Nhà ngoại cảm với biệt tài... gây tai họa

Trong giới cô đồng, “cậu” Hồng (hành nghề tại Duy Tiên, Hà Nam) là một “thương hiệu” có sức hút lớn với lời đồn về biệt tài chuyên tìm mộ liệt sỹ. Khách đến nhà “cậu” thường ổn định ở mức hàng trăm người, có khi lên tới 400 - 500 người với một niềm tin cháy bỏng là nhờ tài “cậu”, những hài cốt liệt sỹ thất lạc từ cả vài chục năm sẽ được tìm, đưa về quê cha đất tổ để hương khói cho ấm lòng.


Tuy nhiên, khi mà biệt tài tìm mộ liệt sỹ chỉ mới dừng lại ở những tin đồn, chưa được chứng minh xác thực thì phóng viên lại khám phá thêm “cậu” Hồng có một biệt tài khác là... gây tai họa cho một số con nhang, đệ tử đến cậy nhờ tìm mộ.


Bài 1: Bát nháo “chộp” hồn


Vượt quãng đường hơn 70 km từ Hà Nội về Hà Nam, trong vai những người nhà có thi hài liệt sỹ còn thất lạc, phóng viên và những người bạn đã tìm đến trung tâm gọi hồn, triệu vong của “cậu” Hồng tại xã Châu Sơn, huyện Duy Tiên. “Cậu” là một... phụ nữ tuổi ngoài 40 tuổi với họ tên đầy đủ: Hoàng Thị Hồng.


Chửi bậy để triệu vong


Nằm sâu trong một con ngõ nhỏ với những ngôi nhà đơn sơ, khu điện thờ của cậu Hồng không vì thế mà khó tìm bởi ngay từ đầu huyện, hỏi nhà “cậu” Hồng thì ai cũng biết đường và tận tình chỉ giúp.


Một gia đình đang ngồi áp vong.


Cách nhà “cậu” chừng 700m là la liệt những quán hàng hương hoa các loại. Khi chúng tôi tạt vào mua lễ, chủ quán ai cũng ca ngợi hết lời tài phép của “cậu” Hồng cùng những lời hướng dẫn rằng: Phải đi đông người, nhiều phụ nữ thì mới có hiệu quả. Lời khuyên trên quả thật chân thành khi 3 người đàn ông chúng tôi đến diện kiến “cậu” Hồng đã bị một người phụ nữ bán cơm trong khuôn viên khu gọi hồn nhắc: “Đến ba người đàn ông thế này không được đâu. Về tìm thêm mấy người phụ nữ nữa rồi mai tìm gặp”.


Biết là công cốc nên chúng tôi đành phải tìm đường ra về khi len lỏi qua hàng trăm người đang ngồi la liệt trong sân, ngoài ngõ ở tư thế mắt nhắm nghiền, miệng lẩm bẩm. Mọi khoảng trống không gian sân ngõ vốn rất rộng ở quê đều được phủ kín bởi những đám người đến tìm mộ.


Ngày tiếp theo, sau khi đã tập trung “lực lượng” với việc bổ sung 3 cô bạn, chúng tôi đường hoàng tiến vào khu gọi hồn với lễ lạt trên tay. Đang mải miết quan sát hàng trăm con người đang “thiền” ngang dọc trên những manh chiếu được giải khắp sân ngõ, chúng tôi bất chợt bị thu hút bởi một tiếng chửi bậy, quát lớn được lặp đi lặp lại: “Đ.M! Hít sâu vào! Thở mạnh ra!”. Mọi người xôn xao nhìn về phía có tiếng quát. Một manh chiếu gồm 7 người đang ngồi mắt nhắm nghiền. Một người phụ nữ ngoài 40 tuổi đang quát tháo. Mọi người xì xào: “Cậu đấy! Cậu đấy!”.


“Cậu” đi khuất sau những tiếng quát mắng, gương mặt một người phụ nữ méo xệch rồi òa khóc. “Thế là vong về rồi!”. Mọi người lại tấm tắc khen “cậu”.


Quan sát thêm, chúng tôi thấy một nhóm 2-3 người đi đi lại lại giữa đám người được ngồi trong các chiếu rồi quan sát xem có ai đang nhập tâm. Ngay lập tức, tiếng quát lại vang lên: “Hít sâu vào, thở mạnh ra!”. Kèm theo đó, thi thoảng là câu chửi bậy cửa miệng: “Đ.M!”. Hỏi ra, chúng tôi mới biết nhóm người trên là đệ tử ruột của “cậu” Hồng. Việc quát chửi trong nỗ lực mời vong về là một phong cách đặc trưng của “trung tâm gọi hồn, triệu vong, tìm mộ” của nhà “cậu” Hồng.


Vong giả và màn kịch gọi hồn


Sau một hồi đi lại, quan sát, phóng viên lân la vào làm quen với chủ quán cơm chuyên phục vụ các khách đến gọi hồn, tìm mộ. Quán cơm là một nhà cấp 4 nằm sát vách nhà “cậu” Hồng. Ngoài việc quản quán cơm, bà chủ còn quản thêm 2 phòng vệ sinh với tấm biển ghi giá 1.000 đồng/lượt. Tính nhẩm, với số lượng khách vài trăm người mỗi ngày, tiền đi vệ sinh mà gia chủ thu được cũng khá đáng kể.


Người của “cậu” Hồng đứng quan sát dấu hiệu của các đoàn người để “chộp” vong.


Sau khi đặt một mâm cơm thịnh soạn, nhóm chúng tôi được bà chủ để ý hơn nhiều. Thấy bà chủ hỏi dò mấy thông tin tìm mộ cho ai, ở đâu, phóng viên bắt đầu “diễn” theo kịch bản đã lên từ trước: “Quê gốc bọn cháu ở Bắc Giang. Cháu có một ông chú tên là Đức bị hy sinh trong kháng chiến... Đi xem bói thì ai cũng bảo ông chú ấy rất thiêng, cần phải tìm về. Thầy bói cũng bảo ông chú trên hợp và luôn đi theo cháu. Nhà cửa ông bà đã già, bố mẹ thì lại đi công tác liên miên nên đành để cháu dẫn các em xuống gặp “cậu” để tìm ông chú về. Trước là hiếu thuận với người đã mất. Sau là để người còn sống được an lòng...”.


Trình bày xong, chúng tôi được chủ quán bố trí cho một chiếc chiếu cũ và một góc sân với lời hướng dẫn: Ngồi yên, nhắm mắt, nhập tâm, nhớ về người cần tìm, cứ đợi thì ắt vong sẽ về!


Làm theo lời chỉ dẫn, chúng tôi ngồi yên tại một góc khuất với tư thế mắt nhắm nghiền. Tuy nhiên, tâm trí chúng tôi không thể tập trung bởi thi thoảng, những tiếng quát lại vang lên: “Đ.M! Hít sâu vào! Thở mạnh ra!”.


Qua một buổi sáng, chúng tôi không được bất kỳ ai có khả năng gọi hồn đoái hoài. Chiều đến, phóng viên và những người bạn lại tiếp tục “ngồi thiền”. Mắt nhắm nghiền, gật gù, tấm thân run lên khi hứng những làn mưa phùn lạnh ngắt (khi đó là một ngày cuối đông năm 2010), bất chợt, chúng tôi nghe tiếng xì xào: “Hình như vong về rồi kìa”.


Tích tắc sau, một người đàn ông hiện ra trước mặt phóng viên. Ông ta quát to: “Hít sâu vào, thở mạnh ra!”. Phóng viên cười thầm: “Ông ta đang áp vong vào người mình!”. Màn kịch gọi hồn chính thức bắt đầu.


Bi hài nhà ngoại cảm triệu vong tìm mộ
Đám người bên ngoài nhốn nháo bàn ra, tán vào: “Vong nhập rồi đấy. Nhà này may thật, vừa mới đi đã được. Có nhà mấy ngày liền không mời được vong về”. Người đàn ông vẫn cứ điệp khúc: “Hít sâu vào! Thở mạnh ra!”, còn phóng viên tiếp tục cho... vong nhập.





Tra khảo... vong



Nghe đồn rằng những người bị vong nhập ở nhà “cậu” Hồng sẽ ở tình trạng mất kiểm soát về ý thức, người hay run lên, miệng thường cất tiếng rên ư ử, phóng viên cũng giả vờ làm y như vậy.


Phóng viên (ngồi bên trái) đang đóng giả bị vong nhập và trả lời đệ tử “cậu” Hồng (ngồi bên phải).


Màn kịch này lập tức phát huy hiệu quả khi người đàn ông áp vong nhìn thẳng vào phóng viên và điềm tĩnh phán: “Về rồi! Về rồi! Giờ đồng chí cho tôi hỏi nhé!”. Phóng viên run người lên vì cố nhịn cười, tiếp tục giả đò gật, gật cái đầu ra chiều đồng ý.
“Thế đồng chí tên gì? Ở đâu?” - người đàn ông cất lời.    


“Tao tên Đức, ở Bắc Giang. Tao hy sinh lâu rồi, sao không tìm tao về?” - phóng viên trả lời theo đúng “kịch bản”.


Nhóm bạn của phóng viên cũng khúm núm: “Bác ơi! Chúng cháu là con cháu trong nhà đây. Chúng cháu xin lỗi. Mọi người nhớ bác lắm! Nhất là bà, ngày nào cũng nhắc tên bác. Bà bảo, phải tìm được bác về thì bà mới yên tâm”.


“Đúng rồi! Nịnh đi! Vong hay giận dỗi lắm!” - nhóm người xem áp vong ở nhà “cậu” Hồng xúm vào nói.


Lúc này, người đàn ông lại nói tiếp: “Thôi được rồi, bộ đội không được xưng tao. Giờ tôi hỏi, đồng chí trả lời nhé!”.


- Đồng chí hy sinh năm bao nhiêu?
- 72.
- Ở đâu?
- Quảng Bình.
- Chỗ nào Quảng Bình?
- Lệ Thủy.
- Xã nào của Lệ Thủy?
  ...
“Bây giờ, tôi lấy bản đồ ra chỉ cho đồng chí, rồi đồng chí xác nhận chỗ đồng chí đang nằm. Nhưng nói trước là bây giờ chỉ còn đất thôi chứ không còn xương cốt gì đâu nhé!” - người đàn ông kết lại sau một hồi đối đáp với “vong”.


Nói đoạn, người này đưa ra một tấm bản đồ chi tiết về huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Sau đó, ông ta tuần tự đọc một loạt tên các xã thuộc huyện này. Khi người này hỏi: “Xã Phú Hải phải không?”, phóng viên gật đầu lia lịa. Người đàn ông liền chộp lấy: “Đồng chí ở xã Phú Hải hả? Được rồi! Thế lấy UBND xã Phú Hải làm trung tâm, đồng chí cho biết mình nằm cách xa trung tâm khoảng bao xa?”.


- Gần 2 km.
- Gần 2 km hả? Thế thì khoảng 1,8 km nhé! Thế đồng chí nằm ở độ sâu bao nhiêu?
- 2m.
- Được rồi! Đồng chí cho biết hôm nào thì người nhà có thể vào đón đồng chí về?
...


Câu chuyện “triệu vong, gọi hồn” cứ thế tiếp diễn. Cho đến khi hỏi hết thông tin, người đàn ông này liền đứng dậy. Thấy vậy, phóng viên tiếp tục “diễn” một hồi, giả vờ run lên rồi nằm vật ra chiếu. Mọi người bên ngoài xúm lại nói: “Vong ra rồi. Mệt lắm đấy! Đưa vào nhà nằm nghỉ đi!”.


“Hợp đồng” tìm mộ


Sau một hồi nghỉ ngơi, nhóm “diễn viên không chuyên” chúng tôi cử người ra gặp người đàn ông vừa gọi hồn, triệu vong. Người này tự xưng tên Tuấn, là một đệ tử ruột của “cậu” Hồng. Tuấn là một người đàn ông gần 40 tuổi, dáng người đậm. Tuấn cho phóng viên số điện thoại để liên lạc, đồng thời dặn phóng viên: Trước khi đi tìm, cần phải xuống Hà Nam một lần nữa để áp vong, “cậu” sẽ trực tiếp làm!


Những ngày tiếp theo, phóng viên và Tuấn liên tục có những trao đổi qua điện thoại với nội dung bàn việc tìm mộ. Theo đó, sau khi đã định được ngày, phóng viên và những người bạn sẽ đến nhà “cậu” Hồng để áp vong một lần nữa. Sau khi có được thông tin chính xác, đoàn tìm mộ sẽ khởi hành.


Trong một lần trao đổi với phóng viên, Tuấn gợi ý sẽ cho thuê xe ôtô chở đoàn vào Quảng Bình với giá 7 triệu đồng. Người nhà của vong sẽ phải chi tiền đi lại, thuê phương tiện, tiền lễ. Còn về khoản tiền bồi dưỡng cho “cậu” Hồng và các đệ tử, Tuấn phán một câu: “Tùy tâm, cám ơn bao nhiêu cũng được!”.


Hoài nghi những nấm mồ


Trong quá trình “giao dịch” với Tuấn, phóng viên cũng có dịp tiếp xúc với nhiều gia đình cất công đi tìm mộ. Ông Toàn, một người dân ở Gia Lộc, Hải Dương, đang công tác tại một đơn vị quân đội tại Hà Nội cho biết: “Nhà tôi nhiều lần qua nhà “cậu” Hồng tìm mộ. Ngoài chi phí thuê xe khoảng chục triệu mỗi lần ra thì còn nhiều thứ chi phí khác như lễ lạt, cám ơn. Tiền cảm ơn nói là tùy tâm nhưng ai dám trả ít. Nó cũng phải rơi vào mức tiền triệu mỗi tháng. Tôi có một điều trăn trở là cả hai nấm mộ mà nhà tôi nhờ “cậu” Hồng tìm về chỉ là những nấm đất, khó xác định rõ thực hư”.


Tiếp tục lần tìm những địa chỉ khác từng nhờ “cậu” Hồng tìm mộ, phóng viên đến xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, Thái Bình. Đây là một trong những nơi có phong trào tìm mộ rầm rộ trong vài năm qua với niềm tin được các gia chủ đặt vào “cậu” Hồng rất cao. Theo cô Phan Thị Thủy (ở xóm 6, xã Nguyên Xá), xã này nếu tính sơ sơ cũng có vài chục người nhờ “cậu” Hồng tìm mộ.


Tuy nhiên, hầu hết những ngôi mộ tìm được chỉ là nấm cát, đất. Cũng có nhà được chỉ tới một ngôi mộ, nhưng đó lại là mộ vô danh. Cá biệt có trường hợp nhà bà M ở xóm 2 được chỉ tới một ngôi mộ trong nghĩa trang nhưng khi chuẩn bị khai quật thì có người khác ra chứng minh rằng đó là mộ nhà người ta nên đành bỏ cuộc. Trao đổi với phóng viên, các hộ gia đình nêu trên xác nhận lời cô Thủy nói.


Quay trở lại với trường hợp đi tìm mộ “liệt sỹ” của phóng viên, khi Tuấn giục chúng tôi xúc tiến nhanh quá trình đi tìm “mộ”, phóng viên đã tìm cớ thoái thác bởi trên thực tế, làm gì có vong hồn ấy và ngôi mộ ấy! Không có vong, vẫn triệu được vong. Không có hồn, vẫn gọi hồn về được. “Tiềm năng con người” của địa chỉ “cậu” Hồng thật khiến người ta kinh hãi đến... tức cười. Và với khả năng ngoại cảm “bịp” ấy, không biết đã có bao nhiêu con người cả tin trót tôn những ngôi mộ vô danh, bao nhiêu những nắm đất vô tri, vô giác đã được tôn lên là hài cốt người dũng cảm hy sinh vì Tổ quốc?


Còn nữa…

(Theo Pháp luật Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét