Lê Sỹ Minh Tùng
Ngày nay người đệ tử Phật khắp mọi nơi trên thế giới thực hành nhiều pháp môn khác nhau để mong đạt đến cứu cánh tối thượng là có giải thoát giác ngộ. Có người lên tận núi tuyết sống cô đơn lạnh lẽo rất nhiều tháng để tham thiền, lại có người nhập thất tịnh khẩu tịnh thân tịnh ý để mau có tịnh tâm và ép chế tâm để đạt đến trạng thái vô niệm mà có được vô sanh.
Con người có mặt trên thế gian này được xem là một sinh vật tối linh với đầy đủ lục căn mắt, tai, mũi, thân và ý để tiếp nhận và giao cảm với thế giới bên ngoài là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp để phát hiện tất cả những ý tưởng của cuộc đời. Bây giờ nếu chúng ta ngồi thiền, niệm Phật để biến con người thành vô tri, vô giác không còn ý niệm (vô niệm) thì con người bây giờ có khác gì những người máy, tượng gổ hay cục đá. Nhưng người máy, cục đá thì bao giờ thành Phật?
Thiền định trong Phật giáo là tỉnh lự, là suy tư, là Xam-ma-tha để chặn đứng tất cả vọng niệm không cần thiết. Còn những chân lý trong cuộc đời đòi hỏi sự tư duy thẩm chiếu để thấu biết tận cùng rốt ráo vì thế Phật giáo mới dạy tư duy tu để giúp hành giả tư duy tỉnh lự mà tự mình tìm ra ánh sáng chân lý của sự vật hiện tượng. Ngày xưa Đức Phật thiền định dưới cội Bồ-đề liên tiếp trong suốt 49 ngày thì Ngài mới hoát nhiên đại ngộ. Có suy tư, thẩm lự mới thấy được ánh sáng nhiệm mầu. Từ nhận thức được chân lý đó giúp con người sống theo chân lý, sống đúng với chân lý và sống phù hợp với chân lý. Thật vậy, từ Đức Thế Tôn đến các vị A la hán, các Ngài hằng ngày vẫn có niệm, có sinh hoạt chớ đâu có vô niệm. Các Ngài vẫn đi, đứng, nằm, ngồi mà vẫn là Như Lai vô thượng Bồ-đề, vẫn là A la hán đó chứ. Nếu Đức Phật tịnh khẩu thì làm sao chúng sinh có được giáo pháp như ngày nay.
Hằng ngày trong tâm con người dấy khởi biết bao ý niệm, thiện có ác có… cho nên có phải tu hành là diệt hết tư tưởng để trở thành vô niệm? Có người lý luận rằng ý niệm càng nhiều càng làm cho con người thêm điên đảo khổ đau. Thế thì ngồi thiền hay niệm Phật là cố chặn đứng tất cả mọi ý niệm thì sẽ có an lành, tự tại? Nói cách khác thiền định theo kiểu này là ép chế tâm, trấn áp những niệm tưởng để có vô niệm. Đó là chưa kể họ cố gắng tu hành để thoát ly sanh tử và cuối cùng vào cảnh giới vô sanh? Nói cách khác có những người ép chế tâm, nín thở trong một thời gian thì có phải là người chứng đắc, thoát ly sinh tử chăng? Ở Hoa Kỳ ngày nay, một trong những ảo thuật gia trẻ rất nổi tiếng là David Blaine. Anh nầy đã phá kỷ lục bằng cách nín thở trên 17 phút. Năm 2000 anh ta biểu diễn tại New York có tên là “Frozen in Time” nghĩa là thời gian như dừng lại. Anh ta đứng thẳng trong một tảng băng lớn trong 63 giờ 42 phút và 15 giây. Thân thể không di động và chịu đựng sức lạnh của nước đá gần ba ngày như vậy quả thật là hy hữu hiếm có trên đời. Trước đó năm 1999, trước khách sạn Trump Place, anh ta tự chôn sống trong một bịch nước nặng trên 3 tấn trong thời gian 7 ngày (Buried Alive) và mỗi ngày anh ta chỉ uống vài muỗng canh nước lạnh. Thế thì anh David Blaine thật sự có thể làm chủ sinh tử của mình chăng? Thật ra David Blaine là người thực hành thiền định đến mức độ cao siêu có thể kiềm chế hơi thở và nội lực của mình, nhưng đây chỉ là tà định mà ngày xưa vào thời Đức Phật và ngày nay rất nhiều môn phái ở Ấn Độ, Thái Lan vẫn còn thực hành. Cái định của họ là phát huy thần thông làm lé mắt cuộc đời để mưu cầu danh lợi, nhưng tâm không thanh tịnh tức là tham sân si vẫn còn đủ, không mất. Ngược lại, định của Phật giáo là chánh định phát xuất từ tâm thanh tịnh mà có cho nên định này mới đưa hành giả vào thế giới an lành thanh tịnh Niết bàn.
Đối với đạo Phật vô niệm vô sanh là một ước mơ cuồng vọng ảo huyền, biến một con người đầy đủ linh giác trở thành vô tri vô giác chẳng khác nào như một người máy. Bởi vì vô niệm thì lấy gì để biết và vô sanh thì làm sao còn sinh hoạt chẳng khác gì linh hồn tượng đá. Vì thế trong Phật giáo hành giả chỉ cần thực hành chánh niệm mà không cần vô niệm. Chánh niệm cảnh giác hành giả ác pháp và giúp hành giả ly dục. Đây chính là những khách trần phiền não làm cho tâm bất tịnh và cũng là cội nguồn đưa con người vào chốn trầm luân đau khổ. Giặc phiền não thì lúc nào cũng chực chờ có cơ hội để tấn công cho nên người biết giữ chánh niệm thì luôn sống trong tỉnh thức để thấy biết rốt ráo rõ ràng mà canh phòng cẩn mật. Ý niệm lành thì cho vào còn những ý tưởng bất thiện thì loại bỏ ngay. Cuộc sống hằng ngày chẳng khác nào một bải chiến trường cho nên con người phải đối diện với bao thử thách, tranh chấp của cuộc đời. Vì thế chỉ cần chúng sinh quay về sống với chánh niệm của mình thì lúc nào mình cũng làm chủ lấy thân tâm, làm chủ hoàn cảnh, bỏ tranh chấp, vượt qua thử thách thì cuộc sống làm gì còn phiền não. Có chánh niệm là có tất cả vì có chánh niệm sẽ giúp hành giả thực hành vững chắc Bát Chánh Đạo. Thí dụ muốn thực hành Chánh Kiến được rốt ráo thì phải kèm theo chánh niệm. Thử nghĩ lại hằng ngày có bao người thấy biết đúng hay là chúng ta nhắm mắt chạy theo tà kiến làm cuộc sống càng thêm chao đảo chông chênh. Tà kiến là những gì trái với nhân quả. Ngày nay người Phật tử vào chùa nhờ coi ngày dựng vợ gả chồng, coi hướng xây nhà mở cửa tiệm, ngày và hướng chôn cất, xin xăm bói quẻ, cúng sao giải hạn…Quý vị nghe những câu ngọt tai như Thân Tý Thìn tam hạp, Dần Ngọ Tuất, Tỵ Dậu Sửu hay Hợi Ngọ Mùi cũng là tam hạp cho nên lấy nhau thì chắc chắn giàu sang phú quý hạnh phúc tràn đầy. Ngược lại nếu rơi vào Dần Thân Tỵ Hợi tức là tứ hành xung khắc. Chưa đủ họ còn tin Kim khắc Mộc…Nhưng trên thực tế tất cả chỉ là tà kiến làm đảo lộn cuộc sống, tiền mất tật còn. Thí dụ cùng một tuổi Thìn nhưng có hàng trăm tuổi Thìn khác nhau (Canh thìn, Mậu thìn, Giáp thìn…) thì tuổi Thìn nào đúng với những công thức ở trên? Có biết bao cặp vợ chồng mạng Kim và Mộc vẫn ăn đời ở kiếp với nhau và có biết bao cặp Thân Tý Thìn đưa nhau ra tòa ly dị. Đây là một tệ hại rất lớn trong Phật giáo mà các Tăng Ni phải nghiêm túc thực hành đúng với giáo điều nhân quả của đạo Phật. Ngày nay nếu muốn hôn nhân được hạnh phúc thì điều tối quan trọng là sự hiểu biết tương đồng giữa trai và gái. Nếu hai người có hai tư tưởng và quan niệm sống quá cách xa thì rất khó dung hòa cho nên vợ chồng thường hay xung khắc, cải vả và cho đó là vì họ khắc tuổi. Tuổi tác Dần, Thân, Tỵ, Hợi là do con người bày vẽ ra chớ thế gian có hàng vạn con vật chớ đâu nhất thiết chỉ có 12 vì thế tuổi Thân, tuổi Tỵ đâu có quan hệ gì đến chuyện bất hòa, cải nhau tệ hại hơn nữa là còn đánh đập nhau. Thật ra cải vả là vì họ khắc tư tưởng, khó cảm thông nhau chớ đâu phải khắc tuổi. Thí dụ một người hiểu cao một người hiểu thấp thì làm sao thông cảm nhau được. Tư tưởng Khổng Mạnh chồng chúa vợ tôi, trên đội dưới đạp đã lỗi thời không còn thích hợp trong xã hội văn minh bình đẳng như thế giới hiện nay vì thế vợ chồng biết tôn trọng nhau, biết lắng nghe tiếng nói của nhau, biết chia xẻ những thăng trầm của cuộc đời thì tìm đâu ra khắc tuổi. Nói chung nền đạo đức vẫn là yếu tố quan trọng để giúp họ thương yêu nhau hơn và cùng nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc đời chớ không phải Dần Thân Tỵ Hợi gì cả. Nói cách khác hai người căn cơ chủng tánh phải tương đồng nghĩa là trình độ học thức, nghề nghiệp, sở thích và cuộc sống tâm linh đừng cách xa quá thì dễ tâm đầu ý hiệp, trên thuận dưới hòa mà có cuộc sống tràn đầy hạnh phúc. Dựa theo tinh thần Phật giáo thì ngày nào, giờ nào cũng tốt nếu ta biết làm lành, nghĩ thiện. Ngược lại chọn giờ Thìn, giờ Hợi mà tâm bất thiện thì vẫn gặp tai họa như thường. Thật vậy vào cuối đời nhà Đường bên Tàu có ông Trần Đoàn đã khám phá ra phương pháp lập một lá số tử vi dựa vào ngày giờ năm sinh của một người. Nhân lúc chạy loạn ông có gặp một ngườì đàn bà đang gánh hai đứa con nhỏ trong cái thúng. Thấy tướng diện khác thường của hai đứa bé, ông bèn hỏi về ngày và năm sinh của chúng để gieo một quẻ thì lá tử vi của chúng rơi vào mạng đế vương. Ông nói với mẹ của chúng là thằng bé sau nầy sẽ được làm vua và nếu được thế thì ông chỉ xin vùng núi Hoa Sơn nầy. Bà mẹ bán tín bán nghi nhưng cũng xé miếng vải đưa ông ta để làm tin. Quả thật về sau, hai đứa bé nầy tức là Triệu Công Dẩn và em là Triệu Công Nghĩa, trở thành vua và khởi nguyên cho nhà Tống. Y như lời nguyện, nhà vua phong tặng cho Trần Đoàn vùng núi Hoa Sơn và từ đó ông ta nổi tiếng với danh hiệu là Hi Di Lão Tổ. Có hơn 100 ngôi sao sắp xếp quanh 12 cung và sự phối hợp của các ngôi sao nói lên tính chất đặc biệt của mỗi cá nhân. Thí dụ nếu sao Thiên Quý đóng tại cung Sửu, Mùi thì người đó sẽ là anh hùng trong thiên hạ…Nhưng nếu nhìn kỹ lại thì tử vi chỉ chú trọng vào quả báo mà không để ý đến nghiệp nhân, bởi vì một khi quả báo hiện diện tức là nghiệp nhân đã có mặt rồi. Nếu lá số tử vi nói rằng người đó giàu sang thì có nghĩa là người nầy đã từng bố thí rất nhiều trong quá khứ. Còn nếu lá tử vi nói rằng anh kia sẽ gặp thất bại thì anh đó có tính xấu, hẹp hòi và ít kiên nhẫn. Thật ra ngày nay khoa tử vi không còn được xem là khoa học huyền bí nữa vì nó không thể giải thích từng trường hợp của mỗi người một cách suông sẻ và hợp lý. Thí dụ trên thế giới hiện giờ có trên 6,7 tỷ người, mà nếu dựa vào một ngày giờ năm sanh nhất định thì có được 512,000 lá số tử vi cho tất cả mọi người. Nếu sinh cùng giờ thìn, năm thìn thì có biết bao người trùng lá tử vi, nhưng có người thì sung sướng sao có kẻ lại khổ đau thì lá tử vi nầy đâu còn đúng được. Để giải thích sự sai lệch nầy, các nhà tử vi lý luận rằng ngoài ngày giờ năm sanh, lá tử vi còn tùy thuộc vào phước đức của họ và gia đình của họ. Thế thì nói đi nói lại thì mọi sự tiên đoán của tử vi cũng chỉ dựa vào luật Nhân Quả của nhà Phật mà thôi.
Tà kiến là người đệ tử Phật tuy đã quy y mà lại thờ Quan Công, tin vào thần thánh. Vào thời Mãn Thanh, có nhóm người Trung Hoa đã lập ra Thiên Địa Hội với chủ trương phản Thanh phục Minh. Họ lấy tư tưởng “Đào Viên Kết Nghĩa” của Lưu Quang Trương ngày xưa nghĩa là cùng nhau thề rằng không đồng sanh nhưng đồng tử, hoạn nạn tương cứu, sanh tử bất ly nên biểu tượng của họ là thờ Quan Công. Thấy người Trung Hoa thờ thì người Việt Nam cũng bắt chước, cũng cầu cũng lạy. Người Tây phương đâu có thờ Quan công nhưng tại sao họ vẫn hạnh phúc ấm no trong khi người Tàu thì thờ với cúng mà cái nghèo cái khổ cứ đeo mãi trên vai? Đạo Phật không phải là nhất thần giáo, đa thần giáo mà là đạo chỉ tin sâu vào luật nhân quả và lý nhân duyên. Vì sao? Bởi vì luật nhân quả rất công bằng, hợp lý, không lệ thuộc vào không gian thời gian, không chỉ áp dụng cho riêng một ai, một sắc dân nào hay cho riêng tín đồ của bất cứ một tôn giáo nào vì nó là chân lý. Ngày nay trong tiến trình khám phá của khoa học, luật nhân quả được xem như là tiền đề để giải quyết những khó khăn, những khám phá mới. Những tôn giáo ngoài Phật giáo cũng nhìn nhận ảnh hưởng trung thực của luật nhân quả trong đời sống của họ. Vậy có thể nói không riêng gì Phật giáo, luật nhân quả là một quy luật chung cho toàn thế gian vũ trụ. Vì vậy không có việc cầu nguyện để được tai qua nạn khỏi vì không có Phật trời nào làm chuyện bất công bình để giúp đở những người cầu nguyện hay trừng phạt những ai không cầu nguyện mà thật ra con người có thoát khỏi tai họa là do những phước báu mà họ đã tạo tác từ trước. Do đó, thay vì cầu nguyện, con người nên nỗ lực tạo dựng vun bồi thêm phước đức. Nếu chúng sinh luôn nghĩ thiện, nói lời thiện và làm việc thiện thì chắc chắn cuộc sống sẽ vô cùng an vui tự tại mà không cần phải nguyện cầu chi hết.
Con người không cần phải có túc mạng thông để biết tiền kiếp của mình đã tác tạo những gì hay lo lắng tương lai mình sẽ đi về đâu mà chỉ cần nhìn cái kết quả mình đang thọ báo và cái nhân mình đang gieo thì biết rất rõ. Chúng ta tạo cái nhân bao nhiêu thì chỉ gặt hái chừng ấy kết quả chớ đừng mơ ước ảo huyền bỏ ra một đồng mà đòi trúng lô độc đắc nghĩa là tham-sân-si không bỏ, tập khí không chừa mà cứ muốn thành Phật.
Vì vậy, nếu chúng ta hiện đang sống khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, gia đình hạnh phúc ấm no, con cái nên người, trên thuận dưới hòa là mình đang thọ hưởng “KẾT QUẢ” của phước báo từ nhiều đời nhiều kiếp trước do chính mình tạo tác chớ không phải do Phật trời ban phát và chắc chắn cũng không phải do cầu nguyện mà được.
Ngược lại, nếu chúng ta hiện đang gặp nghịch cảnh, luôn đối diện với phiền não khổ đau trái ý nghịch lòng thì mình đang gánh chịu “HẬU QUẢ” của nghiệp báo do chính mình tạo tác từ nhiều đời nhiều kiếp chớ không do Phật trời giáng họa cho và dĩ nhiên cũng không do cầu nguyện mà tránh khỏi được.
Một khi đã hiểu thấu đáo sự công bình của luật nhân quả, con người sẽ mạnh dạn hơn, can đảm hơn, dám nhận lãnh “hậu quả” do chính mình tạo tác hay an nhiên thọ hưởng “kết quả” tốt lành cũng do chính mình tác tạo mà không còn than trời oán Phật nữa.
Thêm nữa, muốn thực hành chánh tư duy rốt ráo thì cũng cần có chánh niệm bởi vì chánh niệm giúp con người biết rõ rằng rằng mình đang tư duy về thiện hay ác, chánh hay tà. Suy nghĩ thiện thì tâm an lạc còn suy nghĩ ác thì dẫn đến phiền não khổ đau.
Chánh niệm còn đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thực hành chánh ngữ. Bởi vì lời nói là sản phẩm của ý tưởng cho nên nếu ý tưởng trong lành thì có lời nói tốt. Ngược lại ý nghĩ đen tối sẽ dẫn đến lời nói bất thiện, là cội nguồn của những nỗi khổ sau nầy. Vậy phải nói như thế nào?
- Phát biểu đúng lúc: Nếu lời nói chân thật mà không phát biểu đúng lúc thì thành ra vô ích do đó người thiện trí phải tế nhị áp dụng lời nói của mình cho đúng chỗ, đúng lúc.
- Hợp với sự thật: Bậc thiện trí thức nói một lời phải dựa trên sự thật, không ngụy biện và không lừa dối.
- Đem lại lợi ích: Lời nói phải có mục đích và ý nghĩa của nó. Cho dù là lời nói thật nhưng không có mục đích đem lại lợi ích cho ai thì đó cũng chỉ là lời nói nhảm, vô ích mà thôi.
- Thích ứng với lý trí: là lời nói phải hợp với đạo lý thì dĩ nhiên sẽ hợp với lý trí.
- Hợp với đạo đức: Thông thường chúng ta thường hiểu chữ thiện là hữu ích, nhưng trên thực tế có lợi ích chưa hẳn đã là thiện. Vì vậy lời nói của bậc thiện trí phải có ích và hợp với đạo đức nữa.
Nên nói về đức từ bi vì lòng từ bi giúp chúng ta có được tâm hồn vị tha, không tham lam, không ích kỷ và không bỏn xẻn.
Nên nói về đức tính tri túc để giúp chúng ta bỏ những ước vọng thái quá và sống an vui trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Nên nói về đức thanh tịnh để giúp cho chúng ta có tâm hồn trầm tĩnh, trong sạch và tự tại.
Nên nói về đức tính độc lập để giúp chúng ta không xu hướng phe đảng, không ỷ lại và phát triển đức tự tin.
Nên nói về đức tinh tấn để giúp chúng ta từ bỏ tính biếng nhác, do dự và không nhất quyết.
Nên nói về giới hạnh vì giới hạnh có khả năng loại bỏ những thói hư tật xấu mà đã kết tập từ vô lượng kiếp đến nay.
Nên nói về thiền định vì thiền định có khả năng tiêu trừ dục vọng, oán thù và phát triển sức mạnh tinh thần.
Nên nói về trí tuệ để giúp chúng ta rèn luyện một tâm hồn trong sáng và phát triển trí năng hầu thấu triệt chân lý.
Nên nói về sự giải thoát giác ngộ vì đây là mục đích cuối cùng của người Phật tử trên đường tận diệt vô minh phiền não.
Nên nói về giải thoát tri kiến có nghĩa là nói đến sự thật chứng của các chư Thánh hay Phật để giúp chúng ta trên đường tu tập vì tin rằng một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ được giải thoát tri kiến như thế.
Do đó chánh niệm giúp con người thức tỉnh, tránh xa tà kiến quay về sống trọn vẹn với chánh kiến để thấy biết đúng. Có thấy biết đúng thì mới suy nghĩ đúng rồi nói lời chân thật và hành động chân chánh. Nói chung nếu muốn thực hành chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn được rốt ráo thì cần phải cộng chánh niệm vào. Bởi vì chánh niệm thanh tịnh hóa thân tâm bằng cách ngăn chận và diệt trừ tâm “Tà” và phát triển cũng như vun bồi tâm “Chánh”. Thí dụ trong thời gian gần đây có những công ty của Trung quốc vì muốn lợi nhuận nhiều nên đã làm ăn bất chánh như trộn chất độc vào trong sửa của trẻ em, làm gạo giả, ướp trái cây bằng chất độc để giữ lâu hơn…Nếu có chánh niệm thì họ sẽ không bao giờ dám phiêu lưu mạo hiểm dấn thân làm những chuyện giết người như vậy, vừa hại người vừa hại mình. Ngoài ra chánh niệm còn cảnh giác báo trước trình trạng giận dữ sắp sinh khởi để con người có thể chuyển tâm sang trạng thái an lành. Có chánh niệm mới có chánh định rồi phát triển chánh tuệ. Tại sao? Bởi vì tu định để có vô niệm vô sanh là tà định. Tu mà mong đạt đến chỗ vô sanh là sai chân lý. Thế gian làm gì có vô sanh? Chính Đức Phật cũng phải trải qua biết bao lần sinh tử tu hành mới đạt thành chánh quả.
Con người cũng vì tham vọng mà cầu sanh về cảnh giới bất sanh bất diệt là ảo tưởng hoang đường, không bao giờ có. Nếu suy nghĩ kỹ lại thì chẳng có cái gì là bất sanh bất diệt trên cõi đời này hay bất cứ hành tinh nào cho nên có chánh niệm mới biết định mình tu là chánh hay không chánh? Nếu là chánh định thì trước sau nó sẽ phát sinh trí tuệ, thấy được chân lý. Ngược lại tu hoài năm này sang năm kia mà không sinh trí tuệ cuối cùng trở thành người vô niệm vô sanh thì coi như mình tự hóa đá một kiếp người tràn đầy linh động thật oan uổng. Học Phật là Bồ-đề vì Bồ-đề là quả cao nhất của trí tuệ. Do đó người học Phật mà không có trí tuệ là tu sai, cần phải sửa lại. Nói cách khác giữ giới là để có định, mà có định thì phải sinh trí tuệ. Còn ngày nào cũng thiền, cũng niệm cố diệt vọng tưởng, tiêu trừ hết tư tưởng để trở thành người máy thì có ích lợi gì.
Ngay cả Huyền Giác Thiền sư cũng thốt lên rằng:
Thùy vô niệm, thùy vô sanh?Nhược thực vô sanh vô bất sanh.Hoán thủ cơ quan mộc nhân vấn,Cầu Phật thi công tảo vãn thành?Dịch là:
Ai không niệm, ai không sanh?Ví thật không sanh, không chẳng sanh.Gọi người gỗ hỏi nguồn cơn ấy,Cầu Phật ra công sớm sẽ thành?Vậy ai là người không có ý niệm, ai là kẻ không sanh? Chỉ có không sanh mới không có vọng tưởng ý niệm chớ hễ là con người là phải có tư tưởng. Chính tư tưởng là nền tảng đạo đức nhân bản cho cuộc sống của nhân loại. Nếu không có ý tưởng thì có khác gì khúc cây, người gỗ hay người máy nhưng có người máy, khúc gổ nào thành Phật được đâu?
Do đó để nhận thức được chân lý chúng sinh cần phải quay về với cội nguồn để tư duy quán chiếu về vô thường, khổ, không, vô ngã rồi đến nhân không pháp không và sau cùng thấu suốt như huyễn Tam-ma-đề để thấy biết rốt ráo rằng thế gian tuy có mà vẫn như không nên lòng không tham đắm, dính mắc mà dễ dàng buông xả.
Tóm lại tu Phật mà cầu vô niệm là tu sai bởi vì vô niệm thì làm sao “biết” để tư duy chân lý và những gì phi chân lý. Thí dụ trong khi thiền định, hành giả quán câu: “Hành thâm Bát nhã Ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không” nghĩa là hành giả phải lấy trí tuệ Bát nhã để tư duy quán chiếu. Quán chiếu đến khi nào tự mình biết được rằng ngũ uẩn là không thì tự mình thấu biết điều đó là đúng nghĩa là chính mình đã thực chứng chân lý ở trên tức là có trí tuệ. Nếu không có niệm thì lấy đâu có đối tượng để tư duy quán chiếu?
Chẳng những vô niệm là tu sai mà nghĩ rằng tu cầu đến vô sanh cũng là lầm lẫn. Trên thế gian này có cái gì mà không biến chuyển vận hành? Nói cách khác tất cả đều là sanh diệt. Có người lý luận rằng cõi Niết bàn là cõi bất sanh bất diệt. Đây là quan niệm sai lầm rơi vào chủ nghĩa đoạn diệt của ngoại đạo chớ đâu phải của đạo Phật. Không có thế giới nào bất sinh bất diệt cả vì hễ có thế giới là phải có hình sắc mà có hình sắc là phải chịu sinh tử, thoái hóa, hủy diệt. Kinh điển đại thừa nói rằng trong vũ trụ có vị Phật này vị Phật kia, nhưng đây là hóa thân của Phật. Mà đã là hóa thân thì phải chịu sinh, già, bệnh, chết như Đức Phật Thích Ca trong thế giới Ta bà này vậy. Khoa học ngày nay đã chưng minh rằng đơn vị nhỏ nhất của vật chất là nguyên tử, nhưng trong đó những âm điện tử xoay chuyển không ngừng với vận tốc rất lớn. Vậy nhỏ như vi trần hay lớn như trăng sao thì không có vật nào cố định cả. Mà có di động là có sinh có diệt chớ làm sao vô sanh được.
Đến đây có người thắc mắc rằng câu:”Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh” thì giải thích như thế nào?
Vô sanh mà kinh nói ở đây là vô sanh pháp nhẫn nghĩa là nói lên tánh vô sanh của vạn pháp tức là sanh mà không thật sanh, sanh để rồi diệt và diệt mà không phải thật diệt, diệt để rồi lại sanh, sanh sanh diệt diệt vô cùng vô tận. Nói cách khác trong thế gian nhân duyên trùng trùng nương gá tác động hình thành thì gọi là sanh và khi nhân duyên trùng trùng tan rã thì gọi là diệt. Vì thế sanh không thật sanh và diệt cũng không thật diệt. Vì ngộ được chân lý vô sanh nên xem tấm thân thất đại (đất, nước, gió, lửa, không, kiến, thức) này cũng như mây tụ tán hợp tan vậy thôi. Mà đã là “Ngũ uẩn phù hư không khứ lai” thì con người chẳng có gì phải sợ khi tấm thân này còn và chẳng có gì đau khổ khi nó mất.
Nói tóm lại người tu Phật cần có những giây phút tỉnh tâm, nhưng tỉnh tâm không có nghĩa là vô niệm. Tỉnh tâm ở đây là “Chỉ”, là chánh niệm để chặn đứng những vọng niệm điên đảo, loại bỏ những tham vọng thấp hèn, những tư tưởng đen tối làm tâm bất tịnh. Còn vô sanh đồng nghĩa với đoạn diệt, đoạn kiến của ngoại đạo nghĩa là cho rằng chết là hết, bất sanh bất diệt không đi đâu nữa. Nói các khác chết sẽ không vãng lai lại cõi đời này nữa vì họ cho rằng thế gian này đau khổ, đáng chán.
Nhưng thế gian này thật sự có đáng chán như họ nghĩ không? Tại sao lại nghĩ rằng cuộc đời chẳng có gì vui? Thế gian này đẹp đấy chứ! Nhưng đẹp với ai? Nó chỉ đẹp đối với những tâm hồn không có những điều khổ mà chỉ có những điều vui. Không vui là tại mình chứ đâu phải tại đời. Mình chạy theo vô minh phiền não thì phải gánh chịu nhiều phiền não đau buồn, ngược lại nếu biết sống thì sẽ có an lạc ngay. Đó là:
“Đa dục vi khổSanh tử bì laoTùng tham dục khởiThiểu dục vô viThân tâm tự tại…”Cho nên:
“Tâm không vạn sự đều không,Tâm chơn vạn Pháp cũng đều quy chơn”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét