MẶT TRÁI CỦA NGHI LỄ

*Nghi : là dáng , mẫu , nghi thức , nghi lễ , khuôn phép …
* Lễ : là lễ giáo , lễ bái , cúng tế , tôn thờ , cung kính …

- Nghi lễ như vậy có ý nghĩa rất rộng , bao trùm hành vi , thái độ , tín ngưỡng , văn hoá ngôn ngữ , phong cách của con người và xã hội . Trong nghĩa hẹp thì nghi lễ là nghi thức hành lễ tụng niệm mang tính tín ngưỡng thờ phụng của một tôn giáo .
Để bày tỏ niềm tin , lòng thành kính của mình đối với Đức Phật , chánh pháp và chúng Tăng , người phật tử đảnh lễ cúng dường , ca ngợi Tam bảo . Niềm tin Tam bảo sâu sắc sẽ tạo một sự chuyển hoá trong tâm hồn con người . Người tu tập dựa vào đức tin cũng có những tiến bộ tâm linh nhất định . Trong Kinh Trung Bộ , Đức Phật đề cập đến 7 quả vị tu chứng , trong đó quả vị :" Tuỳ tín hành" là một ; quả vị này thuộc về tình cảm hay niềm tin vững chắc đối với Tam bảo .
Trong ý nghĩa tôn giáo , nghi lễ là một món ăn tinh thần cần thiết của tín đồ .
 Duy trì và phát triển đạo pháp là nhiệm vụ của người Phật tử,phát triển tín đồ là nhiệm vụ của cán bộ Giáo hội, nhất là các vị trụ trì. Để làm tốt nhiệm vụ đó, người trụ trì phải nắm vững nghi lễ.Thực hành nghi lễ đúng mức sẽ là phương tiện sắc bén để hoằng pháp.Tuy nhiên, nếu không vững vàng bản lĩnh, ta có thể biến nghi lễ thành mê tín dị đoan, biến Đạo Phật thành tà đạo. Nhu cầu nghi lễ của quần chúng rất khó kiểm soát, có những yêu cầu về nghi lễ rất phi lý nhưng không ai hướng dẫn hoặc mạnh dạn bác bỏ nên chúng tồn tại một cách có hại. Người trụ trì vững chãi về nghi lễ và hiểu rõ ý nghiã của nó sẽ dễ dàng hướng dẫn quần chúng đi vào chánh pháp. Bằng ngược lại, mình sẽ làm công không cho tà đạo, tuyên truyền giùm họ những nghi lễ vốn không được chấp nhận trong đạo Phật, điều đó dẫn đến sự pha loãng phẩm chất tốt đẹp của đạo Phật.
Sử dụng nghi lễ như là phương tiện độ sanh cần phải có định hướng rõ và nhất quán, nghĩa là nghi lễ phải có ý nghĩa và nội dung đúng chánh pháp.Như vậy nghi lễ mới có ích cho đạo pháp.


Yếu tố nghi lễ đối với Phật giáo không được coi trọng mấy so với yếu tố triết lý hay tu tập , thiền định . Bởi lẽ , nghi lễ thoả mãn nhu cầu cảm xúc mang tính sơ khai của một người mới vào đạo . Vì vậy , nghi lễ dễ bị đi lệch hướng , dẫn đến hạ thấp giá trị của nghi lễ . Nghĩa là cũng có những tác dụng tiêu cực , có thể có 3 phương diện tiêu cực như sau :
1. Nghi lễ là phương tiện kiếm sống :
Có một bộ phận Tăng Ni hành nghề cúng bái để sinh sống ; họ đáp ứng mọi yêu cầu về nghi lễ của quần chúng với điều kiện giá cả thoả thuận có chùa còn niêm yết bảng giá của một khoá lễ là bao nhiêu , tuỳ theo thời kinh dài hay ngắn , lễ lớn hay nhỏ . Vai trò của họ một mặt nào đó cũng góp phần vào công việc hoằng pháp nhưng chủ yếu là lợi ích về kinh tế . Họ không cần phải thực hành nghi lễ đúng chánh pháp mà tuỳ thuộc vào đối tượng cần cái gì theo tiêu chuẩn của kinh tế thị trường :" Khách hàng là thượng đế". Vì vậy , lễ nào cũng đáp ứng sẽ làm cho giá trị của nghi lễ bị hạ thấp . Qua đó , một bộ phận nhân dân ngoài xã hội nhìn vào đạo Phật qua khía cạnh nghi lễ của các vị này , và họ xem đạo Phật như là một loại tín ngưỡng dân gian thấp kém .
Một vị tu sĩ trở nên một thầy cúng , thường thì không cần phải tinh chuyên giới luật hay học hành kinh luận gì , chỉ cần nắm một ít nghi lễ là được . Đó là tai hại của nghi lễ trong ý nghĩa tiêu cực .
2. Nghi lễ và mê tín dị đoan :
Vấn đề nghi lễ chân chính , đúng chánh pháp và nghi lễ không đúng chánh pháp ít ai đặt ra cho phân minh . Sự mập mờ của nó làm cho nghi lễ dễ bị lệch lạc . Nhu cầu nghi lễ của quần chúng rất đa dạng và phức tạp . Tuỳ theo tín ngưỡng địa phương , phong tục tập quán văn hoá của từng vùng mà yêu cầu nghi lễ trở nên phức tạp đa dạng . Tiêu chuẩn của nghi lễ chân chính không rõ , chỉ dựa vào trình độ của một vị thầy mà sắc thái nghi lễ của nơi ấy đúng hay sai . Ngày xưa có một số người ngoài xã hội , họ hành nghề bối toán thiên văn , địa lý , ngày giờ tốt xấu , trừ tà , trừ quỷ , rước hồn vớt xác , cúng hình nhân thế mạng , đốt vàng mã … Ngày nay các loại nhu cầu ấy đều nằm ở trong chùa . Có nhu cầu đương nhiên phải giải quyết nhu cầu . Nếu vị trụ trì không vững chãi , không đủ trình độ thì dễ dàng biến chùa thành nơi hoạt động mê tín dị đoan .
Mê tín hay chánh tín khác nhau căn bản ở chổ ý nghĩa đạo lý của nghi lễ ấy , nội dung phải phù hợp với đạo lý nhân quả , nghiệp báo , duyên sinh . Nếu người chủ lễ thông suốt về nội dung và mục đích của cuộc lễ , có thể biến tà đạo thành chánh đạo . Như chàng Sigala theo ngoại đạo lễ bái lục phương với ý nghĩa cầu thần 6 phương phù hộ Đức Phật chỉ cho anh ta ý nghĩa khác mang tính đạođức hơn . Đó là 6 mối quan hệ trong gia đình và xã hội . Nhờ vào sự hướng dẫn sáng suốt của các vị trụ trì , quần chúng sẽ dần dần chuyển hướng đúng theo chánh pháp .
3. Nghi lễ làm cho đạo Phật thuần tuý tín ngưỡng :
Nghi lễ nếu được coi trọng thực hành thường xuyên và không có gì thêm nữa thì nó sẽ đưa đạo Phật trở thành tín ngưỡng thuần tuý . Nghĩa là đạo Phật sẽ đánh mất phần cao siêu và giá trị là trí tuệ và giải thoát . Niềm tin vào thần thánh , cúng tế cầu nguyện là tín ngưỡng phổ thông . Nếu không có phần triết lý đạo học , thì đạo Phật sẽ đứng ngang hàng với các tín ngưỡng dân gian khác . Nghi lễ như vậy không còn là phương tiện nữa mà trở thành mục đích cứu cánh .
Có nhiều người nhìn Đạo Phật qua các khía cạnh tín ngưỡng , coi những người phật tử là những người chuyên :" Cầu trời khẩn Phật" và những ông thầy tu chỉ biết quỳ gối lạy lục cầu xin . Tín ngưỡng dù là một loại hình văn hoá nhưng nó không biểu hiện sự giải thoát giác ngộ và thoát khổ được Đạo Phật chỉ coi tín ngưỡng là bước đầu tiên mà thôi . Do đó , nghi lễ dễ biến đạo Phật thành một loại tín ngưỡng thuần tuý .
(Sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét