quá trình phát triển cá thể ( ontogenesis) và quá trình phát triển giống loài ( phylogenesis) từ khoảng 3,8 tỷ năm về trước. Tập hợp tất cả các gen-alen gọi là Kiểu Gen , kiểu gen qui định tất cả Tính trạng (hình thái & sinh lý) của cơ thể ( gọi là Kiểu Hình , là cái ta có được trong những hoàn cảnh môi trường tự nhiên & xã hội cụ thể ) . Do đó, Kiểu gen qui định Kiểu hình của cơ thể .

Có tương tự như thế không khi theo nhà Phật , từ khi lọt lòng, con người đã mang theo một Thức Tái Sanh ( từ Vô Minh Vô Thỉ ) tương hợp với Thức Cha Mẹ , là một Cộng nghiệp giữa Nghiệp lực riêng và Tích luỹ Nghiệp riêng của mình với Tập quán Nghiệp , Tích luỹ Nghiệp của Cha Mẹ . Nghiệp và Thức này lớn dần lên bởi sự tập nhiễm Nghiệp và Thức của Cha Me , gia đình, học đường và xã hội cho đến tuổi giải đóan Tử vi . Những sự kiện xảy ra trong đời sống chẳng qua là Nhân Quả được tạo tác ra theo Tâm Thức hàng ngày hàng giờ mà thôi .

5. Ngoại Cung : Phần Hậu Thiên – 12 cung trong Tử Vi , tương sinh, tương diệt nhau tương tự giống như chuỗi 12 nhân duyên , nhưng thật ra , không đầy đủ . Tuy nhiên , 12 cung Tử vi có thể gom lại thành Tâm và Vật ; hoặc Sắc và Tâm ; hoặc Sắc, Thọ , Tưởng, Hành, Thức .
a. Cung Mệnh : như là Thức , Tưởng , Nghiệp ;
b. Các Cung : Phụ , Điền , Quan , Nô , Di, Tất, Tài, Tử, Phối, Bào như là Sắc , Thọ ;
c. Cung Phúc như là Tác Ý , Hành, Nghiệp .
d. Riêng cung Thân bao gồm cả 5 thức uẩn . Cung Thân , được an trong 1 trong 12 cung chánh , dùng để xét đoán vận mệnh từ 30 tuổi trở lên đến già ( Tam Thập nhi lập) ) .
Phần Hậu Thiên này , có thể xem như là Nghiệp Tạo Tác , là sự tạo Nghiệp và Cộng Nghiệp của đương sự , trong sự tương tác với bối cảnh xã hội đương thời , số phận của đương số chỉ là cái Quả của cái Nhân đã , đang và sẽ gieo ; là cái Nghiệp Báo của cái Nghiệp đã, đang và sẽ gieo
.
Nghiệp làm không chánh thiện, Làm rồi sanh ăn năn,
Mặt nhuốm lệ, khóc than,Lãnh chịu quả dị thục.(Pháp Cú 67)

6. Ngoài ra, Tử vi đưa vào thêm phần Luận giải lý thuyết Hợp Cách ( Trợ Cách và Phá Cách ) , nghĩa là xét thêm lá số của Cha, Mẹ, và người hôn phối và cả các con ( nếu có ) . Như thế, có khác gì đâu các vòng Cộng Nghiệp ? và Chánh Báo , Y Báo ? Nhưng Tử vi không thể chỉ đường cho người những phương pháp tu tập để chuyển Nghiệp như Đức Phật Đại Từ Bi đã dạy chúng sinh .

7. Trong những tình huống bế tắc, các nhà luận giải thường dựa vào triết thuyết Kinh Dịch , với sự giải nghĩa biến dịch trong 1 lá số Tử vi ( Lá số xấu , luận giải tốt và ngược lại – Vật cực tất phản ) . Có phải chăng thấp thoáng trong đó lẽ Vô Thường ? . Hoặc dựa vào cung Phúc , để giải thích những đều xấu không xảy ra hoặc ngược lại , nhà luận giải còn dùng ý niệm Trung và Chánh của Kinh Dịch để lý giải thêm . Chúng ta thấy lẽ Nhân Quả , Luân Hồi và Nghiệp báo xuất hiện ở đây

8. Sự luận đoán các chu kỳ Đại hạn , cũng được tham chiếu thêm với nguyên lý Dịch học , trong các quẻ Dịch tương ứng với các chu kỳ độ tuổi đại hạn đối chiếu với khung cảnh xã hội . Cộng vào đó với phương hướng thuận nghịch ( theo Bát Trạch – một môn địa lý trên cơ sở Dịch học) , càng làm cho việc luận giải càng thêm mở rộng (maximized focusing ) trên cơ sở tâm lý thực nghiệm thăm dò .

9. Các bộ ba Tam hợp như sau :

a. Mệnh-Tài-Quan : Bản Mệnh – Tiền tài và Danh vọng ( Quan chức ) . Có học ( văn hay võ) ; Chốn Quan trường ; Và Tiền bạc . Sao gần giống luận cứ của Alvin & Toffler về bộ ba quyền lực : Tri Thức – Tiền tài – Quyền lực đến thế ? . Những luận giải rút ra từ tương sinh, tương khắc và ý nghĩa của bộ sao chính và phụ trong 3 cung trên , sẽ cho đương số một Vọng tâm về Bản Ngã và Tiền Tài , Quyền lực (Tham Sân Si) . Sự quay cuồng đến chóng mặt của Ngã và Ngã Sở như thế , làm sao không tạo ra sinh tử luân hồi bất tận ?

b. Phụ - Tử - Nô : Cha mẹ - Con cái – Nô bộc : quần thể cộng nghiệp nhỏ bé này trong tổ chức đại gia đình Trung quốc thời phong kiến nông nô xa xưa , là tế bào xây dựng nên xã hội Trung quốc . Cũng như trên, luận giải sẽ tạo cho đương số một Ngã Sở , một Vọng Tâm khác về Thủ và Hữu , đẩy cái Chấp Thủ và Chấp Hữu lên cực cao . Sự mê cuồng của Ngã Sở (Thủ , Hữu) đến như thế , làm sao đưa con người ta ra khỏi niềm đau nỗi khổ cho được ?

c. Phúc- Di – Phối : Phúc Đức – Xã hội – Hôn nhân : Khía cạnh nhân quả của sự tương tác , tập nhiễm giữa Cá nhân và xã hội . Luận giải phần này ngoài nguyên tắc tương sinh, tương khắc âm dương ngũ hành và tính cách các bộ sao chính phụ, nhiều khi các nhà luận
giải còn mang vào đây một số yếu tố khác từ Kinh Dịch ( trong việc tương tác với xã hội ) và yếu tố Nghiệp Báo ( trong việc xem xét cung Phúc ) . Tạo cho đương số một Vọng tâm khác về Ái Dục . Tuy nhiên , điều tích cực của Tử Vi là khuyên người ta nên tạo Phúc , để hạn chế cái Vọng tâm về Tiền Tài, Quyền lực, Khát Ái .

d. Điền – Tật – Bào : Đất đai – Tật Ách – Anh em : đây là một mối quan hệ trong sản xuất nông nghiệp xa xưa . Mối quan hệ này sẽ sinh ra mọi điều tốt hay xấu , mà cung Tật ách sẽ luận giảng . Đây là những vòng Cộng nghiệp nhỏ trong Gia đình , nơi mà Nhân Quả
của đã chứa sẵn từ Tổ tiên vật chất và tâm linh .

10. Phần Xung chíếu : là hai cung đối xứng chéo nhau . Trên nguyên tắc , là có 6 cặp xung chiếu nhau , nhưng trên thực tế , nhà luận giải chỉ xem cung Mệnh và Di , và cung Thân ( nếu có) với xung chiếu của nó . Tuy nhiên , việc an các bộ sao trong các cung cũng được tính toán cho tính cách Tam hợp , vì thế , thật ra chỉ còn 2 bộ xung chiếu :

a. Mệnh, Tài, Quan Xung chiếu với Di, Phúc, Phối : ta nhìn lại đoạn trên sẽ dễ nhận thấy bản chất của cách giải đoán thấp thoáng trong đó rồi !

b. Phụ , Tử , Nô xung với Tật, Điền, Bào : 2 bộ xung chiếu này còn nói lên rõ nét hơn về bản chất của việc luận giải !

11. Phần Tiền Hậu : đó là 2 cung trước và sau của cung được xét luận giải . Và thường, cũng chỉ xét Tiền Hậu của cung Mệnh và cung Thân ( nếu có ) . Cũng như trên , do Xung chiếu và Tam hợp, nên cũng chỉ có 2 bộ cung tiền hậu mà thôi Chỉ riêng 2 chữ Tiền Hậu , cũng đã nói lên ý nghĩa của việc giải đóan rồi !

Như vậy, xét về luận giải các cung , thì thật ra , chỉ là sự xem xét toàn cảnh việc tương tác giữa Cá Nhân – Gia Đình – Xã hội đóng khung trong 12 hoàn cảnh xã hội Trung Quốc mà thôi . Đây chỉ là một trò chơi thăm dò tâm lý cá nhân mà thôi . Một trò Trắc nghiệm Tâm lý được trừu tượng hoá .

12. Một số nhà luận giải , không muốn sai lầm nhiều, thường sử dụng thêm lý thuyết Tướng Mệnh học ( Tướng tuỳ Tâm sinh, Tâm cũng tuỳ Tướng sinh ) để xem tướng kết hợp với Tử vi . Xét về mặt khoa học, các dân tộc khác nhau , có hình thái khác nhau ( di truyền hình thái ) và số liệu nhân trắc khác nhau . Tướng mệnh học đã lâm vào ngõ cụt . Có lẽ chỉ sử dụng cho người thuộc chủng Trung quốc . Ngoài ra , các nhà luận giải sẽ làm sao với những người đang nhiếp các Oai nghi ? Cũng như thế, một số nhà luận giải cũng tham khảo thêm cả Chỉ tay . Nhưng cũng như trên , nhân trắc khác nhau làm sao áp dụng ? Trái với Chỉ tay , Kiểu Vân Tay cũng là một đặc trưng cho Kiểu Gen , mà các nhà Hình Pháp Học đã áp dụng . Điều này đã nói lên sự võ đoán của Chỉ Tay . Cuối cùng , xét theo Tâm lý học Phật giáo , các dân tộc khác trên thế giới, có các nền văn minh khác nhau , tổ chức xã hội khác nhau , thì Tử vi sẽ không thể nào giải đoán được nữa . Do Tâm và Thức sinh hoạt khác nhau , sẽ tạo tác ra xã hội khác nhau .

13. Mặt khác , phân tích 12 cung Tử vi qua quan điểm Triết học Phật giáo , ta thấy gần như sau :

Theo Tử Vi Theo Nghiệp Quả Theo Lục Dục

• Mệnh ( Thân ) , Tài , Quan Mệnh và Nghiệp, Tư Duy Tham, Ái , Chấp Ngã – Kiến
• Phụ , Tử , Nô Nghiệp ( Cộng và Biệt Nghiệp) Ái
• Phúc , Di, Phối Các Vòng Cộng Nghiệp Dục Ái , Tham ái
• Điền , Tật, Bào Nghiệp và Nghiệp Báo Tham , Ái


14. Kết luận :

a. Như vậy, Tử Vi luận xét con người ta lệ thuộc mãnh liệt vào Sắc và Thọ , tương đồng với Tham Sân Si , và cũng là nô lệ của Tưởng, Hành, Thức . Gắn dính con người vào Ngã và Ngã Sở . Và với Tham Sân Si , cái Tưởng Hành Thức sẽ dẫn con người vào vòng Nghiệp Báo Luân Hồi mê mãi , thông qua sự luận giải tương sinh, tương khắc của tất cả các thành tố của Tử Vi .

“Nghiệp dẫn đường ta đi “ là một kết luận cho số mệnh con người .
Dục ái sinh sầu ưu,Dục ái sinh sợ hãi,
Ai thoát khỏi dục ái,Không sầu, đâu sợ hãi?(Pháp Cú 215 )
Tham ái sinh sầu ưu,Tham ái sinh sợ hãi.
Ai giải thoát tham ái,Không sầu, đâu sợ hãi?(Pháp Cú 216)
Ai sống trong đời này, Ái dục được hàng phục
Sầu rơi khỏi người ấy, Như giọt nước lá sen.(Pháp Cú 336)

b. Các bộ Sao , có thể nói lên cái Danh Sắc của con người phàm nhân , cái Ái và Dục của nhân loại , cái Ngã và Ngã Sở của nhân loại , cái khát khao của Ái , của Thủ và Hữu tạo thành cái nỗi sợ hãi mơ hồ của nhân loại trước hoàn cảnh xã hội đầy biến động , đổi thay của Trung hoa thời phong kiến . Tính cách Tâm lý của các Bộ Sao không thoát khỏi Tâm lý cá nhân cơ bản của con người với tính cách là một sinh vật thượng đẳng .
Người thành đạt thì khát khao thành đạt nữa , nỗi sợ hãi mơ hồ là lo sợ cho sự tồn vong của sự
thành đạt này .
Người thất bại thi khát khao làm lại , nỗi sợ hãi mơ hồ là lo sợ sẽ không bao giờ lấy lại cái đã
mất .

Nỗi lo sợ mơ hồ có thể gom lại thành 2 nhóm :

i) Bệnh tật : Bệnh tòng khẩu nhập và Bệnh từ vốn Gen thừa hưởng và từ cách sống .
ii) Cần chi đến giải đóan ?
ii) Tai Nạn từ các hình thức , là hậu quả của mọi tương tác giữa cá nhân và xã hội .
Mọi người đều không sống với nhân , mà chỉ sống với quả . Ngày xui, tháng hạn , tuổi xấu , ngày xấu , tuổi khắc, ngày khắc , v….v là những cái cớ để người đời tựa vào đó hầu cũng cố vững chắc thêm cái Ngã và Ngã Sở của mình , làm an ủi , ve vuốt cái Ái , Thủ , Hữu của mình vậy .
Khoa Xã hội học đã kết luận từ hơn 40 năm nay : “trong một xã hội loạn hoặc nguy , một trong những hiện tượng xã hội nổi trội là mê tín “ . Vì những người cùng sinh ra , lớn lên và sống chung với cái xã hội này , phải tất yếu chia xẻ mọi vòng Cộng Nghiệp với toàn bộ cái xã hội đó Nỗi sợ hãi mơ hồ thâm căn cố đế cũng phát nguồn từ đây .

c. Cuối cùng , sự luận giải Tử Vi là gieo vào Tâm của người nghe , một tính cách cá nhân tưởng tượng , một cuộc đời cá nhân tưởng tượng . Những điều gieo rắc này tạo trong đương sự một Vọng Tâm về một cái Ngã thường hằng và những Ngã Sở có thật

Một vọng niệm vừa nổi lên, thì có trăm ngàn vọng niệm khác tiếp tục theo sanh ra, cho đến vô cùng tận. Nhơn đó mà có hư không, thế giới và chúng sanh đồng thời hiện ra. Cũng như người đương thức (dụ chơn tâm) bỗng chốc buồn ngủ nổi lên, (dụ vô minh vọng động) chiêm bao thấy có núi sông, nhà cửa các cảnh vật hiện ra (dụ hư không, thế
giới và chúng sanh).
Từ một thể chơn tâm không khác, vì vọng niệm phân biệt, có năng sở, bi thử sai khác, nên hiện ra có hư không và thế giới. Nhơn có hư không thế giới nên mới có chúng sanh. Ðã có thế giới nên mới có chúng sanh. Ðã có thế giới và chúng sanh lăng xăng đối đãi nhau, nên khởi lên vô số vọng tưởng phân biệt: tốt, xấu, phải, chẳng v.v… Vì thế mà sanh ra đủ các phiền não trần lao nhiễm ô. Cái có hình tướng và sanh diệt là thế giới, cái không hình tướng và yên tịnh là hư không……………………………………….Tóm lại, vì ở trong tâm chúng sanh, các vọng tưởng xen nhau phát sanh, nên ứng hiện ra ngoài thế giới có các cảnh vật. Bởi nhân duyên này mà thế giới nối nhau sanh mãi không dứt.
(Kinh Lăng Nghiêm)

Vì vậy , có người tin Tử vi là đúng , là do Vọng Tâm đã thành kiên cố ; có người cho Tử Vi có khi đúng , khi sai , là do Vọng Tâm chưa kiên cố còn chao đảo ; và cuối cùng, người cho Tử Vi không đúng gì cả , chính là các nhà Sư , sự tỉnh giác trong Vô Thường và Vô Ngã của các nhà Sư đã làm cho khoa Tử vi không còn áp dụng được nữa . Đó cũng chính là định đề khẳng định của
Tử Vi ngay từ đầu là không luận giải những nhà Sư và những người không còn tham gia trong xã hội mà người xưa gọi là “những ngừoi xuất thế “.

Ý dẫn đầu các pháp,Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau, Như xe, chân vật kéo. (Pháp Cú 1 )
Ý dẫn đầu các pháp,Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh, Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau, Như bóng, không rời hình. (Pháp Cú 2)

Đến đây, ta có thể đặt câu hỏi là : có hay không có số mệnh ? Số Mệnh có hay không ?
“ Sắc tức thị Không , Không tức thị Sắc
Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc “

A.-THỜI GIAN CÓ THỰC KHÔNG ?

1. Thời gian , qua sự phân tích tâm lý con người , là sự biểu hiện trong trạng thái vật lý - hình thái của mọi vật xuyên qua quá trình Sinh , Thành, Hoại , Không , xuyên qua các ghi nhận có tính Ký Ức của não bộ . Sự thay đổi trong hình thái vật lý biểu hiện đập vào mắt của con người phát sinh các khác biệt so với ký ức , sự cảm thọ này sẽ sinh ra một so sánh , một so sánh đó tạo một Tưởng Trước,
Sau , Cũ Mới , Ký Ức đã có và Hiện Tại , và con người tự đặt ra một ước lệ về cái trước-sau đó , là thời gian

a. Con người còn tiến xa hơn nữa, là muốn đo, đếm cái thời gian tâm lý đó . Quá trình tập nhiễm ( huân tập) thời gian tính trãi qua từ vô thỉ đến này , tạo ra thời gian của con người .

b. Một ví dụ : sự thay đổi hình thái vật lý Sáng – Tối do vận động vật lý vũ trụ của Trái đất , làm cho con người tạo ra thời gian tâm lý Ngày – Đêm . Loài vật cảm thọ ngày đêm , sáng tối một cách phản xạ ( phi thời gian ) . Nếu nuôi gà , ta sẽ thấy chúng ngủ vào đêm và thức về ngày . Nhưng nếu nuôi trong chuồng với ánh sáng Daylight 24/24 giờ, ta sẽ thấy con gà không ngũ nữa, chỉ thức và ăn uống thôi . Những con gà không bao giờ có triệu chứng mất ngủ . Sự ngủ nghĩ của loài vật chỉ đơn giản là sự nghỉ ngơi sinh lý , khi cơ thể vật lý bị mệt mõi hoặc cần nghỉ ngơi mà thôi , tất cả diễn trình sinh học này là Phi Thời Gian ( theo cảm nhận của con người ) .
“ Không có ai tắm hai lần trong cùng một dòng sông “

Thời gian đã không thực trong xác thân vô thường này , thì làm sao có được số mệnh đã an bài theo Giờ, Ngày, Tháng, Năm huyễn ảo ?

B.-Game online :

1. Hàng ngày , có hàng chục triệu , hàng trăm triệu người trẻ tuổi trên toàn trái đất mê mõi cùng tham gia những game online , cho đến nỗi , có vài người đã gục chết tên bàn máy vi tính !

2. Trong những game online này , nhà lập trình đã giả lập một thế giói ảo , với những thuộc tính , những điều kiện chi phối thế giới ảo này . Những người chơi , căn cứ vào những thuộc tính đó, điều kiện đó , cũng giả lập một nhân vật ảo tham gia . Tất cả tạo thành một thế giới ảo hoàn chỉnh , mà mọi người chơi đều đưa nhân vật ảo của mình tương tác theo những điều kiện tiên quyết của trò chơi
. Nhân vật ảo chiến thắng từng giai đoạn , sẽ lên từng level , mỗi thất bại , nhỏ thì xuống level, lớn thì ……game over ! . Nhân vật ảo này có số mệnh hay không ?

C.-Ma trận (Matrix) :

Trong một tập truyện phim khoa học giả tưởng , ma trận là một thế giới ảo được lập trình , mà mọi người ảo sinh sống trong đó cũng được lập trình . Truyện phim này nói rằng : Thế giới ảo này được lập trình hoàn thiện cho một thế giới vật lý thực đang hấp hối . Một người , khi chết trong thế giới ảo này ( chết tâm lý ) , cũng bị chết vật lý trên thế giới thực .
Kẻ chiến thắng ma trận , là một người , do khả năng Tâm lý siêu việt , nên không bị chết tâm lý ảo ,
và dùng sức mạnh tâm lý thật chiến thắng thế giới ảo đó . Người đã nhận ra Cái hư vọng trong cái hư vọng !

D.-Ông Chủ ở đâu ?

1. Từ khi ý thức được bản thân mình , ta thấy là Ta là Ta . Ta là Ông Chủ của Ta . Những tấm hình kỷ niệm mà ta chụp trong Quá khứ , hiện tại và tương lai cũng là Ta của ngày hôm qua, hôm nay và
tương lai .

2. Ta là Ông Chủ của ta , tại sao không thể hoạch định tương lai của Ta cho tốt , để không phải hỏi các ông thầy Tử Vi về vận mệnh tương lai ? Ta là Ông Chủ của ta, sao không bảo thân thể phải cường tráng , để không phải cầu đến Bác sĩ ? Ta là Ông Chủ của Ta, sao không bảo nó trẻ mãi không già , để không lo sợ về cái Già bất lực ?

3. Ông Chủ đi đâu ? Ai là Ông Chủ đích thực của Cái “Ta” ?

E.-Trò Chơi Vĩ Đại : Ma Trận với Không-Thời gian Vô Thỉ - Vô Chung .

1. Cái “Ta” mà ta chấp lầm rằng có thực này , bị chi phối ngay từ khi mới chào đời bởi Thức nguyên thuỷ và sau đó , bởi Ngũ Uẩn , bởi nhiều Chấp lầm , vô số Ý Thức và vô vàn Vọng Tâm . Chính những điều kiện này đã thúc đẩy , điều khiển cái “Ta” trong sự tương tác với ngoại cảnh . Như vậy, “Ta” sinh ra , đã được lập trình sẵn , từ vô thỉ đến ngày nay . Cái Ta này , đã tái sinh từ nguồn vốn Gen của Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ từ Vô thỉ đến nay , được huân tập trong các vòng Cộng Nghiệp lớn nhỏ .

2. Từ khi Nhân loại nảy sinh Tâm Phân Biệt ( ví von như từ ngày Adam & Eva ăn trái cấm) , thì Vọng tâm này bắt đầu tạo tác lại cái thế giới mà nhân loại đang sống . Và như thế đó , thế giới này đã được nhân loại lập trình liên tục từ vô thỉ đến ngày nay .

3. Sự tương tác giữa cái “Ta” và cái “Thế giới” này , theo vô lượng điều kiện có từ vô thỉ đến nay , đã cho mỗi cái “Ta” lầm lẫn rằng có một cái số mệnh riêng cho mỗi cái “Ta” , khó có thể giống nhau .

4. Và “Số mệnh là những gì xảy ra một cách ngẫu nhiên, nhưng hình như đã được sắp đặt sẵn” là một định nghĩa cho trò chơi vĩ đại này .

a. Xảy ra ngẫu nghiên : ai có thể hoạch định được sự tương tác này ? . Như vậy số mệnh xảy ra một cách ngẫu nhiên .
b. Hình như đã được sắp đặt sẵn : rõ ràng là như vậy , cái Thức, cái Nghiệp sẽ dẫn mọi người đến với nhau theo cách Duyên sinh , Nhân Quả , Luân hồi, Trùng Trùng Duyên Khởi . Như vậy, số mệnh đã được lập trình .
c. Tổng hợp 2 hệ lụy trên , thì “ số mệnh xảy ra một cách ngẫu nhiên theo những điều kiện đã định sẵn “ . Ta nhớ lại Einstein : “Thượng đế không chơi trò xúc xắc”

5. Trong mỗi đời người , chúng ta đã từng có những “bước ngoặt” làm thay đổi cả cuộc đời hoặc làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến cả cuộc đời còn lại . Những bước ngoặt này , không ai có thể trù tính trước được , và con người đành phải cho rằng Số Mệnh đã an bày như thế .
Tuy nhiên , sự thật là Những Bước ngoặt đó xảy ra một cách ngẫu nhiên , khách quan và xuất hiện khi và chỉ khi nó đã hội đủ mọi điều kiện cần và đủ . Những điều kiện này đã xuất hiện một cách chầm chậm theo thời gian trôi , và xuất hiện từng phần một , trong một mớ hỗn độn mà không ai cảm nhận được nó hiện diện quanh ta cả . Cho đến khi , chỉ một điều kiện cuối cùng xuất hiện , toàn thể sẽ bùng vỡ . tạo một xung lực đẩy cuộc đời của ta qua một bước ngoặt mới .
Đó là định luật Nhân – Quả , Duyên Khởi , bởi vì mỗi một người , khi làm bất ký điều gì có tính tích
cực, tốt đẹp , vào một một mục đích tốt đẹp . Thì tất yếu , những hậu quả của hành vi đó , sẽ xuất
hiện một cách từ từ, trực tiếp và gián tiếp , cho đến khi gặp một điều kiện cuối cùng , thì sẽ vào Bước
Ngoặt tốt đẹp . Ngược lại, những hành vi xấu, thì bùng vở thảm kịch .

“Cái vỗ cánh của một con Bướm trong rừng Amazone , có thể phải chăng đã tạo một cơn bão cát tại Sahara ? “
Phải chăng mọi vật – trong đó có con người - đều trong Lưới Trời Đế Thích và mọi người tự tạo tác dệt nên cái lưới vận mệnh của mình ?
Như vậy, Ông Chủ đã bị vạch mặt : là Tâm . Ông Chủ không tốt (Vọng Tâm) sẽ sử dụng xác thân
này không tốt ( mệnh không tốt ) ; Ông Chủ Tốt ( Chân Tâm) sẽ sử dụng tốt xác thân này .

6. Muốn thoát khỏi Ma Trận Vô Thỉ- Vô Chung này , chỉ có một con đường duy nhất : phải phá vỡ cái lập trình sẵn có , và làm chủ cái tương tác trong ngẫu nhiên . Muốn vậy, phải thực sự hiểu rằng :

“ Thân xác này không phải là ta hay của ta
Cảm thọ này không phải là ta hay của ta
Sự tưởng này không phải là ta hay của ta
Những ý nghĩ này không phải là ta hay của ta
Sự nhận thức này không phải là ta hay của ta”
Kinh Vô Ngã Tướng

Mà tìm con đường trở về với Chân Tâm , vượt qua sinh tử, sắc không , không-thời gian , mà đỗi thay số mệnh của mình . Có lẽ là :
Số mệnh có mà không , không mà có !
Số mệnh không khác Không , Không cũng không khác Số mệnh !
Là như vậy .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét