Kinh Chuyển Pháp Luân – Dhammacakkapavattana Sutta
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa
Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn,
Bậc Ứng Cúng, Đấng Chánh Đẳng Giác
(Quay Bánh Xe Pháp)
(Ảnh năm tôn giả từ Wikipedia)
Bài Kinh (Sutta) này là bài pháp đầu tiên mà Đức Phật đã thuyết cho nhóm năm vị Tỳ-khưu.
Không lâu sau khi Thái Tử Siddhattha xuất ly đời sống thế tục, sống không gia đình, Ngài đã tu hành khổ hạnh với nỗ lực mạnh mẽ ở Uruvela. Tại đó, nhóm năm vị Tỳ-khưu đã phục vụ và chăm sóc cho nhu cầu ít ỏi của Ngài. Sáu năm sau, Ngài nhận thấy rằng, khổ hạnh không phải là con đường đúng để giác ngộ nên đã từ bỏ nó. Ngài dùng lại vật thực cần thiết cho cơ thể. Nhóm năm vị Tỳ-khưu suy nghĩ sai lầm rằng Ngài đã từ bỏ nỗ lực giác ngộ. Thất vọng về Ngài, họ rời bỏ Ngài và đi đến Vườn Nai ở Isipatana.
Sau khi Thái tử Siddhattha chứng đạt giác ngộ và trở thành một vị Phật, ngài quan sát thấy rằng nhóm năm vị Tỳ-khưu sẽ là nhóm người đầu tiên chứng ngộ Pháp (Dhamma). Vì vậy, Ngài viếng thăm họ ở Isipatana để thuyết bài Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkapavatana Sutta).
Bài Kinh (Sutta) này rất được các Phật tử kính trọng, vì nó là lần đầu tiên Đức Phật quay bánh xe Pháp (Dhamma) mà chư thiên và nhân loại chưa từng được được nghe. Bài Kinh (Sutta) bắt đầu bằng:
‘Như vầy tôi nghe: Một thời Thế Tôn trú tại Vườn Nai ở Isipatana gần Ba-la-nại (Benares).
Ở đây “một thời” có nghĩa là ngày rằm của tháng Sáu và Bảy, gần hai tháng sau khi Đức Phật giác ngộ. Lúc đó, Đức Phật đi từ Bodhgaya đến Vườn Nai ở Isipatana. Ở đây “isi” nghĩa là “hiền nhân”; “patana” nghĩa là “hạ xuống hay đáp xuống”. Trước khi Bồ-tát (Buddhisatta) của chúng ta trở thành thành Đấng Chánh Đẳng Giác, nhiều hiền nhân, đặc biệt là nhiều vị Độc Giác Phật (Paccekabuddha), bay từ trú xứ của mình ở Himalaya đáp xuống nơi đó để đi khất thực trong thành Benares. Sau khi khất thực xong, họ lại bay trở về Himalaya từ Vườn Nai đó. Họ cũng tập hợp tại nơi đó cho lễ Uposatha và gặp gỡ. Các vị Phật quá khứ cũng đáp xuống nơi đó để thuyết giảng bài Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkapavattana Sutta), Quay bánh xe Pháp. Đó là lý do tại sao nơi này được gọi là “isipatana”, bến đỗ của các hiền nhân.
Bài Kinh (Sutta) tiếp tục:
“Tại đấy, Thế Tôn bảo chúng năm Tỷ-kheo:
“Có hai cực đoan này, này các Tỷ-kheo, một người xuất gia không nên thực hành theo. Thế nào là hai?”
“Người xuất gia” (pabbajita) nghĩa là người nỗ lực nhổ bỏ các phiền não. Vị ấy xả ly đời sống thế tục, nhận lấy nhiệm vụ của một vị ẩn sĩ, và thực hành thiền để tiêu diệt tất cả các phiền não và chứng đắc an lạc vĩnh viễn, Niết-bàn (Nibbāna).
Ở đây, năm vị Tỷ-kheo đó là Kondañña, Bhaddiya, Vappa, Mahanama và Assaji. Trong số họ, Assaji sẽ trở thành thầy của Tôn Giả Xá-lợi-phất (Sāriputta).
Tất cả các vị ấy đều có các Ba-la-mật (pāramī) đã được viên mãn, từ một trăm ngàn đại kiếp trái đất trước đây trong thời kỳ của Đức Phật Padumuttara (Liên Hoa). Đặc biệt, họ đã thực hành thiền Vipassanā đến giai đoạn Tuệ Hành Xả (saṅkhārūpekkhāñāṇa), tuệ minh sát hướng đến xả ly các hành, trong thời kỳ Giáo Pháp của các Đức Phật quá khứ.
Tại sao chúng ta nói rằng họ có các Ba-la-mật (pāramī) đã được viên mãn? Bởi vì sau khi lắng nghe bài Kinh Vô Ngã Tướng (Anattalakkhaṇa Sutta), họ hẳn nhiên trở thành các vị Arahants với Tứ Tuệ Phân Tích.
Tứ Tuệ Phân Tích là:
1. attha-paṭisambhidā: Tuệ Phân Tích về Khổ Thánh Đế, dukkha-sacca.
2. dhamma-paṭisambhidā: Tuệ Phân Tích về Khổ Tập Thánh Đế, samudaya-sacca.
3. nirutti-paṭisambhidā: Tuệ Phân Tích về ngôn ngữ và ngữ pháp về Pháp Khổ Đế (dukkha-sacca-dhamma) và Pháp Khổ Tập Đế (samudaya-sacca-dhamma).
4. paṭibhāna-paṭisambhidā: Tuệ Phân Tích về ba loại Tuệ Phân Tích trên.
Năm nhân phải được thực hành để chứng đạt Tứ Tuệ Phân Tích:
1. adhigama (thành tựu): thành tựu quả vị Arahant hay bất kỳ Thánh Đạo nào.
2. pariyatti (tinh thông kinh điển): thông thuộc nằm lòng tam tạng kinh điển (piṭaka)
3. savana (nghe): lắng nghe Pháp (Dhamma) cẩn trọng và tôn kính.
4. paripucchā (vấn): học các chú giải và đặc biệt là các điểm nan giải trong kinh điển Pāḷi.
5. pubbayoga (tiền nỗ lực): đã thực hành Vipassanā đến giai đoạn Tuệ Hành Xả (saṅkhārūpekkhāñāṇa) trong thời Giáo Pháp của các Đức Phật quá khứ bằng việc thực hành gata-paccāgata-vatta. Gata-paccāgata-vatta nghĩa là trên đường vào làng khất thực và trên đường quay về, họ luôn thực hành thiền Định (samatha) và thiền Tuệ (vipassanā).
Trong số năm nhân này, nhân đầu tiên phải được thực hiện trong kiếp sống mà họ chứng đắc Tứ Tuệ Phân Tích. Bốn nhân còn lại phải được thực hành trong thời kỳ Giáo Pháp của các Đức Phật quá khứ.
Như vậy, chúng ta nên ghi nhớ rằng năm vị Tỷ-kheo này đã viên mãn trong thời kỳ Giáo Pháp của các Đức Phật quá khứ để chứng đắc quả vị Arahant cùng với Tứ Tuệ Phân Tích.
Liên quan đến hai cực đoan, Đức Phật giải thích:
“Một là đắm say trong các dục. Đó là pháp hạ liệt, thô tục, phàm phu, không xứng pháp bậc Thánh, không mang đến lợi ích. Hai là tự hành khổ mình, khổ đau, không xứng pháp bậc Thánh, không mang đến lợi ích.”
Ở đây, Đức Phật bảo rằng một trong hai cực đoan là đắm say trong các dục. Khi ngài còn là Thái tử Siddhattha, Bồ-tát của chúng ta, ngài đã say đắm trong dục lạc nhiều năm. Ngài có ba lâu đài tráng lệ cho ba mùa để sống trong đó. Ngài đã cưới vợ được dâng hiến, Công chúa Yasodharā, người có sắc đẹp không ai bì được trong số nữ nhân trên thế gian. Họ đã sanh một hoàng tử, Rāhula. Mọi người và mọi thứ xung quanh ngài đều khả ái và đáng ưa thích. Tuy nhiên, ngài không thể tìm thấy Chân Lý mà ngài đã truy tầm trong loại cuộc sống xa hoa này. Đó là tại sao, sau khi giác ngộ, ngài tuyên bố rằng đắm say trong các dục là pháp hạ liệt, thô tục, phàm phu, không xứng pháp Bậc Thánh, không đem lại lợi ích…
Nếu một Tỷ-kheo đắm say trong các dục, sự dính mắc với dục lạc sẽ tăng trường từng ngày. Vị ấy sẽ bị vướng trong dòng xoáy của tham ái. Do vậy, vị ấy không thể chứng ngộ Niết-bàn (Nibbāna) hay chứng đắc bất kỳ thành tựu nào về thiền.
Thái cực thứ hai là tôn sùng sự hành xác, chẳng hạn như nít thở ngày càng lâu hơn, nhịn ăn, không ăn gì cả ngoại trừ cỏ, ngoại trừ rêu, rác v.v. chỉ ăn mỗi ngày một hạt đậu, mỗi ngày một hạt mè, mỗi ngày một hạt gạo, đứng bằng một chân trong thời gian dài, nằm gai, v.v. Trong thời Ấn Độ cổ xưa, người ta tin tưởng sai lầm rằng nguồn gốc của phiền não có gốc rễ từ thân xác. Vì vậy, họ thực hành khổ hạnh với mong ước diệt trừ phiền não. Sau khi Bồ-tát (Bodhisatta) xả ly thế gian, ngài thực hành nhiều pháp khổ hạnh khắt khe đến mức không một ai có thể thực hành được. Gầy mòn do nhịn ăn lâu dài, cơ thể của Ngài trở nên cực kỳ gầy gò. Chân của Ngài trở nên như ống sậy, bàn trôn của Ngài trở thành như móng chân con lạc đà. Xương sống giống như một chuỗi banh. Các xương sườn gầy mòn giống như rui cột một nhà sàn hư nát. Con ngươi của Ngài chìm sâu trong lỗ con mắt, giống như nước trong một cái giếng sâu thẳm. Thậm chí Ngài như đang đứng trước ngưỡng cửa của cái chết. Với sự khổ hạnh khốc liệt như thế, Ngài vẫn không chứng ngộ được chân lý mà Ngài tìm kiếm đã lâu. Do vậy sau khi giác ngộ, Ngài tuyên bố rằng tôn sùng sự hành xác là khổ đau, không phải pháp hành của các bậc Thánh và không đem lại lợi ích.
Nếu một Tỷ-kheo sùng bái sự hành xác, vì thân vị ấy trở nên kiệt sức và tâm trở nên bất an bởi vì các cơn đau, vị ấy không thể chứng đắc bất kỳ sự định tâm sâu nào. Không có định tâm sâu, Tỷ-kheo ấy không chứng ngộ được các Pháp như chúng thật là. Vì vậy, vị ấy thất bại trong việc thể nhập được Bốn Thánh Đế.
Đức Phật tiếp tục:
“Tránh xa hai cực đoan này, này các Tỷ-kheo, là con đường Trung đạo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.”
“Trung Đạo” được gọi như vậy là vì nó tránh khỏi hai cực đoan này.
Ở đây “mắt” (cakkhu) nghĩa là con mắt trí tuệ thấy được Tứ Thánh Đế. “Trí” (ñāṇa) nghĩa là trí tuệ chứng ngộ Tứ Thánh Đế. “An tịnh” (upasama) nghĩa là tận diệt không còn dư sót tất cả các phiền não. “Thắng trí” (abhiññāṇa) nghĩa là trí tuệ thấu hiểu Tứ Thánh Đế. “Giác Ngộ” (sambodha) nghĩa là Tuệ Đạo biết rõ Tứ Thánh Đế. “Niết-bàn” (Nibbāna) là chấm dứt vòng luân hồi, sự giải thoát, an lạc tối hậu.
Ở đây, tôi muốn trích dẫn một đoạn từ Kinh Lỗ Khóa (Chiggaḷayuga Sutta) để giải thích về sự quan trọng của Tứ Thánh Đế:
“Ví như, này các Tỷ-kheo, một người quăng một khúc cây có một cái lỗ trên biển, và có một con rùa mù, cứ một trăm năm mới trồi đầu lên một lần. Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Con rùa mù ấy, cứ một trăm năm mới trồi đầu lên một lần, có thể đút cổ nó vào trong lỗ cây này được không?”
“Nếu có được chăng nữa, bạch Thế Tôn, thời chỉ được một lần, sau một thời gian rất lâu dài.”
“Còn mau hơn, này các Tỷ-kheo, con rùa mù ấy có thể chui cổ vào khúc cây có lỗ hổng kia; nhưng này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng còn khó hơn được làm người trở lại, một khi người ngu bị rơi vào đọa xứ. Vì sao vậy? Vì ở đấy, này các Tỷ-kheo, không có pháp hành, an tịnh hành, thiện hành, phước hành. Này các Tỷ-kheo, ở đây chỉ có ăn lẫn nhau và ăn thịt kẻ yếu. Vì sao vậy? Vì ở đây, này các Tỷ-kheo, họ không thấy được Bốn Thánh Đế. Gì là bốn? Thánh Đế về Khổ, Thánh Đế về Nguồn Gốc của Khổ, Thánh Đế về Khổ Diệt, Thánh Đế về Con Đường Diệt Khổ.
“Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “ Ðây là Khổ Thánh Đế ” . Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “ Ðây là Khổ tập Thánh Đế ” . Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “ Ðây là Khổ diệt Thánh Đế ” . Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “ Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt Thánh Đế ” ”
Vì thế, để ngăn ngừa việc rơi xuống các cảnh khổ, người đó phải thấu hiểu Bốn Thánh Đế. Con đường trung đạo là con đường duy nhất để thấu hiểu chúng và để tác thành mắt, tác thành trí và giác ngộ chứng đắc Niết-bàn.
Đức Phật tiếp tục:
“Và thế nào là con đường Trung đạo, này các Tỷ-kheo, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn?
Chính là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là: chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Ðây là con đường trung đạo, này các Tỷ-kheo, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.”
Ở đây, tôi muốn giải thích ý nghĩa của đoạn kinh trên. Thế nào là Chánh Tri Kiến (sammā-diṭṭhi)? Trong Kinh Đại Niệm Xứ, Đức Phật giải thích bốn khía cạnh của Chánh Tri Kiến:
‘dukkhe ñāṇaṁ, dukkhasamudaye ñāṇaṁ, dukkhanirodhe ñāṇaṁ, dukkhanirodhagāminīpaṭipadāya ñāṇam’—
Tuệ Minh Sát về Khổ Đế (dukkha-sacca),
Tuệ Minh Sát về Khổ Tập Đế (samudaya-sacca),
Tuệ Minh Sát về Khổ Diệt Đế (nirodha-sacca),
Tuệ Minh Sát về Đạo Đế (magga-sacca) (Thánh Đế về Con Đường Đưa Đến Khổ Diệt)
Bốn loại tuệ minh sát này được gọi là Chánh Tri Kiến.
Thế nào là Chánh Tư Duy (sammā-saṅkappa)? Sự dán áp tâm đến Khổ Đế (dukkha-sacca), sự dán áp tâm đến Khổ Tập Đế (samudaya-sacca), sự dán áp tâm đến Diệt Đế (nirodha-sacca), sự dán áp tâm đến Đạo Đế (magga-sacca). Bốn loại dán áp tâm này được gọi là Chánh Tư Duy. Trong trường hợp này, các thiền pháp (jhāna-dhamma) cũng được bao gồm trong Khổ Đế (dukkha-sacca). Như vậy sự dán áp tâm đối với đối tượng thiền cũng như các thiền pháp (jhāna-dhamma) cũng là Chánh Tư Duy.
Như vậy Chánh Tri Kiến và Chánh Tư Duy luôn luôn đồng sanh với nhau. Chúng có thể phát sanh đồng thời trong cùng một sát-na tâm (citta-khaṇa).
Chánh Ngữ (sammā-vācā), Chánh Nghiệp (sammā-kammanta), Chánh Mạng (Sammā-ājīva) được gọi là giới học, nghĩa là sự rèn luyện về giới.
Thế nào là Chánh Tinh Tấn (sammā-vāyāma)? Trong thiền định (samatha), nỗ lực tập trung hoàn toàn trên đối tượng định (samatha) là Chánh Tinh Tấn. Trong thiền tuệ (Vipassanā) nỗ lực chứng ngộ Khổ Đế (dukkha-sacca), Khổ Tập Đế (samudaya-sacca), Diệt Đế (nirodha-sacca) và Đạo Đế (magga-sacca) được gọi là Chánh Tinh Tấn.
Thế nào là Chánh Niệm (sammā-sati)? Niệm trên Khổ Đế (dukkha-sacca), niệm trên Khổ Tập Đế (samudaya-sacca), niệm trên Diệt Đế (nirodha-sacca) và niệm trên Đạo Đế (magga-sacca). Bốn loại niệm này được gọi là Chánh Niệm.
Thế nào là Chánh Định (sammā-samādhi)? Trong thiền định (samatha), tám thiền chứng được gọi là Chánh Định, đó là, sơ thiền (jhāna), nhị thiền (jhāna), tam thiền (jhāna), tứ thiền (jhāna), hư không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ và phi tưởng phi phi tưởng xứ. Trong thiền minh sát (vipassanā), định trên các pháp hữu vi (saṅkhāra-dhamma), các hành và bản chất vô thường, khổ và vô ngã của chúng là Chánh Định. Chánh Định luôn luôn đồng hành với Chánh Tri Kiến. Chúng đồng sanh trong cùng một sát-na tâm. Đây là định hiệp thế. Định siêu thế đồng sanh với Tuệ Đạo, lấy Niết-bàn làm đối tượng.
Đức Phật tiếp tục:
“Ðây là Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo:
Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ.”
Ở đây, sanh, già, bệnh và chết là khổ (dukkha) theo pháp tục đế (sự thật chế định, sammuti-sacca) cũng như pháp chân đế (paramatha-sacca). Tất cả các sắc và danh chân đế đều có ba giai đoạn: giai đoạn sanh ra (jāti; sanh), giai đoạn trụ (jarā; già) và giai đoạn hoại diệt (maraṇa; chết). Đức Phật giải thích sanh, già và chết trong Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta) như sau:
Này các Tỷ kheo thế nào là sanh? Mỗi mỗi hạng chúng sanh trong từng giới loại, sự xuất sản, xuất sanh, xuất thành, tái sanh của họ, sự xuất hiện các uẩn, sự hoạch đắc các căn. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là sanh.
Này các Tỷ kheo, thế nào là già? Mỗi mỗi hạng chúng sanh, trong từng giới hạn, sự niên lão, sự hủy hoại, trạng thái rụng răng, trạng thái tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ rút ngắn, các căn hủy hoại. Này các Tỷ kheo, như vậy là già.
Này các Tỷ kheo, thế nào là chết? Mỗi mỗi hạng chúng sanh trong từng giới loại, sự tạ thế, sự từ trần, thân hoại, sự diệt vong, sự chết, sự tử vong, thời đã đến, sự cắt đứt các uẩn, sự vất bỏ tử thi. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là chết.
Oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là hữu ái khổ (sarāgadukkha), nghĩa là khổ xảy ra bởi dính mắc. Đức Phật giải thích chúng trong Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta) như vầy:
“Này các Tỷ kheo, thế nào là oán gặp nhau? Ở đây, những ai có sự không mong muốn, ghét bỏ các cảnh sắc, cảnh thanh, cảnh mùi, cảnh vị, cảnh xúc hay cảnh pháp không khả ái, hoặc những ai gặp phải những kẻ ưa ác tầm, các kẻ ưa hại tầm, khó chịu, đồng bóng, người mà họ có sự gặp gỡ, giao thiệp, quan hệ, và liên kết. Này các Tỷ-kheo, đó là oán gặp nhau.”
“Này các Tỷ kheo, thế nào là ái biệt ly? Ở đây, những ai có sự mong cầu, ưa thích các cảnh sắc, cảnh thanh, cảnh mùi, cảnh vị, cảnh trần hay cảnh pháp khả ái, hoặc những ai gặp được những người ưa giúp người, người ưa thiện sự, dễ ưa, đáng tin cập, mẹ hay cha hay anh hay chị hay người bà con trẻ tuổi hoặc bạn hữu hoặc đồng nghiệp hoặc người có quan hệ huyết thống và rồi bị tước đi sự gặp gỡ, giao thiệp, quan hệ, và liên kết. Này các Tỷ-kheo, đó là ái biệt ly.
Này các Tỷ kheo, thế nào là cầu bất đắc khổ? Này các Tỷ kheo, chúng sanh bị sanh chi phối, khởi sự mong cầu: “ Mong rằng ta khỏi bị sanh chi phối, mong rằng ta khỏi phải đi thác sanh! ” . Lời cầu mong ấy không được thành tựu. Như vậy gọi là cầu bất đắc khổ.
Này các Tỷ kheo, chúng sanh bị già chi phối, khởi sự mong cầu: “ Mong rằng ta khỏi bị già chi phối, mong rằng ta khỏi đương chịu già! ” . Lời mong cầu ấy không được thành tựu. Như vậy là cầu bất đắc khổ.
Này các Tỷ kheo, chúng sanh bị bệnh chi phối, khởi sự mong cầu: “ Mong rằng ta khỏi bị bệnh chi phối, mong rằng ta khỏi đương chịu bệnh! ” . Lời mong cầu ấy không được thành tựu. Như vậy là cầu bất đắc khổ.
Này các Tỷ kheo, chúng sanh bị sầu chi phối, khởi sự mong cầu: “ Mong rằng ta khỏi bị sầu chi phối, mong rằng ta khỏi đương chịu sầu! ” . Lời mong cầu ấy không được thành tựu. Như vậy là cầu bất đắc khổ.
Này các Tỷ kheo, chúng sanh bị bi chi phối, khởi sự mong cầu: “ Mong rằng ta khỏi bị bi chi phối, mong rằng ta khỏi đương chịu bi! ” . Lời mong cầu ấy không được thành tựu. Như vậy là cầu bất đắc khổ.
Này các Tỷ kheo, chúng sanh bị khổ chi phối, khởi sự mong cầu: “ Mong rằng ta khỏi bị khổ chi phối, mong rằng ta khỏi đương chịu khổ! ” . Lời mong cầu ấy không được thành tựu. Như vậy là cầu bất đắc khổ.
Này các Tỷ kheo, chúng sanh bị ưu chi phối, khởi sự mong cầu: “ Mong rằng ta khỏi bị ưu chi phối, mong rằng ta khỏi đương chịu ưu! ” . Lời mong cầu ấy không được thành tựu. Như vậy là cầu bất đắc khổ.
Này các Tỷ kheo, chúng sanh bị não chi phối, khởi sự mong cầu: “ Mong rằng ta khỏi bị não chi phối, mong rằng ta khỏi đương chịu não! ” . Lời mong cầu ấy không được thành tựu. Như vậy là cầu bất đắc khổ.
Ngoại trừ các loại khổ não này, Đức Phật còn giải thích năm loại khổ não khác trong một vài bài Kinh (Sutta). Chúng là sầu, bi, khổ, ưu và não. Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta) giải thích về chúng như vầy:
Này các Tỷ kheo, thế nào gọi là sầu? Này các Tỷ kheo, với những ai gặp phải tai nạn này hay tai nạn khác; với những ai cảm thọ sự đau khổ này hay sự đau khổ khác, sự sầu, sự sầu lo, sự sầu muộn, nội sầu, mọi khổ sầu của người ấy. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là sầu.
Này các Tỷ kheo, thế nào là bi? Này các Tỷ kheo, với những ai gặp phải tai nạn này hay tai nạn khác; với những ai cảm thọ sự đau khổ này hay sự đau khổ khác, sự bi ai, sự bi thảm, sự than van, sự than khóc, sự bi thán, sự bi thống của người ấy. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là bi.
Này các Tỷ kheo, thế nào là khổ? Này các Tỷ kheo, sự đau khổ về thân, sự không sảng khoái về thân, sự đau khổ do thân cảm thọ, sự không sảng khoái do thân cảm thọ. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là khổ.
Này các Tỷ kheo, thế nào là ưu? Này các Tỷ kheo, sự đau khổ về tâm, sự không sảng khoái về tâm, sự đau khổ do tâm cảm thọ, sự không sảng khoái do tâm cảm thọ. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là ưu.
Này các Tỷ kheo, thế nào là não? Này các Tỷ kheo, với những ai gặp tai nạn này hay tai nạn khác; với những ai cảm thọ sự đau khổ này hay sự đau khổ khác, sự áo não, sự bi não, sự thất vọng, sự tuyệt vọng của người ấy. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là não.”
Sau đó Đức Phật giải thích về Khổ Đế (dukkha-sacca) theo cách tóm lược: “Này các Tỷ kheo, như vậy tóm lại Năm Thủ uẩn là khổ.” Chúng là các đối tượng của tuệ minh sát.
Thế nào là ngũ thủ uẩn? Chúng là
rūpupādānakkhandha, vedanupādānakkhandha, saññupādānakkhandha, saṅkhārupādānakkhandha, viññaṇupādānakkhandha,
có nghĩa là sắc thủ uẩn (rūpupādānakkhandha), thọ thủ uẩn (vedanupādānakkhandha), tưởng thủ uẩn (saññupādānakkhandha), hành thủ uẩn (saṅkhārupādānakkhandha), thức thủ uẩn (viññaṇupādānakkhandha). Thế nào là sắc thủ uẩn? Trong Kinh Uẩn (Khandhā Sutta) trong Tương Ưng Thiên Uẩn (Khandhā Vagga Saṁyutta) (S.22, 48), Đức Phật dạy:
‘Yaṁ kiñci rūpaṁ atītānāgatapaccuppannaṁ ajjhattaṁ vā bahiddhā vā olārikaṁ vā sukhumaṁ vā hīnaṁ vā paṇitaṁ vā yaṁ dūre santike vā sāsavaṁ upādāniyaṁ ayaṁ vuccati rūpupādānakkhandho.’
Đây là lời giải thích của Đức Phật. Điều đó nghĩa là gì?
“Phàm có sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả các loại sắc này là đối tượng của chấp thủ được gọi là sắc thủ uẩn.”
Theo cách tương tự, Đức Phật giải thích về thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn và thức thủ uẩn. Như vậy, quý vị nên hiểu rằng các Pháp Khổ Đế (các pháp vốn thuộc về Thánh Đế về Khổ) không chỉ bao gồm năm uẩn hiện tại bị chấp thủ chi phối mà còn cả năm uẩn chấp thủ ở quá khứ, vị lai, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần.
Tại sao ngũ uẩn này bị chấp thủ chi phối? Tâm và thân của chúng sanh được tạo thành bởi ngũ uẩn. Do bởi vô minh, thế gian đồng nhất sắc là “tôi”, “của tôi” hay “tự ngã của tôi”. Theo cách này, tham ái và chấp thủ hướng đến sắc xuất hiện. Cách tương tự cũng áp dụng đối với tham ái và chấp thủ hướng đến thọ, tưởng, ý hành và thức. Như vậy ngũ uẩn này bị chấp thủ chi phối vì thế gian, là những kẻ không như thật giác tri các Pháp (dhamma) như chúng thật sự là. Thực ra, ngoại trừ danh siêu thế, tất cả các uẩn phải chịu chấp thủ.
Không chứng ngộ Bốn Thánh Đế, người đó không thể chứng đạt Niết-bàn. Nếu quý vị muốn chứng đắc Niết-bàn, quý vị nên cố gắng chứng ngộ Bốn Thánh Đế. Khổ Đế là một trong Bốn Thánh Đế. Các pháp khổ đế (dukkha-sacca-dhamma) bao gồm mười một loại của năm thủ uẩn được đề cập ở trên. Như vậy nếu quý vị muốn giải thoát khỏi vòng luân hồi, quý vị nên cố gắng thấu hiểu tất cả chúng.
Bài Kinh (Sutta) tiếp tục giải thích về Thánh Đế thứ hai như sau:
Ðây là Thánh Đế về Nguồn Gốc của Khổ, này các Tỷ-kheo:
Chính là ái này đưa đến tái sanh, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái. Này các Tỷ-kheo, đây là Thánh Đế về Nguồn Gốc của Khổ.
Trong Kinh (Sutta), Đức Phật dạy rằng tham ái chính là Khổ Tập Đế (samudaya-sacca). Trong Tương Ưng Nhân Duyên (Nidāna Vagga Saṁyutta), Đức Phật dạy rằng Lý Duyên Khởi cũng là Khổ Tập Đế (samudaya-sacca). Như vậy, vô minh (avijjā), tham ái (taṇhā), chấp thủ (upādāna), ý hành (saṅkhārā) và nghiệp lực (kamma), tất cả đều là Khổ Tập Đế (samudaya-sacca). Tóm lại, tất cả các nghiệp lực thiện mà có thể đưa đến tái sanh và tất cả các nghiệp lực bất thiện đều là Khổ Tập Đế (samudaya-sacca). Trong Kinh Phân biệt về Sự thật (Sacca Vibhaṅga), Đức Phật dạy Khổ Tập Đế (samudaya-sacca) theo năm cách:
1. Tham ái (taṇhā) là Khổ Tập Đế (samudaya-sacca).
2. Mười phiền não (tham, sân, si, mạn, tà kiến, hoài nghi, hôn trầm, thụy miên, vô tàm, vô quý) cũng là Khổ Tập Đế (samudaya-sacca).
3. Tất cả các pháp bất thiện (akusala dhamma) đều là Khổ Tập Đế (samudaya-sacca).
4. Tất cả các pháp bất thiện (akusala dhamma) và ba căn thiện (vô tham, vô sân, vô si) mà có thể dẫn đến tái sanh đều là Khổ Tập Đế (samudaya-sacca).
5. Tất cả các pháp thiện mà có thể đưa đến tái sanh và tất cả các pháp bất thiện hay tất cả các nghiệp lực thiện mà có thể đưa đến tái sanh và tất cả các nghiệp lực bất thiện đều là Khổ Tập Đế (samudaya-sacca).
Nếu tất cả các nghiệp lực thiện mà dẫn đến tái sanh và tất cả các nghiệp lực bất thiện đều là Khổ Tập Đế (samudaya-sacca), thời tại sao Đức Phật dạy trong Kinh này rằng tham ái là Khổ Tập Đế (samudaya-sacca)? Giống như hạt giống vẫn có nhựa sống hay tiềm năng có thể đâm rễ khi nó được gieo ở nơi thích hợp; cũng vậy, nghiệp lực đi kèm với tham ái có thể tác thành quả của chúng. Không có tham ái, không có nghiệp lực nào có thể sanh ra quả của chúng. Đó là lý do tại sao Đức Phật dạy rằng tham ái là Khổ Tập Đế (samudaya-sacca) trong bài Kinh (Sutta) này.
Bởi vì tham ái, chúng sanh “tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia”. Về điều này, tôi muốn liên hệ một chuyện về tiền kiếp, Assakajātaka, để trình bày cách mà chúng sanh tầm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia.
Câu chuyện này được Đấng Đạo Sư kể trong khi trú tại Jetavana về một vị Tỷ-kheo là người bị rối trí do việc nhớ lại người vợ trước của mình. Ngài hỏi vị Tỷ-kheo rằng có phải ông ta thực sự tương tư. Vị Tỷ-kheo đáp: “Dạ, thưa vâng”, đấng Đạo Sư hỏi tiếp: “Ông luyến ái ai?”, vị Tỷ-kheo đáp “Bạch, người vợ trước của con”. Sau đó, Đức Phật nói rằng “Không phải chỉ lần này, Này Tỷ-kheo, ông đã từng đầy lòng khao khát người nữ này; thuở trước, vì luyến ái nữ nhân ấy, ông gặp nhiều sự đau khổ to lớn”. Và Ngài kể câu chuyện sau.
Thuở xưa, tại nước Kāsi, vua Assaka trị vì thành Potali. Hoàng hậu tên Ubbarī rất được vua yêu thương. Hoàng hậu khả ái, kiều diễm vượt xa sắc đẹp của các nữ nhân, dù chưa là một Thiên nữ. Sau một thời gian, bà bị bệnh và mệnh chung. Khi hoàng hậu mệnh chung, vua sầu khổ, đau đớn, ưu tư. Vua để xác hoàng hậu nằm trong một cái hòm, ướp với dầu và chất dẻo đặt dưới long sàng. Vua đau khổ nằm dài, không ăn, khóc lóc, than thở. Mẹ cha, các bà con khác, thân hữu và các cận thần, Bà-la-môn, gia chủ… đều đến khuyên giải ông rằng mọi vật đều phải chết nhưng vô hiệu. Tuy nhiên, họ không thể làm vua nghe lời. Vua than khóc như vậy được bảy ngày.
Lúc bấy giờ, Bồ-tát (Bodhisatta) là vị đạo sĩ đã đạt được năm Thắng trí và tám Thiền chứng, trú dưới chân núi Himalayas. Ngài có đầy đủ trí tuệ siêu việt, và với thiên nhãn nhìn cõi Ấn Độ, ngài thấy vua than khóc như vậy, liền quyết định giúp đỡ cho vị vua này. Bồ-tát dùng thần lực bay trên hư không rồi hạ xuống khu vườn của vua, và ngồi trên phiến đá tế lễ, như một pho tượng bằng vàng.
Rồi một thanh niên Bà-la-môn trú ở thành Polati đi đến khu vườn, thấy Bồ-tát, đảnh lễ ngài và ngồi xuống. Bồ-tát nói chuyện thân mật với thanh niên ấy, và hỏi: “Này thanh niên, nhà vua có theo Chánh pháp không ?”
“Thưa có, bạch Tôn giả, vua theo Chánh pháp. Nhưng hoàng hậu của vua vừa mệnh chung, vua cho đặt thân hoàng hậu trong một cái hòm, nằm dài bên cạnh than khóc, nay đã là ngày thứ bảy. Sao Tôn giả không giải thoát vua khỏi nỗi đau khổ lớn như vậy? Nay là thời gian thích hợp để Tôn giả nhiếp phục nỗi đau khổ của nhà vua.”
“Này chàng thanh niên, ta không biết nhà vua, nhưng nếu vua đến hỏi ta, ta sẽ nói cho vua biết chỗ đầu thai của hoàng hậu và khiến nàng nói cho vua nghe.”
Người thanh niên nói: “Vậy thưa Tôn giả, hãy ngồi lại đây cho đến khi tôi đưa vua đến.” Bồ-tát đồng ý và người thanh niên liền đi đến cung vua, báo tin ấy và khuyên vua: “Ðại vương nên đi đến gặp vị có thiên nhãn ấy.”
Vua vô cùng hoan hỷ với ý nghĩ thấy được Ubbarī; và ông ta ngự lên xe, đi đến khu vườn. Sau lời chào hỏi Bồ-tát (Bodhisatta), ông ta ngồi xuống một bên và hỏi: “Có đúng sự thật chăng, trẫm nghe nói Tôn giả biết được chỗ đầu thai của hoàng hậu?”
Bồ-tát (Bodhisatta) đáp “Tôi có biết, thưa Ðại vương.”
Nhà vua hỏi đó là nơi nào.
Bồ-tát (Bodhisatta) trả lời: “Thưa Ðại vương, hoàng hậu say mê sắc đẹp của mình, vì vậy đã sống phóng dật, không làm các thiện nghiệp, nay sanh làm con sâu nhỏ ăn phân ngay chính trong vườn này.”
Nhà vua nói: “Trẫm không tin chuyện ấy.”
Bồ-tát trả lời: “Nay tôi sẽ chỉ hoàng hậu cho Ðại vương và bảo hoàng hậu nói cho Ðại vương nghe.”
Nhà vua nói “Xin làm nàng ấy nói”.
Bồ-tát dùng thần lực của mình ra lệnh: “Này hai con vật đang bò trên một đống phân bò, hãy đi đến trước mặt nhà vua!”, khiến hai con sâu tuân lệnh và đi đến. Bồ-tát chỉ một con cho nhà vua và nói: “Thưa Ðại vương, đây là hoàng hậu Ubbarī của Ðại vương. Nó vừa ra khỏi đống phân, đi theo sau một con sâu ăn phân là chồng của nó. Ðại vương hãy nhìn xem.”
Nhà vua gào lên: “Thưa Tôn giả, hoàng hậu Ubbarī sanh ra làm con sâu ăn phân ư? Trẫm không tin được chuyện ấy!”
“Thưa Ðại vương, tôi sẽ bảo nó nói lên.”
Nhà vua nói: “Thưa Tôn giả, xin ngài làm ơn bảo nó nói đi.”
Bồ-tát dùng thần lực nói với con sâu: “Này Ubbarī!”
Con sâu nói bằng tiếng người, đáp lại: “Thưa Tôn giả, cái gì ạ?”
Bồ-tát hỏi: “Ngươi hãy nói tiền thân của ngươi tên là gì?”
“Thưa Tôn giả, trước tôi là Ubbarī, hoàng hậu của vua Assaka”. Con sâu đáp.
Bồ-tát hỏi tiếp: “Nay ngươi thương yêu vua Assaka hay chồng của ngươi là con sâu ăn phân này?”
“Thưa Tôn giả, trong kiếp trước đây của tôi, tôi đã sống với vua, và cùng thưởng thức sắc, tiếng, hương, vị, xúc trong ngôi vườn này. Nhưng giờ đây, trí nhớ tôi lẫn lộn bởi tái sanh, vua là cái gì? Tại sao phải yêu vua, giờ đây tôi sẵn sàng giết vua Assaka và lấy máu từ cổ vua để bôi vào hai bàn chân con sâu ăn phân là chồng của tôi!”
“Chính chỗ này tôi sống
Với vua Assaka
Yêu thương, được yêu thương
Tôi đi dạo quanh vườn.
Nay các khổ lạc mới
Làm mờ cảm giác cũ,
Vậy đối với sâu chồng,
Tôi yêu hơn Ðại vương!”
Nghe nói vậy, vua cảm thấy hối hận ngay tại chỗ, lập tức truyền lệnh bỏ xác hoàng hậu ra ngoài và đi gội đầu. Vua đảnh lễ Bồ-tát, rồi sau đó đi vào thành cưới một hoàng hậu khác và trị nước đúng Chánh pháp. Còn Bồ-tát khuyến dạy vua xong, khiến vua hết sầu muộn, rồi đi về Hy-mã-lạp Sơn (Himalayas).
Sau khi thuyết Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư tuyên giảng về các Thánh Đế. Vào cuối bài giảng, vị Tỷ-kheo luyến ái đã đắc quả Dự lưu. Rồi Đấng Đạo Sư nhận diện tiền thân: “Lúc bấy giờ Ubbarī là người vợ cũ, vua Assaka là Tỷ-kheo bị ái nhiễm, thanh niên Bà-la-môn là Xá-lợi-phất (Sāriputta), còn vị đạo sĩ là Ta vậy.”
Theo câu chuyện này, hoàng hậu Ubbarī sống trong phóng dật và đắm say trong các dục với nhà vua. Sau khi chết, lòng tham ái câu hữu với hỷ lạc và khát ái, dẫn nàng đến kiếp tái sanh mới là một con sâu cái ăn phẩn uế. Thậm chí dù tái sanh trong cảnh khổ, nàng ta tiếp tục đắm say trong các dục, tầm cầu hỷ lạc với người chồng mới ở kiếp sống mới. Đây là bản chất của tham ái, tầm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Tuy nhiên, không chỉ hoàng hậu Ubbarī mà cũng vậy với tất cả các chúng sanh chưa giác ngộ đang tầm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia trong vòng luân hồi, không biết rằng tham ái là nhân gây khổ não bất tận trong vòng luân hồi.
Có ba loại tham ái. Theo Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), ý nghĩa của ba loại tham ái này như sau:
(1) Dục ái (kāma-taṇhā) – tham ái xảy ra với sự thích thú ái dục qua bất kỳ một trong sáu đối tượng, sắc, thanh, mùi, vị, xúc và cảnh pháp (bao gồm năm loại tịnh sắc (sắc thần kinh, pasāda rūpa) – là sắc trong suốt, mười sáu loại sắc tế, tâm (tâm vương), tâm sở và các khái niệm như tướng của hơi thở (ānāpāna nimitta), tướng của biến xứ (kasiṇa nimitta)).
(2) Hữu ái (bhava-taṇhā) – tham ái xảy ra cùng với tà kiến thường còn (thường kiến) (sassata-diṭṭhi) cho rằng bất kỳ đối tượng nào trong sáu đối tượng đều là linh hồn tồn tại từ kiếp hữu này đến kiếp hữu khác.
(3) Phi hữu ái (vibhava-taṇhā) – tham ái xảy ra cùng với tà kiến đoạn diệt (đoạn kiến) (uccheda-diṭṭhi) cho rằng bất kỳ đối tượng nào trong sáu đối tượng đều là linh hồn, sẽ bị đập nát và hủy diệt hoàn toàn sau khi chết.
Quý vị nên nhớ rằng Khổ Tập Đế (samudaya-sacca) là nguồn gốc của Khổ Đế (dukkha-sacca).
Trong Kinh (Sutta) này, Đức Phật dạy Khổ Đế (dukkha-sacca) như sau:
‘saṅkhittena pañcupādānakkhandhā dukkhā’ –
“Tóm lại, ngũ uẩn chấp thủ là Khổ Đế (dukkha-sacca).”
Như vậy, Khổ Tập Đế (samudaya-sacca) là nguồn gốc của ngũ uẩn chấp thủ. Quý vị nên nhớ mối quan hệ giữa nhân và quả này.
Các pháp Khổ Đế (dukkha-sacca-dhamma) và các pháp Khổ Tập Đế (samudaya-sacca-dhamma) là các đối tượng của tuệ minh sát vipassanā, như vậy nếu quý vị muốn thực hành vipassanā, trước tiên quý vị nên cố gắng rõ biết chúng. Quý vị nên cố gắng như thế nào? Tôi sẽ giải thích chi tiết như sau.
Bài Kinh (Sutta) tiếp tục giải thích về Thánh Đế thứ ba:
“Ðây là Thánh đế về Khổ diệt, này các Tỷ-kheo:
“Chính là ly tham, đoạn diệt, không có dư tàn khát ái ấy, sự quăng bỏ, từ bỏ, giải thoát, không có chấp trước.”
Trong bài Kinh (Sutta) này, Đức Phật dạy rằng tận diệt không còn dư sót tham ái là Khổ Diệt Đế (nirodha-sacca). Trong một vài bài Kinh (Sutta) khác, Đức Phật dạy rằng tận diệt không còn dư sót Khổ Đế (dukkha-sacca) cũng là Khổ Diệt Đế (nirodha-sacca). Tại sao Đức Phật dạy về nó theo hai cách. Chúng là như nhau. Bởi vì sự tận diệt không còn dư sót tham ái hay vì sự tận diệt không còn dư sót vô minh, tham ái, chấp thủ, hành và nghiệp lực mà ngũ uẩn (Khổ Đế, dukkha-sacca) sẽ hoàn toàn bị tận diệt không còn dư sót. Ngũ uẩn hoàn toàn tận diệt không còn dư sót bởi vì sự diệt của các nhân. Nếu các nhân hoàn toàn diệt tận không còn dư sót, ngũ uẩn cũng sẽ hoàn toàn diệt tận không còn dư sót. Như vậy, chúng là như nhau. Đó là lý do tại sao đôi khi Đức Phật dạy rằng sự diệt tận không còn dư sót tham ái là Khổ Diệt Đế (nirodha-sacca), và đôi khi Ngài dạy rằng sự diệt tận không còn dư sót ngũ uẩn là Khổ Diệt Đế (nirodha-sacca).
Thực sự, Niết-bàn (Nibbāna) chính là Khổ Diệt Đế (nirodha-sacca). Có hai loại diệt tận phát sanh bởi Thánh Đạo Tuệ lấy Niết-bàn làm đối tượng. Bốn loại Thánh Đạo Tuệ lấy Niết-bàn làm đối tượng, diệt tận các phiền não không còn dư sót từng giai đoạn một. Bởi vì sự diệt tận không còn dư sót các phiền não, nghiệp (kamma) không sanh ra bất kỳ uẩn nào sau khi bát Niết-bàn (Parinibbāna), sự diệt tận tối hậu. Như vậy ngũ uẩn cũng diệt không còn dư sót. Nhưng để thấu hiểu Niết-bàn (Nibbāna) thì rất khó với một số đệ tử. Vì lý do này, Đức Phật dạy cả hai loại diệt tận là Khổ Diệt Đế (nirodha sacca). Đôi khi, Niết-bàn (Nibbāna) được gọi là asaṅkhato dhātu, vô vi giới. Vì vậy vô vi (asaṅkhata), Niết-bàn (Nibbāna), là một nhân, hai loại diệt là quả. Như vậy, Niết-bàn (Nibbāna) có thể được xem là một nhân hay là một quả.
Khổ Diệt Đế có thể là một nhân hoặc là một quả. Lại nữa, sự diệt tận không còn dư sót các phiền não được gọi là Phiền Não Niết-bàn (Kilesa-Parinabbāna) = sự diệt tận các phiền não không còn dư sót tối hậu. Sự diệt tận không còn dư sót ngũ uẩn cũng được gọi là Ngũ Uẩn Niết-bàn (Khandha-Parinibbāna) = sự diệt tận năm uẩn không còn dư sót tối hậu.
Hơn nữa, sự diệt tận không còn dư sót các phiền não cũng được gọi là Hữu dư Niết bàn (Saupadisesa-Nibbāna) = còn cơ sở là thọ mạng còn lại, nghĩa là mặc dù các phiền não bị diệt tận hoàn toàn không còn dư sót, nhưng năm uẩn vẫn còn hiện hữu. Sự diệt tận không còn dư sót năm uẩn cũng được gọi là Vô dư Niết-bàn (Anupadisesa-Nirodha) = sự diệt tận tối hậu mà không còn cơ sở nào cả, nghĩa là sự diệt tận năm uẩn không còn dư sót tối hậu.
Ví dụ, sự diệt tận phiền não không còn dư sót của Đức Phật khi Ngài trở thành Đấng Giác Ngộ. Bốn Thánh Đạo của ngài lấy vô vi giới (Nibbāna) làm đối tượng, tiêu hủy tất cả các phiền não từng giai đoạn một, không còn dư sót tại Gāyā. Bốn mươi lăm năm sau, ngài nhập Đại-Bát-Niết-bàn (Mahāparinabbāna), sự diệt tận năm uẩn không còn dư sót tối hậu tại Kusinārā.
Niết-bàn là vô vi giới, vốn là đối tượng của Bốn Đạo và Bốn Quả siêu thế. Tuy nhiên, trước khi chứng ngộ Niết-bàn, trong khi thực hành thiền Vipassanā, có hai loại tận diệt được lấy làm đối tượng, đó là Sự diệt tận các phiền não không còn dư sót và sự diệt tận năm uẩn không còn dư sót. Tuệ minh sát nhận biết các đối tượng này được gọi là Tuệ Sanh Diệt của Các Hành (Udaya-vaya-ñāṇa). Điều này sẽ được giải thích sau trong bài pháp này.
Bài Kinh (Sutta) tiếp tục giải thích về Thánh Đế thứ tư:
“Này các Tỷ-kheo, đây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt,
“Chính là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.”
Đôi khi Bát Thánh Đạo được gọi là Đạo Đế (magga-sacca). Nhưng trong Kinh (Sutta) này, Đức Phật gọi đó là dukkhanirodhagāminī paṭipadā ariyasacca, tức là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt. Hai tên gọi này đều có cùng ý nghĩa.
Có hai loại Bát Thánh Đạo: hiệp thế và siêu thế. Để đến Bát Thánh Đạo siêu thế, trước tiên, quý vị phải tu tập Bát Thánh Đạo hiệp thế. Bát Thánh Đạo siêu thế chỉ sanh khởi một lần trong một dòng tâm riêng biệt bất kỳ, và do vậy không thể tu tập được nó. Tuy nhiên, Đạo hiệp thế thì được tu tập dần dần theo sự tu dưỡng của từng cá nhân. Trong Bát Thánh Đạo hiệp thế, trong khi quý vị thực hành thiền Vipassanā, có năm chi phần của Bát Thánh Đạo hiện diện cùng lúc. Ví dụ, nếu quý vị có thể phân biệt năm uẩn và các nhân của chúng, lúc đó, quý vị chú tâm vào ba đặc tính của các pháp hữu vi (saṅkhāra-dhamma) này. Cả Pháp Khổ Đế (dukkha-sacca-dhamma) và Pháp Khổ Tập Đế (samudaya-sacca-dhamma) được gọi là các Pháp Hữu Vi (saṅkhāra-dhamma), hành.
Bằng việc thấy bản chất vô thường của chúng, quý vị phải hiểu chúng là anicca (vô thường). Bằng việc thấy bản chất bị đàn áp bởi sanh và diệt của chúng, quý vị phải hiểu chúng là khổ (dukkha). Bằng việc thấy bản chất không có một tự ngã thường còn, quý vị phải hiểu chúng là anattā (vô ngã). Trong khi quý vị quán theo cách này, quý vị hiểu biết về bản chất vô thường, khổ và vô ngã của các pháp hữu vi (saṅkhāra-dhamma) này. Trí tuệ này được gọi là Chánh Tri Kiến. Sự áp tâm vào các pháp hữu vi (saṅkhāra-dhamma) này và bản chất vô thường, khổ và vô ngã của các pháp hữu vi (saṅkhāra-dhamma) này được gọi là Chánh Tư Duy. Chánh Tư Duy luôn đồng sanh với Chánh Tri Kiến.
Nỗ lực mà quý vị phấn đấu để thấy bản chất vô thường, khổ và vô ngã của các pháp hữu vi (saṅkhāra-dhamma) này được gọi là Chánh Tinh Tấn. Niệm trên bản chất vô thường, khổ và vô ngã của các pháp hữu vi (saṅkhāra-dhamma) này được gọi là Chánh Niệm. Định trên bản chất vô thường, khổ và vô ngã của các pháp hữu vi (saṅkhāra-dhamma) này được gọi là Chánh Định. Như vậy, trong khi hành giả thực hành thiền Vipassanā, năm chi của Bát Thánh Đạo cùng hiện diện. Ba chi Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng là Giới học. Như vậy tổng cộng có tám chi của Bát Thánh Đạo. Nhưng ba chi của Giới học sanh khởi riêng rẽ với năm chi khác. Ba chi này không đồng sanh trong tuệ Minh sát Vipassanā. Nó có nghĩa là trong thánh đạo hiệp thế, chúng không đồng sanh trong cùng một sát-na tâm hay trong cùng một lộ trình tâm.
Vào lúc kết thúc phần pháp hành Vipassanā, khi hành giả chứng ngộ Niết-bàn, tám chi của Bát Thánh Đạo cùng hiện diện. Chúng được gọi là Bát Thánh Đạo siêu thế. Việc chứng ngộ Niết-bàn được gọi là Chánh Tri Kiến. Sự áp tâm đến Niết-bàn được gọi là Chánh Tư Duy. Nỗ lực chứng ngộ Niết-bàn được gọi là Chánh Tinh Tấn. Niệm trên Niết-bàn được gọi là Chánh Niệm. Định trên Niết-bàn được gọi là Chánh Định. Các phiền não mà có thể gây ra các vi phạm với Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng bị triệt tiêu bởi tuệ Đạo. Như vậy, ba chi này cũng đồng sanh với Tuệ Đạo. Vì vậy, trong khi hành giả chứng ngộ Niết-bàn, tất cả tám chi của Bát Thánh Đạo cùng hiện diện.
Cho đến đây, tôi đã giải thích ý nghĩa của Bốn Thánh Đế và sự quan trọng của chúng. Quý vị nên làm thế nào để rõ biết Bốn Thánh Đế? Xin lắng nghe trích dẫn sau từ Kinh Định (Samādhi Sutta) của Tương Ưng Sự Thật (Sacca Saṁyutta):
“Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập định. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có định, như thật rõ biết các pháp (dhamma).
“Và như thật rõ biết các pháp gì? Như thật rõ biết: “ Ðây là Khổ (dukkha-sacca) ” . Như thật rõ biết: “ Ðây là Khổ tập (samudaya-sacca) ” . Như thật rõ biết: “ Ðây là Khổ diệt (nirodha-sacca) ” . Như thật rõ biết: “ Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt (magga-sacca) ” .
“Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập định. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có định, như thật rõ biết các pháp (dhamma).
“Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “ Ðây là Khổ (dukkha-sacca) ” . Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “ Ðây là Khổ tập (samudaya-sacca) ” . Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “ Ðây là Khổ diệt (nirodha-sacca) ” . Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “ Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt(magga-sacca) ”.
Tháp Dhamekh, sarnath (Lộc Uyển), nơi Đức Phật giảng Kinh Chuyển Pháp Luân [1]
Như vậy để rõ biết Bốn Thánh Đế, trước tiên, quý vị nên tu tập định. Có bốn mươi đề mục thiền định (samatha) để thực hành định. Quý vị có thể chọn bất kỳ một trong số chúng. Nhưng tôi muốn giải thích về thiền ānāpānasati, niệm hơi thở, trước và sau đó giải thích quý vị nên cố gắng để rõ biết Bốn Thánh Đế như thế nào.
Tôi nên giải thích cách thực hành niệm hơi thở theo Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta). Trong Kinh (Sutta), Đức Phật dạy như sau:
“Này các Tỷ kheo, thế nào là Tỷ kheo sống quán thân trên thân?
Ở đây, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến nơi vắng vẻ, và ngồi kiết già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trên đối tượng thiền của mình. Tỉnh giác, vị ấy thở vô; tỉnh giác, vị ấy thở ra. Thở vô dài, vị ấy tuệ tri: “ Tôi thở vô dài ” ; hay thở ra dài, vị ấy tuệ tri: “ Tôi thở ra dài ” ; hay thở vô ngắn, vị ấy tuệ tri: “ Tôi thở vô ngắn ” ; hay thở ra ngắn, vị ấy tuệ tri: “ Tôi thở ra ngắn ” ; “ Cảm giác toàn thân hơi thở rõ ràng, tôi sẽ thở vô ” , vị ấy tập; “ Cảm giác toàn thân hơi thở rõ ràng, tôi sẽ thở ra ” , vị ấy tập; “ An tịnh thân hành toàn hơi thở, tôi sẽ thở vô ” , vị ấy tập; “ An tịnh thân hành toàn hơi thở, tôi sẽ thở ra ” , vị ấy tập.
Này các tỷ kheo, như người thợ quay hay học trò người thợ quay tuệ tri thiện xảo, khi quay dài, tuệ tri rằng: “ Tôi quay dài ” ; hay khi quay ngắn, tuệ tri rằng: “ Tôi quay ngắn. ” Cũng vậy, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo thở vô dài, tuệ tri: “ Tôi thở vô dài ” ; hay thở ra dài tuệ tri: “ Tôi thở ra dài ” ; hay thở vô ngắn, tuệ tri: “ Tôi thở vô ngắn ” ; hay thở ra ngắn, tuệ tri: “ Tôi thở ra ngắn ” ; “ Cảm giác toàn thân hơi thở rõ ràng, tôi sẽ thở vô ” , vị ấy tập; “ Cảm giác toàn thân hơi thở rõ ràng, tôi sẽ thở ra ” , vị ấy tập; “ An tịnh thân hành toàn hơi thở, tôi sẽ thở vô ” , vị ấy tập; “ An tịnh thân hành toàn hơi thở, tôi sẽ thở ra ” , vị ấy tập.
Đây là lời chỉ dẫn của Đức Phật về niệm hơi thở, đặc biệt là để chứng đạt bậc thiền. Trong đoạn trích dẫn, từ “ở đây” có nghĩa là trong Giáo Pháp của Đức Phật. Bằng chữ “đây”, các giáo lý khác với Phật Pháp bị loại trừ vì chúng không dạy niệm hơi thở theo cách trọn vẹn như trong Giáo Pháp của Đức Phật. Ngoài Giáo Pháp của Đức Phật không có một ai có thể dạy niệm hơi thở (Ānāpānasati) theo cách trọn vẹn. Nó chỉ được dạy trong Giáo Pháp của Đức Phật. Do vậy mà điều này được nói lên.
“Ở đây, chúng ta tìm thấy một bậc sa-môn thật sự (samaṇa); các tôn giáo khác thì không có các sa-môn”
Đức Phật chỉ ra các nơi thích hợp cho các hành giả trong đoạn trích dẫn: “Tỷ kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến nơi vắng vẻ”. Điều này làm rõ thế nào là trú xứ thích hợp để hành giả trau dồi niệm.
Tâm của hành giả đã trú ngụ nơi đối tượng sắc Pháp và dục lạc trong một thời gian dài trước khi vị ấy bước vào hành thiền. Vị ấy không thích đi vào con đường thiền, vì tâm hành giả không được điều phục, không quen sống mà không có dục lạc. Vị ấy giống như một con bê bị thắng vào cỗ xe thì luôn muốn chạy khỏi con đường. Trước khi bước vào thiền tập, tâm của vị ấy thường xuyên tiếp xúc với nhiều loại đối tượng dục lạc khác nhau như phim ảnh, âm nhạc, thức ăn thượng vị và đời sống xã hội thú vị. Và tâm vị ấy chỉ đắm chìm vào đấy. Nhưng giờ đây, không có phim ảnh, không có âm nhạc, v.v.. để vui mắt, thích tai v.v… của vị ấy, và như vậy tâm vị ấy giống như một con cá bị bắt ra khỏi nước và để trên đất khô, giẫy giụa trong khổ sở và mong ngóng về với nước. Giờ đây, hơi thở vào và hơi thở ra giống như nền đất khô vậy, quá đơn điệu và không thỏa mãn cái tâm luôn mong cầu dục lạc của vị ấy. Trong khi ngồi thiền, thay vì tập trung trên hơi thở, vị ấy dành nhiều thời gian để nhớ tưởng các thú vui mà mình đã tận hưởng hay mong đợi hưởng thụ dục lạc trong tương lai. Nhưng điều này chỉ khiến lãng phí thời gian và chẳng có ích lợi gì cho việc tu dưỡng tâm mình. Thậm chí cho dù vị ấy có thực hành cách này cả đời thì cũng sẽ chẳng có tiến bộ gì cả.
Vì vậy, để khắc phục thói quen xấu, hành giả nên lặp đi lặp lại việc đem tâm quay về với hơi thở, giữ tâm trên đó càng lâu càng tốt. Theo cách này, hành giả bắt đầu tu tập thói quen mới và việc định trên hơi thở. Nó giống như người chăn bò mong muốn thuần phục một con bê hoang được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa của một con bò mẹ. Người ấy dẫn con bê khỏi bò mẹ, đến một cột trụ được đóng chặt xuống đất và buộc con bê vào đấy. Khi con bê nhảy qua nhảy lại, nó thấy không thể nào chạy thoát khỏi cột trụ. Cuối cùng nó mệt mỏi vì việc kháng cự và ngồi hay nằm xuống ngay tại cột trụ. Tương tự vậy, người nào muốn điều phục cái tâm hoang dại đã lâu ngày được các đối tượng sắc và dục lạc khác nuông chìu, nay đưa tâm mình ra khỏi chốn ấy và dấn vào rừng sâu, đến một gốc cây hay đến một nơi thanh vắng. Rồi vị ấy buộc tâm mình vào một cột trụ là đối tượng của một niệm xứ, như là hơi thở, bằng sợi dây thừng chánh niệm. Tâm của vị ấy cũng sẽ chạy đây, chạy đó. Khi nó không thể đạt được đối tượng quen thuộc xưa nay và thấy không thể rứt bỏ sợi dây thừng chánh niệm để cao chạy xa bay, cuối cùng nó sẽ ngồi xuống ngay tại đối tượng ấy bằng cận định hoặc an chỉ định.
Vậy nên các nhà chú giải xưa đã nói:
“ Mục đồng muốn chăn luyện bê hoang
cần cột bê vào cọc chắc thế nào,
Đây cũng vậy, hành giả cần
dùng dây niệm buộc chặt tâm vào đề mục ” .
Theo trên, trú xứ ấy là thích hợp cho hành giả. Vì vậy, nó được nói: “Điều này chỉ rõ trú xứ nào là thích hợp cho hành giả huân tập và phát triển chánh niệm.”
Niệm hơi thở không dễ thành tựu nếu không rời xa vùng lân cận làng xóm bởi âm thanh là một chướng ngại với thiền Định. Ở một nơi không có dân cư, rất dễ cho một hành giả ghi nhận đề mục thiền này. Vì thế, Đức Thế tôn đã chỉ rõ trú xứ thích hợp bằng cụm từ: “..đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến một nơi vắng vẻ…”.
Đức Phật giống như một bậc Thầy về nghệ thuật xây dựng những cảnh trí vì Ngài đã chỉ ra trú xứ thích hợp cho các hành giả.
Như bậc Thầy về nghệ thuật xây cất quan sát cảnh trí dự định cho một thành phố, ngắm thật kỹ lưỡng khung cảnh ấy từ các phía, và chỉ dẫn “ Hãy xây dựng thành phố tại đây ” . Và khi việc xây dựng thành phố đã hoàn tất, vị ấy được thanh danh lớn từ các gia đình hoàng thân. Cũng vậy, Ðức Thế Tôn sau khi xem xét từ mọi phương diện về một trú xứ thích nghi cho hành giả, và Ngài chỉ dẫn: “ nên chọn đề mục thiền này ” . Và về sau, khi thiền giả đã tu tập đề mục thiền và đắc A-la-hán quả, nói: “ Chắc chắn rồi, Ðức Thế tôn quả thực là Ðấng Toàn Giác ” , Ðức Thế tôn nhận được danh xưng lớn.
Vị Tỷ-kheo được ví như một con báo. Cũng giống con báo, vị ấy sống một mình trong rừng và thành tựu mục tiêu của mình bằng cách vượt qua tất cả những gì đối nghịch với mình, ấy là các thú vui.
Một con báo lớn chúa tể loài báo, trốn trong một rừng cỏ, rừng cây hay ngọn đồi rậm để bắt các dã thú trâu rừng, bò rừng, heo, và các dã thú khác v.v… Cũng vậy, vị Tỷ-kheo dâng trọn bản thân tu tập đề mục thiền trong rừng sẽ đạt được tuần tự Bốn Thánh Đạo và Bốn Thánh Quả. Bởi thế các nhà chú giải ngày xưa đã nói:
Như con báo rừng bắt các dã thú
Vị đệ tử của Phật
Với Trí Tuệ, tinh cần
Nhờ ẩn vào rừng sâu
Ðược Quả vị tối thượng.
Bởi thế, Đức Thế Tôn dạy: “ …đi vào khu rừng ” v.v… là để nêu rõ trú xứ thích hợp để việc nỗ lực hành thiền có kết quả.
Mặc dù lúc này đây quý vị không ở trong rừng hay nơi một cội cây, và ở nơi này đây, các hành giả đông đúc, nếu quý vị có thể phớt lờ sự hiện diện của người khác, dẹp bỏ tất cả mọi việc qua một bên và chỉ hay biết duy nhất vào đề mục thiền của mình, thì nơi này sẽ như nơi vắng vẻ của quý vị. Thêm nữa, thiền tập thể giúp quý vị đánh thức sự tinh cần và thiền nhanh tiến bộ hơn.
“Lưng thẳng” có nghĩa là giữ cho cột sống ở vị trí mà các đốt xương sống chồng lên nhau thẳng đứng. Thân được giữ thẳng từ phần hông trở lên. Đức Phật khuyến cáo tư thế này vì nó là tư thế vững chắc và thoải mái nhất, và giúp giữ tâm hành giả an tịnh nhưng tỉnh táo.
Thế nào là “…an trú niệm vào đề mục thiền của mình...”? Nó có nghĩa là trụ tâm mình bằng cách hướng nó vào đề mục thiền. Ví dụ như khi đang thực hành niệm hơi thở (ānāpānasati), quý vị cần an trú niệm vào hơi thở. Nếu đang thực hành thiền tứ đại, quý vị cần an trú niệm vào tứ đại. Quý vị nên hướng sự chú ý vào đề mục thiền của mình, chứ không phải về gia đình của mình.
“Tỉnh giác, vị ấy thở vô; tỉnh giác, vị ấy thở ra.” có nghĩa là vị ấy thở vào và thở ra mà không từ bỏ niệm hay sự tỉnh giác. Niệm thì rất quan trọng. Ở đây, niệm có nghĩa là nhớ. Nếu duy trì việc nhớ hơi thở quanh lỗ mũi hay trên đỉnh môi trên, sự chánh niệm và định tâm của quý vị sẽ ngày càng mạnh hơn. Khi định tiến bộ, quý vị sẽ thấy tướng (nimitta). Nếu tập trung trên tướng vững cố, quý vị sẽ đạt hết cả bốn bậc thiền.
Quý vị nên tỉnh giác thở vào như thế nào? Quý vị nên tỉnh giác thở ra như thế nào? Đức Phật hướng dẫn:
“Thở vô dài, vị ấy rõ biết: “ Tôi thở vô dài ” ; hay thở ra dài, vị ấy rõ biết: “ Tôi thở ra dài ” .”
Vị ấy hít vào một hơi thở dài qua thời gian diễn tiến dài, vị ấy thở ra một hơi thở dài qua thời gian diễn tiến dài, và vị ấy hít vào và thở ra những hơi thở dài qua thời gian diễn tiến dài.
Khi vị ấy hít vào và thở ra từng hơi thở dài, qua thời gian diễn tiến của mỗi hơi thở, sự nhiệt tình (chanda) vốn rất quan trọng trong hành thiền, khởi lên nơi vị ấy. Với tâm nhiệt tình, vị ấy hít vào một hơi thở dài thanh tịnh hơn hơi thở trước qua thời gian diễn tiến dài của hơi thở. Với tâm nhiệt tình, vị ấy thở ra một hơi thở dài thanh tịnh hơn hơi thở trước qua thời gian diễn tiến dài của hơi thở. Và với tâm nhiệt tình, vị ấy hít vào và thở ra những hơi thở dài thanh tịnh hơn hơi thở trước qua thời gian diễn tiến dài của hơi thở.
Khi với tâm nhiệt tình, vị tỷ kheo hít vào và thở ra những hơi thở dài, hơi thở sau nhẹ nhàng hơn hơi thở trước, sự thích thú (hỷ, pīti) sẽ khởi sinh nơi vị ấy. Với tâm hoan hỷ, vị ấy sẽ hít vào hơi thở dài vi tế hơn hơi thở trước qua suốt thời gian diễn tiến của hơi thở. Với hỷ, vị ấy sẽ thở ra hơi thở dài tịnh hơn hơi thở trước qua suốt thời gian diễn tiến của hơi thở. Và với hỷ, vị ấy sẽ hít vào và thở ra những hơi thở dài, hơi thở sau vi tế hơn hơi thở trước qua suốt thời gian diễn tiến của hơi thở.
Hoan hỷ trong khi hành thiền (pīti) vốn rất quan trọng để có định cao hơn. Nếu quý vị chưa từng có hỷ trong khi đang thiền, Định của quý vị không thể cải thiện. Khi nào thì hỷ mới khởi sinh? Khi quý vị loại bỏ được trạo cử và phóng tâm, và có thể tập trung trên đối tượng hơi thở vi tế suốt thời gian diễn tiến của mỗi hơi thở dài vi tế, định của quý vị sẽ cải thiện và khi định dần trở nên sâu hơn, hỷ (pīti) sẽ khởi sinh trong tâm hành giả.
Và khi vị tỷ kheo hít vào và thở ra những hơi thở dài với hỷ, hơi thở dài sau sẽ vi tế hơn hơi thở dài trước, lúc ấy tâm của vị ấy sẽ tự động rời khỏi hơi thở vào, ra dài mà chuyển sang tợ tướng, và an trú trên đấy với trạng thái xã, upekkhā.
Tiến trình hành thiền tương tự trong đoạn kinh văn cho hơi thở ngắn, bằng cách chỉ thay “hơi thở dài” bằng “hơi thở ngắn” vì có khi hơi thở là dài, có lúc ngắn. Điều này là tự nhiên thôi.
Thở vô ngắn, vị ấy hiểu rõ: “ Tôi thở vô ngắn ” ; hay thở ra ngắn, vị ấy hiểu rõ: “ Tôi thở ra ngắn ” .
Như trong đoạn Kinh văn:
“Vị ấy tập như vầy: “Cảm giác rõ ràng toàn thân hơi thở, tôi sẽ thở vô ” . Vị ấy tập như vầy; “ Cảm giác rõ ràng toàn thân hơi thở, tôi sẽ thở ra”.
Vị ấy tập luyện với ý nghĩ như sau: “tôi sẽ vừa hít vào vừa làm cho mình biết và rõ về điểm bắt đầu, đoạn giữa và điểm kết thúc của toàn bộ thân mỗi hơi thở vào. Tôi sẽ vừa thở ra vừa làm cho mình biết và rõ về điểm bắt đầu, đoạn giữa và điểm kết thúc của toàn bộ thân mỗi hơi thở ra. Và như thế vị ấy hít vào và thở ra với tâm hợp Trí giúp mình biết rõ về hơi thở.
Trong trường hợp này quý vị không nên hiểu lầm rằng quý vị nên ghi nhận hơi thở theo cách: “đây là điểm bắt đầu, đây là đoạn giữa, đây là điểm kết thúc”. Chỉ việc biết toàn bộ hơi thở một cách liên tục là đủ rồi.
Đối với một hành giả, trong hơi thở vô và hơi thở ra bị yếu ớt hay tán loạn, chỉ có điểm bắt đầu là rõ, còn đoạn giữa và điểm cuối không được rõ. Vị ấy có thể chỉ nắm bắt được điểm bắt đầu, và gặp khó khăn với đoạn giữa và điểm kết thúc. Với vị khác thì chỉ có đoạn giữa là rõ, còn điểm bắt đầu và điểm kết thúc thì không rõ. Với một vị thứ ba nữa là chỉ có điểm kết thúc là rõ, điểm bắt đầu và đoạn giữa là không rõ. Vị ấy gặp khó khăn với điểm bắt đầu và đoạn giữa. Nhưng với một vị thứ tư nữa là cả ba giai đoạn đều rõ với vị ấy và vị ấy có thể nắm bắt được hết cả ba. Vị ấy chẳng gặp rắc rối nào ở đâu cả. Để chỉ ra rằng nên phát triển đề mục thiền này theo mẫu hành giả thứ tư, Đức Phật mới dạy: “Vị ấy tập như vầy: “Cảm giác rõ ràng toàn thân hơi thở, tôi sẽ thở vô ” . Vị ấy tập như vầy: “ Cảm giác rõ ràng toàn thân hơi thở, tôi sẽ thở ra.””
Vào giai đoạn đầu của thiền này, chẳng có việc gì khác cần làm ngoài việc thở vào và thở ra, được dạy như sau: Khi vị ấy hít vào hơi thở dài, vị ấy hiểu rõ: “Tôi hít vào dài”. Khi thở ra một hơi thở dài, vị ấy hiểu rõ: “Tôi thở ra dài”. Khi hít vào một hơi thở ngắn, vị ấy hiểu rõ: “Tôi hít vào ngắn”. Khi thở ra một hơi thở ngắn, vị ấy hiểu rõ: “Tôi thở ra ngắn”. Sau đó, vị ấy nên nỗ lực để khởi sinh Trí Tuệ và hơn nữa, vì thế mà điều này được nói đến:“Tôi sẽ vừa hít vào vừa cảm giác rõ ràng toàn thân hơi thở”. Biết rõ hơi thở là phần Tuệ học; tập trung trên hơi thở là phần Định học; chế ngự tâm khỏi các phiền não là phần Giới học. Vị ấy nên nỗ lực thành tựu tam học này trong khi thở.
Như trong đoạn kinh văn:
Vị ấy tập như vầy: “ Tôi sẽ vừa hít vào vừa an tịnh toàn thân hành của hơi thở ” . Vị ấy tập như vầy: “ Tôi sẽ vừa thở ra vừa an tịnh toàn thân hành của hơi thở ” .
Vị ấy nghĩ rằng: Tôi sẽ vừa hít vào, thở ra vừa khiến cho hoạt động hít vào thở ra được yên lặng, êm dịu, khinh an và tĩnh lặng. Theo cách này, vị ấy luyện tập chính mình.
Liên hệ phần này, tính thô tháo, tính vi tế và an tịnh nên được hiểu như vầy: nếu không có nỗ lực chú niệm, thân tâm của Tỷ-kheo này sẽ mệt nhọc và thô tháo. Hơi thở vào và ra cũng sẽ thô tháo và không an tịnh. Cánh mũi của vị ấy cũng trở nên chật chội và vị ấy phải thở bằng cả miệng. Nhưng khi thân và tâm được kiểm soát, chúng sẽ trở nên yên lặng và an tịnh. Khi chúng đang nghĩ ngơi, việc thở trở nên vi tế đến nổi hành giả nghi ngờ xem mình có đang thở không.
Ví như một người đứng yên lại sau khi chạy xuống đồi, đặt một gánh nặng đang đội trên đầu xuống, thì khi ấy những hơi thở vô ra của người ấy còn thô tháo. Hai cánh mũi trở nên không đủ, người đó thở cả bằng miệng nữa. Nhưng khi vị ấy đã hết cơn mệt, đã uống nước, tắm rửa, đắp một mảnh vải ướt nơi ngực, nằm xuống trong bóng mát, thì những hơi thở ra vào của người ấy trở nên vi tế đến nổi vị ấy không biết được nó có đang hiện hữu không. Vị Tỷ-kheo cũng vậy, hơi thở của vị ấy trở nên quá vi tế sau khi vị ấy dấn thân vào thực hành chú niệm hơi thở đến mức vị ấy khó nói được liệu mình có đang thở hay không. Tại sao vậy? Khi chưa hành thiền, vị ấy không giác tri, tập trung, suy tư hay nghĩ về vấn đề tịnh chỉ hơi thở thô tháo. Nhưng khi thực hành, vị ấy mới làm. Vì vậy, hoạt động thở trở nên vi tế trong khi hành thiền hơn lúc không thực hành. Vì thế mà các nhà chú giải xưa có nói: “ Khi tâm và thân giao động, Thì hơi thở gấp. Nhưng khi thân không giao động, Thì hơi thở vi tế ” .
Làm cách nào vị ấy luyện tập chính mình với suy nghĩ: “Tôi sẽ vừa hít vào vừa an tịnh toàn thân hành của hơi thở. Tôi sẽ vừa thở ra vừa an tịnh toàn thân hành của hơi thở”. Gì là các thân hành của toàn bộ hơi thở (kāyasaṅkhāra)? Những gì thuộc về hơi thở, vốn gắn liền với hơi thở là các thân hành của toàn bộ hơi thở. Vị ấy luyện tập để khiến cho thân hành của toàn bộ hơi thở trở nên yên lặng, trở nên êm dịu và an tịnh. Vị ấy vừa luyện tập mình vừa suy nghĩ như vầy: “Làm an tịnh các thân hành của toàn bộ hơi thở bằng cách làm lắng yên các hoạt động của thân thể như đổ tới, đổ lui, nghiêng qua, nghiêng lại, đủ hướng và vừa an chỉ các cử động, lung lay, rung động, rùng mình của thân thể, tôi sẽ hít vào và thở ra. Tôi sẽ vừa hít vào và thở ra vừa làm cho an tịnh các thân hành của toàn bộ hơi thở bằng bất cứ hoạt động nào tĩnh lặng và êm ái của thân thể như không nghiêng người tới, đổ người lui, không nghiêng qua, đổ lại, như không cử động, lung lay, không rung động, rùng mình”.
Vậy là tôi đã chỉ cho quý vị bốn giai đoạn để phát triển định nhờ niệm hơi thở, ấy là tập trung trên:
1.Hơi thở dài
2.Hơi thở ngắn
3.Toàn bộ hơi thở, và
4. the subtle breath.
Trong trường hợp này quý vị nên hiểu rằng có thể kết hợp cả ba giai đoạn, dài, ngắn và vi tế trong một. Nó có nghĩa là trong khi quý vị đang thở những hơi thở dài vi tế, quý vị nên gắng biết rõ toàn bộ hơi thở dài vi tế này. Nếu hơi thở chưa trở nên vi tế, quý vị nên nhắc tâm nhớ về ý muốn có hơi thở vi tế. Nếu cố gắng cách này, khi định cải thiện, toàn bộ thân hơi thở sẽ trở nên vi tế. Lúc ấy với tâm thật nhiệt tình, quý vị nên biết rõ toàn bộ thân hơi thở dài vi tế ấy. Nếu thực hành như vậy, quý vị có thể thành công trong chứng đạt thiền.
Cũng có thể kết hợp ba giai đoạn, hơi thở ngắn, toàn bộ thân hơi thở và hơi thở vi tế trong một. Trong khi đang thở những hơi thở dài vi tế, quý vị nên biết rõ cả ba, hơi thở dài, toàn bộ thân hơi thở và hơi thở vi tế cùng nhau. Và trong khi đang thở những hơi thở ngắn vi tế, quý vị nên gắng biết rõ toàn bộ thân hơi thở ngắn vi tế. Nếu quý vị thực hành cách này với đủ sự nhiệt tình và hoan hỷ, định của quý vị sẽ cải thiện. Khi định cải thiện, hơi thở sẽ dần tế vi hơn. Lúc ấy không nên thất vọng với ý nghĩ rằng: “Ôi, hơi thở của tôi không rõ ràng.” Vì chúng sẽ làm cho bạn bực dọc. Kết quả là định của quý vị sẽ thối giảm. Thật ra, rất tốt khi hơi thở trở nên vi tế. Tại sao? Nếu lúc ấy ấn tướng (Nimitta) xuất hiện, và tâm quý vị dán vào nó, quý vị sẽ không bị hơi thở chi phối. Còn nếu hơi thở còn thô tháo, quý vị có thể biết nimitta cũng như hơi thở; tâm sẽ có hai đối tượng. Với hai đối tượng, tâm quý vị không được gom về một điểm, và định sẽ không cải thiện. Vì thế, quý vị nên hài lòng khi hơi thở trở nên vi tế hơn.
Tuy nhiên quý vị không được cố tình làm cho hơi thở dài, ngắn, hay vi tế. Nếu làm vậy Tinh tấn giác chi và Trạch pháp giác chi sẽ trở nên trội hơn. Khi hai giác chi này trội hơn, định sẽ thối giảm. Vì vậy mà quý vị nên để cho việc thở của mình diễn tiến tự nhiên. Đây là điều tốt nhất. Có lúc hơi thở là dài, có lúc thì ngắn. Không vấn đề. Dù hơi thở là dài hay ngắn, quý vị nên cố biết rõ toàn bộ thân hơi thở. Khi định tiến thêm nữa, quý vị nên cố biết rõ toàn bộ thân hơi thở vi tế. Khi nó là dài, quý vị nên cố biết rõ toàn bộ thân hơi thở vi tế dài. Khi nó là ngắn, quý vị nên cố biết rõ toàn thân hơi thở vi tế ngắn.
Nếu có thể tập trung trên toàn bộ thân hơi thở vi tế cho được hơn một hay hai tiếng đồng hồ cho mỗi thời ngồi, định của quý vị sẽ tiến cao hơn nữa. Lúc ấy quý vị nên quan tâm đặc biệt đến việc thực hành liên tục. Xin hãy dừng suy tư. Xin hãy dừng nói chuyện. Trong mọi oai nghi, đi, đứng, ngồi hay nằm, quý vị đều phải tập trung chỉ trên hơi thở mà thôi. Quý vị không nên chú ý đến bất kỳ đối tượng nào khác.
Nếu quý vị có thể tập trung vào toàn bộ thân hơi thở vi tế, dù dài hay ngắn, liên tục cho được hơn một tiếng đồng hồ trong mỗi thời ngồi liên tục suốt ba ngày, thường thì nimitta sẽ xuất hiện. Với một số hành giả, nimitta xuất hiện trước, tuy nhiên với số khác thì ánh sáng xuất hiện trước. Quý vị nên phân biệt nimitta với ánh sáng. Chúng là hai thứ khác nhau, ví như mặt trời và ánh sáng mặt trời vậy.
Ánh sáng thì ở khắp mọi nơi, có ở mọi hướng quanh thân quý vị. Ngoại trừ thức tái sanh, mọi tâm sanh lên nương nhờ nơi sắc ý căn sản sinh ra rất nhiều tổng hợp sắc (kalāpa), là các hạt cực nhỏ, được gọi là tổng hợp sắc do tâm sanh. Nếu phân tích các tổng hợp sắc này, quý vị sẽ thấy ít nhất tám yếu tố sắc, ấy là, đất, nước, lửa, gió, màu, mùi, vị và dưỡng chất. Nếu tâm ấy là một tâm định và mạnh mẽ, màu của các tổng hợp sắc do tâm định này sinh sẽ phát sáng. Ngoài ra, yếu tố lửa (nhiệt) trong các tổng hợp sắc ấy sẽ sản sinh nhiều tổng hợp sắc mới được gọi là sắc do nhiệt sanh vốn lan tỏa không chỉ khắp trong thân mà còn tỏa ra bên ngoài. Trong mỗi tổng hợp sắc này còn có yếu tố màu phát sáng thành ánh sáng. Khi tâm có định vững chắc và mạnh mẽ, ánh sáng lan tỏa rất xa. Khi định yếu hơn, ánh sáng chỉ lan tỏa ra vài inch. Màu của các tổng hợp sắc do tâm sanh thì chỉ tỏa sáng bên trong, trong khi màu của các tổng hợp sắc do nhiệt sanh thì tỏa chiếu cả bên trong lẫn bên ngoài. Sự kết tụ của những màu phát sáng này hình thành ánh sáng xuất hiện quanh thân quý vị ở mọi hướng.
Dẫu sao quý vị cũng không nên tập trung vào ánh sáng, mà chỉ vào hơi thở. Lúc hơi thở thường trở nên vi tế, để biết hơi thở vi tế này, tấn, niệm và trạch pháp mạnh là rất cần thiết. Nếu biết được rõ ràng hơi thở vi tế nhờ các căn này mạnh, định của quý vị sẽ tăng thịnh. Khi định tăng thịnh, thông thường nimitta của hơi thở sẽ xuất hiện, và nó chỉ xuất hiện trước lỗ mũi.
Nimitta của hơi thở là gì? Khi định tăng trưởng, hơi thở của quý vị sẽ xuất hiện như là một nimitta. Hơi thở cũng do tâm sanh. Nếu phân tích tứ đại của hơi thở, quý vị cũng sẽ thấy được ít nhất có chín yếu tố sắc, đó là đất, nước, lửa, gió, màu, mùi, vị, dưỡng chất và âm thanh. Yếu tố màu của hơi thở lúc này phát sáng. Như tôi đã giải thích bên trên, yếu tố lửa (nhiệt) của các tổng hợp sắc này còn sản sinh ra các tổng hợp sắc mới với yếu tố màu phát sáng. Chính màu phát sáng của các tổng hợp sắc ấy tạo thành nimitta.
Khi lần đầu nimitta xuất hiện, nó thường không ổn định. Lúc ấy, quý vị không nên tập trung vào nó, chỉ tập trung vào hơi thở thôi. Khi định trên hơi thở trở nên ổn định và đủ sâu, nimitta lúc ấy cũng sẽ trở nên ổn định. Lúc đầu nimitta có màu xám xám. Khi định cải thiện, nimitta có màu trắng, và sau đó có màu trong, nimitta có màu trong đó được gọi là tợ tướng, paṭibhāga nimitta. Tùy thuộc vào tưởng của quý vị, mà nimitta sẽ thay đổi về hình dáng và màu sắc. Có lúc nó có thể dài, có lúc nó có thể tròn, đôi khi nó có màu đỏ, đôi khi nó có màu vàng. Dẫu sao quý vị cũng không nên chú ý đến màu hay hình dáng này, nếu không nó sẽ tiếp tục thay đổi. Nếu vậy, định sẽ thối giảm, quý vị sẽ không chứng thiền. Vì thế, quý vị nên tập trung trên hơi thở của mình cho đến khi tợ tướng hợp nhất với hơi thở và tâm của quý vị tự động dính vào tợ tướng. Lúc này quý vị chỉ nên tập trung vào nimitta thôi, mà không vào hơi thở. Nếu quý vị khi thì tập trung vào nimitta, khi thì tập trung vào hơi thở, định sẽ dần mất đi.
Lại nữa quý vị không nên để ý đến các đặc tính nào đó của tứ đại trong hơi thở cũng như trong nimitta, như là cứng, nhám, nặng, mềm, trơn, nhẹ, chảy, kết dính, nóng, lạnh, nâng đỡ và đẩy. Nếu chú ý đến những đặc tính này là quý vị đang hành thiền Tứ đại vậy, mà không phải thiền Niệm hơi thở.
Lại nữa, quý vị không nên chú ý hơi thở hay nimitta như là Vô thường, Khổ hay Vô ngã. Chúng là tướng chung. Tại sao? Các đối tượng của Vipassanā là các hành, saṅkhāra. Chúng là các sắc pháp, danh pháp và các nhân của chúng. Hơi thở và nimitta không phải là các sắc chân đế, mà chỉ là tính khối tưởng. Vì vậy chúng không phải là đối tượng của Vipassanā. Nếu chú ý đến chúng như là Vô thường, Khổ hay Vô ngã thì quý vị không đang hành Chỉ hay Quán gì cả.
Nếu nimitta của hơi thở có màu trăng trắng và sau đó nếu có thể tậo trung tốt vào nó, nó có thể trắng hơn và dần sáng như sao mai. Tâm của quý vị rồi sẽ tự động chìm vào trong nimitta ấy. Nếu tâm của quý vị chìm hẳn vào nimitta và trú yên trong ấy một thời gian lâu, thì trạng thái định ấy được gọi là an chỉ định. Đối với hành giả sơ cơ, đây là giai đoạn rất quan trọng. Tiến trình tương tự cũng được áp dụng với các nimitta có những màu khác.
Có hai loại định: cận định (upacārajhāna) và an chỉ định (appanā jhāna). An chỉ định là trạng thái định hoàn toàn không gián đoạn của tâm lên đối tượng, như là ānāpāna paṭibhāga nimitta, tợ tướng của hơi thở. Vào giai đoạn này, không có tâm hữu phần xuất hiện giữa các sát-na tâm nhận biết tợ tướng của hơi thở. Các thiền chi lúc này đủ mạnh để giữ tâm trên đối tượng không gián đoạn. Trong cận định, tâm bắt đầu hợp nhất với đối tượng theo thời lượng tăng đều, nhưng đôi khi giữa những thời lượng này vẫn còn những lúc gián đoạn bởi các tâm hữu phần khởi sinh. Ở đây, năm thiền chi chưa đủ mạnh và sự nhất tâm chưa đủ sâu để thoát khỏi bất kỳ sự phân tâm nào.
Chú giải giải thích giai đoạn này bằng ví dụ về thai nhi Đức Chuyển Luân Thánh Vương trong bụng mẹ. Hoàng hậu khi mang thai Đức Chuyển Luân Vương, có thể thấy được con trai trong bào thai bằng đôi mắt của mình. Lúc bấy giờ bà hết sức thận trọng bảo vệ con trai khỏi tất cả các tai vạ. Cũng vậy, quý vị nên canh giữ nimitta của mình hết sức thận trọng và với sự kính trọng. Quý vị nên thực hành bằng sự nhiệt tâm, bằng Trí Tuệ và sự tỉnh giác, bởi vì một tâm biếng nhác, chểnh mãng hay thất niệm không thể làm nên sự khác biệt nào trong hành trình phát triển tâm linh. Trong mọi oai nghi, quý vị cần phải chánh niệm và tập trung trên nimitta của mình. Ví dụ như, trước khi bước đi, quý vị nên đứng ở một góc con đường, tập trung vào hơi thở. Khi nimitta xuất hiện và ổn định, quý vị nên tập trung vào nó. Khi định của quý vị trở nên mạnh và cực mạnh, quý vị nên bước đi chậm trong khi tâm vẫn tập trung vào chỉ nimitta thôi.
Khả năng tập trung trên nimitta trong mọi oai nghi là một dạng của năng lực ý chí. Quý vị có sức mạnh ý chí này. Vì thế xin hãy thực hành một cách nỗ lực. Quý vị có thể thành công. Nếu thực hành đều đặn, không lâu tâm của quý vị có thể chìm vào nimitta hoàn toàn. Đây là an chỉ định, còn gọi là bậc thiền. Mặc dù trong vài lần đầu, an chỉ định có thể không kéo dài, quý vị cũng không nên bỏ cuộc. Quý vị nên tập đi, tập lại. Nếu thực hành tinh tấn với Tuệ lực, Niệm lực mạnh, quý vị sẽ thành công trong việc duy trì định trên nimitta rất lâu.Vào giai đoạn đầu, trú lâu trong thiền cần được chú trọng nhiều hơn, ngược lại, việc suy xét các thiền chi cần được chế ngự. Nếu suy xét về các thiền chi thường xuyên, định của quý vị sẽ giảm. Vì thế xin hãy cố trú trong an chỉ định càng lâu càng tốt.
An chỉ định của quý vị cần phải ổn định và sâu. Khi nó ổn định và sâu liên tục cho được một hay hai giờ đồng hồ, đấy là một thành tựu tốt đẹp. Tôi muốn khuyên quý vị nên thực tập cho đến khi nào quý vị có thể trú trong an chỉ định cho được ít nhất ba giờ đồng hồ. Nếu quý vị có thể an trú trong nimitta đựơc hơn một giờ, hai giờ hay ba giờ trong mỗi thời ngồi, trong ba ngày liên tục, lúc ấy quý vị có thể suy xét về các thiền chi. Để làm vậy, trước tiên quý vị nên trú trong an chỉ định cho được hơn một tiếng. Sau khi xuất khỏi an chỉ định này, quý vị nên trực nhận phần bên trong trái tim để phân biệt Bhavaṅga ý căn hay tâm hữu phần, vốn sinh khởi nương nơi sắc ý căn (heart-base). Lúc đầu, thông thường nhiều hành giả sẽ chưa phân biệt được Bhavaṅga với nimitta. Khi họ trực nhận Bhavaṅga, họ sẽ thấy cũng nimitta ấy ở trong trái tim. Họ nghĩ ấy là Bhavaṅga. Nhưng thật ra nó không phải là Bhavaṅga, Bhavaṅga giống như tấm gương soi trong trái tim.
‘Pabhāsara midaṁ bhikkhave cittaṁ’ –
“Này các tỷ kheo, tâm Bhavanga là sáng rực.”
Điều này đựơc đề cập trong chương Accharāsaṅghāta của Tăng chi bộ. Bhavaṅga là một loại tâm. Nó không phải là ánh sáng, nhưng nó sản sinh ra ánh sáng rực rỡ. Nó có thể sinh ra các tổng hợp sắc do tâm sanh. Và yếu tố lửa (hay nhiệt) trong các tổng hợp sắc này tiếp tục sinh ra nhiều tổng hợp sắc mới, do nhiệt sanh. Yếu tố màu trong hai dạng tổng hợp sắc này hiệp lại, phát sáng. Mức độ phát sáng tùy thuộc vào Tuệ lực tương ứng với tâm Bhavaṅga. Tuệ lực càng cao, ánh sáng càng mạnh. Vì thế nếu nghiệp lực sản sinh ra Bhavaṅga là thuộc Tuệ Minh Sát, Tuệ lực sẽ rất mạnh, và ánh sáng sẽ rất mạnh và rực rỡ. Do vậy mà Bhavaṅga là một thứ, và ánh sáng là một thứ khác.
Quý vị nên suy xét Bhavaṅga trong vài giây thôi, vì suy xét lâu, như hai hay ba phút chẵng hạn, tim quý vị có thể nhói đau và định sẽ giảm. Vậy nên nếu có thể suy xét Bhavaṅga trong vài giây, thì tốt rồi. Còn nếu chưa được, quý vị nên chú tâm trở lại trên nimitta của hơi thở cho đến khi an chỉ định của quý vị thật sâu và nimitta sáng rực trở lại. Lúc này quý vị có thể thử suy xét Bhavaṅga lần nữa. Nếu thực tập, thực tập lại cách này quý vị sẽ có thể trực nhận được Bhavaṅga. Khi có khả năng trực nhận được Bhavaṅga, quý vị nên tập trung lại vào nimitta cho đến khi an chỉ định của quý vị thật sâu và nimitta sáng mạnh. Và rồi khi trực nhận Bhavaṅga, quý vị sẽ thấy rằng nimitta xuất hiện bên trong Bhavaṅga, giống như khi mình nhìn vào tấm gương soi, quý vị sẽ thấy gương mặt mình. Và rồi quý vị nên trực nhận năm thiền chi, ấy là tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm.
1.Tầm (vitakka): là trạng thái hướng và đặt tâm trên đối tượng, nimitta của hơi thở
2.Tứ (vicāra): là trạng thái duy trì tâm trên đối tượng.
3.Hỷ (pīti): là trạng thái thích thú đối với đối tượng.
4.Lạc (sukha): là trạng thái an vui với đối tượng.
5.Nhất tâm (ekaggatā): là trạng thái hợp nhất của tâm vào đối tượng.
Khi quý vị trực nhận năm thiền chi này, trước hết quý vị nên trực nhận từng thiền chi một. Sau khi đã trực nhận được từng thiền chi một, quý vị có thể trực nhận được năm thiền chi cùng lúc. Nếu quý vị có thể thực hành bước này tốt rồi, quý vị nên phát triển năm Pháp thuần thục.
Pháp thuần thục đầu tiên quý vị nên thực hành là nhập định bất kỳ lúc nào quý vị muốn. Thứ hai là xuất khỏi định bất kỳ lúc nào mình muốn. Thứ ba là quý vị trú trong định cho được một giờ, hai giờ, ba giờ theo quyết định của mình Pháp thuần thục thứ tư và thứ năm thực sự được thực hiện trong cùng một bước, đó là, suy xét các thiền chi bất kỳ khi nào quý vị muốn và kỹ năng suy xét các thiền chi bằng ý căn hướng tâm được gọi là Pháp thuần thục hướng tâm đến các thiền chi, còn kỹ năng suy xét các thiền chi bằng các tốc hành tâm trong cùng tiến trình tâm suy xét thiền chi với ý căn hướng tâm, được gọi là Pháp thuần thục trong xét duyệt các thiền chi. Đây là sự khác nhau duy nhất. Nếu có thể thành công với năm Pháp thuần thục này, quý vị có thể thực hành lên nhị thiền, tam thiền, tứ thiền một cách có hệ thống. Trong sơ thiền, hơi thở trở nên vi tế, ở nhị thiền hơi thở vi tế hơn, ở tam thiền hơi thở vi tế hơn nữa, và đến tứ thiền hơi thở ngừng hẳn.
Tôi đã hỏi nhiều thiền sinh bậc thiền nào họ cho là tốt nhất. Rất nhiều vị nói là nhị thiền là được hơn sơ thiền, tam thiền thì thích hơn nhị thiền, nhưng tứ thiền là tuyệt nhất trong bốn bậc thiền.
Sự thành tựu này là do năng lực ý chí. Mọi người đều có năng lực ý chí. Quý vị nên thực hành một cách tinh tấn trong Giáo Pháp của Đức Phật vốn là một cơ hội hiếm thay (viriyavato kiṃ nāma kammaṃ na sijjhati!). Với một người có nỗ lực lớn lao, có đủ quyết tâm và Trí Tuệ, với người ấy không có gì là không thể đạt được cả. Nếu quý vị nỗ lực thực hành, mọi cái đều trở thành “có thể” cho quý vị. Quý vị có thể thành công trong chứng đạt hết bốn tầng thiền.
Sau khi đạt được tứ thiền, nếu muốn thực hành các đề mục thiền chỉ khác, như là mười biến xứ (hay kasiṇa), bốn Phạm trú, quý vị có thể thực tập chúng dễ dàng. Nếu muốn thực hành Vipassanā dựa trên tứ thiền của Niệm hơi thở, quý vị cũng có thể thực hành tiếp như vậy. Có hai dạng thực hành Vipassanā dựa vào tứ thiền niệm hơi thở: dạng assāsapassāsa kammika và dạng jhānakammika. Họ dịch assāsapassāsa kammika là người thực hành niệm hơi thở và jhāna kammika như là hành giả thực hành thiền chỉ. Phần phiên dịch này chưa chính xác. Vì thế tôi sẽ giải thích làm cách nào hai dạng hành giả này thực hành Vipassanā dựa trên tứ thiền.
Trong thiền chỉ, có bốn mươi đề mục, nhưng trong Vipassanā, chỉ có hai đề mục, ấy là phân biệt sắc (rūpakammaṭṭhāna) và phân biệt danh (nāmakammaṭṭhāna). Đôi khi họ còn gọi là rūpa pariggaha và arūpa pariggaha một cách tương ứng. Nếu một hành giả đã đạt đến tứ thiền Ānāpāna (thiền niệm hơi thở), rồi hành phân biệt sắc trước, người ấy được gọi là hành giả assāsapassāsa kammika. Nếu hành giả phân biệt danh trước, vị ấy phải phân biệt năm thiền chi trước, và vị ấy được gọi là hành giả jhānakammika.
Một hành giả Assāsapassāsa Kammika (tức là hành giả phân biệt sắc trước), sau khi rời khỏi tứ thiền Ānāpāna (tức tứ thiền thiền Niệm hơi thở), đi phân biệt mười hai đặc tính của tứ đại trong hơi thở, ấy là cứng, nhám, nặng, mềm, trơn, nhẹ, chảy, kết dính, nóng, lạnh, nâng đỡ, đẩy. Nhóm lại theo mỗi đại, chúng ta có bốn đại: cứng, nhám, nặng, mềm, trơn, nhẹ hình thành ra yếu tố đất; chảy và kết dính hình thành ra yếu tố nước; nóng và lạnh hình thành ra yếu tố lửa; nâng đỡ và đẩy hình thành ra yếu tố gió. Vị ấy nên phân biệt tứ đại trong hơi thở theo trình tự có hệ thống. Nếu thực hành vậy, hành giả có thể thấy được rất nhiều tổng hợp sắc. Nếu hành giả phân tích các tổng hợp sắc ấy, có thể thấy được có ít nhất chín yếu tố sắc trong mỗi tổng hợp sắc, ấy là đất, nước, lửa, gió, màu, mùi, vị, dưỡng chất và âm thanh. Chín yếu tố sắc này được gọi là thân của hơi thở vào và hơi thở ra (assāsapassāsa kāya).
Sau khi phân biệt thân của hơi thở vào và hơi thở ra, vị ấy nên suy xét như vầy: “Dựa vào đâu mà nó sinh khởi?” Trong khi suy xét, vị ấy thấy rằng nó khởi sinh dựa trên một căn. Căn là gì? Theo Vi diệu Pháp Abhidhammā, có sáu căn, ấy là nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn và sắc ý căn (heart-base). Theo phương pháp trong Kinh tạng (Suttanta), căn là thân y sinh, tức là thân được sinh ra (karajakāya), bao gồm bốn loại sắc:
1. Sắc do nghiệp sanh, kammaja rūpa
2. Sắc do tâm sanh, cittaja rūpa
3. Sắc do nhiệt sanh, utuja rūpa
4. Sắc do vật thực sanh, āhārajarūpa
Tại sao có sự khác nhau? Vì phương pháp trong Kinh Tạng là để học sự hành, trong khi phương pháp trong Vi diệu Pháp là để cho thấy nghĩa chân xác. Chẳng hạn như khi phân biệt tứ đại trong con mắt mình một cách hệ thống, quý vị sẽ thấy sáu loại tổng hợp sắc. Một trong sáu loại này là tổng hợp sắc có thần kinh mắt là yếu tố thứ mười (gọi tắt là mắt-thập-sắc, cakkhu-dasaka-kalāpa). Nếu phân tích nó, quý vị sẽ thấy có mười yếu tố sắc của nó, ấy là đất, nước, lửa, gió, màu, mùi, vị, dưỡng chất, mạng căn và sắc thần kinh mắt (cakkhu pasāda). Trong số mười yếu tố chỉ có sắc thần kinh mắt là nhãn căn. Mặc dù chín yếu tố sắc còn lại trong mắt-thập-sắc này không phải là nhãn căn, nhưng chúng có nhãn căn đồng hành, bởi vì tất cả chúng sanh lên và diệt đi cùng lúc như một nhóm. Nếu không thể phân tích chúng, quý vị không thể phá vỡ tính khối tưởng của nhóm (samūha ghana) để thấy rõ sắc chân đế. Do không phân tích các tổng hợp sắc, chúng ta không thể thấy được nhãn căn, nên phương pháp tạng Kinh nói rằng căn là tác sanh thân, tức là thân được sinh ra (karaja kāya = produced body). Giải thích tương tự cho nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn và sắc ý căn.
Mắt thập pháp không thể sinh khởi một mình. Nếu phân biệt tứ đại trong con mắt theo trình tự hệ thống, quý vị sẽ thấy nhiều loại tổng hợp sắc. Nếu dùng tay để chạm con mắt, quý vị biết rõ cảm giác đụng chạm. Bởi vì trong con mắt có thân-thập-sắc (kāya-dasaka-kalāpa), tức là tổng hợp sắc có sắc thần kinh thân là yếu tố thứ mười. Thức thân (kāya viññāna) vốn biết cảm giác đụng chạm, khởi sanh chỉ nương nơi thân căn. Trong con mắt của quý vị, còn có các tánh-thập-sắc (bhāva-dasaka-kalāpa), tức là các tổng hợp sắc có sắc giới tánh là thứ mười. Nhờ có sắc xác định giới tính (bhāva rūpa) này mà quý vị có thể hiểu được, “đây là người nữ” và “đây là người nam”. Mắt-thập-sắc, thân-thập-sắc và tánh-thập-sắc được sanh ra do Nghiệp đời trước, nên chúng được gọi là sắc do nghiệp sanh (kammaja rūpa). Bởi vì quý vị có thể chớp mắt như ý, nên chúng ta biết rằng trong cặp mắt này của chúng ta cũng có sắc do tâm sanh (cittaja rūpa) vốn sai khiến sự biểu lộ bằng thân, tạo ra động tác chớp mắt.Trong mỗi tổng hợp sắc, có yếu tố lửa. Yếu tố lửa có thể sản sinh nhiều thế hệ các tổng hợp sắc mới, được gọi là sắc do nhiệt sanh (utuja rūpa). Trong mỗi tổng hợp sắc, đều có dưỡng chất (oja). Khi dưỡng chất có trong các tổng hợp sắc do vật thực sanh (āhārajarūpa) hỗ trợ, chính dưỡng chất này có trong các tổng hợp sắc khác, nó sản sinh ra các thế hệ tổng hợp sắc do vật thực sanh mới (āhāraja-rūpa). Vậy là trong con mắt của quý vị, có tổng cộng sáu loại tổng hợp sắc. Nếu phân tích chúng, quý vị có thể thấy, có tổng cộng năm mươi bốn loại sắc. Để phá tan tính khối tưởng, quý vị cần cố gắng để thấy năm mươi bốn loại sắc này.
Lúc ấy, quý vị nên đi trực nhận hay phân biệt (discern) sáu căn và bốn mươi hai phần thuộc thân theo cùng cách. Trong mỗi phần thuộc thân, thông thường có bốn loại sắc: sắc do nghiệp sanh, sắc do tâm sanh, sắc do nhiệt sanh và sắc do vật thực sanh.
Chú giải có giải thích gì là tác sanh thân (karaja kāya). Tác sanh thân này được hình thành từ sắc tứ đại và các sắc do tứ đại sanh. Điều có nghĩa gì? Trong mỗi tổng hợp sắc có bốn sắc tố chính, là đất, nước, lửa, gió và các sắc do tứ đại sanh như: màu, mùi, vị, và dưỡng chất. Thật ra có tổng cộng hai mươi tám loại sắc: bốn sắc tứ đại (hay bốn đại chủng) và hai mươi bốn sắc do tứ đại sanh (hay sắc y đại sanh).
Năm loại tịnh sắc, (pasāda rūpa), tức là năm loại sắc thần kinh:
1. Nhãn tịnh sắc (cakkhu-pasāda), hay sắc thần kinh mắt.
2. Nhĩ tịnh sắc (sota-pasāda), hay sắc thần kinh tai.
3. Tỷ tịnh sắc (ghāna-pasāda), hay sắc thần kinh mũi.
4. Thiệt tịnh sắc (jivhā-pasāda), hay sắc thần kinh lưỡi.
5. Thân tịnh sắc (kāya-pasāda), hay sắc thần kinh thân.
Bốn loại Hành cảnh sắc (gocāra-rūpa, sense-field materiality):
1.Màu (vaṇṇa)
2.Âm thanh (sadda)
3.Mùi (gandha)
4.Vị (rasa)
5. Dưỡng chất (ojā)
6. Sắc mạng căn (jīvitindriya)
7. Sắc trái tim, hay tâm cơ, hay sắc ý căn (hadaya-rūpa)
Hai loại sắc tánh (bhāva-rūpa):
1.Sắc tánh nam
2.Sắc tánh nữ.
Mười loại sắc không thực gồm:
1.Sắc hư không (Ākāsa dhātu)
2.Thân biểu tri (kāyaviññatti)
3.Khẩu biểu tri (vacīviññatti)
4.Sắc khinh (lahutā)
5.Sắc nhu (mudutā)
6.Sắc thích ứng (kammaññatā)
7.Sắc sinh (upacaya)
8.Sắc tiến (Santati)
9.Sắc dị (jaratā)
10.Sắc diệt (aniccatā)
Quý vị phải phân biệt tất cả các loại sắc này.
Nếu chỉ quán sắc pháp là Vô thường, Khổ và Vô ngã thì chưa đủ để cho quý vị chứng ngộ Niết-bàn. Mà quý vị còn phải quán thêm danh pháp là Vô thường, Khổ và Vô ngã nữa. Khi trực nhận danh, định bậc thiền là pháp tốt nhất để quý vị phân biệt trước tiên vì quý vị đã thành thạo trong việc phân biệt các thiền chi. Rồi thì quý vị phải trực nhận danh cõi dục giới (kammavācāra nāma) theo tâm lộ trình và tâm ngoài lộ trình. Vì thế chú giải có giải thích như sau: Lúc ấy, hành giả nhận biết danh pháp trong tập hợp các tâm hành bắt đầu từ xúc, như xúc, thọ, tưởng, hành, thức. Trong số năm tâm hành này, thọ là một uẩn, thọ uẩn. Tất cả có năm uẩn, trong số năm uẩn này, chú giải chỉ đề cập xúc và tư như là hành uẩn bởi vì chúng là các yếu tố nổi trội của hành uẩn. Khi hai yếu tố nổi trội này được đề cập, các tâm hành còn lại cũng đã được bao hàm đi theo cùng lúc. Nó giống như chuyến kinh lý của nhà vua. Khi đức vua đi đâu, đoàn tùy tùng của vua theo vua đến đấy.
Sau khi trực nhận danh và sắc, hành giả khảo sát các nhân của chúng. Vị ấy thấy rằng các nhân chính của năm thủ uẩn là vô minh (avijjā), tham ái (taṇhā), thủ (upādāna), ý hành (saṅkhāra) và nghiệp (kamma). Chúng được làm cho sinh khởi bởi vị ấy trong đời trước. Chúng tạo ra thức tái sanh cùng với bốn thủ uẩn kia trong đời sống hiện tại. Vị ấy nên gắng thấy quan hệ Nhân Quả giữa các nhân và các quả. Đây là lý Duyên Khởi. Lúc ấy, hành giả sẽ kết luận rằng danh pháp và sắc pháp chỉ là các pháp hữu vi và là pháp sinh khởi do duyên và ngoài những bản chất này ra, chúng không phải là một chúng sanh đang sống mà cũng chẳng phải là một con người. Lúc ấy hành giả vượt qua nghi ngờ về bản chất của sắc pháp và danh pháp và các nhân của chúng.
Khi đã vượt nghi, hành giả quán sát ba tướng: Vô thường, Khổ và Vô ngã của danh và sắc và các nhân của chúng, và dần dần đạt đến A-la-hán. Loại hành giả này được gọi là assāsapassāsakammika, tức là hành giả bắt đầu Vipassanā bằng quán sắc pháp dựa vào tứ thiền Ānāpāna.
Tôi muốn giải thích về hành giả jhānakammika. Sau khi đạt được bậc thiền của Niệm hơi thở, hành giả phân biệt danh pháp trước khi phân biệt sắc pháp. Vì khi thực hành thiền chỉ, hành giả vốn dễ dàng phân biệt được các thiền chi, khi bắt đầu thực hành Vipassanā, vị ấy phân biệt các thiền chi trước tiên. Kế đó vị ấy các tâm hành khởi sinh cùng với các thiền chi. Các tâm hành ấy cùng với các thiền chi được gọi là các thiền pháp. Sau khi phân biệt chúng, hành giả phải khảo sát như vầy: Nương vào đâu mà các thiền pháp này sinh khởi? Và rồi hành giả thấy rằng nương vào sắc ý căn (heart-base). Theo giải thích của tạng Kinh, sắc ý căn là tác sanh thân, tức là thân được sinh ra (produced body, karaja kāya), bao gồm bốn loại sắc: sắc do nghiệp sanh, sắc do tâm sanh, sắc do thời tiết sanh và sắc do vật thực sanh. Sau đó, hành giả cũng cần phân biệt danh pháp của cõi dục giới và tất cả các sắc pháp khác.
Các thiền pháp và danh pháp cõi dục giới là danh pháp và tác sanh thân là sắc pháp. Sau khi đã phân biệt chúng, hành giả phải khảo sát các nhân của chúng. Vị ấy thấy được các nhân bằng sự thấu suốt được vòng duyên khởi bắt đầu từ vô minh. Lúc ấy, hành giả sẽ kết luận rằng danh pháp và sắc pháp chỉ là các pháp hữu vi và là pháp sinh khởi do duyên và ngoài những bản chất này ra, chúng không phải là một chúng sanh đang sống mà cũng chẳng phải là một con người. Nhờ vậy hành giả vượt qua nghi ngờ.
Khi đã vượt nghi, hành giả quán sát ba tướng: Vô thường, Khổ và Vô ngã của danh, sắc và các nhân của chúng, và dần dần đạt đến A-la-hán. Loại hành giả này được gọi là jhānakammika, tức là hành giả bắt đầu Vipassanā bằng quán danh pháp dựa vào tứ thiền Ānāpāna.
Nếu quý vị hiểu được phần giải thích này, quý vị sẽ hiểu những lời dạy sau đây của Đức Phật. Trong Kinh Đại Niệm Xứ, Đức Phật dạy thiền Vipassanā dựa vào phương pháp Niệm hơi thở, Ānāpānasati như sau:
“Như vậy vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân.”
Đây là giai đoạn bắt đầu của thiền Vipassanā cho một hành giả đã thực hành thiền Niệm hơi thở Ānāpāna đạt đến tứ thiền. Gì là “thân”, kāya? Theo Bộ Vô Ngại Giải Đạo, Paṭisambhidāmagga, có ba loại thân:
1.Thân hơi thở vào và hơi thở ra (assasāpassāsa kāya)
2.Tác sanh thân, tức thân được sinh ra, (karaja kāya)
3.Thân của danh pháp (nāma kāya)
Tôi đã giải thích về chúng phần trước. Tôi hy vọng quý vị giờ đã hiểu.
Tôi đã giải thích làm thế nào để phân biệt sắc một cách tóm tắt. Giờ đây tôi muốn giải thích làm thế nào để phân biệt danh. Nếu quý vị muốn phân biệt, ví dụ như các pháp sơ thiền Ānāpāna, quý vị nên trước tiên nhập sơ thiền Ānāpāna. Sau khi xuất khỏi sơ thiền, quý vị nên phân biệt Bhavaṅga, tức là ý căn. Khi nimitta xuất hiện trong ý căn, quý vị nên phân biệt năm thiền chi. Khi thực hành thiền Định, quý vị đã có thể phân biệt chúng, nên điều này không khó với quý vị. Điều duy nhất khác nhau ở đây là quý vị nên phân biệt năm thiền chi xuất hiện (hay xảy ra) liên tục nhiều lần. Nếu có thể trực nhận chúng rõ ràng, quý vị có thể bắt đầu phân biệt, chẳng hạn như, tâm. Có ba cách để có thể bắt đầu phân biệt danh:
1. Bắt đầu bằng xúc
2. Bắt đầu bằng thọ
3. Bắt đầu bằng thức (hay còn gọi là tâm)
Nếu bắt đầu bằng tâm, có đặc tính là nhận biết đối tượng, quý vị nên trực nhận tâm xuất hiện liên tục nhiều lần. Nếu thấy mình không thể phân biệt được, quý vị nên lặp lại quy trình vừa mới đề cập trên: nhập sơ thiền, rồi xuất khỏi sơ thiền và phân biệt ý căn. Khi nimitta xuất hiện nơi ý căn, quý vị nên phân biệt tâm xuất hiện liên tục nhiều lần. Nếu có thể phân biệt được tâm rồi, quý vị nên tăng thêm số danh pháp mà quý vị trực nhận, mỗi lần thêm một tâm hành, lần đầu là tâm, lần sau thêm một xúc nữa thành hai (tâm, xúc), lần sau thêm một tâm hành nữa thành ba, thêm một tâm hành nữa thành bốn,. .. cho đến hết ba mươi bốn tâm hành của sơ thiền. Ba mươi bốn tâm hành của sơ thiền là gì? Chúng là: tâm (hay thức), xúc, thọ (lạc), tưởng, tư, nhất tâm, mạng căn, tác ý, tầm, tứ, thắng giải, tấn, hỷ, dục, tín, niệm, tàm, quý, vô tham, vô sân, xã trung tánh, tịnh thân, tịnh tâm, khinh thân, khinh tâm, nhu thân, nhu tâm, thích thân, thích tâm, thuần thân, thuần tâm, chánh thân, chánh tâm, tuệ quyền.
Trong số ba loại thân mà tôi đề cập mới đây, thân của hơi thở vào và hơi thở ra và tác sanh thân là thân của sắc, hay còn gọi là sắc thân (rūpa kāya). Vậy nên chúng ta có thể nói, chỉ có hai loại thân, sắc thân (rūpa kāya) và danh thân (nāma kāya). Tại sao chúng được gọi là thân? Lý do là chúng không thể khởi sinh một mình mà phải khởi sinh như là một nhóm. Xin hãy lưu ý rằng ở đây thân (kāya) có nghĩa là thân của sắc pháp chân đế và thân của danh pháp chân đế.
Quí vị phải quán các thân này trong các thân. Chỉ quán mỗi nội thân, tuy nhiên, là không đủ để cho quí vị chứng ngộ Niết-bàn. Quí vị phải quán cả ngoại thân. Tại sao? Quí vị có sự dính mắc, ngã mạn và tà kiến không chỉ với chính thân của mình mà còn với cả ngoại thân. Để diệt trừ sự dính mắc, ngã mạn và tà kiến đối với ngoại thân, quý vị phải quán ngoại thân cũng như nội thân. Quý vị có thể có sự ngã mạn về thành tựu của con trai, chồng hay vợ của mình. Để diệt trừ sự ngã mạn, quý vị phải quán thân của họ là vô thường. Để diệt trừ sự dính mắc, quý vị phải quán thân của họ là khổ. Quý vị có thể nghĩ rằng “Đây là con trai tôi, đây là con gái tôi, đây là vợ tôi, đây là chồng tôi”. Để diệt trừ các tà kiến này, quý vị phải quán thân của họ là vô ngã. Nếu quý vị phân biệt thế giới bên ngoài bằng minh sát, quý vị sẽ chỉ thấy sắc chân đế và danh chân đế mà thôi. Sắc chân đế và danh chân đế là vô thường bởi vì ngay khi chúng vừa sanh lên thì chúng liền diệt đi, khổ vì chúng luôn luôn bị đàn áp bở sự sanh và diệt và vô ngã vì không có một tự ngã thường hằng hay một thực thể vững bền nào mả quý vị có thể gọi là “Đây là con trai tôi, đây là con gái tôi, đây là vợ tôi, đây là chồng tôi…” Nếu quý vị quán theo cách này, sự quán này sẽ làm giảm bớt sự dính mắc, ngã mạn và tà kiến. Do vậy, Đức Phật chỉ dạy:
“Như vậy vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân.”
Tại sao Đức Phật dạy như vậy? Đối với người mới bắt đầu, để quán thân trên nội thân trong một thời ngồi là không đủ. Quý vị phải thực tập nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng. Và rồi, quý vị còn phải quán thân trên ngoại thân nữa. Đối với người mới bắt đầu, phần thực hành này mất vài ngày. Sau đó, trong một thời ngồi, quý vị nên quán thân trên thân, nội thân lẫn ngoại thân, lặp đi lặp lại. Quán chỉ một lần không đủ. Quán đi quán lại là cần thiết. Chỉ khi quý vị quán đi quán lại, quý vị mới có thể đè nén tham ái, ngã mạn, tà kiến và những phiền não.
Theo sự phân loại các Minh Sát Trí, đây chỉ là Danh Sắc Phân Định Trí (Nāma rūpa pariccheda ñāṇa). Nó chỉ là giai đoạn bắt đầu của Kiến thanh tịnh và là nền tảng của Vipassanā. Trí này chia làm bốn giai đoạn:
1. Sắc Phân Biệt Trí lúc phân biệt sắc riêng (rūpa-pariggaha-ñāṇa),
2. Danh Phân Biệt Trí lúc phân biệt danh riêng (arūpa-pariggaha-ñāṇa),
3. Danh-Sắc Phân Biệt Trí lúc phân biệt danh-sắc cùng nhau (rūpārūpa-pariggaha-ñāṇa),
4. Danh-Sắc Phân Định Trí lúc phân biệt danh-sắc cùng nhau (nāma rūpa vavaṭṭhāna ñāṇa hoặc nāma rūpa pariccheda ñāṇa) và thấy rằng không có ngã tồn tại, không người, không có hữu tình trong đó, mà chỉ có danh và sắc.
Vì vậy, ở giai đoạn này, quý vị nên thực hành bốn bước sau:
1.Phân biệt sắc bên trong và sắc bên ngoài.
2.Phân biệt danh bên trong và danh bên ngoài.
3.Phân biệt danh-sắc bên trong và danh-sắc bên ngoài.
4.Phân định danh-sắc bên trong và bên ngoài. Đây là giai đoạn đầu của thiền Vipassanā được đề cập trong kinh Đại Niệm Xứ.
“Vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân”
Trong giai đoạn này, ba Tuệ Minh Sát hay Minh Sát Trí được kết hợp cùng nhau:
1. Duyên Xác Định Trí (Paccaya pariggaha ñāṇa), vốn phân biệt nhân và quả
2. Khảo Sát Trí (sammasana ñāṇa), vốn tuệ tri ba đặc tướng của các hành
3. Sanh Diệt Trí (udayabbaya ñāṇa), vốn tuệ tri sự sinh diệt của các hành, như là Vô thường, Khổ và Vô ngã.
Có hai loại sanh và diệt (udayabbaya) của các hành (saṅkhāra):
1. Sanh và diệt của các hành do nhân duyên (paccayato udayabbaya).
2. Sanh và diệt của các hành trong từng sát-na (khaṇato udayabbaya).
Sanh và diệt do nhân duyên được chia làm hai loại: sanh do duyên sanh và diệt do duyên diệt. Bởi sự sinh khởi của nhân mà năm uẩn sinh lên, đây là sự sanh do duyên sanh. Do bởi sự diệt tận không còn dư sót của nhân mà ngũ uẩn tận diệt không còn dư sót. Đây là sự diệt do duyên diệt.
Ngũ thủ uẩn cũng chính là danh-sắc. Hai mươi tám loại sắc hình thành sắc uẩn. Thọ là thọ uẩn. Tưởng là tưởng uẩn. Tất cả các tâm sở còn lại là hành uẩn. Sáu loại thức hình thành thức uẩn. Thọ, Tưởng, Hành, Thức là danh. Vậy ngũ uẩn thủ cũng chính là danh-sắc. Quý vị nên phân biệt sự sanh do duyên sanh của danh-sắc hay ngũ thủ uẩn như thế nào? Đây là giai đoạn thứ hai của thiền Vipassanā được Đức Phật dạy trong kinh Đại Niệm Xứ. Quý vị không nên bỏ qua giai đoạn trong phần thực hành của mình. Xin hãy một lần nữa lắng nghe những gì ở giai đoạn đầu: Quý vị phải phân biệt sắc bên trong lẫn bên ngoài. Quý vị phải phân biệt danh bên trong lẫn bên ngoài. Quý vị phải phân biệt danh-sắc cùng nhau bên trong lẫn bên ngoài. Quý vị phải phân định danh-sắc cả bên trong lẫn bên ngoài. Chỉ sau giai đoạn này, quý vị mới tiến đến giai đoạn thứ hai.
Quý vị nên trực nhận sự sanh do duyên sanh của danh-sắc như thế nào? Sau khi phân biệt danh-sắc bên trong và bên ngoài, quý vị nên trực nhận danh-sắc quá khứ gần nhất, như lúc liền ngay trước khi quý vị bắt đầu thời thiền tọa. Trước khi bắt đầu ngồi thiền, xin hãy cúng dường Đức Phật ngọn đèn cầy, hay nước hay hoa gì đấy và nguyện trở thành Tỷ-khưu trong tương lai. Sau khi ngồi xuống, xin hãy chú ý các tiến trình tâm khởi lên lúc nãy khi cúng dường cho Đức Phật và nguyện ước được làm Tỷ-kheo. Đây chính là các danh pháp. Chúng là nghiệp luân (kamma-vaṭṭa) và phiền não luân (kilesa-vaṭṭa). Chúng khởi sinh tùy thuộc vào các căn tương ứng của chúng, chính là các sắc pháp. Quý vị phải phân biệt danh và sắc quá khứ gần nhất như thể quý vị đang phân biệt danh-sắc bên ngoài. Sau khi phân biệt danh-sắc quá khứ gần nhất, quý vị nên từ từ phân biệt ngược dần lui quá khứ, cho đến sát-na tâm tái sanh (patisandhi), tức là sát-na đầu tiên của đời sống hiện tại.
Nếu có thể phân biệt danh-sắc vào lúc tái sanh, quý vị nên phân biệt ngược dần về danh-sắc trong đời trước. Nếu trực nhận theo cách này, quý vị có thể sẽ trực nhận được danh-sắc của tâm tái sanh (patisandhi) của đời trước. Lúc ấy, một trong ba ấn tướng thường xuất hiện trong ý căn của quý vị. Ba ấn tướng đó là: nghiệp (kamma), nghiệp tướng (kamma nimitta), và thú tướng (gati nimitta) là cảnh giới nơi quý vị sẽ tái sanh.
Tôi sẽ cố gắng giải thích điều này bằng một trường hợp. Một hành giả phân biệt danh-sắc của cận tử tâm trong đời trước. Vị ấy thấy nghiệp tướng đó là một người nam đang cúng dường ngọn đèn cầy đến một tượng Phật. Sau khi thấy nghiệp tướng ấy, hành giả này tiếp tục phân biệt danh-sắc của hình ảnh người nam đang cúng dường đèn cầy ấy. Hành giả này phân biệt bằng cách nào? Vị ấy phân biệt tứ đại trong hình ảnh người nam ấy một cách có hệ thống. Vị ấy thấy các tổng hợp sắc và tiếp tục phân tích các tổng hợp sắc đó để thấy sắc chân đế. Kế đó, vị ấy chủ yếu phân biệt năm mươi bốn loại sắc nơi trái tim và chú ý đến sắc ý căn (heart-base), bởi vì mọi tâm của ý căn sinh khởi dựa vào sắc ý căn. Khi làm như vậy, hành giả ấy thấy được ý căn, Bhavaṅga, một cách rõ ràng. Nhiều đối tượng khác nhau xuất hiện nơi ý căn (Bhavaṅga). Hành giả ấy trực nhận ý căn lui tới và lặp đi, lặp lại. Tại sao? Vì giữa các tâm hữu phần (cũng được gọi là Bhavaṅga), thường có các tiến trình tâm xảy ra. Khi hành giả trực nhận các Bhavaṅga ấy, vị ấy có thể dễ dàng phân biệt các tiến trình tâm ấy. Vị ấy thấy rằng khi người nam kia cúng dường ngọn đèn cầy đến tượng Phật, người ấy nguyện trở thành một vị Tỷ-khưu pháp hành trong đời sau. Cái tâm đang cúng dường sinh khởi theo chuỗi các lộ trình tâm qua ý căn. Mỗi lộ trình tâm này bao gồm một ý môn hướng tâm (manodvārāvajjana) và bảy tốc hành tâm (javana). Trong ý môn hướng tâm có mười hai tâm hành. Chúng là: tâm, xúc, thọ, tưởng, tư, nhất tâm, mạng căn, tác ý, tầm, tứ, thắng giải và tấn. Trong mỗi tốc hành tâm này có một tâm và ba mươi ba tâm sở. Chúng là: tâm, xúc, thọ, tưởng, tư, nhất tâm, mạng căn, tác ý, tầm, tứ, thắng giải, tấn, hỷ, dục, tín, niệm, tàm, quý, vô tham, vô sân, xã trung tánh, tịnh thân, tịnh tâm, khinh thân, khinh tâm, nhu thân, nhu tâm, thích thân, thích tâm, thuần thân, thuần tâm, chánh thân, chánh tâm, tuệ quyền. Ba mươi tư tâm hành này được gọi là ý hành (saṅkhāra). Trong số một tâm và ba mươi ba tâm sở này, tư là nổi trội nhất. Tư là nghiệp. Ngay khi vừa khởi sanh, các tâm hành ấy liền mất ngay bởi chúng là Vô thường. Nhưng chúng để lại nghiệp lực trong tiến trình danh-sắc của người ấy. Trong phần Nghiệp Duyên (Kammapaccaya) của Duyên Hệ (Paṭṭhana), Nghiệp lực được gọi là Nghiệp.
Tiếp theo hành giả ấy trực nhận cái tâm chú nguyện muốn trở thành Tỷ-kheo pháp hành của người nam ấy. Nó cũng khởi sinh thành một lộ trình tâm ý môn. Mỗi lộ trình tâm ý môn cũng gồm một ý môn hướng tâm và bảy tốc hành tâm. Ý căn hướng tâm cũng bao gồm mười hai tâm hành như đã nêu trên. Trong tốc hành tâm, có hai mươi tâm hành. Chúng là: tâm, xúc, thọ, tưởng, tư, nhất tâm, mạng căn, tác ý, tầm, tứ, thắng giải, tấn, hỷ, dục, si, vô tàm, vô quý, trạo cử, tham và tà kiến. Trong số hai mươi tâm hành này, vô minh, tham, thủ là nổi trội. Vô minh là gì? Theo giáo lý của Đức Phật, thân tâm của chúng ta chỉ là sắc chân đế và danh chân đế. Nếu chúng ta biết rõ chúng là danh và sắc, cái thấy này là đúng. Đấy là Tuệ Giác, là Chánh Tri Kiến. Nhưng nếu thấy chúng như là đàn ông, đàn bà, vị Tỷ-khưu, hay Tỷ-khưu-ni, cái thấy này là sai. Điều này được gọi là vô minh hay sự si mê. Do bởi vô minh, người ấy nguyện trở thành Tỷ-khưu pháp hành, đây là tham ái. Vị ấy chấp thủ hay dính mắc vào đời sống của vị Tỷ-khưu pháp hành ấy. Đây là thủ. Vô minh, tham ái và thủ được gọi là phiền não luân, tức là những phiền não mà sinh ra vòng luân hồi.
Tổng cộng, có năm nhân quá khứ: vô minh, tham ái, thủ, ý hành và nghiệp.
Tiếp đến hành giả ấy trực nhận năm uẩn của tâm tái sinh trong đời hiện tại của mình. Vào lúc ấy, có ba mươi loại sắc. Chúng sanh lên như ba loại tổng hợp sắc, đó là thân-thập-sắc, tánh-thập-sắc và đoàn-tâm (hay tổng hợp mười sắc thuộc trái tim). Trong mỗi loại tổng hợp sắc, có mười loại sắc.
Rồi hành giả ấy trực nhận lui tới giữa ba mươi loại sắc này và năm nhân quá khứ, vô minh, tham ái, thủ, hành và nghiệp. Vị ấy chú tâm vào nghiệp lực để kiểm tra xem nó có tạo ra ba mươi sắc kia hay không? Vị ấy kiểm tra đi kiểm tra lại và có thể thấy được đúng nó tạo ra. Đây là trường hợp của một hành giả.
Nếu thực hành theo cách này, quý vị có thể dễ dàng hiểu nghiệp lực tích lũy trong đời trước của quý vị đã tạo ra sắc uẩn ở sát-na tâm tái sanh. Như thế nào? Lúc này quý vị nên đã hiểu rõ làm cách nào mà các tâm sinh khởi nương nơi sắc ý căn sản sinh ra các sắc do tâm sanh, và nên đã hiểu rõ quan hệ nhân quả của chúng. Theo cách tương tự, có mối quan hệ nhân quả giữa nghiệp lực và sắc do nghiệp sanh. Nếu thấy được mối quan hệ này, quý vị nên trực nhận rằng do có sự sinh khởi của vô minh, tham ái, thủ, hành và nghiệp mà sắc đã khởi sinh ở sát-na tâm tái sanh hay kiết sanh thức.
Kế đến, quý vị cũng nên phân biệt mối quan hệ nhân quả giữa nghiệp lực trong đời trước và danh của đời hiện tại của mình ở sát-na tâm tái sinh. Tiếp đến quý vị nên trực nhận mối quan hệ nhân quả giữa nghiệp lực và các uẩn kết quả trong suốt đời sống hiện tại của mình. Đặc biệt quý vị nên chú tâm đến các lộ trình tâm qua sáu căn của mình. Quý vị nên trực nhận rằng do có sự khởi sinh của vô minh, tham ái, thủ, hành và nghiệp lực mà sắc uẩn sinh khởi. Vô minh, tham ái, thủ, hành, nghiệp lực là các nhân và sắc uẩn là quả. Đây là phần phân biệt sự sinh khởi các hành theo duyên. Tuệ giác trực nhận điều này được gọi là Duyên Xác Định Trí (paccaya pariggaha ñāṇa).
Sau khi đã dạy phần phân biệt sự sinh khởi các hành do duyên, Đức Phật dạy:
“Hay vị ấy sống (an trú) quán tánh diệt trên thân”.
Điều này có nghĩa là quý vị cũng nên trực nhận rằng do bởi sự diệt của năm nhân không còn dư sót mà năm uẩn diệt tận không còn dư sót. Đây là tuệ quán thấy được sự diệt tận của nhân và quả (paccayato vaya dassana ñāṇa).
Khi nào thì các nhân nổi trội, vô minh, tham ái, thủ, và nghiệp sẽ tận diệt hoàn toàn không còn dư sót? Theo lời dạy của Đức Phật, các phiền não (hay còn gọi là lậu hoặc, hoặc gọi là kiết sử) sẽ tận diệt không còn dư sót khi quý vị chứng đắc A-la-hán. Bởi sự diệt tận hoàn toàn không còn dư sót của các phiền não mà nghiệp không thể cho quả nào sau đại Niết-bàn. Khi A-la-hán Đạo Tuệ tiêu diệt hoàn toàn năm nhân này không còn dư sót. Do nhờ sự diệt tận năm nhân không còn dư sót này mà sau khi tịch diệt Niết-bàn các ngũ uẩn chấm dứt hoàn toàn không còn dư sót. Quý vị phải cố gắng thấy sự tận diệt này. Bởi vì trong kinh Đại Niệm Xứ, Đức Phật có dạy rằng: “vị ấy an trú quán tánh diệt trên thân”. Quý vị không nên quên rằng “thân” ở đây có nghĩa là thân của sắc và thân của danh.
Giờ đây quý vị chưa đạt đạo quả A-la-hán. Khi nào quý vị sẽ đạt? Liệu nó là ngay trong đời sống này hay vào một đời sống nào đó trong tương lai? Nếu quý vị nỗ lực thực hành và có đủ ba-la-mật, quý vị có thể đạt được Đạo – Quả A-la-hán ngay trong đời này. Cho dù vậy, nó cũng được gọi là tương lai từ cái nhìn sự sinh và diệt trong từng sát-na, bởi vì hiện tại quý vị đang còn phàm nhân. Nếu quý vị đạt được Đạo – Quả A-la-hán trong một đời sống tương lai, thời gian từ đây đến đó cũng được gọi là tương lai của quý vị. Khi đạt đến Quả – Vị A-la-hán, tất cả các nhân sẽ tận diệt không còn dư sót. Quý vị nên cố gắng thấy sự diệt này. Và lại nữa khi quý vị nhập đại Niết-bàn, năm uẩn của quý vị sẽ tận diệt không còn dư sót. Quý vị cũng nên thấy sự tận diệt này. Khi quý vị thấy được hai loại tận diệt này, quý vị nên quán tưởng rằng do sự tận diệt của năm nhân không còn dư sót, năm uẩn cũng tận diệt không còn dư sót. Loại Tuệ quán này được gọi là Trí thấy biết sự diệt của các nhân và các quả.
Vì thế nếu hành giả muốn hiểu rõ mối quan hệ nhân duyên giữa nhân và quả bằng tuệ minh sát của hành giả, hành giả phải phân biệt danh-sắc quá khứ, hiện tại, và vị lai. Quý vị nghĩ rằng trong bài kinh Đại Niệm Xứ, Đức Phật chỉ dạy chúng ta về hiện tại phải không? Nếu hiểu những lời dạy này, chúng ta sẽ không nghĩ như vậy. Danh-sắc quá khứ, hiện tại và vị lai đều cần được phân biệt bằng tuệ minh sát. Chúng là các đối tượng của tuệ minh sát. Nếu không phân biệt danh sắc quá khứ, hiện tại và vị lai, hành giả không thể thấu hiểu được lý duyên khởi bằng tuệ minh sát của mình. Nếu không thấu hiểu lý duyên khởi, hành giả không thể thoát khỏi vòng luân hồi này. Hành giả không thể phân biệt được tánh sanh và diệt của nhân và quả. Hành giả không thể quán sát cả các nhân và các quả như là Vô thường, Khổ và Vô ngã. Nếu không thể quán sát như thế, hành giả không thể thoát khỏi vòng tử sanh luân hồi bởi vì Đức Phật có đề cập như vậy trong bài Kinh Mahānidāna.
Tiếp đến, Đức Phật có dạy:
“Hay vị ấy sống quán cả tánh sanh và tánh diệt trên thân.”
Điều này có nghĩa là quý vị phải quán sự sanh và sự diệt qua hình thức mối quan hệ nhân quả (hay còn gọi là hình thức duyên hệ) và qua hình thức hiện hữu theo từng sát-na. Quý vị nên phân biệt như thế nào? Chẳng hạn như, do sự sinh khởi của năm nhân, mà năm uẩn khởi sinh; do sự diệt tận năm nhân không còn dư sót, mà năm uẩn tận diệt hoàn toàn không còn dư sót. Đây là Trí Quán Tánh Sanh và Diệt Do Duyên. Ngay khi vừa sanh lên, các nhân đã diệt ngay, vì thế mà chúng là Vô thường. Ngay khi vừa sanh lên, các quả đã diệt ngay, vì thế mà chúng cũng là Vô thường. Biết được điều này chính là Trí Quán Tánh Sanh Và Diệt Theo Từng Sát-Na. Vào giai đoạn này, quý vị phải phân biệt cả các hiện tượng sanh và diệt do duyên và sự sanh và diệt theo từng sát-na một cách chi tiết.
Trước khi thấy được sự sanh và diệt rõ ràng từ sát-na này qua sát-na kế, nếu quán sát cả nhân và quả như là Vô thường, Khổ và Vô ngã, tuệ minh sát ấy được gọi Khảo Sát Trí (sammasanañāṇa). Khi quý vị thấy được sự sanh và diệt trong từng sát-na tâm một cách rõ ràng, tuệ minh sát ấy được gọi là Sanh Diệt Trí (Udayabbaya ñāṇa).
Bây giờ tôi muốn đưa phần giải thích của chú giải về sự sanh và diệt này. Vì đây là phần về Niệm Hơi thở nên chú giải còn giải thích sự sanh và diệt do duyên chỉ cho phần Niệm hơi thở.
“Vị ấy sống quán các hiện tượng sanh trên thân”. Giống như không khí đi vào và đi ra dựa bệ và ống thổi lò đốt của người thợ rèn, và với nỗ lực thích hợp, cũng vậy, dựa vào thân được sinh ra đây (hay tác sanh thân), ống mũi và tâm của hành giả, thân hơi thở vào và ra chuyển động tới lui. Tác sanh thân, v.v.. này là nguồn gốc. Khi một hành giả khi quán như thế an trú vào việc quán các hiện tượng sanh trên thân.
Quý vị có thể không hiểu ý nghĩa, tôi đoán vậy. Tôi muốn giải thích thêm chút. Khi quý vị trực nhận tứ đại trong hơi thở của mình, sẽ thấy nhiều tổng hợp sắc. Nếu phân tích tiếp chúng, quý vị sẽ thấy có chín yếu tố sắc chân đế (hay còn gọi là sắc cùng tột). Do đâu chúng sinh khởi? Nếu quý vị bỏ thân mình đi, liệu các hơi thở có tự sinh lên được chăng? Nếu không có thân của quý vị, hơi thở của quý vị không thể tự sinh khởi. Nếu phân tích thân mình, quý vị sẽ thấy có bốn loại sắc: sắc do nghiệp sanh, sắc do tâm sanh, sắc do vật thực sanh và sắc do thời tiết sanh. Bốn loại sắc này được gọi là thân được sanh (hay tác sanh thân). Nếu không có tác sanh thân, thân hơi thở của quý vị không thể khởi sinh. Vì thế nó là một nhân để hơi thở sinh lên. Nếu không có tâm, hơi thở cũng không thể khởi sinh. Vì thế tâm là một nhân nữa. Tác sanh thân giống như bệ của lò đốt, ống mũi giống như ống thổi của lò; và tâm giống như nỗ lực thích hợp. Tác sanh thân, tâm và ống mũi là các nhân cho thân hơi thở vào và ra sinh khởi. Quý vị cũng nên trực nhận tánh sanh. Trong số các nhân này, tâm là quan trọng nhất. Nhưng tâm khởi sinh nương vào tác sanh thân. Nên tất nhiên tác sanh thân là một nhân nữa. Đây là quan hệ nhân quả với hơi thở vào, hơi thở ra.
Tuy nhiên trực nhận quan hệ nhân quả của hơi thở bằng cách này cũng chưa đủ. Quý vị cần phải trực nhận các nhân của năm uẩn, ấy là vô minh, tham ái, thủ, hành và nghiệp lực. Năm nhân này sản sinh ra năm thủ uẩn đời hiện tại. Theo cách tương tự năm nhân quá khứ trong đời quá khứ thứ nhì sản sinh ra năm thủ uẩn đời quá khứ thứ nhất. Năm nhân đời này sẽ sản sinh ra năm thủ uẩn trong đời sau. Quý vị nên trực nhận các nhân và các quả theo cách như thế này, quá khứ, hiện tại và tương lai.
Tiếp, chú giải có giải thích tánh diệt do duyên với hơi thở vào và hơi thở ra. “Hay vị ấy sống quán tánh diệt trong thân”. Dù cách gì đi nữa, không khí cũng không thể thổi vào được khi bệ lò thổi bị lấy đi, ống thổi bị hư bỏ và nỗ lực thích hợp không có mặt. Tương tự, khi tác sanh thân chấm dứt, ống mũi bị hư hoại, và tâm đã dừng hoạt động hẳn, hơi thở kết thúc. Do vầy, nhờ sự chấm dứt của tác sanh thân, ống mũi và tâm, mà có sự chấm dứt của việc thở.
Tiếp đến quý vị nên trực nhận rằng bởi có sự tận diệt không còn dư sót của năm nhân mà năm uẩn thủ cũng diệt tận hoàn toàn không còn dư sót trong tương lai. Nếu một người quán sát như vậy, chúng ta có thể nói rằng vị ấy sống quán tánh diệt hay quán sự diệt do duyên của thân. Quý vị cũng nên quán sát cả hai tánh sanh và tánh diệt trong thân. Rồi
Đức Phật còn tiếp tục dạy giai đoạn thứ ba của thiền Vipassanā.
Chánh niệm về: » Chỉ có thân đây » được thiết lập trong vị ấy đến mức độ chỉ cần thiết dành cho chánh trí và chánh niệm xa hơn.
Niệm được thiết lập với hành giả nhờ sự suy xét thận trọng. Vị ấy nghĩ rằng: Chỉ có thân đây, ấy là, chỉ có danh-sắc, mà không có hữu tình, không có người, không có đàn bà, không có đàn ông, không có tự ngã, không có gì gắn liền với một tự ngã, không có “Tôi”, không có gì là của tôi, không có ai cả, và không có gì là thuộc về bất kỳ ai.”
Nó có nghĩa là gì? Đoạn kinh này liên hệ đến các tuệ minh sát cao hơn, từ Hoại diệt Trí cho đến Xả hành Trí. Nếu một hành giả quán sự sanh và tánh diệt của các hành như tôi đề cập phần trước, khi tuệ minh sát bén nhạy, vị ấy nên chỉ chú ý đến sự diệt. Dần dần hành giả không còn ghi nhận được giai đoạn sanh lên nữa, mà chỉ còn sự diệt đi. Lúc ấy, vị ấy sẽ không còn thấy các tổng hợp, mà chỉ còn là danh-sắc chân đế. Các pháp này luôn diệt đi. Lúc ấy vị ấy sẽ thấy không có hữu tình, không có người, không có đàn bà, không có đàn ông, không có tự ngã, không Tôi, không có gì là của Tôi, không ai và không có gì thuộc về một ai cả, là bởi vị ấy chỉ thấy toàn là sự diệt đi của danh-sắc chân đế. Vị ấy lúc này cũng không còn thấy danh-sắc dưới dạng các kalāpa.
Chánh niệm về: « Chỉ có thân đây » được thiết lập trong vị ấy đến mức độ chỉ cần thiết dành cho chánh trí và chánh niệm xa hơn.
Đoạn “đến mức độ chỉ cần thiết” ám chỉ mục đích. Điều này được nói đến: chánh niệm được thiết lập không phải vì mục đích nào khác. Gì là mục đích mà vì nó, chánh niệm được thiết lập? “Dành cho chánh trí và chánh niệm xa hơn” có nghĩa là nó chỉ để có được phương tiện chánh trí và chánh niệm ngày càng rộng hơn hay sâu hơn. Để gia tăng chánh niệm và trí tuệ thấu suốt là ý nghĩa.
Nếu một hành giả chỉ thấy sự diệt và quán cả danh và sắc cũng như minh sát tuệ này là Vô thường, Khổ và Vô ngã, từ từ minh sát tuệ của vị ấy sẽ trưởng thành. Kết quả là sự quân bình ngũ căn của vị ấy cũng trở nên chín mùi, lúc ấy vị ấy sẽ chứng đắc Đạo Quả Tuệ, vốn lấy Niết-bàn làm đối tượng. Nếu chứng ngộ Niết-bàn theo từng giai đoạn, cuối cùng vị ấy sẽ chứng đắc quả vị A-la-hán. Liên hệ Quả vị A-la-hán, Đức Phật giải thích như sau:
“Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước vật gì ở trên đời.”
“Và vị ấy sống không nương tựa” có nghĩa là vị ấy an trú tự do thoát khỏi sự nương tựa vào tham ái và tà kiến.
“Không chấp trước vật gì ở trên đời”: liên hệ về sắc, thọ, hành, hay thức, vị ấy không nghĩ: đây là tự ngã của tôi, hay đây thuộc về tự ngã của tôi. Tại sao? Vì các đạo tuệ của vị ấy đã tận diệt hoàn toàn cả tham ái và tà kiến.
Đây là vắn tắt lộ trình bắt đầu từ Niệm Hơi thở cho đến thành tựu đạo quả A-la-hán. Nếu thực hành theo cách này một cách hệ thống, và nếu có đủ ba-la-mật, quý vị có thể chứng ngộ Niết-bàn ngay trong kiếp sống này.
Để kết luận phần Niệm hơi thở Ānāpānasati, Đức Phật dạy:
“Này các Tỷ-kheo, như vậy Tỷ-kheo sống quán thân trên thân”.
Trong phần niệm hơi thở, Chánh niệm vốn khảo sát việc thở là Sự thật về Khổ (hay Khổ đế). Các đối tượng của niệm, năm thủ uẩn cũng được gọi là Sự thật về Khổ. Năm nhân: vô minh, tham ái, thủ, hành và nghiệp là Sự thật về Nguyên nhân của Khổ (Khổ tập đế). Sự không xảy ra của cả hai là Sự Thật về Khổ Diệt (Khổ Diệt Đế). Đây muốn nói đến Niết-bàn, tức Thánh Đế về Khổ Diệt. Khi quý vị huân tập và làm cho sung mãn Sanh Diệt Trí, quý vị phân biệt rằng do bởi sự tận diệt năm nhân không còn dư sót mà năm uẩn sẽ diệt tận hoàn toàn không còn dư sót sau khi nhập đại Niết-bàn. Hai loại tận diệt này được gọi là Sự thật về Khổ diệt, nhưng chỉ là Khổ diệt Đế hiệp thế. Nếu quý vị chứng ngộ Niết-bàn bằng Đạo Trí và Quả Trí, quý vị biết rõ về Thánh đế về Khổ diệt. Quý vị nên phân định hai loại Sự thật về Khổ Diệt này.
Thánh Đạo, vốn hiểu rõ Khổ, từ bỏ nhân sanh Khổ và lấy Niết-bàn làm đối tượng, là Sự Thật về Con đường (Đạo Đế). Ở đây, quý vị nên phân định rõ giữa Hiệp thế Đạo Trí và Xuất Thế Đạo Trí. Hiệp thế Đạo Trí vốn thấy rõ năm uẩn là tuệ minh sát về Khổ đế. Hiệp thế Đạo Trí vốn thấy nguyên nhân của Khổ là tuệ minh sát về Khổ tập. Hiệp thế Đạo Trí vốn thấy được rằng do nhờ sự tận diệt không còn dư sót của năm nhân mà năm uẩn sẽ diệt tận hoàn toàn không còn dư sót sau khi đại Niết-bàn là tuệ minh sát về Khổ diệt. Hiệp thế Đạo vốn là các chi phần của các tuệ minh sát vừa mới được đề cập. Chánh Tri Kiến là tuệ minh sát, Chánh tư duy, Chánh Tinh Tấn, Chánh niệm, và Chánh Định là đồng hành cùng Chánh Tri Kiến.Trước khi hành thiền, quý vị cũng đã thọ trì Giới luật bao gồm Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng. Vì thế có cả thẩy tám chi phần của Hiệp thế Đạo.
Có lúc, hành giả cần phải quán tuệ minh sát này là Vô thường, Khổ và Vô ngã. Lúc ấy, vị ấy cũng hiểu rõ hiệp thế đạo. Vậy nên Chánh Tri Kiến Hiệp thế biết rõ Bốn Thánh Đạo Hiệp Thế.
Thánh Đạo Siêu thế lấy Niết-bàn làm đối tượng khởi sinh cùng Đạo Trí và Quả Trí. Lúc ấy, Chánh Tri Kiến siêu thế biết rõ Niết-bàn, Chánh Tư Duy hướng tâm đến Niết-bàn, Chánh Niệm an trú trên Niết-bàn, Chánh Tinh tấn là nỗ lực chứng ngộ Niết-bàn, Chánh Định là sự tập trung vào Niết-bàn và Chánh ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng đều cùng có mặt. Khi một hành giả chứng ngộ Niết-bàn, tại sao Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng đều có mặt? Thánh Đạo Tuệ triệt tiêu các phiền não vốn có thể sinh ra tà ngữ, tà nghiệp và tà mạng, vì thế mà Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng là tự động có mặt.
Do vậy mà sau khi nỗ lực theo con đường Bốn Thánh Đế, một hành giả đoạn tận khổ đau và đạt đến bờ kia (tức Niết-bàn). Đây là lối vào Con đường giải thoát cho hành giả cống hiến mình cho việc thực hành Niệm hơi thở Ānāpānasati.
Trong Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkapavattana Sutta), Đức Phật giải thích kinh nghiệm riêng của Ngài về Bốn Thánh Đế. Ngài đã giải thích như thế nào? Hãy đọc bài Kinh:
“Ðây là Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh (ñāṇam udapādi), tuệ sanh (paññā udapādi), minh sanh (vijjā udapādi), quang sanh (āloko udapādi).”
“Āloko udapādi” nghĩa là “ở đó phát sanh trong ta ánh sáng”. Đó là ánh sáng trí tuệ. Ánh sáng trí tuệ phát sanh như thế nào? Nó phát sanh một cách đặc biệt, Đức Phật nhấn mạnh, vào thời điểm Ngài chứng ngộ Niết-bàn. Khi Ngài chứng ngộ Niết-bàn với tuệ Đạo (Magga-citta) và tuệ Quả (Phala-citta), có hai loại trí tuệ có sanh ra các nhóm sắc. Trong số nhiều loại sắc có trong mỗi nhóm sắc này, có màu (vaṇṇa). Màu đó thì sáng chói. Một tâm có thể sanh ra nhiều nhóm sắc (cittaja-rūpa-kalāpa, nhóm sắc do tâm sanh). Trong mỗi nhóm sắc này có màu. Mỗi màu thì sáng chói. Hơn nữa, trong mỗi nhóm sắc, có yếu tố lửa (tejo). Yếu tố lửa cũng có thể sản sanh các thế hệ các nhóm sắc mới. Trong mỗi nhóm sắc mới cũng có màu. Màu đó thì chói sáng. Các thế hệ mới đó được sanh do yếu tố lửa được gọi là utuja-rūpa-kalāpa (nhóm sắc do thời tiết sanh). Ánh sáng của màu trong nhóm sắc do thời tiết sanh (utuja-rūpa-kalāpa) tỏa ra không chỉ bên trong mà còn ra thế giới bên ngoài. Do vậy, ánh sáng xuất hiện cả bên trong và bên ngoài. Điều này được gọi là ánh sáng trí tuệ. Khi Đức Phật chứng ngộ Niết-bàn, có sự phát sanh ánh sáng trí tuệ trong Ngài.
Theo cùng một cách, khi quý vị chứng ngộ Niết-bàn, ánh sáng trí tuệ phải hiện diện. Nếu quý vị nghĩ rằng quý vị đã thấy Niết-bàn và quý vị không thể thấy ánh sáng trí tuệ thời cái đó không phải là Niết-bàn thực sự. Tôi không nói rằng Niết-bàn có ánh sáng mà chính tuệ Đạo và tuệ Quả là cái chứng ngộ Niết-bàn có thể phát sanh ra ánh sáng. Ánh sáng này được gọi là ánh sáng của trí tuệ, không phải ánh sáng của Niết-bàn.
Lại nữa, quý vị cũng nên nhớ rằng Đức Phật rõ biết Khổ Thánh Đế bằng thắng trí của Ngài, tuệ Đạo và tuệ Quả. Khổ Thánh Đế (dukkha sacca)là gì? Đức Phật giải thích như sau: “Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ.” Đức Phật cũng thấu suốt năm uẩn khi Ngài suy tư về tuệ minh sát (vipassanā). Theo cùng một cách, nếu quý vị đang cố gắng chứng đạt minh sát tuệ, quý vị cũng nên thấu suốt năm thủ uẩn. Nếu quý vị không rõ biết về năm thủ uẩn thì quý vị không thể chứng đạt tuệ minh sát (vipassanā) Nếu quý vị học tập minh sát mà không rõ biết về năm thủ uẩn, tuệ minh sát (vipassanā) chỉ là hời hợt bên ngoài, không phải tuệ minh sát thực sự.
Đức Phật rõ biết rằng năm thủ uẩn này là Khổ Đế (dukkha-sacca). Theo cùng một cách, nếu quý vị chứng ngộ Niết-bàn hay là trở thành một vị Thánh Nhập Lưu (Sotāpanna)… quý vị cũng phải chứng ngộ được rằng năm thủ uẩn này là Khổ Đế (dukkha-sacca), nếu quý vị không rõ biết được rằng năm thủ uẩn này là Khổ Đế (dukkha-sacca), quý vị không trở thành một bậc Thánh Nhập Lưu hay bất kỳ bậc Thánh nào.
Tôi muốn giải thích thêm. Lấy sắc thủ uẩn làm một ví dụ. Theo lời dạy của Đức Phật, sắc sanh làm các nhóm sắc. Chỉ khi quý vị có thể phân tích các nhóm sắc này một cách có hệ thống, quý vị có thể thấy sắc chân đế. Khi quý vị thực hành Vipassanā và nếu quý vị không thể thấy các nhóm sắc hay không thể phân tích chúng, quý vị không thể thấy sắc chân đế (paramattha-rūpa). Nếu quý vị thực hành vipassanā mà không rõ biết paramattha-rūpa, minh sát (vipassanā) của quý vị là hời hợt và không phải là minh sát (vipassanā) thực sự.
Đức Phật tiếp tục bài thuyết giảng:
“Ðây là Thánh đế về Khổ cần phải liễu tri, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp, từ trước Ta chưa từng nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.”
“Ðây là Thánh đế về Khổ đã được liễu tri, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.”
Như vậy về Khổ Đế (dukkha-sacca), Đức Phật dạy ba loại tuệ:
1. Quý vị phải cố gắng để rõ biết đây là Khổ Đế (dukkha-sacca). Điều này được gọi là sacca-ñāṇa, nghĩa là trí tuệ về Đế (sự thật).
2. Quý vị phải cố gắng để rõ biết rằng Khổ Đế (dukkha-sacca) phải được tuệ tri. Điều này được gọi là kicca-ñāṇa, nghĩa là trách nhiệm phải biết Pháp Khổ Đế.
3. Quý vị phải cố gắng để rõ biết rằng Khổ Đế (dukkha-sacca) đã được tuệ tri. Điều này được gọi là kata-ñāṇa. Đức Phật đã tuệ tri rằng năm thủ uẩn là Khổ Đế (dukkha-sacca).
Theo cùng một cách, Đức Phật dạy về Khổ Tập Thánh Đế, nguồn gốc của khổ theo ba cách:
Ðây là Thánh đế về Khổ Tập, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.
Mặc dù Bồ-tát (Bodhisatta) của chúng ta đã thực hành nhiều ba-la-mật bằng việc hy sinh mạng sống nhiều trong hơn bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp với lòng bi mẫn vĩ đại, Ngài vẫn có một chút dính mắc vào đời sống của Đức Phật. Đó là bởi vì Ngài biết rằng khi Ngài trở thành một vị Phật, Ngài có thể giúp đỡ các chúng sanh giải thoát khỏi vòng luân hồi.
Theo chú giải Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), Pháp Tụ (Aṭṭhasālinī), các thiện pháp đầy sức mạnh và uy lực trước thiền tâm từ (mettā-jhāna) là quả uẩn của nghiệp lực của Bồ-tát (Bodhisatta) chúng ta. Tưởng tri Đức Phật là Đức Phật (mà không phải là danh và sắc) là vô minh. Duyên vô minh, Ngài mong ước trở thành một vị Phật; đó là tham ái. Ngài dính mắc vào cuộc sống của một vị Phật; đó là chấp thủ. Thiện pháp đầy sức mạnh và uy lực trước khi nhập thiền tâm từ (mettā-jhāna) là hành (saṅkhārā), ý hành. Lực của ý hành được gọi là nghiệp (kamma). Tất cả có năm nhân trong quá khứ: vô minh (avijjā), tham ái (taṇhā), chấp thủ (upādāna), ý hành (saṅkhārā) và nghiệp (kamma). Đức Phật rõ biết rằng năm nhân quá khứ này là tập khởi của khổ, Khổ Tập Đế (samudaya-sacca). Đây là trí tuệ về Đế (sự thật).
Nếu quý vị thực hành minh sát (vipassanā), quý vị cũng phải cố gắng để rõ biết đây là Khổ Tập Đế (samudaya-sacca) là nguồn gốc của Khổ Đế (dukkha-sacca). Đặc biệt là trong trường hợp này, quý vị phải cố gắng để tuệ tri lý duyên khởi, quan hệ nhân quả, bằng tuệ minh sát của mình. Không rõ biết về lý duyên khởi, quý vị không thể chứng ngộ Niết-bàn, vì đó là Thánh Đế thứ hai.
Lại nữa, Đức Phật tiếp tục giảng:
“Ðây là Thánh đế về Khổ tập cần phải đoạn tận, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.
Nguồn gốc của khổ là vô minh (Avijjā), tham ái (taṇhā) và chấp thủ (upādāna). Quý vị phải tận diệt chúng bằng trí tuệ minh sát và tuệ Đạo của mình. Nếu quý vị có thể diệt tận hoàn toàn hay đoạn tận các phiền não không còn dư sót này, thời nghiệp lực không thể sanh ra bất kỳ quả nào. Nghiệp lực ấy chỉ có thể sanh ra quả khi có duyên với vô minh (Avijjā), tham ái (taṇhā), và chấp thủ (upādāna). Không có vô minh (Avijjā), tham ái (taṇhā) và chấp thủ (upādāna), nghiệp lực không thể phát sanh ra quả. Do vậy, nguồn gốc của khổ bị đoạn tận, nghĩa là quý vị phải tận diệt các phiền não này không còn dư sót bằng tuệ minh sát và tuệ Đạo. Đó là kicca-ñāṇa, nghĩa là trí tuệ về cái phải làm. Thế nào là cái cần phải làm? Quý vị phải đoạn tận hay theo giải thích của chú giải, quý vị phải “giết” các phiền não. Sự diệt tận không còn dư sót các phiền não là cần thiết trong trường hợp này.
Đức Phật tiếp tục giảng:
“Ðây là Thánh đế về Khổ tập đã được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.
Đây là kata-ñāṇa, Kata-ñāṇa nghĩa là « Tuệ về cái đã làm xong”. Thế nào là cái đã làm xong? Đức Phật đã đoạn tận hay đã giết các phiền não. Như vậy trong Khổ Tập Đế (samudaya-sacca) cũng có ba loại trí tuệ: sacca-ñāṇa, kicca-ñāṇa and kata-ñāṇa. Nếu quý vị đang thực hành vipassanā, quý vị phải tuệ tri rằng đây là Khổ Tập Đế (samudaya-sacca); đó là sacca-ñāṇa. Quý vị phải cố gắng để rõ biết rằng samudaya-sacca phải được đoạn tận hay bị giết; đây là kicca-ñāṇa. Lúc đó, nếu quý vị chứng ngộ Niết-bàn, tuệ Đạo sẽ từng bường tận diệt hoàn toàn các phiền não này không còn dư sót, đặc biệt là tham ái (taṇhā) – Khổ Tập Đế (samudaya-sacca). Vào lúc đó, quý vị sẽ tuệ tri rằng quý vị đã đoạn tận hay giết các pháp khổ tập đế (các pháp là nguồn gốc của khổ). Đó là kata-ñāṇa.
Theo cách tương tự, Đức Phật dạy về Diệt Đế theo ba cách. Xin lắng nghe:
“Ðây là Thánh đế về Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.
Đây là sacca-ñāṇa, nghĩa là Đức Phật rõ biết rằng đây là Diệt Đế (nirodha-sacca), sự diệt tận khổ đau. Như thế nào là diệt tận khổ đau? Trong khi thực hành vipassanā, tuệ minh sát chứng ngộ tất cả các pháp khổ đế (dukkha-sacca-dhammas), tức là năm thủ uẩn và tất cả các pháp khổ tập đế (samudaya-sacca-dhammas), tức là mười hai yếu tố của duyên khởi, là vô thường (anicca), khổ (dukkha), và vô ngã (anatta). Vị ấy thực hành vipassanā theo cách này. Vào cuối giai đoạn vipassanā, vị ấy chứng ngộ Niết-bàn. Khi vị ấy chứng ngộ Niết-bàn, vị ấy thấy sự diệt tận không còn dư sót năm thủ uẩn và mười hai yếu tố duyên khởi.
Đức Phật tiếp tục:
“Ðây là Thánh đế về Khổ diệt cần phải chứng ngộ, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.
Đây là kicca-ñāṇa, nghĩa là « tuệ về cái cần phải làm”. Trong trường hợp này, khi quý vị đang hành thiền minh sát (vipassanā), quý vị phải cố gắng chứng ngộ Niết-bàn.
Lại nữa, Đức Phật tiếp tục dạy về kata-ñāṇa:
“Ðây là Thánh đế về Khổ diệt đã được chứng ngộ, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.
Đây là kata-ñāṇa, nghĩa là « tuệ về cái đã làm xong”. Thế nào là cái đã làm xong? Vị ấy đã chứng ngộ Niết-bàn. Vị ấy rõ biết rằng vị ấy đã chứng ngộ Niết-bàn. Khi quý vị thực hành Vipassanā và chứng ngộ Niết-bàn, quý vị cũng sẽ rõ biết rằng quý vị đã chứng ngộ Niết-bàn.
Sau đó, Đức Phật tiếp tục giải thích về Đạo Đế theo ba cách:
“Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến khổ diệt, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.
Như vậy khi Đức Phật giác ngộ, Ngài rõ biết rằng Bát Thánh Đạo là pháp hành hay lộ hành dẫn đến sự khổ diệt. Theo cùng một cách, nếu quý vị đang cố gắng thực hành Vipassanā, quý vị cũng nên cố gắng rõ biết rằng Bát Thánh Đạo là con đường hay pháp hành dẫn đến sự khổ diệt. Đây là sacca-ñāṇa.
Đức Phật tiếp tục dạy về kicca-ñāṇa:
“Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt cần phải tu tập, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.
Theo cách tương tự, nếu quý vị đang thực hành Vipassanā, quý vị phải cố gắng rõ biết Bát Thánh Đạo. Đây là con đường dẫn đền sự diệt khổ. Có tổng cộng 8 chi ngành: Chánh Tri Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Tôi sẽ giải thích thêm một chút. Khi quý vị thực hành thiền Vipassanā, trước tiên, quý vị phải tuệ tri năm uẩn. Thứ nhì, quý vị phải cố gắng để rõ biết nguồn gốc của khổ, đặc biệt là các yếu tố của lý duyên khởi. Các Pháp Khổ Đế và các Pháp Khổ Tập Đế được gọi là Pháp Hành (saṅkhāra-dhamma), hành. Chúng có bản chất là vô thường, như vậy chúng là vô thường (anicca). Chúng luôn luôn bị đàn áp bởi sự sanh và diệt như vậy chúng là khổ (dukkha). Chúng không có tự ngã vững bền, do vậy chúng là vô ngã (anattā). Trong khi quý vị đang thực hành theo cách này, sự thực hành của quý vị được gọi là Vipassanā. Vào lúc đó, việc thấu suốt bản chất vô thường, khổ và hay ngã của của các pháp hữu vi (saṅkhāra-dhamma) này là Chánh Tri Kiến (Sammādiṭṭhi). Dán áp tâm trên các bản chất này của pháp hữu vi (saṅkhāra-dhamma) là Chánh Tư Duy (Sammāsaṅkappa). Nỗ lực thấu suốt bản chất của các pháp hữu vi (saṅkhāra-dhamma) là Chánh Tinh Tấn (sammāvāyāma). Niệm trên bản chất của các pháp hữu vi (saṅkhāra-dhamma) là Chánh Niệm. Định trên bản chất của các pháp hữu vi (saṅkhāra-dhamma) là Chánh Định (Sammāsamādhi). Như vậy tổng cộng có năm chi ngành.
Khi quý vị tiến đến tuệ hoại diệt (bhaṅga-ñāṇa), quý vị phải phân biệt cả ñāta và ñāṇa là vô thường (anicca), khổ (dukkha) hay vô ngã (anatta). Ñāta (tức là “cái phải biết”) nghĩa ở đây là năm uẩn, hay pháp hữu vi (saṅkhāra-dhamma). Ñāṇa là tuệ minh sát. Vào lúc đó tuệ minh sát phát sanh như một tiến trình tâm. Trong tiến trình tâm này, có một ý môn hướng tâm và bảy tốc hành tâm (javana). Trong sát-na ý môn hướng tâm, có mười hai tâm hành. Trong mỗi tốc hành tâm thông thường có ba mươi bốn tâm hành. Trong số các tâm hành này, năm chi của Bát Thánh Đạo là nổi trội hơn hẳn. Quý vị phải thấy rằng tuệ minh sát này cũng là vô thường (anicca), khổ (khổ (dukkha)), hay vô ngã (anatta). Vào lúc đó, quý vị có thể dễ dàng tuệ tri năm chi nổi trội này. Chúng là con đường dẫn đến sự diệt tận khổ đau, vì vào lúc đó quý vị đã hiểu rằng do sự diệt tận không còn dư sót các nhân, năm uẩn cũng sẽ diệt tận hoàn toàn không còn dư sót bằng tuệ minh sát của mình (udayabbayañāṇa).
Trong Bát Thánh Đạo có tám chi. Bây giờ, tôi đã giải thích chỉ mới năm chi. Quý vị không nên hiểu nhầm. Khi quý vị thực hành Vipassanā, quý vị đã tuân thủ giới bổn pāṭimokkha, mười, chính, tám hay năm giới. Như vậy Chánh Ngữ (Sammāvācā), Chánh Nghiệp (Sammākammanta), Chánh Mạng (Sammāājīva) đã hiện diện. Chúng cũng phát sanh là một lộ trình tâm cùng với các tâm hành đồng sanh. Quý vị cũng phải quán chúng là vô thường (anicca), khổ (dukkha), hay vô ngã (anatta). Như vậy tổng cộng có tám chi trong Bát Thánh Đạo.
Vào giai đoạn cuối của thiền Vipassanā, nếu quý vị chứng ngộ Niết-bàn, lúc đó có tám chi của Bát Thánh Đạo hiện diện. Quý vị cũng phải cố gắng chứng ngộ tám chi này? Làm cách nào? Quý vị nên cố gắng chứng ngộ Niết-bàn với tuệ minh sát Quả thiền nhập (phalasamāpatti). Nếu quý vị cố gắng lặp đi lặp lại, và nếu quý vị đếm các tâm hành chứng ngộ Niết-bàn, quý vị sẽ dễ dàng tuệ tri rằng có ba mươi bảy tâm hành hay ba mươi sáu tâm hành,… Trong khi quý vị quán pháp dục giới (kāmavacara-dhamma) hay pháp sơ thiền là vô thường (anicca), khổ (dukkha), hay vô ngã (anattā), vào lúc đó, nếu quý vị chứng ngộ Niết-bàn, trong tuệ Đạo và tuệ Quả của quý vị có ba mươi bảy tâm hành. Trong số các tâm hành này có Bát Thánh Đạo hiện diện. Nhưng trong khi, quý vị đang quán pháp nhị thiền… là vô thường (anicca)…, vào lúc đó nếu quý vị chứng ngộ Niết-bàn, trong tuệ Đạo và tuệ Quả có ba mươi sáu tâm hành… Trong số ba mươi sáu tâm hành… Bảy Thánh Đạo hiện diện vì không có Chánh Tư Duy (Sammā Saṅkappa).
Sau đó Đức Phật tiếp tục dạy về kata-ñāṇa:
“Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt đã được tu tập, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.
Như vậy, quý vị cũng phải cố gắng để thấy rằng quý vị đã tu dưỡng Bát Thánh Đạo này. Nếu quý vị không thể phân biệt Bát Thánh Đạo này, quý vị không thể nào chứng ngộ Niết-bàn. Có hai loại Bát Thánh Đạo: hiệp thế và siêu thế. Quý vị phải tu tập cả hai loại Bát Thánh Đạo này nếu quý vị muốn là Nhập Lưu (Sotāpanna), Nhất Lai (Sakadāgāmī), Bất Lai (Anāgāmī) hay A-la-hán (Arahat).
Như vậy, có tất cả mười hai loại tuệ: ba loại về Khổ Đế (dukkha-sacca) - sacca-ñāṇa, kicca-ñāṇa and kata-ñāṇa; theo cùng một cách, ba loại tuệ trong mỗi Khổ Tập Đế (samudaya-sacca), Diệt Đế (nirodha-sacca) và Đạo Đế (magga-sacca).
Bài Kinh tiếp tục:
“ Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, trong bốn Thánh đế này, với ba Luân (ba vòng xoay tròn) và mười hai Thể (tính chất) như vậy, tri kiến như thật không khéo thanh tịnh ở nơi Ta; thời này các Tỷ-kheo, cho đến khi ấy, trong thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta không chứng tri đã chánh giác vô thượng Chánh Ðẳng Giác.
Và cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, trong bốn Thánh đến này, với ba Luân (ba vòng xoay tròn) và mười hai Thể (tính chất) như vậy, tri kiến như thật đã được khéo thanh tịnh ở nơi Ta; cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, trong thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta mới chứng tri đã chánh giác vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Tri kiến khởi lên nơi Ta: « Bất động là tâm giải thoát của Ta. Ðây là đời sống cuối cùng, nay không còn tái sanh nữa » .
Tuệ này xuất hiện sau khi Ngài chứng đắc A-la-hán (Arahant). A-la-hán Đạo của Ngài xuất hiện cùng với Nhất Thiết Chủng Trí (sabbaññutā-ñāṇa). Như vậy, khi quý vị thực hành Vipassanā đến giai đoạn rõ biết Bốn Thánh Đế, quý vị cũng phải cố gắng để rõ biết Bốn Thánh Đế với ba Luân – mười hai Thể (tính chất) – theo cùng một cách. Trong số ba loại trí tuệ này, sacca-ñāṇa là quan trọng nhất, Kicca-ñāṇa và kata-ñāṇa chỉ xuất hiện sau thời điểm giác ngộ.
Bài Kinh tiếp tục:
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Chúng năm Tỷ-kheo hoan hỷ, tín thọ lời Phật dạy.
Như vậy, Kinh Chuyển Pháp Luân được kết thúc ở đây. Nhưng nó chưa thực sự kết thúc vì vẫn có một vài kết quả. Bài Kinh tiếp tục:
Trong khi lời dạy này được tuyên bố, Tôn giả Kondanna khởi lên pháp nhãn thanh tịnh, không cấu uế như sau: « Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt. » .
Điều này liên hệ đặc biệt đến tuệ minh sát sanh diệt, cả sự sanh diệt do nhân và sanh diệt theo từng sát-na. Vào cuối bài Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkapavattana Sutta), Tôn Giả Kondañña trở thành vị Thánh Nhập Lưu (sotāpanna). Khi Ngài chứng đắc giai đoạn Nhập Lưu (sotāpanna), tuệ minh sát này của ngài đã vững chắc. Tuệ minh sát nào? Đó là tuệ thông hiểu “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.” Mỗi vị Thánh Nhập Lưu (sotāpanna) phải thông hiểu năm uẩn, tức là Khổ Đế (dukkha-sacca) và Duyên Khởi, tức là Khổ Tập Đế (samudaya-sacca). Các Pháp Khổ Đế và các Pháp Khổ Tập Thánh Đế được gọi là các pháp hữu vi (saṅkhārā-dhamma) hay các pháp tập khởi (samudaya-dhamma) (các pháp sanh do nhân duyên). Các pháp hữu vi này luôn luôn sanh và diệt. Tuệ minh sát này phải vững chắc. Vì sao? Bởi vì khi nhập lưu đạo (sotāpatti-magga) chứng ngộ Niết-bàn, với sự hỗ trợ của Niết-bàn, làm tịch tịnh tâm của ngài, nó hủy diệt sự vô minh che phủ Bốn Thánh Đế. Như vậy, vô minh biến mất do Nhập Lưu Đạo tuệ. Bởi vì lý do này, các vị Thánh Nhập Lưu rõ biết “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.” Tuy nhiên, tôi không có ý nói là Nhập Lưu Đạo tuệ hủy diệt hoàn toàn vô minh, vì vô minh chỉ được diệt tận hoàn toàn vào giai đoạn A-la-hán Đạo tuệ.
Nhưng có thể có vài người sẽ hỏi: Tại sao Tôn Giả Kondañña trở thành một vị Nhập Lưu quá nhanh chóng? Chúng ta nên lưu tâm đến ba-la-mật (pāramī) của Ngài, ba-la-mật đã được thực hành trong các kiếp quá khứ. Ngài đã thực hành ba-la-mật (pāramī) trong một trăm ngàn đại kiếp trái đất, từ thời Đức Phật Padumuttara. Vì những người này đã thực hành đầy đủ ba-la-mật, khi họ chứng đắc A-la-hán, A-la-hán Đạo Tuệ (arahatta-magga-ñāṇa) thường xuất hiện cùng với Bốn Tuệ Phân Tích, paṭisambhidā-ñāṇa. Họ sở hữu Bốn Tuệ Phân Tích (paṭisambhidā-ñāṇa). Với những ai sở hữu Bốn Tuệ Phân Tích (paṭisambhidā-ñāṇa), năm yếu tố mà chúng ta đã đề cập ở trước đã được họ thực hành. Như vậy trong thời kỳ Giáo Pháp của các Đức Phật quá khứ, họ đã tu học Vipassanā đến tuệ hành xả (sankharupekha-ñāṇa) trong nhiều kiếp sống. Do các ba-la-mật (paramī) này, trong khi họ lắng nghe Pháp liên hệ đến Bốn Thánh Đế, đặc biệt là về các Pháp Khổ Đế (dukkha-sacca-dhamma) và các Pháp Khổ Tập Đế (dukkha-sacca-dhamma), họ có thể nhanh chóng thông hiểu rằng các Pháp Khổ Đế (dukkha-sacca-dhamma) và các Pháp Khổ Tập Đế (dukkha-sacca-dhamma) là vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta).
Trong Tăng Chi Bộ Kinh (Aṅguttara Nikāya), có một bài Kinh là Kinh Người Nghe Kinh. Trong Kinh này, Đức Phật đề cập đến bốn quả mà một người Tỷ-kheo học tập Pháp Học (pariyatti) cũng như Pháp hành (patipatti): Vị ấy học thuộc lòng Giáo Pháp của Đức Phật và thực hành thiền trên thực tế đến giai đoạn tuệ hành xả (sankharupekha-ñāṇa). Vị ấy chết trước khi chứng đắc bậc Thánh hay trước khi chứng ngộ Niết-bàn. Vào lúc chết hay cận tử, tốc hành tâm cuối cùng được gọi là tốc hành tâm cận tử (maraṇāsanna-javana). Tốc hành tâm cận tử (maraṇāsanna-javana) lấy bản chất vô thường, khổ hay vô ngã của các pháp hữu vi làm đối tượng của nó. Sau đó, vị ấy chết, vị ấy sẽ được tái sanh nơi thiên giới. Ở đó, kiết sanh thức (tâm tục sanh, paṭisandhi-citta), tâm hữu phần (tức tâm hộ kiếp, bhavaṅga-citta) và tử tâm (cuti-citta) cũng cùng lấy một đối tượng. Ví dụ, nếu tốc hành tâm cận tử (maraṇāsanna-javana) lấy bản chất vô thường của các pháp hữu vi làm đối tượng, lúc đó ba tâm này cũng lấy bản chất vô thường của các pháp hữu vi làm đối tượng. Nếu tốc hành tâm cận tử (maraṇāsanna-javana) lấy bản chất khổ của các pháp hữu vi làm đối tượng, lúc đó ba tâm này của vị thiên nhân cũng lấy bản chất khổ của các pháp hữu vi làm đối tượng. Áp dụng tương tự cho bản chất vô ngã. Trong số ba tâm này, tâm hữu phần (bhavaṅga-citta) là quan trọng nhất. Sau đó, vị ấy được tái sanh làm một thiên nhân, tâm hữu phần (bhavaṅga-citta) lấy bản chất vô thường, khổ hay vô ngã của các pháp hữu vi (saṅkhāra-dhamma) làm đối tượng. Bản chất của các pháp hữu vi luôn luôn hiện diện trong tâm vị ấy. Vị ấy có thể dễ dàng thấy nó. Bởi vì lý do này, trong khi quán xét bản chất của các pháp hữu vị (saṅkhāra-dhamma), vị ấy có thể nhanh chóng chứng ngộ Niết-bàn. Đây là quả thứ nhất.
Quả thứ hai và thứ ba thì như sau: chính vị ấy không thực hành thiền Định (samatha) và Tuệ (Vipassanā) ở cõi trời. Tuy nhiên, trong khi vị ấy lắng nghe Pháp được một vị Tỳ-kheo là người có năng lực thần thông hay một vị thiên nhân giảng, vị ấy có thể nhanh chóng nhớ lại các pháp hữu vi này. Khi vị ấy chú tâm vào các pháp hữu vi này là vô thường, khổ hay vô ngã, vị ấy có thể nhanh chóng chứng ngộ Niết-bàn. Đây là loại quả thứ hai và thứ ba.
Quả thứ tư là: Vị ấy không có cơ hội lắng nghe Pháp (Dhamma). Nhưng vị ấy có một vài người bạn trong tiền kiếp là người đã chết trước vị ấy và đến thiên giới. Khi vị ấy đến thiên giới, những người bạn này làm vị ấy rõ biết về Bốn Thánh Đế. Vào lúc vị ấy chú tâm vào các pháp hữu vi này là vô thường (anicca), hay khổ (dukkha), hay vô ngã (anatta). Lúc đó vị ấy có thể nhanh chóng chứng ngộ Niết-bàn. Đây là quả thứ tư.
Trường hợp của Tôn Giả Kondañña là loại quả thứ hai. Khi vị ấy lắng nghe Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkapavattana Sutta) có liên hệ đến Bốn Thánh Đế, vị ấy có thể nhanh chóng chứng ngộ Bốn Thánh Đế. Vì vị ấy đã tu học thiền Định (samatha) và thiền Tuệ (Vipassanā) đến giai đoạn tuệ hành xả (saṅkhārūpekkhā-ñāṇa) trong thời kỳ Giáo Pháp của các Đức Phật quá khứ, đặc biệt là vào thời kỳ của Đức Phật Padumuttara.
Bài Kinh tiếp tục:
Và khi Pháp luân này được Thế Tôn chuyển vận như vậy, chư Thiên cõi đất này lớn tiếng nói lên: « Nay vô thượng Pháp luân này được Thế Tôn ở Ba-la-nại, chỗ chư Tiên đọa xứ, tại Vườn Nai, chuyển vận một Pháp luân chưa từng được ai chuyển vận, Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, hay bất cứ một ai ở đời » .
Sau khi được nghe tiếng chư Thiên ở cõi đất, Tứ đại Thiên vương thiên lên tiếng nói lên: « Nay vô thượng Pháp luân này được Thế Tôn ở Ba-la-nại, chỗ chư Tiên đọa xứ, tại Vườn Nai, chuyển vận một Pháp luân chưa từng được ai chuyển vận, Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên hay bất cứ một ai ở đời » .
Sau khi được nghe tiếng của chư Thiên ở Tứ đại Thiên vương thiên, thời chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba… chư Thiên Yàmà… chư Thiên Tusità… chư Hóa lạc thiên… chư Tha hóa tự tại thiên… chư Thiên ở Phạm thiên giới lớn tiếng nói lên: « Nay vô thượng Pháp luân này được Thế Tôn ở Ba-la-nại, chỗ chư Tiên đọa xứ, tại Vườn Nai, chuyển vận một Pháp luân chưa từng được ai chuyển vận, Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên hay bất cứ một ai ở đời » .
Như vậy, trong sát-na ấy, trong khoảnh khắc ấy, trong giây phút ấy, tiếng ấy lên đến Phạm thiên giới. Và mười ngàn thế giới chuyển động, rung động, chuyển động mạnh. Và một hào quang vô lượng, quảng đại phát chiếu ra ở đời, vượt quá uy lực chư Thiên.
Rồi Thế Tôn thốt lên lời cảm hứng sau đây: « Chắc chắn đã giác hiểu là Kondanna (Kiều-trần-như)! Chắc chắn đã giác hiểu là Kondanna! » Như vậy Tôn giả Koṇḍañña được tên là Aññāsi Koṇḍañña (A-nhã Kiều-trần-như).
Các vị Tỷ-kheo khác, tức là, Vappa, Bhaddiya, Mahānāma và Assaji là loại người thứ tư. Điều đó có nghĩa là Đức Phật phải dạy họ nhiều lần làm thể nào để hiểu năm uẩn và lý duyên khởi. Và sau khi Ngài dạy họ cách chứng ngộ bản chất vô thường, bản chất phi khả ái hay bản chất vô ngã của các pháp hữu vi (saṅkhāra-dhamma). Đức Phật dạy họ hằng ngày. Bởi vì lý do này, họ tuần tự chứng đắc giai đoạn sotapānna từng ngày một.
Do vậy, sau đó, Tôn Giả Kondañña đã thỉnh cầu Đức Phật về sự xuất gia. Đức Thế Tôn đã chấp nhận bằng những lời sau:
“Này tỳ khưu, hãy đến. Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau.”
Chính điều ấy đã là sự tu lên bậc trên của các Tôn giả Kondañña. Sau đó là Tôn giả Vappa, Bhaddiya, Mahānāma và Assaji đã đạt được minh sát và trở thành bậc Thánh Nhập Lưu (sotapānna) mỗi ngày sau đó. Họ cũng được tu lên bậc trên trong cùng ngày.
Quý vị có muốn đoạn tận khổ đau hay không? Nếu muốn, xin hãy lắng nghe Kinh Kūṭaghāra (Kūṭaghāra Sutta) của Tương Ưng Sự Thật (Saṁyutta Nikāya):
“Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: « Không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ, không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ tập, không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ diệt, không có như thật giác ngộ Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ chơn chánh đoạn tận khổ đau » ; sự kiện này không xảy ra.
Ví như, này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: « Không xây dựng tầng dưới của ngôi nhà có nóc nhọn, tôi sẽ xây dựng tầng trên của ngôi nhà » , sự kiện này không xảy ra. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: « Không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ, không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ Tập, không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ Diệt, không có như thật giác ngộ Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ chơn chánh đoạn tận khổ đau » ; sự kiện này không xảy ra.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: « Sau khi như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ, sau khi như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ tập, sau khi như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ Diệt, sau khi như thật giác ngộ Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ đoạn tận khổ đau » ; sự kiện này có xảy ra.
Ví như, này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: « Sau khi xây dựng tầng dưới của căn nhà có nóc nhọn, tôi sẽ xây dựng tầng trên của ngôi nhà » ; sự kiện này có xảy ra. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: « Sau khi như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ, sau khi như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ tập, sau khi như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ Diệt, sau khi như thật giác ngộ Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ đoạn tận khổ đau » ; sự kiện này có xảy ra.
“Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: « Ðây là Khổ » , một cố gắng cần phải làm để rõ biết: « Ðây là Khổ tập » , một cố gắng cần phải làm để rõ biết: « Ðây là Khổ diệt » , một cố gắng cần phải làm để rõ biết: « Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt » ”.
Để thoát khỏi vòng luân hồi thì thật quan trọng là phải rõ biết Bốn Thánh Đế. Sự việc này được chỉ rõ trong Kinh Koṭigāma (Koṭigāma Sutta) của Tương Ưng Sự Thật (Saṁyutta Nikāya):
“Một thời Thế Tôn trú giữa các dân chúng Vajjī, tại Koṭigāma.Tại đấy, Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo, do không hiểu rõ và thể nhập bốn Thánh đế mà Ta và các Ông đã phải dong ruổi, lưu chuyển trong vòng luân hồi dài đằng đẵng bấy lâu nay”. Thế nào là bốn?
Do không hiểu rõ và không thể nhập Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo, nên các ông và Ta đã phải dong ruổi, lưu chuyển trong vòng luân hồi dài đằng đẵng bấy lâu nay, do không hiểu rõ và không thể nhập Thánh đế về Khổ tập, do không hiểu rõ và không thể nhập Thánh đế về Khổ diệt, do không hiểu rõ và không thể nhập Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, nên các Ông và Ta đã phải dong ruổi, lưu chuyển trong vòng luân hồi dài đằng đẵng bấy lâu nay.
Nhưng nay, này các Tỷ-kheo, Thánh đế về Khổ này đã được hiểu rõ, đã được thể nhập, Thánh đế về Khổ tập đã được hiểu rõ, đã được thể nhập, Thánh đế về Khổ diệt đã được hiểu rõ, đã được thể nhập, Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt đã được hiểu rõ, đã được thể nhập. Hữu ái đã bị chặt đứt, những gì đưa đến tái sanh đã bị tận diệt (bhavanetti). Nay không còn tái sanh nữa.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Sau khi thuyết giảng như vậy, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
“Catunnaṁ ariyasaccānaṁ, yathābhūtaṁ adassanā;
saṁsitaṁ dīghamaddhānaṁ, tāsu tāsveva jātisu.
“Tāni etāni diṭṭhāni, bhavanetti samūhatā,
ucchinnaṁ mūlaṁ dukkhassa, natthidāni punabbhavo. ”
“Do không như thật thấy,
Bốn sự thật bậc Thánh,
Phải lâu ngày luân chuyển,
Trải qua nhiều đời sống.
“Khi chúng được thấy rõ,
Mầm tái sanh nhổ sạch,
Gốc khổ được đoạn tận,
Nay không còn tái sanh.”
—-*—-
Tác giả: Bản tiếng Anh của Pa Auk sayadaw, thiền lâm Pa Auk, Myanmar
Dịch từ Anh sang Việt: Tâm Chánh
Chú thích:
[1] Hình chụp năm 2010:
http://thienviennguyenthuy.wordpress.com/2010/02/17/hanh-h%C6%B0%C6%A1ng_ph%E1%BA%A7n-8-sarnath/
Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn,
Bậc Ứng Cúng, Đấng Chánh Đẳng Giác
Dhammacakkapavattana Sutta
Kinh Chuyển Pháp Luân
(The Setting in Motion of the Wheel of the Dhamma)(Quay Bánh Xe Pháp)
(Ảnh năm tôn giả từ Wikipedia)
Bài Kinh (Sutta) này là bài pháp đầu tiên mà Đức Phật đã thuyết cho nhóm năm vị Tỳ-khưu.
Không lâu sau khi Thái Tử Siddhattha xuất ly đời sống thế tục, sống không gia đình, Ngài đã tu hành khổ hạnh với nỗ lực mạnh mẽ ở Uruvela. Tại đó, nhóm năm vị Tỳ-khưu đã phục vụ và chăm sóc cho nhu cầu ít ỏi của Ngài. Sáu năm sau, Ngài nhận thấy rằng, khổ hạnh không phải là con đường đúng để giác ngộ nên đã từ bỏ nó. Ngài dùng lại vật thực cần thiết cho cơ thể. Nhóm năm vị Tỳ-khưu suy nghĩ sai lầm rằng Ngài đã từ bỏ nỗ lực giác ngộ. Thất vọng về Ngài, họ rời bỏ Ngài và đi đến Vườn Nai ở Isipatana.
Sau khi Thái tử Siddhattha chứng đạt giác ngộ và trở thành một vị Phật, ngài quan sát thấy rằng nhóm năm vị Tỳ-khưu sẽ là nhóm người đầu tiên chứng ngộ Pháp (Dhamma). Vì vậy, Ngài viếng thăm họ ở Isipatana để thuyết bài Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkapavatana Sutta).
Bài Kinh (Sutta) này rất được các Phật tử kính trọng, vì nó là lần đầu tiên Đức Phật quay bánh xe Pháp (Dhamma) mà chư thiên và nhân loại chưa từng được được nghe. Bài Kinh (Sutta) bắt đầu bằng:
‘Như vầy tôi nghe: Một thời Thế Tôn trú tại Vườn Nai ở Isipatana gần Ba-la-nại (Benares).
Ở đây “một thời” có nghĩa là ngày rằm của tháng Sáu và Bảy, gần hai tháng sau khi Đức Phật giác ngộ. Lúc đó, Đức Phật đi từ Bodhgaya đến Vườn Nai ở Isipatana. Ở đây “isi” nghĩa là “hiền nhân”; “patana” nghĩa là “hạ xuống hay đáp xuống”. Trước khi Bồ-tát (Buddhisatta) của chúng ta trở thành thành Đấng Chánh Đẳng Giác, nhiều hiền nhân, đặc biệt là nhiều vị Độc Giác Phật (Paccekabuddha), bay từ trú xứ của mình ở Himalaya đáp xuống nơi đó để đi khất thực trong thành Benares. Sau khi khất thực xong, họ lại bay trở về Himalaya từ Vườn Nai đó. Họ cũng tập hợp tại nơi đó cho lễ Uposatha và gặp gỡ. Các vị Phật quá khứ cũng đáp xuống nơi đó để thuyết giảng bài Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkapavattana Sutta), Quay bánh xe Pháp. Đó là lý do tại sao nơi này được gọi là “isipatana”, bến đỗ của các hiền nhân.
Bài Kinh (Sutta) tiếp tục:
“Tại đấy, Thế Tôn bảo chúng năm Tỷ-kheo:
“Có hai cực đoan này, này các Tỷ-kheo, một người xuất gia không nên thực hành theo. Thế nào là hai?”
“Người xuất gia” (pabbajita) nghĩa là người nỗ lực nhổ bỏ các phiền não. Vị ấy xả ly đời sống thế tục, nhận lấy nhiệm vụ của một vị ẩn sĩ, và thực hành thiền để tiêu diệt tất cả các phiền não và chứng đắc an lạc vĩnh viễn, Niết-bàn (Nibbāna).
Ở đây, năm vị Tỷ-kheo đó là Kondañña, Bhaddiya, Vappa, Mahanama và Assaji. Trong số họ, Assaji sẽ trở thành thầy của Tôn Giả Xá-lợi-phất (Sāriputta).
Tất cả các vị ấy đều có các Ba-la-mật (pāramī) đã được viên mãn, từ một trăm ngàn đại kiếp trái đất trước đây trong thời kỳ của Đức Phật Padumuttara (Liên Hoa). Đặc biệt, họ đã thực hành thiền Vipassanā đến giai đoạn Tuệ Hành Xả (saṅkhārūpekkhāñāṇa), tuệ minh sát hướng đến xả ly các hành, trong thời kỳ Giáo Pháp của các Đức Phật quá khứ.
Tại sao chúng ta nói rằng họ có các Ba-la-mật (pāramī) đã được viên mãn? Bởi vì sau khi lắng nghe bài Kinh Vô Ngã Tướng (Anattalakkhaṇa Sutta), họ hẳn nhiên trở thành các vị Arahants với Tứ Tuệ Phân Tích.
Tứ Tuệ Phân Tích là:
1. attha-paṭisambhidā: Tuệ Phân Tích về Khổ Thánh Đế, dukkha-sacca.
2. dhamma-paṭisambhidā: Tuệ Phân Tích về Khổ Tập Thánh Đế, samudaya-sacca.
3. nirutti-paṭisambhidā: Tuệ Phân Tích về ngôn ngữ và ngữ pháp về Pháp Khổ Đế (dukkha-sacca-dhamma) và Pháp Khổ Tập Đế (samudaya-sacca-dhamma).
4. paṭibhāna-paṭisambhidā: Tuệ Phân Tích về ba loại Tuệ Phân Tích trên.
Năm nhân phải được thực hành để chứng đạt Tứ Tuệ Phân Tích:
1. adhigama (thành tựu): thành tựu quả vị Arahant hay bất kỳ Thánh Đạo nào.
2. pariyatti (tinh thông kinh điển): thông thuộc nằm lòng tam tạng kinh điển (piṭaka)
3. savana (nghe): lắng nghe Pháp (Dhamma) cẩn trọng và tôn kính.
4. paripucchā (vấn): học các chú giải và đặc biệt là các điểm nan giải trong kinh điển Pāḷi.
5. pubbayoga (tiền nỗ lực): đã thực hành Vipassanā đến giai đoạn Tuệ Hành Xả (saṅkhārūpekkhāñāṇa) trong thời Giáo Pháp của các Đức Phật quá khứ bằng việc thực hành gata-paccāgata-vatta. Gata-paccāgata-vatta nghĩa là trên đường vào làng khất thực và trên đường quay về, họ luôn thực hành thiền Định (samatha) và thiền Tuệ (vipassanā).
Trong số năm nhân này, nhân đầu tiên phải được thực hiện trong kiếp sống mà họ chứng đắc Tứ Tuệ Phân Tích. Bốn nhân còn lại phải được thực hành trong thời kỳ Giáo Pháp của các Đức Phật quá khứ.
Như vậy, chúng ta nên ghi nhớ rằng năm vị Tỷ-kheo này đã viên mãn trong thời kỳ Giáo Pháp của các Đức Phật quá khứ để chứng đắc quả vị Arahant cùng với Tứ Tuệ Phân Tích.
Liên quan đến hai cực đoan, Đức Phật giải thích:
“Một là đắm say trong các dục. Đó là pháp hạ liệt, thô tục, phàm phu, không xứng pháp bậc Thánh, không mang đến lợi ích. Hai là tự hành khổ mình, khổ đau, không xứng pháp bậc Thánh, không mang đến lợi ích.”
Ở đây, Đức Phật bảo rằng một trong hai cực đoan là đắm say trong các dục. Khi ngài còn là Thái tử Siddhattha, Bồ-tát của chúng ta, ngài đã say đắm trong dục lạc nhiều năm. Ngài có ba lâu đài tráng lệ cho ba mùa để sống trong đó. Ngài đã cưới vợ được dâng hiến, Công chúa Yasodharā, người có sắc đẹp không ai bì được trong số nữ nhân trên thế gian. Họ đã sanh một hoàng tử, Rāhula. Mọi người và mọi thứ xung quanh ngài đều khả ái và đáng ưa thích. Tuy nhiên, ngài không thể tìm thấy Chân Lý mà ngài đã truy tầm trong loại cuộc sống xa hoa này. Đó là tại sao, sau khi giác ngộ, ngài tuyên bố rằng đắm say trong các dục là pháp hạ liệt, thô tục, phàm phu, không xứng pháp Bậc Thánh, không đem lại lợi ích…
Nếu một Tỷ-kheo đắm say trong các dục, sự dính mắc với dục lạc sẽ tăng trường từng ngày. Vị ấy sẽ bị vướng trong dòng xoáy của tham ái. Do vậy, vị ấy không thể chứng ngộ Niết-bàn (Nibbāna) hay chứng đắc bất kỳ thành tựu nào về thiền.
Thái cực thứ hai là tôn sùng sự hành xác, chẳng hạn như nít thở ngày càng lâu hơn, nhịn ăn, không ăn gì cả ngoại trừ cỏ, ngoại trừ rêu, rác v.v. chỉ ăn mỗi ngày một hạt đậu, mỗi ngày một hạt mè, mỗi ngày một hạt gạo, đứng bằng một chân trong thời gian dài, nằm gai, v.v. Trong thời Ấn Độ cổ xưa, người ta tin tưởng sai lầm rằng nguồn gốc của phiền não có gốc rễ từ thân xác. Vì vậy, họ thực hành khổ hạnh với mong ước diệt trừ phiền não. Sau khi Bồ-tát (Bodhisatta) xả ly thế gian, ngài thực hành nhiều pháp khổ hạnh khắt khe đến mức không một ai có thể thực hành được. Gầy mòn do nhịn ăn lâu dài, cơ thể của Ngài trở nên cực kỳ gầy gò. Chân của Ngài trở nên như ống sậy, bàn trôn của Ngài trở thành như móng chân con lạc đà. Xương sống giống như một chuỗi banh. Các xương sườn gầy mòn giống như rui cột một nhà sàn hư nát. Con ngươi của Ngài chìm sâu trong lỗ con mắt, giống như nước trong một cái giếng sâu thẳm. Thậm chí Ngài như đang đứng trước ngưỡng cửa của cái chết. Với sự khổ hạnh khốc liệt như thế, Ngài vẫn không chứng ngộ được chân lý mà Ngài tìm kiếm đã lâu. Do vậy sau khi giác ngộ, Ngài tuyên bố rằng tôn sùng sự hành xác là khổ đau, không phải pháp hành của các bậc Thánh và không đem lại lợi ích.
Nếu một Tỷ-kheo sùng bái sự hành xác, vì thân vị ấy trở nên kiệt sức và tâm trở nên bất an bởi vì các cơn đau, vị ấy không thể chứng đắc bất kỳ sự định tâm sâu nào. Không có định tâm sâu, Tỷ-kheo ấy không chứng ngộ được các Pháp như chúng thật là. Vì vậy, vị ấy thất bại trong việc thể nhập được Bốn Thánh Đế.
Đức Phật tiếp tục:
“Tránh xa hai cực đoan này, này các Tỷ-kheo, là con đường Trung đạo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.”
“Trung Đạo” được gọi như vậy là vì nó tránh khỏi hai cực đoan này.
Ở đây “mắt” (cakkhu) nghĩa là con mắt trí tuệ thấy được Tứ Thánh Đế. “Trí” (ñāṇa) nghĩa là trí tuệ chứng ngộ Tứ Thánh Đế. “An tịnh” (upasama) nghĩa là tận diệt không còn dư sót tất cả các phiền não. “Thắng trí” (abhiññāṇa) nghĩa là trí tuệ thấu hiểu Tứ Thánh Đế. “Giác Ngộ” (sambodha) nghĩa là Tuệ Đạo biết rõ Tứ Thánh Đế. “Niết-bàn” (Nibbāna) là chấm dứt vòng luân hồi, sự giải thoát, an lạc tối hậu.
Ở đây, tôi muốn trích dẫn một đoạn từ Kinh Lỗ Khóa (Chiggaḷayuga Sutta) để giải thích về sự quan trọng của Tứ Thánh Đế:
“Ví như, này các Tỷ-kheo, một người quăng một khúc cây có một cái lỗ trên biển, và có một con rùa mù, cứ một trăm năm mới trồi đầu lên một lần. Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Con rùa mù ấy, cứ một trăm năm mới trồi đầu lên một lần, có thể đút cổ nó vào trong lỗ cây này được không?”
“Nếu có được chăng nữa, bạch Thế Tôn, thời chỉ được một lần, sau một thời gian rất lâu dài.”
“Còn mau hơn, này các Tỷ-kheo, con rùa mù ấy có thể chui cổ vào khúc cây có lỗ hổng kia; nhưng này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng còn khó hơn được làm người trở lại, một khi người ngu bị rơi vào đọa xứ. Vì sao vậy? Vì ở đấy, này các Tỷ-kheo, không có pháp hành, an tịnh hành, thiện hành, phước hành. Này các Tỷ-kheo, ở đây chỉ có ăn lẫn nhau và ăn thịt kẻ yếu. Vì sao vậy? Vì ở đây, này các Tỷ-kheo, họ không thấy được Bốn Thánh Đế. Gì là bốn? Thánh Đế về Khổ, Thánh Đế về Nguồn Gốc của Khổ, Thánh Đế về Khổ Diệt, Thánh Đế về Con Đường Diệt Khổ.
“Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “ Ðây là Khổ Thánh Đế ” . Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “ Ðây là Khổ tập Thánh Đế ” . Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “ Ðây là Khổ diệt Thánh Đế ” . Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “ Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt Thánh Đế ” ”
Vì thế, để ngăn ngừa việc rơi xuống các cảnh khổ, người đó phải thấu hiểu Bốn Thánh Đế. Con đường trung đạo là con đường duy nhất để thấu hiểu chúng và để tác thành mắt, tác thành trí và giác ngộ chứng đắc Niết-bàn.
Đức Phật tiếp tục:
“Và thế nào là con đường Trung đạo, này các Tỷ-kheo, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn?
Chính là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là: chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Ðây là con đường trung đạo, này các Tỷ-kheo, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.”
Ở đây, tôi muốn giải thích ý nghĩa của đoạn kinh trên. Thế nào là Chánh Tri Kiến (sammā-diṭṭhi)? Trong Kinh Đại Niệm Xứ, Đức Phật giải thích bốn khía cạnh của Chánh Tri Kiến:
‘dukkhe ñāṇaṁ, dukkhasamudaye ñāṇaṁ, dukkhanirodhe ñāṇaṁ, dukkhanirodhagāminīpaṭipadāya ñāṇam’—
Tuệ Minh Sát về Khổ Đế (dukkha-sacca),
Tuệ Minh Sát về Khổ Tập Đế (samudaya-sacca),
Tuệ Minh Sát về Khổ Diệt Đế (nirodha-sacca),
Tuệ Minh Sát về Đạo Đế (magga-sacca) (Thánh Đế về Con Đường Đưa Đến Khổ Diệt)
Bốn loại tuệ minh sát này được gọi là Chánh Tri Kiến.
Thế nào là Chánh Tư Duy (sammā-saṅkappa)? Sự dán áp tâm đến Khổ Đế (dukkha-sacca), sự dán áp tâm đến Khổ Tập Đế (samudaya-sacca), sự dán áp tâm đến Diệt Đế (nirodha-sacca), sự dán áp tâm đến Đạo Đế (magga-sacca). Bốn loại dán áp tâm này được gọi là Chánh Tư Duy. Trong trường hợp này, các thiền pháp (jhāna-dhamma) cũng được bao gồm trong Khổ Đế (dukkha-sacca). Như vậy sự dán áp tâm đối với đối tượng thiền cũng như các thiền pháp (jhāna-dhamma) cũng là Chánh Tư Duy.
Như vậy Chánh Tri Kiến và Chánh Tư Duy luôn luôn đồng sanh với nhau. Chúng có thể phát sanh đồng thời trong cùng một sát-na tâm (citta-khaṇa).
Chánh Ngữ (sammā-vācā), Chánh Nghiệp (sammā-kammanta), Chánh Mạng (Sammā-ājīva) được gọi là giới học, nghĩa là sự rèn luyện về giới.
Thế nào là Chánh Tinh Tấn (sammā-vāyāma)? Trong thiền định (samatha), nỗ lực tập trung hoàn toàn trên đối tượng định (samatha) là Chánh Tinh Tấn. Trong thiền tuệ (Vipassanā) nỗ lực chứng ngộ Khổ Đế (dukkha-sacca), Khổ Tập Đế (samudaya-sacca), Diệt Đế (nirodha-sacca) và Đạo Đế (magga-sacca) được gọi là Chánh Tinh Tấn.
Thế nào là Chánh Niệm (sammā-sati)? Niệm trên Khổ Đế (dukkha-sacca), niệm trên Khổ Tập Đế (samudaya-sacca), niệm trên Diệt Đế (nirodha-sacca) và niệm trên Đạo Đế (magga-sacca). Bốn loại niệm này được gọi là Chánh Niệm.
Thế nào là Chánh Định (sammā-samādhi)? Trong thiền định (samatha), tám thiền chứng được gọi là Chánh Định, đó là, sơ thiền (jhāna), nhị thiền (jhāna), tam thiền (jhāna), tứ thiền (jhāna), hư không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ và phi tưởng phi phi tưởng xứ. Trong thiền minh sát (vipassanā), định trên các pháp hữu vi (saṅkhāra-dhamma), các hành và bản chất vô thường, khổ và vô ngã của chúng là Chánh Định. Chánh Định luôn luôn đồng hành với Chánh Tri Kiến. Chúng đồng sanh trong cùng một sát-na tâm. Đây là định hiệp thế. Định siêu thế đồng sanh với Tuệ Đạo, lấy Niết-bàn làm đối tượng.
Đức Phật tiếp tục:
“Ðây là Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo:
Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ.”
Ở đây, sanh, già, bệnh và chết là khổ (dukkha) theo pháp tục đế (sự thật chế định, sammuti-sacca) cũng như pháp chân đế (paramatha-sacca). Tất cả các sắc và danh chân đế đều có ba giai đoạn: giai đoạn sanh ra (jāti; sanh), giai đoạn trụ (jarā; già) và giai đoạn hoại diệt (maraṇa; chết). Đức Phật giải thích sanh, già và chết trong Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta) như sau:
Này các Tỷ kheo thế nào là sanh? Mỗi mỗi hạng chúng sanh trong từng giới loại, sự xuất sản, xuất sanh, xuất thành, tái sanh của họ, sự xuất hiện các uẩn, sự hoạch đắc các căn. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là sanh.
Này các Tỷ kheo, thế nào là già? Mỗi mỗi hạng chúng sanh, trong từng giới hạn, sự niên lão, sự hủy hoại, trạng thái rụng răng, trạng thái tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ rút ngắn, các căn hủy hoại. Này các Tỷ kheo, như vậy là già.
Này các Tỷ kheo, thế nào là chết? Mỗi mỗi hạng chúng sanh trong từng giới loại, sự tạ thế, sự từ trần, thân hoại, sự diệt vong, sự chết, sự tử vong, thời đã đến, sự cắt đứt các uẩn, sự vất bỏ tử thi. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là chết.
Oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là hữu ái khổ (sarāgadukkha), nghĩa là khổ xảy ra bởi dính mắc. Đức Phật giải thích chúng trong Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta) như vầy:
“Này các Tỷ kheo, thế nào là oán gặp nhau? Ở đây, những ai có sự không mong muốn, ghét bỏ các cảnh sắc, cảnh thanh, cảnh mùi, cảnh vị, cảnh xúc hay cảnh pháp không khả ái, hoặc những ai gặp phải những kẻ ưa ác tầm, các kẻ ưa hại tầm, khó chịu, đồng bóng, người mà họ có sự gặp gỡ, giao thiệp, quan hệ, và liên kết. Này các Tỷ-kheo, đó là oán gặp nhau.”
“Này các Tỷ kheo, thế nào là ái biệt ly? Ở đây, những ai có sự mong cầu, ưa thích các cảnh sắc, cảnh thanh, cảnh mùi, cảnh vị, cảnh trần hay cảnh pháp khả ái, hoặc những ai gặp được những người ưa giúp người, người ưa thiện sự, dễ ưa, đáng tin cập, mẹ hay cha hay anh hay chị hay người bà con trẻ tuổi hoặc bạn hữu hoặc đồng nghiệp hoặc người có quan hệ huyết thống và rồi bị tước đi sự gặp gỡ, giao thiệp, quan hệ, và liên kết. Này các Tỷ-kheo, đó là ái biệt ly.
Này các Tỷ kheo, thế nào là cầu bất đắc khổ? Này các Tỷ kheo, chúng sanh bị sanh chi phối, khởi sự mong cầu: “ Mong rằng ta khỏi bị sanh chi phối, mong rằng ta khỏi phải đi thác sanh! ” . Lời cầu mong ấy không được thành tựu. Như vậy gọi là cầu bất đắc khổ.
Này các Tỷ kheo, chúng sanh bị già chi phối, khởi sự mong cầu: “ Mong rằng ta khỏi bị già chi phối, mong rằng ta khỏi đương chịu già! ” . Lời mong cầu ấy không được thành tựu. Như vậy là cầu bất đắc khổ.
Này các Tỷ kheo, chúng sanh bị bệnh chi phối, khởi sự mong cầu: “ Mong rằng ta khỏi bị bệnh chi phối, mong rằng ta khỏi đương chịu bệnh! ” . Lời mong cầu ấy không được thành tựu. Như vậy là cầu bất đắc khổ.
Này các Tỷ kheo, chúng sanh bị sầu chi phối, khởi sự mong cầu: “ Mong rằng ta khỏi bị sầu chi phối, mong rằng ta khỏi đương chịu sầu! ” . Lời mong cầu ấy không được thành tựu. Như vậy là cầu bất đắc khổ.
Này các Tỷ kheo, chúng sanh bị bi chi phối, khởi sự mong cầu: “ Mong rằng ta khỏi bị bi chi phối, mong rằng ta khỏi đương chịu bi! ” . Lời mong cầu ấy không được thành tựu. Như vậy là cầu bất đắc khổ.
Này các Tỷ kheo, chúng sanh bị khổ chi phối, khởi sự mong cầu: “ Mong rằng ta khỏi bị khổ chi phối, mong rằng ta khỏi đương chịu khổ! ” . Lời mong cầu ấy không được thành tựu. Như vậy là cầu bất đắc khổ.
Này các Tỷ kheo, chúng sanh bị ưu chi phối, khởi sự mong cầu: “ Mong rằng ta khỏi bị ưu chi phối, mong rằng ta khỏi đương chịu ưu! ” . Lời mong cầu ấy không được thành tựu. Như vậy là cầu bất đắc khổ.
Này các Tỷ kheo, chúng sanh bị não chi phối, khởi sự mong cầu: “ Mong rằng ta khỏi bị não chi phối, mong rằng ta khỏi đương chịu não! ” . Lời mong cầu ấy không được thành tựu. Như vậy là cầu bất đắc khổ.
Ngoại trừ các loại khổ não này, Đức Phật còn giải thích năm loại khổ não khác trong một vài bài Kinh (Sutta). Chúng là sầu, bi, khổ, ưu và não. Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta) giải thích về chúng như vầy:
Này các Tỷ kheo, thế nào gọi là sầu? Này các Tỷ kheo, với những ai gặp phải tai nạn này hay tai nạn khác; với những ai cảm thọ sự đau khổ này hay sự đau khổ khác, sự sầu, sự sầu lo, sự sầu muộn, nội sầu, mọi khổ sầu của người ấy. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là sầu.
Này các Tỷ kheo, thế nào là bi? Này các Tỷ kheo, với những ai gặp phải tai nạn này hay tai nạn khác; với những ai cảm thọ sự đau khổ này hay sự đau khổ khác, sự bi ai, sự bi thảm, sự than van, sự than khóc, sự bi thán, sự bi thống của người ấy. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là bi.
Này các Tỷ kheo, thế nào là khổ? Này các Tỷ kheo, sự đau khổ về thân, sự không sảng khoái về thân, sự đau khổ do thân cảm thọ, sự không sảng khoái do thân cảm thọ. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là khổ.
Này các Tỷ kheo, thế nào là ưu? Này các Tỷ kheo, sự đau khổ về tâm, sự không sảng khoái về tâm, sự đau khổ do tâm cảm thọ, sự không sảng khoái do tâm cảm thọ. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là ưu.
Này các Tỷ kheo, thế nào là não? Này các Tỷ kheo, với những ai gặp tai nạn này hay tai nạn khác; với những ai cảm thọ sự đau khổ này hay sự đau khổ khác, sự áo não, sự bi não, sự thất vọng, sự tuyệt vọng của người ấy. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là não.”
Sau đó Đức Phật giải thích về Khổ Đế (dukkha-sacca) theo cách tóm lược: “Này các Tỷ kheo, như vậy tóm lại Năm Thủ uẩn là khổ.” Chúng là các đối tượng của tuệ minh sát.
Thế nào là ngũ thủ uẩn? Chúng là
rūpupādānakkhandha, vedanupādānakkhandha, saññupādānakkhandha, saṅkhārupādānakkhandha, viññaṇupādānakkhandha,
có nghĩa là sắc thủ uẩn (rūpupādānakkhandha), thọ thủ uẩn (vedanupādānakkhandha), tưởng thủ uẩn (saññupādānakkhandha), hành thủ uẩn (saṅkhārupādānakkhandha), thức thủ uẩn (viññaṇupādānakkhandha). Thế nào là sắc thủ uẩn? Trong Kinh Uẩn (Khandhā Sutta) trong Tương Ưng Thiên Uẩn (Khandhā Vagga Saṁyutta) (S.22, 48), Đức Phật dạy:
‘Yaṁ kiñci rūpaṁ atītānāgatapaccuppannaṁ ajjhattaṁ vā bahiddhā vā olārikaṁ vā sukhumaṁ vā hīnaṁ vā paṇitaṁ vā yaṁ dūre santike vā sāsavaṁ upādāniyaṁ ayaṁ vuccati rūpupādānakkhandho.’
Đây là lời giải thích của Đức Phật. Điều đó nghĩa là gì?
“Phàm có sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả các loại sắc này là đối tượng của chấp thủ được gọi là sắc thủ uẩn.”
Theo cách tương tự, Đức Phật giải thích về thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn và thức thủ uẩn. Như vậy, quý vị nên hiểu rằng các Pháp Khổ Đế (các pháp vốn thuộc về Thánh Đế về Khổ) không chỉ bao gồm năm uẩn hiện tại bị chấp thủ chi phối mà còn cả năm uẩn chấp thủ ở quá khứ, vị lai, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần.
Tại sao ngũ uẩn này bị chấp thủ chi phối? Tâm và thân của chúng sanh được tạo thành bởi ngũ uẩn. Do bởi vô minh, thế gian đồng nhất sắc là “tôi”, “của tôi” hay “tự ngã của tôi”. Theo cách này, tham ái và chấp thủ hướng đến sắc xuất hiện. Cách tương tự cũng áp dụng đối với tham ái và chấp thủ hướng đến thọ, tưởng, ý hành và thức. Như vậy ngũ uẩn này bị chấp thủ chi phối vì thế gian, là những kẻ không như thật giác tri các Pháp (dhamma) như chúng thật sự là. Thực ra, ngoại trừ danh siêu thế, tất cả các uẩn phải chịu chấp thủ.
Không chứng ngộ Bốn Thánh Đế, người đó không thể chứng đạt Niết-bàn. Nếu quý vị muốn chứng đắc Niết-bàn, quý vị nên cố gắng chứng ngộ Bốn Thánh Đế. Khổ Đế là một trong Bốn Thánh Đế. Các pháp khổ đế (dukkha-sacca-dhamma) bao gồm mười một loại của năm thủ uẩn được đề cập ở trên. Như vậy nếu quý vị muốn giải thoát khỏi vòng luân hồi, quý vị nên cố gắng thấu hiểu tất cả chúng.
Bài Kinh (Sutta) tiếp tục giải thích về Thánh Đế thứ hai như sau:
Ðây là Thánh Đế về Nguồn Gốc của Khổ, này các Tỷ-kheo:
Chính là ái này đưa đến tái sanh, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái. Này các Tỷ-kheo, đây là Thánh Đế về Nguồn Gốc của Khổ.
Trong Kinh (Sutta), Đức Phật dạy rằng tham ái chính là Khổ Tập Đế (samudaya-sacca). Trong Tương Ưng Nhân Duyên (Nidāna Vagga Saṁyutta), Đức Phật dạy rằng Lý Duyên Khởi cũng là Khổ Tập Đế (samudaya-sacca). Như vậy, vô minh (avijjā), tham ái (taṇhā), chấp thủ (upādāna), ý hành (saṅkhārā) và nghiệp lực (kamma), tất cả đều là Khổ Tập Đế (samudaya-sacca). Tóm lại, tất cả các nghiệp lực thiện mà có thể đưa đến tái sanh và tất cả các nghiệp lực bất thiện đều là Khổ Tập Đế (samudaya-sacca). Trong Kinh Phân biệt về Sự thật (Sacca Vibhaṅga), Đức Phật dạy Khổ Tập Đế (samudaya-sacca) theo năm cách:
1. Tham ái (taṇhā) là Khổ Tập Đế (samudaya-sacca).
2. Mười phiền não (tham, sân, si, mạn, tà kiến, hoài nghi, hôn trầm, thụy miên, vô tàm, vô quý) cũng là Khổ Tập Đế (samudaya-sacca).
3. Tất cả các pháp bất thiện (akusala dhamma) đều là Khổ Tập Đế (samudaya-sacca).
4. Tất cả các pháp bất thiện (akusala dhamma) và ba căn thiện (vô tham, vô sân, vô si) mà có thể dẫn đến tái sanh đều là Khổ Tập Đế (samudaya-sacca).
5. Tất cả các pháp thiện mà có thể đưa đến tái sanh và tất cả các pháp bất thiện hay tất cả các nghiệp lực thiện mà có thể đưa đến tái sanh và tất cả các nghiệp lực bất thiện đều là Khổ Tập Đế (samudaya-sacca).
Nếu tất cả các nghiệp lực thiện mà dẫn đến tái sanh và tất cả các nghiệp lực bất thiện đều là Khổ Tập Đế (samudaya-sacca), thời tại sao Đức Phật dạy trong Kinh này rằng tham ái là Khổ Tập Đế (samudaya-sacca)? Giống như hạt giống vẫn có nhựa sống hay tiềm năng có thể đâm rễ khi nó được gieo ở nơi thích hợp; cũng vậy, nghiệp lực đi kèm với tham ái có thể tác thành quả của chúng. Không có tham ái, không có nghiệp lực nào có thể sanh ra quả của chúng. Đó là lý do tại sao Đức Phật dạy rằng tham ái là Khổ Tập Đế (samudaya-sacca) trong bài Kinh (Sutta) này.
Bởi vì tham ái, chúng sanh “tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia”. Về điều này, tôi muốn liên hệ một chuyện về tiền kiếp, Assakajātaka, để trình bày cách mà chúng sanh tầm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia.
Câu chuyện này được Đấng Đạo Sư kể trong khi trú tại Jetavana về một vị Tỷ-kheo là người bị rối trí do việc nhớ lại người vợ trước của mình. Ngài hỏi vị Tỷ-kheo rằng có phải ông ta thực sự tương tư. Vị Tỷ-kheo đáp: “Dạ, thưa vâng”, đấng Đạo Sư hỏi tiếp: “Ông luyến ái ai?”, vị Tỷ-kheo đáp “Bạch, người vợ trước của con”. Sau đó, Đức Phật nói rằng “Không phải chỉ lần này, Này Tỷ-kheo, ông đã từng đầy lòng khao khát người nữ này; thuở trước, vì luyến ái nữ nhân ấy, ông gặp nhiều sự đau khổ to lớn”. Và Ngài kể câu chuyện sau.
Thuở xưa, tại nước Kāsi, vua Assaka trị vì thành Potali. Hoàng hậu tên Ubbarī rất được vua yêu thương. Hoàng hậu khả ái, kiều diễm vượt xa sắc đẹp của các nữ nhân, dù chưa là một Thiên nữ. Sau một thời gian, bà bị bệnh và mệnh chung. Khi hoàng hậu mệnh chung, vua sầu khổ, đau đớn, ưu tư. Vua để xác hoàng hậu nằm trong một cái hòm, ướp với dầu và chất dẻo đặt dưới long sàng. Vua đau khổ nằm dài, không ăn, khóc lóc, than thở. Mẹ cha, các bà con khác, thân hữu và các cận thần, Bà-la-môn, gia chủ… đều đến khuyên giải ông rằng mọi vật đều phải chết nhưng vô hiệu. Tuy nhiên, họ không thể làm vua nghe lời. Vua than khóc như vậy được bảy ngày.
Lúc bấy giờ, Bồ-tát (Bodhisatta) là vị đạo sĩ đã đạt được năm Thắng trí và tám Thiền chứng, trú dưới chân núi Himalayas. Ngài có đầy đủ trí tuệ siêu việt, và với thiên nhãn nhìn cõi Ấn Độ, ngài thấy vua than khóc như vậy, liền quyết định giúp đỡ cho vị vua này. Bồ-tát dùng thần lực bay trên hư không rồi hạ xuống khu vườn của vua, và ngồi trên phiến đá tế lễ, như một pho tượng bằng vàng.
Rồi một thanh niên Bà-la-môn trú ở thành Polati đi đến khu vườn, thấy Bồ-tát, đảnh lễ ngài và ngồi xuống. Bồ-tát nói chuyện thân mật với thanh niên ấy, và hỏi: “Này thanh niên, nhà vua có theo Chánh pháp không ?”
“Thưa có, bạch Tôn giả, vua theo Chánh pháp. Nhưng hoàng hậu của vua vừa mệnh chung, vua cho đặt thân hoàng hậu trong một cái hòm, nằm dài bên cạnh than khóc, nay đã là ngày thứ bảy. Sao Tôn giả không giải thoát vua khỏi nỗi đau khổ lớn như vậy? Nay là thời gian thích hợp để Tôn giả nhiếp phục nỗi đau khổ của nhà vua.”
“Này chàng thanh niên, ta không biết nhà vua, nhưng nếu vua đến hỏi ta, ta sẽ nói cho vua biết chỗ đầu thai của hoàng hậu và khiến nàng nói cho vua nghe.”
Người thanh niên nói: “Vậy thưa Tôn giả, hãy ngồi lại đây cho đến khi tôi đưa vua đến.” Bồ-tát đồng ý và người thanh niên liền đi đến cung vua, báo tin ấy và khuyên vua: “Ðại vương nên đi đến gặp vị có thiên nhãn ấy.”
Vua vô cùng hoan hỷ với ý nghĩ thấy được Ubbarī; và ông ta ngự lên xe, đi đến khu vườn. Sau lời chào hỏi Bồ-tát (Bodhisatta), ông ta ngồi xuống một bên và hỏi: “Có đúng sự thật chăng, trẫm nghe nói Tôn giả biết được chỗ đầu thai của hoàng hậu?”
Bồ-tát (Bodhisatta) đáp “Tôi có biết, thưa Ðại vương.”
Nhà vua hỏi đó là nơi nào.
Bồ-tát (Bodhisatta) trả lời: “Thưa Ðại vương, hoàng hậu say mê sắc đẹp của mình, vì vậy đã sống phóng dật, không làm các thiện nghiệp, nay sanh làm con sâu nhỏ ăn phân ngay chính trong vườn này.”
Nhà vua nói: “Trẫm không tin chuyện ấy.”
Bồ-tát trả lời: “Nay tôi sẽ chỉ hoàng hậu cho Ðại vương và bảo hoàng hậu nói cho Ðại vương nghe.”
Nhà vua nói “Xin làm nàng ấy nói”.
Bồ-tát dùng thần lực của mình ra lệnh: “Này hai con vật đang bò trên một đống phân bò, hãy đi đến trước mặt nhà vua!”, khiến hai con sâu tuân lệnh và đi đến. Bồ-tát chỉ một con cho nhà vua và nói: “Thưa Ðại vương, đây là hoàng hậu Ubbarī của Ðại vương. Nó vừa ra khỏi đống phân, đi theo sau một con sâu ăn phân là chồng của nó. Ðại vương hãy nhìn xem.”
Nhà vua gào lên: “Thưa Tôn giả, hoàng hậu Ubbarī sanh ra làm con sâu ăn phân ư? Trẫm không tin được chuyện ấy!”
“Thưa Ðại vương, tôi sẽ bảo nó nói lên.”
Nhà vua nói: “Thưa Tôn giả, xin ngài làm ơn bảo nó nói đi.”
Bồ-tát dùng thần lực nói với con sâu: “Này Ubbarī!”
Con sâu nói bằng tiếng người, đáp lại: “Thưa Tôn giả, cái gì ạ?”
Bồ-tát hỏi: “Ngươi hãy nói tiền thân của ngươi tên là gì?”
“Thưa Tôn giả, trước tôi là Ubbarī, hoàng hậu của vua Assaka”. Con sâu đáp.
Bồ-tát hỏi tiếp: “Nay ngươi thương yêu vua Assaka hay chồng của ngươi là con sâu ăn phân này?”
“Thưa Tôn giả, trong kiếp trước đây của tôi, tôi đã sống với vua, và cùng thưởng thức sắc, tiếng, hương, vị, xúc trong ngôi vườn này. Nhưng giờ đây, trí nhớ tôi lẫn lộn bởi tái sanh, vua là cái gì? Tại sao phải yêu vua, giờ đây tôi sẵn sàng giết vua Assaka và lấy máu từ cổ vua để bôi vào hai bàn chân con sâu ăn phân là chồng của tôi!”
“Chính chỗ này tôi sống
Với vua Assaka
Yêu thương, được yêu thương
Tôi đi dạo quanh vườn.
Nay các khổ lạc mới
Làm mờ cảm giác cũ,
Vậy đối với sâu chồng,
Tôi yêu hơn Ðại vương!”
Nghe nói vậy, vua cảm thấy hối hận ngay tại chỗ, lập tức truyền lệnh bỏ xác hoàng hậu ra ngoài và đi gội đầu. Vua đảnh lễ Bồ-tát, rồi sau đó đi vào thành cưới một hoàng hậu khác và trị nước đúng Chánh pháp. Còn Bồ-tát khuyến dạy vua xong, khiến vua hết sầu muộn, rồi đi về Hy-mã-lạp Sơn (Himalayas).
Sau khi thuyết Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư tuyên giảng về các Thánh Đế. Vào cuối bài giảng, vị Tỷ-kheo luyến ái đã đắc quả Dự lưu. Rồi Đấng Đạo Sư nhận diện tiền thân: “Lúc bấy giờ Ubbarī là người vợ cũ, vua Assaka là Tỷ-kheo bị ái nhiễm, thanh niên Bà-la-môn là Xá-lợi-phất (Sāriputta), còn vị đạo sĩ là Ta vậy.”
Theo câu chuyện này, hoàng hậu Ubbarī sống trong phóng dật và đắm say trong các dục với nhà vua. Sau khi chết, lòng tham ái câu hữu với hỷ lạc và khát ái, dẫn nàng đến kiếp tái sanh mới là một con sâu cái ăn phẩn uế. Thậm chí dù tái sanh trong cảnh khổ, nàng ta tiếp tục đắm say trong các dục, tầm cầu hỷ lạc với người chồng mới ở kiếp sống mới. Đây là bản chất của tham ái, tầm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Tuy nhiên, không chỉ hoàng hậu Ubbarī mà cũng vậy với tất cả các chúng sanh chưa giác ngộ đang tầm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia trong vòng luân hồi, không biết rằng tham ái là nhân gây khổ não bất tận trong vòng luân hồi.
Có ba loại tham ái. Theo Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), ý nghĩa của ba loại tham ái này như sau:
(1) Dục ái (kāma-taṇhā) – tham ái xảy ra với sự thích thú ái dục qua bất kỳ một trong sáu đối tượng, sắc, thanh, mùi, vị, xúc và cảnh pháp (bao gồm năm loại tịnh sắc (sắc thần kinh, pasāda rūpa) – là sắc trong suốt, mười sáu loại sắc tế, tâm (tâm vương), tâm sở và các khái niệm như tướng của hơi thở (ānāpāna nimitta), tướng của biến xứ (kasiṇa nimitta)).
(2) Hữu ái (bhava-taṇhā) – tham ái xảy ra cùng với tà kiến thường còn (thường kiến) (sassata-diṭṭhi) cho rằng bất kỳ đối tượng nào trong sáu đối tượng đều là linh hồn tồn tại từ kiếp hữu này đến kiếp hữu khác.
(3) Phi hữu ái (vibhava-taṇhā) – tham ái xảy ra cùng với tà kiến đoạn diệt (đoạn kiến) (uccheda-diṭṭhi) cho rằng bất kỳ đối tượng nào trong sáu đối tượng đều là linh hồn, sẽ bị đập nát và hủy diệt hoàn toàn sau khi chết.
Quý vị nên nhớ rằng Khổ Tập Đế (samudaya-sacca) là nguồn gốc của Khổ Đế (dukkha-sacca).
Trong Kinh (Sutta) này, Đức Phật dạy Khổ Đế (dukkha-sacca) như sau:
‘saṅkhittena pañcupādānakkhandhā dukkhā’ –
“Tóm lại, ngũ uẩn chấp thủ là Khổ Đế (dukkha-sacca).”
Như vậy, Khổ Tập Đế (samudaya-sacca) là nguồn gốc của ngũ uẩn chấp thủ. Quý vị nên nhớ mối quan hệ giữa nhân và quả này.
Các pháp Khổ Đế (dukkha-sacca-dhamma) và các pháp Khổ Tập Đế (samudaya-sacca-dhamma) là các đối tượng của tuệ minh sát vipassanā, như vậy nếu quý vị muốn thực hành vipassanā, trước tiên quý vị nên cố gắng rõ biết chúng. Quý vị nên cố gắng như thế nào? Tôi sẽ giải thích chi tiết như sau.
Bài Kinh (Sutta) tiếp tục giải thích về Thánh Đế thứ ba:
“Ðây là Thánh đế về Khổ diệt, này các Tỷ-kheo:
“Chính là ly tham, đoạn diệt, không có dư tàn khát ái ấy, sự quăng bỏ, từ bỏ, giải thoát, không có chấp trước.”
Trong bài Kinh (Sutta) này, Đức Phật dạy rằng tận diệt không còn dư sót tham ái là Khổ Diệt Đế (nirodha-sacca). Trong một vài bài Kinh (Sutta) khác, Đức Phật dạy rằng tận diệt không còn dư sót Khổ Đế (dukkha-sacca) cũng là Khổ Diệt Đế (nirodha-sacca). Tại sao Đức Phật dạy về nó theo hai cách. Chúng là như nhau. Bởi vì sự tận diệt không còn dư sót tham ái hay vì sự tận diệt không còn dư sót vô minh, tham ái, chấp thủ, hành và nghiệp lực mà ngũ uẩn (Khổ Đế, dukkha-sacca) sẽ hoàn toàn bị tận diệt không còn dư sót. Ngũ uẩn hoàn toàn tận diệt không còn dư sót bởi vì sự diệt của các nhân. Nếu các nhân hoàn toàn diệt tận không còn dư sót, ngũ uẩn cũng sẽ hoàn toàn diệt tận không còn dư sót. Như vậy, chúng là như nhau. Đó là lý do tại sao đôi khi Đức Phật dạy rằng sự diệt tận không còn dư sót tham ái là Khổ Diệt Đế (nirodha-sacca), và đôi khi Ngài dạy rằng sự diệt tận không còn dư sót ngũ uẩn là Khổ Diệt Đế (nirodha-sacca).
Thực sự, Niết-bàn (Nibbāna) chính là Khổ Diệt Đế (nirodha-sacca). Có hai loại diệt tận phát sanh bởi Thánh Đạo Tuệ lấy Niết-bàn làm đối tượng. Bốn loại Thánh Đạo Tuệ lấy Niết-bàn làm đối tượng, diệt tận các phiền não không còn dư sót từng giai đoạn một. Bởi vì sự diệt tận không còn dư sót các phiền não, nghiệp (kamma) không sanh ra bất kỳ uẩn nào sau khi bát Niết-bàn (Parinibbāna), sự diệt tận tối hậu. Như vậy ngũ uẩn cũng diệt không còn dư sót. Nhưng để thấu hiểu Niết-bàn (Nibbāna) thì rất khó với một số đệ tử. Vì lý do này, Đức Phật dạy cả hai loại diệt tận là Khổ Diệt Đế (nirodha sacca). Đôi khi, Niết-bàn (Nibbāna) được gọi là asaṅkhato dhātu, vô vi giới. Vì vậy vô vi (asaṅkhata), Niết-bàn (Nibbāna), là một nhân, hai loại diệt là quả. Như vậy, Niết-bàn (Nibbāna) có thể được xem là một nhân hay là một quả.
Khổ Diệt Đế có thể là một nhân hoặc là một quả. Lại nữa, sự diệt tận không còn dư sót các phiền não được gọi là Phiền Não Niết-bàn (Kilesa-Parinabbāna) = sự diệt tận các phiền não không còn dư sót tối hậu. Sự diệt tận không còn dư sót ngũ uẩn cũng được gọi là Ngũ Uẩn Niết-bàn (Khandha-Parinibbāna) = sự diệt tận năm uẩn không còn dư sót tối hậu.
Hơn nữa, sự diệt tận không còn dư sót các phiền não cũng được gọi là Hữu dư Niết bàn (Saupadisesa-Nibbāna) = còn cơ sở là thọ mạng còn lại, nghĩa là mặc dù các phiền não bị diệt tận hoàn toàn không còn dư sót, nhưng năm uẩn vẫn còn hiện hữu. Sự diệt tận không còn dư sót năm uẩn cũng được gọi là Vô dư Niết-bàn (Anupadisesa-Nirodha) = sự diệt tận tối hậu mà không còn cơ sở nào cả, nghĩa là sự diệt tận năm uẩn không còn dư sót tối hậu.
Ví dụ, sự diệt tận phiền não không còn dư sót của Đức Phật khi Ngài trở thành Đấng Giác Ngộ. Bốn Thánh Đạo của ngài lấy vô vi giới (Nibbāna) làm đối tượng, tiêu hủy tất cả các phiền não từng giai đoạn một, không còn dư sót tại Gāyā. Bốn mươi lăm năm sau, ngài nhập Đại-Bát-Niết-bàn (Mahāparinabbāna), sự diệt tận năm uẩn không còn dư sót tối hậu tại Kusinārā.
Niết-bàn là vô vi giới, vốn là đối tượng của Bốn Đạo và Bốn Quả siêu thế. Tuy nhiên, trước khi chứng ngộ Niết-bàn, trong khi thực hành thiền Vipassanā, có hai loại tận diệt được lấy làm đối tượng, đó là Sự diệt tận các phiền não không còn dư sót và sự diệt tận năm uẩn không còn dư sót. Tuệ minh sát nhận biết các đối tượng này được gọi là Tuệ Sanh Diệt của Các Hành (Udaya-vaya-ñāṇa). Điều này sẽ được giải thích sau trong bài pháp này.
Bài Kinh (Sutta) tiếp tục giải thích về Thánh Đế thứ tư:
“Này các Tỷ-kheo, đây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt,
“Chính là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.”
Đôi khi Bát Thánh Đạo được gọi là Đạo Đế (magga-sacca). Nhưng trong Kinh (Sutta) này, Đức Phật gọi đó là dukkhanirodhagāminī paṭipadā ariyasacca, tức là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt. Hai tên gọi này đều có cùng ý nghĩa.
Có hai loại Bát Thánh Đạo: hiệp thế và siêu thế. Để đến Bát Thánh Đạo siêu thế, trước tiên, quý vị phải tu tập Bát Thánh Đạo hiệp thế. Bát Thánh Đạo siêu thế chỉ sanh khởi một lần trong một dòng tâm riêng biệt bất kỳ, và do vậy không thể tu tập được nó. Tuy nhiên, Đạo hiệp thế thì được tu tập dần dần theo sự tu dưỡng của từng cá nhân. Trong Bát Thánh Đạo hiệp thế, trong khi quý vị thực hành thiền Vipassanā, có năm chi phần của Bát Thánh Đạo hiện diện cùng lúc. Ví dụ, nếu quý vị có thể phân biệt năm uẩn và các nhân của chúng, lúc đó, quý vị chú tâm vào ba đặc tính của các pháp hữu vi (saṅkhāra-dhamma) này. Cả Pháp Khổ Đế (dukkha-sacca-dhamma) và Pháp Khổ Tập Đế (samudaya-sacca-dhamma) được gọi là các Pháp Hữu Vi (saṅkhāra-dhamma), hành.
Bằng việc thấy bản chất vô thường của chúng, quý vị phải hiểu chúng là anicca (vô thường). Bằng việc thấy bản chất bị đàn áp bởi sanh và diệt của chúng, quý vị phải hiểu chúng là khổ (dukkha). Bằng việc thấy bản chất không có một tự ngã thường còn, quý vị phải hiểu chúng là anattā (vô ngã). Trong khi quý vị quán theo cách này, quý vị hiểu biết về bản chất vô thường, khổ và vô ngã của các pháp hữu vi (saṅkhāra-dhamma) này. Trí tuệ này được gọi là Chánh Tri Kiến. Sự áp tâm vào các pháp hữu vi (saṅkhāra-dhamma) này và bản chất vô thường, khổ và vô ngã của các pháp hữu vi (saṅkhāra-dhamma) này được gọi là Chánh Tư Duy. Chánh Tư Duy luôn đồng sanh với Chánh Tri Kiến.
Nỗ lực mà quý vị phấn đấu để thấy bản chất vô thường, khổ và vô ngã của các pháp hữu vi (saṅkhāra-dhamma) này được gọi là Chánh Tinh Tấn. Niệm trên bản chất vô thường, khổ và vô ngã của các pháp hữu vi (saṅkhāra-dhamma) này được gọi là Chánh Niệm. Định trên bản chất vô thường, khổ và vô ngã của các pháp hữu vi (saṅkhāra-dhamma) này được gọi là Chánh Định. Như vậy, trong khi hành giả thực hành thiền Vipassanā, năm chi của Bát Thánh Đạo cùng hiện diện. Ba chi Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng là Giới học. Như vậy tổng cộng có tám chi của Bát Thánh Đạo. Nhưng ba chi của Giới học sanh khởi riêng rẽ với năm chi khác. Ba chi này không đồng sanh trong tuệ Minh sát Vipassanā. Nó có nghĩa là trong thánh đạo hiệp thế, chúng không đồng sanh trong cùng một sát-na tâm hay trong cùng một lộ trình tâm.
Vào lúc kết thúc phần pháp hành Vipassanā, khi hành giả chứng ngộ Niết-bàn, tám chi của Bát Thánh Đạo cùng hiện diện. Chúng được gọi là Bát Thánh Đạo siêu thế. Việc chứng ngộ Niết-bàn được gọi là Chánh Tri Kiến. Sự áp tâm đến Niết-bàn được gọi là Chánh Tư Duy. Nỗ lực chứng ngộ Niết-bàn được gọi là Chánh Tinh Tấn. Niệm trên Niết-bàn được gọi là Chánh Niệm. Định trên Niết-bàn được gọi là Chánh Định. Các phiền não mà có thể gây ra các vi phạm với Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng bị triệt tiêu bởi tuệ Đạo. Như vậy, ba chi này cũng đồng sanh với Tuệ Đạo. Vì vậy, trong khi hành giả chứng ngộ Niết-bàn, tất cả tám chi của Bát Thánh Đạo cùng hiện diện.
Cho đến đây, tôi đã giải thích ý nghĩa của Bốn Thánh Đế và sự quan trọng của chúng. Quý vị nên làm thế nào để rõ biết Bốn Thánh Đế? Xin lắng nghe trích dẫn sau từ Kinh Định (Samādhi Sutta) của Tương Ưng Sự Thật (Sacca Saṁyutta):
“Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập định. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có định, như thật rõ biết các pháp (dhamma).
“Và như thật rõ biết các pháp gì? Như thật rõ biết: “ Ðây là Khổ (dukkha-sacca) ” . Như thật rõ biết: “ Ðây là Khổ tập (samudaya-sacca) ” . Như thật rõ biết: “ Ðây là Khổ diệt (nirodha-sacca) ” . Như thật rõ biết: “ Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt (magga-sacca) ” .
“Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập định. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có định, như thật rõ biết các pháp (dhamma).
“Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “ Ðây là Khổ (dukkha-sacca) ” . Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “ Ðây là Khổ tập (samudaya-sacca) ” . Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “ Ðây là Khổ diệt (nirodha-sacca) ” . Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “ Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt(magga-sacca) ”.
Tháp Dhamekh, sarnath (Lộc Uyển), nơi Đức Phật giảng Kinh Chuyển Pháp Luân [1]
Như vậy để rõ biết Bốn Thánh Đế, trước tiên, quý vị nên tu tập định. Có bốn mươi đề mục thiền định (samatha) để thực hành định. Quý vị có thể chọn bất kỳ một trong số chúng. Nhưng tôi muốn giải thích về thiền ānāpānasati, niệm hơi thở, trước và sau đó giải thích quý vị nên cố gắng để rõ biết Bốn Thánh Đế như thế nào.
Tôi nên giải thích cách thực hành niệm hơi thở theo Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta). Trong Kinh (Sutta), Đức Phật dạy như sau:
“Này các Tỷ kheo, thế nào là Tỷ kheo sống quán thân trên thân?
Ở đây, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến nơi vắng vẻ, và ngồi kiết già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trên đối tượng thiền của mình. Tỉnh giác, vị ấy thở vô; tỉnh giác, vị ấy thở ra. Thở vô dài, vị ấy tuệ tri: “ Tôi thở vô dài ” ; hay thở ra dài, vị ấy tuệ tri: “ Tôi thở ra dài ” ; hay thở vô ngắn, vị ấy tuệ tri: “ Tôi thở vô ngắn ” ; hay thở ra ngắn, vị ấy tuệ tri: “ Tôi thở ra ngắn ” ; “ Cảm giác toàn thân hơi thở rõ ràng, tôi sẽ thở vô ” , vị ấy tập; “ Cảm giác toàn thân hơi thở rõ ràng, tôi sẽ thở ra ” , vị ấy tập; “ An tịnh thân hành toàn hơi thở, tôi sẽ thở vô ” , vị ấy tập; “ An tịnh thân hành toàn hơi thở, tôi sẽ thở ra ” , vị ấy tập.
Này các tỷ kheo, như người thợ quay hay học trò người thợ quay tuệ tri thiện xảo, khi quay dài, tuệ tri rằng: “ Tôi quay dài ” ; hay khi quay ngắn, tuệ tri rằng: “ Tôi quay ngắn. ” Cũng vậy, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo thở vô dài, tuệ tri: “ Tôi thở vô dài ” ; hay thở ra dài tuệ tri: “ Tôi thở ra dài ” ; hay thở vô ngắn, tuệ tri: “ Tôi thở vô ngắn ” ; hay thở ra ngắn, tuệ tri: “ Tôi thở ra ngắn ” ; “ Cảm giác toàn thân hơi thở rõ ràng, tôi sẽ thở vô ” , vị ấy tập; “ Cảm giác toàn thân hơi thở rõ ràng, tôi sẽ thở ra ” , vị ấy tập; “ An tịnh thân hành toàn hơi thở, tôi sẽ thở vô ” , vị ấy tập; “ An tịnh thân hành toàn hơi thở, tôi sẽ thở ra ” , vị ấy tập.
Đây là lời chỉ dẫn của Đức Phật về niệm hơi thở, đặc biệt là để chứng đạt bậc thiền. Trong đoạn trích dẫn, từ “ở đây” có nghĩa là trong Giáo Pháp của Đức Phật. Bằng chữ “đây”, các giáo lý khác với Phật Pháp bị loại trừ vì chúng không dạy niệm hơi thở theo cách trọn vẹn như trong Giáo Pháp của Đức Phật. Ngoài Giáo Pháp của Đức Phật không có một ai có thể dạy niệm hơi thở (Ānāpānasati) theo cách trọn vẹn. Nó chỉ được dạy trong Giáo Pháp của Đức Phật. Do vậy mà điều này được nói lên.
“Ở đây, chúng ta tìm thấy một bậc sa-môn thật sự (samaṇa); các tôn giáo khác thì không có các sa-môn”
Đức Phật chỉ ra các nơi thích hợp cho các hành giả trong đoạn trích dẫn: “Tỷ kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến nơi vắng vẻ”. Điều này làm rõ thế nào là trú xứ thích hợp để hành giả trau dồi niệm.
Tâm của hành giả đã trú ngụ nơi đối tượng sắc Pháp và dục lạc trong một thời gian dài trước khi vị ấy bước vào hành thiền. Vị ấy không thích đi vào con đường thiền, vì tâm hành giả không được điều phục, không quen sống mà không có dục lạc. Vị ấy giống như một con bê bị thắng vào cỗ xe thì luôn muốn chạy khỏi con đường. Trước khi bước vào thiền tập, tâm của vị ấy thường xuyên tiếp xúc với nhiều loại đối tượng dục lạc khác nhau như phim ảnh, âm nhạc, thức ăn thượng vị và đời sống xã hội thú vị. Và tâm vị ấy chỉ đắm chìm vào đấy. Nhưng giờ đây, không có phim ảnh, không có âm nhạc, v.v.. để vui mắt, thích tai v.v… của vị ấy, và như vậy tâm vị ấy giống như một con cá bị bắt ra khỏi nước và để trên đất khô, giẫy giụa trong khổ sở và mong ngóng về với nước. Giờ đây, hơi thở vào và hơi thở ra giống như nền đất khô vậy, quá đơn điệu và không thỏa mãn cái tâm luôn mong cầu dục lạc của vị ấy. Trong khi ngồi thiền, thay vì tập trung trên hơi thở, vị ấy dành nhiều thời gian để nhớ tưởng các thú vui mà mình đã tận hưởng hay mong đợi hưởng thụ dục lạc trong tương lai. Nhưng điều này chỉ khiến lãng phí thời gian và chẳng có ích lợi gì cho việc tu dưỡng tâm mình. Thậm chí cho dù vị ấy có thực hành cách này cả đời thì cũng sẽ chẳng có tiến bộ gì cả.
Vì vậy, để khắc phục thói quen xấu, hành giả nên lặp đi lặp lại việc đem tâm quay về với hơi thở, giữ tâm trên đó càng lâu càng tốt. Theo cách này, hành giả bắt đầu tu tập thói quen mới và việc định trên hơi thở. Nó giống như người chăn bò mong muốn thuần phục một con bê hoang được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa của một con bò mẹ. Người ấy dẫn con bê khỏi bò mẹ, đến một cột trụ được đóng chặt xuống đất và buộc con bê vào đấy. Khi con bê nhảy qua nhảy lại, nó thấy không thể nào chạy thoát khỏi cột trụ. Cuối cùng nó mệt mỏi vì việc kháng cự và ngồi hay nằm xuống ngay tại cột trụ. Tương tự vậy, người nào muốn điều phục cái tâm hoang dại đã lâu ngày được các đối tượng sắc và dục lạc khác nuông chìu, nay đưa tâm mình ra khỏi chốn ấy và dấn vào rừng sâu, đến một gốc cây hay đến một nơi thanh vắng. Rồi vị ấy buộc tâm mình vào một cột trụ là đối tượng của một niệm xứ, như là hơi thở, bằng sợi dây thừng chánh niệm. Tâm của vị ấy cũng sẽ chạy đây, chạy đó. Khi nó không thể đạt được đối tượng quen thuộc xưa nay và thấy không thể rứt bỏ sợi dây thừng chánh niệm để cao chạy xa bay, cuối cùng nó sẽ ngồi xuống ngay tại đối tượng ấy bằng cận định hoặc an chỉ định.
Vậy nên các nhà chú giải xưa đã nói:
“ Mục đồng muốn chăn luyện bê hoang
cần cột bê vào cọc chắc thế nào,
Đây cũng vậy, hành giả cần
dùng dây niệm buộc chặt tâm vào đề mục ” .
Theo trên, trú xứ ấy là thích hợp cho hành giả. Vì vậy, nó được nói: “Điều này chỉ rõ trú xứ nào là thích hợp cho hành giả huân tập và phát triển chánh niệm.”
Niệm hơi thở không dễ thành tựu nếu không rời xa vùng lân cận làng xóm bởi âm thanh là một chướng ngại với thiền Định. Ở một nơi không có dân cư, rất dễ cho một hành giả ghi nhận đề mục thiền này. Vì thế, Đức Thế tôn đã chỉ rõ trú xứ thích hợp bằng cụm từ: “..đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến một nơi vắng vẻ…”.
Đức Phật giống như một bậc Thầy về nghệ thuật xây dựng những cảnh trí vì Ngài đã chỉ ra trú xứ thích hợp cho các hành giả.
Như bậc Thầy về nghệ thuật xây cất quan sát cảnh trí dự định cho một thành phố, ngắm thật kỹ lưỡng khung cảnh ấy từ các phía, và chỉ dẫn “ Hãy xây dựng thành phố tại đây ” . Và khi việc xây dựng thành phố đã hoàn tất, vị ấy được thanh danh lớn từ các gia đình hoàng thân. Cũng vậy, Ðức Thế Tôn sau khi xem xét từ mọi phương diện về một trú xứ thích nghi cho hành giả, và Ngài chỉ dẫn: “ nên chọn đề mục thiền này ” . Và về sau, khi thiền giả đã tu tập đề mục thiền và đắc A-la-hán quả, nói: “ Chắc chắn rồi, Ðức Thế tôn quả thực là Ðấng Toàn Giác ” , Ðức Thế tôn nhận được danh xưng lớn.
Vị Tỷ-kheo được ví như một con báo. Cũng giống con báo, vị ấy sống một mình trong rừng và thành tựu mục tiêu của mình bằng cách vượt qua tất cả những gì đối nghịch với mình, ấy là các thú vui.
Một con báo lớn chúa tể loài báo, trốn trong một rừng cỏ, rừng cây hay ngọn đồi rậm để bắt các dã thú trâu rừng, bò rừng, heo, và các dã thú khác v.v… Cũng vậy, vị Tỷ-kheo dâng trọn bản thân tu tập đề mục thiền trong rừng sẽ đạt được tuần tự Bốn Thánh Đạo và Bốn Thánh Quả. Bởi thế các nhà chú giải ngày xưa đã nói:
Như con báo rừng bắt các dã thú
Vị đệ tử của Phật
Với Trí Tuệ, tinh cần
Nhờ ẩn vào rừng sâu
Ðược Quả vị tối thượng.
Bởi thế, Đức Thế Tôn dạy: “ …đi vào khu rừng ” v.v… là để nêu rõ trú xứ thích hợp để việc nỗ lực hành thiền có kết quả.
Mặc dù lúc này đây quý vị không ở trong rừng hay nơi một cội cây, và ở nơi này đây, các hành giả đông đúc, nếu quý vị có thể phớt lờ sự hiện diện của người khác, dẹp bỏ tất cả mọi việc qua một bên và chỉ hay biết duy nhất vào đề mục thiền của mình, thì nơi này sẽ như nơi vắng vẻ của quý vị. Thêm nữa, thiền tập thể giúp quý vị đánh thức sự tinh cần và thiền nhanh tiến bộ hơn.
“Lưng thẳng” có nghĩa là giữ cho cột sống ở vị trí mà các đốt xương sống chồng lên nhau thẳng đứng. Thân được giữ thẳng từ phần hông trở lên. Đức Phật khuyến cáo tư thế này vì nó là tư thế vững chắc và thoải mái nhất, và giúp giữ tâm hành giả an tịnh nhưng tỉnh táo.
Thế nào là “…an trú niệm vào đề mục thiền của mình...”? Nó có nghĩa là trụ tâm mình bằng cách hướng nó vào đề mục thiền. Ví dụ như khi đang thực hành niệm hơi thở (ānāpānasati), quý vị cần an trú niệm vào hơi thở. Nếu đang thực hành thiền tứ đại, quý vị cần an trú niệm vào tứ đại. Quý vị nên hướng sự chú ý vào đề mục thiền của mình, chứ không phải về gia đình của mình.
“Tỉnh giác, vị ấy thở vô; tỉnh giác, vị ấy thở ra.” có nghĩa là vị ấy thở vào và thở ra mà không từ bỏ niệm hay sự tỉnh giác. Niệm thì rất quan trọng. Ở đây, niệm có nghĩa là nhớ. Nếu duy trì việc nhớ hơi thở quanh lỗ mũi hay trên đỉnh môi trên, sự chánh niệm và định tâm của quý vị sẽ ngày càng mạnh hơn. Khi định tiến bộ, quý vị sẽ thấy tướng (nimitta). Nếu tập trung trên tướng vững cố, quý vị sẽ đạt hết cả bốn bậc thiền.
Quý vị nên tỉnh giác thở vào như thế nào? Quý vị nên tỉnh giác thở ra như thế nào? Đức Phật hướng dẫn:
“Thở vô dài, vị ấy rõ biết: “ Tôi thở vô dài ” ; hay thở ra dài, vị ấy rõ biết: “ Tôi thở ra dài ” .”
Vị ấy hít vào một hơi thở dài qua thời gian diễn tiến dài, vị ấy thở ra một hơi thở dài qua thời gian diễn tiến dài, và vị ấy hít vào và thở ra những hơi thở dài qua thời gian diễn tiến dài.
Khi vị ấy hít vào và thở ra từng hơi thở dài, qua thời gian diễn tiến của mỗi hơi thở, sự nhiệt tình (chanda) vốn rất quan trọng trong hành thiền, khởi lên nơi vị ấy. Với tâm nhiệt tình, vị ấy hít vào một hơi thở dài thanh tịnh hơn hơi thở trước qua thời gian diễn tiến dài của hơi thở. Với tâm nhiệt tình, vị ấy thở ra một hơi thở dài thanh tịnh hơn hơi thở trước qua thời gian diễn tiến dài của hơi thở. Và với tâm nhiệt tình, vị ấy hít vào và thở ra những hơi thở dài thanh tịnh hơn hơi thở trước qua thời gian diễn tiến dài của hơi thở.
Khi với tâm nhiệt tình, vị tỷ kheo hít vào và thở ra những hơi thở dài, hơi thở sau nhẹ nhàng hơn hơi thở trước, sự thích thú (hỷ, pīti) sẽ khởi sinh nơi vị ấy. Với tâm hoan hỷ, vị ấy sẽ hít vào hơi thở dài vi tế hơn hơi thở trước qua suốt thời gian diễn tiến của hơi thở. Với hỷ, vị ấy sẽ thở ra hơi thở dài tịnh hơn hơi thở trước qua suốt thời gian diễn tiến của hơi thở. Và với hỷ, vị ấy sẽ hít vào và thở ra những hơi thở dài, hơi thở sau vi tế hơn hơi thở trước qua suốt thời gian diễn tiến của hơi thở.
Hoan hỷ trong khi hành thiền (pīti) vốn rất quan trọng để có định cao hơn. Nếu quý vị chưa từng có hỷ trong khi đang thiền, Định của quý vị không thể cải thiện. Khi nào thì hỷ mới khởi sinh? Khi quý vị loại bỏ được trạo cử và phóng tâm, và có thể tập trung trên đối tượng hơi thở vi tế suốt thời gian diễn tiến của mỗi hơi thở dài vi tế, định của quý vị sẽ cải thiện và khi định dần trở nên sâu hơn, hỷ (pīti) sẽ khởi sinh trong tâm hành giả.
Và khi vị tỷ kheo hít vào và thở ra những hơi thở dài với hỷ, hơi thở dài sau sẽ vi tế hơn hơi thở dài trước, lúc ấy tâm của vị ấy sẽ tự động rời khỏi hơi thở vào, ra dài mà chuyển sang tợ tướng, và an trú trên đấy với trạng thái xã, upekkhā.
Tiến trình hành thiền tương tự trong đoạn kinh văn cho hơi thở ngắn, bằng cách chỉ thay “hơi thở dài” bằng “hơi thở ngắn” vì có khi hơi thở là dài, có lúc ngắn. Điều này là tự nhiên thôi.
Thở vô ngắn, vị ấy hiểu rõ: “ Tôi thở vô ngắn ” ; hay thở ra ngắn, vị ấy hiểu rõ: “ Tôi thở ra ngắn ” .
Như trong đoạn Kinh văn:
“Vị ấy tập như vầy: “Cảm giác rõ ràng toàn thân hơi thở, tôi sẽ thở vô ” . Vị ấy tập như vầy; “ Cảm giác rõ ràng toàn thân hơi thở, tôi sẽ thở ra”.
Vị ấy tập luyện với ý nghĩ như sau: “tôi sẽ vừa hít vào vừa làm cho mình biết và rõ về điểm bắt đầu, đoạn giữa và điểm kết thúc của toàn bộ thân mỗi hơi thở vào. Tôi sẽ vừa thở ra vừa làm cho mình biết và rõ về điểm bắt đầu, đoạn giữa và điểm kết thúc của toàn bộ thân mỗi hơi thở ra. Và như thế vị ấy hít vào và thở ra với tâm hợp Trí giúp mình biết rõ về hơi thở.
Trong trường hợp này quý vị không nên hiểu lầm rằng quý vị nên ghi nhận hơi thở theo cách: “đây là điểm bắt đầu, đây là đoạn giữa, đây là điểm kết thúc”. Chỉ việc biết toàn bộ hơi thở một cách liên tục là đủ rồi.
Đối với một hành giả, trong hơi thở vô và hơi thở ra bị yếu ớt hay tán loạn, chỉ có điểm bắt đầu là rõ, còn đoạn giữa và điểm cuối không được rõ. Vị ấy có thể chỉ nắm bắt được điểm bắt đầu, và gặp khó khăn với đoạn giữa và điểm kết thúc. Với vị khác thì chỉ có đoạn giữa là rõ, còn điểm bắt đầu và điểm kết thúc thì không rõ. Với một vị thứ ba nữa là chỉ có điểm kết thúc là rõ, điểm bắt đầu và đoạn giữa là không rõ. Vị ấy gặp khó khăn với điểm bắt đầu và đoạn giữa. Nhưng với một vị thứ tư nữa là cả ba giai đoạn đều rõ với vị ấy và vị ấy có thể nắm bắt được hết cả ba. Vị ấy chẳng gặp rắc rối nào ở đâu cả. Để chỉ ra rằng nên phát triển đề mục thiền này theo mẫu hành giả thứ tư, Đức Phật mới dạy: “Vị ấy tập như vầy: “Cảm giác rõ ràng toàn thân hơi thở, tôi sẽ thở vô ” . Vị ấy tập như vầy: “ Cảm giác rõ ràng toàn thân hơi thở, tôi sẽ thở ra.””
Vào giai đoạn đầu của thiền này, chẳng có việc gì khác cần làm ngoài việc thở vào và thở ra, được dạy như sau: Khi vị ấy hít vào hơi thở dài, vị ấy hiểu rõ: “Tôi hít vào dài”. Khi thở ra một hơi thở dài, vị ấy hiểu rõ: “Tôi thở ra dài”. Khi hít vào một hơi thở ngắn, vị ấy hiểu rõ: “Tôi hít vào ngắn”. Khi thở ra một hơi thở ngắn, vị ấy hiểu rõ: “Tôi thở ra ngắn”. Sau đó, vị ấy nên nỗ lực để khởi sinh Trí Tuệ và hơn nữa, vì thế mà điều này được nói đến:“Tôi sẽ vừa hít vào vừa cảm giác rõ ràng toàn thân hơi thở”. Biết rõ hơi thở là phần Tuệ học; tập trung trên hơi thở là phần Định học; chế ngự tâm khỏi các phiền não là phần Giới học. Vị ấy nên nỗ lực thành tựu tam học này trong khi thở.
Như trong đoạn kinh văn:
Vị ấy tập như vầy: “ Tôi sẽ vừa hít vào vừa an tịnh toàn thân hành của hơi thở ” . Vị ấy tập như vầy: “ Tôi sẽ vừa thở ra vừa an tịnh toàn thân hành của hơi thở ” .
Vị ấy nghĩ rằng: Tôi sẽ vừa hít vào, thở ra vừa khiến cho hoạt động hít vào thở ra được yên lặng, êm dịu, khinh an và tĩnh lặng. Theo cách này, vị ấy luyện tập chính mình.
Liên hệ phần này, tính thô tháo, tính vi tế và an tịnh nên được hiểu như vầy: nếu không có nỗ lực chú niệm, thân tâm của Tỷ-kheo này sẽ mệt nhọc và thô tháo. Hơi thở vào và ra cũng sẽ thô tháo và không an tịnh. Cánh mũi của vị ấy cũng trở nên chật chội và vị ấy phải thở bằng cả miệng. Nhưng khi thân và tâm được kiểm soát, chúng sẽ trở nên yên lặng và an tịnh. Khi chúng đang nghĩ ngơi, việc thở trở nên vi tế đến nổi hành giả nghi ngờ xem mình có đang thở không.
Ví như một người đứng yên lại sau khi chạy xuống đồi, đặt một gánh nặng đang đội trên đầu xuống, thì khi ấy những hơi thở vô ra của người ấy còn thô tháo. Hai cánh mũi trở nên không đủ, người đó thở cả bằng miệng nữa. Nhưng khi vị ấy đã hết cơn mệt, đã uống nước, tắm rửa, đắp một mảnh vải ướt nơi ngực, nằm xuống trong bóng mát, thì những hơi thở ra vào của người ấy trở nên vi tế đến nổi vị ấy không biết được nó có đang hiện hữu không. Vị Tỷ-kheo cũng vậy, hơi thở của vị ấy trở nên quá vi tế sau khi vị ấy dấn thân vào thực hành chú niệm hơi thở đến mức vị ấy khó nói được liệu mình có đang thở hay không. Tại sao vậy? Khi chưa hành thiền, vị ấy không giác tri, tập trung, suy tư hay nghĩ về vấn đề tịnh chỉ hơi thở thô tháo. Nhưng khi thực hành, vị ấy mới làm. Vì vậy, hoạt động thở trở nên vi tế trong khi hành thiền hơn lúc không thực hành. Vì thế mà các nhà chú giải xưa có nói: “ Khi tâm và thân giao động, Thì hơi thở gấp. Nhưng khi thân không giao động, Thì hơi thở vi tế ” .
Làm cách nào vị ấy luyện tập chính mình với suy nghĩ: “Tôi sẽ vừa hít vào vừa an tịnh toàn thân hành của hơi thở. Tôi sẽ vừa thở ra vừa an tịnh toàn thân hành của hơi thở”. Gì là các thân hành của toàn bộ hơi thở (kāyasaṅkhāra)? Những gì thuộc về hơi thở, vốn gắn liền với hơi thở là các thân hành của toàn bộ hơi thở. Vị ấy luyện tập để khiến cho thân hành của toàn bộ hơi thở trở nên yên lặng, trở nên êm dịu và an tịnh. Vị ấy vừa luyện tập mình vừa suy nghĩ như vầy: “Làm an tịnh các thân hành của toàn bộ hơi thở bằng cách làm lắng yên các hoạt động của thân thể như đổ tới, đổ lui, nghiêng qua, nghiêng lại, đủ hướng và vừa an chỉ các cử động, lung lay, rung động, rùng mình của thân thể, tôi sẽ hít vào và thở ra. Tôi sẽ vừa hít vào và thở ra vừa làm cho an tịnh các thân hành của toàn bộ hơi thở bằng bất cứ hoạt động nào tĩnh lặng và êm ái của thân thể như không nghiêng người tới, đổ người lui, không nghiêng qua, đổ lại, như không cử động, lung lay, không rung động, rùng mình”.
Vậy là tôi đã chỉ cho quý vị bốn giai đoạn để phát triển định nhờ niệm hơi thở, ấy là tập trung trên:
1.Hơi thở dài
2.Hơi thở ngắn
3.Toàn bộ hơi thở, và
4. the subtle breath.
Trong trường hợp này quý vị nên hiểu rằng có thể kết hợp cả ba giai đoạn, dài, ngắn và vi tế trong một. Nó có nghĩa là trong khi quý vị đang thở những hơi thở dài vi tế, quý vị nên gắng biết rõ toàn bộ hơi thở dài vi tế này. Nếu hơi thở chưa trở nên vi tế, quý vị nên nhắc tâm nhớ về ý muốn có hơi thở vi tế. Nếu cố gắng cách này, khi định cải thiện, toàn bộ thân hơi thở sẽ trở nên vi tế. Lúc ấy với tâm thật nhiệt tình, quý vị nên biết rõ toàn bộ thân hơi thở dài vi tế ấy. Nếu thực hành như vậy, quý vị có thể thành công trong chứng đạt thiền.
Cũng có thể kết hợp ba giai đoạn, hơi thở ngắn, toàn bộ thân hơi thở và hơi thở vi tế trong một. Trong khi đang thở những hơi thở dài vi tế, quý vị nên biết rõ cả ba, hơi thở dài, toàn bộ thân hơi thở và hơi thở vi tế cùng nhau. Và trong khi đang thở những hơi thở ngắn vi tế, quý vị nên gắng biết rõ toàn bộ thân hơi thở ngắn vi tế. Nếu quý vị thực hành cách này với đủ sự nhiệt tình và hoan hỷ, định của quý vị sẽ cải thiện. Khi định cải thiện, hơi thở sẽ dần tế vi hơn. Lúc ấy không nên thất vọng với ý nghĩ rằng: “Ôi, hơi thở của tôi không rõ ràng.” Vì chúng sẽ làm cho bạn bực dọc. Kết quả là định của quý vị sẽ thối giảm. Thật ra, rất tốt khi hơi thở trở nên vi tế. Tại sao? Nếu lúc ấy ấn tướng (Nimitta) xuất hiện, và tâm quý vị dán vào nó, quý vị sẽ không bị hơi thở chi phối. Còn nếu hơi thở còn thô tháo, quý vị có thể biết nimitta cũng như hơi thở; tâm sẽ có hai đối tượng. Với hai đối tượng, tâm quý vị không được gom về một điểm, và định sẽ không cải thiện. Vì thế, quý vị nên hài lòng khi hơi thở trở nên vi tế hơn.
Tuy nhiên quý vị không được cố tình làm cho hơi thở dài, ngắn, hay vi tế. Nếu làm vậy Tinh tấn giác chi và Trạch pháp giác chi sẽ trở nên trội hơn. Khi hai giác chi này trội hơn, định sẽ thối giảm. Vì vậy mà quý vị nên để cho việc thở của mình diễn tiến tự nhiên. Đây là điều tốt nhất. Có lúc hơi thở là dài, có lúc thì ngắn. Không vấn đề. Dù hơi thở là dài hay ngắn, quý vị nên cố biết rõ toàn bộ thân hơi thở. Khi định tiến thêm nữa, quý vị nên cố biết rõ toàn bộ thân hơi thở vi tế. Khi nó là dài, quý vị nên cố biết rõ toàn bộ thân hơi thở vi tế dài. Khi nó là ngắn, quý vị nên cố biết rõ toàn thân hơi thở vi tế ngắn.
Nếu có thể tập trung trên toàn bộ thân hơi thở vi tế cho được hơn một hay hai tiếng đồng hồ cho mỗi thời ngồi, định của quý vị sẽ tiến cao hơn nữa. Lúc ấy quý vị nên quan tâm đặc biệt đến việc thực hành liên tục. Xin hãy dừng suy tư. Xin hãy dừng nói chuyện. Trong mọi oai nghi, đi, đứng, ngồi hay nằm, quý vị đều phải tập trung chỉ trên hơi thở mà thôi. Quý vị không nên chú ý đến bất kỳ đối tượng nào khác.
Nếu quý vị có thể tập trung vào toàn bộ thân hơi thở vi tế, dù dài hay ngắn, liên tục cho được hơn một tiếng đồng hồ trong mỗi thời ngồi liên tục suốt ba ngày, thường thì nimitta sẽ xuất hiện. Với một số hành giả, nimitta xuất hiện trước, tuy nhiên với số khác thì ánh sáng xuất hiện trước. Quý vị nên phân biệt nimitta với ánh sáng. Chúng là hai thứ khác nhau, ví như mặt trời và ánh sáng mặt trời vậy.
Ánh sáng thì ở khắp mọi nơi, có ở mọi hướng quanh thân quý vị. Ngoại trừ thức tái sanh, mọi tâm sanh lên nương nhờ nơi sắc ý căn sản sinh ra rất nhiều tổng hợp sắc (kalāpa), là các hạt cực nhỏ, được gọi là tổng hợp sắc do tâm sanh. Nếu phân tích các tổng hợp sắc này, quý vị sẽ thấy ít nhất tám yếu tố sắc, ấy là, đất, nước, lửa, gió, màu, mùi, vị và dưỡng chất. Nếu tâm ấy là một tâm định và mạnh mẽ, màu của các tổng hợp sắc do tâm định này sinh sẽ phát sáng. Ngoài ra, yếu tố lửa (nhiệt) trong các tổng hợp sắc ấy sẽ sản sinh nhiều tổng hợp sắc mới được gọi là sắc do nhiệt sanh vốn lan tỏa không chỉ khắp trong thân mà còn tỏa ra bên ngoài. Trong mỗi tổng hợp sắc này còn có yếu tố màu phát sáng thành ánh sáng. Khi tâm có định vững chắc và mạnh mẽ, ánh sáng lan tỏa rất xa. Khi định yếu hơn, ánh sáng chỉ lan tỏa ra vài inch. Màu của các tổng hợp sắc do tâm sanh thì chỉ tỏa sáng bên trong, trong khi màu của các tổng hợp sắc do nhiệt sanh thì tỏa chiếu cả bên trong lẫn bên ngoài. Sự kết tụ của những màu phát sáng này hình thành ánh sáng xuất hiện quanh thân quý vị ở mọi hướng.
Dẫu sao quý vị cũng không nên tập trung vào ánh sáng, mà chỉ vào hơi thở. Lúc hơi thở thường trở nên vi tế, để biết hơi thở vi tế này, tấn, niệm và trạch pháp mạnh là rất cần thiết. Nếu biết được rõ ràng hơi thở vi tế nhờ các căn này mạnh, định của quý vị sẽ tăng thịnh. Khi định tăng thịnh, thông thường nimitta của hơi thở sẽ xuất hiện, và nó chỉ xuất hiện trước lỗ mũi.
Nimitta của hơi thở là gì? Khi định tăng trưởng, hơi thở của quý vị sẽ xuất hiện như là một nimitta. Hơi thở cũng do tâm sanh. Nếu phân tích tứ đại của hơi thở, quý vị cũng sẽ thấy được ít nhất có chín yếu tố sắc, đó là đất, nước, lửa, gió, màu, mùi, vị, dưỡng chất và âm thanh. Yếu tố màu của hơi thở lúc này phát sáng. Như tôi đã giải thích bên trên, yếu tố lửa (nhiệt) của các tổng hợp sắc này còn sản sinh ra các tổng hợp sắc mới với yếu tố màu phát sáng. Chính màu phát sáng của các tổng hợp sắc ấy tạo thành nimitta.
Khi lần đầu nimitta xuất hiện, nó thường không ổn định. Lúc ấy, quý vị không nên tập trung vào nó, chỉ tập trung vào hơi thở thôi. Khi định trên hơi thở trở nên ổn định và đủ sâu, nimitta lúc ấy cũng sẽ trở nên ổn định. Lúc đầu nimitta có màu xám xám. Khi định cải thiện, nimitta có màu trắng, và sau đó có màu trong, nimitta có màu trong đó được gọi là tợ tướng, paṭibhāga nimitta. Tùy thuộc vào tưởng của quý vị, mà nimitta sẽ thay đổi về hình dáng và màu sắc. Có lúc nó có thể dài, có lúc nó có thể tròn, đôi khi nó có màu đỏ, đôi khi nó có màu vàng. Dẫu sao quý vị cũng không nên chú ý đến màu hay hình dáng này, nếu không nó sẽ tiếp tục thay đổi. Nếu vậy, định sẽ thối giảm, quý vị sẽ không chứng thiền. Vì thế, quý vị nên tập trung trên hơi thở của mình cho đến khi tợ tướng hợp nhất với hơi thở và tâm của quý vị tự động dính vào tợ tướng. Lúc này quý vị chỉ nên tập trung vào nimitta thôi, mà không vào hơi thở. Nếu quý vị khi thì tập trung vào nimitta, khi thì tập trung vào hơi thở, định sẽ dần mất đi.
Lại nữa quý vị không nên để ý đến các đặc tính nào đó của tứ đại trong hơi thở cũng như trong nimitta, như là cứng, nhám, nặng, mềm, trơn, nhẹ, chảy, kết dính, nóng, lạnh, nâng đỡ và đẩy. Nếu chú ý đến những đặc tính này là quý vị đang hành thiền Tứ đại vậy, mà không phải thiền Niệm hơi thở.
Lại nữa, quý vị không nên chú ý hơi thở hay nimitta như là Vô thường, Khổ hay Vô ngã. Chúng là tướng chung. Tại sao? Các đối tượng của Vipassanā là các hành, saṅkhāra. Chúng là các sắc pháp, danh pháp và các nhân của chúng. Hơi thở và nimitta không phải là các sắc chân đế, mà chỉ là tính khối tưởng. Vì vậy chúng không phải là đối tượng của Vipassanā. Nếu chú ý đến chúng như là Vô thường, Khổ hay Vô ngã thì quý vị không đang hành Chỉ hay Quán gì cả.
Nếu nimitta của hơi thở có màu trăng trắng và sau đó nếu có thể tậo trung tốt vào nó, nó có thể trắng hơn và dần sáng như sao mai. Tâm của quý vị rồi sẽ tự động chìm vào trong nimitta ấy. Nếu tâm của quý vị chìm hẳn vào nimitta và trú yên trong ấy một thời gian lâu, thì trạng thái định ấy được gọi là an chỉ định. Đối với hành giả sơ cơ, đây là giai đoạn rất quan trọng. Tiến trình tương tự cũng được áp dụng với các nimitta có những màu khác.
Có hai loại định: cận định (upacārajhāna) và an chỉ định (appanā jhāna). An chỉ định là trạng thái định hoàn toàn không gián đoạn của tâm lên đối tượng, như là ānāpāna paṭibhāga nimitta, tợ tướng của hơi thở. Vào giai đoạn này, không có tâm hữu phần xuất hiện giữa các sát-na tâm nhận biết tợ tướng của hơi thở. Các thiền chi lúc này đủ mạnh để giữ tâm trên đối tượng không gián đoạn. Trong cận định, tâm bắt đầu hợp nhất với đối tượng theo thời lượng tăng đều, nhưng đôi khi giữa những thời lượng này vẫn còn những lúc gián đoạn bởi các tâm hữu phần khởi sinh. Ở đây, năm thiền chi chưa đủ mạnh và sự nhất tâm chưa đủ sâu để thoát khỏi bất kỳ sự phân tâm nào.
Chú giải giải thích giai đoạn này bằng ví dụ về thai nhi Đức Chuyển Luân Thánh Vương trong bụng mẹ. Hoàng hậu khi mang thai Đức Chuyển Luân Vương, có thể thấy được con trai trong bào thai bằng đôi mắt của mình. Lúc bấy giờ bà hết sức thận trọng bảo vệ con trai khỏi tất cả các tai vạ. Cũng vậy, quý vị nên canh giữ nimitta của mình hết sức thận trọng và với sự kính trọng. Quý vị nên thực hành bằng sự nhiệt tâm, bằng Trí Tuệ và sự tỉnh giác, bởi vì một tâm biếng nhác, chểnh mãng hay thất niệm không thể làm nên sự khác biệt nào trong hành trình phát triển tâm linh. Trong mọi oai nghi, quý vị cần phải chánh niệm và tập trung trên nimitta của mình. Ví dụ như, trước khi bước đi, quý vị nên đứng ở một góc con đường, tập trung vào hơi thở. Khi nimitta xuất hiện và ổn định, quý vị nên tập trung vào nó. Khi định của quý vị trở nên mạnh và cực mạnh, quý vị nên bước đi chậm trong khi tâm vẫn tập trung vào chỉ nimitta thôi.
Khả năng tập trung trên nimitta trong mọi oai nghi là một dạng của năng lực ý chí. Quý vị có sức mạnh ý chí này. Vì thế xin hãy thực hành một cách nỗ lực. Quý vị có thể thành công. Nếu thực hành đều đặn, không lâu tâm của quý vị có thể chìm vào nimitta hoàn toàn. Đây là an chỉ định, còn gọi là bậc thiền. Mặc dù trong vài lần đầu, an chỉ định có thể không kéo dài, quý vị cũng không nên bỏ cuộc. Quý vị nên tập đi, tập lại. Nếu thực hành tinh tấn với Tuệ lực, Niệm lực mạnh, quý vị sẽ thành công trong việc duy trì định trên nimitta rất lâu.Vào giai đoạn đầu, trú lâu trong thiền cần được chú trọng nhiều hơn, ngược lại, việc suy xét các thiền chi cần được chế ngự. Nếu suy xét về các thiền chi thường xuyên, định của quý vị sẽ giảm. Vì thế xin hãy cố trú trong an chỉ định càng lâu càng tốt.
An chỉ định của quý vị cần phải ổn định và sâu. Khi nó ổn định và sâu liên tục cho được một hay hai giờ đồng hồ, đấy là một thành tựu tốt đẹp. Tôi muốn khuyên quý vị nên thực tập cho đến khi nào quý vị có thể trú trong an chỉ định cho được ít nhất ba giờ đồng hồ. Nếu quý vị có thể an trú trong nimitta đựơc hơn một giờ, hai giờ hay ba giờ trong mỗi thời ngồi, trong ba ngày liên tục, lúc ấy quý vị có thể suy xét về các thiền chi. Để làm vậy, trước tiên quý vị nên trú trong an chỉ định cho được hơn một tiếng. Sau khi xuất khỏi an chỉ định này, quý vị nên trực nhận phần bên trong trái tim để phân biệt Bhavaṅga ý căn hay tâm hữu phần, vốn sinh khởi nương nơi sắc ý căn (heart-base). Lúc đầu, thông thường nhiều hành giả sẽ chưa phân biệt được Bhavaṅga với nimitta. Khi họ trực nhận Bhavaṅga, họ sẽ thấy cũng nimitta ấy ở trong trái tim. Họ nghĩ ấy là Bhavaṅga. Nhưng thật ra nó không phải là Bhavaṅga, Bhavaṅga giống như tấm gương soi trong trái tim.
‘Pabhāsara midaṁ bhikkhave cittaṁ’ –
“Này các tỷ kheo, tâm Bhavanga là sáng rực.”
Điều này đựơc đề cập trong chương Accharāsaṅghāta của Tăng chi bộ. Bhavaṅga là một loại tâm. Nó không phải là ánh sáng, nhưng nó sản sinh ra ánh sáng rực rỡ. Nó có thể sinh ra các tổng hợp sắc do tâm sanh. Và yếu tố lửa (hay nhiệt) trong các tổng hợp sắc này tiếp tục sinh ra nhiều tổng hợp sắc mới, do nhiệt sanh. Yếu tố màu trong hai dạng tổng hợp sắc này hiệp lại, phát sáng. Mức độ phát sáng tùy thuộc vào Tuệ lực tương ứng với tâm Bhavaṅga. Tuệ lực càng cao, ánh sáng càng mạnh. Vì thế nếu nghiệp lực sản sinh ra Bhavaṅga là thuộc Tuệ Minh Sát, Tuệ lực sẽ rất mạnh, và ánh sáng sẽ rất mạnh và rực rỡ. Do vậy mà Bhavaṅga là một thứ, và ánh sáng là một thứ khác.
Quý vị nên suy xét Bhavaṅga trong vài giây thôi, vì suy xét lâu, như hai hay ba phút chẵng hạn, tim quý vị có thể nhói đau và định sẽ giảm. Vậy nên nếu có thể suy xét Bhavaṅga trong vài giây, thì tốt rồi. Còn nếu chưa được, quý vị nên chú tâm trở lại trên nimitta của hơi thở cho đến khi an chỉ định của quý vị thật sâu và nimitta sáng rực trở lại. Lúc này quý vị có thể thử suy xét Bhavaṅga lần nữa. Nếu thực tập, thực tập lại cách này quý vị sẽ có thể trực nhận được Bhavaṅga. Khi có khả năng trực nhận được Bhavaṅga, quý vị nên tập trung lại vào nimitta cho đến khi an chỉ định của quý vị thật sâu và nimitta sáng mạnh. Và rồi khi trực nhận Bhavaṅga, quý vị sẽ thấy rằng nimitta xuất hiện bên trong Bhavaṅga, giống như khi mình nhìn vào tấm gương soi, quý vị sẽ thấy gương mặt mình. Và rồi quý vị nên trực nhận năm thiền chi, ấy là tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm.
1.Tầm (vitakka): là trạng thái hướng và đặt tâm trên đối tượng, nimitta của hơi thở
2.Tứ (vicāra): là trạng thái duy trì tâm trên đối tượng.
3.Hỷ (pīti): là trạng thái thích thú đối với đối tượng.
4.Lạc (sukha): là trạng thái an vui với đối tượng.
5.Nhất tâm (ekaggatā): là trạng thái hợp nhất của tâm vào đối tượng.
Khi quý vị trực nhận năm thiền chi này, trước hết quý vị nên trực nhận từng thiền chi một. Sau khi đã trực nhận được từng thiền chi một, quý vị có thể trực nhận được năm thiền chi cùng lúc. Nếu quý vị có thể thực hành bước này tốt rồi, quý vị nên phát triển năm Pháp thuần thục.
Pháp thuần thục đầu tiên quý vị nên thực hành là nhập định bất kỳ lúc nào quý vị muốn. Thứ hai là xuất khỏi định bất kỳ lúc nào mình muốn. Thứ ba là quý vị trú trong định cho được một giờ, hai giờ, ba giờ theo quyết định của mình Pháp thuần thục thứ tư và thứ năm thực sự được thực hiện trong cùng một bước, đó là, suy xét các thiền chi bất kỳ khi nào quý vị muốn và kỹ năng suy xét các thiền chi bằng ý căn hướng tâm được gọi là Pháp thuần thục hướng tâm đến các thiền chi, còn kỹ năng suy xét các thiền chi bằng các tốc hành tâm trong cùng tiến trình tâm suy xét thiền chi với ý căn hướng tâm, được gọi là Pháp thuần thục trong xét duyệt các thiền chi. Đây là sự khác nhau duy nhất. Nếu có thể thành công với năm Pháp thuần thục này, quý vị có thể thực hành lên nhị thiền, tam thiền, tứ thiền một cách có hệ thống. Trong sơ thiền, hơi thở trở nên vi tế, ở nhị thiền hơi thở vi tế hơn, ở tam thiền hơi thở vi tế hơn nữa, và đến tứ thiền hơi thở ngừng hẳn.
Tôi đã hỏi nhiều thiền sinh bậc thiền nào họ cho là tốt nhất. Rất nhiều vị nói là nhị thiền là được hơn sơ thiền, tam thiền thì thích hơn nhị thiền, nhưng tứ thiền là tuyệt nhất trong bốn bậc thiền.
Sự thành tựu này là do năng lực ý chí. Mọi người đều có năng lực ý chí. Quý vị nên thực hành một cách tinh tấn trong Giáo Pháp của Đức Phật vốn là một cơ hội hiếm thay (viriyavato kiṃ nāma kammaṃ na sijjhati!). Với một người có nỗ lực lớn lao, có đủ quyết tâm và Trí Tuệ, với người ấy không có gì là không thể đạt được cả. Nếu quý vị nỗ lực thực hành, mọi cái đều trở thành “có thể” cho quý vị. Quý vị có thể thành công trong chứng đạt hết bốn tầng thiền.
Sau khi đạt được tứ thiền, nếu muốn thực hành các đề mục thiền chỉ khác, như là mười biến xứ (hay kasiṇa), bốn Phạm trú, quý vị có thể thực tập chúng dễ dàng. Nếu muốn thực hành Vipassanā dựa trên tứ thiền của Niệm hơi thở, quý vị cũng có thể thực hành tiếp như vậy. Có hai dạng thực hành Vipassanā dựa vào tứ thiền niệm hơi thở: dạng assāsapassāsa kammika và dạng jhānakammika. Họ dịch assāsapassāsa kammika là người thực hành niệm hơi thở và jhāna kammika như là hành giả thực hành thiền chỉ. Phần phiên dịch này chưa chính xác. Vì thế tôi sẽ giải thích làm cách nào hai dạng hành giả này thực hành Vipassanā dựa trên tứ thiền.
Trong thiền chỉ, có bốn mươi đề mục, nhưng trong Vipassanā, chỉ có hai đề mục, ấy là phân biệt sắc (rūpakammaṭṭhāna) và phân biệt danh (nāmakammaṭṭhāna). Đôi khi họ còn gọi là rūpa pariggaha và arūpa pariggaha một cách tương ứng. Nếu một hành giả đã đạt đến tứ thiền Ānāpāna (thiền niệm hơi thở), rồi hành phân biệt sắc trước, người ấy được gọi là hành giả assāsapassāsa kammika. Nếu hành giả phân biệt danh trước, vị ấy phải phân biệt năm thiền chi trước, và vị ấy được gọi là hành giả jhānakammika.
Một hành giả Assāsapassāsa Kammika (tức là hành giả phân biệt sắc trước), sau khi rời khỏi tứ thiền Ānāpāna (tức tứ thiền thiền Niệm hơi thở), đi phân biệt mười hai đặc tính của tứ đại trong hơi thở, ấy là cứng, nhám, nặng, mềm, trơn, nhẹ, chảy, kết dính, nóng, lạnh, nâng đỡ, đẩy. Nhóm lại theo mỗi đại, chúng ta có bốn đại: cứng, nhám, nặng, mềm, trơn, nhẹ hình thành ra yếu tố đất; chảy và kết dính hình thành ra yếu tố nước; nóng và lạnh hình thành ra yếu tố lửa; nâng đỡ và đẩy hình thành ra yếu tố gió. Vị ấy nên phân biệt tứ đại trong hơi thở theo trình tự có hệ thống. Nếu thực hành vậy, hành giả có thể thấy được rất nhiều tổng hợp sắc. Nếu hành giả phân tích các tổng hợp sắc ấy, có thể thấy được có ít nhất chín yếu tố sắc trong mỗi tổng hợp sắc, ấy là đất, nước, lửa, gió, màu, mùi, vị, dưỡng chất và âm thanh. Chín yếu tố sắc này được gọi là thân của hơi thở vào và hơi thở ra (assāsapassāsa kāya).
Sau khi phân biệt thân của hơi thở vào và hơi thở ra, vị ấy nên suy xét như vầy: “Dựa vào đâu mà nó sinh khởi?” Trong khi suy xét, vị ấy thấy rằng nó khởi sinh dựa trên một căn. Căn là gì? Theo Vi diệu Pháp Abhidhammā, có sáu căn, ấy là nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn và sắc ý căn (heart-base). Theo phương pháp trong Kinh tạng (Suttanta), căn là thân y sinh, tức là thân được sinh ra (karajakāya), bao gồm bốn loại sắc:
1. Sắc do nghiệp sanh, kammaja rūpa
2. Sắc do tâm sanh, cittaja rūpa
3. Sắc do nhiệt sanh, utuja rūpa
4. Sắc do vật thực sanh, āhārajarūpa
Tại sao có sự khác nhau? Vì phương pháp trong Kinh Tạng là để học sự hành, trong khi phương pháp trong Vi diệu Pháp là để cho thấy nghĩa chân xác. Chẳng hạn như khi phân biệt tứ đại trong con mắt mình một cách hệ thống, quý vị sẽ thấy sáu loại tổng hợp sắc. Một trong sáu loại này là tổng hợp sắc có thần kinh mắt là yếu tố thứ mười (gọi tắt là mắt-thập-sắc, cakkhu-dasaka-kalāpa). Nếu phân tích nó, quý vị sẽ thấy có mười yếu tố sắc của nó, ấy là đất, nước, lửa, gió, màu, mùi, vị, dưỡng chất, mạng căn và sắc thần kinh mắt (cakkhu pasāda). Trong số mười yếu tố chỉ có sắc thần kinh mắt là nhãn căn. Mặc dù chín yếu tố sắc còn lại trong mắt-thập-sắc này không phải là nhãn căn, nhưng chúng có nhãn căn đồng hành, bởi vì tất cả chúng sanh lên và diệt đi cùng lúc như một nhóm. Nếu không thể phân tích chúng, quý vị không thể phá vỡ tính khối tưởng của nhóm (samūha ghana) để thấy rõ sắc chân đế. Do không phân tích các tổng hợp sắc, chúng ta không thể thấy được nhãn căn, nên phương pháp tạng Kinh nói rằng căn là tác sanh thân, tức là thân được sinh ra (karaja kāya = produced body). Giải thích tương tự cho nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn và sắc ý căn.
Mắt thập pháp không thể sinh khởi một mình. Nếu phân biệt tứ đại trong con mắt theo trình tự hệ thống, quý vị sẽ thấy nhiều loại tổng hợp sắc. Nếu dùng tay để chạm con mắt, quý vị biết rõ cảm giác đụng chạm. Bởi vì trong con mắt có thân-thập-sắc (kāya-dasaka-kalāpa), tức là tổng hợp sắc có sắc thần kinh thân là yếu tố thứ mười. Thức thân (kāya viññāna) vốn biết cảm giác đụng chạm, khởi sanh chỉ nương nơi thân căn. Trong con mắt của quý vị, còn có các tánh-thập-sắc (bhāva-dasaka-kalāpa), tức là các tổng hợp sắc có sắc giới tánh là thứ mười. Nhờ có sắc xác định giới tính (bhāva rūpa) này mà quý vị có thể hiểu được, “đây là người nữ” và “đây là người nam”. Mắt-thập-sắc, thân-thập-sắc và tánh-thập-sắc được sanh ra do Nghiệp đời trước, nên chúng được gọi là sắc do nghiệp sanh (kammaja rūpa). Bởi vì quý vị có thể chớp mắt như ý, nên chúng ta biết rằng trong cặp mắt này của chúng ta cũng có sắc do tâm sanh (cittaja rūpa) vốn sai khiến sự biểu lộ bằng thân, tạo ra động tác chớp mắt.Trong mỗi tổng hợp sắc, có yếu tố lửa. Yếu tố lửa có thể sản sinh nhiều thế hệ các tổng hợp sắc mới, được gọi là sắc do nhiệt sanh (utuja rūpa). Trong mỗi tổng hợp sắc, đều có dưỡng chất (oja). Khi dưỡng chất có trong các tổng hợp sắc do vật thực sanh (āhārajarūpa) hỗ trợ, chính dưỡng chất này có trong các tổng hợp sắc khác, nó sản sinh ra các thế hệ tổng hợp sắc do vật thực sanh mới (āhāraja-rūpa). Vậy là trong con mắt của quý vị, có tổng cộng sáu loại tổng hợp sắc. Nếu phân tích chúng, quý vị có thể thấy, có tổng cộng năm mươi bốn loại sắc. Để phá tan tính khối tưởng, quý vị cần cố gắng để thấy năm mươi bốn loại sắc này.
Lúc ấy, quý vị nên đi trực nhận hay phân biệt (discern) sáu căn và bốn mươi hai phần thuộc thân theo cùng cách. Trong mỗi phần thuộc thân, thông thường có bốn loại sắc: sắc do nghiệp sanh, sắc do tâm sanh, sắc do nhiệt sanh và sắc do vật thực sanh.
Chú giải có giải thích gì là tác sanh thân (karaja kāya). Tác sanh thân này được hình thành từ sắc tứ đại và các sắc do tứ đại sanh. Điều có nghĩa gì? Trong mỗi tổng hợp sắc có bốn sắc tố chính, là đất, nước, lửa, gió và các sắc do tứ đại sanh như: màu, mùi, vị, và dưỡng chất. Thật ra có tổng cộng hai mươi tám loại sắc: bốn sắc tứ đại (hay bốn đại chủng) và hai mươi bốn sắc do tứ đại sanh (hay sắc y đại sanh).
Năm loại tịnh sắc, (pasāda rūpa), tức là năm loại sắc thần kinh:
1. Nhãn tịnh sắc (cakkhu-pasāda), hay sắc thần kinh mắt.
2. Nhĩ tịnh sắc (sota-pasāda), hay sắc thần kinh tai.
3. Tỷ tịnh sắc (ghāna-pasāda), hay sắc thần kinh mũi.
4. Thiệt tịnh sắc (jivhā-pasāda), hay sắc thần kinh lưỡi.
5. Thân tịnh sắc (kāya-pasāda), hay sắc thần kinh thân.
Bốn loại Hành cảnh sắc (gocāra-rūpa, sense-field materiality):
1.Màu (vaṇṇa)
2.Âm thanh (sadda)
3.Mùi (gandha)
4.Vị (rasa)
5. Dưỡng chất (ojā)
6. Sắc mạng căn (jīvitindriya)
7. Sắc trái tim, hay tâm cơ, hay sắc ý căn (hadaya-rūpa)
Hai loại sắc tánh (bhāva-rūpa):
1.Sắc tánh nam
2.Sắc tánh nữ.
Mười loại sắc không thực gồm:
1.Sắc hư không (Ākāsa dhātu)
2.Thân biểu tri (kāyaviññatti)
3.Khẩu biểu tri (vacīviññatti)
4.Sắc khinh (lahutā)
5.Sắc nhu (mudutā)
6.Sắc thích ứng (kammaññatā)
7.Sắc sinh (upacaya)
8.Sắc tiến (Santati)
9.Sắc dị (jaratā)
10.Sắc diệt (aniccatā)
Quý vị phải phân biệt tất cả các loại sắc này.
Nếu chỉ quán sắc pháp là Vô thường, Khổ và Vô ngã thì chưa đủ để cho quý vị chứng ngộ Niết-bàn. Mà quý vị còn phải quán thêm danh pháp là Vô thường, Khổ và Vô ngã nữa. Khi trực nhận danh, định bậc thiền là pháp tốt nhất để quý vị phân biệt trước tiên vì quý vị đã thành thạo trong việc phân biệt các thiền chi. Rồi thì quý vị phải trực nhận danh cõi dục giới (kammavācāra nāma) theo tâm lộ trình và tâm ngoài lộ trình. Vì thế chú giải có giải thích như sau: Lúc ấy, hành giả nhận biết danh pháp trong tập hợp các tâm hành bắt đầu từ xúc, như xúc, thọ, tưởng, hành, thức. Trong số năm tâm hành này, thọ là một uẩn, thọ uẩn. Tất cả có năm uẩn, trong số năm uẩn này, chú giải chỉ đề cập xúc và tư như là hành uẩn bởi vì chúng là các yếu tố nổi trội của hành uẩn. Khi hai yếu tố nổi trội này được đề cập, các tâm hành còn lại cũng đã được bao hàm đi theo cùng lúc. Nó giống như chuyến kinh lý của nhà vua. Khi đức vua đi đâu, đoàn tùy tùng của vua theo vua đến đấy.
Sau khi trực nhận danh và sắc, hành giả khảo sát các nhân của chúng. Vị ấy thấy rằng các nhân chính của năm thủ uẩn là vô minh (avijjā), tham ái (taṇhā), thủ (upādāna), ý hành (saṅkhāra) và nghiệp (kamma). Chúng được làm cho sinh khởi bởi vị ấy trong đời trước. Chúng tạo ra thức tái sanh cùng với bốn thủ uẩn kia trong đời sống hiện tại. Vị ấy nên gắng thấy quan hệ Nhân Quả giữa các nhân và các quả. Đây là lý Duyên Khởi. Lúc ấy, hành giả sẽ kết luận rằng danh pháp và sắc pháp chỉ là các pháp hữu vi và là pháp sinh khởi do duyên và ngoài những bản chất này ra, chúng không phải là một chúng sanh đang sống mà cũng chẳng phải là một con người. Lúc ấy hành giả vượt qua nghi ngờ về bản chất của sắc pháp và danh pháp và các nhân của chúng.
Khi đã vượt nghi, hành giả quán sát ba tướng: Vô thường, Khổ và Vô ngã của danh và sắc và các nhân của chúng, và dần dần đạt đến A-la-hán. Loại hành giả này được gọi là assāsapassāsakammika, tức là hành giả bắt đầu Vipassanā bằng quán sắc pháp dựa vào tứ thiền Ānāpāna.
Tôi muốn giải thích về hành giả jhānakammika. Sau khi đạt được bậc thiền của Niệm hơi thở, hành giả phân biệt danh pháp trước khi phân biệt sắc pháp. Vì khi thực hành thiền chỉ, hành giả vốn dễ dàng phân biệt được các thiền chi, khi bắt đầu thực hành Vipassanā, vị ấy phân biệt các thiền chi trước tiên. Kế đó vị ấy các tâm hành khởi sinh cùng với các thiền chi. Các tâm hành ấy cùng với các thiền chi được gọi là các thiền pháp. Sau khi phân biệt chúng, hành giả phải khảo sát như vầy: Nương vào đâu mà các thiền pháp này sinh khởi? Và rồi hành giả thấy rằng nương vào sắc ý căn (heart-base). Theo giải thích của tạng Kinh, sắc ý căn là tác sanh thân, tức là thân được sinh ra (produced body, karaja kāya), bao gồm bốn loại sắc: sắc do nghiệp sanh, sắc do tâm sanh, sắc do thời tiết sanh và sắc do vật thực sanh. Sau đó, hành giả cũng cần phân biệt danh pháp của cõi dục giới và tất cả các sắc pháp khác.
Các thiền pháp và danh pháp cõi dục giới là danh pháp và tác sanh thân là sắc pháp. Sau khi đã phân biệt chúng, hành giả phải khảo sát các nhân của chúng. Vị ấy thấy được các nhân bằng sự thấu suốt được vòng duyên khởi bắt đầu từ vô minh. Lúc ấy, hành giả sẽ kết luận rằng danh pháp và sắc pháp chỉ là các pháp hữu vi và là pháp sinh khởi do duyên và ngoài những bản chất này ra, chúng không phải là một chúng sanh đang sống mà cũng chẳng phải là một con người. Nhờ vậy hành giả vượt qua nghi ngờ.
Khi đã vượt nghi, hành giả quán sát ba tướng: Vô thường, Khổ và Vô ngã của danh, sắc và các nhân của chúng, và dần dần đạt đến A-la-hán. Loại hành giả này được gọi là jhānakammika, tức là hành giả bắt đầu Vipassanā bằng quán danh pháp dựa vào tứ thiền Ānāpāna.
Nếu quý vị hiểu được phần giải thích này, quý vị sẽ hiểu những lời dạy sau đây của Đức Phật. Trong Kinh Đại Niệm Xứ, Đức Phật dạy thiền Vipassanā dựa vào phương pháp Niệm hơi thở, Ānāpānasati như sau:
“Như vậy vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân.”
Đây là giai đoạn bắt đầu của thiền Vipassanā cho một hành giả đã thực hành thiền Niệm hơi thở Ānāpāna đạt đến tứ thiền. Gì là “thân”, kāya? Theo Bộ Vô Ngại Giải Đạo, Paṭisambhidāmagga, có ba loại thân:
1.Thân hơi thở vào và hơi thở ra (assasāpassāsa kāya)
2.Tác sanh thân, tức thân được sinh ra, (karaja kāya)
3.Thân của danh pháp (nāma kāya)
Tôi đã giải thích về chúng phần trước. Tôi hy vọng quý vị giờ đã hiểu.
Tôi đã giải thích làm thế nào để phân biệt sắc một cách tóm tắt. Giờ đây tôi muốn giải thích làm thế nào để phân biệt danh. Nếu quý vị muốn phân biệt, ví dụ như các pháp sơ thiền Ānāpāna, quý vị nên trước tiên nhập sơ thiền Ānāpāna. Sau khi xuất khỏi sơ thiền, quý vị nên phân biệt Bhavaṅga, tức là ý căn. Khi nimitta xuất hiện trong ý căn, quý vị nên phân biệt năm thiền chi. Khi thực hành thiền Định, quý vị đã có thể phân biệt chúng, nên điều này không khó với quý vị. Điều duy nhất khác nhau ở đây là quý vị nên phân biệt năm thiền chi xuất hiện (hay xảy ra) liên tục nhiều lần. Nếu có thể trực nhận chúng rõ ràng, quý vị có thể bắt đầu phân biệt, chẳng hạn như, tâm. Có ba cách để có thể bắt đầu phân biệt danh:
1. Bắt đầu bằng xúc
2. Bắt đầu bằng thọ
3. Bắt đầu bằng thức (hay còn gọi là tâm)
Nếu bắt đầu bằng tâm, có đặc tính là nhận biết đối tượng, quý vị nên trực nhận tâm xuất hiện liên tục nhiều lần. Nếu thấy mình không thể phân biệt được, quý vị nên lặp lại quy trình vừa mới đề cập trên: nhập sơ thiền, rồi xuất khỏi sơ thiền và phân biệt ý căn. Khi nimitta xuất hiện nơi ý căn, quý vị nên phân biệt tâm xuất hiện liên tục nhiều lần. Nếu có thể phân biệt được tâm rồi, quý vị nên tăng thêm số danh pháp mà quý vị trực nhận, mỗi lần thêm một tâm hành, lần đầu là tâm, lần sau thêm một xúc nữa thành hai (tâm, xúc), lần sau thêm một tâm hành nữa thành ba, thêm một tâm hành nữa thành bốn,. .. cho đến hết ba mươi bốn tâm hành của sơ thiền. Ba mươi bốn tâm hành của sơ thiền là gì? Chúng là: tâm (hay thức), xúc, thọ (lạc), tưởng, tư, nhất tâm, mạng căn, tác ý, tầm, tứ, thắng giải, tấn, hỷ, dục, tín, niệm, tàm, quý, vô tham, vô sân, xã trung tánh, tịnh thân, tịnh tâm, khinh thân, khinh tâm, nhu thân, nhu tâm, thích thân, thích tâm, thuần thân, thuần tâm, chánh thân, chánh tâm, tuệ quyền.
Trong số ba loại thân mà tôi đề cập mới đây, thân của hơi thở vào và hơi thở ra và tác sanh thân là thân của sắc, hay còn gọi là sắc thân (rūpa kāya). Vậy nên chúng ta có thể nói, chỉ có hai loại thân, sắc thân (rūpa kāya) và danh thân (nāma kāya). Tại sao chúng được gọi là thân? Lý do là chúng không thể khởi sinh một mình mà phải khởi sinh như là một nhóm. Xin hãy lưu ý rằng ở đây thân (kāya) có nghĩa là thân của sắc pháp chân đế và thân của danh pháp chân đế.
Quí vị phải quán các thân này trong các thân. Chỉ quán mỗi nội thân, tuy nhiên, là không đủ để cho quí vị chứng ngộ Niết-bàn. Quí vị phải quán cả ngoại thân. Tại sao? Quí vị có sự dính mắc, ngã mạn và tà kiến không chỉ với chính thân của mình mà còn với cả ngoại thân. Để diệt trừ sự dính mắc, ngã mạn và tà kiến đối với ngoại thân, quý vị phải quán ngoại thân cũng như nội thân. Quý vị có thể có sự ngã mạn về thành tựu của con trai, chồng hay vợ của mình. Để diệt trừ sự ngã mạn, quý vị phải quán thân của họ là vô thường. Để diệt trừ sự dính mắc, quý vị phải quán thân của họ là khổ. Quý vị có thể nghĩ rằng “Đây là con trai tôi, đây là con gái tôi, đây là vợ tôi, đây là chồng tôi”. Để diệt trừ các tà kiến này, quý vị phải quán thân của họ là vô ngã. Nếu quý vị phân biệt thế giới bên ngoài bằng minh sát, quý vị sẽ chỉ thấy sắc chân đế và danh chân đế mà thôi. Sắc chân đế và danh chân đế là vô thường bởi vì ngay khi chúng vừa sanh lên thì chúng liền diệt đi, khổ vì chúng luôn luôn bị đàn áp bở sự sanh và diệt và vô ngã vì không có một tự ngã thường hằng hay một thực thể vững bền nào mả quý vị có thể gọi là “Đây là con trai tôi, đây là con gái tôi, đây là vợ tôi, đây là chồng tôi…” Nếu quý vị quán theo cách này, sự quán này sẽ làm giảm bớt sự dính mắc, ngã mạn và tà kiến. Do vậy, Đức Phật chỉ dạy:
“Như vậy vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân.”
Tại sao Đức Phật dạy như vậy? Đối với người mới bắt đầu, để quán thân trên nội thân trong một thời ngồi là không đủ. Quý vị phải thực tập nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng. Và rồi, quý vị còn phải quán thân trên ngoại thân nữa. Đối với người mới bắt đầu, phần thực hành này mất vài ngày. Sau đó, trong một thời ngồi, quý vị nên quán thân trên thân, nội thân lẫn ngoại thân, lặp đi lặp lại. Quán chỉ một lần không đủ. Quán đi quán lại là cần thiết. Chỉ khi quý vị quán đi quán lại, quý vị mới có thể đè nén tham ái, ngã mạn, tà kiến và những phiền não.
Theo sự phân loại các Minh Sát Trí, đây chỉ là Danh Sắc Phân Định Trí (Nāma rūpa pariccheda ñāṇa). Nó chỉ là giai đoạn bắt đầu của Kiến thanh tịnh và là nền tảng của Vipassanā. Trí này chia làm bốn giai đoạn:
1. Sắc Phân Biệt Trí lúc phân biệt sắc riêng (rūpa-pariggaha-ñāṇa),
2. Danh Phân Biệt Trí lúc phân biệt danh riêng (arūpa-pariggaha-ñāṇa),
3. Danh-Sắc Phân Biệt Trí lúc phân biệt danh-sắc cùng nhau (rūpārūpa-pariggaha-ñāṇa),
4. Danh-Sắc Phân Định Trí lúc phân biệt danh-sắc cùng nhau (nāma rūpa vavaṭṭhāna ñāṇa hoặc nāma rūpa pariccheda ñāṇa) và thấy rằng không có ngã tồn tại, không người, không có hữu tình trong đó, mà chỉ có danh và sắc.
Vì vậy, ở giai đoạn này, quý vị nên thực hành bốn bước sau:
1.Phân biệt sắc bên trong và sắc bên ngoài.
2.Phân biệt danh bên trong và danh bên ngoài.
3.Phân biệt danh-sắc bên trong và danh-sắc bên ngoài.
4.Phân định danh-sắc bên trong và bên ngoài. Đây là giai đoạn đầu của thiền Vipassanā được đề cập trong kinh Đại Niệm Xứ.
“Vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân”
Trong giai đoạn này, ba Tuệ Minh Sát hay Minh Sát Trí được kết hợp cùng nhau:
1. Duyên Xác Định Trí (Paccaya pariggaha ñāṇa), vốn phân biệt nhân và quả
2. Khảo Sát Trí (sammasana ñāṇa), vốn tuệ tri ba đặc tướng của các hành
3. Sanh Diệt Trí (udayabbaya ñāṇa), vốn tuệ tri sự sinh diệt của các hành, như là Vô thường, Khổ và Vô ngã.
Có hai loại sanh và diệt (udayabbaya) của các hành (saṅkhāra):
1. Sanh và diệt của các hành do nhân duyên (paccayato udayabbaya).
2. Sanh và diệt của các hành trong từng sát-na (khaṇato udayabbaya).
Sanh và diệt do nhân duyên được chia làm hai loại: sanh do duyên sanh và diệt do duyên diệt. Bởi sự sinh khởi của nhân mà năm uẩn sinh lên, đây là sự sanh do duyên sanh. Do bởi sự diệt tận không còn dư sót của nhân mà ngũ uẩn tận diệt không còn dư sót. Đây là sự diệt do duyên diệt.
Ngũ thủ uẩn cũng chính là danh-sắc. Hai mươi tám loại sắc hình thành sắc uẩn. Thọ là thọ uẩn. Tưởng là tưởng uẩn. Tất cả các tâm sở còn lại là hành uẩn. Sáu loại thức hình thành thức uẩn. Thọ, Tưởng, Hành, Thức là danh. Vậy ngũ uẩn thủ cũng chính là danh-sắc. Quý vị nên phân biệt sự sanh do duyên sanh của danh-sắc hay ngũ thủ uẩn như thế nào? Đây là giai đoạn thứ hai của thiền Vipassanā được Đức Phật dạy trong kinh Đại Niệm Xứ. Quý vị không nên bỏ qua giai đoạn trong phần thực hành của mình. Xin hãy một lần nữa lắng nghe những gì ở giai đoạn đầu: Quý vị phải phân biệt sắc bên trong lẫn bên ngoài. Quý vị phải phân biệt danh bên trong lẫn bên ngoài. Quý vị phải phân biệt danh-sắc cùng nhau bên trong lẫn bên ngoài. Quý vị phải phân định danh-sắc cả bên trong lẫn bên ngoài. Chỉ sau giai đoạn này, quý vị mới tiến đến giai đoạn thứ hai.
Quý vị nên trực nhận sự sanh do duyên sanh của danh-sắc như thế nào? Sau khi phân biệt danh-sắc bên trong và bên ngoài, quý vị nên trực nhận danh-sắc quá khứ gần nhất, như lúc liền ngay trước khi quý vị bắt đầu thời thiền tọa. Trước khi bắt đầu ngồi thiền, xin hãy cúng dường Đức Phật ngọn đèn cầy, hay nước hay hoa gì đấy và nguyện trở thành Tỷ-khưu trong tương lai. Sau khi ngồi xuống, xin hãy chú ý các tiến trình tâm khởi lên lúc nãy khi cúng dường cho Đức Phật và nguyện ước được làm Tỷ-kheo. Đây chính là các danh pháp. Chúng là nghiệp luân (kamma-vaṭṭa) và phiền não luân (kilesa-vaṭṭa). Chúng khởi sinh tùy thuộc vào các căn tương ứng của chúng, chính là các sắc pháp. Quý vị phải phân biệt danh và sắc quá khứ gần nhất như thể quý vị đang phân biệt danh-sắc bên ngoài. Sau khi phân biệt danh-sắc quá khứ gần nhất, quý vị nên từ từ phân biệt ngược dần lui quá khứ, cho đến sát-na tâm tái sanh (patisandhi), tức là sát-na đầu tiên của đời sống hiện tại.
Nếu có thể phân biệt danh-sắc vào lúc tái sanh, quý vị nên phân biệt ngược dần về danh-sắc trong đời trước. Nếu trực nhận theo cách này, quý vị có thể sẽ trực nhận được danh-sắc của tâm tái sanh (patisandhi) của đời trước. Lúc ấy, một trong ba ấn tướng thường xuất hiện trong ý căn của quý vị. Ba ấn tướng đó là: nghiệp (kamma), nghiệp tướng (kamma nimitta), và thú tướng (gati nimitta) là cảnh giới nơi quý vị sẽ tái sanh.
Tôi sẽ cố gắng giải thích điều này bằng một trường hợp. Một hành giả phân biệt danh-sắc của cận tử tâm trong đời trước. Vị ấy thấy nghiệp tướng đó là một người nam đang cúng dường ngọn đèn cầy đến một tượng Phật. Sau khi thấy nghiệp tướng ấy, hành giả này tiếp tục phân biệt danh-sắc của hình ảnh người nam đang cúng dường đèn cầy ấy. Hành giả này phân biệt bằng cách nào? Vị ấy phân biệt tứ đại trong hình ảnh người nam ấy một cách có hệ thống. Vị ấy thấy các tổng hợp sắc và tiếp tục phân tích các tổng hợp sắc đó để thấy sắc chân đế. Kế đó, vị ấy chủ yếu phân biệt năm mươi bốn loại sắc nơi trái tim và chú ý đến sắc ý căn (heart-base), bởi vì mọi tâm của ý căn sinh khởi dựa vào sắc ý căn. Khi làm như vậy, hành giả ấy thấy được ý căn, Bhavaṅga, một cách rõ ràng. Nhiều đối tượng khác nhau xuất hiện nơi ý căn (Bhavaṅga). Hành giả ấy trực nhận ý căn lui tới và lặp đi, lặp lại. Tại sao? Vì giữa các tâm hữu phần (cũng được gọi là Bhavaṅga), thường có các tiến trình tâm xảy ra. Khi hành giả trực nhận các Bhavaṅga ấy, vị ấy có thể dễ dàng phân biệt các tiến trình tâm ấy. Vị ấy thấy rằng khi người nam kia cúng dường ngọn đèn cầy đến tượng Phật, người ấy nguyện trở thành một vị Tỷ-khưu pháp hành trong đời sau. Cái tâm đang cúng dường sinh khởi theo chuỗi các lộ trình tâm qua ý căn. Mỗi lộ trình tâm này bao gồm một ý môn hướng tâm (manodvārāvajjana) và bảy tốc hành tâm (javana). Trong ý môn hướng tâm có mười hai tâm hành. Chúng là: tâm, xúc, thọ, tưởng, tư, nhất tâm, mạng căn, tác ý, tầm, tứ, thắng giải và tấn. Trong mỗi tốc hành tâm này có một tâm và ba mươi ba tâm sở. Chúng là: tâm, xúc, thọ, tưởng, tư, nhất tâm, mạng căn, tác ý, tầm, tứ, thắng giải, tấn, hỷ, dục, tín, niệm, tàm, quý, vô tham, vô sân, xã trung tánh, tịnh thân, tịnh tâm, khinh thân, khinh tâm, nhu thân, nhu tâm, thích thân, thích tâm, thuần thân, thuần tâm, chánh thân, chánh tâm, tuệ quyền. Ba mươi tư tâm hành này được gọi là ý hành (saṅkhāra). Trong số một tâm và ba mươi ba tâm sở này, tư là nổi trội nhất. Tư là nghiệp. Ngay khi vừa khởi sanh, các tâm hành ấy liền mất ngay bởi chúng là Vô thường. Nhưng chúng để lại nghiệp lực trong tiến trình danh-sắc của người ấy. Trong phần Nghiệp Duyên (Kammapaccaya) của Duyên Hệ (Paṭṭhana), Nghiệp lực được gọi là Nghiệp.
Tiếp theo hành giả ấy trực nhận cái tâm chú nguyện muốn trở thành Tỷ-kheo pháp hành của người nam ấy. Nó cũng khởi sinh thành một lộ trình tâm ý môn. Mỗi lộ trình tâm ý môn cũng gồm một ý môn hướng tâm và bảy tốc hành tâm. Ý căn hướng tâm cũng bao gồm mười hai tâm hành như đã nêu trên. Trong tốc hành tâm, có hai mươi tâm hành. Chúng là: tâm, xúc, thọ, tưởng, tư, nhất tâm, mạng căn, tác ý, tầm, tứ, thắng giải, tấn, hỷ, dục, si, vô tàm, vô quý, trạo cử, tham và tà kiến. Trong số hai mươi tâm hành này, vô minh, tham, thủ là nổi trội. Vô minh là gì? Theo giáo lý của Đức Phật, thân tâm của chúng ta chỉ là sắc chân đế và danh chân đế. Nếu chúng ta biết rõ chúng là danh và sắc, cái thấy này là đúng. Đấy là Tuệ Giác, là Chánh Tri Kiến. Nhưng nếu thấy chúng như là đàn ông, đàn bà, vị Tỷ-khưu, hay Tỷ-khưu-ni, cái thấy này là sai. Điều này được gọi là vô minh hay sự si mê. Do bởi vô minh, người ấy nguyện trở thành Tỷ-khưu pháp hành, đây là tham ái. Vị ấy chấp thủ hay dính mắc vào đời sống của vị Tỷ-khưu pháp hành ấy. Đây là thủ. Vô minh, tham ái và thủ được gọi là phiền não luân, tức là những phiền não mà sinh ra vòng luân hồi.
Tổng cộng, có năm nhân quá khứ: vô minh, tham ái, thủ, ý hành và nghiệp.
Tiếp đến hành giả ấy trực nhận năm uẩn của tâm tái sinh trong đời hiện tại của mình. Vào lúc ấy, có ba mươi loại sắc. Chúng sanh lên như ba loại tổng hợp sắc, đó là thân-thập-sắc, tánh-thập-sắc và đoàn-tâm (hay tổng hợp mười sắc thuộc trái tim). Trong mỗi loại tổng hợp sắc, có mười loại sắc.
Rồi hành giả ấy trực nhận lui tới giữa ba mươi loại sắc này và năm nhân quá khứ, vô minh, tham ái, thủ, hành và nghiệp. Vị ấy chú tâm vào nghiệp lực để kiểm tra xem nó có tạo ra ba mươi sắc kia hay không? Vị ấy kiểm tra đi kiểm tra lại và có thể thấy được đúng nó tạo ra. Đây là trường hợp của một hành giả.
Nếu thực hành theo cách này, quý vị có thể dễ dàng hiểu nghiệp lực tích lũy trong đời trước của quý vị đã tạo ra sắc uẩn ở sát-na tâm tái sanh. Như thế nào? Lúc này quý vị nên đã hiểu rõ làm cách nào mà các tâm sinh khởi nương nơi sắc ý căn sản sinh ra các sắc do tâm sanh, và nên đã hiểu rõ quan hệ nhân quả của chúng. Theo cách tương tự, có mối quan hệ nhân quả giữa nghiệp lực và sắc do nghiệp sanh. Nếu thấy được mối quan hệ này, quý vị nên trực nhận rằng do có sự sinh khởi của vô minh, tham ái, thủ, hành và nghiệp mà sắc đã khởi sinh ở sát-na tâm tái sanh hay kiết sanh thức.
Kế đến, quý vị cũng nên phân biệt mối quan hệ nhân quả giữa nghiệp lực trong đời trước và danh của đời hiện tại của mình ở sát-na tâm tái sinh. Tiếp đến quý vị nên trực nhận mối quan hệ nhân quả giữa nghiệp lực và các uẩn kết quả trong suốt đời sống hiện tại của mình. Đặc biệt quý vị nên chú tâm đến các lộ trình tâm qua sáu căn của mình. Quý vị nên trực nhận rằng do có sự khởi sinh của vô minh, tham ái, thủ, hành và nghiệp lực mà sắc uẩn sinh khởi. Vô minh, tham ái, thủ, hành, nghiệp lực là các nhân và sắc uẩn là quả. Đây là phần phân biệt sự sinh khởi các hành theo duyên. Tuệ giác trực nhận điều này được gọi là Duyên Xác Định Trí (paccaya pariggaha ñāṇa).
Sau khi đã dạy phần phân biệt sự sinh khởi các hành do duyên, Đức Phật dạy:
“Hay vị ấy sống (an trú) quán tánh diệt trên thân”.
Điều này có nghĩa là quý vị cũng nên trực nhận rằng do bởi sự diệt của năm nhân không còn dư sót mà năm uẩn diệt tận không còn dư sót. Đây là tuệ quán thấy được sự diệt tận của nhân và quả (paccayato vaya dassana ñāṇa).
Khi nào thì các nhân nổi trội, vô minh, tham ái, thủ, và nghiệp sẽ tận diệt hoàn toàn không còn dư sót? Theo lời dạy của Đức Phật, các phiền não (hay còn gọi là lậu hoặc, hoặc gọi là kiết sử) sẽ tận diệt không còn dư sót khi quý vị chứng đắc A-la-hán. Bởi sự diệt tận hoàn toàn không còn dư sót của các phiền não mà nghiệp không thể cho quả nào sau đại Niết-bàn. Khi A-la-hán Đạo Tuệ tiêu diệt hoàn toàn năm nhân này không còn dư sót. Do nhờ sự diệt tận năm nhân không còn dư sót này mà sau khi tịch diệt Niết-bàn các ngũ uẩn chấm dứt hoàn toàn không còn dư sót. Quý vị phải cố gắng thấy sự tận diệt này. Bởi vì trong kinh Đại Niệm Xứ, Đức Phật có dạy rằng: “vị ấy an trú quán tánh diệt trên thân”. Quý vị không nên quên rằng “thân” ở đây có nghĩa là thân của sắc và thân của danh.
Giờ đây quý vị chưa đạt đạo quả A-la-hán. Khi nào quý vị sẽ đạt? Liệu nó là ngay trong đời sống này hay vào một đời sống nào đó trong tương lai? Nếu quý vị nỗ lực thực hành và có đủ ba-la-mật, quý vị có thể đạt được Đạo – Quả A-la-hán ngay trong đời này. Cho dù vậy, nó cũng được gọi là tương lai từ cái nhìn sự sinh và diệt trong từng sát-na, bởi vì hiện tại quý vị đang còn phàm nhân. Nếu quý vị đạt được Đạo – Quả A-la-hán trong một đời sống tương lai, thời gian từ đây đến đó cũng được gọi là tương lai của quý vị. Khi đạt đến Quả – Vị A-la-hán, tất cả các nhân sẽ tận diệt không còn dư sót. Quý vị nên cố gắng thấy sự diệt này. Và lại nữa khi quý vị nhập đại Niết-bàn, năm uẩn của quý vị sẽ tận diệt không còn dư sót. Quý vị cũng nên thấy sự tận diệt này. Khi quý vị thấy được hai loại tận diệt này, quý vị nên quán tưởng rằng do sự tận diệt của năm nhân không còn dư sót, năm uẩn cũng tận diệt không còn dư sót. Loại Tuệ quán này được gọi là Trí thấy biết sự diệt của các nhân và các quả.
Vì thế nếu hành giả muốn hiểu rõ mối quan hệ nhân duyên giữa nhân và quả bằng tuệ minh sát của hành giả, hành giả phải phân biệt danh-sắc quá khứ, hiện tại, và vị lai. Quý vị nghĩ rằng trong bài kinh Đại Niệm Xứ, Đức Phật chỉ dạy chúng ta về hiện tại phải không? Nếu hiểu những lời dạy này, chúng ta sẽ không nghĩ như vậy. Danh-sắc quá khứ, hiện tại và vị lai đều cần được phân biệt bằng tuệ minh sát. Chúng là các đối tượng của tuệ minh sát. Nếu không phân biệt danh sắc quá khứ, hiện tại và vị lai, hành giả không thể thấu hiểu được lý duyên khởi bằng tuệ minh sát của mình. Nếu không thấu hiểu lý duyên khởi, hành giả không thể thoát khỏi vòng luân hồi này. Hành giả không thể phân biệt được tánh sanh và diệt của nhân và quả. Hành giả không thể quán sát cả các nhân và các quả như là Vô thường, Khổ và Vô ngã. Nếu không thể quán sát như thế, hành giả không thể thoát khỏi vòng tử sanh luân hồi bởi vì Đức Phật có đề cập như vậy trong bài Kinh Mahānidāna.
Tiếp đến, Đức Phật có dạy:
“Hay vị ấy sống quán cả tánh sanh và tánh diệt trên thân.”
Điều này có nghĩa là quý vị phải quán sự sanh và sự diệt qua hình thức mối quan hệ nhân quả (hay còn gọi là hình thức duyên hệ) và qua hình thức hiện hữu theo từng sát-na. Quý vị nên phân biệt như thế nào? Chẳng hạn như, do sự sinh khởi của năm nhân, mà năm uẩn khởi sinh; do sự diệt tận năm nhân không còn dư sót, mà năm uẩn tận diệt hoàn toàn không còn dư sót. Đây là Trí Quán Tánh Sanh và Diệt Do Duyên. Ngay khi vừa sanh lên, các nhân đã diệt ngay, vì thế mà chúng là Vô thường. Ngay khi vừa sanh lên, các quả đã diệt ngay, vì thế mà chúng cũng là Vô thường. Biết được điều này chính là Trí Quán Tánh Sanh Và Diệt Theo Từng Sát-Na. Vào giai đoạn này, quý vị phải phân biệt cả các hiện tượng sanh và diệt do duyên và sự sanh và diệt theo từng sát-na một cách chi tiết.
Trước khi thấy được sự sanh và diệt rõ ràng từ sát-na này qua sát-na kế, nếu quán sát cả nhân và quả như là Vô thường, Khổ và Vô ngã, tuệ minh sát ấy được gọi Khảo Sát Trí (sammasanañāṇa). Khi quý vị thấy được sự sanh và diệt trong từng sát-na tâm một cách rõ ràng, tuệ minh sát ấy được gọi là Sanh Diệt Trí (Udayabbaya ñāṇa).
Bây giờ tôi muốn đưa phần giải thích của chú giải về sự sanh và diệt này. Vì đây là phần về Niệm Hơi thở nên chú giải còn giải thích sự sanh và diệt do duyên chỉ cho phần Niệm hơi thở.
“Vị ấy sống quán các hiện tượng sanh trên thân”. Giống như không khí đi vào và đi ra dựa bệ và ống thổi lò đốt của người thợ rèn, và với nỗ lực thích hợp, cũng vậy, dựa vào thân được sinh ra đây (hay tác sanh thân), ống mũi và tâm của hành giả, thân hơi thở vào và ra chuyển động tới lui. Tác sanh thân, v.v.. này là nguồn gốc. Khi một hành giả khi quán như thế an trú vào việc quán các hiện tượng sanh trên thân.
Quý vị có thể không hiểu ý nghĩa, tôi đoán vậy. Tôi muốn giải thích thêm chút. Khi quý vị trực nhận tứ đại trong hơi thở của mình, sẽ thấy nhiều tổng hợp sắc. Nếu phân tích tiếp chúng, quý vị sẽ thấy có chín yếu tố sắc chân đế (hay còn gọi là sắc cùng tột). Do đâu chúng sinh khởi? Nếu quý vị bỏ thân mình đi, liệu các hơi thở có tự sinh lên được chăng? Nếu không có thân của quý vị, hơi thở của quý vị không thể tự sinh khởi. Nếu phân tích thân mình, quý vị sẽ thấy có bốn loại sắc: sắc do nghiệp sanh, sắc do tâm sanh, sắc do vật thực sanh và sắc do thời tiết sanh. Bốn loại sắc này được gọi là thân được sanh (hay tác sanh thân). Nếu không có tác sanh thân, thân hơi thở của quý vị không thể khởi sinh. Vì thế nó là một nhân để hơi thở sinh lên. Nếu không có tâm, hơi thở cũng không thể khởi sinh. Vì thế tâm là một nhân nữa. Tác sanh thân giống như bệ của lò đốt, ống mũi giống như ống thổi của lò; và tâm giống như nỗ lực thích hợp. Tác sanh thân, tâm và ống mũi là các nhân cho thân hơi thở vào và ra sinh khởi. Quý vị cũng nên trực nhận tánh sanh. Trong số các nhân này, tâm là quan trọng nhất. Nhưng tâm khởi sinh nương vào tác sanh thân. Nên tất nhiên tác sanh thân là một nhân nữa. Đây là quan hệ nhân quả với hơi thở vào, hơi thở ra.
Tuy nhiên trực nhận quan hệ nhân quả của hơi thở bằng cách này cũng chưa đủ. Quý vị cần phải trực nhận các nhân của năm uẩn, ấy là vô minh, tham ái, thủ, hành và nghiệp lực. Năm nhân này sản sinh ra năm thủ uẩn đời hiện tại. Theo cách tương tự năm nhân quá khứ trong đời quá khứ thứ nhì sản sinh ra năm thủ uẩn đời quá khứ thứ nhất. Năm nhân đời này sẽ sản sinh ra năm thủ uẩn trong đời sau. Quý vị nên trực nhận các nhân và các quả theo cách như thế này, quá khứ, hiện tại và tương lai.
Tiếp, chú giải có giải thích tánh diệt do duyên với hơi thở vào và hơi thở ra. “Hay vị ấy sống quán tánh diệt trong thân”. Dù cách gì đi nữa, không khí cũng không thể thổi vào được khi bệ lò thổi bị lấy đi, ống thổi bị hư bỏ và nỗ lực thích hợp không có mặt. Tương tự, khi tác sanh thân chấm dứt, ống mũi bị hư hoại, và tâm đã dừng hoạt động hẳn, hơi thở kết thúc. Do vầy, nhờ sự chấm dứt của tác sanh thân, ống mũi và tâm, mà có sự chấm dứt của việc thở.
Tiếp đến quý vị nên trực nhận rằng bởi có sự tận diệt không còn dư sót của năm nhân mà năm uẩn thủ cũng diệt tận hoàn toàn không còn dư sót trong tương lai. Nếu một người quán sát như vậy, chúng ta có thể nói rằng vị ấy sống quán tánh diệt hay quán sự diệt do duyên của thân. Quý vị cũng nên quán sát cả hai tánh sanh và tánh diệt trong thân. Rồi
Đức Phật còn tiếp tục dạy giai đoạn thứ ba của thiền Vipassanā.
Chánh niệm về: » Chỉ có thân đây » được thiết lập trong vị ấy đến mức độ chỉ cần thiết dành cho chánh trí và chánh niệm xa hơn.
Niệm được thiết lập với hành giả nhờ sự suy xét thận trọng. Vị ấy nghĩ rằng: Chỉ có thân đây, ấy là, chỉ có danh-sắc, mà không có hữu tình, không có người, không có đàn bà, không có đàn ông, không có tự ngã, không có gì gắn liền với một tự ngã, không có “Tôi”, không có gì là của tôi, không có ai cả, và không có gì là thuộc về bất kỳ ai.”
Nó có nghĩa là gì? Đoạn kinh này liên hệ đến các tuệ minh sát cao hơn, từ Hoại diệt Trí cho đến Xả hành Trí. Nếu một hành giả quán sự sanh và tánh diệt của các hành như tôi đề cập phần trước, khi tuệ minh sát bén nhạy, vị ấy nên chỉ chú ý đến sự diệt. Dần dần hành giả không còn ghi nhận được giai đoạn sanh lên nữa, mà chỉ còn sự diệt đi. Lúc ấy, vị ấy sẽ không còn thấy các tổng hợp, mà chỉ còn là danh-sắc chân đế. Các pháp này luôn diệt đi. Lúc ấy vị ấy sẽ thấy không có hữu tình, không có người, không có đàn bà, không có đàn ông, không có tự ngã, không Tôi, không có gì là của Tôi, không ai và không có gì thuộc về một ai cả, là bởi vị ấy chỉ thấy toàn là sự diệt đi của danh-sắc chân đế. Vị ấy lúc này cũng không còn thấy danh-sắc dưới dạng các kalāpa.
Chánh niệm về: « Chỉ có thân đây » được thiết lập trong vị ấy đến mức độ chỉ cần thiết dành cho chánh trí và chánh niệm xa hơn.
Đoạn “đến mức độ chỉ cần thiết” ám chỉ mục đích. Điều này được nói đến: chánh niệm được thiết lập không phải vì mục đích nào khác. Gì là mục đích mà vì nó, chánh niệm được thiết lập? “Dành cho chánh trí và chánh niệm xa hơn” có nghĩa là nó chỉ để có được phương tiện chánh trí và chánh niệm ngày càng rộng hơn hay sâu hơn. Để gia tăng chánh niệm và trí tuệ thấu suốt là ý nghĩa.
Nếu một hành giả chỉ thấy sự diệt và quán cả danh và sắc cũng như minh sát tuệ này là Vô thường, Khổ và Vô ngã, từ từ minh sát tuệ của vị ấy sẽ trưởng thành. Kết quả là sự quân bình ngũ căn của vị ấy cũng trở nên chín mùi, lúc ấy vị ấy sẽ chứng đắc Đạo Quả Tuệ, vốn lấy Niết-bàn làm đối tượng. Nếu chứng ngộ Niết-bàn theo từng giai đoạn, cuối cùng vị ấy sẽ chứng đắc quả vị A-la-hán. Liên hệ Quả vị A-la-hán, Đức Phật giải thích như sau:
“Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước vật gì ở trên đời.”
“Và vị ấy sống không nương tựa” có nghĩa là vị ấy an trú tự do thoát khỏi sự nương tựa vào tham ái và tà kiến.
“Không chấp trước vật gì ở trên đời”: liên hệ về sắc, thọ, hành, hay thức, vị ấy không nghĩ: đây là tự ngã của tôi, hay đây thuộc về tự ngã của tôi. Tại sao? Vì các đạo tuệ của vị ấy đã tận diệt hoàn toàn cả tham ái và tà kiến.
Đây là vắn tắt lộ trình bắt đầu từ Niệm Hơi thở cho đến thành tựu đạo quả A-la-hán. Nếu thực hành theo cách này một cách hệ thống, và nếu có đủ ba-la-mật, quý vị có thể chứng ngộ Niết-bàn ngay trong kiếp sống này.
Để kết luận phần Niệm hơi thở Ānāpānasati, Đức Phật dạy:
“Này các Tỷ-kheo, như vậy Tỷ-kheo sống quán thân trên thân”.
Trong phần niệm hơi thở, Chánh niệm vốn khảo sát việc thở là Sự thật về Khổ (hay Khổ đế). Các đối tượng của niệm, năm thủ uẩn cũng được gọi là Sự thật về Khổ. Năm nhân: vô minh, tham ái, thủ, hành và nghiệp là Sự thật về Nguyên nhân của Khổ (Khổ tập đế). Sự không xảy ra của cả hai là Sự Thật về Khổ Diệt (Khổ Diệt Đế). Đây muốn nói đến Niết-bàn, tức Thánh Đế về Khổ Diệt. Khi quý vị huân tập và làm cho sung mãn Sanh Diệt Trí, quý vị phân biệt rằng do bởi sự tận diệt năm nhân không còn dư sót mà năm uẩn sẽ diệt tận hoàn toàn không còn dư sót sau khi nhập đại Niết-bàn. Hai loại tận diệt này được gọi là Sự thật về Khổ diệt, nhưng chỉ là Khổ diệt Đế hiệp thế. Nếu quý vị chứng ngộ Niết-bàn bằng Đạo Trí và Quả Trí, quý vị biết rõ về Thánh đế về Khổ diệt. Quý vị nên phân định hai loại Sự thật về Khổ Diệt này.
Thánh Đạo, vốn hiểu rõ Khổ, từ bỏ nhân sanh Khổ và lấy Niết-bàn làm đối tượng, là Sự Thật về Con đường (Đạo Đế). Ở đây, quý vị nên phân định rõ giữa Hiệp thế Đạo Trí và Xuất Thế Đạo Trí. Hiệp thế Đạo Trí vốn thấy rõ năm uẩn là tuệ minh sát về Khổ đế. Hiệp thế Đạo Trí vốn thấy nguyên nhân của Khổ là tuệ minh sát về Khổ tập. Hiệp thế Đạo Trí vốn thấy được rằng do nhờ sự tận diệt không còn dư sót của năm nhân mà năm uẩn sẽ diệt tận hoàn toàn không còn dư sót sau khi đại Niết-bàn là tuệ minh sát về Khổ diệt. Hiệp thế Đạo vốn là các chi phần của các tuệ minh sát vừa mới được đề cập. Chánh Tri Kiến là tuệ minh sát, Chánh tư duy, Chánh Tinh Tấn, Chánh niệm, và Chánh Định là đồng hành cùng Chánh Tri Kiến.Trước khi hành thiền, quý vị cũng đã thọ trì Giới luật bao gồm Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng. Vì thế có cả thẩy tám chi phần của Hiệp thế Đạo.
Có lúc, hành giả cần phải quán tuệ minh sát này là Vô thường, Khổ và Vô ngã. Lúc ấy, vị ấy cũng hiểu rõ hiệp thế đạo. Vậy nên Chánh Tri Kiến Hiệp thế biết rõ Bốn Thánh Đạo Hiệp Thế.
Thánh Đạo Siêu thế lấy Niết-bàn làm đối tượng khởi sinh cùng Đạo Trí và Quả Trí. Lúc ấy, Chánh Tri Kiến siêu thế biết rõ Niết-bàn, Chánh Tư Duy hướng tâm đến Niết-bàn, Chánh Niệm an trú trên Niết-bàn, Chánh Tinh tấn là nỗ lực chứng ngộ Niết-bàn, Chánh Định là sự tập trung vào Niết-bàn và Chánh ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng đều cùng có mặt. Khi một hành giả chứng ngộ Niết-bàn, tại sao Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng đều có mặt? Thánh Đạo Tuệ triệt tiêu các phiền não vốn có thể sinh ra tà ngữ, tà nghiệp và tà mạng, vì thế mà Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng là tự động có mặt.
Do vậy mà sau khi nỗ lực theo con đường Bốn Thánh Đế, một hành giả đoạn tận khổ đau và đạt đến bờ kia (tức Niết-bàn). Đây là lối vào Con đường giải thoát cho hành giả cống hiến mình cho việc thực hành Niệm hơi thở Ānāpānasati.
Trong Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkapavattana Sutta), Đức Phật giải thích kinh nghiệm riêng của Ngài về Bốn Thánh Đế. Ngài đã giải thích như thế nào? Hãy đọc bài Kinh:
“Ðây là Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh (ñāṇam udapādi), tuệ sanh (paññā udapādi), minh sanh (vijjā udapādi), quang sanh (āloko udapādi).”
“Āloko udapādi” nghĩa là “ở đó phát sanh trong ta ánh sáng”. Đó là ánh sáng trí tuệ. Ánh sáng trí tuệ phát sanh như thế nào? Nó phát sanh một cách đặc biệt, Đức Phật nhấn mạnh, vào thời điểm Ngài chứng ngộ Niết-bàn. Khi Ngài chứng ngộ Niết-bàn với tuệ Đạo (Magga-citta) và tuệ Quả (Phala-citta), có hai loại trí tuệ có sanh ra các nhóm sắc. Trong số nhiều loại sắc có trong mỗi nhóm sắc này, có màu (vaṇṇa). Màu đó thì sáng chói. Một tâm có thể sanh ra nhiều nhóm sắc (cittaja-rūpa-kalāpa, nhóm sắc do tâm sanh). Trong mỗi nhóm sắc này có màu. Mỗi màu thì sáng chói. Hơn nữa, trong mỗi nhóm sắc, có yếu tố lửa (tejo). Yếu tố lửa cũng có thể sản sanh các thế hệ các nhóm sắc mới. Trong mỗi nhóm sắc mới cũng có màu. Màu đó thì chói sáng. Các thế hệ mới đó được sanh do yếu tố lửa được gọi là utuja-rūpa-kalāpa (nhóm sắc do thời tiết sanh). Ánh sáng của màu trong nhóm sắc do thời tiết sanh (utuja-rūpa-kalāpa) tỏa ra không chỉ bên trong mà còn ra thế giới bên ngoài. Do vậy, ánh sáng xuất hiện cả bên trong và bên ngoài. Điều này được gọi là ánh sáng trí tuệ. Khi Đức Phật chứng ngộ Niết-bàn, có sự phát sanh ánh sáng trí tuệ trong Ngài.
Theo cùng một cách, khi quý vị chứng ngộ Niết-bàn, ánh sáng trí tuệ phải hiện diện. Nếu quý vị nghĩ rằng quý vị đã thấy Niết-bàn và quý vị không thể thấy ánh sáng trí tuệ thời cái đó không phải là Niết-bàn thực sự. Tôi không nói rằng Niết-bàn có ánh sáng mà chính tuệ Đạo và tuệ Quả là cái chứng ngộ Niết-bàn có thể phát sanh ra ánh sáng. Ánh sáng này được gọi là ánh sáng của trí tuệ, không phải ánh sáng của Niết-bàn.
Lại nữa, quý vị cũng nên nhớ rằng Đức Phật rõ biết Khổ Thánh Đế bằng thắng trí của Ngài, tuệ Đạo và tuệ Quả. Khổ Thánh Đế (dukkha sacca)là gì? Đức Phật giải thích như sau: “Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ.” Đức Phật cũng thấu suốt năm uẩn khi Ngài suy tư về tuệ minh sát (vipassanā). Theo cùng một cách, nếu quý vị đang cố gắng chứng đạt minh sát tuệ, quý vị cũng nên thấu suốt năm thủ uẩn. Nếu quý vị không rõ biết về năm thủ uẩn thì quý vị không thể chứng đạt tuệ minh sát (vipassanā) Nếu quý vị học tập minh sát mà không rõ biết về năm thủ uẩn, tuệ minh sát (vipassanā) chỉ là hời hợt bên ngoài, không phải tuệ minh sát thực sự.
Đức Phật rõ biết rằng năm thủ uẩn này là Khổ Đế (dukkha-sacca). Theo cùng một cách, nếu quý vị chứng ngộ Niết-bàn hay là trở thành một vị Thánh Nhập Lưu (Sotāpanna)… quý vị cũng phải chứng ngộ được rằng năm thủ uẩn này là Khổ Đế (dukkha-sacca), nếu quý vị không rõ biết được rằng năm thủ uẩn này là Khổ Đế (dukkha-sacca), quý vị không trở thành một bậc Thánh Nhập Lưu hay bất kỳ bậc Thánh nào.
Tôi muốn giải thích thêm. Lấy sắc thủ uẩn làm một ví dụ. Theo lời dạy của Đức Phật, sắc sanh làm các nhóm sắc. Chỉ khi quý vị có thể phân tích các nhóm sắc này một cách có hệ thống, quý vị có thể thấy sắc chân đế. Khi quý vị thực hành Vipassanā và nếu quý vị không thể thấy các nhóm sắc hay không thể phân tích chúng, quý vị không thể thấy sắc chân đế (paramattha-rūpa). Nếu quý vị thực hành vipassanā mà không rõ biết paramattha-rūpa, minh sát (vipassanā) của quý vị là hời hợt và không phải là minh sát (vipassanā) thực sự.
Đức Phật tiếp tục bài thuyết giảng:
“Ðây là Thánh đế về Khổ cần phải liễu tri, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp, từ trước Ta chưa từng nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.”
“Ðây là Thánh đế về Khổ đã được liễu tri, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.”
Như vậy về Khổ Đế (dukkha-sacca), Đức Phật dạy ba loại tuệ:
1. Quý vị phải cố gắng để rõ biết đây là Khổ Đế (dukkha-sacca). Điều này được gọi là sacca-ñāṇa, nghĩa là trí tuệ về Đế (sự thật).
2. Quý vị phải cố gắng để rõ biết rằng Khổ Đế (dukkha-sacca) phải được tuệ tri. Điều này được gọi là kicca-ñāṇa, nghĩa là trách nhiệm phải biết Pháp Khổ Đế.
3. Quý vị phải cố gắng để rõ biết rằng Khổ Đế (dukkha-sacca) đã được tuệ tri. Điều này được gọi là kata-ñāṇa. Đức Phật đã tuệ tri rằng năm thủ uẩn là Khổ Đế (dukkha-sacca).
Theo cùng một cách, Đức Phật dạy về Khổ Tập Thánh Đế, nguồn gốc của khổ theo ba cách:
Ðây là Thánh đế về Khổ Tập, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.
Mặc dù Bồ-tát (Bodhisatta) của chúng ta đã thực hành nhiều ba-la-mật bằng việc hy sinh mạng sống nhiều trong hơn bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp với lòng bi mẫn vĩ đại, Ngài vẫn có một chút dính mắc vào đời sống của Đức Phật. Đó là bởi vì Ngài biết rằng khi Ngài trở thành một vị Phật, Ngài có thể giúp đỡ các chúng sanh giải thoát khỏi vòng luân hồi.
Theo chú giải Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), Pháp Tụ (Aṭṭhasālinī), các thiện pháp đầy sức mạnh và uy lực trước thiền tâm từ (mettā-jhāna) là quả uẩn của nghiệp lực của Bồ-tát (Bodhisatta) chúng ta. Tưởng tri Đức Phật là Đức Phật (mà không phải là danh và sắc) là vô minh. Duyên vô minh, Ngài mong ước trở thành một vị Phật; đó là tham ái. Ngài dính mắc vào cuộc sống của một vị Phật; đó là chấp thủ. Thiện pháp đầy sức mạnh và uy lực trước khi nhập thiền tâm từ (mettā-jhāna) là hành (saṅkhārā), ý hành. Lực của ý hành được gọi là nghiệp (kamma). Tất cả có năm nhân trong quá khứ: vô minh (avijjā), tham ái (taṇhā), chấp thủ (upādāna), ý hành (saṅkhārā) và nghiệp (kamma). Đức Phật rõ biết rằng năm nhân quá khứ này là tập khởi của khổ, Khổ Tập Đế (samudaya-sacca). Đây là trí tuệ về Đế (sự thật).
Nếu quý vị thực hành minh sát (vipassanā), quý vị cũng phải cố gắng để rõ biết đây là Khổ Tập Đế (samudaya-sacca) là nguồn gốc của Khổ Đế (dukkha-sacca). Đặc biệt là trong trường hợp này, quý vị phải cố gắng để tuệ tri lý duyên khởi, quan hệ nhân quả, bằng tuệ minh sát của mình. Không rõ biết về lý duyên khởi, quý vị không thể chứng ngộ Niết-bàn, vì đó là Thánh Đế thứ hai.
Lại nữa, Đức Phật tiếp tục giảng:
“Ðây là Thánh đế về Khổ tập cần phải đoạn tận, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.
Nguồn gốc của khổ là vô minh (Avijjā), tham ái (taṇhā) và chấp thủ (upādāna). Quý vị phải tận diệt chúng bằng trí tuệ minh sát và tuệ Đạo của mình. Nếu quý vị có thể diệt tận hoàn toàn hay đoạn tận các phiền não không còn dư sót này, thời nghiệp lực không thể sanh ra bất kỳ quả nào. Nghiệp lực ấy chỉ có thể sanh ra quả khi có duyên với vô minh (Avijjā), tham ái (taṇhā), và chấp thủ (upādāna). Không có vô minh (Avijjā), tham ái (taṇhā) và chấp thủ (upādāna), nghiệp lực không thể phát sanh ra quả. Do vậy, nguồn gốc của khổ bị đoạn tận, nghĩa là quý vị phải tận diệt các phiền não này không còn dư sót bằng tuệ minh sát và tuệ Đạo. Đó là kicca-ñāṇa, nghĩa là trí tuệ về cái phải làm. Thế nào là cái cần phải làm? Quý vị phải đoạn tận hay theo giải thích của chú giải, quý vị phải “giết” các phiền não. Sự diệt tận không còn dư sót các phiền não là cần thiết trong trường hợp này.
Đức Phật tiếp tục giảng:
“Ðây là Thánh đế về Khổ tập đã được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.
Đây là kata-ñāṇa, Kata-ñāṇa nghĩa là « Tuệ về cái đã làm xong”. Thế nào là cái đã làm xong? Đức Phật đã đoạn tận hay đã giết các phiền não. Như vậy trong Khổ Tập Đế (samudaya-sacca) cũng có ba loại trí tuệ: sacca-ñāṇa, kicca-ñāṇa and kata-ñāṇa. Nếu quý vị đang thực hành vipassanā, quý vị phải tuệ tri rằng đây là Khổ Tập Đế (samudaya-sacca); đó là sacca-ñāṇa. Quý vị phải cố gắng để rõ biết rằng samudaya-sacca phải được đoạn tận hay bị giết; đây là kicca-ñāṇa. Lúc đó, nếu quý vị chứng ngộ Niết-bàn, tuệ Đạo sẽ từng bường tận diệt hoàn toàn các phiền não này không còn dư sót, đặc biệt là tham ái (taṇhā) – Khổ Tập Đế (samudaya-sacca). Vào lúc đó, quý vị sẽ tuệ tri rằng quý vị đã đoạn tận hay giết các pháp khổ tập đế (các pháp là nguồn gốc của khổ). Đó là kata-ñāṇa.
Theo cách tương tự, Đức Phật dạy về Diệt Đế theo ba cách. Xin lắng nghe:
“Ðây là Thánh đế về Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.
Đây là sacca-ñāṇa, nghĩa là Đức Phật rõ biết rằng đây là Diệt Đế (nirodha-sacca), sự diệt tận khổ đau. Như thế nào là diệt tận khổ đau? Trong khi thực hành vipassanā, tuệ minh sát chứng ngộ tất cả các pháp khổ đế (dukkha-sacca-dhammas), tức là năm thủ uẩn và tất cả các pháp khổ tập đế (samudaya-sacca-dhammas), tức là mười hai yếu tố của duyên khởi, là vô thường (anicca), khổ (dukkha), và vô ngã (anatta). Vị ấy thực hành vipassanā theo cách này. Vào cuối giai đoạn vipassanā, vị ấy chứng ngộ Niết-bàn. Khi vị ấy chứng ngộ Niết-bàn, vị ấy thấy sự diệt tận không còn dư sót năm thủ uẩn và mười hai yếu tố duyên khởi.
Đức Phật tiếp tục:
“Ðây là Thánh đế về Khổ diệt cần phải chứng ngộ, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.
Đây là kicca-ñāṇa, nghĩa là « tuệ về cái cần phải làm”. Trong trường hợp này, khi quý vị đang hành thiền minh sát (vipassanā), quý vị phải cố gắng chứng ngộ Niết-bàn.
Lại nữa, Đức Phật tiếp tục dạy về kata-ñāṇa:
“Ðây là Thánh đế về Khổ diệt đã được chứng ngộ, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.
Đây là kata-ñāṇa, nghĩa là « tuệ về cái đã làm xong”. Thế nào là cái đã làm xong? Vị ấy đã chứng ngộ Niết-bàn. Vị ấy rõ biết rằng vị ấy đã chứng ngộ Niết-bàn. Khi quý vị thực hành Vipassanā và chứng ngộ Niết-bàn, quý vị cũng sẽ rõ biết rằng quý vị đã chứng ngộ Niết-bàn.
Sau đó, Đức Phật tiếp tục giải thích về Đạo Đế theo ba cách:
“Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến khổ diệt, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.
Như vậy khi Đức Phật giác ngộ, Ngài rõ biết rằng Bát Thánh Đạo là pháp hành hay lộ hành dẫn đến sự khổ diệt. Theo cùng một cách, nếu quý vị đang cố gắng thực hành Vipassanā, quý vị cũng nên cố gắng rõ biết rằng Bát Thánh Đạo là con đường hay pháp hành dẫn đến sự khổ diệt. Đây là sacca-ñāṇa.
Đức Phật tiếp tục dạy về kicca-ñāṇa:
“Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt cần phải tu tập, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.
Theo cách tương tự, nếu quý vị đang thực hành Vipassanā, quý vị phải cố gắng rõ biết Bát Thánh Đạo. Đây là con đường dẫn đền sự diệt khổ. Có tổng cộng 8 chi ngành: Chánh Tri Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Tôi sẽ giải thích thêm một chút. Khi quý vị thực hành thiền Vipassanā, trước tiên, quý vị phải tuệ tri năm uẩn. Thứ nhì, quý vị phải cố gắng để rõ biết nguồn gốc của khổ, đặc biệt là các yếu tố của lý duyên khởi. Các Pháp Khổ Đế và các Pháp Khổ Tập Đế được gọi là Pháp Hành (saṅkhāra-dhamma), hành. Chúng có bản chất là vô thường, như vậy chúng là vô thường (anicca). Chúng luôn luôn bị đàn áp bởi sự sanh và diệt như vậy chúng là khổ (dukkha). Chúng không có tự ngã vững bền, do vậy chúng là vô ngã (anattā). Trong khi quý vị đang thực hành theo cách này, sự thực hành của quý vị được gọi là Vipassanā. Vào lúc đó, việc thấu suốt bản chất vô thường, khổ và hay ngã của của các pháp hữu vi (saṅkhāra-dhamma) này là Chánh Tri Kiến (Sammādiṭṭhi). Dán áp tâm trên các bản chất này của pháp hữu vi (saṅkhāra-dhamma) là Chánh Tư Duy (Sammāsaṅkappa). Nỗ lực thấu suốt bản chất của các pháp hữu vi (saṅkhāra-dhamma) là Chánh Tinh Tấn (sammāvāyāma). Niệm trên bản chất của các pháp hữu vi (saṅkhāra-dhamma) là Chánh Niệm. Định trên bản chất của các pháp hữu vi (saṅkhāra-dhamma) là Chánh Định (Sammāsamādhi). Như vậy tổng cộng có năm chi ngành.
Khi quý vị tiến đến tuệ hoại diệt (bhaṅga-ñāṇa), quý vị phải phân biệt cả ñāta và ñāṇa là vô thường (anicca), khổ (dukkha) hay vô ngã (anatta). Ñāta (tức là “cái phải biết”) nghĩa ở đây là năm uẩn, hay pháp hữu vi (saṅkhāra-dhamma). Ñāṇa là tuệ minh sát. Vào lúc đó tuệ minh sát phát sanh như một tiến trình tâm. Trong tiến trình tâm này, có một ý môn hướng tâm và bảy tốc hành tâm (javana). Trong sát-na ý môn hướng tâm, có mười hai tâm hành. Trong mỗi tốc hành tâm thông thường có ba mươi bốn tâm hành. Trong số các tâm hành này, năm chi của Bát Thánh Đạo là nổi trội hơn hẳn. Quý vị phải thấy rằng tuệ minh sát này cũng là vô thường (anicca), khổ (khổ (dukkha)), hay vô ngã (anatta). Vào lúc đó, quý vị có thể dễ dàng tuệ tri năm chi nổi trội này. Chúng là con đường dẫn đến sự diệt tận khổ đau, vì vào lúc đó quý vị đã hiểu rằng do sự diệt tận không còn dư sót các nhân, năm uẩn cũng sẽ diệt tận hoàn toàn không còn dư sót bằng tuệ minh sát của mình (udayabbayañāṇa).
Trong Bát Thánh Đạo có tám chi. Bây giờ, tôi đã giải thích chỉ mới năm chi. Quý vị không nên hiểu nhầm. Khi quý vị thực hành Vipassanā, quý vị đã tuân thủ giới bổn pāṭimokkha, mười, chính, tám hay năm giới. Như vậy Chánh Ngữ (Sammāvācā), Chánh Nghiệp (Sammākammanta), Chánh Mạng (Sammāājīva) đã hiện diện. Chúng cũng phát sanh là một lộ trình tâm cùng với các tâm hành đồng sanh. Quý vị cũng phải quán chúng là vô thường (anicca), khổ (dukkha), hay vô ngã (anatta). Như vậy tổng cộng có tám chi trong Bát Thánh Đạo.
Vào giai đoạn cuối của thiền Vipassanā, nếu quý vị chứng ngộ Niết-bàn, lúc đó có tám chi của Bát Thánh Đạo hiện diện. Quý vị cũng phải cố gắng chứng ngộ tám chi này? Làm cách nào? Quý vị nên cố gắng chứng ngộ Niết-bàn với tuệ minh sát Quả thiền nhập (phalasamāpatti). Nếu quý vị cố gắng lặp đi lặp lại, và nếu quý vị đếm các tâm hành chứng ngộ Niết-bàn, quý vị sẽ dễ dàng tuệ tri rằng có ba mươi bảy tâm hành hay ba mươi sáu tâm hành,… Trong khi quý vị quán pháp dục giới (kāmavacara-dhamma) hay pháp sơ thiền là vô thường (anicca), khổ (dukkha), hay vô ngã (anattā), vào lúc đó, nếu quý vị chứng ngộ Niết-bàn, trong tuệ Đạo và tuệ Quả của quý vị có ba mươi bảy tâm hành. Trong số các tâm hành này có Bát Thánh Đạo hiện diện. Nhưng trong khi, quý vị đang quán pháp nhị thiền… là vô thường (anicca)…, vào lúc đó nếu quý vị chứng ngộ Niết-bàn, trong tuệ Đạo và tuệ Quả có ba mươi sáu tâm hành… Trong số ba mươi sáu tâm hành… Bảy Thánh Đạo hiện diện vì không có Chánh Tư Duy (Sammā Saṅkappa).
Sau đó Đức Phật tiếp tục dạy về kata-ñāṇa:
“Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt đã được tu tập, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.
Như vậy, quý vị cũng phải cố gắng để thấy rằng quý vị đã tu dưỡng Bát Thánh Đạo này. Nếu quý vị không thể phân biệt Bát Thánh Đạo này, quý vị không thể nào chứng ngộ Niết-bàn. Có hai loại Bát Thánh Đạo: hiệp thế và siêu thế. Quý vị phải tu tập cả hai loại Bát Thánh Đạo này nếu quý vị muốn là Nhập Lưu (Sotāpanna), Nhất Lai (Sakadāgāmī), Bất Lai (Anāgāmī) hay A-la-hán (Arahat).
Như vậy, có tất cả mười hai loại tuệ: ba loại về Khổ Đế (dukkha-sacca) - sacca-ñāṇa, kicca-ñāṇa and kata-ñāṇa; theo cùng một cách, ba loại tuệ trong mỗi Khổ Tập Đế (samudaya-sacca), Diệt Đế (nirodha-sacca) và Đạo Đế (magga-sacca).
Bài Kinh tiếp tục:
“ Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, trong bốn Thánh đế này, với ba Luân (ba vòng xoay tròn) và mười hai Thể (tính chất) như vậy, tri kiến như thật không khéo thanh tịnh ở nơi Ta; thời này các Tỷ-kheo, cho đến khi ấy, trong thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta không chứng tri đã chánh giác vô thượng Chánh Ðẳng Giác.
Và cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, trong bốn Thánh đến này, với ba Luân (ba vòng xoay tròn) và mười hai Thể (tính chất) như vậy, tri kiến như thật đã được khéo thanh tịnh ở nơi Ta; cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, trong thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta mới chứng tri đã chánh giác vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Tri kiến khởi lên nơi Ta: « Bất động là tâm giải thoát của Ta. Ðây là đời sống cuối cùng, nay không còn tái sanh nữa » .
Tuệ này xuất hiện sau khi Ngài chứng đắc A-la-hán (Arahant). A-la-hán Đạo của Ngài xuất hiện cùng với Nhất Thiết Chủng Trí (sabbaññutā-ñāṇa). Như vậy, khi quý vị thực hành Vipassanā đến giai đoạn rõ biết Bốn Thánh Đế, quý vị cũng phải cố gắng để rõ biết Bốn Thánh Đế với ba Luân – mười hai Thể (tính chất) – theo cùng một cách. Trong số ba loại trí tuệ này, sacca-ñāṇa là quan trọng nhất, Kicca-ñāṇa và kata-ñāṇa chỉ xuất hiện sau thời điểm giác ngộ.
Bài Kinh tiếp tục:
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Chúng năm Tỷ-kheo hoan hỷ, tín thọ lời Phật dạy.
Như vậy, Kinh Chuyển Pháp Luân được kết thúc ở đây. Nhưng nó chưa thực sự kết thúc vì vẫn có một vài kết quả. Bài Kinh tiếp tục:
Trong khi lời dạy này được tuyên bố, Tôn giả Kondanna khởi lên pháp nhãn thanh tịnh, không cấu uế như sau: « Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt. » .
Điều này liên hệ đặc biệt đến tuệ minh sát sanh diệt, cả sự sanh diệt do nhân và sanh diệt theo từng sát-na. Vào cuối bài Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkapavattana Sutta), Tôn Giả Kondañña trở thành vị Thánh Nhập Lưu (sotāpanna). Khi Ngài chứng đắc giai đoạn Nhập Lưu (sotāpanna), tuệ minh sát này của ngài đã vững chắc. Tuệ minh sát nào? Đó là tuệ thông hiểu “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.” Mỗi vị Thánh Nhập Lưu (sotāpanna) phải thông hiểu năm uẩn, tức là Khổ Đế (dukkha-sacca) và Duyên Khởi, tức là Khổ Tập Đế (samudaya-sacca). Các Pháp Khổ Đế và các Pháp Khổ Tập Thánh Đế được gọi là các pháp hữu vi (saṅkhārā-dhamma) hay các pháp tập khởi (samudaya-dhamma) (các pháp sanh do nhân duyên). Các pháp hữu vi này luôn luôn sanh và diệt. Tuệ minh sát này phải vững chắc. Vì sao? Bởi vì khi nhập lưu đạo (sotāpatti-magga) chứng ngộ Niết-bàn, với sự hỗ trợ của Niết-bàn, làm tịch tịnh tâm của ngài, nó hủy diệt sự vô minh che phủ Bốn Thánh Đế. Như vậy, vô minh biến mất do Nhập Lưu Đạo tuệ. Bởi vì lý do này, các vị Thánh Nhập Lưu rõ biết “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.” Tuy nhiên, tôi không có ý nói là Nhập Lưu Đạo tuệ hủy diệt hoàn toàn vô minh, vì vô minh chỉ được diệt tận hoàn toàn vào giai đoạn A-la-hán Đạo tuệ.
Nhưng có thể có vài người sẽ hỏi: Tại sao Tôn Giả Kondañña trở thành một vị Nhập Lưu quá nhanh chóng? Chúng ta nên lưu tâm đến ba-la-mật (pāramī) của Ngài, ba-la-mật đã được thực hành trong các kiếp quá khứ. Ngài đã thực hành ba-la-mật (pāramī) trong một trăm ngàn đại kiếp trái đất, từ thời Đức Phật Padumuttara. Vì những người này đã thực hành đầy đủ ba-la-mật, khi họ chứng đắc A-la-hán, A-la-hán Đạo Tuệ (arahatta-magga-ñāṇa) thường xuất hiện cùng với Bốn Tuệ Phân Tích, paṭisambhidā-ñāṇa. Họ sở hữu Bốn Tuệ Phân Tích (paṭisambhidā-ñāṇa). Với những ai sở hữu Bốn Tuệ Phân Tích (paṭisambhidā-ñāṇa), năm yếu tố mà chúng ta đã đề cập ở trước đã được họ thực hành. Như vậy trong thời kỳ Giáo Pháp của các Đức Phật quá khứ, họ đã tu học Vipassanā đến tuệ hành xả (sankharupekha-ñāṇa) trong nhiều kiếp sống. Do các ba-la-mật (paramī) này, trong khi họ lắng nghe Pháp liên hệ đến Bốn Thánh Đế, đặc biệt là về các Pháp Khổ Đế (dukkha-sacca-dhamma) và các Pháp Khổ Tập Đế (dukkha-sacca-dhamma), họ có thể nhanh chóng thông hiểu rằng các Pháp Khổ Đế (dukkha-sacca-dhamma) và các Pháp Khổ Tập Đế (dukkha-sacca-dhamma) là vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta).
Trong Tăng Chi Bộ Kinh (Aṅguttara Nikāya), có một bài Kinh là Kinh Người Nghe Kinh. Trong Kinh này, Đức Phật đề cập đến bốn quả mà một người Tỷ-kheo học tập Pháp Học (pariyatti) cũng như Pháp hành (patipatti): Vị ấy học thuộc lòng Giáo Pháp của Đức Phật và thực hành thiền trên thực tế đến giai đoạn tuệ hành xả (sankharupekha-ñāṇa). Vị ấy chết trước khi chứng đắc bậc Thánh hay trước khi chứng ngộ Niết-bàn. Vào lúc chết hay cận tử, tốc hành tâm cuối cùng được gọi là tốc hành tâm cận tử (maraṇāsanna-javana). Tốc hành tâm cận tử (maraṇāsanna-javana) lấy bản chất vô thường, khổ hay vô ngã của các pháp hữu vi làm đối tượng của nó. Sau đó, vị ấy chết, vị ấy sẽ được tái sanh nơi thiên giới. Ở đó, kiết sanh thức (tâm tục sanh, paṭisandhi-citta), tâm hữu phần (tức tâm hộ kiếp, bhavaṅga-citta) và tử tâm (cuti-citta) cũng cùng lấy một đối tượng. Ví dụ, nếu tốc hành tâm cận tử (maraṇāsanna-javana) lấy bản chất vô thường của các pháp hữu vi làm đối tượng, lúc đó ba tâm này cũng lấy bản chất vô thường của các pháp hữu vi làm đối tượng. Nếu tốc hành tâm cận tử (maraṇāsanna-javana) lấy bản chất khổ của các pháp hữu vi làm đối tượng, lúc đó ba tâm này của vị thiên nhân cũng lấy bản chất khổ của các pháp hữu vi làm đối tượng. Áp dụng tương tự cho bản chất vô ngã. Trong số ba tâm này, tâm hữu phần (bhavaṅga-citta) là quan trọng nhất. Sau đó, vị ấy được tái sanh làm một thiên nhân, tâm hữu phần (bhavaṅga-citta) lấy bản chất vô thường, khổ hay vô ngã của các pháp hữu vi (saṅkhāra-dhamma) làm đối tượng. Bản chất của các pháp hữu vi luôn luôn hiện diện trong tâm vị ấy. Vị ấy có thể dễ dàng thấy nó. Bởi vì lý do này, trong khi quán xét bản chất của các pháp hữu vị (saṅkhāra-dhamma), vị ấy có thể nhanh chóng chứng ngộ Niết-bàn. Đây là quả thứ nhất.
Quả thứ hai và thứ ba thì như sau: chính vị ấy không thực hành thiền Định (samatha) và Tuệ (Vipassanā) ở cõi trời. Tuy nhiên, trong khi vị ấy lắng nghe Pháp được một vị Tỳ-kheo là người có năng lực thần thông hay một vị thiên nhân giảng, vị ấy có thể nhanh chóng nhớ lại các pháp hữu vi này. Khi vị ấy chú tâm vào các pháp hữu vi này là vô thường, khổ hay vô ngã, vị ấy có thể nhanh chóng chứng ngộ Niết-bàn. Đây là loại quả thứ hai và thứ ba.
Quả thứ tư là: Vị ấy không có cơ hội lắng nghe Pháp (Dhamma). Nhưng vị ấy có một vài người bạn trong tiền kiếp là người đã chết trước vị ấy và đến thiên giới. Khi vị ấy đến thiên giới, những người bạn này làm vị ấy rõ biết về Bốn Thánh Đế. Vào lúc vị ấy chú tâm vào các pháp hữu vi này là vô thường (anicca), hay khổ (dukkha), hay vô ngã (anatta). Lúc đó vị ấy có thể nhanh chóng chứng ngộ Niết-bàn. Đây là quả thứ tư.
Trường hợp của Tôn Giả Kondañña là loại quả thứ hai. Khi vị ấy lắng nghe Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkapavattana Sutta) có liên hệ đến Bốn Thánh Đế, vị ấy có thể nhanh chóng chứng ngộ Bốn Thánh Đế. Vì vị ấy đã tu học thiền Định (samatha) và thiền Tuệ (Vipassanā) đến giai đoạn tuệ hành xả (saṅkhārūpekkhā-ñāṇa) trong thời kỳ Giáo Pháp của các Đức Phật quá khứ, đặc biệt là vào thời kỳ của Đức Phật Padumuttara.
Bài Kinh tiếp tục:
Và khi Pháp luân này được Thế Tôn chuyển vận như vậy, chư Thiên cõi đất này lớn tiếng nói lên: « Nay vô thượng Pháp luân này được Thế Tôn ở Ba-la-nại, chỗ chư Tiên đọa xứ, tại Vườn Nai, chuyển vận một Pháp luân chưa từng được ai chuyển vận, Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, hay bất cứ một ai ở đời » .
Sau khi được nghe tiếng chư Thiên ở cõi đất, Tứ đại Thiên vương thiên lên tiếng nói lên: « Nay vô thượng Pháp luân này được Thế Tôn ở Ba-la-nại, chỗ chư Tiên đọa xứ, tại Vườn Nai, chuyển vận một Pháp luân chưa từng được ai chuyển vận, Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên hay bất cứ một ai ở đời » .
Sau khi được nghe tiếng của chư Thiên ở Tứ đại Thiên vương thiên, thời chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba… chư Thiên Yàmà… chư Thiên Tusità… chư Hóa lạc thiên… chư Tha hóa tự tại thiên… chư Thiên ở Phạm thiên giới lớn tiếng nói lên: « Nay vô thượng Pháp luân này được Thế Tôn ở Ba-la-nại, chỗ chư Tiên đọa xứ, tại Vườn Nai, chuyển vận một Pháp luân chưa từng được ai chuyển vận, Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên hay bất cứ một ai ở đời » .
Như vậy, trong sát-na ấy, trong khoảnh khắc ấy, trong giây phút ấy, tiếng ấy lên đến Phạm thiên giới. Và mười ngàn thế giới chuyển động, rung động, chuyển động mạnh. Và một hào quang vô lượng, quảng đại phát chiếu ra ở đời, vượt quá uy lực chư Thiên.
Rồi Thế Tôn thốt lên lời cảm hứng sau đây: « Chắc chắn đã giác hiểu là Kondanna (Kiều-trần-như)! Chắc chắn đã giác hiểu là Kondanna! » Như vậy Tôn giả Koṇḍañña được tên là Aññāsi Koṇḍañña (A-nhã Kiều-trần-như).
Các vị Tỷ-kheo khác, tức là, Vappa, Bhaddiya, Mahānāma và Assaji là loại người thứ tư. Điều đó có nghĩa là Đức Phật phải dạy họ nhiều lần làm thể nào để hiểu năm uẩn và lý duyên khởi. Và sau khi Ngài dạy họ cách chứng ngộ bản chất vô thường, bản chất phi khả ái hay bản chất vô ngã của các pháp hữu vi (saṅkhāra-dhamma). Đức Phật dạy họ hằng ngày. Bởi vì lý do này, họ tuần tự chứng đắc giai đoạn sotapānna từng ngày một.
Do vậy, sau đó, Tôn Giả Kondañña đã thỉnh cầu Đức Phật về sự xuất gia. Đức Thế Tôn đã chấp nhận bằng những lời sau:
“Này tỳ khưu, hãy đến. Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau.”
Chính điều ấy đã là sự tu lên bậc trên của các Tôn giả Kondañña. Sau đó là Tôn giả Vappa, Bhaddiya, Mahānāma và Assaji đã đạt được minh sát và trở thành bậc Thánh Nhập Lưu (sotapānna) mỗi ngày sau đó. Họ cũng được tu lên bậc trên trong cùng ngày.
Quý vị có muốn đoạn tận khổ đau hay không? Nếu muốn, xin hãy lắng nghe Kinh Kūṭaghāra (Kūṭaghāra Sutta) của Tương Ưng Sự Thật (Saṁyutta Nikāya):
“Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: « Không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ, không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ tập, không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ diệt, không có như thật giác ngộ Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ chơn chánh đoạn tận khổ đau » ; sự kiện này không xảy ra.
Ví như, này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: « Không xây dựng tầng dưới của ngôi nhà có nóc nhọn, tôi sẽ xây dựng tầng trên của ngôi nhà » , sự kiện này không xảy ra. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: « Không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ, không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ Tập, không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ Diệt, không có như thật giác ngộ Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ chơn chánh đoạn tận khổ đau » ; sự kiện này không xảy ra.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: « Sau khi như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ, sau khi như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ tập, sau khi như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ Diệt, sau khi như thật giác ngộ Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ đoạn tận khổ đau » ; sự kiện này có xảy ra.
Ví như, này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: « Sau khi xây dựng tầng dưới của căn nhà có nóc nhọn, tôi sẽ xây dựng tầng trên của ngôi nhà » ; sự kiện này có xảy ra. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: « Sau khi như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ, sau khi như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ tập, sau khi như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ Diệt, sau khi như thật giác ngộ Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ đoạn tận khổ đau » ; sự kiện này có xảy ra.
“Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: « Ðây là Khổ » , một cố gắng cần phải làm để rõ biết: « Ðây là Khổ tập » , một cố gắng cần phải làm để rõ biết: « Ðây là Khổ diệt » , một cố gắng cần phải làm để rõ biết: « Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt » ”.
Để thoát khỏi vòng luân hồi thì thật quan trọng là phải rõ biết Bốn Thánh Đế. Sự việc này được chỉ rõ trong Kinh Koṭigāma (Koṭigāma Sutta) của Tương Ưng Sự Thật (Saṁyutta Nikāya):
“Một thời Thế Tôn trú giữa các dân chúng Vajjī, tại Koṭigāma.Tại đấy, Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo, do không hiểu rõ và thể nhập bốn Thánh đế mà Ta và các Ông đã phải dong ruổi, lưu chuyển trong vòng luân hồi dài đằng đẵng bấy lâu nay”. Thế nào là bốn?
Do không hiểu rõ và không thể nhập Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo, nên các ông và Ta đã phải dong ruổi, lưu chuyển trong vòng luân hồi dài đằng đẵng bấy lâu nay, do không hiểu rõ và không thể nhập Thánh đế về Khổ tập, do không hiểu rõ và không thể nhập Thánh đế về Khổ diệt, do không hiểu rõ và không thể nhập Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, nên các Ông và Ta đã phải dong ruổi, lưu chuyển trong vòng luân hồi dài đằng đẵng bấy lâu nay.
Nhưng nay, này các Tỷ-kheo, Thánh đế về Khổ này đã được hiểu rõ, đã được thể nhập, Thánh đế về Khổ tập đã được hiểu rõ, đã được thể nhập, Thánh đế về Khổ diệt đã được hiểu rõ, đã được thể nhập, Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt đã được hiểu rõ, đã được thể nhập. Hữu ái đã bị chặt đứt, những gì đưa đến tái sanh đã bị tận diệt (bhavanetti). Nay không còn tái sanh nữa.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Sau khi thuyết giảng như vậy, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
“Catunnaṁ ariyasaccānaṁ, yathābhūtaṁ adassanā;
saṁsitaṁ dīghamaddhānaṁ, tāsu tāsveva jātisu.
“Tāni etāni diṭṭhāni, bhavanetti samūhatā,
ucchinnaṁ mūlaṁ dukkhassa, natthidāni punabbhavo. ”
“Do không như thật thấy,
Bốn sự thật bậc Thánh,
Phải lâu ngày luân chuyển,
Trải qua nhiều đời sống.
“Khi chúng được thấy rõ,
Mầm tái sanh nhổ sạch,
Gốc khổ được đoạn tận,
Nay không còn tái sanh.”
—-*—-
Tác giả: Bản tiếng Anh của Pa Auk sayadaw, thiền lâm Pa Auk, Myanmar
Dịch từ Anh sang Việt: Tâm Chánh
Chú thích:
[1] Hình chụp năm 2010:
http://thienviennguyenthuy.wordpress.com/2010/02/17/hanh-h%C6%B0%C6%A1ng_ph%E1%BA%A7n-8-sarnath/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét