VẤN ĐỀ TÁI SANH
Con người từ đâu đến và chết rồi sẽ đi về đâu?
Đó là những vấn đề làm cho nhân loại băn khoăn tìm hiểu và khai sanh rất nhiều triết thuyết tự cổ chí kim, nhiều khi mâu thuẫn phản ngược nhau và càng làm cho rối ren thêm vấn đề này.
Ở đây chúng tôi không muốn làm cho rối ren thêm một vấn đề tự nó đã là một ổ tơ vò không lối thoát. Chúng tôi chỉ muốn đặt trước các độc giả một số dữ kiện, một vài định lý và hiện tựợng dựa trên thực tế, để giúp các bạn hiểu một cách dễ dàng hơn sự giải thích của đạo Phật về vấn đề này. Chúng tôi cũng không có cao vọng xác chứng vấn đề tái sanh và xây dựng lòng tin cho quý vị, vì vấn đề tái sanh đòi hỏi mỗi cá nhân tự mình nhận xét suy tư, tự mình xác nhận kinh nghiệm, không những trên tự bản thân mà trên cả những hiện tượng xung quanh mình nữa.
Chúng tôi dựa trên kinh tạng và luận tạng để giải thích, đặc biệt là luận A-tỳ-đàm Thượng tọa bộ để sự dẫn chứng nghiên cứu dễ dàng hơn.
Từ trước, chúng ta thường dùng danh từ "Luân hồi" để giải thích hiện tượng sanh tử, tử sanh, một danh từ dễ sinh ra hiểu lầm: một vòng tròn xoay quanh một trục lăn nhất định và đều đặn trở lại chu kỳ xuất phát. Ở đây chúng tôi dùng danh từ "Tái sanh" nghĩa là sanh một lần nữa, thế cho danh từ "Luân hồi", với dụng ý xóa bỏ hình ảnh chu kỳ nhất định không di dịch, phản lại định lý căn bản Vô thường của đạo Phật.
I. Những định lý chi phối con người và sự vật.
1. Định lý Vô thường: Anicca.
Con người và sự vật ở trong đời này luôn luôn thay đổi biến dịch, từng giờ, từng phút, từng sát na. Nhưng sự thay đổi này không phải loạn xạ bất định mà tuân theo những định lý, định luật chi phối và điều hành sự biến dịch của sự vật và con người. Khi dùng chữ định lý hay định luật, chúng ta đừng có hiểu lầm là những luật này do một Tạo hóa làm ra hay do một pháp viện nào ban hành. Những định lý này là những định lý thiên nhiên, tự nhiên, nêu rõ một sự vận hành có kỷ cương trật tự, chi phối mọi sự vật kể cả con người. Những định lý này không phải do đức Phật chế ra, mà chỉ do Ngài khám phá và tuyên bố cho thế giới biết.
Định lý đầu tiên là định lý Vô thường (Anicca) nêu rõ không một sự vật gì ở trên đời mà được thường hằng, bất biến. Nói một cách khác, mọi sự vật kể cả con người đều bị luật Vô thường chi phối. Núi non, nhà cửa, cây cối, người vật đều được thay đổi và bị thay đổi trong từng sát na, từng phút, từng giây. Có khi sự thay đổi rất mau lẹ chúng ta có thể thấy được như nhà cửa bị đổ nát trong thời kỳ chiến tranh; có khi sự thay đổi tế nhị lâu dài hơn từ đời này qua đời khác như sông núi, mặt trăng, mặt trời. Định lý Vô thường này được nhận xét dưới nhiều trạng thái hình thức khác nhau như sanh tử, khởi diệt, tăng giảm, co dãn, thành hoại, hữu vô, tiến thối v.v... Dù dưới hình thức nào, định lý Vô thường này hàm chứa ý nghĩa một sự thay đổi từ trạng thái này qua trạng thái khác. Như vậy vô thường ngự trị và chi phối toàn thể thế giới, không có một sự vật cá nhân gì có thể thường còn bất biến. Thời gian di động tất cả, di động cả chúng ta, dù chúng ta muốn hay không. chúng ta sống trong một thế giới vô thường biến dịch, và chính danh mạng căn của chúng ta và sắc mạng căn của chúng ta được thay đổi biến dịch từng sát-na, từng giây phút. Sabbe sankhàrà aniccà: Tất cả pháp hữu vi là vô thường. Nếu mọi pháp là vô thường, nhưng không có vật gì là hoại diệt. Chỉ có hình thái thay đổi, không có gì tiêu tan mất hẳn. Trạng thái chất cứng biến thành chất lỏng, trạng thái chất lỏng biến thành trạng thái chất hơi, nhưng không có sự vật gì hoàn toàn bị tiêu diệt. Vật chất là một biểu hiện của năng lượng, và như vậy không bao giờ tiêu mất hay bị hủy hoại. Đây cũng là định lý khoa học: Conservation of energy. Chúng ta cũng biết là thân ta luôn luôn bị thay đổi, và cứ bảy năm một lần thân thể hoàn toàn đổi mới. Cho đến khi chết, cũng không có gì hoại diệt. Một phần thân thể của chúng ta sẽ biến thành chất lỏng hay chất hơi, kim khí hay muốl, tùy theo từng thân phần. Nếu sinh vật học dạy rằng thân thể chúng ta hoàn toàn đổi mới sau bảy năm, thì đức Phật dạy rằng thân thể chúng ta biến đổi trong từng sát na một, và sự diễn tiến của sự biến dịch này được mang tên là Khanika marana nghĩa là sự chết trong từng sát na.
Một đặc tính của định lý Vô thường này là không có biên giới rõ rệt giữa một trạng thái này với một trạng thái nối tiếp, những trạng thái này hoàn toàn cách biệt với nhau. Hãy nhìn những làn sóng khởi lên rồi diệt xuống, mỗi làn sóng khởi lên rồi xuống khiến cho một làn sóng kế tiếp được khởi lên. Rồi làn sóng này lại rơi xuống dể làm khởi lên một làn sóng kế tiếp. Chúng ta khó mà chỉ đích thực đâu là ranh giới giữa hai làn sóng, chỗ nào là chỗ diệt xuống của một làn sóng trước và chỗ nào là khởi điểm cho làn sóng sau. Mỗi một làn sóng như chìm sâu vào làn sóng kết tiếp và làn sóng kế tiếp nữa. Như vậy định lý Vô thường giúp chúng ta ý thức được con người và sự vật luôn luôn thay đổi, biến dịch; tuy thay đổi nhưng chỉ thay đổi trạng thái, không mất hẳn hay diệt hẳn. Và giữa hai trạng thái liên tục, không có một ranh giới rõ rệt.
2. Định lý Hiện hữu (Bhava) và định lý Liên tục (Santati)
Từ định lý Vô thường, chúng ta bước sang định lý Hiện hữu trong một trạng thái khác. Danh từ Pàli gọi là Bhava. Hán dịch là Hữu: Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu.
Hột lúa luôn luôn ở trong trạng thái hình thành cây mạ, nụ hoa luôn luôn ở trong trạng thái hình thành bông hoa, con nít luôn luôn ở trong trạng thái hình thành người lớn, người lớn luôn luôn ở trong trạng thái hình thành người già.
Có người hỏi, nếu hột lúa được tưới nước sôi vào và cây mạ bị nhổ lên thời hột lúa có thành cây mạ không, và cây mạ có thể trở thành cây lúa không? Lẽ dĩ nhiên là không, những định lý hình thành hay hiện hữu này không chấm dứt. Nó tiếp tục nhưng hướng về tiêu mòn, hao diệt, mà không mất hẳn. Cả hột giống và cây mạ đều thay đổi, tiêu mòn và có thể trở thành bốn đại chủng nhưng không mất hẳn. Định lý Hiện hữu này đưa đến một định lý khác, gọi là định lý Liên tục hay Tương tục (Santati).
Chúng ta thấy sự vật là vô thường, biến dịch, thay đổi từ trạng thái này qua trạng thái khác. Chất cứng có thể trở thành chất lỏng, chất lỏng có thể trở thành chất hơi nhưng không một chất nào tiêu diệt hẳn. Các năng lực mà những chất này là những hình thức hiện hữu, vẫn tiếp tục dù hình thức của những chất này có thay đổi.
Như vậy chúng ta thấy có sự liên tục của năng lực, và sự liên tục này là một đặc tính của mọi sự vật. Chính vì có sự liên tục, nên khó mà nêu rõ ranh giới giữa một trạng thái này qua một trạng thái khác. Không những không có ranh giới không gian mà cũng không có ranh giới thời gian, vì thời gian cũng liên tục thay đổi. Khó mà chỉ đích thực lúc nào là quá khứ, lúc nào là hiện tại, lúc nào là vị lai. Hiện tại từng sát na cũng đi vào hiện tại. Khi có người bạn nói ta mấy giờ, ta xem đồng hồ đáp 10 giờ vài giây rồi. Thời gian không có đứng một chỗ, luôn luôn xê dịch vào quá khứ. Và như vậy thời gian cũng do định lý Liên tục chi phối. Sự vật đã như vậy, không gian thời gian đã như vậy, thời con người với hai phần danh và sắc lẽ nào có thể thoát khỏi sự chi phối của định lý Vô thường. Hiện hữu và Liên tục được. Và như vậy, khi con ngườỉ mới sanh ra, định lý Liên tục, cho ta thấy có sự liên kết với những đời sống quá khứ; và khi con người chết đi, sự chết không có nghĩa là mất hẳn mà chỉ là mở đầu cho một đời sống mới. Đó là những vấn đề khiến chúng ta cần phải suy nghĩ.
3. Định lý Nghiệp báo hay định lý Nhân quả.
Định lý này nêu rõ, mỗi hành động tạo tác ra phải có kết quả của hành động ấy như câu sau này nêu rõ: "Yàdisam vatate bijam tàdisam harate phalam" (Gieo hạt giống nào thì gặt kết quả ấy). Định lý này áp dụng cho thế giới vật chất và thế giới tâm linh, và khi áp dụng cho hành động con người, định lý Nhân quả này được gọi là định lý Nghiệp báo.
Theo đạo Phật, mọi hành động cố ý về thân, khẩu, ý đều gọi là Kamma hay Nghiệp, và kết quả của những hành động ấy là Kammavipàka hay Nghiệp báo. Hành động thiện (Kusalakamma) đưa đến nghiệp báo thiện (kusalavipàka), và hành động bất thiện (akusalakamma) đưa đến nghiệp báo bất thiện (akusalavipàka). Nhưng ở đời, chúng ta thấy nhiều người làm ác mà vẫn phây phây sung sướng giàu sang; có người làm thiện lại phải trải qua nhiều thời gian truân đau khổ. Sự phân chia không đồng đều về khổ lạc, về giàu nghèo, và yểu thọ giữa loài Người hình như nói lên sự bất công của định lý Nhân quả, Nghiệp báo này. Sự hành động của chúng ta có nhiều loại khác nhau, và thời gian giữa nhân và quả, giữa nghiệp và nghiệp báo không phải nhất luật, theo một thời gian nhất định. Thêm nữa, giữa nhân quả, giữa nghiệp và nghiệp báo thường hay xen lẫn nhiều yếu tố khác nữa và chính những yếu tố này đã chi phối sự hình thành của những kết quả .
Theo tập Abhidhammattthasangaha (Thắng Pháp Tập Yếu Luận), sự phân chia các nghiệp (Kamma) được trình bày như sau:
- Về phương diện công tác, có bốn loại nghiệp: sanh nghiệp, trì nghiệp, chướng nghiệp và đoạn nghiệp.Janakakamma (sanh nghiệp) là nghiệp chi phối sự sinh trưởng trong một đời sau. Sự chết của con người chỉ là sự kết liễu tạm thời của một hiện tượng tạm thời.
- Về phương diện sức mạnh thứ tự đưa đến hình thành của quả báo, có bốn loại nghiệp: cực trọng nghiệp, cận tử nghiệp, tập quán nghiệp và tích lũy nghiệp.
- Về phương diện thời gian đưa đến sự thọ lãnh kết quả của nghiệp, có bốn loại nghiệp: hiện báo nghiệp, sanh báo nghiệp, hậu báo nghiệp và vô hiệu nghiệp.
- Về phương diện vị trí quả báo, có bốn loại nghiệp: bất thiện nghiệp, dục giới thiện nghiệp, sắc giới thiện nghiệp và vô sắc giới thiện nghiệp.
Chính tâm sát na cuối cùng định đoạt đời sống tương lai của con người.
Uppatthambhakakamma (trì nghiệp) là nghiệp tiếp theo Janakakamma, duy trì và nâng đỡ nghiệp này cho đến khi mệnh chung. Một thiện trì nghiệp có thể làm con người khỏe mạnh, an lạc, hạnh phúc. Trái lại, một bất thiện nghiệp có thể làm con người bệnh hoạn đau khổ Upapilakakamma là chướng nghiệp. Nghiệp này, trái với nghiệp trước, làm cho yếu ớt, dừng lại và chậm trễ sự kết thành của sanh nghiệp. Như một người sanh ra với một thiện sanh nghiệp có thể đau đớn bệnh hoạn, do vậy không có kết quả tốt lành của nghiệp thiện.
Upaghatakamma, đoạn nghiệp đoạn trừ, tiêu diệt năng lực của sanh nghiệp, như một mũi tên đang bay có thể bị một sức mạnh nào khác cản lại khiến cho mũi tên rơi xuống. Sức mạnh ấy là đoạn nghiệp. Đoạn nghiệp này có thể thiện hay ác.
Garukakamma (cực trọng nghiệp) có thể thiện hay bất thiện. Nghiệp này nhất định tạo quả đời này hay đời sau. Nếu là thiện thời thuộc ý nghiệp như các thiện tâm.
Nếu không phải thiện, có thể khẩu nghiệp hay thân nghiệp là giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, phá hòa hợp Tăng, làm thân Phật chảy máu. Cực trọng này cũng gọi là Anantariyakamma (vô gián nghiệp) vì nhất định nghiệp này đem đến kết quả trong đời sau. Nếu một người tu Thiền và sau làm một cực trọng nghiệp, thiện nghiệp của người này sẽ bị cực trọng nghiệp tiêu trừ.
Đời sống sau này của vị này sẽ bị chi phối bởi cực trọng nghiệp, như Devadata mất thần thông và phải sinh và ác thú vì đã làm đức Phật bị thương và phá hòa hợp Tăng.
Như vua Ajatasattu không thể chứng Sơ quả vì đã giết phụ vương.
Asannakamma (cận tử nghiệp) là nghiệp làm ra hay nhớ nghĩ khi lâm chung. Nghiệp này rất quan trọng vì chi phối đến đời sống sau này. Cho nên nhiều lễ nghi tổ chức khiến người sắp chết nhớ lại việc thiện để người ấy được sinh vào những cõi tốt đẹp hơn. Một người ác có thể sinh lên thiện thú nếu khi chết người ấy nhớ hay làm một thiện sự. Trái lại một người khi chết người ấy làm hay nhớ đến một việc ác. Như hoàng hậu Mallika, vợ của vua Kosala sống một đời ngay thẳng tốt lành, nhưng chỉ vì khi lâm chung, nhớ đến một lời nói láo của mình, nên phải sống 7 ngày đau khổ trong ác thú.
Acinnakamma (tập quán nghiệp) là nghiệp thường làm và thường nhớ đến. Chính những hành động trở thành tập quán tác thành cá tánh con người. Cunda, người đồ tể, chết la hét như con heo, vì sống bằng nghề đồ tể, dù sống bên cạnh chùa của đức Phật. Vua Dutthgami ở Tích Lan thường cúng dường cơm nước cho chư Tăng trước khi ăn cơm. Chính tập quán nghiệp này khiến vua hoan hỷ lúc chết và được sanh lên cõi trời Tusita (Đâu-suất).
Katattakamma (tích lũy nghiệp) nghĩa là làm những nghiệp không thuộc vào ba loại nghiệp kể trên và những nghiệp làm mà quên liền, thuộc về loại nghiệp này. Nghiệp này như là chỗ chứa đựng các nghiệp cho một chúng sinh.
Ditthidhammavedaniyakamma: Hiện báo nghiệp là nghiệp đưa dến kết quả hiện tại. Theo Abhidhamma, chúng ta làm thiện hay ác trong giai đoạn Javana (tốc hành tâm), tâm này tồn tại đến bảy sát na. Quả báo của tâm sát na thứ nhất, tâm yết ớt nhất, có thể được lãnh thọ ngay ở đời này. Như vậy gọi là hiện báo nghiệp.
Nếu không thọ lãnh ngay trong đời này, nghiệp ấy gọi là vô hiệu. Tâm sát na yếu ớt thứ hai là tâm sát na thứ bảy.
Quả báo của tâm này có thể thọ lãnh đời sau thì gọi là Upapajjavedanìya (sanh báo nghiệp). Nghiệp này nếu không đưa đến quả báo đời sau thì được gọi là vô hiệu.
Quả báo của các sát na tâm ở giữa có thể được thọ lãnh bất kỳ lúc nào cho đến khi chứng được Niết Bàn. Loại nghiệp này gọi là Aparaparapariyavedanìya hậu báo nghiệp. Chính đức Phật và các vị A-la-hán cũng không thoát khỏi nghiệp này. Không có một loại nghiệp đặc biệt gọi là Ahosikamma (vô hiệu nghiệp), nhưng khi một nghiệp nào phải có quả báo ở đời này hay đời sau, mà không thành tựu được, nghiệp ấy gọi là Ahosikamma.
Sự trình bày này giúp chúng ta hiểu tại sao ở trên đời này, có những sự kiện hình như là bất công mâu thuẫn về định lý nghiệp báo, nhân quả; nhưng sự thật định lý này cũng vô tư, trung thực như các định lý khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét